Cầm tập thơ vuông vắn, dày cộp chắc nịch trên tay, mở trang mục lục thấy ghi những 203 bài với 480 trang ruột không kể trang xí nhê và bốn trang lót để trắng cùng cái bìa ép cứng 3 - 4ly mới thấy tác giả trân trọng thơ mình và trân trong bạn bè, người đọc biết chừng nào; nhưng cũng thấy ngài ngại... khéo mình không đủ kiên nhẫn “tiêu hóa” hết cái “núi thơ” ngân ngất này mất!
Giữa thời buổi thông tin đông như... quân Nguyên: Trên 700 tờ báo giấy, gần trăm kênh truyền hình, trang web, trang blogs nước trong nước ngoài vô thiên lủng, mở máy tính nhấn chuột vào bất cứ địa chỉ trang web đặt sẵn ở máy là tha hồ đọc đủ thứ thượng vàng hạ cám... có mà sức vóc tầm lực sĩ ngồi liền tù tì 24/24 giờ mỗi ngày cũng không đọc xuể. Ấy vậy mà ông nhà thơ Nguyên Nguyên Bảy in cả một tòa “núi thơ”... hãi thật!
Thôi thì nhà thơ có công sáng tạo, có công in, mất công gửi tặng chẳng lẽ mình đang tâm thất lễ với thơ; thất lễ với nhà thơ! Bèn ngồi lặng im chắp tay vái đức thánh tổ nền ca dao bốn nghìn năm nước Việt, các cụ Nguyễn Trãi, Đặng Trần Côn,Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, bà chúa thơ Nôm, cụ Tú Xương và các thi sỹ thời thơ mới trong Nam ngoài Bắc. Cả: “Xin trời đất linh thiêng, nhận cho con trăm vái”, phù hộ cho con đủ lực, sáng trí để con có quyết tâm thưởng thức, cảm thụ cái “núi thơ” của bạn gửi tặng. May, nhờ anh linh các vị tiên tổ phù hộ độ trì, cái “núi thơ” dày cộp này đọc xong một bài lại muốn đọc bài thứ hai, thứ ba... tư... năm... sáu... Bởi cái “núi thơ”của Nguyễn Nguyên Bảy là “núi thơ” đáng đọc. Đọc không bị phí công, không cần thiết “tiết kiệm mắt” như nữ sỹ Lý Phương Liên vẫn khuyên ông chồng cả ngày vùi mắt vào sách, vào thơ...
Từng bài... từng bài... ngôn ngữ ngồn ngộn những từ hiện đại, hình ảnh thăng hoa phi ngựa dồn dập vào tâm thức khi thụ cảm:
“Bồng trên tay một loài hoa kỳ lạ/ Sắc mắt hương môi thơm sữa/ Kinh thành rối rít lạ quen...” (Cổ tích con), lúc da diết, khi đanh đanh, lúc cưng cứng ẩn ẩn hiền hiện như cô gái tuổi chơi trò ú tim. Đang nhẩn nha với cảm xúc nâng nâng trước cảnh thiên nhiên đằm thắm, lại bị nhưng câu thơ khác lái sang tâm trạng ngây ngất tràn tràn: “Cảm trăng ta vỗ ru thơ/ Nghe thơ trăng ngủ bao giờ chẳng hay/ Ta chùi giọt khóc vào tay/ Thức chờ trăng trễ giờ bay vềt rời...” (Rằm suông), và bỗng cô gái ẩn đâu đó hiện ra phía sau òa lên một tiếng làm giật nảy mình:
“Hà Nội xuân ngời như gái một con.
Soi gương tự phải lòng mình...”
(Hà Nội đang là bình minh)
Hà Nội đẹp “như gái một con” chỉ người ngắm mới thấy được cái đẹp của cô gái một con để mà mê, mà phải lòng. Đằng này cô gái một con “trông mòn con mắt” ấy lại soi gương để “tự phải lòng mình”? Cách viết thật lạ, thật tài hoa. Ấn tượng..ấn tượng...!
-“Khổn chị Dậu
Khổn thúy Kiều
Đâu phải khổn nào cũng khóc?
Đầm kiệt làm gì có nước
Khổn thị Nở
Khổn chí Phèo
Rạch mặt chửi cả làngvũ đại...”
(Cửu tụng)
Chữ “Khổn” có lẽ là từ sáng tạo của tác giả, nghe mơi mới hay hay, thật thú vị.
-“Quên cơm sáng
bỏ bữa chiều
Đầu moi những hạt tín điều ra ăn
Trong đêm thao thức
ngày nằm chiêm bao...”
“hạt tín điều” là cái hạt chi nhỉ???. Phải thừa nhận ông thi sỹ ni dùng từ “tàn bạo”! “Hạt tín điều” - Đó là hạt của thi ca, và chỉ thi ca mới có thứ hạt này đem cho “nhân loại” xơi ngon lành!
Ông thày Phong thủy Nguyễn Nguyên Bảy có nhiều bài thơ “sắp đặt” rất chi phong thủy, rất chi bát quái... quái! Dẫn người đọc thơ mình vào những ma trận kinh dịch, ma trận thơ:
-“Hôm qua
sống giữa yêu thương
Xung quanh
ùa bốn phương hồn hỏi han
Bây giờ
người tưởng thật gần
Đã thành xa lắm
muôn phần lạ xa...”
(Ngã bảy)
Hoặc:
-“Cũng chỉ là thiên là địa
Sao thiên thượng lại bĩ
Sao địa thượng lại thái
Nam mô đời
Cực bĩ ắt thái
Cực thái ắt bĩ
Bĩ thái một đời cây
Nam mô trái
Trái gì cũng thể trái hồng
Chín xong rụng xuống là xong một đời
Chỉ riêng có trái tim người
Chín suốt cuộc đời nuôi sự sinh sôi”.
(Nam mô đời)
Xin không dẫn gì thêm nữa kẻo làm hỏng mất cảm xúc của người đọc. Đôi khi người dẫn“chương trình” hứng chí, chủ quan quá đà phiếm chỉ ngoài ý tứ thơ của tác giả cũng gây nhiễu sóng. Anh còn hàng nghìn bài thơ khác đang tiếp tục in vào những năm tới./.
Dưới đây là chùm thơ của Nguyễn Nguyên Bảy:
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=14164&LOAIID=1&LOAIREF=1&TGID=2290