Thi tập Bắc lên ngọn gió mà cân (nxb Hội Nhà Văn, 2010) của nữ thi sĩ Bùi Kim Anh gồm 54 bài thơ vần điệu hoặc thơ tự do. Toát lên từ sáng tác này tính cách nhân hậu của một phụ nữ Á Đông thời đại, không chỉ làm tốt bổn phận người con, người mẹ và bà, còn ôm ấp thêm những ưu tư xã hội - văn hóa giữa thế sự đất nước ngổn ngang như một sân khấu lớn trên đó Ông Thiện Ông Ác là cặp đạo diễn của từng số phận VN. Cặp từ thiện ác thường hiện ra trong các bài thơ, phải chăng là biểu hiện cho nỗi ám ảnh của nhà thơ về tình trạng suy thoái của đạo lý và nhân cách?
chắc tại tôi không chịu lặng yên
trời trở gió lại trở mình đau nhức
nghe thiên hạ thấy lòng buồn bực
lại ngồi vặn vẹo những vần thơ
Cuối chiều dồn lại một làn mưa
Những vần thơ nặng suy tư, khái quát kinh nghiệm thành các câu ngạn ngữ tàn ác và nhân hậu nhanh chậm cũng ra đi (Tương lai không định nghĩa); như ác thiện tồn tại cuồng quay(Chấp chới thinh không); cái ác cái thiện cùng chắp tay khấn lạy (12 tiếng cuối) …
Buồn phiền, bi quan, cơn đau đến mỗi khi cầm bút(Bóng lưu trữ), lắm lúc cảm nhận tính phù phiếm của ngôn từ trước đồng bào đau khổ:
chỉ viết cho mình bao cảnh sắc thờ ơ
khép câu thơ vào khoảng riêng buồn bã
viết ngàn lời cũng là vô nghĩa
bệnh tật và áo cơm lăn lộn ở ngoài kia
Muộn ngày cho thơ
Dù khó quay mặt tránh né bao chuyện bất bình, thi sĩ là một phụ nữ tay không. Khi xúc động từ tâm, BKA chỉ còn lời cầu nguyện:
cứ khoanh tay tạ lỗi với người
cứ chắp tay cầu bốn phương tám hướng
và câu thơ giăng vào lối cụt
ta lại trở về với thở than
Chiều nghiêng cửa nhà
Mối sầu nhân thế đưa chị đến tôn giáo, nhiều câu thơ mang âm hưởng kinh kệ, khói nhang cầu khấn, viếng chùa lạy Phật, thương khóc cô hồn, liệt sĩ vô danh…(Mời đọc chẳng hạn mấy bài thơ trích tuyển ở phần dưới:Con nam mô gì nữa; Trắng một bề nhớ thương;Gọi những cô hồn)…Triết lý nhà Phật lồng lộng trong mấy câu thơ giải mê như sau:
cái bóng của ta và cái bóng của ai
xin hãy cắt cho loằng ngoằng giải thoát
náu vào đâu kiếp sinh linh chật hẹp
dẫm bước chân nào cũng ngang trái quẩn quanh
Ta và bóng
Đời là bể khổ đã đành, thời sự lại còn bày thêm vô vàn điều trái tai gai mắt. Các thao thức hay gắn bó với thời cuộc chẳng đi đến đâu, nhà thơ trở thành kẻ lưu vong tinh thần: ta là người khách trọ quê hương trả tiền phòng( Giấc ngủ quê). Nhân chứng của bao thảm cảnh, chị chỉ có thể thốt lên lời ta thán trĩu nặng hoài nghi, lạy Trời biết lạy về đâu (Lạy Trời về đâu).
