Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.197.735
 
Một Ngày Cô Độc
Mang Viên Long

Có đôi lúc tự dưng Thạc bỗng thấy ghét giận lão Thỉ quá!. Buổi sáng lão ta trở về, chạm mặt, Thạc nhận thấy nỗi ghét giận xuất hiện nơi ý nghĩ mình, đành nén lại quay đi, không đáp lại cái cười cười cố hữu của lão. Tuy bỏ vào phòng, Thạc cũng gắng nhếch mép, mơ hồ, gượng gạo để tỏ ý thân mật với những cái ngớ ngẩn vô lý, kỳ khôi của lão. Có đôi khi, không dằn được cơn giận, Thạc im lặng trở vào, đóng cửa, hoặc hỏi một câu vu vơ như cái cười khó thương nọ: Dạo này trên đồn tình hình đánh bài có gì khả quan không ông Thỉ ? Những lúc nghe vậy lão cũng cười cười, nói lí nhí một câu gì đó, hoặc làm thinh. Lão thường cười hơn nói. Cười ngớ ngẩn. Cười vô lý. Cười chỉ nhếch môi, lộ hai hàm răng vàng bệch, cáu bẩn. Lão làm y như cái cười của lão là đẹp, quyến rủ lắm vậy. Nhưng lão đâu có ngờ, cái cười cười của lão chỉ khiến cho những người đàn bà góa chồng như bà Sen mê thôi. Vậy mà Thạc đã phải trông thấy những cái cười đó thường ngày. Anh tự nhủ, gắng mà chịu đựng. Và sự chịu đựng của Thạc đã tới lúc chỉ còn biết im lặng, giữ gìn gượng gạo. Có lẽ cái cười với cặp môi lát lướt mỏng dính với hàm răng vàng bệch, cáu bẩn đã làm Thạc thấy không chịu được ngay lần gặp lão đầu tiên. Một người ưa cười, dễ cười, lại là người thường làm cho kẻ khác khóc. Bà Sen càu nhàu, khóc lóc với lão những bận từ đồn trở về lấy thêm tiền bạc, bòn chắt nữ trang; nhưng lão vẫn lui tới, tỉnh bơ, lai rai, và cười cười như thường. Dễ chừng lão không biết buồn bã, tủi nhục là gì ? Thấy vậy, Thạc lại ghét ghét lão sao đó, mặc dù bà Sen với anh không có chút tình thần mật nào hơn một người cho thuê phòng với giá cắt cổ. Nhiều lần, chui vào phòng rồi anh vẫn còn cảm giác hậm hực. Thạc nghĩ, mình không nên cư xử với một người đã luống tuổi như vậy, tuy lão là người đàng điếm, dị kỳ. Đã bao lần vì kính mến  ,tin mình- lão đã kể cho mình nghe vài cuộc tình rày đây mai đó thời chiến- lâu lâu, lại được nghe vài chuyện lục đục giữa lão với bà Sen, với bà này bà nọ- thấy lão vẫn cười cười như chẳng hề có gì xảy ra-Thạc lại thấy nỗi ghét giận lão thoáng tới, khiến anh khó chịu. Ở đời, lại có những chuyện kỳ cục như vậy: Có người thương kính mình mà ngược lại mình không thể đáp lại . Giá mình dửng dưng lạnh nhạt, bỏ qua được thì khỏe biết chừng nào ? Cái khổ của Thạc còn ở chỗ đó nữa. Giá lão Thỉ cứ lầm lì, im lặng thì đỡ cho anh biết bao. Sau bao lần cố gắng , Thạc quyết định: Đừng bao giờ giận ghét người nào, khi họ không là kẻ thân tình gắn bó với mình. Làm được vậy, anh cảm thấy yên ổn, tỉnh trí hơn giữa những người bạn xấu bụng, và những người chung quanh kỳ khôi  như lão Thỉ.

