Tính hào hùng rất dễ tìm thấy trong bài thơ Tây Tiến. Tính bi tráng của chiến tranh cũng rất dễ tìm ra trong bài thơ. Ngày nay ta thường nói về tính nhân bản để bàn về các tác phẩm chiến tranh. Bài thơ Tây Tiến cũng có nhiều dáng vẻ của tính phản chiến. Dùng từ ngữ phản chiến thì hơi quá, nên xin diễn tả bằng những từ ngữ khác: Cảm nghĩ chân thực của con người đối với sự khốc liệt của bất cứ cuộc chiến tranh nào, dù đó là cuộc chiến tranh thần thánh huy động được cả toàn dân tham gia vào cuộc trường kỳ kháng Pháp. Tính hào hùng, tính bi cảm, hai khía cạnh của bài thơ Tây Tiến thực sự rất dễ tìm thấy, không phải là một gán ghép để trình bày quan niệm nhân bản thường được bàn tới bởi các sách báo Tây Phương. Điều làm ta ngạc nhiên là hai khía cạnh đó hiện diện song hành một cách tình cờ trong mỗi đoạn thơ. Ví dụ đoạn thơ đầu, lúc mới lên đường từ giã miền xuôi:
Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao, sương lấp, đoàn quân mỏi
Mường Lát mưa về trong đêm hơi.
Đây là đoạn thơ giới thiệu về địa lý, nơi xuất phát của đoàn quân Tây Tiến ra đi từ vùng Thanh Nghệ Tĩnh có dòng sông Mã hùng dũng. Câu thơ “Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi” vừa chứa đựng niềm phấn khởi lên đường hướng về vị trí chiến lược trên đất Lào, vừa bao hàm sự luyến tiếc quê nhà đã rời bỏ ngày càng lùi lại ở miền xuôi. Đích thực của lòng người chiến sĩ: oai phong ra đi mà cũng đầy bịn rịn. Tiếp theo, đây là đoạn thơ bắt đầu lên Trường Sơn:
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Phà Luông mưa xa khơi.
Trần Lê Nguyễn, Đinh Cường, Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn, Quang Dũng, Doãn Quốc Sỹ, Sài Gòn 12.1983
Đoạn thơ mở ra một góc trời hùng vĩ, núi cao chớn chở, vùng biên giới Lào Việt. Đèo cao, mây lẫn với đoàn người chênh vênh. Dốc thăm thẳm chập chùng đổ xuống vùng đồng bằng. Khi ở trên cao, Quang Dũng nhìn xuống thung lũng bao quát xa xăm, thấy nhà ai trong mưa, chạnh nhớ nhà. Mưa xa khơi là hình ảnh của mờ mịt. Nhà ai là hình ảnh gợi nhớ về mái ấm gia đình. Nhớ nhà xa xôi trong lúc hành quân “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, rõ ràng là sự song hành của hai mặt chiến tranh và hòa bình, hành quân ca và âu ca. Ta đọc tiếp để thấy rõ quả thật mỗi đoạn thơ lại có sự song hành:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Kháng chiến, Tranh vẽ ở một cuốn sổ tay khổ 13cm x 18cm, bằng chất liệu màu nước. Vẽ trong khoảng 1965-1966 khi gia đình sơ tán ở Kim Châu ,thuộc huyện Thanh Oai ,Hà Nội.Tên tranh bố em ghi ở góc tranh.
Gian khổ chốn rừng thiêng nước độc, muỗi vắt gây bệnh làm mòn hao sinh lực. Đoàn binh không mọc tóc vì sốt rét rừng. Gian khổ của Tây Tiến, đáng lẽ Quang Dũng không nên nói ra vì có thể làm nhụt chí khí của những người tiếp nối biết đâu cũng sắp sửa lên đường. Quang Dũng đã mô tả trung thực, vì ông làm thơ do cảm nghĩ của lòng mình, không làm thơ giấu sự thật theo kiểu “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh” (Nhan đề một tập truyện của Đức thời Đệ Nhất Thế Chiến, trong đó sự thật thì phòng tuyến Miền Tây của Đức đã tan vỡ trước mũi tiến công của đối phương). Trở lại bài Tây Tiến, đoàn quân Việt Minh đã tiến sát vào lòng đất địch, vùng bố trí của quân đội Pháp trên đất Lào. Đoàn quân ngụy trang màu xanh lá rừng. Hùng vĩ của thiên nhiên trong bài thơ Tây Tiến như đón mừng hùng khí của con người. Mắt trừng gởi mộng qua biên giới đầy vẻ hăm dọa của cọp rừng xanh chờ đợi giây phút công hãm lũy đồn. Hùng dũng như vậy mà khi đêm xuống, trong lúc dừng bước hành quân để nghỉ ngơi, tâm trí người chiến sĩ lại mơ về Hà Nội có dáng kiều thơm. Đáng quở trách hay đáng thông cảm một biểu lộ thành thật? Không hẳn đi kháng chiến thì lúc nào cũng nghĩ về đánh