Tôi phải tìm cho ra một người. Đầu óc tôi phác họa rất nhanh những mối dây cần nắm bắt. Hai mươi năm với một người bạn thời trung học. Tường Vi. Thực sự cũng chẳng ai buộc tôi làm điều này. Vậy mà tôi đã hứa.
Cách đây ít hôm, ngồi trong một quán cà phê, nơi một số bạn bè văn nghệ sĩ thường lui tới tình cờ tôi gặp Hoàng. Lập tức tôi nhớ đến Tường Vi. Qủa có vậy. Hoàng cũng bảo tôi anh về nước lần nầy nhất định phải tìm cho được Tường Vi. Khi anh bạn trẻ đi cùng với Hoàng nhận được điện thọai của tổng biên tập vội vã xách xe đi thì chiếc bàn con dưới mái hiên chỉ còn lại tôi với Hoàng. Bây giờ tôi mới có dịp ngồi trước người đàn ông mà hơn ba mươi năm trước tôi chỉ thoáng thấy từ phía xa xa. Ba mươi năm trước anh gầy gầy, dong dõng cao, kính trắng, tóc bồng bềnh vừa thư sinh, vừa nghệ sĩ. Tụi bạn xì xầm “Sinh viên y khoa đấy.” Ong bác sĩ tương lai ấy sánh đôi với một kiều nữ lớp tôi trước bao nhiêu cặp mắt đầy ngưỡng mộ. Tường Vi. Tà áo chỉ dài quá gối một chút, quần ống rộng bốn mươi, đi giày đẹp như hài cô Tấm, Tường Vi lơ đãng đến lớp với sách vở hờ hững trên tay. Tôi và Bích Thuận ngồi bàn đầu cứ trầm trồ những mẫu hoa văn trên áo lụa Tường Vi mỗi khi cô lên bảng. Cũng là lụa trắng, thế mà cô kiếm đâu ra những kiểu hoa văn đẹp lạ lùng. Nền nã, sang trọng, mà dễ có đến hàng chục chiếc. Đếm không xuể! Đẹp và giàu như thế nhưng cô vẫn thuộc “xóm nhà lá”, cái xóm chẳng học hành gì, tụ lại dãy bàn cuối lớp. Tôi còn nhớ các khuôn mặt của một thời. Thúy, có người yêu là phi công, tóc xõa như mây, hay chống tay lên lan can, ngước nhìn trời chớp mắt mỗi khi nghe tiếng máy bay bay ngang thành phố. Ngọc Hoa, con sĩ quan cấp tá ở bộ Tư lệnh Cảnh sát thỉnh thỏang vẫn thấy đến trường bằng xe jeep. Thanh Huyền , lâu lâu lại khoe màu da rám nâu vì cuối tuần đi Cấp nghĩ mát với gia đình. Còn có cả Duyên nữa, mẹ ngồi gọt trái cây bán ở vỉa hè, nghèo nhưng nhan sắc. Cô hăm hở nhập bọn, bám theo bạn bè muốn hụt hơi vì thèm muốn một cuộc sống khác, lúc nào cũng khát khao một cuộc đổi đời. Các khuôn mặt ngày xưa lướt qua rất nhanh trong tôi. Họ đâu rồi nhỉ? Cái “xóm nhà lá” mà hẳn Hoàng phải biết rất rõ. Vậy mà ba mươi năm lẻ anh chàng hào hoa phong nhã một thời lại tình cờ gặp và nắm lấy tôi, “con mọt sách” lớ ngớ của ngày xưa hạ quyết tâm “tìm cho bằng được”. Tôi nhìn người đàn ông xa lạ. Thân hình nặng nề, đẫy đà trong chiếc áo thun màu sậm và chiếc quần short thể thao. Hàng ria mép cứng, dày, tạo một vệt đen trên khuôn mặt đã bắt đầu chảy xệ xuống thành những nếp võng. Còn gì nữa! Tóc muối tiêu rồi. Chỉ có đôi mắt, tia nhìn hạ xuống với rất nhiều bóng râm. Tôi chớp mắt:
- Tường Vi lấy chồng rất sớm và anh cũng ra đi rất sớm.
Giọng Hoàng đầy trắc ẩn:
- Tường Vi lấy chồng thế nào thì Ngọc cũng biết rồi đó. Nhiều khi tôi cứ nghĩ đó là số phận.
