Hồi ấy, gia đình ông ở căn phòng gác ba ngôi nhà cuối đường Bà Triệu. Lối lên gác là cầu thang nhỏ. Đã thế, nhà đông hộ, nhiều chai lọ, rổ rá xếp dọc lối lên, thành ra cầu thang càng nhỏ hẹp. Tôi không hình dung nổi, cứ nửa đêm, ông xuống nhà xách hai thùng nước ở góc sân tầng một, dáng ông to lớn thế, đi lên làm sao được?
Không chỉ những người ở chung số nhà, mà cả mấy ông bà hàng xóm cũng phải khen ông chịu khó. Ngày ngày, tờ mờ sáng, đã thấy ông chạy bộ vào công viên tập thể dục. Đi tập thể dục, ông cầm theo cái bao tải cũ. Chả là, tập xong, ông quét lá khô lèn chặt bao tải to kềnh, vác về nhà làm đồ đun. Ngày đó, Hà Nội còn đun bếp dầu, than tổ ong, chứ chưa có bếp điện, bếp ga như thời nay. Nhà ông đông con, lại nghèo, lấy đâu tiền để mua đủ dầu đun. Ông quây góc nhỏ sân thượng thành cái bếp. Đến bữa, ông bà lúi húi đun nấu ở đó. Lá quét về, có lá khô lẫn lá tươi, bếp khói mù mịt, nước mắt giàn giụa. Nhưng vẫn thấy ông hồn nhiên cười. Theo ông, có lá đủ đun cơm, đã là hạnh phúc lắm rồi.
Xong việc vặt giúp gia đình, ông tiếp tôi trên tấm phản gỗ đặt trệt trên sàn nhà. Tấm phản dùng lâu, lên nước đen bóng. Ông nói là của thừa tự. Trên tấm phản ấy, đã mấy kiếp người đi qua. Từ đời ông nội, đến cụ thân sinh ra ông, rồi ông và các con ông dùng. Ông quý tấm phản đó lắm. Nó là đồ vật xem ra có giá nhất nhà, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nó giúp ông nằm nghỉ, ngồi uống nước, làm nơi tiếp khách. Ông thường gò lưng xuống tấm phản này làm bàn viết. Bao câu thơ, đoạn văn, tranh vẽ... mà theo ông, thì đấy là trò chơi vui đã được diễn ra trên tấm phản này. Của đáng tội, hồi đó thì có vẻ quý. Chứ ngày nay, xét giá trị vật chất, nó chẳng đáng bao. Mặt ván ghép đôi ghép ba, có góc hình như đã bị mọt ăn hoặc chó mèo gặm. Tuy vậy, nhớ ông, tôi lại nhớ tấm phản gỗ ấy. Không biết bây giờ, gia đình ông còn giữ được không, hay đã thất tán đường nào rồi.
Ông mời tôi bát nước chè xanh ủ khéo. Cái bát uống nước là bát ăn cơm phân phối bao cấp. Men rất xấu, nhưng độ ấy là quý rồi. Ông có tài ủ chè xanh. Nom to lớn như ông Tây, vậy mà ông lại thích uống nước chè xanh, uống nước vối và thích ăn khoai lang, khoai sọ, hạt mít luộc. Nếu uống nước chè xanh, có thêm thanh kẹo lạc, hoặc cái kẹo bột thì sướng vô cùng. Đời người khác, nhiều thứ cao lương mỹ vị, chứ với ông, thú vui ẩm thực giản dị và đạm bạc có vậy thôi.
Ngày ấy, Hội văn nghệ Hà Nội làm tập thơ tuyển, nhà thơ Hoài Anh đi tập hợp bài vở. Bài thơ Những làng đi qua của ông chép nhoè nhoẹt, được Hoài Anh mang về in vào tập thơ tuyển. Thế là bài thơ được công bố sau thời gian dài ngủ yên trong sổ tay của ông. Với ông, in hay không in, không quan trọng. Thú, thì viết. Viết cho mình đọc, là thú rồi.
Nhờ sự ngẫu nhiên này, bạn đọc được biết thêm một tác phẩm hay của ông. Bài thơ có rất nhiều câu thần thái. Nó phác hoạ được Hà Nội những năm kháng chiến với những nét đáng yêu.
