Tôi bị đánh thức dậy sớm hơn mọi ngày. Suốt đêm không ngủ được, trời nóng mặc dù đã vào mùa đông. Muỗi đốt liên hồi chúng tôi nằm dưới thềm xi măng, tấm chăn nhỏ không đủ cho ba người, bị kéo từ phía này sang phía khác, giành nhau đắp lên chân lên tay cho đỡ bị muỗi. Chúng tôi đã thay nhau ngồi dậy, bước ra ngoài trời, đứng một lúc cho mát rồi trở vào phòng mò mẫm tìm từng điếu thuốc lá, thắp lên cho đỡ buồn, đi ra đi vào, mệt mỏi và ngái ngủ, nằm xuống bên cạnh những người bạn, đập muỗi trên mặt, trên tay, trên chân, sau đó lại trở dậy mở cửa bước ra ngoài. Suốt đêm như thế, ba người bạn trên nền xi măng phòng khách và vợ chồng chủ nhà trong phòng ngủ. Đó là những ngày đầu mùa đông, những năm trước kia vào thời gian này tôi vẫn thường bỏ học về quê, dẫm chân lên những con đường ngập lụt và tắm mình trong mưa dầm dề. Gần mười năm qua, bây giờ thì đã khác, quá xa và quá đìu hiu. Chúng tôi một đứa về từ Sài Gòn, tôi từ mặt trận vùng cao nguyên và một đứa nữa đang trải qua những ngày bấp bênh chờ bị bắt vào quân lao trong thị trấn này. Mười năm trước chúng tôi cùng ngồi chung bàn trong lớp học, cùng hút với nhau những điếu thuốc lá lén lút dưới gầm bàn trong lúc ông thầy say sưa giảng bài. Bây giờ, mười năm sau gặp lại nhau, trên một nền xi măng còn trống trong thị trấn cũ và thao thức chờ sáng.
Thức đã bỏ đi từ bao giờ, người bạn sửa soạn đi làm và người đàn bà đã ra chợ mua quà sáng cho chồng. Hòa và tôi ra đường, buổi sáng mát rượi và trong, tiếng động cơ xe cộ ào ạt thay tiếng sóng biển rì rào đêm qua. Đường phố vẫn nằm nguyên chỗ cũ từ bao nhiêu năm nay, nhưng chúng tôi thì đã khác đi nhiều. Hòa nhắc lại việc gây gổ với Thức làm tôi bực mình, tôi nói với Hòa rằng nếu tiếp tục lẩn trốn trong thị trấn này thêm một thời gian nữa thì tốt hơn hãy tìm một nền xi măng trống khác, bởi vì vợ chồng người bạn đã tỏ ra muốn đuổi chúng ta đi ngay kể từ hôm qua. Điều đó không làm cho tôi buồn, nhưng dù sao, tôi nói với Hòa, dù sao thì Minh cũng đang có một đời sống khác xa chúng ta. Minh đã trải qua những ngày lêu bêu như thế rồi, bây giờ hãy để cho Minh an nghỉ với vợ con. Để cho Minh va chạm lại cái hình ảnh quá khứ của anh, có thể anh không đủ can đảm tiếp tục những ngày sắp tới. Hòa hỏi cậu nghĩ sao về điều tôi nói với Thức đêm qua, tôi nói có lẽ Thức ảo tưởng và không đặt thành vấn đề việc làm buồn một người như tôi, cũng may là sự tự ái của tôi không cao lắm và cũng không bén nhậy như Hòa. Lúc nói với Hòa điều đó, tôi nhớ lại lời hắn đêm qua với Thức: “Có thể mày hiểu nhầm tao, điều đó không cần thiết gì cho tao cả. Tao không tự ái cho riêng tao, mày phải hiểu như thế. Lý ra mày phải thương những đứa bạn khốn khó như thằng Vĩnh từ xa về, nhất nữa là mày phải nhớ rằng mày chỉ mới vừa chạy chọt để về ung dung ngồi trong bàn giấy ở Sài Gòn từ một chỗ cũng khốn nạn như nó. Mày đã để lộ trong cách nói của mày cho người ta thấy rằng mày có những hành động của bọn phản bội. Tao không thù ghét gì mày đâu…”. Hòa nói lớn giọng, hùng hồn và nhiệt tình. Thức lúc đó chỉ nằm im, cười cười, tôi hiểu Thức sẽ không bao giờ biết suy nghĩ lại về mình sau những lời trách móc của bạn bè. Thức cũng rất ít khi chịu tin rằng người ta nhận xét đúng về mình, và thường thường hắn vẫn còn đủ tự tin để trả lời: “Sau này có dịp tao sẽ chứng tỏ rằng chúng mày vô lý”.
