Cơm nước xong, thì không khí nhộn nhịp ban đầu bắt đầu hạ xuống. Nắng tháng ba chụp lên trên mấy tấm tăng cũ, làm bốc lên một mùi ngai ngái pha lẫn đất sét, thuốc súng và nước tiểu. Viên sĩ quan an ninh thấy chúng tôi có vẻ lờ đờ bèn đề nghị:
- Hay chúng ta ra cầu chơi đi. Đằng nào cũng phải chờ đến bốn giờ chiều mới có xe lên đón.
Tôi đưa mắt hỏi ý kiến mấy em học sinh. Chúng nó lạnh nhạt, lờ lững. Viên sĩ quan tìm cái gì hấp dẫn hơn:
- Ra ngoài bờ sông tôi cho các cậu bắn cá.
Cả bọn học trò đang ngồi bơ thờ trên bãi cỏ, vùng choàng dậy. Như một phép lạ. Chúng chạy ùa lại vây quanh ông đại úy. Viên sĩ quan gọi người lính đứng ở gần cửa hầm:
- Thảng, đem cái M.60 ra cầu đi.
Bọn học trò bỏ chúng tôi chạy theo anh Thảng. Một cậu không thể chịu đựng được bộ đi chậm chạp của người lính, đề nghị vát súng thay cho anh ta. Thảng chỉ chờ có thế, nhưng cứ giả vờ quay lại phía đại úy tỏ vẽ phân trần. Viên sĩ quan hỏi lấy lệ:
- Đã khóa an toàn chưa?
- Dạ rồi, đại úy.
- Đi nanh ra đó tìm chỗ đặt súng đi.
- Bảo thằng Lý xách thùng đạn ra. Cẩn thận nghe không. Cho các em nó bắn chỗ nước xoáy có nhiều cá.
- Thưa chỗ mương hay chỗ khúc quành, đại úy?
- Chỗ hôm trước đó.
Người lính lo chạy đi làm nhiệm vụ. Chỉ còn có tôi với viên sĩ quan lửng thửng đi sau. Ong ta trầm ngâm, ít nói. Suốt buổi sáng ngồi gần bên đại úy để xem các em học sinh trình diễn văn nghệ dã chiến cho các chiến sĩ tiền đồn, chỉ có thiếu ta tiểu đoàn trưởng là bặt thiệp mau mắn. Còn đại úy thì chỉ chống tay vào má mặt nghiêm nghị suốt buổi. Gặp vài tiết mục vui, ông ta quay sang phía tôi, khẽ gật đầu tỏ dấu cảm ơn. Tôi cố gắng giải thích cho ông ta hiểu vì vội quá, các em không có thời giờ dượt nhiều. Nếu có điều gì sơ suất, xin quí vị niệm tình tha thứ. Tôi đã nói như vậy trước khi các em ra trình diễn, và tôi cứ nhắc đi nhắc lại cái ý ấy mỗi lần đại úy quay nhìn tôi mỉm cười. Ong ta pha bình thẳng thắng, không kiểu cách:
- Đã đành không bằng mấy ca sĩ nhà nghề nhưng các em nó còn giữ được sự hồn nhiên. Tôi cho sự cuống quýt, ngập ngừng cũng là nghệ thuật. Chính câu nói áy đã khiến tự nhiên tôi có cảm tình với ông ta. Giữa hai chúng tôi, dường như có một sợi dây ràng buột nhau, mọi sự thông cảm mặc nhiên cho nên tuy chưa quen biết, chúng tôi vẫn xưng hô anh tôi một cách thân mật. Chúng tôi không có nỗi khổ sở moi óc tìm một câu nói kiểu cách hợp thời để làm vừa lòng người đối diện. Nếu thích, thì nói. Không thích, thì cứ yên lặng bước đi bên nhau, như lúc này. Viên sĩ quan đi quành để tránh một vũng lầy. Tôi lười biếng lấy đà nhảy đại qua, một cách liều lĩnh. May mà tôi vượt qua khỏi. Gót giầy chỉ chạm nhẹ vào mép đất nhão.
Đại úy nhận xét:
- Anh nhà giáo mà cũng thể thao ra phết.
Tôi cười, bịa đặt một lối giải thích:
- Khi còn đi học, tôi là vô địch môn nhảy xa.
