1.
Ly không phải là cô gái đẹp nhất xứ này. Tôi dám chắc như thế. Học trò tôi ở mấy lớp đệ nhị cấp có nhiều đứa đẹp hơn Ly nhiều. Nhưng Ly được hợp bởi mọi vẻ duyên dáng ưa nhìn. Thân hình thon, không cao không thấp, đôi mắt màu hạt giẻ, hai chân tròn lẳng.
Con người ấy hay tựa cửa nhìn sang nhà tôi trọ và bao giờ trong tay cũng có một quyển sách. Sách gì? Tôi không biết. Nhưng luôn luôn tôi thấy nàng chăm chỉ đọc. Có lúc Ly ngồi vào bàn, mở ra mấy tập sách dày cộm hẳn như tra cứu. Mà tra cứu gì? Thắc mắc ấy lâu ngày không ai giải đáp rồi cũng thôi. Ly bỏ học hơn một năm. Nghe đâu bỏ học vì thích bỏ học chứ chẳng phải phạm lỗi nhà trường, cũng không phải lười hay kém thông minh.
Nhan sắc và cách sinh hoạt của người con gái ấy không khiến tôi chú ý bằng lối phục sức của nàng. Tôi có thể nói Ly là một trong những cô gái có nhiều áo nhất đời này. Hơn một tháng tôi đến trọ ở đây, ngày nào cô ấy cũng diện hai sắc, thế mà tôi chưa thấy một cái áo nào đến lượt mặc trở lại. Năm ngày chúa nhật, nàng diện năm kiểu áo đầm đi dự lễ. Nàng có tài chọn màu sắc đối với một nơi nhiều lá cây, nắng vàng rực rỡ và trời thường xanh cao.
Công việc mà tôi thấy Ly cần mẫn mỗi ngày là quét hoa sứ đổ xuống hiên nhà vào lúc sáng sớm. Quét rất trầm tĩnh, rất đều tay bằng cái chổi đót cán dài hơn thước. Bao giờ đến ngang gốc sứ ngoài cùng, nàng cũng đứng thẳng người lên hất tóc ra sau, ngơ ngẩn nhìn sang nhà trọ tôi rồi lại cúi xuống đùa xác hoa sứ vào một cái giỏ mây.
Có đêm tôi thấy Ly sống lãng mạn đáo để. Nàng thức rất khuya, và khi trăng vừa lên nàng tắt đèn, thơ thẩn đi lại một mình trong vườn. Dáng nàng thấp thoáng sau dãy sứ, đầu hơi gục xuống. Những đêm như thế, đứng một mình bên hiên này, tôi thèm những bước chân của Ly vô kể. Nhưng tôi vẫn không qua được con đường để xuống thẳng khu vườn ấy. Có lẽ bởi đêm ở cao nguyên bao la quá, hay từ trung châu lên tôi chưa quen với đất rừng đá núi?
Nhưng sáng nay chúa nhật, hãy góp một khuôn mặt mới trong cuộc đời tẻ nhạt của mình, tôi nghĩ thế. Và khi Ly đong đưa chiếc jupe màu thanh thiên đi lễ về tôi đứng dậy và bước qua đường. Đôi mắt màu hạt giẻ nhìn tôi một thoáng rồi bước vào lối ngõ. Tôi nói:
- Cô cho tôi xin một cành hoa.
Trên khuôn mặt lạnh lùng ấy hé một cái cười điềm đạm e ấp:
- Ông xin hoa gì? Nàng ngập ngừng: đào hay sứ?
- Gì cũng được.
Ly đưa tôi vào vườn.
2.
