Truyện Rất Ngắn
Giọng quan huyện Đang Đổ sang sảng :
-Ta cũng không muốn chết thêm một người. Ngươi cứ từ từ trả lời từng câu hỏi của ta. Thứ nhất, tại sao ngươi phải báo cáo ?
Tôi vẫn quỳ mọp, lễ độ :
-Dạ, bẩm quan huyện, quan huyện hỏi tại sao thì thảo dân cũng bó tay. Vậy thôi quan huyện coi như không có gì xảy ra, cho thảo dân rút lại mục đích, thảo dân xin lui về.
-Ngươi muốn giỡn mặt trước công đường ? Ta cho ngươi ngước mặt nhìn ta, trả lời câu thứ hai.
-Dạ.
-Ngươi quan hệ thế nào với Lý Bạch ?
-Bẩm, thảo dân chỉ là hân hạnh được Lý Tiên Sinh thuê chèo thuyền chở ông dạo sông thưởng nguyệt.
-Có ai biết ?
-Bẩm, không có ai, những lần trước thì có nhiều người biết.
-Có những lần trước nghĩa là không phải chỉ mỗi lần này ? Tại sao phải chỉ là ngươi mới là người Lý Bạch thuê ?
Tôi thấy hơi mỏi mệt, quỳ cao lên một chút, mấy tên lính đứng hai bên vội vã vung hèo tới đè cổ tôi xuống, quan huyện đập ấn xuống bàn :
-Không được nhúc nhích. Trả lời câu hỏi.
-Bẩm quan, bọn thuyền phu chúng tôi có đôi lần mời rượu Lý Tiên Sinh, riêng thảo dân có võ vẽ chút chút thơ văn, biết khen ngợi ngài, nên ngài rất thích thảo dân.
-Vậy rượu ở đâu mà Lý Bạch say ?
-Bẩm, cái này… ngài Lý mua, nhờ tôi đem xuống thuyền, dạ thưa, không nhiều, chỉ đủ một quảy hai bầu lơn lớn.
-Uống từ lúc nào ?
-Bẩm, Lý Tiên Sinh uống từ đầu hôm trăng lên khi thuyền mới rời bờ sông Thái Trạch, ngài Lý ngâm thơ uống rượu cho tới gần cuối giờ Hợi.
-Khoan, ta chưa hỏi tới chừng nào. Nhưng mà cũng…được rồi, tới đó hết rượu chưa ?
-Bẩm, hết trơn.
-Ngươi có uống không ?
-Bẩm, có đâu tới phần thảo dân.
-Lạc đề, ta không hiểu, trả lời có hay không ?
-Thưa không. May chứ có thì cả nửa canh giờ lặn lội tìm xác Lý Tiên Sinh chắc thảo dân cũng đã làm thực phẩm nuôi cá rồi.
-Ta chưa cần khúc này. Ta muốn biết Lý Bạch nói gì với ngươi trước khi nhảy xuống sông Thái Trạch ?
-Ngài Lý nói trăng đẹp quá, nhất định phải lấy về nhà ôm cho đã, ngắm cho đã, làm thơ mới đã.
-Ngươi không nói gì ?
-Bẩm có, thảo dân van ngài Lý, “vầng trăng này, trời nước này là của bá tánh, là hạnh phúc của vạn vật, không phải của riêng ai, xin tiên sinh suy xét.
-Ngươi không uống mà say. Sao ngươi không nói đó là vầng trăng phù ảo ? Bay được lên trời mà lấy mới làm được của riêng cho mình.
-Bẩm, thảo dân say thật, say thơ, lúc đó thảo dân chỉ thấy một ý thơ hay trong cái vụ lấy trăng này, nghĩ tới kẻ nào muốn tước đoạt cái hạnh phúc của muôn người, kẻ ấy phải chết.
Quan huyện lại đập ấn :
-Nghĩa là ngươi muốn thấy Lý Bạch chết ?
-Bẩm quan, thảo dân chỉ nghĩ để làm thơ, còn thì thảo dân đã hết lời can gián, nhưng Tiên sinh ấy cố chấp, nhảy đại xuống làm sao thảo dân giữ cho nổi. Có điều ngay lập tức thảo dân phóng xuống tìm, nhưng tràng giang mênh mông…
-Ngươi có thấy vầng trăng ?
-Bẩm không. Quan quên là …phù ảo ?
-Ngươi nói một ý thơ hay ? Ngươi có gì chứng tỏ cho ta thấy ?
Tôi ngẩng đầu lên :
-Bẩm, quan muốn thảo dân đọc thơ của thảo dân ? Dạ, con cóc, thảo dân không dám.
-Ta cho ngươi dám. Đọc đi, nói ý trước.
-Bẩm quan, ý thảo dân nói rồi, thảo dân muốn tả Tiên Sinh ấy bơi thuyền một mình, rồi nhảy xuống sông lấy trăng chết, có một mái chèo còn trôi mãi đến ngàn sau, để nhắn với hậu thế…
-Sa đà quá, đọc thơ của ngươi.
-Bẩm, bốn câu :
“Thấp thoáng vầng trăng dưới mạn thuyền,
Trên khoang rượu ứa miệng bầu nghiêng,
Dập dềnh một mái chèo vô định,
Trôi, trôi hoài… tìm bóng trăng riêng…”
Thưa hết.
-Tên này láo, nghĩa là ngươi muốn chê Lý Bạch, hay chê ta ? Lính, đập cho nó hai mươi hèo.
-Bẩm quan, thảo dân không dám, oan cho thảo dân. Thảo dân chỉ muốn làm chứng cho cái chết của Lý Tiên Sinh. Không có thảo dân, ai biết tại sao ngài ấy chết.
-Hai mươi hèo. Nhốt, ngày mai tiếp, điều tra coi ai dạy nó cái tư tưởng tạo phản ấy.
Tháng Giêng, 2010.