Đại úy trả lời thong thả, trầm tĩnh đến nỗi tôi không thể biết ông ta nói thật hay nói bịa:
- Tôi cũng vậy. Nhưng bị cho nhảy nhiều quá, bây giờ đâm chán. Chỉ thích ở một chỗ. Anh biết tôi ở đây mấy năm không?
Tôi không thể đoán được, cứ đáp đại:
- Năm năm.
Viên sĩ quan cười:
- Không bao giờ trong đời lính một người lại ở lâu đến như vậy. Nhất là lính tác chiến. Quá lắm là hai năm. Tôi ở đây hai năm bốn tháng hai mươi sáu ngày.
- Anh tính từng ngày vậy, tức là đã sống trong chán nản. Tính kỹ xem còn bao lâu nữa thì hết nợ. Còn bao lâu nữa thì phủi tay mà đi. Sao anh không xin đổi đi?
Viên đại úy nhìn tôi đăm đăm. Một lúc lâu, ông mới nói:
- Nhiều lý do lắm. Có cái mù mờ, có cái rõ rệt. Có cái tưởng là rõ rệt, thật ra chỉ là mập mờ đánh lận con đen. Có cái mập mờ không nói ra, nhưng tự mình biết đó là lý do chính đáng, quan trọng nhất.
Tôi cười bông đùa:
- Anh nói mà như làm thơ. Thứ thơ siêu thực, lập thể.
Viên đại úy cũng cười theo:
- Để tôi giải thích: Lý do rõ rệt mà giả dối ư? Nói nghe hách lắm. Tôi là người vô cùng cần thiết ở đây. Mấy năm trước, không tiểu đoàn nào chịu nổi áp lực địch khi đóng ở đầu cầu này. Khi thì bị pháo thiệt hại nặng. Khi thì bị phục kích. Cho đến lúc tiểu đoàn chúng tôi đến đây. Thiếu tá lo chuyện lớn, ngoài sáng. Tôi lo chuyện nhỏ , trong tối. Chúng tôi ăn rơ với nhau. Lại rất hợp thủy thổ nên sư đoàn không cho chúng tôi đi đâu nữa hết. Mỗi lần chúng tôi khiếu nại, họ bảo: các anh đi là cây cầu sập. Do đó mới ở lâu như vậy. Những hai năm bốn tháng hai mươi bảy ngày.
Tôi chữa:
- Hai năm bốn tháng hai mươi sáu ngày.
Viên đại úy nói, không cười:
- Bây giờ sang ngày thứ hai mươi bảy rồi. Vì đã 12 giờ 15 trưa.
Tôi bật cười, cho anh chàng sĩ quan này có một lối tếu tĩnh bơ hiếm có. Tôi hỏi tiếp:
- Anh bảo lo chuyện nhỏ, trong tối. Chuyện gì vậy?
- Đó là kế hoạch chống du kích của chúng tôi. Anh thấy đấy, vùng này là một vùng đồng bằng phì nhiêu, lại rất xa núi non. Thế mà du kích địch hoạt động mạnh không thể tả. Lý do chính là họ đã được dân chúng che giấu, tiếp tế lương thực đều đều. Cũng là bà con quen thuộc với nhau hết, nên thói thường không ai nỡ đi tố cáo. Do đó, địch cứ hoạt động dài dài. Chúng tôi điên đầu không biết phải làm sao. Về sau, chúng tôi dùng kế hoạch hỏa mù. Đêm đêm, chúng tôi cho lính mặc áo đen mang AK giả Việt cộng vào các làng xin tiếp tế. Sáng hôm sau, chính những người lính đêm trước, đến từng nhà chỉ từng người ủng hộ Việt cộng, bắt đưa lên nhốt trên quận. Cứ làm mãi như vậy một tháng, hai tháng, ban đêm dân chúng không thể nào phân biệt được đâu là du kích thực, đâu là du kích giả. Mọi người sống thường xuyên trong trạng thái hoài nghi, không biết ai là bạn ai là thù. Cho đến lúc anh Việt cộng thực bảy mươi hai phần dầu về làng, gọi cửa ông bà chú bác xin gạo, dân làng cũng nhất định cài then không mở. Du kích đói, phải về rừng. Dân làng nghi kỵ nhau, nên an ninh lắng dịu.
Tôi thích thú khen:
- Thật là diệu kế. Mà muốn thực hiện được kế hoạch đó, lính của anh phải thuộc hạng chì lắm. Nhưng nếu chỉ có vậy thì có gì mập mờ đánh lận con đen đâu?