“Đánh tư sản”. Dạo đó bạn bè xôn xao rằng Tường Vi lấy chồng để “cứu” cả nhà, “cứu” cái tài sản kếc xù mà gia đình chưa kịp tẩu tán. Chồng Tường Vi là bộ đội, cấp hàm gì hồi đó chẳng đứa nào nắm rõ nhưng bố chồng thì làm lớn lắm. Nghe đâu là một trong những tướng tá “phía bên kia” vào tiếp quản thành phố này. Trước mắt tôi lại hiện ra buổi chiều mưa hôm đó. Mà không hiểu sao mỗi lần nghĩ đến Tường Vi thì hình ảnh buổi chiều mưa hôm đó lại hiện ra. Tình cờ tôi bắt gặp Tường Vi ngơ ngác trước cửa nhà Hoàng, khuôn mặt xanh xao đầy bất ổn. Chị người làm chạy ra trả lời rằng Hoàng đi công tác chẳng biết bao giờ về. Tường Vi níu lấy tay tôi và gục xuống. Bờ vai tôi trở thành điểm tựa cho một mái tóc mềm như lụa. Tôi ôm trong tay cô bạn không hề thân thiết nghe giọt nước mắt rơi nóng bỏng cả bờ vai. Hoàng ở đâu? Một cơn mưa bất ngờ ập xuống… Thật lâu, khi buông tôi ra Tường Vi vẫn còn thổn thức:
- Cả tuần nay rồi, mình không thấy anh Hoàng đâu hết. Gia đình mình…
Mái tóc bồng bềnh gợn sóng phủ xuống chiếc áo thun cổ rộng, trông cô như một nét vẽ vụng về chưa hòa nhập được vào gam màu tổng thể của một bức tranh dở dang. Cô lóng ngóng nắm lấy chiếc xe đạp. Tôi nhìn theo chiếc bóng bé nhỏ liêu xiêu. Từng vòng quay, từng vòng quay chập choạng trong mưa…
Tôi ngước lên, nhìn thẳng người đối diện:
- Dạo đó nghe anh phấn đấu ghê lắm. Vừa chuyên môn, vừa chính trị.
Hoàng dí mẫu thuốc lá xuống chiếc gạt tàn đầy ắp:
- Đúng ra là chuyên môn. Đó là truyền thống gia đình mà. Ba tôi là bác sĩ quân y nhưng nổi tiếng về “y” chứ không phải “quân”. Bây giờ vẫn thế. Gia đình tôi không làm chính trị. Chính trị chỉ là phương tiện để tôi đào sâu và thể hiện năng lực chuyên môn của mình.
- Qua bên đó anh vẫn là bác sĩ?
- Tôi phải làm lại từ đầu. Phải thi vào và học lại. Nhưng ngay từ vạch xuất phát tôi đã tin rằng mình sẽ tới đích.
Giá như buổi chiều mưa hôm đó mái đầu bé bỏng của Tường Vi được đặt vào bờ vai rông này. Tôi biết, trong những lúc chới với, chông chênh con người ta cần một điểm tựa đến nhường nào. Một điểm tựa dẫu hữu hình hay vô hình nhưng cần phải có để neo lại niềm tin. Và Tường Vi tội nghiệp của tôi, phải chăng cô đã hụt chân giũa vực xoáy của cuộc đời
Gió tạt về tôi những vòng khói thuốc của Hoàng. Anh trầm giọng:
- Thành phố này giữ của tôi nhiều thứ quá. Trước ngày rời khỏi Việt Nam tôi đạp xe quanh quất, đạp xe như người mông du trên những con đường rợp mát bóng cây. Ngày đó tôi và Tường Vi…
Hoàng bỏ lủng câu nói, ngồi thừ người đắm chìm trong thế giới riêng mình. Tôi nhìn chiếc gạt tàn đầy ắp. Ba mươi năm trở lại để tìm một người. Kể ra thì anh ta cũng khá lãng mạn. Tôi với lấy chiếc ống hút trên ly nước, chợt nhớ đến mình của ba mươi năm trước. Chiếc áo dài lụa cũ kỹ, hai ống quần rộng phải kẹp túm lại mỗi khi đạp xe mà vẫn vương dầu nhớt giặt mấy cũng không sạch. Nhà nghèo chỉ biết học và học. Đóng khung trong sách vở, tôi ngơ ngác trước cuộc đời. Nhưng khác với bãn lĩnh của Hoàng, tôi hoang mang ngay từ vạch xuất phát. Tôi và Bích Thuận, hai con mọt sách của ngày xưa thì bây giờ Thuận là Phó Giáo sư – Tiến sĩ, còn tôi, những công thức, những định luật, những phản ứng phương trình đã tan tác như lá vàng bay. Rớt Bách khoa Phú Thọ, phải