Mùa thu năm ngoái, tôi chuẩn bị hành trang cho chuyến du lịch Paris. Trong chuyến đi chơi đó, tôi biết được đời sống của người dân Paris và nhất là cuộc sống của người Việt Nam định cư tại Paris. Paris không ồn ào và nhiều xe cộ như tại Hoa Kỳ. Nếu nói rằng người Mỹ khai phóng, cởi mở và luôn đi tìm cái mới, sáng tạo, thay đổi thì người Paris vẫn giữ lại những gì rất xưa cũ. Họ trân trọng gìn giữ từng viên gạch lót đường, từng dinh thự, công viên văn hoá, viện bảo tàng…đã xây dựng trong nhiều thế kỷ. Nếu đường sá hư hỏng thì họ cũng xây dựng lại trên cái nền đã có sẳn. Họ không thích thay đổi. Người Paris có nếp sống thong thả, không hối hả, không bận rộn như người Mỹ nên phong cách của họ cũng chậm rãi, từ từ và có cuộc sống khép kín. Nếu buổi trưa bạn đi dạo xung quanh Paris, bạn sẽ thấy những quán cóc dọc theo vĩa hè bán cà phê và bánh ngọt, bánh mì sandwhich, có nơi bán thức ăn luôn và quán tiệm luôn đông khách. Quán cà phê trên vĩa hè là nét độc đáo của Paris. Mùa thu Paris thật đẹp nên khi trở về Hoa Kỳ tôi đã viết bài Bút Ký “Thu Paris và Tình Yêu Và Những Nụ Hôn” đăng tải trên nhiều website của bạn bè.
Năm nay, thu lại về. Những ngày chớm thu mưa nhiều, gió vần vũ và bầu trời xám màu chì. Hàng cây phong đã bắt đầu đổi màu vàng và cam, đỏ, rực rỡ như những cánh hoa. Cây sồi (oak) sau vườn nhà tôi bắt đầu rụng lá. Mấy ngày nay mưa dữ dội, những hạt sồi rụng đầy sân cỏ. Cuối tuần không đi làm, tôi phải quét sân, hốt lá khô và cào hạt sồi nằm lăn trong cỏ. Nhiều hạt rơi xuống bị đất lấp lại, tôi phải ngồi xuống nhặt từng hạt nằm trong lòng đất bỏ hết vào thùng rác. Gia đình tôi chịu khó phân rác ra làm nhiều loại: Giấy cạc-ton, báo hàng ngày, tạp chí, lon co-ca, đồ nhựa…v…v…vào những thùng recycle khác nhau. Thùng rác dành cho cỏ và cây, lá, hạt cũng khác nhau. Có như vậy mới bảo vệ được đất đai và môi trường mà chúng ta đang sống. Chúng tôi cũng giáo dục cho con mình từ nhỏ biết nơi nào bỏ rác, cỏ, cây, lá chết đúng chỗ để giữ vệ sinh. Hạt sồi to bằng ngón tay cái, chắc nịch thường là món ăn của các chú Sóc xám, nhỏ nhắn, đuôi cong, có hai các răng cửa xinh xinh leo trèo lên xuống.
Tháng 7, hạt Sồi đã xuất hiện và giữa tháng 9 chúng bắt đầu rơi xuống đất. Năm nay, cây Sồi sản xuất hạt Sồi nhiều gấp 10 lần mọi năm. Hạt Sồi lăn dưới chân, rơi như mưa xuống sân nhà, nơi đậu xe, sân cỏ khiến cho chó mèo cũng không dám chạy ra sân vì sợ rơi trúng đầu đau điếng. Năm 2005, ve sầu thức giấc và xuất hiện ào ạt trên toàn nước Mỹ. Năm nay 2010, một cây sồi cao lớn có thể sản xuất ra 1.000 kg hạt trong điều kiện thời tiết bình thường. Một con số kỷ lục mà chúng ta có thể gọi là “Acorn Rain” hay “Acorn mast year for the nuts”. Chúng ta thường thấy những chú sóc lông xám (gray squirrels) chạy nhảy trên cây. Chúng và chim cóc rất thích ăn những hạt sồi xanh, còn non. Do đó, chỉ còn lại một ít hạt rơi xuống đất và lại được mấy chú chuột, mấy con gà rừng xơi. Năm nay, hạt sồi quá nhiều nhưng chim chóc, sóc, nhím,chuột ăn không hết nên rơi xuống đầy sân.
Khi chúng ta nhìn hạt sồi, chúng ta không hiểu vì sao mấy chú sóc, chim cút, ghẻ cùi, ngay cả hươu nai cũng thích ăn. Trong hạt sồi có chất tannin, là một loại chất độc mà chỉ có cơ thể của chúng mới có thể tiêu hoá được. Thông thường, chúng hay gom và cất giữ hạt sồi dưới gốc cây, bụi cỏ và để dành mấy tuần lễ để ăn. Chất tannin dùng để sản xuất các chất hoá học, trong quốc phòng, chế biến thức ăn, và dùng để ngâm da thú để làm giầy da.
Những cây sồi có ngọn, lá màu đỏ thì hạt sồi sẽ đắng hơn. Cây sồi trắng lá xanh sậm hạt của nó ít tannin nên ngọt hơn khi rơi xuống đất.
