Dòng sông trôi lững lờ.
Có một con cá đang xuôi theo dòng chảy của con sông đó.
Ở con sông này có một hay nhiều con cá?
Cậu bé không thể biết được điều đó. Ngay trước mặt cậu, chỉ có một con cá. Có lẽ, ở một nơi nào đó của con sông này cũng sẽ có những con cá khác.
Con cá đang bơi trước mặt cậu không lớn cũng không nhỏ. Nó có vóc dáng trung bình vốn dĩ của một con cá. Nhưng cái thân hình màu xám của nó lại cho cậu cảm giác nó thật mong manh. Mong manh vì lớp da ấy không căng mọng và phẳng lì như bao con cá khác. Nó ghồ ghề những lằn xương. Xương nhiều và chi chít nổi lên khắp da thịt của con cá.
Có lẽ con cá vẫn còn đang sống. Mặc dù cả thân hình của nó nằm ngoi lên nước nhưng chiếc đuôi vẫn còn khẽ quẩy và đôi mắt nó dường như còn sót lại chút linh hồn cần có của một thực thể sống. Đối với những loại cá khác, tư thế nằm úp cả mình lên mặt nước thế kia đồng nghĩa với việc con cá ấy đã chết. Nhưng con cá này thì ngược lại. Nó vẫn còn sống khi nằm úp như thế. Hoặc giả, nó chỉ có thể sống được khi nằm úp.
Ngồi trên một cây cầu nhỏ được xây bằng đá, bắc ngang hai bờ sông, nằm sát mặt nước, cậu bé lặng ngắm con cá. Dù đuôi nó còn quẫy nhưng cậu không biết thực sự nó đang bơi hay chỉ đang nằm. Tốc độ di chuyển của nó khá chậm và quĩ đạo đường bơi của nó dường như theo những vòng tròn nhỏ vô hình nào đó. Rõ ràng một lúc trước, cậu đã thấy nó ở cách cậu một khoảng khác với vị trí ban đầu. Một lúc sau, khoảng cách lại trở về như cũ.
Con cá thực sự bơi như thế hay chính đôi mắt cậu bị một thứ ảo giác nào đó đánh lừa vì đã ngồi quá lâu trên cây câu này? Ngay cả chính điều đó, cậu cũng không thực sự chắc chắn. Cậu đã ngồi bao lâu ở đây, cậu cũng không biết rõ.
Có lẽ gần một ngày, cậu ước chừng như thế.
Cậu đến đây vào lúc trời chiều nhập nhoạng tối ngày hôm qua.
Khu rừng này về ban đêm khiến cậu hoảng sợ. Hiểm họa có thể đến từ bất cứ lùm cây, bụi rậm nào ở xung quanh. Cậu không thể ngờ rằng một khu rừng vào ban ngày không mang lại cho người ta một chút cảm giác hoảng sợ nào, về đêm nó lại có thể trở nên đáng sợ như vậy.
Có lẽ do ánh sáng bị mất đi, bóng tối tràn ngập. Thứ bóng tối như thời nguyên khai, lúc con người chưa có lửa.
Có lẽ do đêm sinh ra những thực thể âm thanh đặc biệt chỉ thuộc về bóng tối. Cậu có cảm giác những âm thanh phát ra từ khu rừng này, chính nó đã là một sinh vật sống. Nó không đơn thuần chỉ là thứ âm thanh phát ra hay thuộc về một sinh vật nào đó.
Bóng tối và những thanh âm sống đó tràn ngập khắp khu rừng.
Chạy. Cậu chạy trong sự hoảng loạn. Sự hoảng loạn không phải của một người bị lạc đường hay mất phương hướng. Sự hoảng loạn của một người vốn đã không biết mình đang ở đâu…
Cho đến khi cậu đến được dòng sông và cây cầu này. Đây là nơi duy nhất trong khu rừng cho cậu cảm giác an toàn. Tiếng dòng sông chảy khiến cậu trấn an được bản thân rằng ở nơi đây, sẽ chẳng có bất cứ sinh vật nào gây nguy hiểm cho cậu.
