Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
734
123.237.093
 
Những Lớp Mây Phai
Hồ Minh Dũng

Cơn gió nam quét qua khu chợ, bỏ lại sự trống trải trong đôi mắt đứa bé lên năm, ngồi trong một góc lều nhỏ, mẹ nó đang ngủ say, thỉnh thoảng cựa mình vì đàn ruồi bu quanh khuôn mặt đen đúa. Thằng bé nhìn chăm vào mặt mẹ nó , lúc ngủ hai con mắt nhắm lại thấy lạ hẳn. Người đàn bà đó gần bốn mươi tuổi, mắc bệnh điên và không biết từ đâu xiêu lạc tới đây năm lụt lớn. Một đứa bé khác mới sinh vài tháng cũng đang ngủ, miệng ngậm lơ đễnh cái núm vú khô, buông thõng, già nua. Một vài giọt sữa rỏ xuống đất và đàn kiến đang lặng lẽ di chuyển đến. Khu chợ không còn một bóng người. Vài con chim sẻ lẹ làng từ trên cây cao nhảy xuống, cất tiếng hót rồi bay đi. Buổi trưa hè nực nội. Trời xanh cao không mây. Đàn bò nhốt trong xóm rống lên như bị chọc tiết. Bên kia sông, chân trời bị nong rộng ra, xa tấp. Những cụm núi cũng bị nắng làm mờ nhạt. Tượng Phật bà đứng chênh vênh trên một cồn bắp trắng xóa như có bao bọc một lớp sương mù. Giòng sông nước rút cạn, lúc nào cũng như bị tách rời ra khỏi đất liền, số phận lúc nào cũng mang trên lưng nỗi bơ vơ thầm kín và lạnh lẽo của một kẻ đến trọ trên đất người. Giòng sông buồn như sự nối dài những sợi tóc của một người đàn bà vì tình phụ. Mùa hè đến đã lâu nhưng những chiếc lá xanh của mùa xuân vẫn còn lại làm cho khu chợ lúc nào cũng che mờ bóng mát. Từ ngày cái cầu được bắt qua sông, khu chợ trở nên sầm uất. Chiếc xe sơn màu lam ngày nào cũng có mặt ở một nơi nhất định để bán thuốc quảng cáo, nhổ răng và lông quặm không lấy tiền. Cái loa thường xuyên phát ra điệu nhạc cải lương cũ kỹ kèm theo vài bản tân cổ nhạc giao duyên mà âm thanh trôi lềnh bềnh trên khu chợ, nó không giống một âm thanh nào, tự tách rời ra, một mình không tan biến nổi giữa khoảng không đầy những tiếng động khác.

 

Năm ngoái, cũng vào mùa nầy, không biết một trái sáng ở đâu bắn tới, rớt ngay trên đỉnh chợ. Lửa bốc cháy rực trời. Thiêu rụi cả những gian hàng tạp hóa, nhà tệ sinh và trạm thông tin ấp dán đầy bích chương, biểu ngữ. Cả mấy nhà cầu đơn giản ở mé sông cũng cháy rụi. Không một ai chữa lửa hôm đó. Lửa một mình lan rộng, tàn phá. Bọn nghĩa quân gác cầu cũng không rời vị trí phòng thủ. Lửa ở lại từ đầu hôm cho đến gà gáy sáng, rồi sau đó như trải qua một cơn giận dữ đã mệt mỏi, nằm xuống, tan biến đi. Đêm ấy, chỉ thấy độc nhất mụ điên cử động trong đám lửa tàn bạo. Hình ảnh mụ giống như một chiếc thoi đưa. Đến sáng, khu chợ như trải qua một mùa đông, lá cây trơ trụi hết. Tất cả chỉ còn một đống tro tàn.

