Hay là : Nàng thơ tuyệt vời
(trích HK về người cha là thi sĩ)
Tôi lấy tựa đề của một bài báo cho nàng thơ cuối cùng của ba. Mà không biết đã là cuối cùng chưa? Mấy chị em tôi thường hay bắt nọng má “Ai là người biểu hiện tình cảm trước, má hay ba?”. Không chịu được sự “dồn ép của lũ con quái ác” má tôi đã dũng cảm thú nhận bà để ý đến thi sĩ Xuân Khai trước. Bà kể:
“Hồi đó, ba mày rất nổi tiếng ở phố huyện này; dáng người thanh nhã, đẹp trai lại biết cách ăn nói, nên có nhiều cô gái mê. Ba là người mà má để mắt tới nhiều nhất, sau là chú Chế Lan Viên. Mấy cô bạn má như cô Trinh Nữ, cô Yến, cô Chẩn ở Nha trang mê ba như diếu đổ. Ba đứng ở đâu, nơi ấy như có từ trường, hút hết hồn các nữ nhi về nơi ấy, như nam châm hút mạt sắt vậy.
Khi má đã thành bạn, ba thường đưa má đi chơi xa bằng xe ngựa, ra tận Bồng Sơn, Đập Đá. Ba thường diện chiếc quần màu sáng, hoặc màu ghi đậm, áo màu trắng hay bordaux (mận chín). Da ba trắng nên hợp với các màu đó. Ông mặc vào trông thanh lịch, sang trọng, bảnh trai! Được đi cùng ba trên chiếc xe ngựa, má nhìn các chị em khác với vẻ hãnh diện và thỏa mãn lắm..
Trong “Yến Lan nhớ mãi về anh” (Tr 40) má tôi kể lại mối tình của mình:
Anh Yến Lan học cùng lớp với anh Ba Thành tôi. Hai người chơi thân nhau. Cách ba bốn tối, anh xuống nhà rủ anh Ba đi bắt chim sẻ ngủ ở rìa các nhà ngói. Có đêm, các anh bắt được hai ba chục con, sau đó về nhóm lửa, thui, vặt lông, xẻ bụng; nhét đậu phọng, ớt, mỡ hành nướng lên. Mùi thơm của thịt chim nướng đã lôi tôi ra khỏi giường để cùng tham gia với các anh; thật là vui. Có hôm các anh đem chim băm nhỏ nấu cháo. Cháo chim sẻ ăn ngon, ngọt lắm!. Hồi ấy không có tủ lạnh nên hôm nào bắt được nhiều, các anh chia nhau mang đến cho các bạn nghèo cùng lớp.. Tình cảm giữa họ vừa thân thiết vừa chân tình làm tôi nhớ mãi.
Anh Yến Lan là con người tự trọng cao. Lúc nào không lên lớp anh ở nhà viết truyện ngắn hay làm thơ đăng trên các tạp chí Tiểu thuyết Thứ Năm, Tiểu thuyết Thứ Bảy chứ không đàn đúm, lêu lổng như một số thanh niên khác. Lâu lâu, anh đến nhà rủ anh Ba tôi lấy ná cao su đi bắn chim cu hay gà gô; chúng thường nấp ở các bụi duối, bụi sim trên đồi, gần các Tháp Chàm. Tài bắn chim của anh, ở quê ai mà chẳng biết, chỉ với cái ná cao su và cục đá, anh nhắm vào con nào, con ấy chỉ rụng xuống chứ không có cơ hội bay tiếp.. Cứ mỗi lần hai anh ra đi rồi về là hai tay xách nặng những chim là chim..
