Hồi ấy mẹ tôi kể chuyện ma cho tôi nghe là để cho đứa bé lên chín lên mười là tôi bắt đầu có vốn liếng kiến thức về thế giới. Những câu chuyện kể này là mẹ tôi đã tiếp thu được từ bà nội tôi, còn bà nội tôi thì tiếp thu từ bà cố tôi, bà cố tôi thì tiếp thu từ bà cao tôi… Bỡi nhà tôi có truyền thống nuôi dạy con là người mẹ phải truyền cho đám con ở tuổi ấu thơ thứ kiến thức ban đầu là những chuyện kể dân gian, và khi những đứa con trai có vợ thì người mẹ lại phải truyền thứ kiến thức đó cho đám con dâu, rồi khi đám con dâu trở thành những người mẹ thì lại phải làm nhiệm vụ nói trên của một người mẹ. Như vậy, những câu chuyện ma mẹ tôi đem ra kể cho tôi nghe là có tự đời não đời nào. Nói truyền cho con cái những chuyện kể dân gian, nhưng trên thực tế thì ở nhà tôi, toàn bộ những câu chuyện được các bà mẹ đem ra kể đều là chuyện ma. Mãi đến khi làm công việc sưu tập thứ văn chương dân gian ấy, tôi mới vỡ lẽ tất cả những câu chuyện ma mẹ tôi kể hồi ấy là mang rõ nét vùng đất quê tôi, có nghĩa, lũ ma trong những câu chuyện ấy là không thể lẫn với lũ ma trong những câu chuyện kể khác. Mãi đến khi làm công việc sưu tập này, tôi cũng vẫn chưa tìm ra được lời giải cho câu hỏi tôi vẫn luôn đặt ra với mẹ tôi hồi ấy: Vậy thì lũ ma là do ai sinh ra? Và cũng chính là cái câu hỏi ám ảnh suốt một thời thơ ấu của tôi đã khơi dậy niềm đam mê trong tôi. Để có lời giải cho tra vấn về gốc gác loài ma, một thứ tra vấn có tính chất siêu hình, tôi phải có trong tay những câu chuyện kể về chúng, càng nhiều càng hay. Như vậy là tôi đã lao vào công việc sưu tập sưu tầm vô cùng vất vả, nhưng cũng vô cùng lý thú. Lũ ma đã được phổ thành văn chương, phổ thành sách vở, thì cứ việc lật sách vở ra mà tìm. Nhưng lũ ma còn nguyên gốc, tức còn nguyên dạng hình, thì phải được nghe chính miệng người đời kể ra.
Thời buổi con người đã leo lên tới mặt trời mặt trăng, chỉ khùng điên mới còn đi sưu tìm những thứ ấy? Có một ông lão ở làng bên, cũng đã rất già, đã ném vào mặt tôi cái cười mỉa mai và kèm theo cái thông điệp về thành tựu khoa học, lúc tôi đến gặp ông để xin ông kể cho nghe một vài câu chuyện về ma. Tinh thần duy khoa học của ông lão đã làm tôi hứng thú nghĩ đến một ngày nào đó sẽ có một ngành ma học chuyên nghiên cứu về ma, được xếp cạnh các ngành khảo cổ học, nhân chủng học. Thế giới của loài ma là rất rộng lớn. Có loài chỉ sống dưới nước, có loài chuyên sống trên cạn, loài thì bay, loài thì đi nhanh như gió… Hóa ra tự thuở nào người ta đã đặt tên cho ma và phân chia chúng thành những loài riêng biệt, ví dụ như có thứ ma thuộc loài sống dưới nước chuyên làm cho người ta chết đuối thì được đặt tên là ma gia, hoặc cái con ma sống trên cạn thường hay dọa người bằng cách thè lưỡi ra, thì được gọi là ma le. Riêng con ma chân to có cuộc đời dài quá, mẹ tôi phải mất tới mấy tháng trời mới kể cho tôi nghe hết. Chỉ trừ những hôm mới tối tôi đã lăn ra ngủ, hoặc những hôm mẹ tôi vì làm lụng vất vả cả ngày, đêm mệt, không thể thức, còn lại thì đêm nào cũng thế, cơm tối xong yên thì mẹ con tôi lên giường, và con ma chân to lại bước vào cuộc chuyện trò của mẹ con tôi. Nói đấy là cuộc chuyện trò về ma thì đúng hơn nói đấy là cuộc kể chuyện ma hay nghe kể chuyện ma. Tức, không phải mẹ tôi chỉ kể suông, mà còn xen vào những nghị luận, cốt cho tôi hiểu những diễn tiến của câu chuyện kể, còn tôi thì xen vào những chất vấn. Quả tình là con ma chân to rất kích thích trí não tuổi thơ của tôi.
