Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.178
123.147.541
 
Mùa Thu Này Điện Biên - Tây Nguyên Ơi !...
Vũ Ngọc Tiến

Mỗi năm, khi gió heo may về xao động, làm những trái sấu chín vàng khô, vỏ đã nhăn nheo lãng đãng rơi trên đường Trần Phú, hay khi những thửa ruộng trồng rau cải cúc trổ hoa vàng rực triền đê sông Đuống ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, tôi lại nôn nao nhớ màu hoa quỳ vàng Tây Nguyên và màu lúa chín vàng trên cánh đồng Mường Thanh bát ngát … Năm trước, hoa quỳ vàng Tây Nguyên cùng sự rơi vào “im lặng chính thống” 3 lá thư của vị tướng huyền thoại Điện Biên quan ngại về Dự án bô-xít đã hối thúc tôi đi và viết bài “Tây Nguyên du ký”. Mùa thu này, vào lúc cận kề “Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội”.

 

Ám ảnh hồn thiêng Điện Biên

 

Ngồi trên máy bay từ Hà Nội, tôi miên man đắm chìm trong hồi ức và suy tưởng. Với mỗi người Việt Nam hôm nay, Điện Biên  - Tây Nguyên là hai miền đất thiêng, nơi dồn tụ máu xương của mọi miền đất nước trong hai cuộc chiến tranh khốc liệt, cho ta hiểu giá  từng tấc đất Việt Nam. Có Điện Biên mới có ngày 10/10/1954 giải phóng Thủ đô. Có Tây Nguyên mới có ngày 30/4/1975 nước non liền một dải từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mâu.

 

Mùa thu Mường Phăng Điện Biên

 

Ải Nam Quan xưa Nguyễn Trãi dừng chân giã biệt cha già giờ đã thuộc về nước lạ, bô-xít Tây Nguyên thành nỗi niềm trăn trở trên giường bệnh lúc tuổi tròn 100 của vị tướng anh hùng giải phóng Điện Biên. Cả một thời trai trẻ tôi đi khắp núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc đo đạc các trường vật lý, tìm tài nguyên cho Tổ quốc, giờ đau xót chứng kiến hàng ngày trên mặt báo hiện ra hình ảnh các mỏ quặng kim loại màu quý hiếm bị đào bới vô tội vạ, kìn kìn chở qua biên giới phía Bắc bán với giá rẻ mạt. Thế hệ chúng tôi đổ máu trên chiến trường Tây Nguyên, trong đó em trai tôi, nhiều bạn đồng môn, đồng tuế của tôi đã gửi xác nơi đó, giờ lại phập phồng lo biết đâu một ngày nào đó không xa, có liệt sĩ di cốt bị vùi sâu dưới bùn đỏ bô-xít!... Mang nặng bao điều ám ảnh, tôi bước xuống sân bay Mường Thanh, bắt đầu cuộc hành hương về nguồn. Mùa thu này lúa trên cánh đồng Mường Thanh gặt sớm từ tết Trung thu, nhưng bù lại là màu hoa vàng lấm tấm phủ kín các tán cây keo, hương bay dìu dịu. Tôi đã đứng trên nóc hầm Sở chỉ huy của tướng Đờ-cát hay bên mép giao thông hào ở đỉnh đồi A1, hít căng lồng ngực khí trời Tây Bắc, muốn gào thật to cho thỏa lòng tự hào được làm con cháu các chiến sĩ Điện Biên làm nên kỳ tích chấn động địa cầu. Tôi đã vượt gần 30 km đi Mường Phăng thăm hầm chỉ huy của Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và hầm của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, nối thông nhau bằng đường hầm xuyên trong lòng núi dài 66 mét. Và… tôi chợt đứng lặng trước căn hầm chỉ huy thông tin của cụ Hoàng Đạo Thúy, một học giả lỗi lạc của đất Thăng Long đã đi vào lịch sử như một minh chứng không thể phủ nhận về sự đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức vào chiến thắng Điện Biên năm ấy. Bất giác, tôi bồi hồi nhớ kỷ niệm vào một chiều mùa thu năm 1966, vì tò mò nên tôi đã nằn nì để được theo cụ Chiên – người bưu tá già ở làng Bưởi - đến căn nhà nhỏ rất trang nhã trong làng Ngọc Hà, diện kiến cụ Hoàng Đạo Thúy- vị danh sĩ Bắc Hà vừa cáo quan về ở ẩn, lặng thầm viết sách rồi trở thành nhà Hà Nội học đầu tiên, rất thâm trầm, uyên bác và hóm hỉnh. Các cháu nhỏ trong bản người Thái còn dẫn tôi lội qua suối lên bãi đất trống, nơi mà năm 2004 máy bay trực thăng hạ cánh, đưa cụ Giáp và phu nhân thăm lại chiến trường xưa. Chính tại nơi này tôi đã thành tâm khấn trời lạy đất cho cụ Giáp trường thọ. Những ngày sau đó, tôi lang thang qua các nghĩa trang chiến sĩ Điện Biên, thắp nhang tưởng niệm, thơ thẩn đếm từng ngôi mộ: ở Him Lam có 896 ngôi, A1 có 644 ngôi, nhiều nhất là Độc Lập có  2432 ngôi. Nghe dân địa phương kể lại, vào cuối những năm 50 thế kỷ trước, đất nước còn nghèo nên ta chưa xây mộ. Một đêm nước lũ tràn về cuốn trôi bia mộ, biến tất cả liệt sĩ hữu danh thành vô danh! Dẫu sao, sau nhiều lần tu sửa, nhất là sau dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên (2004), cả 3 nghĩa trang này đều rất uy nghi, to đẹp, xứng tầm nghĩa trang cấp quốc gia. Nhưng ở Điện Biên vẫn còn một nghĩa trang lớn, nghĩa trang Tông Khao, cách nghĩa trang Độc Lập chừng 1 km, hiện có 2270 ngôi mộ. Anh Tám lái xe taxi bảo tôi, đó là nghĩa trang liệt sĩ đánh Tàu, nhưng khi tìm hiểu kỹ thì số đó ít thôi, đa phần là liệt sĩ sau năm 1954 tham gia tiễu phỉ, làm quân tình nguyện hy sinh bên đất Lào hay đánh máy bay Mỹ. Thật tiếc vì là nghĩa trang cấp tỉnh nên chưa được khang trang như 3 nghĩa trang cấp quốc gia, mộ nằm chen chúc, chưa có thảm cỏ, vườn hoa!...