Cha tôi tinh lắm, ông để ý thấy anh Yến Lan có tình ý với tôi, ông lo lắng, lòng xốn xang như có lửa trong ruột. Ông bắt đầu để ý và tìm cách “chặn kịp thời”. Lá thư anh gửi cho tôi lần đầu, tôi trân trọng và quí lắm, giấu nó ở dưới tượng ông Phước (Phước Lộc Thọ). Thằng em út – (Sáu Can) là tay sai đắc lực của cha, nó được ông giao việc theo dõi tôi. Và nó đã nó rình lấy được, nộp cha để có điểm. Tối đó, tôi biết và lo lắng theo dõi xem cha làm gì, thấy ông ngồi đọc, đôi lông mày nhíu lại; ruột gan tôi muốn bung ra ngoài. Không thấy ông nói gì, tôi yên tâm đi ngủ. Nào ngờ, khi mọi người ngủ hết, ông đến giường lay tôi dậy. Nhưng lạ chưa, hôm nay nghe giọng ông nói mới ngọt ngào làm sao “Lan ơi! Con không được thương thằng Lang nghe con. Cha có mình con là gái, thương con cha dạy gì con nghe nấy thì sau này đỡ khổ. Con mà lấy thằng Lang, nhà cửa không có, tiền bạc không, sau này có con lấy gì nuôi chúng. Người ta thường nói “Có nước đồng, nước sông mới nhẩy”. Con không nghe cha khác nào cá không ăn muối, cá không ăn muối có nghĩa là nó sẽ sình, chương. Ấy! là vì cha muốn cái thân con sướng mới khuyên như thế, nghe lời người lớn mới nên con người, con à!..”
Tôi quan tâm lời cha dạy; nhưng trong tôi lại có sự so sánh của bản thân “đâu cần gì phải lấy mấy ông con nhà giàu. Mà cha mẹ họ giàu chứ có phải họ đâu. Anh Lan tuy nghèo nhưng đạo đức tốt, biết tự lập để kiếm sống, không dựa dẫm. Vậy, là ở anh có nhiều ưu điểm hơn các thanh niên khác; còn mong gì hơn!
Ngoài tình yêu thương, tôi còn rất nể trọng anh. Bởi trên lớp, anh dạy chúng tôi đạo lý làm người, dạy về tư cách, sống thế nào cho phải đạo làm con, làm học trò. Anh biết mình, biết người, có ý thức vượt khó...Con người như thế nhất định sẽ có tương lai. Những ông con nhà giàu kia thì chỉ biết dùng tiền cha mẹ để hút xách, cờ bạc; ngữ này chừng sớm muộn đời sẽ tàn.
Thấy tôi có vẻ như không “ăn” lời dạy bảo, cha nói với mẹ “ bà phải canh chừng nó, đừng để gặp thằng Lang hoài; diệt từ trứng chứ đừng để nở ra thì sự đã rồi”.
Mỗi lần thấy anh đến nhà rủ anh Ba đi bắn chim. Ông lườm, nguýt, và không trả lời câu chào của anh. Dần lâu, anh cũng ngại, không dám đến nữa.
Hàng ngày, tôi đi chợ bán hàng, đều ngang qua chùa Ông; nơi anh tá túc. Anh thường đứng trước cổng, dường như cố ý đợi gặp tôi? Thấy tôi gánh hàng đi qua, anh luôn mỉm cười. Anh biết tôi thích thơ ca. Một lần đi ngang qua, anh mỉm cười, khe khẽ gọi: “Lan à! tặng em bài thơ anh mới làm nè”. Đọc bài thơ có tên “Hoa tặng” của anh, tôi càng thấy thông cảm hoàn cảnh và thương anh nhiều hơn:
Tuổi trẻ băng đồng đi hái hoa
Tặng em ngấp nghé chực quanh nhà
Người không ra đón hoa dần héo
Héo cả làn mây đỉnh núi xa.
Không trách ai đâu chỉ trách mình
Dáng nghèo, lam lũ áo thư sinh
Bó hoa đơn giản hương đồng nội
Lầu gác, ai đâu dễ động tình
Trở lại cành trơ, tự hổ ngươi
Giá hoa còn đấy, hẳn đang tươi
Vụng về đến phải vô duyên vậy
Bởi hiểu hoa thôi, chẳng hiểu người..
