Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.115
123.145.081
 
Con Chim Đen
Lữ Kiều

Đứa trẻ có đôi mắt to. Buổi chiều, những bóng cây dài in trên mặt cỏ. Phía dưới thung lũng là bóng tối và khói chiều. Người mẹ nói:

- Thưa ông, cha nó cũng sắp về.

Tôi đặt tay lên trán đứa nhỏ. Trán nóng. Đứa trẻ vẫn mở to mắt nhìn mà không nói gì, nghiêm như người lớn. Tôi nắm bàn tay bụ bẩm của nó, bàn tay cũng nóng và mềm. Tôi nhìn ra khuôn cửa sổ: mặt trời sau dãy thông, đỏ chói. Người mẹ cùng nhìn ra cửa, một nửa khuôn mặt chìm trong bóng tối phía sau, sống mũi thật thẳng, đôi môi thì trẻ thơ và những sợi tóc vương vướng trước trán như tơ nhện giăng. Tôi nói:

- Thưa bà, có lẽ tôi không đợi ông nhà được. Nhưng dù thế nào, bà cũng nên đem cháu xuống thị trấn.

- Xin ông hiểu cho… Không thể được.

- Cháu nóng lắm.

- Tôi biết cháu sốt đã hai ngày nay. Chúng tôi chỉ có mình cháu, cháu ngoan và can đảm lắm thưa ông. Nhưng không thể được. Xin đừng bắt tôi cắt nghĩa…

Đứa nhỏ chợt như mỉm cười. Trong bóng tối chập chờn, nụ cười của nó không có vẻ trẻ con. Tôi nhìn vào mắt nó. Đôi mắt đẹp như hai vì sao. Tôi vừa nói điều đó, vừa đứng dậy chào người mẹ. Người mẹ không nói gì, khẽ quay lại, đẩy tách nước về phía tôi. Tôi cầm chén trà lên uống, trà thơm và ngon; khi tôi đặt tách trà xuống thì tôi chợt nghe tiếng đứa trẻ, lần đầu tiên tôi nghe nó nói:

- Thưa ông, ông có biết một đứa nhỏ nào tên là Hà không?

Giọng nó thật êm đềm và trầm tĩnh. Nó ngó tôi chăm chú trong lúc người mẹ ngập ngừng nói: “Hà là tên của cháu đó, thưa ông”. Tôi cười. Người đàn bà đưa tôi ra cửa. Tôi nói:

- Trà của bà thật thơm và ngon. Và buổi chiều ở đây thật đẹp.

Người mẹ mỉm cười, giơ tay sửa lại những sợi tóc trên trán, bàn tay gầy với những sợi gân chạy rõ dưới làn da xanh. Khi tôi bước khỏi ngưỡng cửa thì nghe tiếng đứa nhỏ hỏi với. “Thưa ông, ông không biết một đứa nhỏ tên Hà sao?”. Giọng nó vẫn thật êm và rõ nhưng lạnh lẽo.

 

Hai bên con đường dẫn xuống chân đồi mọc đầy cỏ hoa dại màu trắng và tím. Buổi chiều vàng, gió thổi, tưởng như có phấn thông bay. Tôi nghĩ đến thật nhiều người. Cố nhớ từng khuôn mặt. Tôi nhìn bóng những con bò đang ăn cỏ, ở ngọn đồi bên kia thung lũng và nhủ thầm thôi hãy quên. Hãy thật quên. Được nửa đường, tôi trông thấy người chồng đang lần bước lên đồi. Ông ta bước chậm, mặt cúi và dừng lại thở khi tôi đến gần. Tôi nói:

- Tôi vừa lên thăm cháu nhỏ.

Ông không trả lời, chăm chú ngó tôi bằng cái nhìn vô hồn; một lát ông nói: “Vâng, vâng!” Rồi ông ta giơ tay vẽ một vòng bâng quơ trên trời! Ông nói: “Mùa này chim làm tổ, những tổ chim treo trước gió”. Tôi nói:

- Cháu nóng lắm. Tôi nghĩ là ông nên đem cháu xuống bệnh viện dưới thị trấn.

- Thưa ông, chắc nhà tôi đã nói…

- Vâng, tôi biết, bà không muốn…

Người chồng cười, nụ cười không lộ hẳn, man dại:

- Chúng tôi yêu chim lắm ông ạ. Tôi và cháu bé.

