dấu chấm của tôi đâu mất rồi?
ai?
ai lấy đi dấu chấm của tôi?
ai hay là những ai?
không. dấu chấm của tôi không bi lấy đi mất. nó vẫn còn đó. nằm ở phía dưới dấu hỏi. vì còn dấu hỏi nên còn dấu chấm. vậy là tôi vẫn còn có thể tiếp tục viết được bằng cách lấy dấu chấm từ dấu hỏi.
phải. dấu chấm vẫn còn tồn tại. nó chỉ bị lấy mất đi cái gọi là qui tắc dấu chấm. thứ qui tắc bắt buộc sau một dấu chấm phải nở lên một bông hoa. một và chỉ một mà thôi. nhiều hơn một chút cũng không được.
tại sao bông hoa phải nở sau dấu chấm mà không phải nở trước hoặc sau một thứ khác?
mưa chẳng hạn?
nhưng mưa nhiều quá thì hoa ngập úng mà chết. mưa ít quá thì hoa cũng chết vì khô cằn.
điều gì hoặc nhiều quá hoặc ít quá cũng đều không tốt như nhau.
sau dấu hỏi-một phần ba dấu chấm, có khi có hoa, có khi không hoa.
sau dấu ba chấm-ba phần dấu chấm, có khi không hoa…có khi có hoa.
chỉ có trọn vẹn một dấu chấm, hoa mới mọc lên. đó là giới hạn của nó.
giới hạn của tôi…
mình chia tay nhau nhé!
…
đùa thôi. chia tay theo nghĩa khác.
lần đầu tiên, người ấy nói đùa như thế với tôi là vào một ngày mùa đông lạnh lẽo. “chia tay”-người ấy nói rồi nắm tay tôi thật chặt. “chia tay theo nghĩa khác” với người ấy là như thế. chia tay nghĩa là chia sẻ bàn tay, không phải chia cách bàn tay. người ta vẫn thường hay nói “phải biết giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau”, thế thì tại sao họ lại tự động mặc định “chia tay” nghĩa là “chia cách bàn tay”.
dù tôi đã hiểu lí lẽ của người ấy nhưng tôi vẫn không hiểu, ngày đó, người ấy cố tình đùa với tôi như thế vì lí do gì? để thử thách tình yêu của tôi chăng? để xem tôi đau khổ như thế nào khi chia tay với người ấy?
“chia tay” đã trở thành một tín hiệu ngầm giữa tôi và người ấy.
vào những ngày mùa lạnh lẽo tiếp theo. những mùa lạnh lẽo tiếp theo. những năm lạnh lẽo tiếp theo. khi nói “chia tay”, người ấy và tôi lại nắm tay nhau thật chặt.
cho đến một ngày, không biết là của mùa nào, nhưng đó là một ngày không lạnh lẽo.
mình chia tay nhau nhé!
...
không phải đùa đâu. lần này là thật đấy.
…
khoảng trống trong một dấu chấm là bao nhiêu?
khoảng trống ấy có thật sự tồn tại không? còn có gì nữa…nhỏ hơn một dấu chấm mà mắt người thường có thể nhìn thấy được?
vì sao ba dấu chấm liên tiếp nhau vẫn có thể thấy được hai khoảng trống?
chỉ đơn giản bởi vì nếu không có hai khoảng trống, đó không còn dấu ba chấm nữa. nó cũng chẳng phải ba dấu chấm liên tiếp. khi đó, nó sẽ trở thành một đường thẳng ngắn.
tại sao con người nắm tay nhau thật chặt chỉ để biết rằng dù nắm chặt như thế nào vẫn luôn có một khoảng trống?
như dấu ba chấm ấy.
người ấy nói với tôi rằng, chỉ cần tôi chứng minh được trên đời này có sự bình đẳng thì người ấy sẽ quay trở lại. suốt nhiều năm qua, tôi đã luôn nghĩ cách để chứng minh điều đó. cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể chứng minh được. những suy nghĩ của tôi chỉ là những bế tắc quẫn cùng. tuy vậy, tôi ngộ ra được một số điều.
như một sự mù quáng vì quá yêu người ấy, tôi cố gắng viết ra những lời giải đáp vô vọng cho một bài toán không có đáp án. tôi chỉ hi vọng một ngày nào đó, nếu người ấy có đọc được những dòng này, người ấy sẽ hiểu được tôi yêu người ấy nhiều như thế nào. người ấy sẽ chấp nhận lời giải đáp này, sẽ quay về và lại “chia tay theo nghĩa khác”.