Và cậu đã ngồi ở cây cầu này để chờ trời sáng.
Đôi lúc một vài tia nước từ dòng sông bắn lên áo cậu. Chính điều đó lại làm cậu cảm thấy thanh thản khi có một thứ gì đó chạm vào mình.
Cho dù chỉ là khẽ chạm.
Cho dù chỉ là chạm vô tình.
Nước thấm vào áo cậu rồi nhẹ nhàng dính chặt vào lớp da ẩn đằng sau áo của cậu. Và từ từ. Như thể nó đang chạm vào một phần nào đó sâu trong cơ thể cậu.
Có phải vì thế mà người ta vẫn hay ví dòng nước như người mẹ?
Ngay giây phút này, cậu đã hiểu. Dòng nước thật hiền hòa. Và quan trọng nhất, nó là thứ tự nhiên có thể vô tình chạm và chạm vào thật sâu trong con người.
Khi những tia nắng đầu tiên ló dạng, thứ khiến cậu chú ý trước nhất là những tảng đá nằm rải rác ở dòng sông. Chúng có kích cỡ lớn, nhỏ đủ kiểu như biết bao tảng đá ở các con sông khác. Duy chỉ có một điều đặc biệt, các tảng đá này tròn lẳng như một quả bóng. Cậu không biết được hình dáng của nó có thực sự là một quả bóng hay không vì cậu không thể thấy được phần chìm của những tảng đá dưới lòng sông. Cậu chỉ thấy được bề nổi của các tảng đá đó. Và ở bề nổi, nó thực sự tròn như thể nó là một quả bóng hay một phần của quả bóng.
Bây giờ thì cậu đã có thể hiểu vì sao nước của dòng sông có thể chạm vào mình. Chính nhờ những tảng đá này, khi dòng nước chạm vào nó hình thành những tia nước bắn lên và những tia nước lên đó lại chạm vào cậu bé. Một chu trình khép kín hoàn hảo.
Một lần nữa, quả bóng tròn lại chỉ dạy cậu nhiều điều cho dù ở nơi đây chúng bất động.
Ngược lại, quả bóng tròn ở nhà cậu thì luôn di động. Nó chuyển động khắp căn nhà.
Nó chạy hết bốn góc phòng. Có khi nhanh, có khi chậm. Từ góc này, qua góc kia, qua góc nọ, qua góc đối diện với góc này và cuối cùng, quay trở lại góc này. Lẩn quẩn trong một khối hình tứ giác. Người vận động viên có lẽ cũng lẩn quẩn trong vòng tròn hình elip của chính mình. Họ không phải thực sự đang đua. Họ chỉ cố gắng chạy cho đến khi kiệt sức mà thôi. Và nơi mà họ dừng lại vì kiệt sức gọi là đích đến.
Nhưng nó thì không biết kiệt sức. Từ ngày này qua ngày khác, nó cứ chạy khắp góc phòng như thế. Nó không biết kiệt sức hay vì nó vốn không có điểm dừng để kiệt sức?
Cứ như thế, cho đến một ngày, vòng chạy của nó có chút thay đổi.
Nó chạy đến cánh cửa phòng. Cánh cửa mở ra. Nó vui mừng lăn nhanh xuống cầu thang. Ngày qua ngày, cứ thế, nó bắt đầu chán nản và thôi lăn nhanh xuống cầu thang. Nó lăn chầm chậm. Từng nấc thang một.
Cuộc đời đôi lúc cũng giống như những nấc thang im lìm…
Cậu bé đã nghĩ như thế khi nhìn quả bóng khẽ lăn qua các nấc thang. Không phải chúng hoàn toàn im lìm. Khi quả bóng chạm vào các nấc thang, một thứ tiếng động nhỏ nhoi nào đó có phát ra. Nhưng với cậu, dường như tiếng động ấy chi đến từ sự nỗ lực của mỗi quả bóng. Nếu như các nấc thang cố gắng cộng hưởng, chắc chắn thứ âm thanh được tạo ra sẽ lớn hơn rất nhiều. Ít nhất, nó sẽ đủ lớn để khuấy động chút ít nỗi cô đơn trong cậu.