Chiều thứ bảy, tôi ngước mặt nhìn lên một ngọn cây trong vườn, rùng mình nghe lạnh. Phải làm gì cho hết những giờ giấc không việc thật dài. Đọc sách. Ngày nào mà mình chẳng đọc. Viết lách. Đêm nào mà mình chẳng gắng viết. Mà những thứ ấy đâu phải lúc nào bắt tay cũng được. Cái gì rồi cũng có hạn, huống là môi trưòng tinh thần. Mình còn trẻ, giam thân ở đây mãi thế này có ngày trở thành một thứ tu sĩ khắc khổ nhất trần gian. Chúng mình đang vùi xuân xanh xuống lá khô của rừng núi. Ngày tháng heo hút bỏ quên vô tình như gió, như không phải của ta, như không phải của lũ học trò, nhưng là của một cổ thụ quên chuyện thời gian. Hôm qua anh bạn đồng nghiệp buồn rầu than thở với tôi như thế. Tôi không hoàn toàn nghĩ vậy, nhưng nhìn con người anh ta gầy khô đét ra, tôi im lặng không nói gì. Tôi nghĩ cái gì ở đây cũng có, nhưng mình chưa hòa hợp vui sống đó thôi. Có lẽ vì những xa lạ của địa phương với quê hương mình từ mặt đất lồi lõm những đồi những núi, đường lượn sóng hai bên ngút ngợp những cây, đàn bò buổi chiều qua phố, trời cao và trong xanh.
Nhưng tất cả đều là đất nước mình! Nhưng tất cả đều là dân Việt mình. Có lẽ nào lòng dạ mình kỳ thị như thế. Này nhé, đôi bàn tay trắng, chưa gia đình, chưa sự nghiệp, chưa công danh… những thứ ấy mỗi phận người sẽ thiết tha ghê gớm. Bởi nó khỏa lấp nỗi trống trải. Bởi nó sưởi ấm nhịp đi của mình nhấc lê từng bước. Bởi nó là rễ của một đời người đâm sâu vào xã hội. Bởi nó có thể làm cho ai hể hả cười trước khi nhắm mắt vĩnh viễn. Bởi nó là bài học dạy cho kẻ đến sau thỏa hiệp với loài người. Nhưng tôi đã được những gì. Tôi đang giữ tôi lại cho tôi khỏi nổi trôi giữa những ngọn đồi cô độc ở cao nguyên. Ý nghĩ ấy khiến tôi đi thẳng ra hiên, ra vườn. Tôi hạ từng giò lan xuống, bắt sâu, tưới nước rồi đem treo ở chỗ bóng mát. Từng vòi lan dài lá khô bạc. Ra xuân hoa nở tôi sẽ theo hương sắc mà đặt tên cho chúng.
- Ông làm gì mà trầm ngâm ra thế?
Tôi quay lui. Ly đang lẩn thẩn đi vào. Chiếc áo màu tím than làm buổi chiều dịu lại. Tôi trả lời Ly bằng cách đưa mắt nhìn mấy giò phong lan. Nàng mỉm cười e ấp như ngậm lấy lời mình muốn nói. Tôi mời Ly vào nhà. Nàng nói:
- Trời hôm nay không lạnh lắm đâu.
Rồi Ly nhìn thẳng vào tôi, cười thật ranh mãnh. Tôi hiểu ý:
- Cô tưởng tôi dân Huế chịu lạnh không nổi sao?
Sau đó tôi kể cho Ly cái lạnh ở Huế. Mùa đông, mưa lai rai suốt tháng, lạnh đến nhức xương và nứt da môi. Lạnh đến bỏ ngủ và ốm người. Lạnh ở Huế ẩm ướt tôi còn chịu được, huống gì ở đây lạnh khô. Ly ờ một tiếng nhẹ trong cổ rồi vẻ mặt như muốn quên chuyện ấy đi. Một con sáo từ vườn sau bay sang ngọn dừa, hót mấy điệu líu lo thật dài, âm thanh từ thấp lên cao. Tôi có cảm tưởng ai vạch vào phiếm dương cầm từ bên này sang bên kia. Ly đưa mắt ngước nhìn lên, lông mi sắc và cong vút. Con sáo mài mỏ vào dọc dừa, nghểnh mặt về phía rừng rồi bay đi. Ly quay lại và bắt gặp tôi đang chăm chú nhìn nàng. Một thoáng bối rối trong mắt, Ly nói:
- Ông thích nghe điệu buồn hay lời vui?
