Sáng ngày 17 tháng 9 – 2010, tại Thư viện Hà Nội, lễ ra mắt bộ Tuyển tập Dương Thuấn có mặt nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, phóng viên các báo đài và các bạn đọc yêu thơ…
Đây là bộ Tuyển tập thơ song ngữ Tày-Kinh công phu của nhà thơ Dương Thuấn. Bộ sách trên 2000 trang chia làm 3 tập: Tập I có tên Bản Hon và những nơi khác gồm gần 600 trang viết về Bản Hon của tôi, hơn 200 trang về “…những nơi khác “, 200 trang cho hai trường ca Mười bẩy khúc đảo ca và Bi phẫn. Tập này do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết lời tựa: Đọc Dương Thuấn. Tập II Thơ tình gần 500 trang do nhà thơ Vân Long viết lời tựa, tập III dành cho các em, do nhà phê bình Chu Văn Sơn viết tựa: Khu vườn thiếu nhi của chú Dương Thuấn.
Bộ sách tốn khá nhiều công sức của tác giả, bởi không như bộ sách song ngữ bình thường (tác giả dịch nguyên bản sang ngôn ngữ thứ hai), mà có lúc anh sáng tác tiếng Kinh trước, có lúc tiếng Tày trước. Rồi sau đó sáng tác lại bằng ngôn ngữ thứ hai. Với đặc điểm âm sắc mỗi ngôn ngữ, anh lại biến tấu, chuyển hoá cho phù hợp, thích ứng… nên hai văn bản sẽ không song trùng như bản gốc của tác giả với bản dịch của dịch giả. Đây có thể là một “sự kiện” mới trong thơ song ngữ giữa tiếng Kinh và tiếng một dân tộc ít người. Hẳn sẽ thành đề tài cho các nhà nghiên cứu?
Đánh giá vị trí và tài năng thơ Dương Thuấn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nhận xét: Ít có nhà thơ viết về quê hương vừa ngồn ngộn phong phú vừa thắm thiết như anh. Anh chân thành, hồn nhiên dẫn mọi người về tận nguồn cội của một đời sống thuần phác, giầu ân tình, giàu cốt cách của dân tộc anh, để mọi người cùng yêu cái anh yêu, cùng được tắm gội trên một vùng sông nước thật trong trẻo…Dương Thuấn có một giọng thơ thật trẻ, trong sáng, dung dị , vừa đủ để giãi bày, anh không thích những cách cắt nghĩa to tát, những ngôn từ quá phận. Anh làm chủ mạch thơ nhẹ nhàng giàu cảm xúc…đưa tâm trí người đọc đạt tới sự bình tâm, tin cẩn cần thiết khi đi vào thế giới phong phú và dị biệt của anh. Anh là Tày mà cũng là Kinh, là nhà thơ của núi cao mà cũng là đời sống hiện đại…(Bài tựa của Nguyễn Khoa Điềm in báo Văn Nghệ số 38-18/9/2010).
Người viết bài này được viết lời tựa cho phần thơ tình của anh (Tập II), xin trích ra đây một vài suy nghĩ riêng:
Nhắc đến nhà thơ Dương Thuấn, nhiều người trong chúng ta nhớ ngay đến bài thơ tình nổi tiếng của anh Đi tìm bóng núi.
Bài thơ hấp dẫn ngay người đọc bằng những ý lạ ở ba dòng thơ đầu, nhất là với người đồng bằng, người đô thị: Bây giờ ngựa về tàu khác/ Một mình anh ôm câu hát/ Đi tìm bóng núi ngày xưa. Một gã thất tình ôm đàn, hát nhớ người yêu là hình ảnh đã quá quen mòn nếu không nói là hơi cải lương. Nhưng Dương Thuấn chỉ cần dùng từ “ảo”, lập tức, nó đã ra khỏi sự điệu đà mà sang lĩnh vực tâm cảm: Ôm câu hát là hình ảnh mới mẻ chưa ai viết thế bao giờ, ôm câu hát đi tìm bóng núi ngày xưa, là ôm một ảo ảnh đi tìm một ảo ảnh. Có nghĩa dù anh trở lại nơi chốn cũ, chỉ thấy được bóng núi bây giờ. Ba câu thơ mở đầu đã được xác định ngay: đó là người con trai miền núi tiếc nhớ một báu vật đã từng là sở hữu của mình.
