Bên lề quốc lộ số 1, trước trụ sở quận Phú Lộc, cái quán nhỏ của chị Chín nằm mé bên một vạt ruộng, gần cây cầu sắt sập bắt qua con lạch nhỏ. Mái nhà lợp tôn và vách dựng bằng thiếc thùng dầu lửa nên ngay từ sáng sớm, khi ánh nắng hạ bắt đầu dọi tới và mặt trời lên chưa quá một sào khỏi rặng Bạch Mã, hơi nóng từ mái thiếc bốn bề đã tỏa ra hừng hực. Đến trưa, mặt bàn, ghế, như hơ lửa, cong vòng lên, những kẽ nứt há miệng. Nếu thỉnh thoảng không có những cơn gió từ ngoài biển thổi vào đẩy hơi nóng hầm hập hăng bức đi, ngồi trong quán người ta tưởng chừng như đang bị hấp trong một cái lò.
Buổi sáng, nhân viên quận và lính nghĩa quân gác cầu đến quán ăn món bún bò giò heo. Trong ngày, những khi rảnh rổi họ cũng đến nhâm nhi ly cà phê đá, ngồi hàng giờ, tán gẫu với nhau, hoặc hóng chuyện của mấy chị bạn hàng, theo xe Lăng Cô ra hay từ Huế vào, chuyện thời sự Nga – Mỹ phóng hỏa tiễn lên cung trăng.
Bún bò của chị Chín nấu không được ngon, nước lèo thường lạt. Có lẽ vì cái nồi hầm xương chị đổ nước có hơi già so với số xương ít ỏi chị bỏ vào. Nhưng bù lại, khách hàng được chị tiếp đãi tử tế, không tiếc trái ớt, múi chanh. Nhất là mấy anh lính trẻ chưa vợ, tha hồ tán tỉnh cô Lê, cháu gọi chị Chín bằng dì, tuy mới khoảng mười bốn mười lăm tuổi đã trổ mã con gái, đôi má ửng hồng, tóc xỏa ngang vai mướt óng ả. Gò ngực mới nhú khá tròn trịa đội gồ lớp vải áo, mỗi lần cô nhún nhẩy cặp vú non rung rung khiến họ thích thú.
Sáng hôm đó người ta tẩy chay món bún bò giò heo của chị. Một ông khách đã gọi lỡ tô bún nhất định không đụng đũa vào.
- Tui sẽ trả tiền chị đàng hoàng mà, chị đừng lo. Tại tui quên mất vụ thầy giáo Thích đó.
Chị Chín cười không vui, phản đối:
- Cả chợ còn heo của người nầy người khác nữa, đâu phải hết thảy đều là heo của bà Từ.
- Ấy! Ông khách phân bua. Ai nói rứa hồi nào. Có điều tại tui gớm nên nuốt không vô rứa thôi. Chớ chị nghĩ, nhai miếng thịt heo mà tưởng tượng trong đó có chất thịt của thầy Thích thì tiên tổ ai dằn cho khỏi ói.
- Họ đồn bậy mà ông cũng tin sao? Chị Chín chống chế cho nồi súp của chị còn đầy ắp. Heo gì mà ăn thịt người. Có ăn đi nữa cũng không làm gì có chuyện say sưa. Thịt người thì cũng là thịt chớ đâu phải rượu.
- Đồn bậy hay không tui không biết. Ông khách cười cười, rủn rải nói. Có điều là chuyện đó khắp quận Phú Lộc nầy ai mà không biết. Chị không tin cứ nấu thịt heo say đó mà bán, ai ăn được thì ăn. Còn tui, tui ngán lắm. Chị cho tui một tô bún nước mắm ớt đi. Để chanh để ớt vô kha khá một chút nghen.
Một gã lính trẻ ngồi bên ông khách nghe chuyện vọt miệng hỏi:
- Chuyện gì nghe hấp dẫn vậy ông? Thịt heo… say là răng? Còn thầy giáo Thích mô rứa?
Ông khách trố mắt nhìn sang anh lính, hỏi lại:
- Anh không hay biết chi chuyện nớ, thiệt à?
- Mới đi hành quân về, mệt thấy mẹ. Biết ất giáp chi mô na!
- Thì chuyện mấy cha Mỹ thù dai thầy giáo Thích đem lựu đạn quăng vô nhà thầy, rồi nói giết được một “thằng Việt Cộng". Trời! Thiên hạ đồn rân, rứa mà anh chưa hay.
Không khí trong quán bỗng xôn xao hẳn lên. Mọi người đồng thanh thốt lên những lời cảm thán. Gã lính trẻ đỏ bừng mặt, chửi thề:
- Đ.má, răng mà tụi nó lộng quá rứa. Ở tại nước mình mà tụi nó muốn chơi cha há, coi dân mình như ruồi muỗi chắc. Ai tụi nó cũng cho là Việt Cộng hết ráo. Hễ mặc áo bà ba đen là Việt Cộng rồi, cứ việc bắn chết bỏ. Có ngày tụi nó cũng giết mình luôn rồi gắn lên ngực hai chữ VC là xong?