Chiều xuống thật đều trong vườn. Phần còn lại của cuộc gặp gỡ hôm nay, cả hai đều im lặng. Bóng tối như viền đậm bờ mi mắt Ly.
3.
Tôi ấy à? Không, người Huế mà. Nhưng bởi sinh ra ở đây lớn lên ở đây nên nói giọng ở đây. Ba tôi người làng Kế Võ đấy mà. Ở ngoài mình hẳn ông dư biết, có những làng kỳ dị hết chỗ nói. Dân Xuân Thiên mỗi năm phải đi ăn mày mấy tháng. Dân La Chữ hay chữ nhất kinh đô. Dân Hiền Lương độc quyền thợ rèn. Dân Nam Phổ nổi tiếng nấu bánh canh. Dân An Thuyên thì bánh tét. Còn dân làng Kế Võ đặc biệt nghèo rớt mồng tơi. Ba tôi thường kể lại như thế, không biết có đúng hay không. Ông xa xứ quá lâu, năm mười bảy tuổi. Nhà nội tôi đã nghèo, thuở đó lại đói khắp nơi. Nội tôi đem bán đứa con thứ ba cho một người ở làng Diên Trường. Năm ấy ba tôi mới mười ba tuổi, ngày theo trâu ra đồng, tối về làm những việc vặt vãnh trong nhà chủ như xay lúa, giã gạo. Nhưng bốn năm sau, một chiều cho trâu về chuồng, ba tôi kiểm lại thấy mất một con nghé. Hoảng sợ, ông bỏ trốn qua làng Hà Thanh, sáng hôm sau theo bò lên cửa Trài. Trong túi không một đồng xu, ông phải la lết xin ăn mấy ngày ở phố Đông Ba, rồi theo bọn du thủ du thực đi tàu cọp vào Quảng Nghĩa, hỏi ra nhà người chú, nói láo đủ mọi cách để được ở lại. Ông chú thấy cháu lớn, muốn lợi dụng. Bà thiếm giao cho ba tôi việc đong nước mắm thùng vào chai, vào trĩnh sau khi pha chế thêm nước muối. Trong nhà có người giúp việc nhưng hầu hết là dân địa phương. Một người con gái tròn trĩnh, nước da trắng, cùng phụ việc với ba tôi. Quen biết, chung đụng lâu ngày, ba tôi trở nên thương cô ấy. Rồi hai người bỏ nhà trốn lên đây lập nghiệp. Ban đầu cả hai đều vào xin làm ở sở trà Dakđoa nhưng cứ ốm đau hoài vì thuở đó núi rừng cao nguyên còn chứa nhiều khí độc. Ba tôi bỏ về làm phu khuân vác hàng từ Bình Định lên. Má tôi cũng ở nhà vì lúc đó vừa sinh anh Thiết. Khi đã có chút vốn, ba tôi mở một lò hạ heo. Má tôi mang thịt ra chợ bán. Thuở đó heo bò khá rẻ. Một vốn bốn lời. Ba má tôi làm giàu như diều gặp gió, mặc dù má tôi cứ sinh năm một. Sau anh Thiết, đến anh Côn, nha Cường, anh Bản, anh Linh, chị Hường, chị Liễu rồi đến tôi và con Diệp. Anh Thiết học hơi muộn, mười sáu tuổi mới đổ tiểu học. Anh thông minh, được các cha ở dòng thương. Bốn năm sau anh về Qui Nhơn thi trung học, rồi được gởi vào Sàigòn học. Anh đi biền biệt đến hơn mười lăm năm. Ba tôi gởi tiền đều đều. Nghe đâu năm kia anh cưới vợ sau khi đã tốt nghiệp trường thuốc. À, anh có về thăm nhà một dạo chứ, nhưng không đem vợ theo. Hôm đó anh Thiết buộc ba phải từ bỏ cái nghề hạ heo bẩn thỉu ấy đi nếu muốn anh đưa vợ về nhà. Ba tôi dằn chén xuống mặt bàn, nói: “Thế cái gì đã nuôi mày ăn học cho thành người hôm nay đấy?” Anh Thiết không nói gì, vẻ mặt buồn như người ốm. Sáng hôm sau anh lấy vé vào Sàigòn sớm hơn anh dự định những một tuần.