           

Thạc nghe có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Đúng là tiếng gõ cửa của lão Thỉ, Thạc ngồi im. Lão Thỉ lại quấy rầy mình về những bức thư gởi về cho vợ con rồi đây? Nhớ lại lúc lão đọc cho anh viết những giòng thư nhắn nhủ, dặn dò, mà Thạc muốn nỗi lên cười: “Thân gửi vợ con, bà ở nhà làm ăn ra sao có mạnh giỏi không cho tui biết tin tức, nhớ coi sóc tụi nhỏ lỡ đau ốm thì khổ lắm. Phần tui vẫn mạnh khỏe nhờ Trời không hề hấn gì cả, làm chỗ cũ, một ngày gác ít giờ hay không gác chỉ phân công thôi đi đốc canh rồi về lô cốt nằm uống rượu nhớ bà và lũ nhỏ quá bà à, chắc cuối tháng tui xin phép được sẽ về thăm. Thôi chúc bà mạnh khỏe, tui mừng”. Tiếng gõ cửa lại vang lên, nhẹ nhàng, e dè. Đúng là tiếng gõ sợ sệt, khẽ khàng của lão Thỉ rồi. Chắc lão dư biết mình làm phiền người khác khi bắt họ viết thư hộ cho vợ con  nên thường tỏ ra lúng túng, rụt rè. Lần thứ ba, tiếng gõ cửa tuy nhỏ, nhưng âm vang như xáo động tận trong đầu Thạc. Từng tiếng một rõ ràng, thôi thúc. Thạc đứng dậy, mở cửa thật mạnh. Ồ, Kim Trâm. Trâm từ bên kia cây cầu dài hai mươi mốt nhịp, nơi cái quận lỵ ngơ ngác, miền đất chộn rộn những đêm ồn ào đạn pháo kích rơi rải rác dọc đường- quận lỵ có cái tên nghe cũng khiếp: Hiếu Xương. Tại sao là Hiếu Xương mà không Phú Lâm như trước ? Phú Lâm nghe vẫn hiền, và hay hơn đó chứ? Trâm trong tấm áo man-teau màu xanh lá cây, tấm áo thấm vài giọt nước mưa-Trâm trông có vẻ co ro, rét mướt, tội nghiệp. Thạc hỏi :

- Sao em qua sớm dữ vậy - Trâm ?

 

Trâm cười, bước vào phòng, cởi áo manteau treo lên móc. Nàng làm những động tác đó rất tự nhiên và khoan  thai. Thạc nhìn đắm đuối vào đôi mắt Trâm, tự dưng anh thấy thương thương nàng quá đi. Một nỗi chân tình và tội nghiệp như toát ra từ thân thể gầy hư của nàng bên mối tình đầu với anh, mà nàng đã nguyện gắn bó, tha thiết. Chợt Trâm nhìn chậm lên mắt Thạc, cười khẽ :

- Qua sớm không thì anh đi mất…

Thạc hỏi - trong tiếng cười :

- Anh đi đâu mà mất ?

- Ai biết được chuyện đó ?

Ai biết được chuyện đó. Phải, làm sao em biết được hết những lo lắng, lận đận của anh ? Ngay cả khoảng thời giờ cuối tuần dành riêng cho em, nhiều lúc anh cũng không thể giữ được. anh bận bịu quá, xuôi ngược quá. Làm sao anh nói hết cho em những gì anh phải lo lắng, thực hiện cho đời sống anh lúc nầy ? Ai biết được chuyện đó, con gái khi đã quá yêu, dễ sinh những ngờ vực kỳ cục như vậy. ai biết được chuyện đó, vâng, em cứ nghĩ như vậy đi, cho vui. Thạc nghĩ tiếp, cứ để cho Trâm có những giận dỗi, nghi ngờ, ghen tuông bóng gió như thế cũng tốt. Trong tình yêu, không có những thứ đó cũng hơi buồn phải không Trâm? Và, Thạc không dè, cô bé cũng thành thạo trong việc ghen tuông quá sức. Có ai dạy cho nàng những điều này đâu ?