Một vài người dè dặt, ái ngại nhìn anh. Ý chừng họ cho rằng giữa thời buổi lộn xộn, trắng đen lẫn lộn không nên bạo mồm bạo miệng như vậy. Không VC mà còn bị gán là VC đến nỗi táng mạng, huống là ra mặt chỉ trích những người bạn đồng minh bằng lời lẽ nặng nề như vậy.
- Mình tức thì nói cho hả lòng hả dạ thôi. Người khách vừa kể chuyện uể oải nói. Chứ anh nghĩ, mình làm gì họ được. Tàn sát cả làng, cả xóm kia còn được thay, huống chi có một mạng, phước cho mình lắm rồi đó anh à. Báo chí đăng tin tùm lum đó tề, anh không thấy răng?
Người lính cúi mặt xuống lắng nghe, lúc ngẩng lên mắt ngời ánh dữ tợn. Nhưng đột ngột mặt anh lại sa sầm. Có một vẻ chịu đựng nhẫn nhục đau đớn hiện rõ trên gương mặt làn da hơi tái đi của anh. Nhưng bóng mây ưu tư trôi qua nhanh, mặt anh đỏ bừng, mắt lừ lừ:
- Khi nớ mà có tui, tui bắn tụi nó thấy mẹ. Anh chửi tục. Ở tù thì ở sợ gì. Việt Nam cũng ngon lành như ai chớ bộ là đồ bỏ sao? Mắt đỏ ngầu, anh bỏ ra khỏi quán.
Không khí trong quán căng thẳng. Người ta xầm xì:
- Trung sĩ Phi, biệt danh “Phi xẻo tai” đó. Đánh “giặc” một cây à. Ra trận vác đại liên xung phong như gió.
- Nghe đồn hắn có một xâu lỗ tai khô như xâu chuỗi vậy?
- Ừ? Thì biệt hiệu của hắn là “Phi xẻo tai” mà. Tai của mấy cha Việt Cộng hắn giết được, xẻo đem về xỏ xâu phơi khô làm kỷ niệm.
- Thù gì mà thù dữ vậy?
- Ông già hắn làm Ấp trưởng bị Việt Cộng bắt chặt đầu.
- Dễ sợ! Một người khách ngồi tận trong góc quán, mắt lé, trán có vạch sẹo dài đến tận mi mắt lên tiếng. Xem anh ta nóng nảy ghê.
- Trời! Không nóng sao được, một người khác kêu lên. Tụi nó cỡ nầy lộng hành quá mà, coi người mình như cỏ rác. Nghênh nghênh, ngang ngang, thấy mà gai con mắt quá.
- Gặp trường hợp thầy Thích tôi cũng làm vậy cho coi, một ông khách quả quyết. Mấy thằng Mỹ đó bị bắt đưa đi mô rồi phải không?
- Ôi thôi! Bắt bớ nổi gì. Rứa chớ giết người ta vô tội rồi để vậy mà coi được à? Cũng phải bày trò che mắt thiên hạ chớ! Đem đi cho khuất mắt khuất mũi dân địa phương, còn trị tội hay không ai mà biết được. Chị Chín đâu, tính tiền rồi ghi sổ giùm đi chị. Cũng gần tới cuối tháng rồi. Một tô bún nước mắm chanh ớt, có thêm chén bún nhỏ, một ly rượu thuốc. Rượu bữa ni sao hậu không được êm rứa chị?
Chị Chín ra dọn bàn, hỏi:
- Chớ đám thầy Thích răng chừ thì đưa?
- Không biết. Nghe nói còn chờ phái đoàn trên tỉnh về nữa… Chị tính luôn tô bún khi hồi nghen.
- Thôi, ông không ăn, ai tính làm gì. Ở đó mà tỉnh với quận. Giọng chị Chín như nói một mình. Chết rồi thì có trời đưa cũng không sống lại được. Tội nghiệp bà Từ chỉ còn có một thằng con để nối dòng. Người anh lớn đi nhảy dù chết trên Kontum năm ngoái, thây không đem về được. Còn có hủ mắm treo đầu giàn bây giờ bể rồi.
Người ta hỏi nhau:
- Rứa thì đầu đuôi câu chuyện ra răng?
Đã muốn đứng lên ra về nghe hỏi, ông khách biết chuyện ngồi lại:
- “Buổi trưa cách đây hơn tuần lễ, mấy thằng lính Mỹ ở đồn gần chợ Cầu Hai ra quán mụ Bốn uống bia. Uống từ khi mô chẳng biết, chỉ thấy vỏ bia chất đầy cả từ trên bàn xuống tới dưới đất. Thằng nào thằng đó say ngất ngư, mặt mày đỏ ké như mồng gà đá vậy. Trong số đó có một thằng Mỹ đen. Mụ nội ai mà biết được mặt nó trổ màu gì? Chắc là màu lọ nồi, mồ hôi láng lẩy. Một đám con nít bu theo nói cái thứ tiếng Mỹ của mấy con mụ bạn hàng “Ô kê salem” để xin thuốc, xin kẹo.