Cả bài thơ thống nhất một giọng điệu, một cách nói, mở đầu câu bằng bây giờ. Nhắc về kỷ niệm xưa, người ta thường nói ngày ấy… Đó là dĩ vãng khi ta nhớ lại, cũng là cách nói đã quá quen. Trong nghệ thuật, trong thơ, rất kỵ sự cũ mòn. Dương Thuấn nói Bây giờ không còn là cái đau hiện hữu, vết thương đang rướm máu trong tim anh, dĩ vãng đã trở thành hiện tại, đã tan hoà vào cơ thể, tâm hồn anh: Bây giờ không còn cơn mưa, Bây giờ không còn mùa hạ… .
Chỉ khi tạo được riêng một cái tứ, một cách nói như tạo được một khung tranh, Dương Thuấn mới chọn những chi tiết, hình ảnh đắt giá nhất trong kỷ niệm mình còn lưu giữ, như những tiết họa lấp lánh ánh vàng ánh bạc của bức tranh sơn mài: Bây giờ không còn cơn mưa/ Hai đứa đội chung tàu lá/ Bây giờ không còn mùa hạ/ Góc chiều đỏ chín chờ mong. Một hình tượng nghệ thuật với cách tu từ hàm xúc đã gồm chứa cả không gian, thời gian, cảnh sắc và hồn người chỉ trong 6 âm tiết Góc chiều đỏ chín chờ mong.
Câu tiếp là câu nói thường, nhưng đã được chuẩn bị tâm thế cho người đọc từ những câu thơ trước nên không còn là bình thường nữa, nó đã chứa đựng nỗi đau đứt ruột của người viết: Bây giờ em đã theo chồng/ Lên núi phát nương, tra lúa. Câu kết nhà thơ khép bài thơ lại, nhưng ai ngờ lại mở ra cho người đọc một khoảng không gian mênh mông hơn: mênh mông giữa biển người: Bây giờ buông hờ nỗi nhớ/ Anh lang thang giữa loài người.
Sự cô đọng, hàm xúc không chỉ ở cách tác giả không tham nhắc nhớ nhiều kỷ niệm, không chỉ ở cách chọn thể thơ 6 âm tiết (chữ thừa trong câu sẽ lộ ra ngay), mà sự hàm xúc chính là cách tu từ giản dị mà chắt lọc như Góc chiều đỏ chín chờ mong, như hình tượng chàng trai ôm câu hát đi tìm bóng núi ngày xưa, và hình tượng cuối Anh lang thang giữa loài người, đánh mạnh vào cảm xúc người đọc.
Bài thơ là một lát cắt tâm trạng, đáng lẽ không cần lý giải, bởi trong nỗi đau mất mát, nhà thơ chỉ thốt lên một lời than, tự mình nói với mình. Chính vì thế mà nỗi đau riêng của anh xúc động người đọc. Chất kết dính những đặc điểm nghệ thuật nói trên chính là sự chân thực, chân thành.
Đọc Tuyển tập thơ tình Dương Thuấn, trước tiên tôi gặp được vẻ đẹp của người con gái Tày, hay nói đúng hơn: vẻ đẹp cô gái qua sự cảm nhận của anh con trai Tày:
Nàng ngồi lặng bên bếp lửa một mình đun cám
Ôi da trắng, ngực đầy, khoeo dày, chân vững
Nếu tiêu chuẩn hoa hậu thể hiện ở ba vòng đo cơ thể thì cô gái ở đây có đến bốn ưu điểm được ngợi khen. Ôi da trắng, ngực đầy thì dễ hiểu với sắc diện và sức sống sung mãn của cô, nhưng sao có đến hai ưu điểm đều đặt ở phần chân? Phác thảo về người con gái ngồi, phần chân gập lại, nổi rõ khoeo chân là đúng và đủ với hiện thực, nhưng tác giả vẫn cứ phải nhấn thêm chân vững. Điều này có lý do của nó, tôi liên tưởng đến nhà thơ Y Phương cùng dân tộc Tày Cao Bằng, anh cũng viết: Em đội chum rượu đến với anh/ Bằng đôi chân to khoẻ/ Đạp qua bao đau khổ/ Đến với anh! (Em-cơn mưa rào-ngọn lửa).