(Hoa tặng 1938)
Bài “Nhớ làng” cũng là viết tặng tôi. Anh viết khi xa quê. Anh thường gửi thư cho anh Ba và kèm thư gửi tôi; anh không bao giờ dám gửi thư cho riêng tôi vì sợ ông già bắt được sẽ phi tang
Bài thơ anh tặng có tên “Nhớ làng-1942”
Mưa đưa thương nhớ về làng,
Mưa làm xa những dặm đàng bến sông.
Chiều nay mở cửa ra trông,
Thấy làng đâu chỉ thấy lòng mà thôi.
Mưa ơi thương nhớ bời bời,
Bời bời thương nhớ, mưa ơi khuất làng.
Ở đây nắng mới võ vàng,
Dừa cao lểnh khểnh, cành xoan ngoằn ngoèo.
Con đàng thì ngút cheo leo,
Mình đi chỉ bóng cùng theo với mình.
Làng tôi gió nhỏ thênh thênh,
Mưa thưa nhè nhẹ trăng lên dịu dàng.
Làng tôi khôn nói hết làng,
Có người cứ mỗi chiều vàng nhớ tôi
Bài thơ chứa chan tình cảm của người con xa quê, vừa mênh mông vừa gần gủi. Sau này, ba tôi đăng trên Tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Năm. Tình cảm trong thơ không còn là của riêng má tôi nữa, nó đã lan tỏa và lắng lại bao người. Mỗi người một cảm nhận riêng tư trong cái không gian, thời gian rất quen thuộc mà bất cứ làng quê nào ở Miền Trung cũng đều thấy.
Với tôi, mỗi khi nhìn mưa rơi ở Cư xá Thanh Đa, lòng tôi khắc khoải nhớ quê đến da diết:
Mưa đưa thương nhớ về làng / Mưa làm xa những dặm đàng bến sông
Nhà văn Hoài Anh: “Đọc thơ Yến Lan tôi rất thích 2 câu / Chiều nay mở cửa ra trông/Thấy làng đâu chỉ thấy lòng mà thôi! Thơ Yến Lan là vậy, cảnh chí đơn sơ nhưng lòng thì trải rộng, tràn ngập cả không gian, trải dài dằng dặc trong thời gian.
Nhà thơ Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn):
“Trước kia, thi sĩ Yến Lan ở gần cửa Đông thành Bình Định cũ. Ông có nhiều bài thơ nói về chỗ quê hương mà ông thiết tha. Bình Định trong thơ Yến Lan không là đất anh hùng của Quang Trung, đất huyền bí của Chiêm Thành v.v..không có gì lớn lao hãi hùng như thế trong thơ Yến Lan. Tuy nhiên người cùng quê đọc thơ ông thường nhớ quê thắm thiết nhất. Một hôm nhớ làng Yến Lan đã vẽ cảnh làng:
Ở đây nắng mới võ vàng
Dừa cao lểnh khểnh, cành xoan ngoằn ngoèo
Con đàng thì ngút cheo leo
Mình đi chỉ bóng cùng theo với mình
Làng của thi sĩ ở giữa một vùng thành quách, xưa kia hẳn là huy hoàng, dinh thự, chen chúc phố xá. Nhưng thành quách đã bị phá hủy, sinh hoạt đã tàn tạ, cho nên rốt cuộc hình ảnh do thi sĩ đưa ra sao mà giống cảnh làng tôi ở một vùng sơn cước hẻo lánh, sao mà vắng vẻ, tịch liêu, sao mà quạnh hiu ngui ngút…và đó cũng là hình ảnh nổi bật nhất về Bình Định quê nhà trong trí tôi, mỗi khi hồi tưởng lại những ngày bé dại.
Nhưng lúc này, vào thượng tuần tháng sáu, hai câu thơ sau đây của Yến Lan mới thật xúc động.. / Chiều nay mở cửa ra trông / Thấy làng đâu chỉ thấy lòng mà thôi!
(Trích lá thư gửi cho Yến Lan, không thấy đề ngày tháng).