Tôi hỏi ông với ý muốn được đọc tiếp các bài thơ khác trong sổ tay của ông. Ông cười rất lành. Ông cũng không có cả cuốn sổ tay riêng để chép thơ. Đôi ba bài thơ được ông ghi lẫn vào sổ mua gạo, mua mắm, hoặc sổ ghi công việc cơ quan. Ông lại là người không có thói quen thuộc thơ của mình. Viết thơ, viết hết mình, rồi lại quên đi. Thỉnh thoảng, bạn bè thân có chép lại, hoặc nhẩm thuộc, là lưu lại được. Ông viết văn cũng vậy, cứ dập dập xoá xoá. Viết rất kỹ. Rồi gửi báo, hoặc nhà xuất bản, chứ không lưu giữ cho mình bản nào. Ông có thú vui vẽ tranh. Vẽ sông núi, con đường, vệt nắng, con trâu, con bò ngẩn ngơ bên sườn đê... Tôi nhớ là ông có bức tranh vẽ cây gạo rất đẹp. Cây gạo già nua đứng giữa cánh đồng quạnh hiu, tưng bừng nở hoa đỏ. Xem tranh, tôi liên tưởng tới sức sống lặng lẽ, mà quyết liệt của một thân phận con người. Không biết bức tranh ấy bây giờ ở đâu? Ai giữ bức tranh này?.
Ông vốn nghèo. Không có tiền mua sơn dầu hoặc chất liệu đắt tiền. Ông chỉ vẽ bằng bột màu, màu nước, loại chất liệu rẻ tiền cho các hoạ sỹ nghèo. Ấy thế, tranh của ông vẫn có vẻ đẹp lung linh đến lạ.
Vẽ tranh, với ông cũng chỉ là thú chơi. Có chút gì đó tài tử. Nhưng qua tranh, đã giải toả tinh thần ông rất nhiều.
Tôi còn nhớ, ông Thuật - một người bán sách cũ tinh đời ở Hà Nội (giới văn chương chữ nghĩa, một thời, nhiều người biết), có lần nói về văn thơ của ông Quang Dũng: Cái ông ấy, viết chữ nào ra chữ ấy. Nó như kẹo bột, như nước chè xanh, đố mà lẫn được!
Tôi thuộc bài thơ Mắt người Sơn Tây từ rất lâu, trước khi được gặp ông. Bài thơ do một anh bạn làm thơ cùng quê Kinh Bắc chép tặng. Thời đó, bài thơ đâu có được in công bố. Nhưng chính với bài thơ ấy, tôi phải quyết đi tìm gặp ông. Thơ ông, đôi lúc, làm chấn động đời sống tinh thần của tôi.
Xét về sự xuất hiện trên văn đàn, có thể xếp Quang Dũng vào lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp (mặc dù, Quang Dũng là người sáng tác thơ rất sớm, từ những năm 1937 - 1938).
Đặc điểm chung của thơ ca trong thời kỳ chống Pháp, là hào hứng phản ánh không khí sục sôi của cách mạng. Dòng chảy cách mạng đã cuốn hút mạnh mẽ cảm xúc các nhà thơ. Lý tưởng cao cả của nhà thơ là phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh của dân tộc. Với nội dung phản ánh mới mẻ, thơ ca đã có những hình thức biểu hiện mới.
Tuy nhiên, trong những năm đầu cách mạng, thơ còn mang tính ước lệ. Thơ ca lúc này, vừa mang cảm hứng dào dạt của cách mạng thắng lợi , lại vừa mang không khí bỡ ngỡ của những con người vừa từ tăm tối choàng ra ánh sáng. Thơ giai đoạn này còn thiếu những hình ảnh cụ thể về cuộc sống và con người mới.
Dần dần, hình ảnh người chiến sĩ ngoài mặt trận, người du kích, người dân công, bà mẹ kháng chiến, em bé giao liên đã được ghi đậm nét trong thơ qua các thời kỳ kháng chiến. Tình quân dân, tình đồng đội, tình đồng chí, đồng bào... đã dần trở thành những đề tài thường gặp.