Rồi không hiểu vì cớ chi, một thằng Mỹ túm lấy một đứa, đè xuống, dùng giầy da đạp lên bụng. Đám con nít thấy rứa sợ quá bỏ chạy hết. Thằng nhỏ bị đè nặng ra sức vùng vẩy, hai chân đạp liên hồi như một con bọ hung lật ngữa. Thằng Mỹ bóp cổ nó, bị nghẹn họng nó kêu lên những tiếng ư ứ không ra hơi còn thằng Mỹ ngửa mặt lên trời cười sằng sặc, thằng nhải ranh bị nghẹt thở mỗi lúc dẫy dụa càng dữ. Khó khăn lắm thằng lính Mỹ mới giữ nổi nó. Mấy thằng ngồi chung bàn thấy bộ hào hứng cười khoái chí, a dua cúi xuống vỗ bình bịch lên cái bụng ỏng của thằng nhỏ. Khi đầu người ta tưởng nó giỡn chơi, nhưng sau đó hắn siết cổ thắng bé mạnh thêm. Lúc đó thầy giáo Thích ở trường về, vừa đi tới. Thấy rứa mới chạy tới vỗ vai thằng Mỹ hỏi:
- Thằng nhỏ ni làm chi mà anh bóp cổ nó rứa? Vừa hỏi thày vừa cúi xuống gỡ bàn tay thằng Mỹ ra.
- Chớ thằng nhỏ làm chi? Một người vọt miệng hỏi.
- Ai mà biết. Chắc là trời nắng quá thằng Mỹ nó nổi điên. Ông khách kể chuyện trả lời rồi kể tiếp:
- Thằng lính Mỹ làm thinh, hắn nhìn thấy Thích căm tức lắm, hai con mắt đầy lòng trắng lẫn những gân máu đỏ. Hắn cứ tiếp tục siết mấy ngón tay như những gọng kềm đen thui vào cái cổ ốm tong teo của thằng bé. Thấy lời nói của mình vô ích, thầy Thích đứng lên bối rối nhìn quanh. Không có ai can thiệp cả, họ chỉ đứng xa xa nhìn lại. Thầy Thích giận xanh mặt, môi run lên. Thầy lắc mạnh vai thằng Mỹ và hét.
- Bỏ tay ra mau! Anh không thấy thằng bé sắp chết à?
Thằng lính Hoa Kỳ vẫn giữ chặt lấy cổ đứa nhỏ, đưa mắt lườm thầy Thích, nói ồ ồ trong cổ họng:
- Không can chi đến mày. Cút đi chỗ khác.
Lúc đó đứa trẻ sắp tắt thở đến nơi. Mắt trợn dọc, hả họng lè lưỡi ra rồi. Người ta hai bên phố bu lại xem.
- Khi nớ có ông ở đó không? Một người lại ngắt lời ông khách.
Ông ta đáp lẹ:
- Có chớ.
- Rứa mà ông cũng nín thinh à?
Bị câu hỏi trẹo họng, ông khách bẽn lẽn ấp úng:
- Ừ… răng kỳ rứa hè. Tui cũng đứng coi như họ vậy thôi. Nhưng thôi đừng có hỏi lôi thôi rứa nữa, để tôi còn kể chớ. “Mụ Bốn quýnh quáng chạy ra, chạy vào, kêu trời như bọng. Thằng nhỏ là cháu nội của mụ. Mấy thằng Mỹ kia thấy nguy xúm lại can, nhưng thằng đó như say máu ngà, thở phì phì, đưa lưỡi liếm môi, không chịu buông tha thằng nhỏ. Thấy tình thế cấp bách, thầy Thích mới xấn tới dằn lấy tay hắn kéo mạnh ra:
- Có bỏ tay ra không? Bộ mày muốn giết chết nó sao? Bỏ tay ra, mau!
Thằng Mỹ vẫn cứ trơ trơ rồi thuận chân hắn tống thầy Thích một đạp té nhào.
- Trời! Có sao không? Người ta kêu lên.
- “Đầu thầy Thích va vào chân bàn bị thương, máu chảy ướt mặt. Thầy tức giận vớ ngay lấy một khúc cây, bất ngờ nện vào cổ tay hắn. Thằng Mỹ hét lên như con heo bị thọc huyết, mặt nhăn như một cái bị rách, bàn tay rời khỏi cổ đứa nhỏ.
Có tiếng thở ra:
- Ừ. Có rứa cho đáng kiếp.
- “Thằng bé nằm nghẻo đầu, mặt xám ngắt, tay chân xụi lơ”.
Thằng Mỹ nổi khùng. Hắn phóng tới chụp lấy thầy Thích như mèo bắt chuột. Hai người xáp nhau đấm đá túi bụi. Thầy giáo Thích nhỏ con, đứng ngang nách thằng Mỹ. Thầy ôm ngang eo ếch gã, đầu chun vô bụng hắn như một con bò nghé bám vú mẹ thấy tức cười lắm.
- Hứ! Một người liếc xéo ông khách ngảnh mặt đi nói một mình. Thấy người mình như rứa không tiếp mà còn tức cười.
Ông khách nghe rõ nhưng giả lơ, vẫn kể tiếp:
- “Thầy Thích đập ình ịch vô cái lưng thớt to sầm bóng láng mồ hôi của thằng Mỹ như đấm vô một cái bị cát. Người ta đổ ra đứng coi chật cả lề phố. Họ cổ động vui vẻ như đang xem một cuộc đánh vật ở đám hội đình. Người ta kỳ rứa đó. Muốn hòa bình mà lại ham coi người ta đánh nhau. Càng u đầu sứt trán họ càng ưa, miễn là họ dừng bị u đầu, sứt trán thì thôi.