 

Đứa con thứ nhất của mụ điên tên Thi, nó ra đi đã hơn hai năm chưa thấy về. Nó đi từ hồi mười sáu tuổi sau khi theo học hết lớp may âu phục do ty lao động tổ chức miễn phí. Sự gia nhập vào quân đội nó không gặp một trở ngại nào cả, mặc dù nó tẩy khai sinh thêm cho đúng tuổi thi hành nghĩa vụ. Ông thượng sĩ ở ban tuyển mộ lưu động còn hứa, sau khi ra trường sẽ cho nó ở hậu cứ may vá áo quần cho binh sĩ nữa… Trước đây, khi khu chợ chưa cháy, nó có về một lần trong bộ quân phục gọn gàng, tóc để dài vuốt thành đuôi gà, chải bóng mượt. Trên tay nó chằn chịt dấu chàm, khắc hình con gái khỏa thân và một vài hình thù kỳ quái khác. Nó mang về cho mẹ nó một bộ áo quần vải bông và một chai rượu ngoại quốc mua ở Sàigòn. Nó tự tay chuốc rượu cho mẹ nó uống rồi vui sướng kể lại những chặng đường mà hắn đã đi qua, từ khi ồ ạt theo đoàn quân tiến vào những mật khu rậm rạp cho đến những ngày theo sát gót địch trong các miền sính lầy đồng lát. Nó còn kể lại chi tiết cuộc gặp gỡ người con gái trên một chuyến bắc chiều qua sông Cửu Long. Mẹ nó lúc đó tỉnh táo lạ thường, đôi mắt toát ra sự tinh anh mà nó chưa lần nào thấy. Người con gái đó bây giờ đã thành vợ nó, thỉnh thoảng năn nỉ xin ra Trung một chuyến, nhưng thằng Thi lúc nào cũng viện cớ đường xá khó khăn. Có lần nó nói với vợ: Em cứ ở trong những ngày mong ước mới đẹp. Nếu anh đem ra Trung rồi thì em lấy gì ước mong nữa. Nó còn nói thêm để an ủi vợ: Bây giờ mìn bẩy đầy đường, ngày nào thanh bình, anh và em, nếu có con thì tất cả gia đình ra một lượt bằng tàu suốt, đi tàu vui lắm em ạ, chắc ngày ấy cũng không xa đâu. Chuyến trở về lần đó thật ra Thi chưa có phép đặc biệt, nó chỉ theo máy bay tháp tùng chiếc quan tài bạn hữu mà nó biết quê quán, ghé vô chợ thăm mẹ rồi vội vã ra đi. Mẹ nó trở lại cơn điên thường nhật, ngồi thản nhiên không nói mọt lời. Cơn mưa bôi trắng ngôi chợ, bôi trắng con đường cái và xóa đi những dãy nhà nằm bên kia đường. Thằng Tý vụt lên khóc nhưng tiếng khóc của nó chỉ thét lên rất ngắn rồi im bặt bởi vì cơn giông dữ dội đã giáng xuống chớp lửa trên cổng vào chợ. Ra đi từ dạo ấy không thấy nó trở về nữa. Ở nhà cái thai ngày càng một lớn trong lòng mụ điên. Thằng Tý ngày nào cũng đặt tay lên bụng mẹ, lòng vui không xiết kể, đôi khi còn thấy nó ghì tai vào bụng mẹ nghe ngóng với một cảm giác sung sướng. Có một sự gì đã rung lên, thắm vào bàn tay nó, thắm vào màng nhỉ tai nó, một sự êm ái tuyệt vời. Đến khi mụ điên sinh đẻ, đứa bé sơ sinh nằm trần trụi trong đống giẻ, thằng Tý thấm thía nỗi đau xót khi nhìn cái bụng mẹ nó co rúm lại, một bộ phận nào đã mất, đã thiếu hụt trong cơ thể yêu dấu của người mẹ. Nó vụt lên khóc. Tiếng khóc thật giống như hôm anh nó lên đường, thật ngắn và bị cắt đứt. Mụ điên sinh con thật dễ dàng. Mới đầu hôm khỏa thân tắm dưới sông, làm trò cười cho bọn người rỗi rảnh công việc mà nửa đêm nghe tiếng khóc o oe của đứa bé. Mụ đẻ một mình, tự cắt rốn con bằng chiếc dao chặt xương thịt vất trong nhà tể sinh. Mụ đem chiếc nhau chôn ở gốc cây bàng mới lớn. Xong xuôi mụ bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Sáng dậy không thấy một vết máu nào còn dính lại trên thềm chợ, mụ đã gột rửa sạch bằng một chiếc khăn tay không bao giờ giặc cả.