Có những đêm mẹ tôi phải dừng câu chuyện kể để trả lời những chất vấn của tôi. Tôi còn nhớ là cả những tra hỏi của tôi, cả những lời giải đáp của mẹ tôi đều mang tính phi thực, tôi thì cứ nghe tới chỗ đó thì tưởng tượng ra đủ thứ rồi hỏi đủ thứ, còn mẹ tôi thì cũng tưởng tượng ra những cách trả lời, bỡi bấy giờ là mẹ con tôi bàn luận về thế giới của loài ma, cái thế giới của những kẻ luôn tồn tại qua những câu chuyện kể, và chẳng một ai trên thế gian muốn thừa nhận sự tồn tại đó, mà cũng phải thôi, ai lại đi thừa nhận sự tồn tại của lũ ma. Nó, cái con ma chân to đó, sống tới mấy ngàn năm tuổi, chuyên ăn xương tủy con người để sống. Tôi còn nhớ lúc mẹ tôi kể tới đoạn đó thì tôi cứ nằm im, không nói không rằng, rồi dùng mấy ngón tay xát lên hai hàm răng của mình, vừa xát lên răng, vừa tự hỏi nếu tôi là con ma chân to thì tôi ăn xương tủy con người bằng cách nào? Dĩ nhiên là tôi phải hỏi mẹ tôi. Hút. Mẹ tôi nói. Hút là sao? Tôi hỏi. Chứ con không nghe người ta nói hút tận xương tủy hay sao? Mẹ tôi đáp. Tôi quần mẹ tôi suốt đêm hôm đó. Chỉ mỗi chuyện hút xương tủy mà tôi đã quần mẹ tôi suốt đêm. Rốt cuộc, cho tới lúc trời sáng bảnh, mẹ tôi vẫn chưa làm cho tôi hiểu được hút tận xương tủy là sao. Còn đó là đoạn nói về một người dám ra mặt đối đáp với con ma đó. Lần đầu nghe chó sủa, người ấy biết là con ma chân to đến, bèn leo lên trần nhà, dỡ mái tranh, chui ra ngồi ở tận nóc nhà. Thường, người ấy thấy con ma chỉ cao hơn mình một cái đầu, không hiểu sao đêm ấy, lúc đã leo ngồi tận nóc nhà, vẫn thấy nó đứng cao hơn mình. Sở dĩ người ấy không bị con ma chân to hút xương tủy là do nó mắc đuổi theo lũ chó. Đêm ấy thì nó hút xương tủy của lũ chó. Vì thương tiếc đám chó khôn ngoan của mình, người ấy đã chôn xác chúng ngay trong vườn nhà mình. Rồi cất một cái chòi cao hơn tất cả những nóc nhà ở trong làng, để đêm đến thì ngủ ở trên đó để phòng tránh con ma đó. Một đêm, nghe tiếng chân đám ma chó chạy đầy vườn, người ấy biết là con ma chân to đã đến. Ngươi là đồ tàn bạo, đê hèn, ngay cả xương tủy lũ chó ngươi cũng chẳng từ. Từ trên chòi cao, người ấy chửi rủa. Nghe tiếng người ấy, lũ ma chó ngưng chạy. Và lập tức người ấy thấy con ma chân to đứng sừng sững trước mặt mình, cũng vẫn là cao hơn mình một cái đầu. Lũ ma chó cũng lập tức sủa váng làng váng xóm, vừa sủa, vừa vây lấy con ma chân to. Hãy nói với đám ma chó nới cả ra, thì ta tha chết cho ngươi. Con ma nói. Đồ gian ác, lường gạt. Người ấy lại chửi rủa. Vậy là con ma chân to phải lo việc phá vòng vây. Có nghĩa, nó chẳng còn tâm trí để tiến hành việc hút xương tủy người ấy. Vậy là cuộc chiến giữa hai loài ma đã diễn ra suốt đêm. Bao vây và phá bao vây. Gầm hét là con ma chân to. Sủa không ngớt miệng là lũ ma chó. Mẹ tôi nói các loài giống trong trời đất thì đã quen với cách ấy, là việc ai nấy làm, ở trong vườn thì lũ ma đánh nhau, máu