- Ừ, người ta rứa đó. Một người lên tiếng tán đồng ý kiến ông khách.
- “Nhưng khi mấy thằng Mỹ đứng ngoài xông vào đánh hôi nữa thì họ la ó phản đối liền”. Ông khách nói tiếp theo ngay.
- Ê! Ê! Đừng có chơi xấu. Đánh hội chợ hả? Ỷ đông ăn hiếp yếu hả?
- Có ngon một chơi một thôi!
- Thầy Thích! Coi chừng thằng sau lưng! Đá hậu đi, móc giò lái. Ừ, ừ, trúng phóc rồi. Bồi thêm một cú nữa vô ba sườn nó.
- Bóp thắt dái cái thằng mũi chim ưng đi.
Những lời phản đối không có hiệu quả. Người ta liền ào ra bênh thầy giáo Thích và xảy ra trận kịch chiến. Thôi thì tứ tung lung tàn. Họ dùng ghế bàn của mụ Bốn, vỏ chai, đá cục. Bụi bốc mịt mù. Tiếng la ó, chửi rủa cổ võ vang dậy cả khu phố…
- Ông có tham dự đến không? Người khách trẻ có sẹo nóng nảy hỏi.
- Đây nè, còn hỏi gì nữa. Ông khách kể chuyện đưa cho mọi người coi chỗ vết thương trên đầu đã cao sạch một khoảng tóc, dán băng keo hình chữ thập.
- Nhưng không phải bị mấy thằng Mỹ, ông ta tức bực kể tiếp. Lúc đó tôi đang ôm eo ếch một thằng Mỹ thì thằng quỷ sứ, thằng Thìn, con ông Hổ-lé nó nhào vô. Thay vì nện thằng Mỹ nó lại đè đầu tui làm một cú tá hỏa tam tinh rứa chớ!
- Rồi răng nữa?
- “Thì mấy thằng Mỹ bị một trận đòn mê tơi chớ răng. Mấy cha nghĩa quân tới can bằng miệng không xong, phải bắn hàng loạt súng chỉ thiên họ mới chịu ngừng tay. Cái quán của mụ Bốn trông thảm hại như một bãi chiến trường chưa thu dọn. Nào gậy gộc, nào miểng chai, bàn ghế gẫy đổ lung tung, máu me dính tùm lum hết. Mấy thằng Mỹ u đầu sứt trán hầm hầm chạy qua cầu trốn vô đồn. Tui cũng chạy vô nhà thương luôn, để băng cái đầu chớ. Máu chảy tùm lum mà khi nớ hăng quá đâu có kể chi. Lâu lâu đánh lộn một trận thiệt sướng. Cho đáng đời, có rứa tụi nó mới tởn dân Việt Nam mình.
- Còn thằng nhỏ cháu mụ Bốn ra răng? Chết à?
- Chết chóc chi. Nhưng cũng ngất ngư. Khi thằng Mỹ buông nó ra, mụ vội vã bồng nó vô buồng đắp khăn ướt lên trán, khóc bù lu bù loa. Mụ réo:
- Tỉnh dậy ơ… ơ Cu… ơ---ơi. Mụ vỗ vào đít nó đồm độp. Tỉnh dậy bớ… Cu. Cháu nghe bà gọi không? Trời ơi, lỡ con có bề gì thì làm răng bà sống nổi đây. Mụ quay ra kể lể:
- Nhà tui thuở chừ ăn ở hiền lành, làm phước đức không hết chứ có ác nghiệt gì mà trời lại lỡ hại tụi ri đây. Cả gia tài sự sản chỉ có chừng đó làm ăn độ nhật. Bây chừ còn chi là vốn liếng nữa?
Một lúc sau, thằng Cu rên nho nhỏ mấy tiếng rồi mở hé mắt, nhưng nó nhắm lại ngay.
- Lạy Phật! Mụ Bốn mừng rỡ kêu lên. Cháu đã tỉnh rồi. Họ còn đang đánh nhau ngoài tê, cháu có nghe không? Tội nghiệp thầy giáo Thích người nhỏ thó mà bị mấy thằng Mỹ to như bò mộng bu lại đánh. May có bà con xúm lại bênh không thì khó sống với tụi đó. Bỗng mụ nổi cơn tức giận đột ngột, mắng mỏ thằng cháu:
- Mụ cha cô bà mi, thằng tiểu yêu phá hại. Cũng vì mi mà gia tài sự sản tao mới tan hoang ra thế nớ. Thằng yêu lồi chết dầm. Đã bảo đừng có tới gần tụi nó trăm lần rồi mà mi có nghe mô. Hễ thấy tụi nó chỗ mô thì tụi bay bu lại như ruồi bu cứt, ô kê ô kiếc để chừ sinh chuyện ra. Quân báo đời ăn hại, lì lợm giống thằng cha mi hồi nhỏ in hệt.