Chúng tôi đi ngang qua phố chính rồi đến khu hỏa xa. Những tấm biểu ngữ mới căng lên đêm qua, nhiều tấm khác đã cũ và cũng có nhiều tấm đã quá xưa, đã mười năm hay lâu hơn. Tôi nhìn lên những tấm biển treo trước các cửa hiệu nằm san sát nhau, tên những khách sạn, phòng trà trên các căn lầu mới xây cất sau khi tôi vào lính, nhô cao hơn cả trong thị trấn. Trước một hiệu ăn ở một ngã tư, hình ảnh quảng cáo cuốn phim đang chiếu tại một rạp hát, cuốn phim quay lại khung cảnh chiến tranh 1943 trên một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, những vụ chạm súng giữa một toán thám sát tuần tiểu của Mỹ và một lực lượng trú đóng của Nhật. Hòa nói đến nhân vật nữ duy nhất trong cuốn phim đó, tôi lơ đãng nghe, mang máng hiểu rằng Hòa muốn nói đến một điều nào đó khác hơn sự hiện diện lẻ loi và vô ích của người đàn bà. Lúc chúng tôi đến khu hỏa xa thì chuyến tàu buổi sáng đã chạy, sân ga trở lại yên tĩnh, tôi biết rằng không có ai đi đưa tiễn ai trên chuyến tàu đó, vì thực ra tàu chỉ chạy đến một chiếc ga xép cách thị trấn khoảng năm cây số để lấy đá rồi trở về. Hòa nói đã quá lâu không còn có dịp sống lại cái thói quen ngày mới lớn, bốn năm giờ sáng thức dậy ra ga ngồi chen chúc giữa đám hành khách ngái ngủ, uống một ly cà phê nhỏ trên toa hàng ăn và giải khát cho đến khi tàu chạy mới trở về nhà. Căn nhà ngày xưa của Hòa nằm lẻ loi trên một khu đất trống sát đường sắt chạy vòng quanh khu hỏa xa, sau này người cha chết đi, căn nhà đó mẹ Hòa đã bán lại cho một người lao công Sở hỏa xa rồi đi theo một người đàn ông về ở mãi dưới bến tàu. Mấy năm vào lính rồi khi Hòa đào ngũ trở về tìm gặp lại người mẹ, bà đã nói với Hòa: “Con phải hiểu rằng con không nên tìm mẹ nữa làm gì. Con đã lớn…”.
Chúng tôi ghé đến ngồi nơi cái bàn duy nhất kê bên cạnh quầy cà phê của lão Tàu già nằm trong một khu chợ nhỏ cạnh nhà ga, giữa xóm lao động mới được xây cất sau này. Chúng tôi gọi cà phê, hút thuốc lá, đôi khi nhìn nhau rồi cười. Đã từ lâu chúng tôi không còn trẻ nữa để tìm dưới đáy ly đen một nỗi buồn bã thu mình ngồi trong đó, tuy nhiên chúng tôi cũng vẫn chưa già để phải vội vã. Tiếng ồn dưới chợ có lúc cũng gợi lên cho tôi chút náo nhiệt mơ hồ. Hòa nói:
- Cậu định làm gì hôm nay?