Bàn chân cậu bước đi trên từng nấc thang cũng giống như quả bóng kia. Cậu cố gắng bước mạnh mẽ nhưng cuối cùng tất cả chỉ là tiếng lẹp bẹp nho nhỏ. Cậu bước lên rồi bước xuống. Mọi thứ vẫn như thế. Âm thanh tiếng chân cậu bước trên cầu thang dường như lại tỉ lệ nghịch với số lần cậu bước đi. Có lẽ do đôi chân đã quá mỏi mệt.
Cậu ngồi phịch xuống một góc nhà và lặng ngắm cầu thang.
Ở một khía cạnh nào đó, dường như quả bóng hạnh phúc hơn con người. Ít nhất là trong khi di chuyển.
Khi lăn trên chiếc cầu thang đó hoặc bất cứ nơi đâu, tất cả bề mặt của quả bóng đều chạm vào đường đi của nó. Nó chia sẻ sự khó nhọc đều đặn cho nhau. Nó bình đẳng trong từng bước đi. Và vì thế, nó không đơn độc.
Người ta vẫn thường hay nói đôi chân của con người chẳng bao giờ đơn độc vì chúng luôn song hành cùng nhau. Nhưng có thật sự là chúng không đơn độc khi người ta luôn bước một chân trước, một chân sau? Khi cậu bước đi trên những nấc thang, cậu nhận thức rõ điều này nhất. Một bàn chân đặt trên nấc thang phía trước, khi bàn chân sau đặt chân lên nấc thang đó thì bàn chân trước đã đặt trên nấc thang phía trước nữa rồi. Cứ như thế, chúng rượt đuổi nhau. Nếu như trên thế giới này có một chiếc thang dài vô tận, chắc chắn chúng sẽ không bao giờ gặp nhau.
Vậy là cuối cùng, chỉ khi nào con người đứng yên, hai bàn chân mới không đơn độc. Mỗi bước con người đi là mỗi bước đem lại sự đơn độc cho chính hai bàn chân của mình. Tại sao cách con người di chuyển không được như quả bóng kia? Mọi bộ phận trên cơ thể có khả năng cùng lúc chạm vào bề mặt tiếp xúc của đường đi quả thật là một điều tuyệt vời.
Con người…
không cô đơn sao được khi họ cô đơn ngay trong chính mỗi bước đi…
Cậu bắt đầu tập đi cầu thang theo một cách khác.
Một bàn chân của cậu bước lên nấc thang phía trước và nó dừng lại, chờ đợi bàn chân thứ hai chạm vào cùng nấc thang nó đã chạm. Cả hai đứng gần bên nhau, im lặng, cùng chia sẻ khoảnh khắc khi chạm vào một thứ gì đó giống nhau. Một lúc sau, bàn chân thứ nhất mới bắt đầu bước lên nấc thang mới và chờ đợi bàn chân thứ hai. Cứ như thế. Một ngày cậu bước lên, bước xuống cầu thang không biết bao nhiêu lần. Dù khi bước như vậy, thời gian cho một lần lên hoặc xuống cầu thang của cậu chậm hơn rất nhiều so với bình thường nhưng nó vẫn khiến cậu cảm thấy thích thú. Chỉ đơn giản vì đó là việc duy nhất cậu có thể làm khi ở nhà một mình và chờ đợi mẹ về.
Đó không phải là cách đi của một con người.
Mẹ cậu đã nói như thế khi một lần về nhà ngay lúc cậu đang bước trên cầu thang. Ánh mắt của mẹ thật buồn. Cậu không muốn thấy mẹ buồn nhưng khi mẹ cậu nói như thế thì cậu đã bước đi trên cầu thang theo cách đó được một thời gian dài. Không biết bắt đầu từ lúc nào, nó đã trở thành phản xạ tự nhiên của cậu. Và cách đi đó với cậu giờ đây lại là cách đi bình thường. Cậu dường như không còn nhớ trước đây mình đã đi như thế nào. Sự thật, trong đầu cậu vẫn còn lưu giữ lại hình ảnh bước chân cậu đi bình thường trên cầu thang. Nhưng dường như những hình ảnh đó không đủ mạnh mẽ để tác động lên đôi chân của cậu khiến cho nó vô thức mà đi được. Ngày qua ngày, cậu lại cố gắng tập đi một cách bình thường giống như lúc trước. Dù như thế nào, cậu vẫn muốn nhìn thấy nụ cười của mẹ. Cậu chưa bao giờ thấy mẹ cười. Lúc nào cũng vậy, chỉ có ánh mắt buồn.