Chửi một thôi một hồi, khi nhìn lại thấy thằng nhỏ vẫn còn nằm bất động thiêm thiếp mụ lại hoảng kinh, hết cả giận, réo ba hồn bảy vía nó trở về:
- Cháu không biết lũ quỷ mắt xanh nớ đang say rượu à? Lại gần chúng nó cháu không sợ à? Mụ lải nhải một mình rứa đó. Nhà bà tuy nghèo nhưng kẹo, mứt con ăn cả ngày có thiếu thứ chi. Ô kê sa lem với chúng nó làm gì. Cái thứ kẹo nhai như giẻ rách, nhai hoài không nát nớ ngon lành nổi chi mà cháu ham mê? Thật khổ thân cháu. Không có thầy giáo Thích can ngăn thì con quỷ lọ nồi nó bóp cổ con chết rồi. Bà già cả làm răng bênh cháu được.
Mụ rót nước trà nóng pha đường, nâng đầu thằng nhỏ dậy cho nó uống từng muỗng một rồi thoa thêm dầu cù là lên trán lên ngực nó. Nó đã tỉnh lại khá!!
Một chiếc xe đò chạy đường Huế – Lăng Cô dừng lại trước quán. Một vài người bước xuống. Anh tài xế chỉa mỏ ra mời khách inh ỏi.
- Đi Huế hả, ông khách đứng lên, vội bưng ly nước trà đã lạnh uống một hớp. Chờ tui với.
Ông khách gật đầu chào mấy người đã nghe chuyện rồi hối hả ra khỏi quán bước lên xe.
]
Tại nhà thầy giáo Thích, mãi đến khuya bà Từ và Cúc còn loay hoay bên giường săn sóc vết thương cho anh. Sau trận ấu đả, người ta phải khiêng anh vào trụ sở y tế quận để băng bó, đầu và khắp mình anh bị những vết thương chảy máu. Đột nhiên trong sự yên tĩnh của đêm khuya, từ nhà ngoài có tiếng gõ cửa vang lên hối hả. Thích mở choàng mắt, bà Từ và Cúc lo lắng cùng quay nhìn ra phía cửa nơi phát ra tiếng động (họ vẫn chưa quên ba năm trước đây, cũng vào một đêm khuya, những tiếng gõ cửa đã mang đến cho gia đình họ tai họa. Cửa mở, ba bốn người mặc áo quần đen mang mã tấu bước vào. Ông Từ bị lôi đi. Hôm sau tìm thấy xác ông bị cụt đầu nằm ở bờ ruộng. Trên ngực ghim tờ giấy viết những chữ “ác ôn, phản động”. Bà Từ khóc ngất bên xác chồng. Bà không hiểu đó là sự trừng phạt của quân cách mạng đối với những người trong guồng máy chính quyền, dù ông Từ chỉ giữ một chức nhỏ trông coi việc giấy tờ cho bà con trong xóm). Tiếng gõ cửa dồn dập thêm những tiếng cộc cộc vang lên giữa đêm khuya khô khan như tiếng búa đóng nắp ván thiêng. Bà Từ nhìn hai con hỏi ý kiến. Nhưng tiếng gõ cửa im bặt một lúc lâu. Rồi Cúc nghe như có người gọi tên nàng. Và nàng nhận ra giọng chị Sáu Hợi.
- Cô Cúc, cô Cúc ơi! Mở cửa cho tôi vào. Cúc lật đật đi ra. Bà Từ đặt tay lên ngực dằn lấy trái tim, vuốt vuốt mấy cái nghiêng đầu thở ra. Thích buông đầu xuống gối, nhắm mắt lại.
Cúc rón rén bên cửa, ghé mắt nhìn qua khe song hẹp. Bóng chị Sáu Hợi lờ mờ nổi lên nền trắng bức tường đổ, vàng nhạt dưới ánh trăng. Nghe tiếng động chị tiến lại và cũng dán mũi vào song cửa.
- Cô Cúc đó hả, giọng chị thầm thì. Thôi khỏi cần vào nhà cũng được. Cô nghe tôi nói đây. Mấy người lính Mỹ đánh lộn với thầy giáo Thích hồi trưa đang đi tìm nhà đó. Họ đi hỏi thăm khắp xóm suốt chiều nay nhưng không ai chỉ cả. Tôi định đến báo cho cô hay hồi chiều nhưng thằng Cu tôi ấm đầu, khóc quấy mãi. Họ có mang theo súng ống, điệu bộ hung hăng lắm, tôi ngờ họ có âm mưu gì mờ ám. Thôi, tôi về đây. Thằng Cu ở nhà chắc đang réo đòi sữa. Tôi đang cho cháu bú, nóng ruột quá phải rứt vú tới đây. Cô cho thầy Thích biết ngay đi. Chị ngập ngừng, tốt hơn hết là thầy nên lánh mặt đi ít lâu. Tụi nó dám làm bậy lắm, ai mà cản được. Đến nước đó thì thiệt mình rồi cô à. Chị vội vã bước xuống thềm biến mất trong màn đêm ánh trăng soi mờ mờ.
Cúc bàng hoàng đứng lặng một lúc, vào thuật lại lời chị Hợi cho mẹ và anh nghe. Thích tức giận bất ngờ. Cơn giận làm anh trở mệt, nhắm mắt lại thở dốc.