Ông ta quỳ chân xuống đất, đặt lồng chim trước mặt, cẩn thận mở cửa lồng, ôm con chim trong hai tay đưa tôi.

- Ông hãy nhìn con chim này. Ông hãy đỡ lấy nó. Hãy nghe cái hơi ấm từ nó chuyền sang, cái hơi ấm nồng nàn mà thân mật, nhưng cũng vô cùng xa lạ.

Tôi cúi xuống đỡ con chim trong hai tay chụm lại.

Đó là một con chim đen như những con chim đen khác. Tôi huýt gió, con chim nghiêng đầu nhìn. Người chồng giơ một tay vuốt mình chim, nói, giọng buồn lạ lùng:

- Buổi trưa này, tôi ở bên kia ngọn đồi, tôi nghĩ đến con tôi đang sốt ở nhà, vợ tôi đang lo âu. Tôi ôm con chim này trong tay mà rơi nước mắt. Hơi ấm của chim tưởng như cái trán của cháu…

- Vâng… Vâng… Còn đôi mắt…

- Phải đó, thưa ông… Đôi mắt…

Tôi trả con chim và đứng dậy. Người chồng cúi mặt, nói:

- Thưa ông, không thể thay đổi được. Chúng tôi không thể đem cháu xuống thị trấn.

Tự nhiên, tôi cảm thấy thật buồn. Tôi bèn nói với người chồng rằng tôi không hiểi gì cả và không có ý tìm hiểu, nhưng dù sao cũng không thể để yên đứa nhỏ cho lửa đốt nó.

Người chồng cũng nói:

- Tôi hiểu. Không bao giờ tôi giết những con chim đang hót!

Bấy giờ, trên đầu chúng tôi một đàn cò bay qua, những đóm trắng lấp lánh bóng chiều. Người đàn ông đứng dậy, im lặng một lát rồi nói: “Cũng như không bao giờ tôi giết những con quạ đen. Chúng ta không được sờ vào sự sống hay nỗi chết”. Ông ta không chào tôi, lầm lủi bước lên đồi. Tôi nghĩ rằng chắc ông ta cũng khoảng tứ tuần. Bấy giờ, dưới thung lũng sương dày đục. Những con bò im bóng, bất động. Đầu tôi nhẹ bổng. Tôi bước đều. Có lúc tôi dừng lại và thầm hỏi: mình đang nghĩ chi? Nghĩ chi? Nghĩ chi? Tôi không nghĩ gì cả và thong dong bơi trong cái vô tri của mình. Cứ như thế, tôi trở về nhà, tưởng như mình bồng bềnh trong bọt rượu.

 

*

 

Buổi sáng, tôi đem những viên thuốc cảm lên đồi cho đứa nhỏ. Thung lũng còn lạnh. Những đứa trẻ trong xóm không cười, thun người trong áo ấm nhìn tôi đi ngang. Tôi gặp người chồng đang đi xuống đồi, tay vẫn xách lồng chim. Tôi nhận ra ông ta đằng xa, giữa những bụi cỏ hoang chưa khô sương đêm. Tôi bắt tay làm loa mà gọi:

- Chào ông!

Tiếng gọi vội ra xa, vọng lại: “Chào ông… chào ông…” người đàn ông giơ tay lên ngang đầu ra dấu chào. Chúng tôi còn cách nhau một khoảng ngắn, và tôi không cầm giữ được nôn nóng, tôi hỏi:

- Cháu ra sao?

Người đàn ông không trả lời, vẫn giữ bàn tay ngang đầu, tôi trông rõ mặt ông. Tôi và ông đứng lại dưới bóng cây thông, ông ta đặt cái lồng chim xuống đất. Tôi hỏi:

- Đêm qua cháu nhỏ ra sao?

Người chồng nhìn tôi, đôi mắt đỏ hoe:

- Thưa ông, cháu mất rồi. Vâng… cháu mất rồi.

Lúc đó, một giọt nước mắt bên khoé mắt trái lăn xuống từ từ trên má, ông nhắp môi và nói:

- Vâng… cháu mất đêm qua…

Tôi đặt một tay lên vai ông ta. Đứa nhỏ chết rồi. Đứa nhỏ tên Hà chết rồi. Tôi không nghĩ gì cả và nói với ông rằng tôi sẽ lên an ủi người vợ và làm tất cả những gì có thể làm được để giúp hai người. Tôi nói theo trí nhớ, tôi nói đúng những lời mà nhiều lần tôi nói với cha mẹ những người đã chết, những người bạn hay kẻ lạ. Người chồng im lặng một lát rồi cầm lồng chim lên, ngập ngừng nói:

- Ông thấy đó, con chim đã bay mất…

Tôi nói rằng dù sao ông cũng nên dọn xuống thung lũng, sống hiu quạnh trên đồi như vậy thật không nên. Người chồng trả lời:

- Vâng, ông nói đúng, vâng, tôi hiểu. Nhưng thể được. Chúng tôi đã thề không bỏ đồi mà đi.