Theo tài liệu của nhà Sinh Vật Học Robert Wayne Atkins, thì cách đây 2,000 năm, con người ăn hạt sồi nhiều hơn ăn cơm và lúa mì và là món ăn chính của con người trong nhiều thế kỷ. Chất tannin sẽ bị mất đi nếu chúng ta nấu chúng chín trước khi ăn. Những người-Native American Indian, sống ở vùng phía Bắc của nước Mỹ như người Cherokee, Pima and Apache vẫn xem hạt sồi là món ăn chính vì họ biết được giá trị dinh dưỡng của nó. Họ nhặt hạt sồi rồi đem vùi xuống bùn trong một vài ngày. Sau đó họ đào lên và phơi khô dưới nắng. Đó là cách họ làm cho chất tannin mất đi để có thể ăn được. Trong hạt sồi có hàm lượng đường thấp và do đó giúp kiểm soát mức đường trong máu, có một dư vị ngọt ngào hấp dẫn có thể được sử dụng trong công thức nấu ăn, làm bánh mì và món hầm. Vì có vị ngọt tự nhiên, hạt sồi làm giảm bớt ¼ chất ngọt khác trong công thức nấu ăn. Độ mịn của hạt sồi có thể được sử dụng thay cho các loại hạt trong cookie, sô-cô-la, hạnh nhân và công thức nấu ăn, làm bánh mì. Sồi là một nguồn đáng tin cậy của các carbohydrate, protein, 6 sinh tố, 8 khoáng chất, và 18 axit amin, và chất béo ít hơn hầu hết các loại hạt khác. Một số ít các sồi có độ dinh dưỡng tương đương một cân hamburger tươi.
Listen
Read phonetically
Cho dù, các nhà khoa học, sinh vật học viết nhiều bài về giá trị hạt sồi, nhưng tôi không biết ăn, thấy nhiều quá nên cũng ngạc nhiên và lo lắng vì mất nhiều thời gian quét dọn. Cứ nửa đêm, khi tôi đang ngủ, nghe tiếng mưa rơi trên mái nhà, tiếng lá lay động xào xạc và hạt sồi rơi trên máy nhà lộp bộp như những viên đá. Tôi thức giấc nghe tiếng lăn long lóc của chúng và tôi hiểu rằng ngày mai, hạt sồi lại đầy sân. Gần 18 năm sống trong căn nhà nầy, với những hàng cây sồi bao quanh, tôi chưa bao giờ thấy hạt sồi nhiều đến nỗi mỗi đêm làm tôi phải thức giấc lo âu. Tôi cũng ngạc nhiên khi không thấy bóng dáng mấy chú sóc con háo ăn chạy tung tăng trong sân cỏ, nhảy nhót, nô đùa trên các cành cây, hàng rào nhà tôi và ôm những hạt sồi nhai rao ráo. Có thể, nhà bên có nuôi hai con chó và mấy con mèo làm cho chúng hoảng sợ chăng? Thông thường, Jame hay mua thức ăn bỏ vào trong cái ống cao treo lủng lẳng trên cây Sồi để dụ lủ chim đến ăn. Những ngày đầu, tôi còn thấy nhiều con chim Sơn Ca, chim Gõ Kiến và những chú chim Se Sẽ, và những loài chim lạ rất xinh đẹp đến tranh nhau ăn. Nhưng sau đó, một đàn quạ đen hàng trăm con từ đâu kéo về. Chúng thi nhau kéo đàn, kéo lủ bay vào vườn ăn hết thức ăn và đánh đuổi những chú chim hiền lành bay mất. Hàng ngày tôi nghe tiếng những con quạ đen xấu xí, tham ăn quang quác trong vườn khiến tôi bực mình. Tiếng kêu của chúng chói tai, quỷ quái, tinh ma làm cho tôi ghét. Bé Đậu Phụng cứ càm ràm “Mẹ ơi! Mấy con quạ đen ăn hết thức ăn của mình và la lối om sòm quá! Chúng nó còn rượt đuổi những con chim đẹp của con nửa. Mẹ đuổi chúng đi cho rồi.” Tôi cũng chứng kiến cảnh quạ đen cắn, đá những con chim dễ thương thường về đây bay lượn, nên tôi lấy chổi đuổi mấy con Quạ đi. Nhưng được một lát, chúng nó lại kéo nhau về đầy vườn. Tôi phải nói với Jame tháo cái ống thức ăn xuống. Từ đó, vườn nhà tôi đã vắng tiếng chim kêu ríu rít, vui tai.
Thế mới biết nơi nào có loài Quạ Đen, những con chim hiền lành không thể sống được, chúng phải bay đi tìm một nơi bình an, khoáng đạt hơn để sinh sống và tồn tại.
Sóc ơi! Chim ơi! Mấy chú chuột nhắt ơi! Sao không chịu về cho đông để ăn hạt sồi và tha chúng đem dữ trữ vào những ngày mưa, bão.
Mùa thu nầy, tôi lại phải đi gom lá phô trong vườn. Nhưng lá khô làm sao nặng bằng hàng mấy trăm kg hạt sồi rơi trong sân cỏ sau vườn.
Plop! Thunk! Yelp! Tiếng Arcorn lại rơi như những chiếc lá mùa thu./.