- Má và Cúc cứ để mặc con. Anh nói qua hơi thở. Con không đi đâu cả. Để thử coi họ có đến đây giết chết con không. Con không sợ đâu. Thích cắn chặt hai hàm răng, mặt căm lại.
Cúc và bà Từ khóc hết nước mắt, khuyên anh nên trốn đi.
- Tránh voi chẳng xấu mặt nào, con à. Bà Từ buồn rầu nói. Chết chỉ thiệt thân mình thôi chứ có lợi ích gì. Con có bề gì chắc má không sống nổi. Má già rồi, không biết sống nay chết mai. Họ ta nay chỉ còn mình con nối dõi tông đường.
Nghe mẹ nói Thích thở dài. Cúc ngồi nép mình sau lưng mẹ, lấy vạt áo thấm nước mắt. Trong ánh sáng chiếc đèn con lờ mờ, họ bị bủa vây trong một nỗi sợ hãi mênh mông. Họ sợ đến chiếc bóng của họ. Tiếng gió xào xạc ngoài vườn chuối, tiếng chuột chạy vang lên trong góc nhà cũng khiến họ giật mình, ngơ ngác lắng nghe. Suốt đêm họ hầu như thức trắng, giấc ngủ từng chập do mỏi mệt mang đến những cơn mộng dữ.
Mờ sáng hôm sau, Thích thức dậy ăn chén cháo, lấy bọc quần áo Cúc gói sẵn, theo lời yêu cầu khẩn thiết của mẹ và em gái, anh đi trốn.
Sau ba hôm lánh mặt Thích trở về nhà. Anh nghĩ câu chuyện có lẽ đã qua rồi. Nhưng khi về đến nhà, bà Từ lo lắng cho anh hay, họ vẫn còn đang tiếp tục lùng kiếm anh. Bà dấu anh trên căn gác nhỏ suốt ngày đêm. Cơm nước Cúc đem lên, chỉ đêm khuya anh mới dám xuống nhà để làm những việc cần. Và dầu cơn giận đã nguôi, mỗi khi nghĩ lại cái hoàn cảnh anh lâm vào, Thích không khỏi cảm thấy thấm thía một nỗi đớn đau, chua xót.
Ba hôm tiếp theo, không thấy mấy người lính Hoa Kỳ lùng kiếm nữa nên bữa cơm tối hôm thứ tư, bà Từ gọi Thích xuống ăn cơm cho vui. Ba mẹ con ngồi vào bàn, vừa cầm đũa lên bỗng nghe trước sân có tiếng chân người nện thình thịch, họ nhìn ra thấy lố nhố mấy người lính Mỹ. Một người đàn bà Việt Nam đang chỉ trỏ vào nhà rồi vội vã quay gót như chạy trốn. Bà Từ run rẩy, mặt biến sắc, Thích buông đũa lẹ làng phóng lên gác. Cúc vừa thổi tắt ngọn đèn thì hai bóng đen to lớn đã bước lên thềm. Một người cầm đèn bấm vào nhà. Hai người bên ngoài đứng lại ở cửa, tất cả đều súng hờm sẵn. Gã cầm đèn tiến đến vỗ vai bà Từ hỏi:
- Thích…. Thích…. Vi xi Thích? Anh ta hất hất ngón tay cái chỉ vào nhà trong, mặt hếch lên đợi trả lời. Bà Từ nhìn gã trân trối, run lẩy bẩy, lắc đầu lia lịa. Cúc đứng khuất sau một góc tủ. Thấy nàng hắn tiến lên mấy bước, dọi đèn nghịch ngợm lên thân thể và cuối cùng chiếu thẳng vào giữa mặt nàng.
Cúc lùi lại, lùi lại theo đà tiến lên của gã lính Mỹ, cho đến lúc lưng nàng sát vào vách tường. Gã đưa tay lên định vuốt má nàng, nhưng bị Cúc phản ứng bất ngờ, cô né đầu tránh và gạt mạnh tay khiến gã ngạc nhiên. Gã mỉm cười, búng tay tróc tróc mấy cái ngay trước mũi Cúc. Hắn xoay qua lục lọi.
Trên căn gác tối đen, Thích đến ngồi sẵn bên cửa sổ nhỏ thông ra ngoài, sợ hãi và căm tức làm tay chân và cả thân hình anh run rẩy. Anh nín thở, theo dõi tiếng bước chân gã lính Mỹ tới lui nện cồm cộp xuống nền nhà. Máu dồn lên vết thương còn nung mủ khiến đầu anh căng ra như sắp vỡ, tựa như có một chiếc vòng sắt niền quanh và mỗi lần tim đập chiếc vòng lại siết chặt vào lớp xương sọ. Anh ôm đầu nhắm nghiền mắt lại, tức thì thấy hình ảnh muôn ngàn con đom đóm xanh đỏ chập chờn, quay cuồng trong một màn đêm dày.
Gã lính Mỹ lục soát từ nhà trước đến nhà sau, dọi đèn vào các xó xỉnh và rồi gã thất vọng bước ra. Gã đứng ở cửa lên tiếng mách:
- Mày tìm trên căn gác chưa?
