Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.265
123.156.169
 
Cổ tích một tiếng chuông
Văn Thành Lê

Trống sang canh vừa điểm, có tiếng gà eo óc tận xa xa. Cảnh vật đắm chìm trong ánh trăng thượng tuần mờ nhạt. Hoàng cung còn sáng một ô cửa. Một bóng người đi đi lại lại dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đèn trên án thư. Cả ba đêm nay, nhà vua đều thao thức vì cùng một giấc mộng như nhau. Quan Âm bồ tát cỡi cá kình, tay cầm bình Cam lộ đuổi theo một quái vật chẳng rõ hình thù. Đến khi cá kình bắt kịp quái vật thì Bồ tát hóa thành một đạo hào quang biến mất. Nhà vua nghi nghi hoặc hoặc, chẳng rõ ý nghĩa thế nào...

 

Rạng ngày, vua cho thiết triều, đem giấc mộng lạ lùng hỏi ý kiến triều thần. Sau một hồi bàn tán, bá quan dồn ánh mắt về phía quan Thừa tướng. Xưa nay Thừa tướng vẫn được triều đình kính nể vì tài kiêm văn võ của ông.

- Tâu bệ hạ, Thừa tướng vừa khom người thi lễ đức vua vừa nói. Theo thiển ý của hạ thần thì mộng triệu của bệ hạ là một điềm lành...

Thừa tướng vuốt chòm râu bạc, đảo mắt nhìn các quan một lượt để gây ấn tượng, đoạn gật gật đầu nói tiếp:

- Cam lộ là nước thiêng của thần linh. Thiên hạ thái bình thì mới có Cam lộ xuất hiện. Còn cá kình tượng trưng cho giặc giã. Nay bệ hạ mộng thấy Bồ tát cầm bình cam lộ, cỡi cá kình đuổi quái vật, há chẳng phải là điềm lành cho thấy xã tắc an bình thạnh trị đó sao? Vậy kíp mong bệ hạ mau nổi cơn gió nhân để dân chúng trên dưới được vui lòng, trong ngoài được thỏa nguyện.

Vua cả mừng mà rằng:

- Thừa tướng thật là cao kiến, quả chẳng phụ lòng tin của bá quan. Trẫm nay nghe lời Thừa tướng giãi bày mà tiêu tan bao điều nghi hoặc.

Nói rồi, vua cho mở kho lương cấp phát khắp dân nghèo, miễn giảm sưu thuế, ân xá tội nhân. Trăm họ vui mừng một thời thạnh trị.

 

Thế rồi, bỗng nhiên nạn dịch nổi lên khắp nơi. Ngoài đồng đất đai khô nẻ, mùa màng thất bát, dịch bệnh hoành hành. Vua lại ba đêm liền mộng thấy Bồ tát cỡi cá kình như trước. Lần nầy Thừa tướng không nói gì thêm. Triều thần lặng lẽ chia sẻ nỗi lo canh cánh bên lòng cùng nhà vua. Quan Công bộ Thượng thư tâu:

- Tâu bệ hạ. Lúc sắp băng, Tiên vương có nhắc đến Quốc sư. Dám mong bệ hạ...

Triều thần đồng thanh “à” lên một tiếng. Quốc sư chính là Thanh Y đạo sĩ, người đã có công giúp Tiên vương dẹp yên phản tặc, giữ vững giang sơn. Quốc sư được triệu đến trước sân rồng, hình đồ âm dương bát quái màu trắng sắc nét trên chiếc áo thụng xanh. Quốc sư nói:

- Tâu bệ hạ. Hình tượng cá kình được chạm khắc lên cái vồ để đánh chuông, gọi là chày kình. Dẫn từ tích chép ở sách Hậu Hán thư: Trong biển cả có con cá lớn là cá kình, bên biển có con thú là con bồ lao. Bồ lao rất sợ cá kình, hễ cá kình đánh bồ lao thì bồ lao kêu vang lên. Vì thế, khi đúc chuông, muốn chuông kêu to thì khắc hình bồ lao lên trên và làm cái vồ hình cá kình để đánh. Nay bệ hạ mộng thấy Bồ tát cỡi cá kình, thần cạn nghĩ, ấy là điềm bảo phải đúc chuông đó thôi.

