Đã mấy ngày lũ rút ở nơi cửa sông, ruộng bãi, góc suối, triền đồi các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Những thôn, xã, huyện bị thiệt hại nặng nhất do ảnh hưởng của liên tiếp các cơn bão vừa qua, cây lúa, cây ngô, cây đậu, rau màu và cả cỏ nữa tím tái, xác xơ, bần thần, có những chỗ không thể gượng dậy được nữa. Không ít những cánh đồng giờ chỉ một màu bùn xám loang lổ, thê lương. Không ít những ruộng bãi rau màu, hoa đậu không còn sức gượng đứng lên. Im lìm. Hoang hoải. Cả những cây dại, cây lớn ven đường, trong làng, ngoài xóm bùn lấm láp lên tận đỉnh chạc, những rác rưởi, chứng tích va đập giận hờn oan khiên của giời đất oái ăm giáng xuống dân lành. Chỉ mấy tuần mưa bão đến, lũ về, hàng chục người chết, rất nhiều người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà, trạm xá, trường học bị tàn phá. Thiệt hại về vật chất rồi có thể tính ra nhưng còn những dư chấn về tinh thần dễ gì tính được. Ai biết được rồi những đứa trẻ mồ côi bố, mồ côi mẹ, những vợ mất chồng, bố mẹ mất con ấy sẽ sống ra sao trong phần đời còn lại. Và, trong phần đời còn lại ấy, thiên tai sẽ còn giáng xuống bao nhiêu tai bay vạ gió nữa.
Trong ngày 12/11, tại nhiều nơi ở miền Trung, lũ
vietbao.vn/Xa-hoi/Ngay-12-11-lu-...290/157/
Không có câu trả lời chính xác nào cho thấu hết nỗi đau, nhất lại là những nỗi đau từ thiên tai, địch họa. Ôi thiên nhiên sao khắc nghiệt, tàn nhẫn làm vậy. Chúng tôi, những người dân lương thiện đã làm gì sai, đã làm gì phật ý đất trời. Cả đời lam lũ, nhọc nhằn, một nắng hai sương bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tìm kiếm củ khoai, hạt lúa từ đất, từ đá và từ cát. Có miếng cơm nào không nghẹn đắng mồ hôi. Nỡ nào đất trời giáng chết chóc xuống đầu lương dân, cả cụ già, cả em thơ hãi hùng đến thế. Người chết do sét đánh, lũ cuốn, đói rét ở các tỉnh miền Trung khi tay còn đang nâng bông lúa, tay đang cầm cuốc, cầm cày nơi ruộng bãi nghìn đời cha ông đã đổ mồ hôi và cả máu xương thì chắc khó bề siêu thoát trở về nơi cực lạc. Sao ông trời không giáng lưỡi tầm sét xuống đầu những tên khát máu, hiếu chiến, trộm cướp, khủng bố, tham nhũng, trác táng đang nhan nhản trên toàn cầu này. Bọn chúng được quyền năng nào che chắn, dung dưỡng mà tránh được búa rìu của cao xanh mà lẽ ra chúng phải chuốc lấy. Không có câu trả lời toàn vẹn cho những nỗi đau thì làm gì có được câu trả lời chính xác cho những phi lý trong cõi nhân gian.