 

Nhìn đứa con mới sinh, mụ điên không sao khỏi hiện ra hình bóng của người tình nhân bạc bẽo. Người đó không biết ở đâu. Ghé qua ân ái năm ba phút trong bóng tối rồi trốn thoát. Đã mười sáu năm nay, chàng lúc ẩn lúc hiện như một bóng ma, chàng luôn luôn theo sát, trôi dạt phương trời nào cũng có chàng cả. Nhưng không bao giờ mụ được thấy chàng, và năm này qua năm khác chàng chỉ là một bóng đen linh hoạt, một chiếc bóng. Nhưng mụ điên có ngờ đâu, người tình mười sáu năm về trước đã bị phi cơ oanh tạc chết giữa một thửa ruộng lúa xanh mướt. Mụ có ngờ đâu mỗi đứa con của mụ là một cha. Cha chúng nó ở khắp nơi, nhan nhản trong xã hội, là những người quét chợ, là những kẻ đưa đò, là những kẻ ăn mày đêm về trú ngụ. Họ đủ cả, là những người giàu có lúc vợ đi buôn bán ở xa, là những bật thầy giáo lúc vợ lâm bồn, là những nhân viên xã ấp lúc đêm quá chén trở về, họ là những người đi chơi xóc dĩa, tứ sắc. Mụ điên không bao giờ nghĩ tới những nét mặt đạo mạo, oai nghiêm, giàu có, nhưng trong bóng tối, họ là những con chuột ghê gớm gặm mhấm từng đốt xương đau thương của một con người tàn tật. Bọn chuột ghẻ lở đã để lại những đứa con lớn lên nhờ cặn bã của khu chợ, nhờ những đồ thừa thãi vô ích không ai dùng tới.

 

Chiếc nhau mụ điên chôn nơi gốc cây bàng bị con chó mực của thầy đông y moi lên, kéo lê lết vòng quanh chợ, cả xóm đều ngửi thấy mùi hôi nôn mửa, có người tức bực đốt đuốc tìm kiếm, lục lọi khắp nơi nhưng vô ích, đến tản sáng con chó tha cái nhau băng qua đường, mùi hôi tràn ngập cả khu chợ, bọn trẻ con đua nhau đuổi con chó chạy vòng quanh chợ miệng ngậm chặt chiếc nhau. Đến nửa trưa, sau lời yêu cầu của ông đại diện xã, người nghĩa quân đem súng ra bắn, phát đầu con chó bị thương ở cẳng, máu chảy dầm dề nhưng vẫn cố gắng tha chiếc nhau chạy một đoạn rồi ngừng lại. Một phát súng nữa ghim vào đầu nó, trước khi chết con chó buông chiếc nhau ra và sủa mấy tiếng khàn khàn rồi im bặt. Cả xóm đổ xô ra xem đông đảo nhưng không ai nhìn ra hình thù chiếc nhau của mụ điên, trước mắt mọi người lúc đó là một con vật kỳ quái đã chết, một cánh chân rữa, một bộ lòng heo hay là một cái gì đó không ai biết được. Sau đó, bọn trẻ con đem ra đồng đào một lỗ chôn con chó cùng với chiếc nhau. Một hôm trong quán chè, người nghĩa quân buồn bã nói: “Chỉ mười ngày sau thì trên mộ con chó có một loài cây thật xanh và nếu không bị xe cày ủi đi thì chắc chắn sẽ nở một cành hoa đẹp.” Công việc xả ra mấy hôm thì mụ điên mắc bệnh nặng, ban đêm mụ rên ầm ầm, ban ngày mụ bồng con đi khắp chợ lảm nhảm những gì không nghe rõ. Hai đứa con của mụ chỉ có mấy ngày đã ốm như hai con thằn lằn mới đẻ. Ấy là một dịp cho cô giáo trường làng giảng một bài đức dục mà bọn trẻ lúc nào cũng vểnh tai nghe nước-chảy-qua-lá-khoai, không hiểu gì cả. Cô giáo đã nhiều lần nhắc nhở đến tình mẹ thương con và sự liên hệ ruột rà của người con đối với mẹ. Mụ điên và mấy đứa con là một vì dụ cụ thể. Đến giờ bãi học, trên đường về, mặc dù không hẹn hò, bọn học trò cũng tập trung đông đủ đến xem mụ điên nằm vùi trong góc đình chợ, hai đứa con ôm hai núm vú, nó ôm theo thói quen, hai chiếc vú xệ xuống và không còn giọt sữa nào nữa.