- Vậy theo Quốc sư, việc đúc chuông quan trọng như thế nào? - Quan Thừa tướng chất vấn.

- Sách có câu: Nhạc giả thiên địa chi hòa dã, Lễ giả thiên địa chi tự dã. Người xưa trên xem thiên văn, dưới nhìn địa lý, thấu rõ được lẽ trật tự điều hòa của trời đất mà theo đó chế tác ra lễnhạc. Nay nhờ đức nhân của bệ hạ mà trăm họ được bình an khương thái, chính là lúc càng phải làm sáng rỡ thêm cái lẽ nhiệm mầu của lễ và nhạc. Trên dưới phân minh, trước sau thành kỉnh, không gì ngoài lễ. Trong ngoài thảo thuận, mới cũ điều hòa, phải dựa vào nhạc. Trong tám thứ tiếng[1] của tám loại nhạc cụ khác nhau thì đứng đầu là kim, tức tiếng chuông. Nay bệ hạ muốn bày tỏ lẽ hòa trong thiên hạ, há chẳng lấy việc đúc chuông làm trọng đó sao?

Vua cả mừng:

- Lời minh triết của Quốc sư quả đã làm đẹp lòng trẫm. Trẫm tài hèn đức mỏng, duyên may gặp được các khanh như cá gặp nước, âu đó cũng nhờ hồng phúc của chư tiên đế vậy.

Đoạn, vua xuống chiếu giao cho Quốc sư chủ trì việc đúc chuông. Trăm họ đang khổ nhọc vì nỗi mất mùa, dịch bệnh, nay còn phải gánh thêm việc gom góp đồ đồng đúc chuông. Bọn nhũng quan được dịp hạch sách dân lành. Tiếng than van chẳng xiết. Nhà vua nóng lòng đúc chuông nên nào hay nỗi thống khổ của trăm họ.

 

Quốc sư cho gom hết các thợ đúc lại. Lệnh trên ban xuống, ai nấy đều lo hoàn thành phần việc của mình, chẳng chút xao nhãng. Đồ đồng được chuyển về kinh đô, chẳng mấy chốc đã chất thành một kho lớn. Người qua kẻ lại tấp nập. Quốc sư cho phân đồng thành nhiều loại. Đồng tạp phải đun suốt bảy ngày liền để chỉ lấy ra chút ít đồng tinh. Cứ như thế, suốt ba tháng trời ròng rã làm việc cật lực, cuối cùng chiếc chuông đồng như mong ước của nhà vua đã được đúc xong. Chuông cao gần bảy thước, bề ngang gần ba thước, được đặt ở điện Nhơn Hòa. Quốc sư chọn ngày lành tháng tốt xin vua làm lễ khai chung.

Lễ Hạ nguyên năm đó cả kinh thành rực rỡ đèn hoa. Nhà vua thân hành ngự giá đến điện Nhơn Hòa làm lễ tế Trời. Lễ xong, vua đánh một tiếng chuông. Được giải thoát khởi vòng vây hãm bấy lâu giữa cõi vô hình chật hẹp, tiếng chuông trở mình bật ra không trung. Sóng âm ầm ầm vang dậy khắp các tầng trời. Kế đó, Quốc sư thong thả tiếp thêm một hồi chuông dài. Giữa thinh không nghe như có tiếng reo hò của muôn ngàn binh mã. Đâu đây có tiếng sóng vỗ rì rầm, rồi tiếng binh khí chạm nhau loảng xoảng. Trời đang quang, bỗng nhiên mây đen kéo tới, sấm chớp dậy trời, gió mưa mịt đất. Thế là lễ khai chung hôm ấy đã kết thúc trong màn mưa ảm đạm...

