Nhạc sĩ Trần Hoàn có một vị trí đặc biệt, một dấu ấn đậm trong cuộc đời khá truân chuyên của tôi. Hồi đầu năm 1965, tôi là một “cây” violon-alto trong dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam mới được thành lập. Phải nói, được ngồi dàn nhạc này là khá “sang” với thanh niên Hà nội dạo ấy! “Chơi” giao hưởng có vẻ hàn lâm hơn chơi nhạc đệm cho múa và ca khúc của các đoàn văn công, bởi chúng tôi toàn thực hiện những bản giao hưởng của các nhạc sĩ lớn trên thế giới như Beethoven, Soxtacovich, Mendhelson…
Ôn lại điều này tôi không khỏi mỉm cười, nhớ lại một bài báo trên Thể Thao Văn Hoá, có in bức ảnh một nhạc sĩ ôm cây đàn violon đứng trên thềm Nhà hát lớn, có chú thích vui: Đây là hình ảnh lý tưởng của các cô gái Hà nội những năm sáu mươi (1960), nhưng bây giờ lại gợi lòng thương hại của công chúng, vì họ biết các nhạc sĩ hàn lâm thính phòng này đang “đói”, đang chờ có người mời đi đánh “pắc” kiếm thêm ít tiền thù lao (!). Bài báo này in khi xã hội đang xoá bỏ bao cấp, dàn nhạc Giao hưởng càng cồng kềnh càng khó có doanh thu, nhạc thính phòng thì đòi hỏi trình độ điêu luyện, nhưng chỉ có tiếng không có “miếng”. Bài báo còn so sánh: nghệ sĩ nhạc thính phòng là nghèo nhất trong xã hội. Có lẽ chỉ hơn được các nhà thơ!(!). Thế mà cuối cùng tôi lại bỏ nhạc, chọn thơ . Vậy là mình đã bỏ cái nghề nghèo nhì trong xã hội để vươn lên bậc nghèo nhất!
Hồi đó, nhạc sỹ Trần Hoàn là Giám đốc Sở Văn Hóa Thông tin Hải Phòng. Thành phố cửa biển luôn được tiếp khách nước ngoài, các đoàn đại biểu quốc tế sau khi làm việc, tiếp xúc ở Hà Nội bao giờ cũng xuống thăm Hải Phòng. Khách riêng của Hải Phòng còn là những đoàn thủy thủ nước ngoài mang hàng sang viện trợ Việt Nam qua đường biển. Ông Trần Hoàn rất mong dưới tay mình có được một dàn nhạc Giao hưởng nhỏ.
Rồi thì Bộ Văn Hóa cũng phải đồng ý chia xẻ một số diễn viên cho Hải Phòng. Tôi nhớ có những ngày, khi chúng tôi đang ngồi tập với chuyên gia Triều Tiên Thôi Long Lân thì ông Trần Hoàn cùng vụ trưởng vụ Tổ chức Bộ Văn Hoá ngồi theo dõi buổi tập. Hễ khi ông ghé tai ông vụ trưởng thầm thì điều gì đó, ông vụ trưởng gật đầu, ghi ghi chép chép, chúng tôi thường trêu nhau “Này! ông ấy “chấm” mày xuống Hải Phòng rồi đó!” Bởi chúng tôi biết ông Trần Hoàn không bao giờ chịu nhận các cán bộ chuyên ngành, nhất là anh em văn nghệ sĩ về làm quân của mình mà không biết khả năng họ ra sao....
Đúng vào ngày vợ chồng tôi đăng ký kết hôn cũng là ngày nhận được quyết định điều động xuống Hải Phòng. Tôi phải xin tổ chức lui lại ít ngày để làm “công tác tư tưởng” với cô vợ mới cưới, con gái Hà Nội mới lấy chồng xong mà đã phải chia tay thì có khác gì lấy chồng bộ đội đi B!
Thế rồi lòng vòng công tác Hải Phòng mươi năm (Chính xác là mười năm, nhưng tôi chỉ cầm đàn năm đầu, để có cớ cùng đoàn ca múa Hải phòng đi biểu diễn khắp các huyện ngoại thành, hình dung đầy đủ hơn ngoại vi một thành phố cửa biển, sau đó ông Trần Hoàn cho tôi về làm biên tập văn học của Nhà Sáng tác HP). Sau đó lại chuyển qua Hà Tây dăm năm, mới được về làm việc ở Hà Nội. Tôi hào hứng làm bài thơ Trở về Hà Nội, không quên gài chút tự hào mình cũng có phần đóng góp xây dựng các vùng xa: Mang màu xanh Hồ Gươm/ Nhuộm thêm xanh vịnh biển/ Mang quầng sáng thủ đô/ Thắp bừng khu thủy điện… Mình đóng góp chất Hà Nội, nhưng đồng thời mình cũng tiếp nhận tinh hoa của nơi khác, về góp phần làm phong phú cho Hà Nội: Tôi biết những ngày qua/ Chẳng phút nào vô ích/ Tôi mang về bọng mật/ Từ những nguồn hoa xa…
Sau bao nhiêu năm, về Hà Nội, tôi được gặp lại thủ trưởng cũ, nhạc sỹ Trần Hoàn, cũng đúng thời điểm ông được điều về làm Phó Ban tuyên huấn Trung ương. Tôi đến thăm, ông hát cho tôi nghe mấy bài mới, rồi đề nghị: “Cậu làm thơ, tớ làm nhạc, bao nhiêu lâu mà tớ chưa phổ bài thơ nào của Vân Long, vậy cậu có thơ về Hà Nội thì chép cho mình, nhân kỷ niệm giải phóng thủ đô, các báo đến đòi bài mình ghê quá”! Tôi liền đưa cho ông bài thơ của tôi in trên báo Văn Nghệ mấy năm trước đó (Văn Nghệ 29/8/1981), ông đọc có vẻ thích thú: “Ừ! Tâm trạng hai chúng mình khá giống nhau khi được về lại Hà Nội. Tớ sẽ phổ …
Chỉ vài ngày sau, ông đã mời tôi tới nghe bài ông vừa viết, chủ yếu là để xem tôi có nhất trí những lời ông thêm bớt cho hợp với phần nhạc, và nhờ tôi đặt tiếp lời đoạn 2.