 

Khi ra khỏi chợ, con Lượng nói:

- Cũng vì thím đó mà cha tao đập bể một mâm cơm và cái radio.

Không có đứa học trò nào hỏi, con Lượng cũng không nói gì thêm. Trong trí hắn hiện ra nét mặt cay cú của mẹ hắn khi thấy cha hắn đứng sững sau lùm chuối nhìn trộm mụ điên tắm dưới sông. Trong bữa ăn tối đó, mẹ hắn chụp cổ áo Hòa cứng đờ, trong lưng quần có giắt một con cá chép to tướng. Người ta thấy mụ điên ngồi rũ rượi nhìn bọn kẻ chài xổ nước trong bụng và làm hô hấp nhân tạo cho người chết trôi. Có người trong dịp này nói rằng đứa bé sau cùng là con của người nghĩa quân đó nhưng ít ai tin vì không có bằng chứng nào xác thật cả. Từ ngày đó, chiếc xe màu lam không còn về khu chợ nữa, tiếng hát cải lương và mấy bản tân cổ nhạc giao duyên chỉ còn lại trong ký ức bọn trẻ con hằng ngày la lết trên vạc đất quạnh quẽ khi phiên chợ đã tan. Trong xóm có thằng Lự-tóc-quắn, sau ngày thi đệ thất hỏng, cha mẹ nó bắt ở nhà chăn bò, chiều nào cũng ghé lại nói chuyện với mụ điên. Hắn là một người duy nhất biết rõ lý lịch của mụ kể cả sinh quán và uẩn khúc trong đời sống của mụ. Nhưng nó chưa bao giờ thổ lộ cho ai biết kể cả ban công an quận đến điều tra về cái chết đột ngột của anh Hòa-nghĩa-quân. Thằng Lự-tóc-quắn lý luận một cách giản dị rằng mụ điên cũng giống như những người tật nguyền khác, những người sinh ra chẳng may bị dư một ngón tay, thiếu một con mắt, mang một cục bướu ở cổ, thế thôi. Họ là những người đáng thương. Nếu ta không đem đến cho họ một sự an ủi nhỏ nhặt nào thì đừng tiếp với tạo hóa làm cho đời họ khổ đau thêm. Trong đầu nó, câu chuyện thảm của mụ điên lúc nào cũng hiện lên, sáng rực và kỳ diệu như chiếc cầu vòng nằm lưng chừng bên kia chân trời.

 

Nàng tên là Nguyễn thị Tâm, sinh tại miền quê trù phú , sát một chân đèo quanh năm mây phủ. Hồi nhỏ, nàng học trường làng, trong một mùa hè, nàng theo cha lên rừng đốn củi. Bỗng một hôm , tiếng gầm thét vang dội núi đồi, rồi một con cọp vằn từ bên kia con suối phóng mình qua, rồi thôi. Nàng không nghe và không thấy gì nữa. Rừng núi trải qua một cơn địa chấn. Tất cả thành sa mạc. Khi tỉnh dậy, cha nàng đã biến mất, bỏ lại một cánh tay nằm trên mặt đá với một ít máu còn tươi. Cánh tay đó theo nàng trở về gian nhà cũ. Một đám ma được tổ chức, bà con nội ngoại chung vai gánh chiếc quan tài đựng cánh tay ra nghĩa địa làng. Từ đó, nàng bắt đầu đi vào cuộc hành trình mới…