 

Trâm  ở lại suốt buổi sáng chủ nhật hôm đó bên Thạc. Bà chủ nhà trọ đã quen lệ mang sẵn hai phần cơm để ở bàn chờ. Những sáng chủ nhật, Thạc coi như đã dành hẳn cho nàng. Thạc nghĩ trong suốt một tuần lễ khó khổ, buồn bã nhất cũng phải có một ngày cho mình, cho người yêu chứ? Giá không có ngày chủ nhật -  ngày dành cho tình yêu trong tuần thì đời sống sẽ buồn nản, cô độc biết bao? Nghĩ vậy nên anh rất mãn nguyện với việc thu xếp hết mọi bận rộn, dành cả ngày chủ nhật cho Trâm.

 

Thạc nôn nao nhìn bầu trời xám hẳn mây, lòng thầm buồn, lo. Những đám mây đen vần vũ, dập dềnh kia sẽ là những cơn mưa dữ dằn sắp tới, chắc Trâm sẽ ướt hết, và anh cũng sẽ khổ cùng với bọn học trò cả ngày nay rồi. Những cơn mưa dai dẳng kia cũng sẽ làm kết qủa của ngày quyên góp cứu trợ giảm sút hẳn đi. Thạc đứng ở hiên., nhìn bầu trời, nhìn đồng hồ, càu nhàu trách giận ông Trời. Đã gần 8 giờ rồi, sao Trâm chưa thấy qua cà? Thế nào nàng cũng phải tới trước những cơn mưa. Thạc cau có: Mưa, gió, bão, lụt cả tháng không ưng bụng sao, giờ còn mù mịt, ướt át thế này? Hãy để cho thiên hạ thấy chút nắng mặt trời mà lo dựng lại nhà cửa, sửa san vườn tược đã gãy sập đã chớ? Mưa, mưa, mưa lèm nhèm tối ngày. Quá nóng lòng, Thạc trở vào lấy mảnh giấy ghi vội mấy hàng cho Trâm : “Kim Trâm, anh lên trường lo chút công việc, có lẽ chỉ trở về buổi trưa rồi một giờ lại đi ngay. Nếu thích, em cứ nằm đây đọc sách, chờ anh. Chìa khóa vẫn để chỗ cũ đó, nhớ chưa? Xin lỗi, không kịp thông báo cho em vì nhà trường  quyết định quá gấp. Mong em ở lại”.  Ghim mảnh giấy lên cửa, Thạc vội vã lên trường. Nghĩ tới cái tính ưa dỗi hờn, ghen tuông bóng gió của Trâm, tự dưng Thạc mỉm cười. Cái ý định sẽ mang Trâm cùng tham gia công tác quyên góp ở trường Thạc không thể thực hiện được nữa. như vậy cũng đỡ bị bọn học trò chọc ghẹo.

 

Học sinh đứng nhốn nháo, lộn xộn, ồn ào trong sân trường. Thấy Thạc, nhiều đứa reo lên. Anh cười dễ dãi với bọn học trò. Phần đông những đứa học trò anh đều ở tận các vùng quê, lên tỉnh học, rồi lại hối hả quay về đỡ đần cho cha mẹ. vì thế, ngoài dáng dấp trẻ thơ đáng mến, anh còn nhìn thấy nhiều nét tội nghiệp, chân tình. Chúng thường hiền –chịu khó, và chăm chỉ. Bước vào văn phòng, anh thấy ông thầy già cựu giám thị đang thẫn thờ chờ đợi. Thạch, người vừa được ông giám đốc đưa lên làm giám thị thay cho ông thầy già, lăng xăng ghi ghi chép chép gì ở bàn. Và cô thư ký thu ngân đang ngồi ở góc phòng chải lại mớ tóc. Tất cả những gì cho cuộc lạc quyên chưa được chuẩn bị chút nào, Thạc trở ra, mượn vài đứa học trò đi mua kẹp, đinh ghim.  Niêm phong các thùng lạc quyên. Phát kim và huy hiệu. Chia toán. Phân công. Lập danh sách. Dặn dò. Tất cả những điều đó đều chưa thực hiện. Cái lối thực hiện “chỉ trong vòng 5 phút” của gã giám đốc chủ trường đã nhiều bận làm Thạc nản quá. Tổ chức Trung thu: Trong vòng 5 phút. Tổ chức Giáng sinh: Trong vòng 5 phút. Những khoản 5 phút kia thực là hợp với tính lười biếng, lừng khừng, và tài lợi của lão giám đốc giàu sụ mà dốt đặt.