Dúng dịp 10/10, tôi ra quầy báo, thấy bản nhạc của Trần Hoàn phổ bài thơ tôi với cái tít Về Hà Nội trên báo Tuổi trẻ Thủ đô (10/10/1984). Tôi không mừng mà hơi bực khi thấy thay vì chỗ đề tên nhà thơ và nhạc sỹ phổ nhạc là cái tấm thiếp có chữ của Trần Hoàn đề Trân trọng gửi đến các bạn trẻ Hà Nội, tâm tình của tôi nhân dịp Kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng Thủ đô, (chữ ký Trần Hoàn), Hà Nội ngày 15-9-1984. Bài thơ thì đúng là thơ của tôi, nhưng tên cả hai tác giả chắc là bị tấm thiếp đè lên trên. Tên ông Tràn Hoàn bị đè thì không thành vấn đề, bởi ông có cả một tấm thiếp với chữ ký và lời đề tặng thay rồi, chỉ tôi là kẻ bị “tước bản quyền” bài thơ. Là dân làm báo, tôi đoán ngay người “mi” bài này chỉ cần cái tên ông lãnh đạo Ban tuyên huấn TƯ cho sang tờ báo, còn nhà thơ thì là cái “đinh” gì đâu! Lẽ đời là thế mà! Đây là hiện tượng tôi “chung voi với đức ông” thì mình phải là người cắt cỏ! Bực mình một chút rồi tôi quên ngay sự việc.
Nhưng ông Trần Hoàn thì không quên, ngược lại ông còn rất áy náy, sợ tôi tưởng nhầm là lỗi của ông. Dăm hôm sau, đang ngồi làm việc ở báo Độc Lập, tôi được thường trực mời ra có khách. TBT Ngô Quân Miện đang pha nước mời khách: nhạc sỹ Trần Hoàn. Khi ông đến một tòa báo, hầu như người ta quên luôn chức danh nhạc sỹ mà chỉ còn sự nhao nhác lo ngại của đám phóng viên, biên tập, vì sao cấp trên Tuyên huấn TƯ lại xuống “thăm” báo đột xuất như vậy?
Ông Trần Hoàn xin lỗi TBT Ngô Quân Miện, chỉ muốn gặp nhà thơ Vân Long về một chuyện riêng. Khi chỉ còn hai chúng tôi, ông mới nói: Mình định gọi điện thanh minh về sự in thiếu tên tác giả lời thơ ngay từ hôm báo vừa in xong, nhưng để nhân thể mang nhuận bút cho Vân Long, thanh minh luôn thể, mình đã gọi điện phê bình tòa soạn báo đã không tôn trọng tác giả thơ. Còn đây là cả số tiền nhuận bút họ vừa cho người mang đến mình, Vân Long cứ cầm cả, để …(ông cười) gọi là đền bù tổn thất!” Tôi bật cười về sáng kiến “đền bù” của ông. Điều đó tỏ ra ông áy náy thực sự, một cử chỉ đẹp!
--Anh ơi! Sao anh quá cẩn thận thế? Anh thừa biết có những điều không thể trang trải bằng tiền mà! Nếu bây giờ tôi và Văn Thinh đòi trả tiền thuê nhà của anh chị những năm anh đi Quảng Trị thì sao nào? (Chả là khi nhạc sĩ Trần Hoàn được biệt phái vào khu mới giải phóng … làm trưởng ty Văn Hoá Thông tin Quảng Trị, vợ ông và các con ở luôn nơi sơ tán, nhà ông bỏ không. Ông nhắn về là để cho các cán bộ hộ tập thể ở. Mà lúc đó hộ tập thể chỉ có tôi và anh Văn Thinh, một cán bộ Hội Văn Nghệ Hải Phòng ). À, tôi có sáng kiến này hay hơn sáng kiến của anh nhiều: Đã trưa rồi, lâu không được cụng ly với anh, vậy là số tiền này vẫn của chung!
Và thế là cùng với chú lái xe, ba thày trò ngồi xả láng cả buổi trưa. Tôi hơi ngạc nhiên là nhuận bút báo TTTĐ có tiếng là “hẻo”, mà bữa ăn có cả vài ly rượu Tây, vẫn không xài hết nhuận bút!..
Trí nhớ tôi ghi nhận cá tính nghệ sĩ và tấm lòng rộng mở với lớp trẻ của ông nhiều hơn là một nhà lãnh đạo, mà đôi lúc ở cương vị này ông phải ghìm cá tính của ông lại. Ông để chúng tôi tranh cãi thẳng thừng với ông về những dòng ông muốn biên tập lại, ông bảo: “Về nhạc, các cậu không thể hơn tớ được, nhưng chữ nghĩa có thể tớ sai, không bằng các cậu, nhưng phải thuyết phục được, tớ mới nghe!” Còn khi đoàn ca múa Hải Phòng được điều đến phục vụ một buổi tiếp tân, có khách nước ngoài chẳng hạn, khách thường ngạc nhiên thấy ông chủ tiệc đứng dậy, cầm cây ghi-ta đệm cho ca sĩ hoặc bắt nhịp cho dàn nhạc, có khi ông hứng chí vừa đàn vừa hát như một nghệ sĩ du ca…/.