Bàn chân tôi bàng hoàng giẫm lên bùn non những cánh đồng, ruộng bãi của Khu Bốn, nơi đất lửa anh hùng. Dưới chân là bùn non lạo xạo sỏi cát và xác những cây lúa, hoa màu, rau đậu từng nghìn năm nuôi sống con người đang thối rữa. Xa tầm mắt, trên các triền đồi lúp xúp những đàn trâu mỏi mệt, gầy đói và ngơ ngác gại đầu vào những tàn sim mua, cây dại, dây leo đắng đót, nhẫn nhịn. Những bãi cỏ mới hôm nào còn xanh ngọt ứa nhựa, giờ biến mất dưới lớp bùn sền sệt rải rác xác cây, xác bàn ghế, tre pheo, dứa dại, chuột bọ. Sống mãnh liệt như cỏ dại, mà mươi hôm rồi mới chỉ lấm tấm, ngoi ngóp hé ra những lá lẫm chẫm. Chắc ít ngày nữa cỏ cũng xanh thôi và lũ trâu bò quen uống nước sông La, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông Gianh... gậm cỏ non ấy sẽ lại được nếm mùi quen thuộc. Để lại lam làm, cày cuốc với con người. Tôi như người đến chậm, như mắc lỗi với nơi đây, mắc lỗi với lũ trâu bò lam lũ và thân thiện. Nhưng đến sớm hơn chắc cũng chả giải quyết được gì vì bản tính vốn yếu đuối và hay cả nghĩ. Trong mưa lũ, đồng đội tôi đã ngã xuống. Đã nhịn ăn, nhịn uống, nhường cơm xẻ áo cho nhân dân, đã quên mình cứu những em thơ, cụ già trong đêm thẳm nước xiết và sấm sét. Và ngay lúc này, họ đang cất nhà, dựng cột, khám bệnh, cấp thuốc, san sẻ ngày lương chia sẻ với đồng bào. Trong sự không thể tính được chắc chắn tấm lòng sẻ chia, đùm bọc, yêu thương, hy sinh vô bờ bến của bộ đội với nhân dân trong khó khăn là sự không thể tính được đáng trân trọng nhất.
những hình ảnh về cơn lũ vừa qua. Nhà cửa chìm trong biển nước
www.svsupham.com/showthread.php%...%3D18118
Khi bàn chân chạm sỏi đá, gai góc, xác cỏ cây nơi ít ngày trước ngập chìm trong biển nước, tôi không thể dứt khỏi những dòng suy nghĩ, hành động dũng cảm của các anh bộ đội khi cứu dân. Chắc cũng vẫn đồng bãi, lúa khoai nhọc nhằn, còi cọc nơi xứ Quảng, xứ Thanh, xứ Nghệ của đất Việt nuôi dưỡng các anh trở thành người chiến sĩ. Và, trong đêm thẳm, giữa mịt mùng giông gió, khi cõng những cụ già, em bé mà mạng sống đang ngàn cân treo sợi tóc nơi đỉnh nhà, cột điện, chắc các anh đang nghĩ về ông bà mình, cha mẹ mình, vợ con mình, củ khoai hạt lúa nhà mình đã nuôi mình thành người mà quên đi mọi hiểm nguy phía trước. Chân tôi bỗng giẫm phải một hòn đá sắc nhọn và bật máu. Đã có bao nhiêu giọt máu của người chiến sĩ thấm xuống lòng sông, lòng đất ngay trong chính thời bình hôm nay, có khi là vô cùng lặng lẽ, khiêm nhường.
Xưa nay chả có cơn bão lũ nào giống nhau, nhưng lòng người, lòng dân, tấm lòng người chiến sĩ với nhân dân đang trong vòng bão lũ thì vô cùng trước sau như một. Dù là chiến sĩ đang rẽ dòng nước xiết giữa đêm đen hay người chiến sĩ đang canh trời, canh biển, tuần tra biên giới khi đứng trước thông tin, hình ảnh bà con mình, đồng đội mình đang vật lộn giữa dòng bão lũ ai nấy đều thắc thỏm, ngồi đứng không yên. Cái gì đã làm nên những phẩm cách ấy. Cái gì đã tạo ra những tấm lòng ấy, suy nghĩ ấy. Câu trả lời đã thuộc nằm lòng trong huyết quản mỗi người lính chúng ta. Ngay khi lũ ập về, không kể là tướng lĩnh tư lệnh, không kể là lãnh đạo chỉ huy hay binh nhất binh nhì, mà tất cả đều một mực xông vào nơi đỉnh lũ cứu dân, đọ cùng thiên tai