trên đời này, thật sự không có cái gọi là bình đẳng. “bình đẳng” theo người ta vẫn thường hay gọi chỉ là một sự thỏa hiệp. trong nghệ thuật cũng không có sự bình đẳng. nó chỉ tôn vinh cái đẹp, không tôn vinh sự bình đẳng.
bình đẳng như thế nào được khi trong âm nhạc, có nốt trầm, nốt cao. tại sao tất cả mọi nốt nhạc không có cùng một cao độ?
bình đẳng như thế nào được khi hội họa có luật xa gần. những vật ở xa thì nhỏ, vật ở gần thì to. tại sao tất cả mọi vật không có cùng một kích cỡ?
bình đẳng như thế nào được khi trong điện ảnh có nhân vật chính, nhân vật phụ. tại sao tất cả mọi nhân vật không phải là chính?
bình đẳng như thế nào được khi trong nhiếp ảnh, người ta chế tạo ra ống kính telé. để chủ thể rõ và tất cả những vật xung quanh phải mờ. tại sao tất cả không thể cùng rõ?
và…
bình đẳng như thế nào khi ngay cả chính những suy nghĩ của con người nếu được viết ra cũng trở thành không bình đẳng trong từng con chữ. tại sao người ta lại chế tạo ra dấu chấm và qui tắc phải viết hoa sau nó?...để rồi có sự phân biệt chữ hoa và chữ thường…?
anh à…
vì trong nghệ thuật, bình đẳng ở một khía cạnh nào đó, nó đồng nghĩa với sự lặp lại. nghệ thuật không phát triển dựa trên sự lặp lại.
nếu không thể tìm được sự bình đẳng ngay cả trong nghệ thuật, anh cũng sẽ không thể tìm nó ở bất cứ nơi đâu.
bình đẳng ở thế giới thực là điều vô lí. nhưng nếu anh đã muốn sự bình đẳng, vì anh, em sẵn sàng tạo nên một thế giới khác-một thế giới có sự bình đẳng. em nghĩ là em đã làm được điều đó.
đây. anh thấy không? trong những dòng em đang viết cho anh, nó là một thế giới bình đẳng đấy. nó được tạo nên từ những suy nghĩ của em. nó bình đẳng cũng như trong suy nghĩ của em. bình đẳng trong từng con chữ. bình đẳng như những suy nghĩ trong đầu của em không có chữ hoa, chữ thường.
như vậy, ở một khía cạnh nào đó, em đã chứng minh cho anh thấy được rằng trên đời này có sự bình đẳng rồi. vì thế, hãy quay về với em.
tôi nằm mơ.
trong giấc mơ đó, người ấy hiện về như lần cuối cùng tôi gặp người ấy. tôi và người ấy tiếp tục đối thoại.
tại sao lại chia tay thật?
vì không còn tay để nắm nữa…
tay…?
tay người ấy?
hay tay tôi?
tay ai?...tay những ai…?
bình đẳng như thế nào được khi ngay cả trên bàn tay con người có ngón dài, ngón ngắn…?
*
Bênh viện Tâm thần
HỒ SƠ BỆNH NHÂN
Mã số: 311211
Giới tính: Nữ
Bệnh án:
Nạn nhân của bạo hành gia đình. Do cha vũ phu nên mẹ của bệnh nhân bỏ đi từ lúc cô còn rất nhỏ. Suốt ngày bị cha đánh đập nên khi vào trường, với những vết sẹo trên cơ thể, không ai dám kết bạn với cô. Cô luôn đơn độc.
Cô rất thích vẽ. Đó là nguồn động viên duy nhất trong cuộc sống của cô. Ước mơ lớn nhất của cô là trở thành họa sĩ. Vì vậy, khi bàn tay phải bị cha cô chặt đứt những dốt đầu tiên của các ngón tay, cô đã bị cú sốc tâm lí lớn dẫn đến bệnh tâm thần, phải nhập viện tâm thần sau khi đã điều trị bàn tay phải ở bệnh viên thông thường.
Cô hay tự lấy bàn tay trái nắm hai phần ba bàn tay phải còn lại và trò chuyện giữa hai bàn tay với nhau. Cô tự xem mình như bàn tay trái, còn bàn tay phải giống như một người yêu đã bỏ đi xa.
Cô luôn bị ám ảnh bởi số 3, dấu chấm, dấu ba chấm. Theo phân tích, số 3, dấu ba chấm, trong tiềm thức của cô là tương trưng cho ba đốt ngón tay trên bàn tay. Dấu chấm là tượng trưng cho một phần ba đốt ngón tay của bàn tay phải đã mất đi.
(…)
4.4.2010