- Tôi nói qúa đi một chút cho vui. Ý tôi muốn nói điều chúng tôi đã làm không có gì đáng hãnh diện. Dùng mãi lối hỏa mù, tôi đâm ra hoang mang. Cái gì cũng thành mờ mờ ảo ảo hết. Nhiều bữa lính đi kích đêm trở về vào trình diện tôi giật mình chụp súng định bóp cò. Rồi chắc sẽ có lúc mình thản nhiên ngồi chờ anh ta báo cáo, thì lại nhận trọn một băng K.54 vào đầu. Cho nên đôi lúc tôi chán nản, muốn đổi đi bất cứ đâu. Nhưng cây cầu, dòng sông giữ chặc tôi lại. Đó mới là lý do thực sự.
Đại úy đột ngột dừng lại, bỏ hẳn cái giọng ngậm ngùi, lơ lửng, hỏi tôi:
- Anh đoán thử xem tôi người miền nào?
Tôi ngập ngừng, cố kéo dài thì giờ hoãn binh, trước khi phỏng đoán:
- Cái giọng của anh? …cái giọng của anh không thuần. Hơi pha pha. Một chút sàigòn, một chút quảng nam. Một chút… một chút… Không có gì rõ rệt hết. Chắc anh người Nha Trang thì phải.
- Không. Tôi người Huế.
- Thật không?
- Thật mà.
Viên sĩ quan đổi giọng, nói tiếng Huế thuần túy:
- Tôi ghét cái không khí u ám chật hẹp của Huế nên bỏ quê mà đi. Biền biệt mười năm không về nữa. Một phần cũng vì chuyện nhà không vui nên dứt khoát không hối tiếc. Nhưng mà lạ lắm. Đôi khi vô tình gặp một người đồng hương, lòng tôi nao nao bâng khuâng. Hoặc ở đây chiều chiều đứng trên cầu này nhìn xuống mặt sông mù sương, tôi nhớ khúc quành sông Hương nhìn từ chùa Thiên Mụ da diết. Bây giờ trời còn chói chang, anh chưa thấy gì. Nhưng khi mặt trời sắp lặn, đứng chỗ đầu cầu nhìn dài theo con sông sương mù anh sẽ thấy… anh sẽ thấy…
*
Lúc ấy súng bắt đầu nổ ở chỗ bờ sông có nhiều lau lách nên tiếng nói của viên sĩ quan mất hút. Bọn học trò reo mừng, giành nhau bắn thử. Tôi cũng nôn nao muốn bỏ con đường cao xuống góp vui với bọn trẻ, nhưng thấy viên đại úy có vẻ trầm ngâm, nên lại thôi. Anh ta không nói gì chỉ đứng vuốt ve thành cầu xi măng loang lỗ. Tôi nhìn về phía con sông uốn khúc, chỉ thấy hai bên bờ tre xanh và mặt nước lấp lánh ánh nắng. Các loạt súng vẫn tiếp tục nổ, tiếng cười đùa.
Tiếng cười đùa chen lẫn tiếng súng, nghe reo vui như ánh nắng nhảy múa đây đó. Tôi nói:
Con sông và cây cầu đẹp thật. Anh mê là phải.
Viên sĩ quan nói nhỏ:
- Bây giờ anh chưa thấy gì đâu. Thật tiếc. Anh phải về phố lúc bốn giờ chiều. Nếu anh ở lại được đến xế, lúc mặt trời lặn sau khóm tre kia, lúc sương mù không biết từ đâu bao phủ mặt sông này. Anh nhìn xuống mặt sông trắng nhìn theo mặt cầu xám, nhìn lên…
Tôi đã biết những gì viên sĩ quan sẽ nói nên tai chỉ lóng nghe bọn học trò tranh nhau bắn trước hoặc lắng nghe tiếng súng sắp nổ. Nhưng mãi một lúc, súng vẫn chưa nổ, mà viên đại úy lại không nói gì. Tôi ngạc nhiên quay lại, thấy anh nhìn về phía bên kia cầu, nét mặt lo lắng, thắc mắc. Hai thanh niên mặc quần áo đen mang dép cao su dẫn một ông già quần áo rách rưới bạc màu từ bờ bên kia băng qua cầu, tiến về phía viên sĩ quan. Khi họ đến giữa cầu, đại úy bảo tôi:
Kết quả của chiến thuật hỏa mù đây. Anh theo tôi về trại, xem tôi thẩm vấn lãi già này cho vui.
