Hiếm có cái gì được người Nga thích hơn là những ngày lễ lạc – chỉ cần có cơ hội nhắc nhớ đến lịch sử phong phú của nền văn hóa Nga là người ta lập tức tổ chức hội hè, hội thảo, nhạc hội và dựng phim.
Năm 2010, nhân dịp kỉ niệm 150 năm ngày sinh của Anton Chekhov, Tổng thống Dmitry Medveded đã bay đến tận một ngôi làng nhỏ ở phương Nam, quê hương của nhà sọan kịch, để đặt một lẵng hoa hồng trắng. Một trăm năm ngày mất của thi sĩ Alexander Pushkin (ông mất năm 1937) cũng được tổ chức trên khắp cả nước, thậm chí người ta còn lấy tên ông để đặt cho một thành phố.
Thế thì tạo sao bây giờ nước Nga lại không nói gì về Leo Tolstoy, người được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nhân lọai?
20 tháng 11 năm nay sẽ là ngày kỉ niệm một trăm năm ngày mất của Tolstoy. Sau khi giành được sự công nhận và nổi tiếng trên tòan thế giới với hai tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình và Anna Karenina, Leo Toltoy quay sang những luận thuyết tôn giáo và cuối cùng, bị nhà thờ Chính thống giáo Nga rút phép thông công. Năm 1910, khi đã ở tuổi 82, ông rời bỏ gia đình và điền trang của mình ở Yasnaya Polyana, ngọai ô Moskva và mấy ngày sau thì trút hơi thở cuối cùng vì bệnh viêm phổi ở một nhà ga gần đấy.
Một kết cục đầy bi kịch nhưng rất phù hợp với nhà văn suốt đời khảo sát những vấn đề làm người ta hồi hộp nhất trên đời: gia đình, chiến tranh, tình yêu.
Ít nhất, ở phương Tây người ta nhớ đến ông như thế. Ở nước Nga, khắp nới và bao giờ người ta cũng gắn kết trước tác của ông với những tác phẩm triết học, thuyết giáo về những nguyên tắc bất bạo động, sống đơn giản và tình bằng hữu.
Vấn đề có thể là ở chỗ đó.
«Lev Nikolayevich [Tolstoy] đặt ra những câu hỏi rất khó chịu” - Fyokla Tolstaya, cô chút gái của nhà văn nói như thế. “Những vấn đề ông viết – chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa hòa bình, công lí, tôn giáo và vùng Caucasus – chẳng vấn đề nào là được giải quyết cả”.
“Ông là một tác giả làm khó cho nhà cầm quyền hiện nay”, cô nói.
Đấy có thể là lí do vì sao chính phủ lại tảng lờ ngày kỉ niệm này.
“Chúng tôi chưa nhận được quyết định tổ chức ngày kỉ niệm”, người phụ nữ, xin được ẩn danh, ở Ủy ban chuyên trách về những ngày kỉ niệm thuộc Bộ văn hóa đã trả lời chúng tôi như thế. Thế mà để kỉ niệm những nhà văn vĩ đại khác của nước Nga, tuy ở phương Tây không nổi tiếng bằng Tolstoy, Ủy ban này thường được chỉ đạo chuẩn bị trước hàng mấy năm trời. Bà này nói, thí dụ, văn phòng của bà nhận được lệnh chuẩn bị kỉ niệm 150 năm ngày sinh của Chekhov từ năm 2007.
“Cái chính phủ thường tỏ ra rất tích cực trong việc tổ chức các lễ lạt có vẻ như đã xếp Leo Tolstoy vào xó rồi”, Catherine Tolstoy, người đại diện 22 tuổi của dòng họ rất đông con cháu nhà Tolstoy nói như thế.
“Ông rất được người ta kính trọng, nhưng họ không lợi dụng được ông và quan điểm của ông không giống họ. Cách đánh giá của ông khác hẳn cách đánh giá của chính phủ hiện nay”, cô nói.
Nhưng các nhà văn được tổ chức kỉ niệm khác, trong đó có Chekhov và nhà văn trào phúng vĩ đại Nikolai Gogol, cũng đã từng phê phán đất nước vì những vấn đề mà cho đến nay vẫn chẳng thay đổi được là bao: tệ tham nhũng của các quan chức, nạn nghiện rượu, cách đối xử với tù nhân.
