1.
Tôi làm quen với Ý Thức khi tạp chí này được in ấn theo lối ronéo có tòa soạn ở đường Nguyễn Thái Học, Phan Rang. Có lẽ vào năm 1969 thì phải. Không ngờ, từ một người cọng tác, gởi bài, anh em chủ trương đã dành cho tôi nhiều cảm tình ưu ái. Anh em Ý Thức đã chọn tập truyện Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang của tôi như là tác phẩm đầu tiên do cơ sở Ý Thức xuất bản. Đó cũng là tác phẩm đầu tay của tôi.
Tôi được may mắn, vì đứa con tinh thần của mình được trao đúng chỗ. Dù kỹ thuật in bằng roneo, nhưng khi nhìn vào không ai có thể nghĩ nó được khai sinh từ một căn phòng ở một thành phố nhỏ bé, với cái máy quay roneo, với một bàn máy đánh chữ. !
Nó trả lại danh dự cho nền văn nghệ mà các chủ bút ở SG vẫn quen gọi là văn nghệ tỉnh lẻ.
2.
Kiểm điểm lại, trên giòng sinh hoạt văn học VN, có lẽ không có thời nào mà lưu lượng văn chương lại tràn trề phù sa chữ nghĩa như thời miền Nam trong giai đọan cuối những năm 60 và đầu những năm 70.Những tạp chí, những đặc san, những tác phẩm, chẳng những có mặt ở Saigon mà còn hiện diện ở khắp nơi, khắp chốn, từ một thành phố đông dân như Nhatrang, đến một thị trấn ít người như An Nhơn Bình Định. Những Khai Phá (Châu Đốc,1970-1971), Biểu Tượng (Vĩnh Long, 1968), Tập Thể (Vĩnh Long, 1973), Hoài Vọng ( Phan Rang, 1968-1969), Sóng (Tuy Hòa, 1965), Dựng Đất (Nha Trang) , Vỡ Đất (An Nhơn - Bình Định), Nhìn Mặt (Bình Định), Việt (Huế) , Ngưỡng Cửa (Quảng Nam), Trước Mặt (Quảng Ngãi), Nguồn (Cần Thơ), Vượt Thoát (Cần Thơ)v.v..... đã nói lên một nét đặc biệt trong nền văn học miền Nam thời chiến..
Cám ơn Ý Thức, để Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang (1969) được nói lên giữa tiếng nổ bom đạn.
Nói như Võ Tấn Khanh, khi nhìn lại một tạp chí của miền Nam trước 1975:
"Ý Thức đã nói được tiếng nói anh em bạn bè, đáp ứng phần nào mơ ước của chúng tôi và nhất là thể hiện được thái độ của những người cầm bút trước vận mệnh của văn chương và đất nước."