 

Thằng Lự-tóc-quắn nói rằng, chỉ có những người tật nguyền như mụ điên mới thấy được hạnh phúc, hạnh phúc không ở xa họ, nơi ở không có dấu chân của hận thù, không có khói lửa. Chiến tranh đã bị đào thải. Họ tách rời mọi biến động, xa rời những lớp người mọi rợ. Nó nói thêm rằng, từ nay bất cứ lúc nào, tao thấy đứa đàn ông nào cà kê gần thím Tâm, tao sẽ bắn chết tại chỗ. Tay nó mân mê những viên đạn đồng sáng loáng, nét mặt lúc đó nó căm hờn đã dâng lên. Sau mấy ngày thằng Lự-tóc-quắn đem đàn bò cột ở nhà tể sinh thì nó bị ám sát chết. Xác nó còn bị cột thêm một cục đá lớn kéo xuống đặt dưới bến sông. Không ai biết tăm tích gì về cái chết của nó và chỉ vài ngày sau thì người ta quên bẳng đi, khu chợ và bến sông trở lại sinh hoạt bình thường. Độ ấy, đã có những gánh rau cải, mướp cà ở miệt quê gánh lên chợ, có lẽ thôn quê đã tạm yên ổn, người ta cũng ít khi thấy xe tăng chạy về, kể những khẩu đại bác đen đúa kéo sau những chiếc xe mười bánh cũng không thấy nữa.

 

Ngày tháng trôi qua. Bỗng một buổi sáng, không có ai đến chợ cả. Súng đã nổ thật gần, nổ ở đường cái, ngoài trường mẫu giáo, bên trên trụ sở ấp, đầu dốc cầu. Nhà cửa đóng kín mít. Thỉnh thoảng có một vài bóng người thấp thoáng, chạy men theo những bức tường. Tiếng đại bác gầm xé, đại bác nổ ở dưới sông cắt mặt nước thành nhiều mảnh vỡ, giòng sông tan biến với cơn mưa. Đại bác nổ ngay trên chợ, nổ tung gốc cây bàng ngày trước mụ điên chôn chiếc nhau. Mụ điên đảo mắt nhiều lần tìm kiếm, nhưng không còn một cái gì nữa, khu chợ đã thành bãi chiến trường rồi. Mụ điên ôm cứng hai đứa con trên tay, thân thể hai đứa bé cũng không còn hơi ấm, chúng nó cứng như hai khúc gỗ nhưng mụ biết chưa chết vì mắt chúng nó nhấp nháy miệng chúng nó còn nuốt nước bọt. Súng vẫn nổ dữ dội, một vài ngôi nhà bên kia đường bốc cháy. Bên kia sông thì im lặng quá đỗi. Những nhịp cầu thô kệch vươn mình lên, cồn bắp xanh mướt và một vài cánh chim chao cánh bay. Đàn bò ở nhà tể sinh rú lên, chen với tiếng chó sủa đổng, tan loãng. Và chỉ có mưa thôi, gió thì như đặc quánh lại, gió đã thành chất nhão, gió xỏa vào mặt rát buốt. Một quả đại bác nữa nổ ngay giữa mặt chợ, trong chốc lát khu chợ không còn một vật gì đứng cả, tất cả đã bị san bằng. Mụ điên tay bồng một đứa con, lưng cõng một đứa con khác men theo kiệt nhỏ ra đi. Lần đầu tiên mụ có ý định tạm bỏ khu chợ, nơi quê nhà yêu dấu còn lại duy nhất trong đời. Qua khỏi trạm thông tin ấp, mụ điên dẫm lên một người bị thương sắp chết, đôi mắt người đó trừng trừng nhìn lên, không nói được. Mụ cắm đầu chạy đến chân cầu. Hàng chục họng súng chỉa theo. Đạn bay vèo vèo. Người ta tưởng chừng mụ điên đã bị đốn ngã hôm đó, cùng những xác chết khác không ai chôn cất ở rải rác khắp nơi. Nhưng không, khi biến cố đi qua, lúc người trong xóm lần lượt trở về nhà cũ, người ta đã thấy mụ điên ngơ ngác ngồi trên khu chợ. Mụ chỉ còn một đứa con. Thằng Tý đã bị trúng đạn ngay từ hôm mẹ nó cõng qua cầu. Một viên đạn nhỏ thấu ngang xương sống, lọt vào giữa hai lá phổi. Nó chết ngay trên lưng mẹ và được mẹ nó ẵm ngủ một đêm đến sáng mới đào lỗ bỏ xuống.