Hắn vội quay lại chỉ tay lên gác hỏi bà Từ:
- Vi xi Thích? Bà Từ chẳng hiểu gì, nhưng thấy hắn chỉ tay lên gác thì thất vía, đứng chết trân một chỗ như trời trồng, lắc đầu ú ớ như hóa câm. Nhưng khi gã lính Mỹ tiến về phía chân thang bà lẹ làng chạy theo níu lại. Gã lính Mỹ gạt bà té nhào.
Trên căn gác Thích nghe rõ mọi chuyện, lật đật nhớm người lên thò đầu ra ngoài cửa sổ. Từ đó anh có thể lòn người qua, nhảy xuống nóc chuồng heo rồi phóng ra vườn chuối sau nhà trốn đi. Nhưng anh vừa lòn được nửa người ra ngoài thì hai gã lính Mỹ bố trí bên hông nhà trông thấy. Một loạt đạn nổ dòn, tiếp theo ngay tiếng lựu đạn chát chúa, miễng văng lên mái tôn ào ào như rải sạn. Thích đứt lìa làm hai khúc. Nửa thân lòn ra ngoài nát vụn, phần còn lại phía trong rơi xuống sàn căn gác tối om.
Gã lính Mỹ vừa dợm đặt chân lên thang lầu, nghe tiếng nổ vội nằm xuống rồi vùng chạy ra. Hai gã gác ngoài vừa làm xong nhiệm vụ khoác tay nói:
- Xong xuôi. Tốt! Họ bấm đèn dọi lướt qua soi bức tường tung toé máu tươi, chảy xuống từng dọc, đọng lại ở chân tường. Trong chuồng, tiếng kêu ư ử của con heo bị thương lẫn trong tiếng nhai xàm xạp. Chung quanh xóm, mọi nhà đều tắt đèn đóng cửa kín mít.
Bọn mấy người lính Mỹ trở vào nhà. Bà Từ hãy còn nằm sấp trên mặt đất. Một gã cúi xuống nắm cánh tay ướt máu của bà đỡ dậy. Anh ta rút chiếc băng cá nhân định băng bó cho bà nhưng tìm mãi không thấy vết thương. Đó là máu của nửa cái thây ma thầy giáo Thích chảy ra trên căn gác, thấm qua kẽ ván nhỏ giọt xuống đọng vũng trên nền nhà gần chỗ bà Từ nằm. Và vũng máu như có chân, bò đến chỗ bà Từ, như một chiếc lưỡi đỏ lè ra liếm ướt cả cánh tay bà. Gã lính Mỹ lay lay cho bà tỉnh hồn. Hắn cười hồn nhiên:
- Vi xi, Vi xi, tốt. Hắn vạch mắt bà, giơ ngón tay trỏ lên ra dấu đã hạ sát được một tên. Xong cả bọn kéo nhau ra khỏi nhà.
]
Sáng hôm sau, người ta lùa mấy con heo mỏ đỏ máu ra khỏi chuồng. Đến trưa nửa phần thân thể còn lại của Thích, sau khi chính quyền đến làm biên bản, được đem xuống tẩm liệm với mấy mẩu xương vụn heo gặm còn sót lại trong chuồng, cùng một manh áo sơ mi rách nát đẫm máu và phân heo. Người lấy xác là bạn thân của Thích. Anh kể chuyện, trước khi đem xác bạn xuống anh có khấn vái xin phép vong hồn thầy giáo Thích. Vừa dứt lời thì từ trong nửa cái xác đã cứng lạnh máu tươi chảy ra lênh láng.
Tin thầy giáo Thích bị sát hại và phao là Việt Cộng làm xôn xao cả quận. Người ta ngạc nhiên, căm tức lẫn sợ hãi.
Những cậu học trò nhỏ của anh đến vây lấy áo quan mà khóc. Các cô nữ sinh, đứng ở một góc, kín đáo thấm nước mắt, giấu tiếng nức nở trong những chiếc khăn tay nhầu nát.
Đồn lính Mỹ được lệnh cấm trại trăm phần trăm, chuẩn bị đề phòng cuộc nổi loạn của dân chúng. Tuy nhiên đã không xảy ra điều đó. Người ta đã bày tỏ sự phẫn nộ trong một giới hạn hết sức nhã nhặn. Trong một căn phòng nhỏ của ngôi trường tiểu học sát bên quốc lộ số 1, họ đổ mồ hôi viết hối hả những lời phản đối bằng sơn đỏ trên vải trắng, lên án hành động đó bằng những hình dung từ “Dã man”, “Sát nhân”. “Vô nhân đạo”, và họ đòi hỏi “Chính phủ Hoa Kỳ phải trừng trị những tên lính khát máu”. Tất cả đều được dịch sang tiếng Anh. Rồi họ mang những khẩu hiệu chưa kịp khô ra treo lấp cả hàng rào thép gai trước trường học. Ở căn phòng để quan tài thầy giáo Thích cũng có treo một biểu ngữ vải đen kẻ chữ trắng, nội dung lên án hành động vô nhân đạo của mấy gã lính Mỹ và tiếc thương người quá cố.