Khuôn mặt ông trở nên bí mật. Ông nói như cho mình nghe:

- Xin ông hiểu cho. Không phải ai trong chúng ta cũng có thể lắng nghe được tiếng cỏ mọc. Phải biết chờ đợi. Phải biết kiên nhẫn…

 

Khi ông ta bước đi rồi, tôi hái một cánh hoa trắng. Tôi không hiểu gì cả. Tôi không nhớ gì cả. Nơi đây như chiêm bao và mọi người như không có thật. Buổi sáng quá rộng, trời quá trong làm tôi ngạt thở, tưởng như ai đặt những miếng bông rất êm trên mũi.

Khi tôi bước vào, người vợ ngồi quay lưng ra cửa. Một đứa trẻ vừa chết trong căn nhà này. Tôi nhủ thầm. Người vợ đứng dậy. Đôi mắt còn ướt

- Thưa bà xin bà đừng khóc.

Tôi nói và nghe giọng mình ấm êm, dịu ngọt như đang giảng đạo. “Không, tôi có khóc đâu?” Giọng người đàn bà òa vỡ ngạc nhiên. Tôi ngồi xuống ghế mà thấy lòng mình lênh đênh. Người vợ nói gì rất nhỏ và khuất vào nhà sau, trong lúc tôi ngó sững bàn tay mình, tưởng như mơ ngủ trong cái ý thức sáng suốt vô song. Những ngón tay như rễ cây khô héo. Bao nhiêu ngày tháng đã mất và tôi ngồi đây…

- Thưa ông, ông có biết một đứa nhỏ tên là Hà không?

Giọng nói rõ ràng và nghiêm nghị vang lên. Người mẹ bước ra, tay cầm chén trà, thất thanh gọi: “Hà”. Tôi nhìn lui. Đứa trẻ đang đứng sau lưng, nhìn tôi bằng đôi mắt lớn, đôi mắt luôn luôn to và đẹp lạ lùng.

- Lại đây cháu.

Tôi đưa tay ra và đứa nhỏ nắm lấy. Tay nó lạnh cóng.

Có hay không một đứa nhỏ đã chết? Có hay không những con chim bay mất? Người vợ đưa tách trà cho tôi và gọi:

- Thưa ông, cháu đã bớt nóng và đỡ lắm rồi.

Tôi nói: “Vâng!” Và đưa những viên thuốc ảm cho người vợ rồi tôi nói với đứa nhỏ thật dịu dàng: “Bây giờ tôi đã biết một đứa bé tên Hà. Nó đã bệnh và sắp khỏi.”

 

Đứa bé cười. Nụ cười rạng rỡ đến khác thường. Nó giơ cả tay kia nắm lấy tay tôi, trong một cử chỉ thân thiện bất ngờ. Rồi nó chợt buông tay tôi ra, trở lại dáng thẩn thờ buồn bã như cũ. Có hay không một đứa trẻ đã chết? Tôi nói với người vợ:

- Sáng nay, tôi gặp ông nhà xuống thung lũng.

-Thưa ông, ở đâu?

- Dưới chân đồi.

Người đàn bà không nói. Lúc đó, đứa trẻ lặng lẽ ra ngồi xuống bực gỗ, hai tay ôm đầu. Người đàn bà nhìn theo, cái sống mũi thật thẳng và dịu dàng làm tôi xót xa. Tôi cảm thấy mình mệt mỏi và tan biến khỏi thân thể. Tôi nói với người vợ rằng có lẽ tôi không chịu nổi vùng cao nguyên này, tôi sẽ trở lại nơi tôi từ bỏ. Và nói thêm rằng chịu đựng loài người dễ chịu hơn chịu đựng thần thánh. Người vợ hỏi rằng đó là cái cớ để tôi trốn khỏi tu viện mà tôi đã ở phải không. Tôi nói rằng mọi sự đều nhầm lẫn và tôi không cố ý. Tôi uống hết tách nước và đứng dậy. Có hay không một đứa trẻ đã chết? Người đàn bà đưa tôi ra cửa và cả hai đều không nói gì. Một lát, người vợ nắm lấy tay tôi trong một cử động kinh hoàng, những ngón tay víu vào tay tôi như chết đuối, nàng nói:

- Đêm hôm qua, chồng tôi không về.