Đôi mắt Ly tối lại, một chút xót xa thoáng qua trên vầng trán thanh bình.
- Còn anh Côn, anh Cường đến nay tôi đã quên mặt. Ba má tôi không muốn nói đến hai người ấy. Nhưng chị Hường có dịp là nhắc đến vì chính chị đã về tận Quảng Nghĩa gặp hai anh ấy trước khi tập kết ra Bắc. Còn anh Kinh mới hăm mấy tuổi đã hai ba đời vợ. Khi má tôi hết sanh, ba tôi lấy một người tớ gái làm lẽ. Anh Bản bỏ nhà ra đi. Ba tôi giận từ con. Anh vào lính. Nhưng trong số những người con, chị Hường khổ hơn cả. Chị ấy không được đi học nhưng lại có nhan sắc nhất nhà. Càng lớn chị càng đẹp hẳn ra. Má tôi thường hay ốm về mùa lạnh, không kham nổi công việc đưa thịt ra chợ mỗi buổi sáng, giao lại cho chị Hường. Và hằng ngày có khối đứa con trai đi qua hàng thịt, lả lơi đôi câu rồi giả quên cái thư. Chị Hường đâu biết đọc. Nhưng có người con gái nào vào tuổi ấy lại không muốn biết trong thư nói gì. Đêm khuya khi ba má đã lên giường ngủ, chị lần lại bàn học và dúi vào túi áo chị Liễu vài chục đồng. Có khi của hối lộ không sòng phẳng, hoặc giá thấp quá, chị Liễu không viết hộ thư trả lời, hai đàng lên tiếng lớn. Rồi ba biết. Ông uống rượu vào. Và thế là cơm dọn ra mà không ai dám ngồi ăn. Từ đó chị Hường thường khóc đêm vì tủi thân. Nhiều lần còn làm khổ má không ít. Chị oán hận không được đi học để trở nên thông thái như con Liễu, con Ly. Rồi chị đòi tự tử. Má phải đấu dịu, nuông chìu chị hơn bọn tôi để chị trông nom hàng và kiểm soát cả cái lò heo. Lúc này ba tôi không còn nhúng tay vào việc hạ heo, xuất tiền thuê người làm công nhưng mình phải kiểm soát. Chị Hường nắm giữ rương hòm chìa khóa trong gia đình. Và dù là một cô hàng thịt chị ăn diện hơn cả tiểu thư con quan. Buổi sáng chị đến là đưa thịt ra chợ phân phối cho bạn hàng. Khoảng thời gian còn lại chị chỉ còn một mỗi việc chăm chút nhan sắc. Vốn đã đẹp lại dư tiền sắm sửa, chị đẹp nhất ở con phố này. Mỗi lần ra khỏi nhà trăm con mắt đổ dồn về chị, trăm cái miệng xuýt xoa. Chị sinh ra kiêu kỳ hợm hĩnh. Chị bắt đầu vòi vĩnh một tấm chồng cao sang. Nhưng tầm tay của một cô hàng thịt thì có hạn. Lúc này chị không còn thuê chúng tôi đọc thư mỗi đêm nữa. Chị ném những cái thư tình diêm dúa vào kẹt cửa. Tôi thấy chị buồn hơn. Mỗi sáng chị không ra chợ nữa, công việc phân phối thịt nay về tay dì Hai. Tôi và chị Liễu ít khi về nhà, ở mãi trong ký túc xá bên các soeur. Nhưng hè năm đó tôi được ra ngoài. Và chị Liễu đã khám phá ra chị Hường phải lòng một vị giáo sư còn trẻ thuê phòng ông đang trọ đấy.