 

Thầy Chuyên (ông thầy già, cựu giám thị) dáng điệu buồn bã chán nản sau nhiều lần đi ra đi vào thất vọng. Ông liền gọi một đứa học trò, bảo:

- Mày tới coi thử ông giám đốc đang làm cái gì ở nhà ? Hỏi thử sáng nay có đi lạc quyên không còn cho học trò chúng về ?

Tiếng một học sinh trong đám đông nói lớn :

- Ổng ở nhà thu băng, chạy áp phe kiếm tiền chứ làm gì nữa, thầy?

Nghe lời nói đó, Thạc bỗng nhớ tời lời nói của gã giám đốc mê thu băng hơn dạy học: Ở nhà thu băng, khỏe. Dạy học làm gì cho mệt ? Thì giờ tôi ở nhà thu băng kiếm tiền gấp mấy lần đi dạy nữa. Tôi bây giờ không cần dạy học. Và, gã tự chia cho mình một tuần với những giờ phụ phất phơ đi trễ về sớm, cho khỏe.

 

Lúc mới vào nhận dạy thêm giờ ở trường này, Thạc nghĩ là anh sẽ gắng giúp cho học sinh bằng những hướng dẫn và hoạt động trong phạm vi học tập cũng như sinh hoạt, nhưng sau bao lần thử thách, những cố gắng bị ngăn cản và phá hoại, anh nản định chờ ngày xin thôi việc. Không thể nào sống chung hoặc làm việc bên cạnh những kẻ tự phụ, lười biếng, tài lợi, và bất tài như vậy. Và, Thạc nghĩ, những hy sinh phục vụ của mình rồi đây cũng sẽ bị hiểu lầm và nghi kỵ, xoi bói. Từ đó, dù có tha thiết bao nhiêu với những dự định tuổi trẻ, bên những đứa học trò quê mùa, nghèo khổ, Thạc cũng khó một mình mà chống chỏi với bao khó khăn, hiềm tị, nhỏ nhen chung quanh. Ở đời, không làm được gì thì bị chê, mà có làm được gì, thì lại bị ghét. Sự có mặt  của Thạc trong ngôi trường này, vì vậy là một sự nhẫn nại, cố gắng vì bọn học trò của anh hơn là số tiền được lãnh thêm vào cuối tháng.