đổ đầu rơi, nhưng ngoài bờ rào thì lũ dế cứ việc ca hát. Tại vì sao con ma đó thì lúc nào cũng đứng cao hơn người đó? Tôi xen vô hỏi. Bỡi vì nó là con ma thích đè đầu cỡi cổ kẻ khác. Tôi nhớ là hình như mẹ tôi nói thế. Và tôi không hiểu. Lại mở ra một vấn đề nữa. Thích đè đầu cỡi cổ là sao? Tôi lại hỏi. Có lẽ mẹ tôi không còn thức nổi nữa. Ngủ đi con, hình như là có tiếng chân con ma đó ở ngoài ngõ nhà mình. Bà dọa cho tôi không hỏi nữa. Tôi nằm im, cố lắng tai nghe. Quả là lũ dế đang ca hát ngoài bờ rào nhà tôi. Nằm nghe dế hát, và cứ thầm mong con ma chân to đến thật. Nếu quả thật thế, thì sáng hôm sau tôi sẽ khoác lác với lũ bạn của tôi, rằng mình đã gặp ma, một con ma sống trên xương tủy kẻ khác, đồ thối rữa, tôi sẽ nói với lũ bạn tôi rằng mình đã chửi như xối nước vô mặt con ma đó.
Bấy giờ là đương có chiến tranh, nhưng là xảy ở những nơi đâu, còn ở làng tôi thì lâu lâu thấy bố ráp bắt lính, hoặc thấy đem xác lính về làng. Cứ nằm ao ước làm thế nào gặp được con ma ấy, thành ra chẳng ngủ được. Vào lúc gà gáy lần đầu thì nghe có tiếng chân chạy ở ngoài ngõ nhà tôi thật. Tôi nghe lạnh từ trên cổ lạnh dọc xuống sống lưng. Cứ nghĩ là con ma ấy biết tôi đương ao ước gặp nó, nên nó đã đến thật. Tôi định kêu mẹ tôi (sau khi tôi không còn hỏi gì nữa, mẹ tôi đã ngon giấc) nhưng không thể kêu được, vì miệng mòm môi răng tôi như đương đông cứng cả. Cứ nghĩ thế nào con ma đó cũng ăn mình, thành nghe khiếp hãi trong lòng, cứ nằm nhắm chặt cả hai mắt mà chờ chết. Cho đến lúc trời sáng bảnh, mở mắt ra thấy mình còn nguyên, thì mừng vô kể. Mẹ tôi thức dậy từ hồi nào, đã cho heo gà ăn xong xuôi. Bà vô nhà nói cho tôi biết là hồi gà gáy lần đầu lính của chính phủ đã đuổi bắt được ông anh con bác tôi cùng với chín đứa con trai khác ở trong làng. Tôi cứ muốn hỏi mẹ tôi, rằng có phải con ma chân to mẹ tôi kể cho tôi nghe bấy lâu là đám lính chính phủ không? Nhưng cho đến đêm đó thì tôi không cầm được nước mắt. Đó là đêm mẹ tôi kể đến đoạn con ma chân to chuyển sang ăn hơi thở con người. Không chết liền. Mà người ấy cứ tơi tả dần, cho đến khi không còn đứng nổi nữa, thì ngã xuống chết. Nó đã mò đến nước ấy, và người của nước ấy chết cả. Những người bị con ma chân to ăn mất hơi thở, chết hóa thành ma trơi. Mẹ tôi nói đêm thấy có ánh lửa bập bùng nơi gò hoang hay nơi đồng vắng, thì đấy là ma trơi. Nghe tôi thút thít khóc, mẹ tôi tưởng tôi sợ, cứ ôm chặt lấy người tôi. Bà đâu biết sự tàn nhẫn ác độc của con ma ấy đã chạm vào tâm hồn trong trắng của tôi. Ngay tối hôm sau, trước khi lên giường nghe mẹ kể tiếp chuyện con ma đó, tôi ra ngồi ở hiên hè để coi thử có nhìn thấy lũ ma trơi hiện lên trên cánh đồng làng trước nhà tôi hay không. Từ rất xa, trên dãy núi phía nam làng tôi, có thật nhiều ánh lửa. Tôi liền lôi mẹ tôi ra hiên hè. Là ma trơi, nhiều lắm. Tôi thì thào vào tai mẹ tôi, và chỉ tay về phía