Mẹ cậu vắng nhà suốt cả ngày. Mỗi ngày, cậu chỉ được gặp mẹ đúng một tiếng đồng hồ vào thời điểm lúc 8 giờ tối khi hai mẹ con cùng nhau ăn cơm. Thực đơn của buổi ăn tối với mẹ lúc nào cũng là cá. Cậu không thể biết được hình dạng của con cá mình ăn là như thế nào vì khi nó được đặt trên bàn ăn thì chỉ có thịt. Những mẩu thịt không lớn. Chúng nhỏ li ti, li ti. Vì ngày nào thịt cá cũng có mùi vị như nhau nên cậu biết được nó là thịt từ cùng một loài cá. Chúng mang một thứ mùi vị nhợt nhạt, không có gì đặc biệt ngoại trừ cảm giác khi mẩu thịt cá chạm vào lưỡi và gây nên cảm giác tê rần như hàng ngàn mũi kim xuyên thấu. Ban đầu, cậu rất ghét nó nhưng dần dần cậu nghiện thứ cảm giác này. Không có bất cứ loại thức ăn nào khác cho cậu cảm giác một thực thể đang sống chạm vào mình mạnh mẽ đến như vậy dù rằng ở trường hợp này, con cá đã chết. Có một lần, cậu đã thử hỏi mẹ về loài cá này.
Người ta gọi nó là cá xương. Chỉ đơn giản vì có lẽ nó là loài cá nhiều xương nhất thế giới. Nhiều xương đến nỗi nó không thể bơi theo đàn vì sợ sự va chạm. Chỉ cần một sự va chạm nhỏ giữa hai con cá xương, xương của nó lập tức đâm vào nhau, máu sẽ chảy lênh láng và cả hai con cùng chết. Vì vậy, những con cá này thường chỉ bơi một mình. Tuy nhiên, đôi lúc, người ta vẫn hay thấy một dòng máu đỏ nhạt nhòa ở một chỗ nào đó trên sông. Và rồi, người ta phát hiện xác chết của hai con cá xương. Khi chết, thân hình của chúng dính chặt vào nhau do xương của con này cắm vào da thịt của con kia. Có lẽ…loài cá cũng biết cô đơn.
Những cuộc trò chuyện với mẹ lúc nào cũng ngắn ngủi. Khi ăn xong, mẹ vội vã rời khỏi nhà, khóa chốt từ bên ngoài, bỏ lại cậu một mình. Cậu hoàn toàn bị nhốt trong nhà. Cậu nhớ mẹ. Mỗi ngày, cậu đều chờ đợi đến 8 giờ để được gặp lại mẹ. Số 8 dường như là con số mang hình hài của hạnh phúc vì nó là hai quả bóng dính chặt vào nhau. Cậu cũng muốn được như thế với mẹ. Mẹ chưa bao giờ một lần chạm vào cậu.
Con có thể đi ra ngoài cùng với mẹ được không?
Không được.
Vì sao?
Vì con sẽ chết.
Một lần khác, cậu lại hỏi mẹ.
Nếu con không thể ra ngoài cùng với mẹ, vậy mẹ có thể ở nhà với con nhiều hơn không?
Không được.
Vì sao?
Vì con sẽ chết.
Sao con có thể chết được? Mẹ đi, con nhớ mẹ lắm.
Nhưng nếu mẹ không đi, sẽ không có cá xương cho con ăn. Trong vòng một ngày, nếu như con không được ăn cá đó, con sẽ chết. Mẹ xin lỗi vì đến bây giờ mới cho con biết chuyện này. Tìm cá xương rất khó khăn và việc lọc xương ra khỏi thịt cũng mất rất nhiều thời gian. Đó là lí do vì sao mẹ chỉ có thể ở bên con mỗi ngày khoảng một giờ thôi. Mẹ xin lỗi, mẹ cũng không muốn xa con…nhưng mẹ phải đi.