Quyết định của chính phủ tảng lờ, không tiến hành kỉ niệm lần thứ 100 ngày mất của Leo Tolstoy làm cho ngay cả những người ủng hộ chế độ nhiệt tình nhất cũng phải ngạc nhiên. Họ tìm cách nói rằng nên kỉ niệm ngày sinh chứ không phải ngày mất.
“Trên TV không có chương trình dành riêng để nói về ông, nhưng như thế không có nghĩa là chúng tôi không đánh giá cao ông”, Marina Tikhonycheva, giám đốc Viện Tolstoy nói như thế. Theo lời bà, tất cả học sinh lớp 10 ở Nga đều phải đọc Chiến tranh và Hòa bình. (Sau này bà nhận xét rằng kênh truyền hình Văn Hóa [Kultura channel] gần đây có chiếu lại bộ phim Chiến tranh và Hòa bình, nhưng thực ra không phải là vì lễ kỉ niệm Tolstoy mà nhân kỉ niệm 90 năm ngày sinh của đạo diễn và diễn viên Sergei Bondarchuk).
Một số người cho rằng việc lờ Leo Tolstoy là hòan tòan cố ý, họ bảo đấy là do quan hệ của ông với nhà thờ Chính thống giáo. Nhà thờ này đã rút phép thông công Leo Tolstoy vào năm 1901 vì ông phủ nhận Jesus Christ và tôn giáo của Ngài.
“Quan điểm của nhà thờ về Tolstoy vẫn không thay đổi”, nguồn tin trong Ủy ban văn hóa của nhà thờ Chính thống giáo nói. “Tolstoy là người phản Đạo. Ông ta đã bị rút phép thông công rồi và vì vậy mà không phải là mối quan tâm của nhà thờ”.
Gia đình Tolstoy đã nhiều lần đề nghị nhà thờ xem xét lại việc rút phép thông công của nhà văn. Nhưng nhà thờ thẳng thừng từ chối.
“Chỉ có thể rút lại khi đương sự sám hối. Người chết rồi thì không thể làm gì được nữa”, nguồn tin của nhà thờ nói như thế.
“Nhà thờ có thể gây áp lực đối với văn hóa, nhưng không thể đến mức như thế được”, Boris Felikov, phó giáo sư về tôn giáo ở Trường đại học nhân văn quốc gia Nga nói như thế.
Một số hậu duệ của Tolstoy không đồng ý với ông này. “Chính phủ có quan hệ tốt với nhà thờ, tạo ra khá nhiều áp lực đối với quốc gia, hệt như thời trước cách mạng vậy”, bà Tolstaya nói. Dưới thời Xô Viết, quan điểm chống đối nhà thờ và ủng hộ đời sống nông dân của ông đã làm cho ông trở thành người hùng của chế độ cộng sản (Lenin còn viết tiểu luận nhan đề: Tolstoy – tấm gương của cách mạng Nga).
“Bây giờ cách tiếp cận đã khác. Ông là người gây phiền tóai, người ta không cần ông nữa”, Tolstaya bảo như thế.
Có thể những điều bà nói về chính phủ Nga và nhà thờ đầy quyền lực của nó là đúng, nhưng ở phương Tây thì khác. Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày mất của ông, nhiều bản dịch mới đã được xuất bản. Bộ phim Nhà ga cuối cùng [The Last Station] nói về những ngày cuối cùng của ông được giới phê bình nhiệt liệt hoan nghênh, hai diễn viên chính là Helen Mirren và Christopher Plummer đều được đề nghị vào danh sách trao giải Oscars. Bộ tiểu sử mới của Sophia Tolstaya, phu nhân nhà văn, cũng như tuyển tập thư từ của bà cũng vừa được xuất bản.
Còn ở chính nước Nga, các họat động kỉ niệm cũng được tổ chức ở điền trang của Tolstoy cũng như ở một số trường đại học và viện bảo tàng ở Moskva. Ngày 20 tháng 11 này, ở ga Ostakino, nơi Tolstoy trút hơi thở cuối cùng, người ta sẽ khánh thành một viện bảo tàng nhỏ.
“Tolstoy vẫn còn là vấn đề thời sự. Câu hỏi là: sau khi ông mất 100 năm, người dân Nga đã làm được gì? Chúng ta có thể trả lời được những câu hỏi mà ông đặt ra không? Câu trả lời là không”, Toltaya nói như thế.
Nguồn: http://www.globalpost.com/dispatch/russia/101011/leo-tolstoy-death