dãy núi ở phía nam làng. Không phải ma trơi đâu, mà là lửa của những người đốt than đó. Rõ ràng là giữa màn đêm thăm thẳm có ánh lửa bập bùng nơi dãy núi ấy, nhưng mẹ tôi cứ bảo đấy là lửa đốt than đêm. Vào những tháng năm đó thì lúc nào con ma chân to cũng làm ra vẻ nhân từ. Nó bảo với người làng này rằng nó đến đây là để hà hơi tiếp sức cho dân làng để muốn sống tới chừng nào thì sống. Ai cũng biết là con ma đó đang đói, bỡi khi gặp nó thì ai nấy đều nín hơi. Hãy cứ đi đứng hít thở cho thoái mái, rồi ta hà hơi tiếp sức cho. Con ma nói. Đồ quân bịp bợm. Cha của con bấy giờ không nín được, đã mở miệng chửi. Mẹ tôi ngừng kể, vì ở bên giường của cha tôi, ông đã ngồi dậy trong bóng đêm, và bật cười to. Ông nói, hồi ấy bà nội tôi kể tới đoạn con ma tới làng này thì ông tằng tổ nhà tôi đã chửi vào mặt nó như thế. Ông không nhịn được cười là vì đương không mẹ tôi đã lôi ông vô đó. Không phải là đương không. Mẹ tôi phân giải. Là hồi ấy mẹ tôi cũng nghe bà nội kể như đã kể với cha tôi, nhưng để cho ngày nay câu chuyện đó gần gũi với tôi hơn, mẹ tôi phải đưa cha tôi vô thay ông tằng tổ nhà tôi. Lúc ấy là tôi chỉ thấy rất vui, có cha tôi nhảy vô với con ma đó là rất vui. Và mãi đến khi làm công việc sưu tập chuyện ma tôi mới gẫm ra là lũ ma thì luôn tồn tại trong suy nghĩ của con người, và cứ mỗi thời thì người ta nhìn chúng theo cách của thời đó. Từ những gì được nghe mẹ kể, tôi tự đúc kết trong trí não hồn nhiên của tôi, rằng lũ chó khi chết thì thành ma chó, những người bị lấy mất hơi thở chết thành ma trơi. Nhưng khi đem những đúc kết đó ra nói với mẹ tôi thì bà lắc đầu, cười. Có nghĩa là tôi đã nghĩ không trúng. Còn mỗi khi tôi nhắc lại câu hỏi ai sinh ra lũ ma, mẹ tôi lại đổ thừa hồi ấy bà không nghe bà nội tôi nói về chuyện đó.
Vào một ngày tôi sưu tìm được một câu chuyện nói về một loài ma có tên là ma mút, loài ma một thời đã làm sụp đổ cả thế giới, thì tôi thấy như mình đã ngộ được cái lời giải cho câu hỏi vẫn ám ảnh suốt thời thơ ấu của tôi, rằng thế giới loài ma chỉ là những phúng dụ về những điều trái với những điều tốt đẹp của con người. Nhưng đến khi đọc được lý thuyết của ông Auguste Comte, nhà triết học thực nghiệm của nước Pháp thế kỷ mười chín, tôi đâm ra boăn khoăn về cách kiến giải nói trên của tôi. Vì cứ theo nhà triết học này, thì ma, hay thần thánh, là tự nhiên được nhìn theo cách nhìn thần học của nhân loại thời sơ khai (và lịch sử tiếp theo sau là cách nhìn triết học, rồi khoa học thực nghiệm) Như vậy là cho đến nay tôi vẫn chưa có lời giải thõa đáng cho vấn nạn mình đã đặt ra tự thuở ấy. Câu chuyện về con ma thích đè đầu cỡi cổ kẻ khác vẫn còn đè nặng tâm trí tôi. Và tôi vẫn thầm mong sao đây không phải là thông điệp luân lý theo lối ném những ẩn dụ vào mặt con người, mà chỉ là những hình ảnh về thế giới trong nhận thức nhân loại buổi sơ khai./.
Mùa thu, 2008