vào trung cấp, con đường học hành rẽ ngoặt. Nhưng điều đó vẫn không có gì lớn lao khi xung quanh mọi thứ đều đảo lộn. Mấy hôm đầu giải phóng chúng tôi phải tham gia những sinh họat chính trị. Tường Vi, người con gái không bao giờ chịu lu mờ ấy bước vào hội ntrường là bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về cô. Vẫn quần loe, áo pull bó sát, thêm cặp kính râm, mắt kính to đùng có dán hai bông hoa hippy bé xíu. Trong khi các chính trị viên thao thao về chiến thắng thần kỳ của dân tộc thì cô che miệng thầm thì với các bạn: “Đâu có ai cần giải phóng”. Cả nhóm cười bùng lên. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, cuộc sống buộc chúng tôi phải có cái nhìn nghiêm túc. Chúng tôi buộc phải trưởng thành khi đối đầu với thử thách, quyết liệt trong lựa chọn, can đãm nhìn nhận vấn đề đúng như sự thật phơi bày, cho dù sự thật vốn nhiều cay đắng. Tội nghiệp cho thế giới nhỏ bé của chúng tôi, cái thế giới có “xóm nhà lá”, “xóm nhà lầu”. Ở đó tôi và Tường Vi tồn tại như hai mặt đối lập, như mặt trăng với mặt trời, như hai đường thẳng song song kẻ rạch ròi trên trang giấy trắng. Phút chốc, thế giới đó tan tành. Chúng tôi chưa chuẩn bị được gì cho cuộc đời trước mặt. Hành trang của chúng tôi là hai bàn tay trắng. Mỗi đứa phải tự thân quyết định sự tồn tại của mình. Để vượt qua vòng xóay đó tôi đã bám vào trái tim mình và nắm chặt cây búy. Còn Tường Vi?
*
Tôi đã tìm được Tường Vi. Cũng không mấy dễ dàng nhưng với một chút may mắn và rất nhiều quyết tâm tôi đã tìm được trong thời gian ngắn nhất. Cuối cùng tôi đã nắm trong tay một dòng địa chỉ, một số phôn và lượng thông tin cần thiết rằng Vi góa chồng rất sớm, hiện đang sống với con trai. Tôi báo với Hoàng, lòng đầy thanh thản. Thế là khép lại một chuyện tình, một chuyện tình có hậu. Tôi mỉm cười, còn đọan cuối hai người cứ viết tiếp với văn phong của thì hiện tại. Trong một số truyện ngắn của mình tôi vẫn thường có lối bỏ lửng như thế. Tôi thổi hồn vào các nhân vật rồi mở ra một chân trời. Các nhân vật của tôi với những nét tính cách riêng sẽ tiếp tục tự do bước tiếp vào những nẻo đường thênh thang trước mặt.
Một tuần lễ trôi qua, trên trang bản thảo của tôi đã lờ mờ hình thành vài đường nét cho một nhân vật mới mà tôi cần nắm bắt. Cô ấy đang chơi trò trốn tìm với những tính cách đảo chiều liên tục. Tôi ôm mớ bòng bong ấy vào quán. Vẫn chỗ ngồi quen thuộc. Góc khuất, tàng cây thấp và tách trà lipton. Xem nào, bề ngòai một con người sẽ quyết định một phần tính cách bên trong. Tôi cần một người phụ nữ đẹp, sắc sảo, quyến rũ. Đôi mắt chất chứa phải mênh mông, thăm thẳm như đêm. Một đôi mắt biết nói phải… phải… Có cái gì đó đang phủ xuống người tôi. Một cảm giác là lạ. Tôi ngửng lên. Đôi mắt. Chính là đôi mắt huyền bí tôi đang đuổi bắt. Cái nhìn thăm thẳm kia hạ xuống, hàng mi đẹp xôn xao rồi lại ngửng lên thẳng thắn hướng về phía tôi. Đôi bờ môi phơn phớt chút son hồng thóang một nét cười. Cả một khung trời xưa cũ chợt bừng lên. Không ngăn được tôi kêu “Tường Vi” và bước về phía họ. Vai áo của Hoàng cũng quay về phía tôi. Tường Vi đứng dậy:
- Bảo Ngọc phải không? Bảo Ngọc của ngày xưa và Ngọc Lam của bây giờ.
Tường Vi lại cười:
- Thấy không, mình biết rất nhiều về bạn.