Thơ thời kỳ kháng Pháp thường hướng về cái chung, cái chúng tôi, ít đề cập đến cái tôi, cái cá nhân. Trong thơ thường thấy ùng oàng súng đạn, thấy bước hành quân rầm rập, thấy tiếng hát hò... mà ít thấy nỗi niềm, tâm trạng. Cái mạnh của thơ ca thời kỳ này, là sự có mặt kịp thời, động viên cổ vũ kịp thời. Cái sôi nổi, hào hùng thì có, nhưng cái suy tư, lắng đọng thì ít.
Ngay thời kỳ đầu xuất hiện, Quang Dũng đã tìm cho mình cách thể hiện riêng. Bên cạnh cái chúng tôi, chúng ta, nhà thơ đã mạnh dạn khai thác cái tôi cái ta. Con người cá nhân thường hiện rõ trong thơ của ông. Tây Tiến là bài thơ viết về cái chung, nhưng nó lại có tâm trạng rất riêng. Đó là cuộc hành quân oai hùng và gian khổ. Nhà thơ đã phác hoạ vẻ đẹp hào hùng và bi tráng, niềm vui và nỗi buồn của người chiến sĩ. Khi các nhà thơ mới chỉ khai thác vẻ đẹp hào hùng của công việc, thì Quang Dũng đã khai thác tâm lý, tình cảm của con người trước công việc.
Ông không viết thơ chính luận, không đưa triết lý cao siêu vào thơ. Cái mạnh của thơ Quang Dũng, là cảm xúc mạnh và nồng ấm. Ngôn ngữ thơ ông giản dị, mộc mạc; nhưng lấp lánh, hào hoa. Thơ Quang Dũng là dòng thơ hướng nội. Ông ít quan tâm đến cách tân hình thức, không chủ trương tạo sự cầu kỳ rắc rối ngôn từ. Nhưng thơ ông vẫn trẻ, vẫn mới.
Thơ Quang Dũng thường nghiêng về tả. Qua tả, để giãi bày cái tình của mình. Ông có biệt tài về tả. Bài thơ Những làng đi qua của ông là bức tranh thật đẹp về quê hương những ngày kháng chiến: Bằng con mắt quan sát tinh tế, chân mộc và chứa chan cảm xúc.
Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi
Tháng chạp màn sương trùm đất nước
Gió mùa, chết héo mạ non xanh
Sương muối thấm vào bao đạn ướt
Cảnh trong thơ Quang Dũng không phải là cảnh khô cứng, nó có sức sống cuồn cuộn ở bên trong:
Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
Nùm rơm - khói thuốc - bạch đầu quân
Tự vệ xách đèn chai lối xóm
Khuya về chân khoả vội cầu ao
Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào
Bờ tre cây rơm thôi tịch mịch
Vỡ lá bàng khô bước du kích
Đây là khổ thơ tài hoa của ông. Ông là người yêu làng quê, hiểu nếp sống và tập tục của người dân các xóm làng. Nùm rơm, đèn chai, cầu ao… Đó là những vẻ đẹp của làng quê thuần Việt. Ở cái làng quê đẹp và yên bình kia, cuộc sống vẫn cuộc chảy dồn dập. Dân quân ngoài trạm gác, các cụ bạch đầu quân ngồi bên nùm rơm hút thuốc lào. Cô tự vệ đi tuần về, tay xách đèn chai (thứ đèn làm bằng thân cái chai, che gió rất tốt) ra cầu ao khoả chân. Sau cái sôi động, dồn dập kia, vẻ đẹp thanh bình của thôn xóm lại hiện ra. Tiếng quả sung chín rơi rụng bên chiến hào. Tiếng bước chân du kích đi về trên ngõ đầy lá rụng Vỡ lá bàng khô bước du kích. Phải thấm sâu hồn quê, thấm sâu hồn kháng chiến như thế nào, ông mới vẽ nổi bức tranh đẹp và quý như vậy.
Những làng trung đoàn ta đi qua
Lều chợ bay tro đêm lửa trại
Rạ thui bò khét cổng làng sau
Gạo thổi cơm sôi thơm ngõ ruối
và:
Buồng chuối tiễn quân em mới cắt
Nhựa cây còn tuôn như sữa vắt.