Ngay từ bài đầu, nhà thơ đã độc tấu một ngữ điệu vô vọng, tôi dành cho đời những câu thơ vô nghĩa…chẳng mang nổi mình qua nhịp cầu khổ đau(Lời chiều hôm). Cái tứ này sẽ trở đi trở lại như một điệp khúc,len lách thơ giữa đời chật hẹp/mỗi ngày đo lòng mình con chữ nén lòng mình con chữ cứ bé lại/co thắt lại như thân xác mỗi ngày mỗi già nua(Tự nhiên đi lặng lẽ); cộng thêm tuổi đời chồng chất là những trang thơ xám lạnh,ta đã cũ và câu thơ đã cũ/ngã lòng vào buốt giá đón xuân sang(Buốt giá đón xuân)…
Nhưng, như một nghịch lý, BKA vẫn bám vào lao động nghệ thuật như là cứu cánh ,viết cho riêng mình những câu thơ không biết mỏi(Tương lai không định nghĩa), để tự an ủi dù chị rất tỉnh táo về khả năng hữu hạn của ngôn từ:
những câu thơ giải thoát một sinh linh
tôi giải thoát tôi bằng lời thơ ngắn ngủi
chẳng dành được ai đâu chỉ tự mình an ủi
mất mát bao lần còn mất mát bao lâu
Giải thoát ngắn ngủi
Lạc vào cõi thơ có khác chi lạc vào cõi mộng, nữ thi sĩ có lúc buông lời nửa giác ngộ nửa tự trào:
dò dẫm tôi đi tìm con chữ
xếp lối men vào ý thơ
nắm phải tay mình vỡ giấc mộng
nhặt đụng mảnh lời hư vô
Lời sớm mai
Và chị cũng không ảo tưởng nhiều về cái mốt đua nhau làm thi sĩ như một hội chứng buồn cười trong cái chợ chữ thừa mứa ngày nay:
và những người làm thơ cũng chẳng buồn đọc thơ nữa
dẫm vết chân mình ta dẫm chân nhau
Bản thảo mắc nợ
*
Nhưng nhà thơ BKA vẫn mắc nợ trang thơ và những vần thơ. Có phải vì câu thơ hôm qua cất giấu nỗi niềm xưa, sự sản cuối đời của chủ thể sáng tạo có ý thức về lịch sử bản thân, thấu hiểu rằng dưới độ dày của trải nghiệm vẫn tàng ẩn những viên ngọc hiếm?
câu thơ hôm qua xếp trong lưu trữ
lâu một lần mở ra lau bụi
lâu một lần về nỗi niềm xưa
hành hạ lời vạ vật đau xưa
Bóng lưu trữ
Nội tâm của người nghệ sĩ nằm ngoài không gian-thời gian vật lý. Tôi hình dung cõi miền ấy là ĐẤT THƠ cho cuộc hành hương đằng đẵng của các thi nhân. Người bàng quan vô cảm có thể chê trách bọn làm thơ là những kẻ loạn trí hay cuồng chữ; họ không thể ngờ rằng phép mầu của câu thơ có thể chắp cánh cho tâm hồn đang thao thức trắng đêm hay đắm mình giữa mấy tờ bản thảo bay vút:
câu thơ nhẹ nhàng bay về thời thiếu nữ
hạt sương đêm thức nợ nỗi niềm
Giải thoát ngắn ngủi
Nếu bạn đọc nghĩ là người viết mấy lời nhận định này đã xưng tụng thái quá thi ca, xin các bạn chịu khó đọc những bài trích dẫn sau đây, đặc biệt là ĐÒ ƠI, THỨC DẬY BƠ VƠ, CẠN ĐÁY GIỌT ĐỜI, theo tôi là những tuyệt tác ngắn của loại thơ trữ tình, bất luận VN hay thế giới./.
Cambridge, ngày 26 tháng 10, 2010
TRÍCH TUYỂN
mồng một hay là mười lăm
mỗi tối ngồi trước màn hình
xem thế sự ngó nhân tình mà hay
hôm nay mưa phố ngập đầy
hôm nay xe lại đâm ngay mấy người
lại tăng cao giá vàng mười
lại phiên họp lại có nơi sụt nhà
mỗi tối bao chuyện xảy ra
như gần mà lại như xa với mình
xót thương cũng trước màn hình
bực bội cũng chỉ một mình với ta
sớm ra chợ thấy nhiều hoa
hôm nay mồng một hay là mười lăm
mượn gió mà thề
chợ tình họp ở đâu em
cho chị theo bõ khát thèm bấy lâu
mờ sương chẳng thấy mặt nhau
thì ta quờ quạng dăm câu với tình
mờ sương chẳng rõ đẹp xinh
chỉ bóng người với bóng mình quyện đôi
đến chợ chợ đã vãn người
trao nhau một chút tình rơi vội vàng
của em chị chẳng chàng màng
của chị giờ đã lỡ làng đam mê
lên non mượn gió mà thề
mượn sương mà ước mà về tay không
bỏ làng lên phố ai ơi
bỏ làng lên phố vì ai
luống rau để héo củ khoai để hà
bát cơm chan với quả cà
một gian trọ hẹp ép ba bảy người
bỏ làng lên phố đi thôi
bán mua chi cũng được mươi đồng tiền
mưa nhiều thì dạt mái hiên
nắng nhiều thì đội ưu phiền mà đi
nỗi quê
cánh đồng quê với cánh cò
đưa tôi về với con đò dòng sông
chiều thưa thớt thả ước mong
gần xa nỗi nhớ long đong một mình
cha cho một đấu tâm tình
mẹ cho tóc rối thân hình mỏng manh
một đời xa cội xa cành
bức tranh quê họa bức mành lưa thưa
à ơi câu ca ngày xưa
giờ ru cháu ngủ mà đưa lòng về
nếu như phố gọi là quê
cánh diều giấy gấp mải mê nơi nào
trời cao hay thấp đầy sao
nỗi quê viết mãi chẳng bao giờ đầy.