Khi phân chia các thùng đựng tiền, đinh ghim huy hiệu, và những địa điểm  cần phải có mặt vừa xong, thì trời đổ mưa. Gió thổi rạt rào, lạnh buốt. Tuy vậy, qua dáng điệu co ro, chịu đựng của bọn học trò, Thạc còn tìm thấy thực nhiều niềm hân hoan, phấn khởi. Sự khổ nhọc của đời sống đã dạy chúng coi thường mọi khó khăn. Gió, và mưa cũng chẳng làm sờn được tấm lòng hăng say, nồng nhiệt nơi tuổi trẻ. Những ánh mắt hực sáng, những đôi môi luôn nở nụ cười, những xoắn xít mừng rỡ của đám học trò trước mặt làm Thạc xúc động. Anh thấy niềm tin yêu của mình không đến nỗi lẻ loi, cô độc như anh đã tưởng. Lúc đi ngang qua toán nữ sinh, bọn Tú, Ngọc, Hồng, Lan nhao nhao lên hỏi: Thưa thầy, thưa thầy, làm sao nói xin tiền được thầy? Thạc bỗng cười: Đã nói rồi, các cô cứ hỏi mãi ? Thạc dặn lần chót: Muốn người ta cho tiền mà không thấy áy náy, ngờ vực, buồn lòng, các cô phải ăn nói dịu dàng, lễ phép, về lý do của việc quyên góp, và sau khi đã nhận được tiền bỏ vào thùng, phải thay mặt người đói rét bất hạnh cảm ơn lòng tốt của họ cho đàng hoàng… Thạc chịu trách nhiệm các toán lớp 9 do anh làm giáo sư hướng dẫn, và trông coi tổng quát các địa điểm khác. Đó là phần trách nhiệm mà anh tự đặt ra, bắt mình phải hoàn tất. Gã giám đốc chủ trường tứ thời đeo ống nghe vào hai tai, thấy bọn học trò quá nhiệt thành, và quí thầy cô lên nhận công tác xã hội, cũng không nỡ bỏ đi về nhà, dù lòng rất tiếc những cuộn băng đang thu dở.

 

Toán Thạc được phân công dẫn tới ngã Năm trung tâm thị xã. Trời mưa nhẹ nhưng cũng đủ  ướt đẫm mớ tóc của bọn Ngọc, Hường, Nguyệt , Thúy ; cũng đủ ướt áo quần của bọn Nông, Quà, Mạnh, Quảng, Ngung, Thanh…; cũng đủ làm ướt rũ mái tóc bềnh bồng của Thạc lòa xòa xuống trán. Thạc chia làm hai toán, ở mỗi góc đường phố. Người đi dạo phố chủ nhật thưa thớt hơn mọi khi. Từng đoàn xe nhận còi chạy lướt qua, lạnh lùng. Sau một lúc làm việc không có kết quả, thường bị người đi đường từ chối, bị những ông quan lớn nhà giàu cự nự khi xe hơi bị chặn, bọn học trò buồn tiu nghỉu, bu quanh Thạc:

- Thưa thầy, mấy ông kia la quá, thầy ? Thưa thầy, họ cằn nhằn cau có làm tụi em sợ. Buồn quá, thầy ơi …

Thạc im lặng, thấy thực khó xử. Anh biết nói sao đây, với lũ học trò mình – ôi, những đứa học trò tâm hồn còn trinh trắng, tấc lòng đang bừng nóng nhiệt thành về những gì chúng đã thấy, đã hỏi ? Chính mắt anh cũng đã trông thấy một ông lái xe hơi nọ cự nự xài xể học trò mình, chính tai anh nghe những người nhàn tản đùa ghẹo dửng dưng trước những lời lẽ tha thiết kêu gọi của đám học trò áo quần, tóc tai ướt rũ, đang run lên vì lạnh, vì nỗi lạc lõng, cô độc ? Cuối cùng, để giúp chúng nhẫn nại làm việc, Thạc nói giọng tự nhiên;

- Các em đừng ngại, cứ làm việc cho hết lòng là được. Ai nói gì, mặc họ. Nào, toán của Ngọc chia làm hai xuống ngã dưới, toán của Cúc, của Trương, của Quà, của Nông mỗi người một góc đường đi.

Trời bỗng đổ mưa ào ào. Mưa lớn rồi. Thạc nói, cho các em vào nghỉ một lát đi. Tiếng của Nông, của Quà đáp lại,  giọng quả quyết: Thưa thầy, không. Cứ việc làm, thầy. Tiếng cười của bọn nữ sinh phụ họa theo. Thạc phải nói : Nghỉ một lát đi, tạnh mưa rồi hãy làm.

