Má đi chợ mua về một con gà mái, nói là để nấu cháo thay đổi bữa. Ba nhốt tạm vào cái lồng tre mượn của cô Ba Đen. Con gà đẹp thật! lông màu trắng, lốm đốm đen, giống như những cánh hoa mơ; ba gọi nó bằng cái tên nghe thích thích “chị gà mái hoa mơ”. Tôi khoái vô cùng. Nhưng, ba nói tiếp “mai sẽ làm thịt nấu cháo cho cả nhà ăn một bữa!”. Tôi nghĩ đến việc phải ăn thịt nó thì tiếc lắm đa!”
Sáng hôm sau, khi nhìn thấy có cơ hội; ba thì đang bưng tro đổ vào lu; má thi gánh nước cho vào chảo, cả hai đang bận túi bụi chuẩn bị cho việc nấu xà phòng. Tuy tôi chưa nghĩ ra để làm gì, nhưng trước kết phải “liều mình cứu chị gà mái hoa mơ cái đã, hạ hồi phân giải sau!”. Đầu tiên, tôi mở lồng, thả gà ra cho nó thoát án tử hình của ba tôi trưa nay. Được thả, nó chạy một mạch ra tận dãy rào gai bàn chải, ở trước nhà, như để trốn ba tôi vậy. Đến trưa, má bảo “Nước sôi rồi, anh cắt cổ gà để nấu cháo đi anh!.” Ba tôi xuống nhà dưới bắt gà. Ông nhìn thấy cái lồng trống không, liền kêu lên “Má con Thủy đâu? ai mở lồng cho gà ra mất rồi!”. Ông vừa nói vừa nhìn tôi, đang lấp ló sau cánh cửa, nghi hoặc. rồi chắc như đinh đóng cột, bằng câu luận ngữ không quên: “Ai trồng khoai đất này!?” Ý là chẳng có đứa nào ngoài tôi ra. Nói vậy chứ ông không truy để đánh. Ông chỉ chép miệng tiếc rẻ: “mất toi con gà mái ghẹ ngon quá!” và cố quên....!
Đến chiều, trời nhá nhem tối, cả nhà đều kinh ngạc; chị gà mái hoa mơ đứng ngay trước sân, mắt dớn dác tìm kiếm cái gì đó?.. Thấy tôi, vẫn lấp ló sau cửa, vẻ sợ sệt, ông già trở nên thân thiện. Ông nói với tôi giọng nhẹ tênh “Bích con! đi lấy cái lồng thử xem nó có chịu vào không.” Tôi mừng quá, chạy đi lấy cái lồng, đặt ngay nơi, hôm qua, khi mới đem nó về.
Quả nhiên, thấy cái lồng, gà liền nhảy lên đứng trên miệng lồng một lát, rồi chui tọt vào, nằm xuống, đưa đôi mắt lờ đờ bị quáng, nhìn quanh. Nó tỏ vẻ hài lòng, lấy cái mỏ rỉa đôi cánh, vẻ toại nguyện!
Cứ như thế, ngày lại ngày, tôi liều mình cứu nó. Thế là ý muốn nấu cháo thay bữa của má không thực hiện được, và ba cũng thôi ý nghĩ thịt nó nữa rồi!
Nói thật, từ hồi nào, nhà tôi không có thói quen nuôi bất cứ con gì, ba tôi không thích! Hôm nọ, cậu Thành cho tôi 2 con chó bụ bẫm, dễ thương, mới bỏ bú mẹ. Chỉ qua một đêm, nó nhớ mẹ khóc la, inh tai nhức óc, làm cho cả nhà, đêm đó, không ngủ được! Tờ mờ sáng, ba dậy, bắt tôi mang trả lại cho cậu; không cho ở thêm giây phút nào nữa..
Con gà mái hoa mơ đã hơn chục ngày, mà không nghe ba bảo sao. Vậy là ổn rồi đây! Ba còn tỏ thái độ quan tâm, khen nó nữa chứ: “con gà này ngoan nết đấy”. Nghe ba khen tôi mừng lắm, điều này chứng tỏ ba cũng có cảm tình với chị gà, và đồng ý cho tôi tiếp tục nuôi nó!.. Tất nhiên là nó ngoan rồi, không ỉa bậy này, sáng tự ra chợ nhặt gạo, thóc vãi để tự nuôi mình này; chiều tối về, tự nhảy vào lồng ngủ này!...”