 

Và sự trỗi dậy nỗi niềm bô-xít Tây Nguyên

 

Nhà máy Nhân Cơ Tây Nguyên

 

Rời Điện Biên, hình ảnh Võ Đại tướng đang gần đất xa trời và anh linh các liệt sĩ cùng hồn thiêng sông núi Điện Biên như nhắc nhở, động viên tôi tiếp tục phản biện đến cùng Dự án bô-xít Tây Nguyên. Trước chuyến đi, dư luận cả nước đã xôn xao lo lắng sau sự cố vỡ đập hồ chứa bùn đỏ ở Hung-ga-ri, nơi có những người bạn, người thầy đã từng cộng tác với tôi làm việc ở mỏ bô-xít Tam Lung (Lạng Sơn) năm 1971. Họ có cả kinh nghiệm hàng trăm năm khai thác, chế biến quặng bô-xít, lại có cả hành lang pháp lý bảo vệ môi trường chặt chẽ, nghiêm minh và hiện đại, tập quán công nghiệp của công nhân bên họ cũng thuần thục hơn ta… mà thảm hoạ bùn đỏ vẫn xảy ra, đủ thấy công nghệ tuyển ướt do người Trung Quốc mang sang ta đã không còn chỗ đứng trong thời đại văn minh hậu công nghiệp của thế kỷ  XXI. Những tuyên bố hùng hồn nhưng kém sức thuyết phục của các ông Lê Dương Quang - Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, ông Nguyễn Thanh Liêm - đại diện TKV… chỉ nhằm trấn an dư luận sau sự cố bùn đỏ ở Hung-ga-ri, càng làm tôi trăn trở tìm lời đáp lại. Thực ra, những điều tôi sẽ nói dưới đây chẳng còn mới nữa, bởi tôi và nhiều chuyên gia hiểu biết hơn tôi đã từng nói hoài, nói mỏi mồm, nhức lưỡi suốt gần hai năm qua. Ở thời điểm hiện tại, sau  thảm hoạ bùn đỏ ở Hung-ga-ri, trước những lời ngụy biện của một số quan chức liên quan, có lẽ cần chốt lại và nhấn mạnh mấy điểm mang tính học thuật và thực tiễn sau:

 

Thứ nhất, công nghệ tuyển ướt với đặc điểm nước ta là đầy mạo hiểm, xét trên 2 góc độ:

 