mà bảo vệ những người dân hôm nay vẫn còn khó khăn gian khổ lắm. Dưới sấm sét, trong đêm đen, những người lính hòa vào một khối, không kể lính Biên phòng hay Quân y, Công binh, Pháo binh, Phòng không, Thiết giáp, mà tất cả đều xung trận, nhịn đói, ngâm nước, dầm bão cứu dân. Người có thể ướt nhưng thuốc men, lương khô, mì tôm đến với dân phải khô ráo, lành lặn. Bộ đội có thể ở lại, bơi theo xuồng chứ người già, phụ nữ trẻ con phải ở trong xuồng, phải được an toàn. Các đơn vị, cá nhân địa bàn Quân khu Bốn trong đó có lực lượng bộ đội Biên phòng những ngày vượt lũ cứu dân là một cuộc chiến đấu thực sự. Tướng lĩnh cũng nhịn đói, nhịn khát, cũng vượt hiểm nguy với nhân dân, những người đã nuôi dưỡng mình, chở che để mình trở thành tướng lĩnh. Khó nói hết tình cảm của bộ đội và nhân dân trong những ngày vượt lũ, chiến đấu vật lộn với giặc nước vốn đứng đầu những loại giặc thiên nhiên nguy hiểm nhất, hung hãn nhất. Trò chuyện với chúng tôi, những người lính vẫn đang còn rất bận với công việc khắc phục hậu quả của trận bão lũ lịch sử hàng trăm năm mới thấy tỏ ra ngẫm ngợi lắm. Cái trầm ngâm, nhỏ nhẹ, lặng lẽ của các anh khi nói về công tác đang phải làm là rất khẩn trương, dường như các anh đang để tâm dõi theo những cột kèo, gỗ gạch, tranh tre, sắt thép mà các chiến sĩ đang gom góp, vận chuyển dựng nhà cho bà con chứ không thì cái nắng và gió Lào đang gào rú ngoài kia mà để chậm một giờ một khắc hẳn bà con vừa mới bị lũ vùi dập lại chịu gió khan nắng cháy nữa sao nỡ đành lòng. Bộ đội biên phòng với nhiệm vụ chính là bảo vệ, quản lý nơi vùng biên viễn mà vẫn hết sức cùng dân chống lũ, kịp thời có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất để cứu dân và hiện đang san sẻ đôi bàn tay, những tấm lòng, cân gạo, viên thuốc, tấm áo tới tận tay bà con. Rồi các anh ra đồng ra ruộng khơi mương, đắp đập, be bờ, nâng niu những cây lúa, rau màu từ cái thuở mông muội, khốn khó, đói khát bao nhiêu thời gian công sức mới có được cuộc sống cơm ăn no, áo mặc lành hôm nay thì thiên nhiên lại đến cướp chính các anh cũng đau lòng lắm. Lại phải nắm tay nhau mà vượt qua đận khó khăn này. Suy nghĩ của người lính, giản dị mà thấm thía, cảm động đến tấy thảy mọi người. Mà ông trời có cảm động không?
Mưa lớn gây lũ lụt và lở đất đã chôn vùi hàng trăm ngôi nhà
Tôi bàng hoàng trước thông tin về thiệt hại mà chắc chắn chưa phải tổng hợp cuối cùng, cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, phần mà những người làm con số thống kê đã gây cho tôi nhiều suy nghĩ mà các phương tiện thông tin đại chúng luôn cập nhật.
Những con số thương tâm đến thắt lòng.
Một vết thương sâu thật khó lành.
*
Nào có ai đo đếm được lòng dạ thiên nhiên.
Và những gì vô giá thuộc về tình người, sự tương thân, tương ái trong đó có tấm lòng của bộ đội với nhân dân những lúc khó khăn khốc liệt nhất ví dầu như bão lũ thì cũng không thể nào đo đếm được, nhưng lại theo một nghĩa hoàn toàn khác.
Vết thương dù sâu mấy dưới bàn tay khối óc con người dần dần cũng kéo da non, cũng sẽ lành dần, xanh lên và ấm lên. Chứ không thì con người lấy gì vượt qua những vấn nạn quá sức của mình, lấy gì vượt qua những bước ngoặt cam go hoàn toàn không do mình gây nên ấy.