Đây là những câu thơ kỳ tài. Nó hay, không chỉ ở cái vẻ đẹp bên ngoài, mà còn bởi hồn vía bên trong các con chữ.
Những là trung đoàn ta dừng lại
Tiếng nêu đưa khánh dưới mưa phùn
Hương đen ngũ quả, màu tranh Tết
Câu đối mực tàu bay xạ ngát
Cột nhà tre trúc giãi gan vàng
Mang câu đối đỏ niềm son sắt.
Sinh thời, nhắc đến Những làng đi qua nhà thơ Quang Dũng rất tâm đắc với hai câu:
Chiều đến loa vang tin chiều sự
Khêu bấc đèn con họp tiểu đoàn
Ông thường nói: Cuộc chiến đấu ngày đó gian nan, vất vả, nhưng rất đẹp. Con người nhiệt tình, trong sáng, không biết thơ ca có thể hiện được điều ấy không?
Bài thơ Mắt người Sơn Tây của ông, thấy hiện diện rất rõ cái tôi của người viết:
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi...
…Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm.
…Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
…Bao giờ tôi gặp em lần nữa
…Còn có bao giờ em nhớ ta
Bài thơ Tây Tiến không có một từ tôi hoặc ta nào, nhưng người đọc vẫn nhận rất rõ con người tác giả. Cái tôi và cái ta ở đây đã hoá thân trong cảm xúc, trong từng câu chữ. Một con người giàu cảm xúc, ý chí ngang tàng trước cái sống và cái chết, sự cứng rắn trước công việc và sự yếu mềm trước tình cảm... Cái tôi của tác giả, có pha màu “tiểu tư sản”, nó có đặc trưng rất riêng của Quang Dũng. Chính vì thế, ở thời điểm đó, nhiều người không chấp nhận được dòng thơ này. Tây Tiến của Quang Dũng, Ngày về của Chính Hữu, một thời đã bị phê bình mạnh mẽ, là do vậy.
Nếu lịch sử có nhiệm vụ ghi chép sự kiện của xã hội, thì thơ ca có sứ mệnh phản ánh tâm trạng của xã hội. Nhà thơ lớn, là người phản ánh được tâm trạng xã hội trong tác phẩm của mình.
Thơ Quang Dũng rất giàu nhạc điệu, giầu nét tạo hình. Mở đầu bài Tây Tiến, ông viết:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Ba câu thơ đầu là lối nói thật, giọng điệu giản dị. Nhưng câu thơ thứ tư Mường Lát hoa về trong đêm hơi thì thấy cái thần thái của nhà thơ. Khổ thơ tiếp theo, có âm điệu trập trùng, như nhịp đi của đoàn quân.
(a) Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
(b) Heo hút cồn mây súng ngửi trời
(c) Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Câu thơ thứ tư của khổ thơ, như nhịp đi của đoàn quân xoải bước dài trên con đường bằng phẳng.
(d) Nhà ai Phă Luông mưa xa khơi
Đem giải mã khổ thơ này theo dấu bằng (-) trắc (/), thấy:
(a) /
(b)__
(c)__ /
(d)__ __ __ __ __ __ __
Mô hình biểu thị bằng trắc của khổ thơ, như biểu đồ mặt cắt của con đường hành quân. Khi trập trùng lên xuống, lúc xoãi ra bằng phẳng, nhịp nhàng.
Thơ Quang Dũng mang nhiều tính lượng tượng hình.
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên mang điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có thấy dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
Thơ ở đây, như hoà quyện: nhạc, hoạ và vũ điệu.
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùng
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Sau cái khốc liệt, dữ dội, dồn nén của chiến tranh, để rồi lại bung ra chất lãng mạn rất người của lớp bộ đội kháng Pháp. Tây Tiến là bài thơ ngợi ca khí phách của một lớp người dấn thân quên mình cho Tổ quốc. Đó là tráng ca về những chàng dũng sĩ có lý tưởng. Bài thơ mang phong cách riêng biệt của nhà thơ.
Sở trường của Quang Dũng, là viết thơ theo thể tự do. Trong tập thơ Mây đầu ô không có một bài thơ lục bát nào. Thơ của ông thường có dáng dấp thể hành, bài thơ thường dài, giọng điệu ngang tàng. Tây Tiến là bài thơ rõ nét nhất phong cách này.