 

Mưa gió dìm mọi vật trong biển nước, trăm họ than khóc dậy trời. Vua lại sai đem lương thực trong cung ra cấp phát cho lê thứ. Khi cơn hồng thủy rút lui, mặt đất hiện ra với bao tang thương điêu đứng. Nhìn muôn dân khổ cực, vua đứng ngồi chẳng yên. Thế rồi ba đêm liền vua lại mộng thấy Quan Âm bồ tát như trước. Lập tức vua cho thiết triều, nhưng quần thần không có ý kiến nào làm đẹp lòng vua cả. Bãi chầu, Quốc sư lặng lẽ trở về thư phòng, suốt đêm trầm ngâm ngước nhìn thiên văn. Đêm ấy Thừa tướng cũng chong đèn đi tới đi lui, man man nỗi lo quốc gia đại sự.

 

Rạng ngày, vua lại cho thiết triều. Việc giải nghĩa mộng triệu của nhà vua cũng chẳng đi tới đâu. Cuối cùng quan Thừa tướng tâu:

- Tâu Bệ hạ. Quan Âm bồ tát xuất hiện ắt có liên quan đến Phật giáo. Dám mong Bệ hạ cho triệu Không Không đại sư về triều, có lẽ sẽ có cao kiến gì chăng?

Nguyên, Không Không đại sư là cao tăng của nhà Phật. Người trong nước không mấy ai lại không biết đến danh tiếng Đại sư. Khi tiên đế tin dùng các đạo sĩ thì Lão giáo được nâng lên thành hàng quốc đạo. Từ đó Phật giáo không được triều đình nhìn nhận. Chùa chiền vắng tiếng cầu kinh, sư sãi lang thang viễn xứ. Không Không đại sư dẫn một số đồ đệ lên tận núi cao ẩn mình tu luyện. Tuy vậy, cuộc đời chân tu và sự hiểu biết uyên bác của Đại sư vẫn còn là tấm gương chói ngời cho mọi người mỗi khi nhắc tới.

 

Nhà vua chuẩn tấu, định cử người đi thỉnh Không Không đại sư thì bỗng có tin Đại sư đã trở về và xin vào bái kiến. Vua cả mừng, thân hành ngự ra trước cổng thành đón Đại sư. Vua nói:

- Trẫm tài hèn đức mỏng, một bậc cao minh như Đại sư mà lâu nay trẫm không hề nhận biết. Thật là đáng trách.

- Bệ hạ quá lời, Không Không đại sư nói. Bần tăng nay vâng lời dạy của Quan Âm bồ tát quay về bái kiến bệ hạ, dám mong bệ hạ hạ cố.

Thừa tướng thuật lại việc vua nằm mộng, việc hạn hán, việc đúc chuông, v.v...

- Tâu Bệ hạ, Đại sư nói. Đạo lý cốt yếu ở chỗ hòa. Kinh thi có chép: Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim. Hai người cùng lòng thì sự sắc bén có thể cắt đứt được kim loại. Phàm mọi việc trong thiên hạ đều từ nơi hòa mà nên, dựa nơi hòa mà vững. Đúc chuông là một việc nên làm. Nhưng lòng người không thuận hòa thì tiếng chuông cũng chưa hài hòa được. Nay trong thiên hạ nhơn tâm ly tán, trăm họ lao khổ, nhũng quan hoành hành. Nếu không có kế sách gì, chỉ e làm miếng mồi ngon cho lân bang địch quốc mà thôi. Ngưỡng mong bệ hạ suy xét.

- Bàn đến việc trong thiên hạ phải xét đến ba điều: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Quốc sư đỡ lời. Bần đạo thường đêm xem thiên văn thấy sao bổn mạng của bệ hạ tỏa sáng. Bệ hạ lại cai quản một giang sơn cẩm tú. Vậy là đã đạt thiên thời lẫn địa lợi. Chỉ còn lòng người là chưa được hòa mà thôi. Nay được Không Không đại sư về chầu lại thốt lên những lời vàng ngọc làm đẹp lòng bệ hạ. Mong Đại sư vì sự an nguy của xã tắc mà vùa sức giúp triều đình.