 

Dù anh nói vậy, lũ học trò vẫn đứng im ngoài trời dưới làn mưa dày, đón từng chiếc xe, hỏi xin từng đồng bạc lẻ. Hình ảnh này làm Thạc thấy thương yêu lũ học trò mình, dù trong bọn, có đứa ở lớp cũng thường nghịch ngợm như Thiên, như Siêu. Thạc cũng có mặt bên cạnh chúng, nhắc nhở, an ủi, khuyến khích chúng. Anh nghĩ, nếu không có nỗi an ủi cần thiết cho tuổi trẻ, chúng dễ bị thất vọng chán nản lắm. Hễ gặp một trường hợp buồn lòng, Thạc luôn miệng nói : Các em đừng ngại, cứ làm việc đi. Họ nói gì, mặc họ. Cố gắng đi, được bấy nhiêu hay bấy nhiêu.

Khi trời vừa tạnh mưa, có đứa đề nghị với Thạc :

- Xin thế này, ít quá thầy ơi. Hay thầy cho một toán đi vào tận các nhà buôn coi thử sao …

 

Từ trước, Thạc cũng đã nhìn thấy sự quyên góp thực là ít ỏi, khó khăn. Kẻ nghèo thì giàu tình thương nhưng ít tiền bạc, còn người giàu thì nhiều tiền bạc nhưng ít lòng thương, do vậy những đồng bạc lẻ chắt mót, quyên góp được dù đã thể hiện được tấm lòng từ bi, bác ái đối với đồng bào mình đang bị nạn bão lụt làm phải khốn đốn, đói khổ nhưng chưa thể đem lại cho họ những an ủi cấp thiết bằng bát cơm, tấm chiếu. Do đó, khi nghe lời đề nghị, Thạc chấp thuận liền: đúng rồi toán nào lĩnh phần trách nhiệm này ? Nhiều học sinh giơ tay, Thạc chọn những đứa hơi lớn một chút, và có khả năng ăn nói để “cạy tủ được” những nhà buôn những nhà giàu có trong thị xã. Thế là một toán nữa bắt đầu mang thùng vào các dãy nhà dọc phố.

 

Sau khi đôn đốc nhắc nhở, các toán còn lại, Thạc lấy xe chạy một vòng các địa điểm khác trong thị xã. Lên tới đầu cầu, Thạc gặp ngay một bọn học trò lắt chắt của lớp 6 và 7, chúng thấy Thạc mừng rỡ reo lên :

- Thưa thầy, xin được nhiều tiền lắm thầy! Ở đây, mấy người nhà quê đi chợ nhiều lắm thầy ơi…

Thạc nhìn quanh địa điểm: Đó là một bến xe Lam; và cửa ngõ của vùng quê Đông Phước, Hòa Thắng, Hòa Trị đổ xuống phố. Ở đây, xin được nhiều tiền cũng phải. Nghĩ tới câu nói: “Ở đây, mấy người nhà quê đi chợ nhiều lắm thầy ơi”. Thạc thấy thực là tội nghiệp cho những người nghèo khổ, quê mùa. Lúc này, chỉ có những người khổ nhọc mới cứu giúp nhau thực lòng mà thôi. Ôi, những đồng bạc  quí báu và thiêng liêng đã chia sớt  từ một bữa chợ của những gia đình nghèo  khổ tản cư. Thạc thăm hỏi, và an ủi, nhắn nhủ với những học sinh – những đứa học sinh nhỏ bé đứng dầm dưới cơn nưa tháng mười hai – rồi chạy rẽ xuống các ngã đường số 4, tới chợ. Nhóm học sinh lớp 9 và 10 đang  đi rong trong các dãy chợ thấp, lầy lội. Gặp Thạc, chúng liền tỏ rõ nỗi thất vọng, buồn bã : Sao người ta lơ là; dửng dưng; lạnh lùng với lũ em quá, thầy à? Cũng có người nạt nộ, gắt gỏng nữa, lũ em buồn quá. Thạc lại phải lập lại những câu an ủi cũ, mong giữ được lòng tin yêu nơi đám học trò. Đôi lúc anh thấy thực là khó khăn để xoa dịu nỗi thất vọng nơi những gương mặt ngơ ngác; buồn thiu của chúng: Chính anh cũng đang cô độc, lạc lõng, làm sao có thể mang lại niềm vui cho kẻ khác ? Tại ngã tư Bùi Nguyên Ngãi – Trần Hưng đạo, một toán nữ sinh lớp 10 chặn xe Thạc lại, than :

- Kỳ quá thầy ơi, người ta cứ chạy xe như gió, không ai chịu dừng lại cả?