Ông có cách nói ngược rất duyên và tạo ra phong cách rất Quang Dũng. Ví dụ:
Gió mùa chết héo mạ non xanh
(Nhẽ ra, nếu nói thuận, thì: Mạ non chết héo vì gió mùa )
Sương suối thấm vào bao đạn ướt
(Nếu nói thuận, thì: Bao đạn thấm ướt vì sương muối).
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
(Nếu nói thuận, thì: Đầu vọng gác vang tiếng quát của dân quân).
Câu thơ Quang Dũng thường ngắn gọn, xúc tích. Ông là người ít chú ý đến vần điệu. Nhưng thơ ông lại rất giàu hình ảnh. Hình ảnh trong thơ ông luôn gợi mở tâm trạng. Thử đọc khổ thơ
“Chiều mưa núi” của ông:
Kỳ Sơn mây kéo nặng
Hoa trẩu rụng đầy đường
....
Mưa dăng màn triền miên
……
Mưa bao giờ cho yên.
Hoặc là cảnh thu quê:
Ngồi đây vời tưởng đường quê hương
Lúa đã xanh xanh mấy nẻo đường
Cốm đã thơm mùi, hồng đã chín
Ao sau vườn cũ nước xanh trong
Và
Long lanh bóng núi in sông biếc
Buồn nhớ thương ai lòng hiu hiu
Tâm hồn Quang Dũng khoáng đạt. Tuy là người chỉnh chu hết mực với công việc, với gia đình, nhưng ông lại rất sợ sự gò bó, khuôn phép, máy móc. Ông là thi sĩ thích sự mênh mang, xê dịch.
Mây ở đầu ô mây lang thang
Ôi chật làm sao
Góc phố phường
Mây ở đầu ô
Hẹn những chân trời xa lạ
Một tâm hồn nồng hậu, luôn yêu cái đẹp bình dị:
Xe ngựa bình yên leo dốc đỏ
…Đình đổi quán sậy dựng phên lau
…Tơi nón trung du em về đâu?
Có người nói thơ Quang Dũng ít tính thời sự. Nhưng thử hỏi tính thời sự trong thơ là gì? Nó là những con số, những sự kiện? Hay là những cảm xúc, trạng thái của con người mang dấu ấn xã hội trong mỗi giai đoạn? Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Những làng đi qua... chẳng đầy tính thời sự đó sao?
Có người nói thơ Quang Dũng nặng về sự u buồn, hơn là cái tươi vui. Nhận định này không chính xác. Thơ Quang Dũng có bài lắng, trầm và gợi buồn. Nhưng không tiêu cực, uỷ mị. Người ta có quyền buồn, có quyền xài cái xa xỉ ấy, nhưng không có quyền bi quan. Câu nói của Nadim Hitmét rất đúng với thơ Quang Dũng. Viết chiến tranh khốc liệt, nhưng Tây Tiến không bi quan, mà luôn hướng về niềm tin cao đẹp.
Quang Dũng làm thơ rất sớm. 16 tuổi, đã sáng tác Chiêu quân, 19 tuổi, viết Cố quận. Nếu ông có ý thức lưu danh, gửi đăng những bài thơ này kịp thời, thì chắc ông đã được xếp vào đội ngũ các nhà thơ trước cách mạng, như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh... Ông không được may mắn trong việc in ấn, công bố, công nhận. Viết thơ năm 16 tuổi. Nổi tiếng với bài thơ Tây Tiến năm 28 tuổi. Nhưng xuất bản tập thơ riêng đầu tiên Mây đầu ô (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1986) khi ông đã 65 tuổi. Trớ trêu thay, tập thơ này in xong, ông đã mắc bệnh nằm liệt giường, không thể đọc lại được những dòng thơ mình trên trang in, không còn ký tặng sách cho bạn bè được nữa.
In ấn, công bố ít. Không đăng đàn diễn thuyết trước công chúng. Vậy mà thơ Quang Dũng vẫn được nhiều người biết đến.