Từ khi có con gà trong nhà, hình như tôi thấy ba cũng vui. Ba còn biểu lộ tình cảm đến chị gà mái hoa mơ của tôi nữa chứ. Đi tìm gỗ đóng cho nó cái chuồng cố định, để tôi khỏi xách lồng ra, xách lồng vào nữa!
Ba đặt chuồng ở gian nhà, nay là nhà bà Chuối-người hàng xóm tốt bụng của má.
Ít lâu sau, mào chị gà trở nên đỏ tươi. Trông chị càng đẹp ra. Rồi chị bắt đầu kêu “cục cục cục, cục tác”, và có dấu hiệu tìm nơi đẻ trứng. Ba lại đi lấy rơm lót vào rổ tre, làm cho nó cái ổ đẻ, ở góc chuồng.
Thế rồi nó đẻ trứng. Đúng 10 trứng. Tuy so, nhưng khá to và đều, 10 quả như một. Ba lại tiếp tục cho nó toại nguyện cái thiên chức làm mẹ; nó không đẻ nữa mà bắt đầu đòi ấp.
Khi ấp, chị gà quá say mê; quên cả ăn, ngủ. Đôi khi, ba sợ nó đói, tự tay bốc nắm gạo miệng kêu túc túc, vãi ngay trước chồng kêu nó ra ăn, như thưởng công nó
Đúng 28 ngày, có 9 gà con chào đời. Nhìn những chú gà mới nở, như 9 nắm bông màu vàng biết cử động; mắt chúng tròn xoe, đôi chân lùn lùn, tíu tít quanh mẹ, ba tôi cực kỳ thích! Còn chú gà thứ mười, làm nũng, chưa chịu ra. Mẹ gà bỏ mặc nó! Ba phải ấp thay mẹ gà, bằng cách lấy bông ủ quanh quả trứng, bỏ vào cái họp thiếc rồi đem để ngoài nắng. Chốc chốc ba chạy ra trông chừng. Suốt cả buổi, nó vẫn ngoan cố ì lại trong vỏ. Cuối cùng, ba phải dùng đến tay, gỡ từng mãnh vỏ dính bết lông để lôi nó ra. Nó quặc quẹo, yếu ớt, tôi lắm!... Nhưng chỉ ít sau, nó nghe tiếng kêu của mẹ liền chạy theo anh chị đi tìm cái ăn ngoài chợ… .
Có một khuya, tôi bỗng nghe “cạch, cạch, cạch cà rạch cạch; cạch, cạch cà rạch cạch” nhịp nhàng như ai đang gãy đờn,…Đêm tối, vắng vẻ, tỉnh lặng, nghe thế tôi sợ quá. Tôi nghĩ là có con ma đang ngồi đàn gần đầu tôi gãy đàn. Bà ngoại tôi từng dạy “Nếu lúc nào gặp ma, con không được la, kẻo nó hút hồn thì chết” Tôi không dám hé răng, chỉ nhẹ nhàng kéo mền trùm kín đầu.
Nhưng tiếng cạch, cạch như tộng vào đầu làm chói cả tai tôi. Tôi lại nghe cả tiếng sột sột ở trước mặt (sau này tôi mới biết đó là tiếng động được phát ra do lông mi của tôi va vào chăn). Nỗi sợ của tôi lên tới cực điểm, không thể chịu được nữa, tôi la lên “Ma! ba, má ơi! có con ma trên đầu con!” Tiếng la thất thanh của tôi làm kinh động đến ba má. Hai người nhào ra, hỏi dồn “đâu, ma ở đâu?”, tôi nói liền một mạch như súng liên thanh “Đó, đó, nó đang gãy đờn trên đầu con đó...”. Ba tôi lật chăn, xem tai, xem đầu nhưng không tìm thấy gì. Rõ ràng cái âm thanh kỳ quặc đó cũng lọt đến tai ba. Ông đưa ngón trỏ, dí dí ở môi, ra hiệu im lặng. rồi thì thầm “Trộm đang đào tường nhà mình. Má nó đứng ở đây canh chừng, anh đi lấy đòn gánh, phan cho nó què giò!” Nói rồi, ba rón rén đi lấy đòn gánh, rón rén sục sạo từng góc nhà, xó xỉnh, song vẫn không tìm ra kẻ trộm dào tường nào cả.