 

Một ngày trời dịu bớt cơn mưa. Khu chợ đã có một vài người tới nhóm. Có một chiếc xe đậu ở ngoài đường cái bóp còi inh ỏi, trên xe có chở một chiếc quan tài, người tài xế xuống đi vòng quanh chợ mấy lượt, hỏi thăm vài người rồi quay lại xe trở lại. Người tài xế không chịu tiết lộ thêm chuyện gì nhưng trong xóm đoán chắc thằng Thi con mụ điên đã chết. Khi chiếc xe chạy khuất, mụ điên bồng đứa con còn lại qua sông, tay cầm nén nhang. Thằng Tý chết vừa đúng một tháng. Ra nửa cầu, bỗng mụ điên ngừng hẳn lại, dưới chân cầu âm vang tiếng động, nước nguồn đổ về ầm ĩ. Tiếng gào thép của một khu rừng đâu đây. Rồi tiếng giòng suối chảy qua, tiếng la thất thanh, tiếng động buồn nản trên đường về. Tiếng khóc nức nở của hàng chục người đưa cánh tay ra nghĩa địa. Đôi mắt mụ điên sáng rực lên, lòng mụ tràn ngập một niềm cảm xúc vô biên. Mụ đứng cứng ngắt như một pho tượng. Đứa con rời cánh tay mụ và rớt xuống giòng sông nhẹ như một hòn sỏi. Chung quanh mụ không còn ai nữa. Mụ cũng không bao giờ qua sông nữa.

 

Bặt đi thật lâu, mấy năm không ai nhớ rõ. Mụ điên từ một nơi nào xa xôi trở về ghé thăm ngôi chợ cũ. Chợ đã tan. Mọi sự đã thay đổi hết. Trong xóm không còn ai nhìn ra mụ. Mụ không còn là một người điên, mụ ăn mặc sạch sẽ, chân đi guốc, miệng tô son đỏ. Mụ qua cầu, tìm thăm ngôi mộ thằng Tý, ngôi mộ không còn nữa, nơi đó nay đã biến thành pháo đài cho bọn nghĩa quân giữ cầu. Khi trở lại giữa cầu, nơi ngày trước đứa con chưa đặt tên đã từ cánh tay mụ êm ả rơi xuống. Mụ đứng đó thật lâu, nhìn xuống, giòng sông bốc lên muôn lời nói, giòng sông đang thở hơi thở của một đứa bé xa rời người mẹ. Nhìn xuống, ở đó không có một vết tích gì, không có gì để lại cả. Chỉ có một đám mây nhỏ, sau khi phiêu bạt nhiều phương trời đã ngừng lại. Đám mây đã phai hết màu sắc. Đám mây mắc cứng dưới lòng sông./.

 

Ý Thức số 5 ngày 1 tháng 12 năm 1970

Hồ Minh Dũng
Số lần đọc: 1593
Ngày đăng: 01.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hội trường - Nguyễn Hiếu
Bản giao hưởng cổ tích - Đặng Văn Sinh
Số Phận Lũ Sáo Nhà - Kinh Dương Vương
Mưa Ở Phnom Penh - Nguyễn Xuân Tường Vy
- Nguyễn Hồng Nhung
Mùa Trâu Ăn Sương - Sương Nguyệt Minh
Chiều muộn - Đặng Văn Sinh
Con đường của rượu - Nguyễn Thanh Hiện
Cuối cùng họ cũng lấy nhau - Nguyễn Hiếu
Ba Truyện Ngắn ... Rất Ngắn - Khải Nguyên
Cùng một tác giả
Những Lớp Mây Phai (truyện ngắn)