Thạc cười:

- Gì mà kỳ ? Đâu có  phải mình quyên góp cho riêng mình tiêu xài đâu ? Cứ gắng lên là được. Điều quan trọng là phải nhẫn nhục, cố gắng …

Nói xong Thạc đi thẳng lên những toán của anh ở ngã Năm. Các toán vẫn làm việc hăng hái, chăm chỉ. Dừng xe lại, Thạc đưa tay xách thử chiếc thùng chứa bạc đã quyên góp, anh nói lớn:

- Vậy là được rồi, nặng lắm, gằng nữa đi…

Nói xong, anh thấy bọn học trò đều cười theo anh, trong dáng điệu rét run, tội nghiệp …

 

Ở trường về -Thạc thấy nỗi buồn ngút lên, lan rộng, xâm chiếm mọi tưởng nghĩ trong đầu. Hình ảnh những đứa học trò ướt đẫm run rẩy, những nhẫn nhục bỏ từng đồng bạc cắc vào thùng, những cử chỉ nhạt nhẽo với nhiều khinh bạc của những gã lái xe hơi, những lới nói gắt gỏng dửng dưng của khách nhàn tản giàu có; tất cả những thứ đó, in đậm trong trong trí óc Thạc, và làm anh khó chịu, buồn nản. Anh nghĩ tới Trâm- Kim Trâm. Nghĩ tới Trâm lúc này như một nỗi an ủi gần gũi, và nồng nàn có thể giúp anh quên hết mọi trắc trở, phiền muộn: Tình yêu quả là một điều màu nhiệm vô biên cho kẻ cô độc, muộn  phiền. Có lẽ nàng còn chờ đợi mình ở nhà? Kim Trâm, anh mong em ở lại. Anh cần có em, ngay lúc này. Phải -chỉ có em  là nàng tiên với phép màu  mới có thể xoa dịu nỗi cô độc của anh mà thôi. Kim Trâm ơi, chỉ gọi tên em, anh cũng đủ ấm lòng.

 

Thạc đầy của, bước vào phòng: Căn phòng trống trơn, vắng vẻ quá. Kim Trâm .Kim Trâm. Nàng đã về. Đã trở qua bên kia chiếc cầu đen dài 21 nhịp. Đã âm thầm bên cái quận lỵ ngơ ngác, nghèo khó đó rồi. Hiếu Xương hay Phú Lâm cũng vẫn là nơi người yêu ta đang sống. Thạc cúi xuống nhặt tấm giấy lên đọc: ”Anh Thạc ơi, em về! Em không thể chịu được nỗi cô độc  khi vắng anh trong căn phòng trống trải này.” Thạc lấy bút ở túi áo viết bên cạnh dòng chữ yếu ớt của Trâm :” Anh cũng vậy!./.“

 

( Tuần báo Khởi  Hành, số 112/ngày 8-th7/1971)

 

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2477
Ngày đăng: 06.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử Đề Xuất Với Trần Gian - Nguyễn Thanh Hiện
Cho Kẻ Khuất Mặt - Lê Văn Thiện
Gươm mài bóng nguyệt - Giang Kiều
Rừng Trầm Mai Sau - Ngụy Ngữ
Mảnh Vỡ Của Ngày. - Hồ Thanh Ngạn
Cây Cầu Tuổi Dại. - Nguyễn Mộng Giác
Gò Bồi Bên Kia Sông - Trần Hoài Thư
Ly - Trần Duy Phiên
Những Lớp Mây Phai - Hồ Minh Dũng
Hội trường - Nguyễn Hiếu
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)