Tường Vi kéo cho tôi chiếc ghế bên cạnh. Một thóang bối rối trên nét mặt Hoàng và tôi cũng bối rối. Liệu mình có phải là nhân vật thứ ba xen vào khỏang không gian riêng biệt dành cho hai người không? Một sự có mặt vụng về, thừa thãi. Làm cách nào để rút lui. Tường Vi níu tay tôi:
- Ngồi xuống đây đã. Bao nhiêu năm rồi không gặp nhau.
Rồi hướng nụ cười về phía Hoàng:
- Ngọc đã dành cho mình một bất ngờ. Nhờ Ngọc mình gặp lại một người bạn của ngày xưa.
- Phải gọi là người cũ chứ.
- Ừ, thì người cũ. Mà súyt chút nữa tụi mình không thể gặp nhau. Mai anh Hoàng về nước rồi.
- Ua, sao vậy? Mình tin cho anh Hoàng sớm lắm mà. Cả tuần nay rồi.
Hoàng sửa lại cặp kính cận chậm rãi:
- Gọi điện thọai thì ngòai vùng phủ sóng. Tìm đến nhà lại cửa đóng then cài. Năm lần bảy lượt! Ai ngờ người đẹp của một thời đang lặn lội nơi thâm sơn cùng cốc.
Khuôn mặt đang rạng rỡ kia như khép lại:
- Vi về quê chịu tang bố chồng. Quê chồng mình ở Tuyên Quang. Điện thọai bàn thì có nhưng di động không liên lạc được.
Tôi không nén được tò mò:
- Nghe nói ông cụ làm lớn lắm. Tướng tá gì đó.
Tường Vi lại cười:
- Bố mình về nghĩ ngơi lâu rồi. Xong việc, nhà cửa quạnh quẽ quá. Mấy chị em nấn ná lại hơi lâu. Mà Ngọc lên đó chắc thích lắm. Nhà có vườn cam trên đồi, trước mặt là con sông Lô chảy qua.
Hoàng gãy tàn thuốc:
- Bây giờ lại biết cả làm thơ!
Tôi cười nửa đùa, nửa thực:
- Thì anh cũng thế. Anh cũng đầy nghệ sĩ tính đó thôi.
Tiếng cười bùng lên để rồi tất cả rơi vào im lặng. Tôi nhìn Tường Vi vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Thì vẫn là Tường Vi của ngày xưa đó, từ ánh mắt, nét cười. Nhưng cái đẹp rỡ ràng, sắc sảo và cả khiêu khích như đã lặn hết vào trong, chỉ còn lại cái duyên thầm lặng. Một chút má hồng, một chút son môi, chiếc váy đen đơn giản… Trước mắt tôi là một thiếu phụ mà nhan sắc như một vườn hồng khép cổng. Hình như tôi chưa nắm bắt một điều gì đó. Tất cả đang dẫn tôi vào một khúc quanh đầy lạ lẫm. Còn tôi, chiếc cầu nối chơ vơ đứng giữa đôi bờ. Hoàng liên tục rít thuốc lá. Anh nói mà không nhìn chúng tôi:
- Sao anh cứ nhớ hòai ngày xưa, cái ngày mà anh gọi là em chạy đến.
- Thì bây giờ anh gọi em vẫn đến đấy thôi.
- Có thật là em đó không?
- Thôi đành vậy. Nhưng anh có nhận ra Sài gòn của ngày xưa không? Em cũng như thành phố này. Ba mươi năm rồi em và thành phố đã sống. Sống có sai lầm, có vấp ngã, có cay đắng, có ngọt ngào. Em trưởng thành từng bước một. Em nhận chân được những giá trị thực giả của cuộc đời. Bây giờ, trước mặt anh là Tường Vi, một Tường Vi thực sự. Anh có mùng cho em không?
- Mừng? Vì cái gì kia?
Tường Vi cúi đầu một chút rồi lại ngửng lên:
- Em hiểu rồi. Cuộc đời em chẳng có gì để gọi là thành công. Chồng mất sớm, một mình nuôi con. Con trai em cũng chẳng làm gì xuất chúng. Cháu thương mẹ, được học hành bình thường, tốt nghiệp Đại học và đi làm như bao nhiêu thanh niên khác của thành phố này. Vậy đấy, nhưng em không phụ lòng trời. Em đã hiểu, em đã nhận ra… Trời đã cho em, cho nhiều lắm.
Một giây im lặng. Giọng Tường Vi nhỏ xuống, mềm đi:
- Cho nhiều quá nên lấy bớt.