Chúng tôi quày quả trở về căn cứ. Phòng an ninh của đại úy khá rộng. Hai cái bàn thấp đóng bằng gỗ tạp có vẽ lẻ loi trong khung cảnh lạnh lẽo. Đại úy chỉ một cái ghế bằng thùng đạn biến chế cho tôi ngồi, rồi đến ngồi trang nghiêm chỗ bàn giấy. Nét mặt anh ta thản nhiên, nghiêm nghị quá đáng. Chúng tôi không phải chờ lâu. Hai người lính mặt áo đen gõ cửa, rồi dẫn ông già vào. Viên sĩ quan hỏi người lính đi bên trái:
- Vụ gì đây Bích?
Người lính đẩy ông già trước bàn đại úy, húng hắng mãi chưa dằn được xúc động để trình bày. Đại úy hỏi lần nữa:
- Chuyện gì bình tĩnh thuật tôi nghe coi.
Người lính tên Bích nói:
- Hai đứa em chờ khuya bắn chóc chóc vài phát, rồi đến gõ cửa từng nhà ở xóm Gò thu gạo.
- Không ai dám mở hết. Đến nhà lão này, thấy mặt chúng tôi ông già mừng rỡ mời vào nhà hỏi hết chuyện này đến chuyện khác. Đại úy hỏi:
- Chuyện gì?
- Lão hỏi lâu nay mạnh khoẻ? Lão hỏi bây giờ có còn thích chèo ghe không? Lão hỏi có còn nhớ hồi bác với cháu chở lúa xuống Đập Đá qua cầu Phụng Ngọc nhằm lúc trăng lên đẹp lắm nhưng nước cạn ở giữa sông nên phải chèo nem nép theo bóng tre tối hay không?
- Sáng nay trở lại ông lão nói gì?
Người lính đi với Bích nhanh nhẩu cướp lời bạn:
- Lão hơi ngợ một chút. Chắc lão sợ hoặc lão ngạc nhiên không hiểu vì sao lính du kích lại thản nhiên đi khơi khơi giữa ban ngày với ông ấp trưởng. Nhưng khi thằng Bích vô nhà, lão cũng mừng rỡ vồ vập xưng bác bác cháu cháu như hồi hôm.
Viên đại úy cho là đã biết đủ, quay sang hỏi ông lão:
- Ong tiếp tế cho Việt cộng mấy lần rồi.
Giọng ông lão khao khao run run:
- Dạ ông xét lại, tôi có tiếp tế hồi nào đâu.
- Ong đừng có chối. Mà ông có biết tiếp tế là hại làng hại xóm hay không?
- Dạ không biết. Tôi có biết tiếp tế là cái gi đâu.
- Tiếp tế là chở gạo chở lúa, đem muối đem mì cho Việt cộng. Đừng giả bộ ngu ngơ. Ong chở lúa tiếp tế mấy lần?
Ong lão vẫn khăng khăng chối:
- Hồi giờ tôi có chở lúa cho Việt cộng lần nào đâu. Oan ức cho tôi lắm.
Giọng viên sĩ quan pha lẫn bực dọc, tức giận:
- Chính ông hỏi anh này có nhớ lần chở lúa dọc theo bờ tre tối gần cầu Phụng Ngọc hay không. Trời sáng trăng mà cứ tìm chỗ tối mà đi, Không phải lén lút tiếp tế cho địch thì còn làm gì nữa?
Ong già quay lại nhìn Bích một lúc, đôi mắt nhấp nháy, phân vân. Đại úy hỏi:
- Ong có quen với anh này không?
Ong lão đáp gọn:
- Có.
- Tại sao quen?
Giọng ông lão kể lể:
- Trong xóm trong làng với nhau, chuyện gì ở đâu mà không biết. Tôi già nhưng hay thương con nít. Lũ trẻ thường quấn quýt quanh tôi hoài.
Lão già liếc nhìn Bích e ngại một chút, rồi tiếp:
- Thằng nhỏ này hồi trước thích ra tắm sông lắm. Tôi có cái ghe nhỏ chở lúa. Lần nào nó cũng lén nhà theo phụ với tôi cả. Kể như vậy cũng đở, vì gặp chỗ sông cạn tôi ở trước kéo, nó ở sau đẩy.