Ly ngập ngừng. Tôi hỏi:
- Nhưng ông ta đã có vợ?
- Không. Ly lắc đầu nhiều bận rồi tiếp: Nếu thế thì hỏi làm gì. Ông ta chưa có vợ và cũng rất mê chị Hường. Điều đó chị Hường không nói ra, nhưng tôi nhìn cung cách hai người tôi biết. Sáng nào chị cũng chưng diện thật bảnh lấy cớ ra phố nhưng chính là để đi qua trường học. Và ông giáo sư chiều đến lại gác cằm lên cửa sổ nhìn qua bên này. Tôi lại khám phá ra một điều này nữa: Chị Hường tập tễnh học đánh vần. Nhưng tuổi của chị đã lớn và chị rất cả thẹn, không muốn nhờ ai chỉ vẽ. Con Hiền, thằng Kim, con dì Hai, có chutện gì ở trong nhà mà không phóng ra ngoài. Vì thế chị câm nín trong bóng tối với những nét chữ vụng về trên trang giấy học trò. Cái lối học ấy còn lâu mới đọc nổi một trang sách. Cái lối tập ấy còn lâu mới viết nổi một cái thư.
Hơn hai tháng hè chúng tôi có mặt ở nhà, ông giáo sư có qua ba lần. Ông ta thuộc bề ngoài rất lạnh lùng như ông bây giờ đấy.
Tôi cười và tưởng đến mặt mình trong gương mỗi sáng.
- Nhưng đó là mẫu người có cuộc sống nội tâm sôi bỏng. Chị Liễu bảo rất thích kiểu người ấy. Nhưng tôi quyết chị Liễu mê dáng người thanh tú, đôi mắt sáng của ông ấy hơn là những tình cảm sâu kín trong lòng. Một hôm ông giáo sư qua nhà, nhưng chị Hường đi vắng. Chị Liễu và tôi ngồi tiếp chuyện thay. Được một lúc tôi bỏ ra vườn. Hai người còn lại ngồi nói chuyện say sưa, tương đắc lắm. Cho đến luc chị Hường về, chị Liễu miễn cưỡng đứng dậy. Đêm ấy, nửa đêm tôi nghe chị Hường khóc ấm ức. Sáng ra tôi có hỏi chị Liễu đêm rồi có nghe gì không. Chị lắc đầu và bảo tao ngủ mê lại còn mơ nữa thì làm sao mà nghe với nghiếc. Tôi vẫn còn giam mình ở đây. Bên kia vườn người đi không trở về. Vắng người cây khô, mùa hoa quên nở thương nhớ buồn buồn. Rồi chuyện ấy cũng qua. Nhưng cuối hè năm đó, khi chúng tôi sửa soạn vào trường, ông giao sư bắn tin đi hỏi chị Liễu. Ba thì sao cũng được. Con gái đông gả được đứa nào hay đứa nấy. Và người ta là chỗ danh giá, sao còn đãi đưa làm gì. Nhưng má tôi nhất quyết từ chối. Niên khóa ấy chỉ có mình tôi trở lại trường. Chị Liễu trốn nhà theo ông giáo sư ấy. Ba hôm sau chị Hường uống thuốc tự tử. Cái chết của chị nhẹ như một cơn gió thoảng, như một trời lạnh ngập xuống người tôi…
4.
“Đừng tìm cách gởi thư. Câm nín. Chớ thở dài. Tôi không dám để lòng mình một phút lung lạc rồi theo về với bóng tối. Hãy tìm một ngõ mới cho tâm hồn. Tôi yên phận trên những bước chân bó buộc, không vui, mà mong chúng ta phản bội được nhau. Thôi… tôi bối rối quá rồi. L.”
Mấy lời vắn tắt ấy Ly viết cho tôi trước khi vào tu viện. Bây giờ mùa đông đang lê nắng qua đất lạnh khô. May trời lãng đãng./.
Ý Thức số 14 ngày 1 tháng năm 1971