Một cái gì đó chạm đáy lòng tôi, khuấy động những trầm tích tưởng đã ngủ quên từ lâu lắm. Tôi cũng nhiều đêm nhìn lại cuộc đời mình. Cầm lấy cây bút và lang thang… Những trang giấy vừa viết xong còn thơm nguyên mùi mực. Thực đó mà là ảo đó… Tôi hoang mang không hiểu những gì suốt đời tìm kiếm đang chờ mình trước mặt hay mình đã lở để vuột mất sau lưng. Những lúc chông chênh tưởng như chỉ còn lại một mình, tôi chỉ biết đặt mái đầu mình vào bàn tay bé bỏng của tôi.
Tôi nghe Hoàng thở hắt ra, và giọng anh vang lên, khẳng định thì hiện tại:
- Bằng lòng với những gì mình có để đặt tên là hạnh phúc kể ra đó cũng là một cách sống. Nhưng anh tưởng Tường Vi khác kia. Đẹp, thông minh, sắc sảo như em dễ gì chìm giữa dòng đời, trong khi quanh em ai cũng… nổi. Mà em kém cạnh gì. Thú thật anh nghe tin em góa chồng rất sớm, tưởng lần này gặp lại em đã bước thêm … năm bảy bước.
Tôi cười, ngửng phắt đầu dậy:
- Anh yên tâm. Khi nào bước đến bước thứ tám Vi nó sẽ tựa vào anh.
Tường Vi nhìn tôi, đôi mắt thăm thẳm ánh lên một tia nhìn ấm áp. Chiếc cần cổ không trang sức vươn cao đẹp lạ lùng. Khuôn mặt như bông hoa đó, mái tóc mềm như lụa đó đã một lần chới với bám vào tôi. Một chiếc lá khô rơi xuống đậu vào bờ vai người đàn ông trước mặt. Đôi bờ vai trống trải. Hình ảnh buổi chiều mưa năm xưa lại hiện về trong tôi, hiện về như một trang viết nhòe nhọet tình đời. Tường Vi nhỏ giọng:
- Ngọc còn nhớ cái sân thượng, “vùng cấm địa” cuả trường mình không? Hồi đó, những lần trống tiết mình kéo bạn bè lên đó … tập khiêu vũ.
Tôi cười xòa:
- Và bất ngờ tụi mình “đụng” nhau ở đó.
Tường Vi cũng cười, tay vẽ vu vơ lên mặt bàn như nhớ về một khung trời xa lắc. Trường tôi có một dãy lầu xây dổ dang. Cả một sân thượng mênh mông còn bỏ trống. Đứng trên cao nhìn xuống là cả một con phố đông vui. Hai hàng sao cao vút đều tăm tắp chụm đầu vào nhau xào xạc gió. Cả một bầu trời xanh lồng lộng phủ xuống người tôi. Bầu trời xanh quyến rũ đến mức một cô học trò kỷ cương, nghiêm túc như tôi dám “phá rào” leo lên đó.
- Không hiểu sao mỗi lần nghĩ đến Ngọc mình lại nhớ đến hình ảnh bạn đứng trên sân thượng. Tóc bay, áo bay, mắt ngước nhìn trời mà tay cứ ôm khư khư cuốn sách pháp văn. Với mình thì Ngọc “con mọt sách” ngày xưa và Ngọc nhà văn bây giờ chỉ là một.
Tôi đặt tay mình lên tay Tường Vi tưởng như chạm vào một điều gì sâu thẳm nhất. Dăm ba chiếc lá khô bay tạt vào, một chiếc đậu xuống bàn run rẩy. Quán lên đèn. Ngòai kia, trời chập chọang chìm vào bóng tối. Hoàng cầm lấy chiếc lá thả rơi xuống đất. Bóng tối làm tôi thấy người đối diện như thu mình lại. Khôn mặt anh quay về phía không đèn. Giọng Hoàng như những nốt nhạc trầm từ một chiếc đàn đã cũ:
- Kỷ niệm vẫn sống trong mỗi chúng ta như thế đó. Nhiều khi anh quay quắt. Anh về lần này cũng là để tìm lại những kỷ niệm xưa, những ngày tháng không dễ gì mình có được một lần thứ hai trong cuộc đời này nữa. Sài gòn và em là cả một thời tuổi trẻ. Tuổi trẻ của anh, của chúng ta… Trước sau gì anh cũng chỉ là một con người lãng mạn, lãng mạn đến tận cùng…
Một tiếng cười khẽ như vọng về từ đâu đó xa xôi:
- Còn em thì không?
Giọng Tường Vi hơi cao một chút như hỏi mà không hỏi. Một cơn gió lại lùa qua vòm cây. Đâu đó những chiếc lá cuối mùa rơi lả tả…/.