Viên sĩ quan giả vờ vô tình hỏi khéo:
- Phải hai người thì chắc chở nhiều lắm. Mỗi lần tiếp tế cho họ mấy ký?
Ong lão ngớ ngẩn:
- Dạ tiếp tế cái gì?
- Tôi hỏi mỗi lần như vậy chở được bao nhiêu ký lúa?
Ong lão suy nghĩ đắn đo trước khi đáp:
- Tôi không biết mấy ký. Chở được bốn bao, mỗi bao hai vuông.
- Chở đến giao cho ai, ở đâu?
- Ai mướn thì chở, khi chỗ này khi chỗ khác không nhất định.
- Còn nhớ mặt người mướn không?
- Lâu quá làm sao nhớ. Lâu lâu đi một chuyến cho vui chứ tôi đâu có sống chuyên nghề chở mướn.
- Mỗi lần chở lúa tiếp tế như vậy, ông đi ngã nào?
- Từ bến đò trên xóm xuống chỗ khúc quanh này, qua cầu, rồi xuống ngã phía đông.
Viên sĩ quan giật mình, không tin ở tai mình.
- Có qua cầu nữa à?
- Dạ có. Đi ngã kia cũng được, nhưng tại thằng nhỏ thích chui xuống dưới gầm cầu. Đến chân cầu, nó neo ghe lại nhìn lên. Nó chờ cho tới lúc có một chiếc xe qua cầu, nghe tiếng cây cầu rùng mình rền rền, nó cười, rồi mới chịu chèo ghe đi tiếp.
Vẽ mặt đại úy hoang mang, tư lự. Ong ôm trán nghỉ ngợi một lúc. Căn phòng hoàn toàn yên lặng. Không ai nói với ai lời nào, chờ đợi cái gì mông lung mơ hồ sắp đến, trong chớp mắt, trong gang tấc. Đại úy ngững lên hỏi:
- Thằng du kích nào gan dữ. Mai, tụi bay canh cầu cái gì lạ vậy. Nó ở dưới gầm cầu cười vào mũi tụi bay mà không ai biết.
Rồi quay lại phía ông, đại úy hỏi tiếp:
- Thằng nhỏ không sợ hay sao mà thích chèo qua cầu?
Ong lão ngơ ngác hỏi lại:
- Thằng nhỏ nào?
- Thằng nhỏ cùng đi chở lúa tiếp tế với ông đó.
- À, thằng Cu. Nó bảo nó thích nhìn cây cầu cho gần. Nó bảo hồi nhỏ tắm sông thấy cây cầu đồ sộ, bây giờ lớn lên thấy nó nhỏ xíu. Chỉ khi nào chèo ghe đứng ngay dưới gầm cầu mới thấy nó lớn hơn, lớn y như hồi nhỏ.
Viên sĩ quan nhìn Bích, định nói gì nhưng ngập ngừng một lúc, lại thôi.
Cuối cùng, đại úy hỏi ông lão:
- Ong có biết chở lúa tiếp tế như vậy là có tội không?
Ong lão ngớ ngẩn:
- Dạ chở lúa mướn cho người ta lấy tiền, sao lại có tội?
Đại úy liếc nhìn Bích một lần nữa, lần này tia mắt mang đầy ác cảm. Bích lơ đãng xoa xoa bàn tay vào nòng khẩu AK. Kẹp giữa hai chân, mắt nhìn lên trần tôn> Đại úy ra lệnh:
- Thôi được. Mai ơi, giẫn ông già ra phòng giam. Còn Bích ở lại đây với tôi.
Chờ cho người lính tên Mai dẫn ông lão đi khỏi, viên sĩ quan mới hỏi Bích:
- Anh có quen với ông già đó à?
Bích ngạc nhiên không dám tin ở tai mình, nên không trả lời. Đại úy vẫn giữ cái giọng bình tĩnh cũ:
- Ong già đó nói biết rõ anh từ thuở bé. Ong ta còn bảo có cùng chở lúa qua cầu với anh nữa. Có thật thế không?
Bích nhìn thẳng vào người chỉ huy, lời nói ấp úng vì thiếu sự cương quyết:
- Đại úy hỏi thật hay hỏi chơi?
Viên sĩ quan an ninh bắt đầu mất bình tĩnh:
- Anh có thấy tôi đùa giỡn ở phòng làm việc này bao giờ chưa?
