Trong xã hội ta ngày nay, không ai lạ gì những hành động lưu manh của một bộ phận thanh niên hư hỏng nhắm vào một số viên chức chính quyền như: rượt đánh cảnh sát, đâm chém cán bộ… Nhiều kẻ hành động giống như nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao đã và đang dạy ở lớp 11 suốt gần nửa thế kỷ nay. Điều đó làm cho nhiều người tự hỏi: phải chăng đây là hậu quả của việc sùng bái Chí Phèo ?
Vai Chí Phèo do Trung Hiếu đóng.
Truyện Chí Phèo công bố lần đầu năm 1941, lúc bấy giờ, người ta hiểu đây là chuyện mâu thuẫn cá nhân giữa tên lưu manh Chí Phèo với một quan chức địa phương là Bá Kiến. Ban đầu, Chí là tay chân của cụ Bá nhưng sau đó, do bức xúc chuyện tình duyên với Thị Nở không thành, hắn đã đâm chết cụ Bá rồi tự sát.
Tuy nhiên, khi được đưa vào nhà trường, GV đã định hướng cho HS hiểu đây là câu chuyện đấu tranh giai cấp giữa tầng lớp bị trị và thống trị trong xã hội cũ. Ông nghị Bá Kiến là phản diện, lưu manh Chí Phèo là chính diện. Việc Chí Phèo uống rượu say đâm chết Bá Kiến vì một chuyện không đâu đã trở thành biểu tượng tranh đấu. Và những thanh niên mới lớn đã say sưa phân tích, cảm phục, ngưỡng mộ, tán dương hành động phạm pháp đó. Không hiếm người đã trở thành đệ tử của Chí.
Thực ra, Nam Cao có ý xây dựng Chí Phèo như là một nông dân bị tha hóa, mang bản chất lưu manh, lười lao động, làm nghề đâm thuê chém mướn, quanh năm suốt tháng chỉ biết ăn nhậu say, chửi bới làng nước… Nói chung, Chí là con quỷ dữ tác oai tác quái “đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện”. Những hình ảnh đó không hiếm trong xã hội ngày nay. Nhiều kẻ lười lao động, chỉ biết làm nghề ăn cắp và chém mướn. Thói quen chửi bới cũng tràn lan, dân chửi cán bộ, con cái chửi cha mẹ, trò chửi thầy. Nạn nhậu nhẹt trở thành cái mốt rất phổ biến, đến nỗi ai không nhậu thì bị xem lạc hậu. Nhậu say, phóng xe máy chạy bạt mạng trên đường, va chạm với ai thì dùng dao để giải quyết theo phong cách của… Chí Phèo (!)
Ngày nay, đất nước đã hòa bình, cần phải chú trọng nhiều hơn nữa mục tiêu nhân văn trong đào tạo con người. Dạy Văn là dạy làm người, nhân vật tốt thì cần biểu dương, nhân vật xấu thì phê phán để định hướng những giá trị sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Đối với những tác phẩm không có nhân vật noi gương tốt thì GV nên lái sang phân tích giá trị nghệ thuật như: cách thức xây dựng nhân vật, kết cấu trần thuật, ngôn từ… Lối tiếp cận truyện Chí Phèo từ phương diện nghệ thuật sẽ tốt hơn là phân tích nội dung theo hướng xã hội học dung tục như lâu nay. Vì sự bình yên của xã hội, đã đến lúc cần phải xem xét lại mục tiêu dạy học của một số tác phẩm văn học trong nhà trường, đặc biệt là Chí Phèo./.