Đó phải chăng là điểm chung nhất của những người con gái núi, luôn phải leo dốc, vượt suối lũ, đôi chân không mạnh vững sẽ bị lũ cuốn trôi. Khác bao nhiêu với vẻ đẹp liễu yếu đào tơ, chân đi lướt ngọn cỏ của quan niệm thẩm mỹ phương đông xưa.
Cái đẹp của người con gái Tày là vẻ đẹp trời cho chưa cần trang điểm, là vẻ đẹp của sức sống tươi ngời để hoà nhập với thiên nhiên trữ tình nhưng không khỏi có lúc nghiêng rừng thác lũ...
Người con gái Tày còn một vẻ đẹp khác, toát ra từ thần thái, tâm hồn, chỉ có thể đọc nó qua cảm nhận của người trai: Tiếng cười của em tan hết sương trời… Hồn của em trong trắng tựa hoa lê (Ngày mai em mười tám).
Tình yêu của cô gái Tày cũng chắt chiu, tinh tế giống như các cô gái vùng Nội Duệ, Cầu Lim lúc phải chia tay bạn tình: Sớm mai anh xuống núi/ Lá giầu em rọc đôi/ Nửa em ủ dưới gối/ Nửa anh mang về xuôi. Lời căn dặn làm cho đá núi cũng phải mủi lòng: Anh giữ lành anh nhé! Thơm cay một lá giầu/ Nếu để rơi một nửa/ Làm nửa lá kia đau. (Lá giầu). Người đọc không khỏi tủm tỉm cười cái kết thúc bất ngờ của Bài hát tỏ tình. Trước sự nổi giận của bố cô gái, anh con trai hoảng quá: “Tôi vù qua ruộng/ Cắm cổ tôi bay”. Cô gái bị mắng, đáng lẽ phải sợ ông bố hơn anh. Nhưng cô lại tìm đến bên anh, nhỏ nhẹ phê bình: “Mới có thế thôi/ Mà anh đã sợ!” Hoá ra tình yêu đích thực phải như quan niệm cô gái: Con đường đến với nhau còn nhiều chông gai, một trở ngại nhỏ đã…hoảng hồn, té chạy thì còn mong chờ gì anh sẽ vượt được những trắc trở lớn hơn! Đó là sự mạnh mẽ của cô gái Tày khi yêu!
Người con trai thì bộc trực tình yêu cụ thể như sông suối núi rừng: Thiếu cơm có thể nhịn ăn/ Thiếu nước có thể nhịn khát/ Thiếu nhà có thể ngủ gốc cây/ Nhưng không thể thiếu em! Có lúc mong muốn của anh mạnh mẽ cuồng nộ: Thiếu em chỉ có một ngày/ Mà muốn đập nát tan trái đất. Nhưng xin bạn chớ lo! Đó chỉ là bức xúc bị dồn nén, là cách nói thậm xưng rau diếp làm đình, gỗ lim thái ghém như người dân quê vùng xuôi Bắc bộ. Anh ta chỉ nói vậy cho mục đích tự thân, không xâm phạm gì đến sự sống loài người, thực ra anh chỉ muốn: … trái đất nhỏ bằng nắm tay/ Để em ở đâu cũng nhìn thấy/ Muốn ôm hôn là có được ngay…(Thiếu em một ngày).
Dương Thuấn là người trí thức dân tộc Tày, đã viết nhiều bài nghiên cứu văn học, đã nhuần nhuyễn văn chương Việt cả về mặt sáng tác và nghiên cứu, nhưng anh vẫn đau đáu, âm thầm vun đắp nền văn học dân tộc Tày.
Tuyển tập Dương Thuấn song ngữ Tày-Kinh là minh chứng vạm vỡ cho bầu tâm huyết ấy./.
1/11/2010,Bản của tác giả.