- Ông nhà không về?

- Vâng, đêm qua chỉ có mẹ con tôi trên ngọn đồi này. Tôi thức và chờ, nhưng chồng tôi không về.

Tôi không nói, gỡ những ngón tay víu chặt của người vợ. Tôi nhớ một đoạn kinh và đọc. Một lúc, tôi nghe tiếng bước chân sau lưng và thấy đứa nhỏ chạy theo. Nó cười với tôi và đôi má hồng trong nắng. Nó thấp ngang thắt lưng tôi và mái tóc bay tung. Một lát, nó níu cánh tay tôi dừng lại. Nó nói:

- Cháu đã biết có một đứa nhỏ khốn nạn tên là Hà ông ạ.

Bàn tay nó vẫn lạnh ngắt. Tôi đứng tựa vào gốc thông, mệt mỏi và thở dài, sợ hãi. Tôi nói:

- Cháu hay trở lại đi.

- Ông không tin sao?

Nó ngồi xuống bụi cỏ bên đường, nói:

- Mẹ cháu ác lắm. Mẹ cháu dối ông đó. Đêm qua ba cháu về nhưng mẹ cháu không cho vào. Cháu đợi đêm khuya, lẻn ra sân, cháu và ba cháu nằm giữa cỏ, nhìn lên trời. Bây giờ cháu nghe tiếng cỏ mọc. Phải, tiếng cỏ mọc. Ba cháu nói khi nào cháu nghe đuợc tiếng cỏ nhú khỏi lòng đất, thì một đứa trẻ tên Hà sẽ lại chơi với cháu. Ông biết đó, cháu vẫn một mình từ khi sinh ra. Đêm qua, đứa nhỏ tên Hà đã lại, cháu đã quen nó. Trong giấc ngủ giữa trời, gió và sao. Khi cháu thức dậy, nó biến mất. Đứa trẻ tên Hà đã chết…

 

Đứa nhỏ có vẻ xúc động. Nó giơ tay ôm lấy đầu – lần thứ hai, tôi thấy nó trong dáng điệu bối rối ấy. Một lát, nó nói:

- Thưa ông, nó đã chết. Bây giờ, không còn ai quen với nó nữa. Nhưng nó là đứa bạn đầu tiên của cháu. Ba cháu nói rằng người bạn chỉ đến một lần rồi đi mãi mãi. Rồi cháu và ba cháu chôn đứa trẻ nơi kia!…

Nó chỉ tay cho tôi thấy một ngôi đất mới um lên dưới gốc thông tôi đang đứng tựa. Tôi vội vã bước ra xa và nói:

- Cháu Hà, cháu hãy trở lại với mẹ cháu.

Nó ngạc nhiên đứng dậy, ngơ ngác một chút rồi nói:

- Không… không… Ong không tin sao… Cháu phải xem mặt nó lại mới được. Phải xem mặt đứa trẻ tên Hà mới được.

Vừa nói, nó vừa khóc to tiếng, vừa chạy lại quỳ hai chân xuống trước nấm đất. Bằng hai tay, hai bàn tay nhỏ trắng xanh, nó bới đất lên, bới thật mau. Nước mắt che mất đôi mắt đen vô cùng của nó. Tôi bước lại gần và thấy bên cạnh đám đất nó bới, giữa lỗ trũng của nấm đất, một con chim đen, một con chim đen đã chết cứng./.

 

Ý Thức số 22 ngày 1 tháng 10 năm 1971

 

 

 

Lữ Kiều
Số lần đọc: 1736
Ngày đăng: 18.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm Mù Mộ Địa - Phan Tấn Uẩn
Bờ Nước Đục - Chân Phương
Học trò cũ - Trần Lệ Thường
Tóc thề - Thái Quang Hy
Con vẹt - Huỳnh Văn Úc
Phố Nhỏ, Những Ngày Mưa… - Mang Viên Long
Mùa Đông - Thế Vũ
Chị gà mái hoa mơ của tôi - Lâm Bích Thủy
Cổ tích một tiếng chuông - Văn Thành Lê
Nguyệt Thực - Khuất Đẩu