Tôi lại lần nữa đi sau các chị, các anh bộ đội trong quá trình chữa lành những vết thương sâu ấy. Tôi đi sau những anh chị quân y sĩ vượt trăm ngàn cây số khi xuồng bè, khi lội bộ ngay trong và sau lũ đem thuốc men, nước uống, lương thực, thực phẩm tới bà con. Cứ thế gây lán, lập trạm, cứ thế quần quật nạo bùn, đánh phèn, khử trùng, phòng dịch, tới bữa chỉ phong lương khô, mẩu bánh mì, hớp nước phèn, đêm ngả lưng ngay trên sạp tre, ván gỗ với bà con dân làng, với người già trẻ nhỏ, có khi còn kiêm nghiệm cả việc khám trâu bò ốm, chẻ củi, đánh gianh, đỡ đẻ, lợp nhà. Những cơ số thuốc mang theo đã hết thì tự kê lên ra thị xã, thành phố lân cận đấy mà mua về cấp kịp thời cho bà con. Cái sự dịch bệnh sau mùa bão lũ, những người lính quân y dù binh nhất, binh nhì nơi xa xôi hẻo lánh, quanh năm suốt tháng chỉ làm bạn với tiếng chó tiếng gà, đến các bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư từ nhiều Bộ, Sở, đều phải nhiệt tình và chu đáo lo toan, đều đến với nhân dân với một tấm lòng thơm thảo như nhau, tấm lòng của người chiến sĩ. Tôi lại đi sau những lớp bộ đội Công binh đã dầm nước, dầm sóng chở xuồng quần thảo trong bao nhiêu ngày đêm bão lũ áo quần chưa kịp khô đã lao vào sửa đường, bắc cầu, mở đường, xẻ núi. Những công việc thầm lặng của các chị, các anh đang đêm như thế, nơi vùng sâu vùng xa như thế mấy khi ống kính nào ghi được, phải nào ai cũng biết đến, chỉ tấm lòng dân luôn ghi nhớ các anh. Hôm nay và mai đây, các anh đương đánh đá mở sông, khơi nguồn nước để tính toán biết đâu bão lũ chẳng còn tiếp tục giáng xuống. Có những sự phòng chống chẳng phải lúc nào cũng có thể báo cáo đi đâu đó được. Trong suy nghĩ của những người chiến sĩ, thì chỉ cần để vợi bớt những khó khăn, gian khổ, thậm chí oan khuất từ thiên nhiên hoặc từ đâu đó cho nhân dân là họ lặng lẽ làm. Tôi đi sau những tấm lòng ở nơi rất xa, nhiều chỗ là ở ngoài biên giới Việt Nam đang hướng về Tổ quốc, hướng về nơi đây với bà con vùng bão lũ. Từng đồng tiền, từng cân gạo, tấm áo, đến sách bút, phấn bảng, giấy mực từ khắp nơi gửi về. Của ít lòng nhiều, tình sâu nghĩa nặng. Cảm nhận những tấm lòng ấy, những sẻ chia ấy từ bạn bè, gia đình, họ mạc nơi trời xa mà nước mắt tôi tự nhiên cứ ứa ra.
Tôi đang đối diện với chính mình nơi dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, nơi sông La, sông Gianh sao lúc này hiền hòa quá thể. Ừ nhỉ mà sông vẫn mãi là sông ru vỗ tuổi thơ lẫm chẫm, chúm chím nụ cành. Sông mơn man, ve vuốt bờ vai thiếu nữ. Sông phiêu bồng uốn lượn giữa đôi bờ khoai lúa, cỏ cây soi bóng lòng sông. Sông hò dô, hò khoan, hát đúm, hát ghẹo. Sông của chàng trai xứ Nghệ cô gái xứ Quảng có lẽ gì chẳng hiền hòa, thơ mộng? Tôi vẫn hằng tin vào sông dù những gì vừa xảy ra ở đây đớn đau, rướm máu và thật khó đong đầy. Ơi vết thương sâu, hãy chóng lành. Bao nhiêu giọt mồ hôi chiến sĩ, nhân dân vẫn đang đổ xuống lòng sông đấy.../.