- Tâu Bệ hạ, Thừa tướng tiếp lời. Lời của Đại sư và Quốc sư thật chí phải. Mộng triệu của Bệ hạ quả là điềm lành. Dám mong Bệ hạ xuống chiếu giao cho Đại sư lo việc đúc lại chuông.

- Chẳng có việc đúc chuông nào cả, Đại sư khoát tay. Nếu người đã đồng tâm thì chuông cũng thuận theo người mà đồng âm. Không sợ chuông không thanh âm mà chỉ sợ lòng người chưa đủ thành.

Vua cả mừng, truyền cả quần thần phải chay tịnh mười ngày để cầu quốc thái dân an. Vua cho miễn sưu thuế, ân xá tội nhân, xuất kho lương dự trữ cấp cho người cơ hàn. Khắp nơi trăm họ an lòng. Chùa chiền lại vang tiếng kệ kinh như cũ. Một đại đàn cao ba trượng sáu thước, chia làm chín tầng được lập ở điện Nhơn Hòa. Hai bên treo cờ cán thêu hai con rồng chầu và cờ thường thêu hình mặt trời mặt trăng. Ơ giữa treo cờ thất tinh thêu chòm sao Bắc đẩu. Lễ Thượng nguyên năm đó vua cùng Thanh Y đạo sĩ và Không Không đại sư đăng đàn làm lễ tế Trời. Bá quan cùng dân chúng kinh đô sấp mình dâng lễ. Cả rừng người đều một lòng thành kính.

 

Lễ xong, vua đánh một tiếng chuông. Trời đang u ám bỗng rực rỡ ánh thái dương. Tiếng chuông nhẹ nhàng lan tỏa giữa ngào ngạt trầm hương. Tiếng chuông khe khẽ len vào trái tim vạn loại. Nếp nhăn dãn ra trên trán người ưu tư. Đau khổ vơi đi trong lòng người cô độc. Người thiện thêm lành, kẻ ác bớt dữ. Cây cỏ phục sinh, đất đai thức tỉnh... Cứ thế, tiếng chuông càng đi xa càng rung lên những âm thanh huyền hoặc. Rồi trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, tiếng chuông còn trăn trở vọng lại một hồi âm nhỏ dần, nhỏ dần: hòa... hòa... hòa...

 

Nhà vua hân hoan ôm choàng Đạo sĩ và Đại sư mà rưng rưng nước mắt. Hiểu ra được lẽ hòa, từ đó vua càng chăm lo việc triều chính. Lão giáo, Phật giáo và Nho giáo đều được xiển dương. Nhà vua sáng suốt, bá quan một lòng, trăm họ ấm êm, triều đại ấy đã để lại một chấm son rực rỡ trong lịch sử...

*

Ngày nay, du khách ghé thăm điện Nhơn Hòa còn được nghe câu chuyện về một chiếc chuông kì diệu. Thời gian đã phủ lên mặt chuông một lớp bụi mờ năm tháng. Thế nhưng chuông vẫn còn ngân nga một âm thanh mênh mang thiền vị như ngày nào. Cho mãi đến muôn đời sau, trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, tiếng chuông vẫn còn trăn trở vọng lại một hồi âm di huấn:

Hòa... hòa... hòa.../.

 



[1] Bát âm gồm: Kim: tiếng chuông, Thạch: tiếng khánh, Ty: tiếng đàn, Trúc: tiếng sáo, Bào: tiếng sinh, Thổ: tiếng huân, Cách: tiếng trống và Mộc: tiếng trúc.

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 2153
Ngày đăng: 14.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyệt Thực - Khuất Đẩu
Bài Ký Núi Phấp Phỏng - Nguyễn Thanh Hiện
Từ Quân Y Viện Nguyễn Huệ - Nguyên Minh
Biển có sóng - Trần Lệ Thường
Chia Tay - Vũ Lập Nhật
Gã cực sướng - Lê Trâm
Thằn Lằn - Phạm Vũ Thịnh
Chim Gõ Kiến - Khải Nguyên
Ông nông dân đi ra phố - Nguyễn Hiếu
Quán Khánh Giang - Hồ Thủy Giũ