Tôi nói một cách uể oải:
- Chưa biết được. Có lẽ lại ra quán sách anh Hoàng ngồi suốt ngày.
Trong những ngày qua, hình như hôm nào chúng tôi cũng đến hiệu sách, buổi tối bắt ghế ngồi hút thuốc trước cửa nhìn người trên phố, nhìn cảnh sát, quân cảnh, nhìn người ngoại quốc. Thỉnh thoảng người đàn bà cũng đem ghế ra ngồi bên chúng tôi, bàn góp vào những câu chuyện không đầu đuôi, nhắc đến những người cũ, chiến tranh, sự chết, vài bài diễn văn mới nhất của những kẻ cầm quyền. Khuya, lúc hiệu sách đóng cửa, chúng tôi từ giã người đàn bà, đôi khi cũng có mặt anh Hoàng ở đó rồi đi tìm chỗ ngủ qua đêm, có thể là đằng nhà giảng Hội thánh Tin Lành hay nhà một người bạn cũ không thân thiết lắm.
- Hay là mình về Ninh Hòa đi lêu bêu cho đỡ nản, chiều hoặc mai hãy trở lại đây. Tôi nói với Hòa.
- Thôi tôi không về đó nữa. Tôi thiếu nợ khắp phố khắp chợ. Bây giờ thì phải khai trừ nơi đó ra khỏi trí nhớ may ra tôi mới yên tâm.
- Tôi thấy cũng còn tiếc cái thời nhỏ lúc mình còn đi học ở ngôi trường trung học ngoài đó. Cậu nhớ những buổi tối cậu mang guốc gỗ nện lên mặt cầu xi măng, cảnh sát đến đuổi mình đi, nhớ không?
Hòa cười:
- Cây cầu xi măng gãy rồi.
Hòa nhắc lại cho tôi nghe về một vài người bạn cũ. Cuối cùng tôi bảo Hòa nên sớm tìm cách đi Sài Gòn là hơn. Tôi nói thêm rằng có lẽ thị trấn này không còn bao dung hắn nữa, lúc nhỏ làm sao mình biết được sau này có ngày xấp xỉ ba mươi tuổi mình lại sống khốn cùng đến như thế. Người lớn và nhà trường đã chỉ dạy cho chúng ta biết đến hạnh phúc và mọi cách đạt đến hạnh phúc đó, người ta đâu đã dạy cho chúng ta biết gì hơn về những đời sống khác. Khi sống một đời sống khốn nạn chúng ta mới biết được rằng những điều chúng ta đã học hỏi được mười năm trước đây thực vô ích biết chừng nào. Hòa gật đầu nói:
- Một năm chui rúc trong thị trấn này đã quá đủ có phải không? Bây giờ nếu có bị bắt lại cũng được, tôi sẽ vào tù, rồi ra trận rồi lại đào ngũ nữa. Tôi sẽ bỏ đi trong mấy ngày tới. Tôi đã định đi Sài Gòn từ lâu nhưng cứ chần chờ mãi. Tôi nghĩ những bữa cơm ăn nhờ người này người khác đã là một sự sỉ nhục nặng nề, cậu nghĩ có lần tôi ghé đến người chú ruột, ở đó được hai ngày thì ông hỏi tôi sao không đi làm, ăn xi măng có được không. Tôi định nhờ anh chị Hoàng giúp phương tiện.
- Biên vẫn yêu cậu chứ?
- Yêu thì chắc vẫn yêu nhưng đã xa, Biên đi học sư phạm. Một năm nay tôi chỉ gặp Biên có một lần, kỳ hè. Ngồi bên tôi, Biên khóc. Hôm trước tôi có gặp lại anh Hầu, anh ấy nói Biên sắp đi lấy chồng.