giặc mà quên đi đôi chút mơ tưởng khi nghỉ dưỡng quân. Và dưới đây là đoạn thơ gây ấn tượng nhất, vì nó vừa rất mạnh mẽ vừa thật thê lương:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Hình ảnh thê lương của những nấm mồ viễn xứ rải rác trên núi rừng. Họ không gục ngã vì lâm trận mà vì bệnh tật dọc đường. Những người tiếp tục ra đi sẽ không khỏi liên tưởng có ngày mình cũng như vậy. Vừa mới nói ra điều thê thảm, Quang Dũng liền chấn chỉnh bằng cảm nghĩ chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Ta không thể nói là Quang Dũng giả tạo, vớt vát lại cái thê thảm mình vừa nói ra. Vào thời điểm của chiến dịch Tây Tiến, mọi người đều hăm hở lên đường, tự nguyện tham gia kháng chiến, tự nguyện rời bỏ những ấm êm của thành thị, quả là chẳng tiếc đời xanh. Nhưng chẳng tiếc đời xanh cũng bao hàm sự nghĩ ngợi thời gian vô định của cuộc trường kỳ kháng chiến, vì nếu không nghĩ thì tác giả nói ra làm gì. Những gục ngã vì bệnh tật dọc đường cũng là những hy sinh. Ra đi dù biết trước đầy gian hiểm, thật xứng đáng là những cái chết với da ngựa bọc thây, với “áo bào thay chiếu anh về đất”. Và con sông lớn “gầm lên khúc độc-hành” nghe thật dũng mãnh. Nó oai hùng mang tên loài ngựa chiến hí lộng ngược dòng đi vào núi rừng sâu thẳm. Tính chất vừa bi thảm vừa hào hùng một lần nữa song hành một cách tình cờ, gắn bó như một cảm hứng vãng lai trong ý nghĩ của Quang Dũng. Và đoạn gần cuối của bài thơ biểu hiện rõ dần sự song hành giữa chí khí anh hùng “chia phôi không hẹn ước ngày về” và hình ảnh hiện thực của “súng mũ bỏ quên đời”:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Dù lồng vào hình ảnh khá ấn tượng của sự mệt mỏi gần kiệt sức, nhưng đoạn thơ vẫn phảng phất hương vị lãng mạn nhớ ngày nào mới chia ly. Có thể nói Quang Dũng không có chủ tâm làm một bài thơ mang tính nhân bản thường nói đến ngày nay, không có chủ đích phản chiến. Những gian nguy Quang Dũng nói ra là để làm nổi bật sự hy sinh vô bờ bến trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Ở đoạn cuối của bài thơ, tác giả kết thúc với câu: “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Câu ấy làm cho bài thơ mang một chút huyền bí: hồn ma chiến sĩ thành mây trôi bàng bạc về Sầm Nứa trên đất Lào. Nếu Quang Dũng đổi một từ, “Hồn về” thành ra “Lòng về Sầm Nứa”, thì chắc hẳn bài thơ mạnh mẽ tính chiến đấu hơn. Mây trôi về phía chân trời và ta mường tượng các đồng đội đang đứng nghiêm tưởng nhớ những chiến sĩ bỏ mình nơi vùng biên giới. Giây phút trầm mặc ấy khiến sự song hành giữa hào hùng và bi cảm càng thêm đậm nét. “Chiến Tranh Và Hòa Bình”, “Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết”, “Âu ca và Hành quân ca” hiện diện thấp thoáng ở mỗi đoạn thơ.
Do đâu mà tính chất vừa anh hùng ca vừa bi ca và âu ca gần như là song hành trong mỗi đoạn thơ. Do Quang Dũng đã sáng tác theo cảm nghĩ của lòng mình, do ý hướng làm thơ hơn là ý hướng nào khác, mặc dù Quang Dũng là một trung đoàn trưởng trong đoàn quân Tây Tiến (có tài liệu nói ông là một đại đội trưởng). Nếu do ý hướng cổ võ tinh thần binh sĩ thì đã hẳn Quang Dũng sáng tác bài hịch hay bài thơ tuyên truyền như một Lý Thường Kiệt trong lịch sử thời nhà Lý. Quang Dũng sáng tác do ý hướng làm thơ, do cảm nghĩ của lòng mình, nên ông không hề có ý định đem phổ biến trong hàng ngũ đoàn quân Tây Tiến. Bài thơ được truyền tụng do bạn bè, do mọi người đánh giá được bài thơ hay. Bài thơ Tây Tiến không làm nhụt chí khí binh sĩ. Ra đi tự nguyện là chấp nhận hy sinh, chấp nhận gian khổ. Quang Dũng nói ra cũng chỉ là nói một sự thật mà ai cũng biết. Bài thơ được truyền tụng, chứng tỏ nó làm cảm động lòng người, và sự hào hùng làm ta hứng thú./.
Walnut, California, bổ khuyết bài viết cũ, tháng 10 năm 2010