- Nhưng đại úy cũng rõ là lão già nói láo để gỡ tội. Mắt lão nhấp nhem, nhìn quần áo tôi tưởng là du kích. Đến lúc biết mình hớ, lão bèn nhận đại là có quen tôi để thoát nạn. Lão giả bộ ngớ ngẩn. Nhưng đại úy đừng lầm. Lão ranh khôn lắm. Lão …
Đại úy cắt lời người lính:
- Vâng, lão khai có chở lúa tiếp tế qua ngã sông. Lão khai lúc qua cầu, anh đòi dừng ghe lại để chờ nghe tiếng cầu rền. Chắc anh nghĩ bọn lính gác cầu toàn là bồ bịch người nhà cả mà. Sợ gì.
Sự tức giận làm cho người lính nghẹn lời. Mặt anh ta đỏ bừng. Hai bàn tay nắm chặt lấy nòng súng. Một lúc sau, người lính mới nhìn thẳng tới trước hỏi:
- Đại úy nghi tôi là du kích phải không?
- Tôi không nghi. Nhưng lão già cứ khai vanh vách là chính anh đã giúp đỡ cho lão chở lúa qua khỏi cầu. Lão khai rành mạch từ lời nói, cử chỉ, ý thích của anh. Chắc anh đã nghe rõ. Anh trả lời thế nào với lão ta?
- Nhưng làm cách nào chèo ghe qua được gầm cầu? Chỗ nào cũng có lưới thép gai giăng dày từ trên xuống dưới. Tối tối đèn pha rọi sáng quắc. Con kiến chui qua cũng không lọt.
- Nhưng con người chui qua lại lọt. Dây thép gai không rào kín hết cả mặt sông. Năm trước, để ngăn ngừa phá hoại, tôi có cho làm hàng rào kín hai bên hông cầu. Nhưng về sau rác rến, lục bình tấp nhiều quá, cây cối mọc um tùm càng dễ cho bọn phá hoại ẩn núp, nên tôi mới cho dỡ đi. Chỉ còn màng lưới kẽm gai quanh chân cầu mà thôi. Ghe thuyền có thể lách qua cầu dễ dàng, nếu lính gác cũng là một tên nội tuyến như người chèo ghe tiếp tế.
Người lính đứng trân giữa phòng, như chết đứng trước một sự thật bất ngờ.
Anh ta thì thào:
- Đại úy tin lời ông già sao đại úy?
Giọng viên sĩ quan gay gắt, như những vết dao chém ngọt lên thân Bích:
- Thật hay không, trước hết anh hãy tự trả lời. Anh nhớ lại đi. Có lần anh nói với tôi rằng có một thời gia đình anh ở đây. Khoảng 1957, 1958 gì đó. Bấy giờ vùng này còn an ninh. Anh tắm chỗ ngả ba sông nhìn về phía cầu thấy nó đồ sộ, cao ngất. Bây giờ sau bao năm làm ăn, rồi đi lính nơi quê người, về trở lại đây, thấy cây cầu nhỏ xíu đến tội nghiệp. Anh cũng đã nói thế với ông già. Thật hay không, anh hãy tự vấn đi. Hãy nhìn lại mình trước khi hỏi tôi.
Người lính ngơ ngác hết nhìn đại úy lại quay sang nhìn tôi, đôi mắt hốt hoảng cầu khẩn. Viên sĩ quan cúi đầu nhìn chăm chăm vào cuốn sổ trước mặt không ngẩng lên. Bích quay về nhìn chính mình. Nhìn bộ quần áo đen đang mặc. Nhìn khẩu súng cục mịch có băng đạn cong trước mình. Nhìn đôi dép cao su lốp xe còn dính bùn dưới chân. Đã ăn mặc vậy. Đã mang khẩu súng đó. Đã nói thế này với đại úy. Lại nói y như vậy với ông già. Sao chính mình làm những việc nguy hiểm động trời mà không hay biết? Ta là ai? Sao ở đây? Họ đang làm gì và sẽ làm gì mình. Bích thì thào:
- Mình chở lúa hồi nào, bao nhiêu lần sao mình không nhớ?
Viên sĩ quan đứng bật dậy:
- À, bây giờ anh mới chịu thú tội. Anh làm bộ ngu ngơ, nhưng không qua mặt được tôi đâu. Anh nhận bao nhiêu tiền để vào đây đi nước đôi. Phải giam anh lại, đưa về sư đoàn khai thác.