- Anh ấy nghĩ cậu thế nào?
- Anh ấy mến tôi. Chúng tôi đã làm việc với nhau cùng đơn vị trước khi tôi đào ngũ. Việc Biên đi lấy chồng thì ngoài mọi quyết định, mọi sự bàn tính của anh.
- Hầu còn ở đây hay đã ra đơn vị rồi?
- Chắc đã đi, tôi không rõ vì anh ấy không ở đâu chắc chắn. Mấy lần sau tôi đến nhà tìm, anh ấy đều đi vắng.
Buổi chợ tan. Tôi hỏi Hòa bây giờ định đi đâu. Hòa nói không biết, có lẽ lại về nhà anh Hoàng lên gác nằm đến chiều. Tôi hỏi rồi chiều đi đâu, làm gì, Hòa cười mệt mỏi nói lại bắt ghế ngồi trước hiệu sách nói chuyện với người đàn bà đến khuya. Tôi đi với Hòa một lúc, qua khỏi khu hỏa xa tôi từ giã Hòa, nói có lẽ chiều sẽ tìm lại nhau trước cửa hiệu sách đó.
Tôi ghé về nhà đứa em họ lúc vừa tan sở. Đứa em gái con người chú khốn khó một đời vội vã làm cơm, tôi ngồi nguyên trên ghế hút thuốc lá chờ. Trên mặt bàn, những bản tình ca thời thượng vất vung vãi, mấy tấm ảnh cũ tôi chụp chung với Ngạc, với Đổng trong thị trấn này trước kia, một tấm ảnh thật cũ của Loan tôi nhờ đứa em gái cất giữ từ ngày vào lính, và tấm hình khác của Khang và Lộc. Trong đó tôi không tìm thấy tấm ảnh nào của Triêm. Tôi buồn bã xếp chúng lại, tiếp tục hút thuốc nhả khói qua khung cửa sổ xám mốc – khung cửa sổ của căn phòng trọ ngày xưa, dễ chừng cũng đã chừng sáu bảy năm. Tình cờ, tôi tìm thấy một xấp thư trong ngăn kéo, những lá thư cũ trong đó có những đoạn tôi đã viết cho Thoa lúc Thoa chưa đi làm và những ngày sau này trước khi Thoa lấy chồng. Bây giờ Thoa sống với tên đàn ông đó, một gã không đứng đắn và kém hiểu biết. Tôi nói với Mỹ rằng tôi muốn gặp lại Thoa nhưng sau đó tôi thấy vô ích, tôi biết mình không còn giữ nguyên cái vị trí cũ trong gia đình sau một thời gian sống bạt mạng trên núi rừng. Cũng trong xấp thư đó, tôi tìm thấy nhiều lá thư của N. viết thăm Thoa, những lá thư viết từ nhiều nơi khác nhau làm tôi nghĩ rằng nàng đang sống một cách vất vả và vô định. Tôi tìm một lá thư có dấu nhật ấn mới nhất ngoài phong bì của nhà bưu điện mở ra đọc. N. đang sống với chồng, một sĩ quan tác chiến trú đóng ở Gia Nghĩa, tỉnh Quảng Đức. N. nói đến trời mây sương khói ở đó, buồn và chán nản khi nghĩ lại quá khứ. Nàng viết không có vẻ gì là đang yên phận với chồng, một người đàn ông mà nàng viết tắt cho Thoa là T. Tôi không biết T., có lẽ Thoa mới biết được. Nàng còn viết trong lá thư đó “Cho gởi lời thăm anh Vĩnh. Hẳn là ông ấy vẫn còn sống ở đâu đó, phải không? Cho đến bây giờ mình vẫn không thể hiểu được tại sao hồi đó Vĩnh say mê mình đến như thế, chẳng lẽ ông ấy lại không biết rằng…”.
