Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
938
123.366.843
 
Nghĩ Về Nhan Đề “Bướm Trắng” Của Nhất Linh
Trần Văn Nam

Thử Giải Thích Nhan Đề “Bướm Trắng” Của Nhất Linh

 

Có những nhà văn đặt ra lắm nhan đề tiểu thuyết rõ thật mơ hồ. Bướm Trắng của Nhất Linh là một thí dụ. Bởi nó mơ hồ nên nhan đề tiểu thuyết có thể mang nhiều ý nghĩa có tính cách biểu tượng, sự giải thích đôi khi lại đi quá xa: dựa vào một phạm trù triết học, dựa vào một thuyết lý văn chương thời thượng.

 

Để tránh sự giải thích gán ghép bằng những kiến thức ngoại tại, tốt hơn hết ta nên dựa vào những gì nội tại trong tác phẩm, hoặc dựa vào những từ ngữ đá động đến nhan đề kia, hoặc dựa vào cốt truyện, hoặc dựa vào khuynh hướng của nhà văn khi viết cuốn tiểu thuyết ấy. Trước hết, ta dựa vào từ ngữ bướm trắng được nhắc lại một đôi lần trong tác phẩm.  Nếu thế, ta dễ đi đến một kết luận vội vàng, tưởng đâu rằng ý nghĩa của tác phẩm nằm trong một vài từ ngữ được nhắc lại ấy. Trong tác phẩm Nhất Linh đá động đến cánh bướm trắng, đó là khi nhân vật Trương biết chàng mắc bệnh lao, có thể chỉ sống trong vòng một năm nữa, lúc ấy chàng nhìn hoa cẩm chướng trắng mà mường tượng những con bướm trắng của một thời thơ ấu lành mạnh và xa xôi. Từ hình tượng này, ta nghĩ rằng ý nghĩa của tác phẩm là sự nuối tiếc thời thanh xuân tươi đẹp trong sáng. Như vậy, phải chăng cũng có phần nào đúng. Nhưng ý nghĩa tìm ra ấy hình như quá dễ dàng. Có lẽ đâu nhà văn mở cửa cho độc giả thấy ý nghĩa của nhan đề quá lộ liễu như thế:

 

"Một bông hoa cẩm chướng trắng, gió lọt vào làm rung động như một cánh bướm.  Tưởng đến một ngày chủ nhật nắng, một ngày đã xa lắm chàng đứng nhìn những con bướm trắng, bay trên một luống cải lấm tấm hoa vàng…".

 

Vậy ta dựa vào cốt truyện để truy ra ý nghĩa của nhan đề xem sao. Trong phần cốt truyện, nhân vật Trương là một người bệnh hoạn, mang ám ảnh đã gần ngày chết. Nhưng Trương lại cố giấu căn bệnh trầm kha của mình để yêu tha thiết một người con gái còn tràn đầy sức sống, trẻ đẹp và hơi kiêu hãnh. Trương tự làm khổ mình với mối tình ấy, tự thấy mình quấy nhiễu người khác nhưng vẫn muốn được yêu, tự đưa mình xuống hàng thấp kém hơn người yêu bằng con đường trụy lạc và biển thủ. Cho đến khi biết mình lành bệnh thì người yêu đã trở thành một viễn đích không với tới được nữa. Và Trương cũng đã khám phá được tình yêu của mình từ trước đến nay chỉ là thứ tình yêu xây trên ảo ảnh, vọng tưởng hóa người yêu để tự làm khổ mình. Chàng tìm thấy một tình yêu giản dị hơn: một người con gái đẹp hiền và giản dị nơi làng mạc quê hương vẫn sẵn sàng đến với chàng, một thứ tình yêu êm đềm như người vợ săn sóc chồng. Căn cứ vào cốt truyện trên đây, ta có thể kết luận bướm trắng là biểu tượng của tình yêu giản dị, không phức tạp. Con bướm trắng không sặc sỡ nhưng êm ái đậu trên cây cỏ của vườn xưa…

 

Nhưng dựa vào khuynh hướng viết tiểu thuyết của Nhất Linh, khuynh hướng phân tách tâm lý, đào sâu vào những ngõ ngách lòng người, ta lại có một ý nghĩa khác về biểu tượng con bướm trắng. Bướm trắng là con vật chập chờn, phất phơ trên cành lá, cho nên bướm trắng có thể là biểu tượng cho nội tâm bí ẩn và bất trắc của con người. Tác phẩm Bướm Trắng bày ra một cuộc phiêu lưu của tâm trạng, một cuộc tranh chấp của nội tâm, những khúc quanh đột ngột của tâm hồn: Trương muốn yêu Thu nhưng lại muốn chết để thoát khỏi tình yêu của nàng; muốn thụt két nhưng trong thâm tâm lại mong người chủ hãng buôn đến sớm để làm cho mình không thể thụt két; biết mình không xứng đáng nhưng lại tìm cách làm cho Thu coi trọng mình và căm tức khi nàng kiêu hãnh; gạt Thu gặp mình lần cuối cùng để lợi dụng cơ hội cho dục vọng nhục thể, nhưng lại sung sướng bỏ lỡ dịp ấy; cuối cùng về ở hẳn với Nhan nơi chốn thôn quê nhưng lại không dám vội vàng vướng víu Nhan để lòng mình đừng quên Thu…

 

Bướm Trắng, biểu tượng tươi đẹp của thời thanh xuân lành mạnh. Bướm Trắng, biểu tượng chập chờn của nội tâm con người bất trắc. Bướm Trắng, biểu tượng giản dị của tình yêu êm đềm không phức tạp. Ta vẫn không thể quả quyết  giải thích nào gần nhất cho nhan đề Bướm Trắng của Nhất Linh./.

 

(Trích Tạp chí Thời Tập, Sài Gòn, số 13, tháng 10.1974 – Bản gửi từ tác giả)

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 5290
Ngày đăng: 16.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tây Tiến, Tuyệt Chiêu của Quang Dũng - Nguyễn Khôi
Nguyễn Duy – Hành Trình Từ Truyền Thống Đến Hiện Đại - Đỗ Ngọc Thạch
Áng mây trắng xứ Đoài Quang Dũng - Văn Giá
Chiến-Đấu-Ca Và Bi-Hoài-Ca Song Hành Trong Bài Thơ Tây-Tiến - Trần Văn Nam
Nghĩ Về Ba Giai Đoạn Diễn Ý Của Nguyễn Bỉnh Khiêm - Trần Văn Nam
Cần Xem Xét Lại Mục Tiêu Dạy Học Tác Phẩm Chí Phèo - Phạm Ngọc Hiền
Nguyễn Khuyến - Mơ Màng Cuộc Thế Cũng Cầm Bằng 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Nguyễn Khuyến - Mơ Màng Cuộc Thế Cũng Cầm Bằng 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Hàn Mặc Tử Và Edgar Allan Poe - sự gặp gỡ và thăng hoa - Hoàng Kim Oanh
Bạn Đọc Việt Nam Và Thơ Hiện Đại? - Hoàng Hưng
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)