Bích giật mình bước vội về phía trước, cây AK. ngã xuống nền xi măng, tiếng động khô và chói. Người lính gần như ngã khuỵu xuống nền nhà, miệng van lơn không ngớt:
- Đại úy xét lại. Em xin thề trên có trời dưới có đất, em có làm nội tuyến lần nào đâu. Đại úy xét lại. Đại úy cho em gặp lão già hỏi cho ra lẽ.
Viên sĩ quan đứng lùi sát vách tường, hình như để thủ thế. Nghe người lính nói vậy, ông gật gù:
- Thôi được. Cho hai người đối chất với nhau xem ai thật ai dối. Anh bảo Mai dẫn lão già trở vô đây.
*
Lão già vừa vào, Bích đã định chồm lên quát hỏi cho ra lẽ. Đoán được ý định của người lính, dại úy an ninh ngăn lại:
- Anh đứng yên đó. Chỉ có tôi mới được quyền thẩm vấn.
Người lính đành đứng yên, dáng điệu nóng nãy, ray rứt. Ong lão thì ngơ ngác không hiểu vì sao người ta dẫn mình trở lại, đôi nắt mấp máy chưa quen ánh sáng nhìn người nọ sang người kia. Viên sĩ quan bắt đầu hỏi:
- Ong nghe tôi cho rõ, và trả lời cho gọn.
Đại úy chỉ vào Bích rồi hỏi ông già:
- Ong nhìn kỹ người này lần nữa đi. Ong có quen với người này không?
Ong lão cố nhíu mày để nhìn kỹ Bích, rồi trả lời:
- Dạ có biết.
- Biết từ lúc nào?
- Từ lúc cha mẹ nó mới lấy nhau, cũng là hạng con cháu trong làng mà.
Cả tôi lẫn đại úy đều cố nghiêm trang, vì chưa biết câu trả lời của ông lão do vô tình hay do sự ranh mãnh khôi hài. Còn Bích thì trố mắt nhìn ông già một cách khinh bỉ, thách thức. Viên đại úy hỏi tiếp:
- Hồi trước cha mẹ anh này làm gì?
- Làm gì hả? Cha nó hớt tóc trên đường cái quan. Con vợ làm thuê.
Bộ dạng Bích nóng nãy, hốt hoảng hơn. Đại úy định đưa tay ngăn, nhưng người lính tức giận sấn đến gần ông lão quát:
- Sao ông biết cha tôi làm nghề hớt tóc?
Viên sĩ quan à lên một tiếng vui mừng:
- Như vậy là đúng thêm một yếu tố nữa. Ong nghe tôi hỏi tiếp. Có phải ông đã cùng với anh này dùng ghe chở lúa lòn qua cầu không?
- Phải. Nó theo tôi để đẩy ghe giùm tôi, khi mắc cạn.
- Anh này đòi chèo qua phía cầu cho bằng được, phải không?
- Phải. Nó bảo chờ thử lúc xe qua, tiếng cầu có rền không.
- Rồi ông thấy thế nào? Có dám neo ghe lại thật lâu chờ xe qua không?
Ong lão nghiêng đầu cố moi trí nhớ, một lúc mới đáp:
Có thú vị gì đâu, nhưng nó đòi thì phải theo. Mà đâu phải chờ ít. Nhiều khi lâu cả tiếng đồng hồ. Chờ nóng cả ruột, để chỉ nghe mấy tiếng lóc cóc lóc cóc của vó ngựa.
Tất cả mọi người trong phòng đều ngơ ngẩn, không hiểu ông già nói gì. Cả Bích cũng quên lo lắng, tò mò nhìn ông lão như một người từ cung trăng xuống.
Đại úy hỏi:
- Sao lại có tiếng vó ngựa lóc cóc.
- Thì xe ngựa chở người đi chợ phiên An Thái mà.
Bích không dằn được nữa, nói lớn:
Thời bây giờ có ai dùng xe ngựa nữa đâu. Cái ông già này.
Viên sĩ quan với đôi tai nhà nghề đoán được có điều gì trục trặc nơi đây. Đại úy hỏi:
Không phải xe GMC. Nhà binh à?