Tôi xếp thư lại, bỏ tất cả vào ngăn kéo như cũ, nghĩ tới nàng trong áo xanh lần sau cùng chúng tôi gặp nhau, giọng nói nàng nhỏ và thanh, giọng nói say sưa của Đà Nẵng đã pha chế đi nhiều bởi bùn đất sương khói khi lạnh mưa dầm gió lào và mặt trời cao nguyên. Trong lá thư chót nàng viết cho tôi, dứt khoát trước khi quay về với những K. những T. của nàng thời đó, lá thư tôi nhận được sau một chuyến hành quân đơn vị bị phục kích nặng nề, tôi suýt chết trở về trại quân, tả tơi như một tên lính lê dương thời 1954, lá thư có câu: “Dù ở xa, N. vẫn cầu mong anh sống mãi…”. Bốn năm qua, cho đến hôm nay thì tôi vẫn còn sống.
Trong bữa ăn, Mỹ hỏi tôi sao anh không về thăm quê nhà. Tôi không nói gì, không biết phải trả lời như thế nào. Mỹ nói là chú thím rôi rất mong tôi về ghé nhà, bây giờ ông bà đã già, đã mỏi, dù thế nào tôi cũng nên trở về. Tôi nghe, buồn bã, ăn vội cho xong bữa cơm. Mỹ cũng hỏi tôi về vợ con, đời sống và nhiều thứ khác. Tôi nói lấp lững cho qua chuyện. Khi ăn xong, ngồi bên bàn hút thuốc, tôi hỏi Mỹ về Định, và những dự tính của hai người. Mỹ chợt tỏ ra im lặng, ấm ớ không muốn nói. Tôi biết Mỹ đang có mang với người đàn ông đó, hắn đã bị đưa ra mặt trận và như thế việc cưới hỏi không còn cần thiết bằng sự sống chết của hắn hiện nay. Có lẽ sau đó tôi đã nói một câu nặng lời làm Mỹ buồn và tôi bỏ đi. Tôi ra bến xe, la cà khoảng nửa giờ ở đó mà không muốn làm một điều gì cả. Tôi nhớ đến khuôn mặt Định, vẻ đần độn mệt mỏi và phần nào lại có vẻ tinh quái lần gặp nhau duy nhất, đó là những ngày sau khi hắn ra khỏi tù. Lần đó, thay vì tôi, Định đã nói lớn tiếng: “Anh và bạn anh đã làm tôi vào tù anh biết không?” Lần đó tôi thay vì hằn học, lại cười cười rồi nói: “Tôi và bạn tôi đã làm gì cho ông đi tù? Ông nhớ cho rằng chúng tôi chỉ là những thằng lính tác chiến cùng đinh ở trên rừng, chúng tôi làm gì bỏ tù được ông, một ông lớn vào hạng nhất nhì trong thị trấn này?”.
Trưa nắng, bến xe vắng tanh, buồn bã và nặng nề. Tôi đón một chuyến xe đò trống trải chạy lừ đừ về quận N. Lúc xuống xe ở quận lỵ cũ, tôi mệt mỏi ngồi uống một ly nước chanh nơi một quầy hàng vặt ngay trên bến. Sau đó tôi đi bộ đến nhà Triêm.
Triêm ngồi đọc sách trong phòng khách, nàng mặt áo ngắn tay. Thấy tôi, Triêm cười đứng dậy mời ngồi rồi đi mua nước đá pha nước chanh cho tôi. Bố Triêm không về buổi trưa, nhà có vẻ vắng, những đứa em nàng ngủ ở nhà sau. Tôi lấy khăn lau những giọt mồ hôi rịn ra trên trán, trên mặt, trên cổ, tôi nói với nàng mùa đông này có vẻ lạ. Nàng nói mấy năm qua vẫn thế, tại tôi không về thăm vào mùa đông nên mới thấy lạ đó thôi. Tôi hỏi, nàng nói phải đi làm trước hai giờ rưỡi, nàng cũng nói đám học trò nhỏ thật ngoan làm nàng thấy vui và còn đủ can đảm để tiếp tục sống như thế, trong quận trấn cũ kỹ này. Tôi nói với nàng:
- Anh tưởng Triêm không cần tìm hiểu nhiều lý do đến như vậy. Nếu trước kia thì có lý hơn.
