Ngã ba Dược ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi cách sông Sài Gòn khoảng hai trăm mét. Ở ngã ba nầy, bốn mươi ba năm trước (tháng 1 năm 1967) trong trận càn Cédar Falls (Bóc vỏ trái đất), ông Hà Văn Điệp (Tám Điệp) bí thư ấp Phú Hiệp, xã đội phó xã Phú Mỹ Hưng đã tổ chức chống càn, chận đứng bước tiến của một đơn vị lính Mỹ sư đoàn 25 có xe thiết giáp M.113 yễm trợ theo lộ 15 tiến vào căn cứ Khu ủy Sài Gòn Gia Định. Trong mấy ngày trời, tổ du kích ấp Phú Hiệp dựa lưng địa đạo đánh giặc bằng súng B40 mượn của quân chủ lực và súng phóng lựu ATTang diệt 10 xe M.113 tại chỗ. Một chiếc trực thăng HU1B quần đảo thấp bị du kích bắn rớt bằng đạn nhọn.
Ngã ba Dược là một điểm trong vùng đất lửa mang tên Bến Dược, không phải đến trận càn Cedar Falls mới được nhiều người biết đến, mà thời kháng chiến chống Pháp (năm 1951), bộ đội pháo binh Nam bộ đã phục kích đánh tan tác đoàn tàu giặc trên sông Sài Gòn bằng võ khí tự tạo. Đơn vị đánh phủ đầu phục kích ở bến Dược, đơn vị chủ công ở bến Giồng Sỏi, đơn vị khóa đuôi ở bến đình Phú An.
Hỏi chuyện chú Tám Điệp địa danh Bến Dược có từ lúc nào, nguồn gốc ra sao? Chú Tám nói: “Tên Bến Dược có từ hai trăm năm trước. Lúc ông già tui còn nhỏ đã có ngã ba Dược rồi. Thời kháng chiến chống Pháp, có bến đò ở bến Dược đưa khách qua Thanh Tuyền, Bến Súc. Hồi đó Bến Dược là tên một cái bến ghe xuồng, sau nầy nó là tên của một vùng đất”
Vì sao có tên Bến Dược?
Chú Tám Điệp nói cha mình và nhiều người lớn tuổi từng kể lại hồi xưa ở đây là vùng rừng rậm hoang vu, chỉ có người Miên cư ngụ, có sóc Miên, có cái bàu chứa nước mưa gọi là Bàu Mên (gọi trại chữ Miên). Dân Hóc Môn, Lái Thiêu theo sông Sài Gòn lên đây bẽ cây lá thuốc Nam thường ghé lại bến sông nầy. Sau đó, khi dân cư đông dần thì ở đây có điểm sơ chế dược liệu và có một xóm nhà gọi là xóm Dược chuyên sơ chế cây thuốc. Vị trí Xóm Dược ngày nay bên tỉnh lộ 15, gần bên ngã ba Dược.
Ông Nguyễn Ba, cán bộ hưu trí ở ấp Phú Hiệp, người từng bức xúc vì có lúc Bến Dược “bị hiểu là Bến Vượt và bị đổ lỗi do cách phát âm của người miền Nam nói Bến Vượt thành Bến Dược”. Ông Nguyễn Ba nói rõ thêm về lai lịch vùng đất Bến Dược qua ghi chép gia phả của ba họ Phan, Cao, Nguyễn là những họ tiền hiền khai khẩn đất nầy.
Tiền hiền khai khẩn gồm ông họ Phan là.Phan Văn Đặng (sanh năm 1870) là người đầu tiên đặt chân đến đây lập nghiệp. Ông Phan Văn Đặng là con ông Phan Văn Đẩu (sanh khoảng năm 1850) Đốc phủ sứ ở Hóc Môn bị giặc Pháp bắn chết. Ông là ông cố ngoại của bà Trần Thị Hòa sanh năm 1933 đang sống ở ấp Phú Hiệp xã Phú Mỹ Hưng. Bà Trần Thị Hòa (Tám Hòa) là vợ ông Nguyễn Ba.