trắng một bề nhớ thương
một ngôi mộ ở ven đường
tháng năm không đặt bát hương để thờ
một ngôi mộ thật chơ vơ
không bia để biết bây giờ là ai
cuộc chiến thì rõ là dài
hai bên núi biết sớm mai chiều tà
người ngã xuống địch hay ta
mẹ ơi tiếng gọi thiết tha chìm dần
bao năm tìm mộ người thân
hồn chưa thoát khỏi cõi trần được đây
náu vào núi dựa vào cây
chốn xa hồn cứ lắt lay đợi chờ
để cho người chết bơ vơ
một thời tình nguyện bây giờ vô danh
một thời vì cuộc chiến tranh
bây giờ dưới đất yên lành những ai
Luang Prabang chặng đường dài
bao ngày mai để ngày mai anh về
vẫn dành phần mộ nơi quê
hoa thì vẫn trắng một bề nhớ thương
giấc ngủ quê
ta là đứa con gái sinh ra từ quê ngoại
iu ấp lòng bà thành hai tiếng quê hương
kí ức tuổi thơ lục lọi bộn bừa
chỉ còn lại một lần tắm ao nhà năm mười tuổi
chỉ còn lại một lối gập ghềnh cỏ ướt dẫn đến mộ ông giữa cánh đồng ngút lúa
không còn ai người thân
ta là khách trọ quê hương trả tiền phòng
lật mở mớ tóc xõa xòa mảnh trăng thượng tầng thõng qua ô cửa
gío vẫn gió thoảng hương cau đầu ngõ
gío chia cho thời gian mùa lúa
đêm nay gom cho ta những chữ cái rời rạc ghép về hai chữ quê hương
mẹ gánh ta qua dòng sông xưa chỉ có bến phà gánh ta đi trên con đường dài không đo cây số
nắng khô tuổi thanh xuân cạn kiệt lúc tuổi già
ta ở phố dòng người xô vào bụi bặm
mỗi ngày tâm hồn mất đi yên lặng mỗi ngày vầng trán cày thêm rãnh lo toan
sự kỳ diệu như hạt thóc nhỏ nhoi như lặng lẽ đêm nay trăng chiếu giấc ngủ quê êm ả
sự kỳ diệu cho ta vượt qua bản ngã yếu hèn cho nhịp sống không tuột xuống con dốc của ghét ghen và thù hận
những tứ thơ giãy đạp con nước sông quê thèm ầu ơ của ngày xưa xa ngúc ngoắc
ta là khách trọ quê hương trả tiền phòng
con nam mô gì nữa
tóc bạc rồi con vẫn cần có mẹ
nắng pha sương nên nắng nhạt trên đầu
ai cũng bảo chết đi cho đỡ khổ
sướng dẫu tới đâu chỉ đau đớn nặng lòng
nén nhang này con thắp tới mẹ không
quần áo bạc tiền đốt thành tro thưa mẹ
dẫu sướng khổ cũng kiếp đời sống thật
một cõi âm tiền của cũng khí âm
nơi mịt mờ có thật lẫn giả không
nam mô Phật con nam mô gì nữa
chắp giữa lòng tay những nét đời ngang ngửa
đường đời nào sướng khổ hằn sâu
con chỉ muốn tin người mất mất hết rồi
bát cháo nhạt nhèo hạt muối chát tình nhẹ như hạt bỏng
hồn mẹ tựa vào đâu hay vẫn hồn đơn độc
hay vẫn dõi về cuộc sống kiếp thế gian
nén nhang này quện khói với người dưng
lúc mẹ xa con còn điều chưa nói hết
đời nhiễu nhương làm sao thấu được
xin cho thơ con để thoát nợ âm hồn
sao lại là lá thu rơi
đường Hà Nội mới thu sang
níu trời vẫn cơn nắng hạ
mùa đông bây giờ chưa đến
vay đâu ngọn gió se lòng
khắc khoải nhịp cầu chờ mong
lạnh lùng vương qua khe cửa
sao lại là lá thu rơi
sao người lại đi không đợi
chiều của riêng ai đâu
hững hờ ru ngoài ngọn gió
đành mang tình vờ vĩnh vậy
đi theo mùa đông cuối trời
thức dậy bơ vơ
người ở cách ta một giấc mơ cách những ý nghĩ nỗi ngày len đến