Quả bóng vẫn lăn tròn theo cách nó vốn dĩ.
Cậu cũng đã đi lại được trên cầu thang theo cách của một người bình thường.
8 giờ tối vẫn là giờ cậu gặp lại mẹ.
Kể từ giây phút đó, thời gian như ngưng đọng vì mỗi một ngày đều tuần tự trôi qua giống như ngày trước đó và cả ngày sau đó.
Cho đến một ngày, quả bóng đột nhiên đi chệch quĩ đạo của nó. Nó tâng lên cao hơn bình thường và rơi vụt ra bên ngoài khung cửa sổ phòng cậu.
Quả bóng không còn trong ngôi nhà nữa.
Kể từ khi cậu sinh ra cho đến bây giờ, nó đã luôn ở bên cậu. Nó là người bạn duy nhất của cậu. Bây giờ, cả người bạn duy nhất đó cũng bỏ rơi cậu.
Cậu hoàn toàn đơn độc.
Cậu khao khát muốn được chạm vào ai đó. Chưa bao giờ hơn lúc này, cậu lại khao khát điều đó mãnh liệt đến vậy. Nó vẫn luôn là điều ám ảnh cậu.
Giờ đây, cậu không thể kiềm nén những suy nghĩ đó được nữa.
Có lẽ, đây là giới hạn của cậu.
Bất chấp nguy hiểm, cậu lao người qua khung cửa sổ. Do nhà cậu chỉ có một tầng nên khi tiếp đất, cậu không cảm thấy đau đớn nhiều.
Khi cậu cố trèo qua hàng rào, những thanh sắt nhọn róc mất một vài mảnh áo và cứa vào da thịt cậu. Đau. Lần đầu tiên trong đời cậu đã cảm thấy thực sự đau. Và cũng là lần đầu tiên trong đời, cậu cảm thấy được mình đang tồn tại. Cậu cần phải đi.
Cứ thế. Cậu đã lao vào khu rừng và bây giờ, ngồi thẫn thờ trên chiếc cầu nhỏ bắt ngang hai bờ sông ngắm nhìn con cá đó.
Có lẽ nào, nó là con cá xương vẫn hay chạm vào cậu mỗi ngày?
Đã gần được một ngày trôi qua. Cậu cảm thấy mệt mỏi, rã rời tựa hồ như toàn bộ lớp thịt trong cơ thể cậu bỗng bay biến đâu mất, chỉ còn khung xương nặng nề ẩn giấu sau làn da. Xét cho cùng, xương và da cũng là hai thực thể khác nhau. Vậy thì khi chạm vào nhau, chúng vang lên thứ tiếng động gì?
Cậu nghe một giọng nói quen thuộc
Sao…con…
Ở phía bên kia bờ sông, mẹ cậu đang đứng thẫn thờ nhìn cậu. Cậu muốn mỉm một nụ cười nhẹ với mẹ nhưng đôi môi đã không còn chút sức lực nào. Rồi cậu nhìn thấy dáng mẹ lao nhanh về phía mình. Thế nhưng khi khoảng cách gần sắp chạm vào cậu, mẹ dừng lại đột ngột. Có lẽ, đó là cái dừng trong vô thức của mẹ. Vì muốn cậu được sống, ngay cả trong tiềm thức, mẹ cũng chưa từng nghĩ đến việc sẽ chạm vào cậu.
Rướn người về phía mẹ. Và chạm. Chạm.
Cậu đã chạm được vào người mẹ rồi! Lần đầu tiên trong đời. Sức lực cuối cùng trong cuộc đời cậu là để cho lần đầu tiên này.
Con…muốn…chạm vào…mẹ.
Cậu gục xuống. Trong vòng tay của mẹ.
Một dòng máu đỏ thẫm lan dần, lan dần trên dòng sông.
Hai con cá xương đã chạm vào nhau./.
22.4.2010