Người thứ hai là ông Cao Văn Chung (sanh năm 1867) là ông nội của ông Cao Văn Vĩnh, sanh năm 1907, sống ở Phú Hiệp. Ông Cao Văn Chung quê ở An Sơn, An Điền (Bến Cát) bị Cai Tổng đánh đòn vì đem xôi thịt cúng đình trễ. Ông Cao Văn Chung bỏ xứ qua bên nầy lập nghiệp, gặp ông Đặng kết nghĩa anh em cùng nhau khai khẩn đất đai, tạo cuộc sống mới.
Người thứ ba là ông Nguyễn Văn Sung là ông ngoại của ông Nguyễn Văn Hào (sanh năm 1915). Không rõ ông Sung từ đâu đến, chỉ biết ông là người đi khai khẩn đất đai, cùng với ông Đặng, ông Chung mở đất, lập nên làng xóm.
Đất đai khai khẩn của ba ông tiền hiền hiện con cháu ở Phú Hiệp đang canh tác.
Ông Nguyễn Ba cho biết xưa kia ở đây là vùng đất hoang sơ, rừng bao quanh, nhiều thú dữ. Ở khu vực ngã ba Dược có một sóc người Miên tên là sóc Dược vì cạnh sóc Miên có ba cây cao to gọi là cây dược. Dân Miên lấy nhựa cây trét ghe xuồng nên người Việt gọi là cây chai dược. Cả ba cây đều có thân lên thẳng và tròn hai người dang tay nối nhau ôm không hết. Cây mọc suông sẻ, trên cao chót vót là táng lá hình cây dù xòe ra. Ở Phú Hòa Đông, Bời Lời, Bến Củi đều thấy rõ táng cây. Đây cũng là điểm dừng lại nghỉ ngơi của ghe xuồng các tỉnh miền Đông ngược xuôi trên sông Sài Gòn. Bến đó lâu ngày được gọi là bến Dược.
Theo thời gian, có một cây dược chết trước, hai cây còn lại gần mười năm sau chết từ từ nhưng không ai dám đá động đến vì đó là nơi thiêng liêng người Miên thờ cúng ông Tà. Hai ông Cao Văn Vĩnh và Nguyễn Văn Hào biết rõ hai cây nầy. Chỗ ba cây Dược ngày xưa, sau nầy là nhà ở của gia đình bà Nghề, cạnh ngã ba Dược.
Từ năm 1900 trở đi, có thêm nhiều lớp lưu dân từ Bến Cát qua, từ Bến Nghé lên khai khẩn, lập làng nên vùng đất nầy bới nét hoang vu, đường mòn mở rộng thành đường xe bò, xe trâu; làm nền tảng cho người Pháp mở tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 6 sau nầy.
Làng đầu tiên được thành lập trên đất Bến Dược là làng Mỹ Hưng với hai ấp Phú Hiệp và Phú Hòa. Một thời gian sau làng Phú Thạnh được thành lập gồm 4 ấp: Phú Lợi, Phú Thuận, Phú Trung và Phú Bình. Năm 1939, hai làng trên sát nhập thành làng Phú Mỹ Hưng, thuộc tổng Long Tuy Trung, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định; nay là xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
Trong tờ bản đồ No2 Province de Gia Dinh – Village de My Hung, tỷ lệ 1/4000 do người Pháp lập năm 1929 (lưu trữ tại phòng bản đồ Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) địa danh Bến Dược (người Pháp ghi Bến duộc) là một bến sông rộng với mũi nhọn ăn vô bờ khoảng 80m; vị trí ngã ba Dược sát bên ngã ba tỉnh lộ 15-tỉnh lộ 6, được tạo thành bởi tỉnh lộ 15 và con đường mòn“đi bộ” đâm ra bến Dược./.
Bản chụp một phần bản đồ N02 làng Mỹ Hưng, do người Pháp lập năm 1929