Ong lão cười:
- Thời đó làm gì có xe hơi. Xe ngựa chưa có mà đi nữa là.Ong Ba cha thằng Nhánh đây ngoài nghề hớt tóc, còn bán cỏ cho ngựa kéo xe nữa. Hồi đó ông mới có một đứa con, lại kiếm được tiền, cưng chìu thằng Cu này phủ phê. Sau đông con quá càng ngày càng nợ nần, phải bỏ xứ đi trốn.
Ong lão còn định kể dài dòng nữa, nhưng đại úy đã ngăn lại:
- Thôi đủ rồi. Ong vừa bảo thằng Cu con ông Ba hớt tóc tên gì?
- Ai cũng kêu nó là Cu Nhánh.
- Sao lạ vậy?
- Có gì là lạ. Bàn tay trái nó có sáu ngón.
Viên đại úy vò đầu bực dọc, thấy tất cả suy luận của mình sụp đổ. Bích không có bàn tay sáu ngón đặc biệt như Cu Nhánh. Lại thêm ông lão kể một chuyện xưa, thật xưa, từ lúc vó ngựa lóc cóc còn vang đều trên con đường đá chạy ngang qua cầu, lúc chưa có tự do và cách nạng, chưa có B.52 và hỏa tiễn.
Bực quá, đại úy bảo Bích:
- Anh giơ hai bàn tay cho ông già coi.
Rồi quay về hướng ông lão:
- Ong nhìn kỹ đi. Anh này không có bàn tay nào sáu ngón cả. Ong nhìn lầm anh lính của tôi với anh Cu Nhánh xa xưa.
Ong lão nhìn chăm chăm vào Bích một lúc, hết nhìn bàn tay lại nhìn gương mặt người lính. Ong ngơ ngẩn, nói một mình:
- Sao nó giống thằng Nhánh vậy.
Đại úy hỏi:
- Vậy thằng Nhánh cũng mặc áo đen đi dép lốp xe như anh này phải không?
- Phải.
- Cũng cầm khẩu súng có băng đạn cong y như thế này?
- Không. Ong Ba hớt tóc bắt nó đi học, không cho đi theo ghe nữa. Sau ngày đình chiến, nó theo nhà trường ra Bắc. Ong Ba ở lại một vài năm nữa mới mang công mắc nợ bỏ làng trốn đi.
Một ý nghĩ chợt đến trong trí tôi. Tôi không kịp suy tính, hỏi Bích:
- Gia đình anh có thời ở vùng này, và hình như cha anh cũng làm nghề hớt tóc trước khi đi làm ăn xa. Nhưng cho tôi hỏi thăm, anh có người anh lớn nào đi tập kết không?
Bích nhìn tôi, rồi nhìn viên sĩ quan an ninh, nét mặt sợ hãi, không dám trả lời.
Tôi bị xúc động quá, muốn nói với viên đại úy nhiều điều nhưng không biết nói gì. Đại úy chắc cũng ở trong một trạng thái như tôi. Chúng tôi lặng lẽ đưa ông lão lên cầu.ai vỗ vào vai ông già nói đùa:
- Lần sau nhớ nhìn cho rõ nghe bác.
Đại úy xin lỗi:
- Chúng tôi đã lầm. Xin cụ coi như không có gì xảy ra. Vâng, cụ được tự do rồi. Cụ có thể thong thả ra về. Không việc gì đâu.
Ong lão ngập ngừng một lúc, mới chậm rãi bước lên cầu. Đi được vài bước, ông quay nhìn lại, rồi vội vã bước mau hơn. Tuy cùi chỏ hết bị cột quặt ra sau lưng, nhưng lưng ông lão vẫn còng xuống. Chúng tôi buồn rầu nhìn hình ảnh tuổi già thất thểu qua chiếc cầu hẹp, đi về phía bóng xế, chân nam chân xiêu tìm lấy sự sống.
Đại úy khẽ nói với tôi:
- Đó cũng là một sự mù sương. Thứ mù sương tôi vừa sợ sệt vừa nhắm mắt xông vào. Có lẽ vì vậy tôi thường thích đứng ở đây, chiều chiều, ngắm một thứ mù sương khác, lãng đãng nhẹ nhàng trên mặt nước phẳng. Mù sương trên sông chiều …
Nếu đoàn xe dưới quận không lên rước học sinh thăm viếng tiền đồn về phố lúc ấy, có lẽ chúng tôi còn đứng lặng ở đó lâu, lâu lắm./.
Ý Thức Bộ Mới số 1 ngày 1-6-1974