Triêm hỏi:
- Anh giận sao ?
- Em nghĩ rằng anh giận em sao? Thực ra anh chỉ buồn thôi, tin không?
Nàng nín thinh một lúc lâu mới ngập ngừng:
- Anh Bá về rồi, anh biết không?
- Không.
- Như vậy chắc anh chưa biết những chuyện xảy ra?
- Có, anh có biết. Bao giờ làm lễ cưới?
Triêm cúi mặt xuống, đưa tay chống một bên má. Nàng chỉ nói thật nhỏ:
- Chưa biết, anh ấy chưa cho em biết.
- Bá bây giờ ở đâu ?
- Biên Hòa.
Tôi châm lửa hút một điếu thuốc. Tôi nghĩ Triêm có thể làm lễ cưới trước cuối năm, như vậy mọi người yên tâm hơn. Triêm yên tâm hơn, Bá yên tâm hơn và tôi cũng yên tâm hơn. Tuy nhiên tôi không nói điều đó cho nàng nghe. Sau này, tôi sẽ trở về quận trấn cũ kỹ này của tôi mà khỏi phải đến thăm nàng, không cần phải hỏi lại thêm một lần nữa: đám học trò nhỏ có làm em bực mình không, khu phố cũ kỹ tàn phai này thế nào, có còn ước mơ một chuyến đi nào nữa, tỉnh lỵ buồn bã trên cao nguyên của tuổi nàng mới lớn, những kỷ niệm ray rứt như nàng đã nói. Tôi nghĩ Triêm chưa hề nói những điều đó với Bá, có phải bây giờ họ không cần nhìn lại quá khứ của mỗi người nữa hay không? Một câu nói của Triêm tôi chợt nhớ: “Em sợ có ngày không còn dịp nào nhìn ngắm lại quá khứ của mình nữa”.
- Anh còn ở địa chỉ cũ không ?
- Chi vậy ?
Triêm buồn bã nói:
- Em muốn viết thư cho anh sau. Bây giờ em không nói được, không giải thích được.
- Chắc anh sẽ không trở về trình diện đơn vị. Nhưng em có cần phải giải thích điều gì nữa đâu?
Nàng gần như khóc. Tôi không muốn như vậy, tôi không muốn dồn nàng đến chỗ khó khăn phải khóc, tôi chỉ muốn nói thật điều tôi nghĩ. Nàng bỏ ra nhà sau. Ngồi một mình, tôi tiếp tục uống ly nước nàng đã pha cho và hút thuốc lá cố nhớ lại Triêm của quá khứ, của thời kỳ còn nhiều tiếc nhớ quá khứ. Tôi nghe tiếng nàng đánh thức lũ em dậy sửa soạn đi học, sau đó nàng trở lại với tôi nhưng không ngồi xuống ghế, nàng đứng tựa vào chiếc bàn học bề bộn những sách vở, giấy bút học trò. Nàng có vẻ cố tạo ra một khuôn mặt bình thường, tỉnh táo, tôi biết như vậy, và nàng cúi mặt xuống, những sợi tóc phủ trên vai, trên má như một thời xưa chúng tôi yêu nhau. Tôi đứng lên, đến bên cạnh nàng, nắm lấy những ngón tay của nàng, mân mê ngón tay có đeo chiếc nhẫn hứa hôn với Bá. Tôi nói:
- Em nên sửa soạn đi dạy là vừa. Đừng buồn, anh không muốn…
Có lẽ tôi muốn nói đến một điều gì khác hơn. Triêm nhìn tôi ứa nước mắt. Tôi đã biết trước rằng có ngày chúng tôi rời nhau, mất nhau, nhưng quả thật chưa hề nghĩ đến những giọt nước mắt đó. Tôi nói tiếp:
- Dù sao em vẫn nên nghĩ đến một phần của quá khứ như có lần đã nói.