Nhờ không khí văn nghệ đổi mới và dân chủ, những sáng tác văn học của Quang Dũng được đánh giá lại đúng đắn và khoa học hơn. Nhà xuất bản Văn học, năm 1988, đã xuất bản tuyển tập văn thơ của Quang Dũng. Sau ngày Quang Dũng mất, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản tập sách chuyên đề về Quang Dũng. Báo chí in nhiều bài viết về sự nghiệp sáng tác của ông theo tinh thần khách quan.
Những tác phẩm của ông, như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây , cũng như những bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, như Mầu tím hoa sim của Hữu Loan…một thời bị coi là thứ thơ uỷ mị, tiểu tư sản. Nhưng đến nay, người đọc càng quý trọng và đánh giá đúng giá trị của nó. Các tác phẩm này, đã được xếp hạng cùng các bài thơ hay của thời kỳ kháng Pháp, như Tình sông núi của Trần Mai Ninh, Lên Cấm Sơn của Tân Sắc, Nhớ của Hồng Nguyên…..
Nếu nói thơ ca hay ở giá trị chân thiện mỹ, thì thấy thơ Quang Dũng đã hướng về những giá trị đó. Ông sáng tác không chút vụ lợi. Quang Dũng không viết giả dối, không làm xiếc trên các con chữ. Ông viết bằng tấm lòng, bằng xúc cảm của ông. Chính vậy, những tác phẩm của ông đã sống với thời gian, lắng sâu trong tâm trí người đọc.
Cuộc đời nghệ sĩ vốn chấp nhận sự thăng trầm. Trong đời sống, Quang Dũng nhiều phen chấp nhận sóng gió, chấp nhận sự không may mắn. Nhưng thơ lại ông luôn lấp lánh niềm tin trong sáng, yêu đời và lạc quan. Ham sống, ham đi, ham viết vẽ. Đó là tính cách của ông.
Mũ hãy ngả cho nắng vàng mái tóc
Túi bên vai trời hửng núi lên rồi
Cột giây thép gió lùa qua rào rạo
Hát lên đường, muôn dặm đường xa xôi.
Quang Dũng không viết nhiều. Nhưng ông lại có nhiều tác phẩm sống vượt thời gian.
Tôi có được ở Mai Châu một đêm cuối thu. Mảnh trăng cuối tháng vằng vặc nổi chìm trong khí lạnh của núi rừng. Bản Mai Châu vẫn còn đầy vẻ thơ mộng và kỳ vĩ như bóng dáng câu thơ của ông thưở nào.
Tôi lan man nghĩ, giá ngã ba đường vào bản Mai Châu, gắn biển chỉ đường với câu thơ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi, hẳn làm xôn xao bao lòng du khách.
Nhớ về ông, lại nhớ kỷ niệm ngày ông về quê tôi chơi. Làng tôi, cái làng cổ vùng Kinh Bắc với nhiều tập tục lề lối cổ và nặng nề. Mấy bác cháu đạp xe đạp về đầu làng. Những mảng tường gạch rêu, những mái ngói thâm u, những con đường lát gạch nghiêng thập thững bước chân trâu, làm xôn xao cảm xúc trong ông. Nhưng niềm hứng khởi đó chưa được mấy phút, là bất ngờ đến với cả mấy bác cháu. Vào ngõ nhỏ dẫn về nếp nhà, thấy lốn nhốn người mặc áo xô trắng, chít khăn tang trắng. Nhà tôi có tang đột ngột ư? Không phải. Đó là đám tang cụ già hàng xóm. Tập tục quê tôi, nhà có việc hiếu, là ngồi nhờ cả mấy nhà sát kẽ ngạch. Ông trưởng nam nhà đám, vốn là dân trí thức theo cách mạng từ thời kháng Pháp, thuộc nhiều thơ Quang Dũng. Được gặp nhà thơ, dù đang đứng đáp lễ bên linh cữu người mẹ, ông đã vội chạy tới vái nhà thơ Quang Dũng ba vái. Bất ngờ thấy người vái mình, nhà thơ Quang Dũng cũng khiêm nhường cúi đầu vái lại. Ông trưởng nam liền đọc mấy câu thơ của nhà thơ, mà ông thuộc từ thưở mặc áo lính:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…
Giây phút ấy, mọi người và tôi đứng cạnh, cảm động vô chừng.
Nguồn: Trannhuong.com