chẳng còn khoảng trống để dành cho người nữa
chỉ những khe hẹp không đủ cho gió lách vào
khe hẹp của đôi lần chợt nhớ
ta đã quen sống với nỗi niềm của chồng con
24 nấc lẫn lộn thảnh thơi và mỏi mệt
ta đã quen là người đàn bà như bao người đàn bà giữa bữa ăn và giấc ngủ
lẫn lộn đôi chữ nghĩa tình
chót dại làm thơ để mở mắt cả trong mộng mị
một phút người xưa thức dậy bơ vơ
đò ơi
ai gọi ta không gọi dòng nước xuôi đò sang ngang chèo ngược
ai xuống đò không bên này bên kia bãi lặng nắng xông xênh mắt chói bóng không người
cây gạo lùi sùi choàng thêm dáng đứng bông lòa xòa chẳng biết đón đưa
bến sông xưa thưa thớt đò chòng chành con nước
ai xuống đò không bên ấy có còn ai trượt theo triền dốc
người xưa ơi gió đã ngả về chiều
ta tìm gì sông vẫn nước đò chèo không thay dáng
bên này quán bên kia quán
lỡ chuyến sang ngang lỡ nhịp đời
đò ơi năm bảy nhịp cầu đò vẫn đón đưa
một dải đê lầm lụi
ta đợi gì triền cỏ hoang nở hoa hoang dại
biết gọi tên nào cho thủa đôi mươi
cạn đáy giọt đời
thả kí ức xuống dòng sông
mắt sông đâu mà giọt cạn đáy giọt đời
quá khứ vơi đầy đầy vơi
đã bao giờ đau đến cạn cùng lòng nước
sông Hồng ơi biết bên nào bến lở thuyền xuôi táp bãi soãi soài
ước gì trở lại tuổi lên mười
ta và chiếc xe bé bỏng còng nhau đến nhịp giữa cầu Long Biên chạy cuồng xuống bãi
ước gì trở lại tuổi đôi mươi
ta và mối tình đầu sóng đôi cúi nhìn dòng sông ngầu nước chảy
sông Hồng ơi mang đâu kỷ niệm của làng của phố mang đâu hình bóng mỗi tuổi đời
năm tháng vơi đầy đầy vơi
đã bao giờ cho ai thấy trũng sâu phù sa không chỉ là hạt cát
đã bao giờ phơi sương phơi nắng lòng mình
sao phải ước sông lững lờ cho thuyền ngược lên bến đợi
sao phải ước sông trở nước đến vặn dòng khi tháng bảy tháng ba
sợ một ngày nào
ta có lỗi với những câu thơ của mình
nặng nề buông lời lên trang trắng
nặng nề nhặt từ ngày đổ vào đêm gãy dòng thi tứ
ta có lỗi với cô đơn của mẹ của cha từ thủa lọt lòng
ta có lỗi với lận đận của con khi không biết chọn năm sinh trai hay là gái
chữ nghĩa vặn thở dài với ta
trả cho cha mẹ ở nơi nào đây
chờ một ngày tìm về vô vọng
trả cho con hôm nay và mai mốt ký ức tráo trở đầu đuôi
cuộc đời bạc nhuộm đi lại bạc
giúp được gì cho những trái ngang chứa đầy oan khổ
thi tứ vẩn vơ chưa bán được một hào
có lỗi với thơ ta sợ một ngày nào
đêm cứ thức và thơ không về nữa
trang giấy trắng nguyên chờ bình minh
trang giấy trắng nguyên không vọng tiếng đêm
trang giấy trắng nguyên không phả hơi nồng nặc ngày
vần thơ đứt như cánh đồng nứt nẻ nứt nẻ gót chân làng quê trên phố chật người
không viết nổi cho mình ta sợ một ngày nào
chỉ là chữ a b đánh vần trẻ nhỏ
chỉ là nghĩa gắn tình năm tháng
nhìn mưa rơi nhìn mồ hôi rơi lãnh đạm
đọc trang báo mạng lướt qua người đẹp chân dài lướt qua trẻ bị xâm hại thờ ơ
chỉ hai chữ cái và một dấu nặng mà khiến ta bé nhỏ thêm còm cõi
ta sợ một ngày nào./.