Tôi buông những ngón tay nàng rồi bước đi. Tôi đi ra phố, loanh quanh một lúc trước những cửa hiệu cũ, nhìn những cây phượng già trụi lá. Tôi biết Triêm đang nghĩ đến người đàn ông kia cho đỡ buồn, còn tôi, tôi không còn ai để nghĩ tới nữa, có chăng là những người bạn khốn khó của tôi ở những nơi này nơi khác.
Tôi đã không ghé thăm nhà, người chú, người thím, những đứa em họ còn nhỏ, căn nhà tranh ở ngoại ô mà bố tôi đã bỏ lại mười mấy năm qua. Tôi đón xe đò trở lại thị trấn sau đó.
Khi tôi đến hiệu sách thì Hòa đang ngồi nói chuyện với người đàn bà. Anh Hoàng đi vắng. Người đàn bà đưa cho tôi một mẩu giấy nhỏ, trong đó Nhàn viết vội vã cho tôi: “Sáng nay tôi chờ cậu ở bến xe. Tôi đưa Sách về trình diện lại đơn vị, may ra được khoan hồng khỏi vào quân lao. Nếu cậu không đến bến xe gặp chúng tôi kịp thì hãy chờ tôi trở về, khoảng hai ba ngày sau. Sách có gởi lời thăm. Cậu cũng định bỏ đơn vị nữa hay sao?...”
- Họ ngồi đợi Vĩnh suốt đêm qua. Sáng nay lại ghé nữa. Đi đâu thế?
Tôi nói dối là đêm qua uống rượu say quá, đến bây giờ vẫn còn mệt. Hòa nhìn tôi cười. Người đàn bà nói:
- Các ông, ông nào cũng thực lạ.
Hòa đưa thuốc lá mời tôi. Tôi rút một điếu châm lửa hút:
- Cậu lo phương tiện về Sài Gòn chưa ?
- Lo bằng cách nào được ?
- Thế phải làm sao ?
- Cậu hỏi chị Hoàng xem ?
Người đàn bà cười, bảo Hòa ăn mày mười phương cũng nên để một phương lấy vợ, hôm nào có đi thì cho biết để bà ta giúp cho. Chúng tôi ngồi nguyên chỗ cũ cho đến khi anh Hoàng về. Anh Hoàng chìa cho chúng tôi xem một mẩu giấy nhỏ màu xanh đó là một tấm điện tín đánh đi từ Gia Định, báo tin Sự đã chết sáng nay ở Tổng Y viện Cộng Hòa. Mọi người bàng hoàng nhìn nhau. Sau đó chúng tôi nhắc đến Sự như một dĩ vãng. Sau bữa cơm tối, anh Hoàng dắt chúng tôi sang ngồi trong một quán cà phê. Anh nói không thấy Thức tới để nhờ hắn đi Phan Rang báo tin cho gia đình Sự. Buổi tối đã xuống buồn thảm bên trên một thị trấn. Tôi nghĩ Sự còn có một gia đình để người ta báo tin lúc chết, còn tôi và Hòa thì không. Hòa đốt thuốc lá hút, nói một cách thật chán chường cho anh Hoàng nghe:
Bây giờ tôi cũng muốn chết đi cho xong. Có điều sau khi tôi chết rồi, tôi muốn đừng ai biết cả, ngay cả anh hay Vĩnh hay bạn bè hay người yêu gì cũng vậy. Còn nếu có, điện tín chỉ nên ghi tối đa như thế này: “Ông ấy đã tự sát. Xác trôi ra biển”./.
Ý Thức số 4 ngày 15 tháng 11 năm 1970