Tiếng “cạch, cạch cạch cà rạch cạch, vẫn đều đều vang lên giữa đêm khuya một cách vô ý thức. Cuối cùng ba phát hiện ra, chị gà mái hoa mơ đang rỉa bộ lông cánh để rũ bỏ những con mạc bám vào cắn ngứa chị ta.
Ôi trời! thế là một phen hú vía với chị gà mái mà tôi đã liều mình cứu sống !
Đàn gà lớn nhanh như thổi. Chú, chị gà nào cũng phây phây, trông dến phát thèm! Hễ lúc nào có khách thì ba đem thịt một con. Ba khoe với các chú nhà thơ (như Phạm Hổ, Nguyễn Đình, Vương Linh...): “Ta được ăn thịt gà là nhờ cháu Bích Thủy đấy!” Sau đó, ông kể lại gốc gác của đàn gà cho các chú nghe. Chú nào nhìn thấy tôi cũng khen nức nỡ “cháu giỏi thật!”. Nghe khen, mủi tôi nở to ra trông thấy!
Đó là lần đầu cũng là lần cuối, nhà tôi nuôi gà đến hai thế hệ. Con gà cuối cùng của “chị gà mái hoa mơ” kết thúc đời mình vừa đúng lúc gia đình tôi chuẩn bị đi tập kết.
Câu chuyện giải hòa với hàng xóm là ba dựa vào đàn gà này.
Chuẩn bị đón Tết (năm 1954) má tôi là quần áo. Biết chị em tôi hay so bì nên má sai tôi đi đến nhà cô A mượn bàn ủi, sau sai Tú đi trả. Thay vì trả cho nhà bà A, nó lại trả cho bà B. Tối bà A đến đòi lại. Má tôi gay gắt cải lại “trả ngay ban sáng rồi mà chị”. cô A tưởng má không muốn trả, giận dữ la to “chị trả cho ai, hồi nào..”. Thế là hai bên cứ cải “trả rồi”, “chưa trả”. Đang ngồi làm thơ trong nhà, nghe hai bà hàng xóm to tiếng nhau, ba tôi bước ra. Đón chắc có sự nhầm lẫn, ông gọi Tú Thủy về hỏi rõ sự tình. Quả là bé Tú trả nhầm thật. Ba bảo má đi đến nhà bà B xin lại và nói “nhà mình sai, má con Thủy xin lỗi chị ấy đi.” Má tôi vui vẻ nhận sai lầm với cô A, hai bên lại vui vẻ trong tình làng xóm.
Về chuyện này, tối đến ba ngoáy rốn kể:
Một gia đình gà, gồm một gà trống và một gà mái với bốn nhóc gà con (hồi đó tôi mới có 3 em). Mặt trời vừa ló đằng Đông, gà trống thức dậy, gáy “Ò ó o o!” trời sáng rồi, cả nhà dậy đi thôi!. Thế là gà mẹ dậy đưa đàn con ra vườn tìm mồi. Ra tới vườn, gà mẹ nhắc nhở đàn gà con “Cục ta cục tác, không được lười nhác tự kiếm mà ăn”. Suốt cả năm bươi rác, tìm cái ăn, bộ lông gà xù xì , bụi bặm bám đầy. Gà mẹ cũng muốn cho nhà mình bằng chị, bằng em nên sang hàng xóm mượn bàn ủi về ủi cho cả nhà gà để có được những bộ lông phẳng, đẹp ăn tết. Ủi xong gà mẹ bất cẩn, không dặn dò kỹ lưỡng cho gà con trả cho ai. Do đó sinh ra có cuộc cải vả, suýt làm mất đoàn kết xóm giềng. Gà trống phê bình, gà mái biết phải trái, nhận lỗi và cẩn thận hơn, vậy là một gia đình tốt./.