Đám tang Thích được cử hành theo nghi lễ nhà binh – anh là một quân nhân biệt phái – có sáu anh lính nghĩa quân đứng dàn chào hai bên quan tài. Phái đoàn quan khách, ngoài quận trưởng và các viên chức xã ấp sở tại, có đại diện tỉnh trưởng, cố vấn Hoa Kỳ tại tỉnh và trưởng đồn lính Mỹ tại Cầu Hai. Họ chia nhau đứng hai bên quan tài – phía trong mấy anh lính nghĩa quân bồng súng chào – hai tay vòng lại trước bụng, các ngón đan nhau. Nét mặt ai cũng lộ vẻ trang nghiêm và buồn rầu đến độ mà họ có thể bày tỏ được. Một vị sư tụng kinh siêu độ trước bàn thờ có chưng bức hình Đức Phật Quan Thế Âm và một bình hoa ny-lông xanh đỏ.
Bà Từ không có mặt – bà ngất xỉu ngay khi nghe Thích bị giết chết, cho đến bây giờ đang còn trong trạng thái hôn mê – chỉ có Cúc ngồi trước linh cửu anh, mặc áo tang, mặt đầm đìa nước mắt, nhưng không một tiếng kêu than lọt ra khỏi đôi môi khô mím chặt.
Bên ngoài, trong sân trường hẹp, dưới nắng lửa, dân chúng hay tin, tự động kéo đến đứng chật cả sân, chờ đưa linh cửu. Những người già và các cô gái chấp tay lâm râm cầu nguyện. Tất cả bị sức nóng của nắng hạ làm mồ hôi tuôn nhễ nhại nhưng không ai để ý. Về một phía, các học sinh Trung, Tiểu học xếp thành hàng ngũ. Ở mỗi toán, hai học sinh lớn dẫn đầu cầm một biểu ngữ – lấy ngoài hàng rào kẽm gai vào – nhưng khi quan tài được khiêng ra để lên chiếc xe nhà binh cũ kỹ, Quận trưởng vội rời phái đoàn chạy đến mời người trưởng ban tổ chức điếu thuốc rồi nói nhỏ mấy lời vào tai ông. Mới đầu ông có vẻ lưỡng lự, nhưng khi ông quận nói thêm mấy lời nữa thì gương mặt ông ta dịu hẳn lại và rồi ông ta cho các em học sinh xếp các biểu ngữ lại, chất cả lên mui xe. Cả hai tấm đã căng hai bên hông xe cũng được gỡ xuống.
Đoàn người đưa đám tang ra khỏi sân trường, choáng một khoảng dài trên quốc lộ số một. Họ tiến chầm chậm, dẫn đầu là xe tang có vị sư áo vàng với chuông mõ. Người ta tụng một bài kinh siêu độ theo giọng vị sư, đầu cúi thấp xuống và chấp tay trước ngực. Ngoại trừ tiếng xì xào ở đám trẻ tiểu học bị tiếng máy xe nổ xình xịch át đi, giọng kinh cầu vượt lên bao trùm.
Xe rẽ vào con đường đất hẹp, hai bên có nhà lưa thưa với hàng rào tre thấp, dẫn vào chân núi. Xa xa trong những thửa ruộng chưa gặt, thấp thoáng sau những bụi rậm có bóng mấy người lính nghĩa quân của quận giữ an ninh cho các quan khách.
Huyệt chôn đào bên cạnh ngôi trường Thích dạy học. Theo ý vị Hiệu trưởng, để vong hồn anh được gần gũi đám học trò nhỏ mà khi còn sống anh hết lòng yêu mến.
Trong vòng hai tuần lễ, dư âm vụ thảm sát còn được gợi lại trong những bữa cơm thiếu hương vị món thịt heo. Nhưng sau đó, khi những người yếu bóng vía nhất cũng tin rằng, mấy con heo say máu thầy giáo Thích đã tiêu ra đất rồi, và khi nhai những miếng thịt heo họ không còn bị ám ảnh câu chuyện “heo-ăn-thịt-người” nữa thì hình ảnh cái chết thảm khốc của thầy giáo Thích cũng phai mờ theo.
Đồn lính Mỹ bên kia cầu, sau hai tuần lễ cấm trại đã được tự do đi lại. Quán mụ Bốn lại xuất hiện những gã lính Mỹ, giữa trưa để mình trần ngồi nghểu nghện trên những chiếc ghế đẩu – mới đóng lại bằng ván thùng đựng đạn đại bác 155 ly – uống bia. Đám trẻ con quên chuyện cũ, cũng đã thấy bu lại chìa tay “Ô kê salem” để xin những điếu thuốc, những thỏi kẹo của toán lính viễn chinh.
Căn nhà bà Từ bỏ hoang từ ngày đó. Bà đến ở nhờ nhà người bà con. Sau đám tang Thích, Cúc bỏ đi biệt tăm. Bức thư nàng để lại cho biết nàng đã “nhảy núi” để trả thù cho anh, xem xong bà Từ khóc ngất rồi xé vụn ra kín đáo đem đốt. Từ ngày đó bà trở nên mất trí, nói lảm nhảm suốt ngày. Đôi mắt luôn luôn chìm sâu trong một thế giới xa cách nào. Người ta không nghe rõ bà nói những gì. Chỉ thỉnh thoảng mới nghe ra, lẫn trong những tràng dài vô nghĩa, bà nhắc đến tên những người thân đã mất./.
1968