- Xét về mặt địa kiến tạo và địa mạo trong khoa học địa chất, vùng lãnh thổ Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nước ta hiện nay là hệ quả của nhiều pha hoạt động tân kiến tạo thuộc kỷ Kai-nô-zôi Nhân sinh. Vì thế, từ hơn 100 năm qua, các nhà địa chất nổi tiếng như Frô-ma-giê (người Pháp trước năm 1954), Hen-ri Phông-ten (người Anh sau năm 1954)… đã đưa ra thuật ngữ địa mạo về một triền “cấu trúc bậc thang Sài Gòn - Đà Lạt”, có hình giẻ quạt nở rộng ở phía Nam, co hẹp ở phía Bắc. Sau năm 1975, thuật ngữ địa mạo này càng được chứng minh và chuẩn hóa bằng kết quả tổng hợp các quan trắc địa vật lý mặt đất, cả trên máy bay, vệ tinh bằng những dải gra-điên giá trị trường vật lý chạy gần song song theo hướng á vĩ tuyến. Với cấu trúc địa mạo rất đặc thù này, tất cả hệ thống dòng chảy trên mặt đều có xu hướng đổ dồn từ Lâm Đồng, Đắk Nông xuống miền Đông Nam Bộ với vận tốc khá nhanh, áp lực khá mạnh và tỏa theo diện rộng. Nếu xảy ra sự cố vỡ đập hồ chứa bùn đỏ thì nguy cơ ô nhiễm nguồn nước lan nhanh xuống Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, đe doạ sự sống của khoảng 18 triệu con người là khó tránh khỏi.

 

- Kết quả nghiên cứu tổng hợp tài liệu địa chất, địa vật lý ở triền cấu trúc bậc thang Sài Gòn- Đà Lạt trong các năm 1978- 1980 đã chỉ ra: hàng loạt các đới gra-điên trường trọng lực đứt quãng, nối tiếp nhau theo hướng á vĩ tuyến chính là những đứt gãy thứ sinh xuất hiện ở từng bậc thang cấu trúc, sau các pha chuyển động tân kiến tạo vừa nêu trên và những đứt gãy này khá trùng hợp với những thân quặng bô-xít. Điều này dễ hiểu bởi quặng bô-xít Tây Nguyên thuộc thành tạo la-tê-rit, hình thành do quá trình phong hóa bào mòn và rửa lũa các nham thạch núi lửa tân kiến tạo. Nơi có đứt gãy lại là nơi có những điều kiện lý tưởng cho quá trình phong hóa bào mòn và rửa lũa này. Nơi có đứt gãy địa chất cũng là nơi nhiều khả năng tồn tại mạch nước ngầm dưới sâu, cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của cư dân địa phương. Một khi lớp chống thấm trong lòng hồ chứa bùn đỏ không đảm bảo, bị bục vỡ, độc tố sẽ lập tức thẩm thấu xuống mạch nước ngầm, lan tỏa ra xung quanh. Mặt khác, nơi có đứt gãy luôn tiềm ẩn nguy cơ sụt lún đất, thậm chí là động đất nếu là đứt gãy sâu, đập xây ở đó quá mạo hiểm. Tôi không rõ, ông Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên báo cáo với ĐBQH rằng TKV đã mời chuyên gia địa chất có uy tín nghiên cứu và khẳng định không hề có đứt gãy ở khu vực khai thác, tuyển rửa quặng bô-xít là dựa trên cơ sở nào, có tài liệu không, và nếu có thì liệu có đủ tin cậy? Một thực tế bi hài xảy ra nhãn tiền ngay trong ngày 2/11/2010, khi ông Phạm Khôi Nguyên nói giữa nghị trường rằng, các chuyên gia khí tượng - thủy văn đã nghiên cứu kỹ, đảm bảo sẽ không có mưa lũ lớn làm tràn đập hay vỡ đập hồ chứa bùn đỏ, thì vừa hay cả nước bàng hoàng nghe tin: “Chiều nay (2/11), hồ chứa nước Phước Trung (huyện Bắc Ái, Ninh Thuận) dung tích 2,4 triệu mét khối đã bị vỡ ngang thân, sâu 4m, dài 30m.” Rồi lại tiếp: “Các hồ chứa đang tràn tự do ở đập Suối Trấu, Đồng Bò, Suối Hành (Khánh Hòa), Tân Giang, Sông Trâu, Sông Sắt (Ninh Thuận), Lòng Sông (Bình Thuận). Đặc biệt nghiêm trọng ở các hồ Am Chúa, Láng Nhớt, Suối Dầu, Cam Ranh (Khánh Hòa), mực nước đã vượt qua đỉnh tràn từ 20 đến 120 cm.”!... Khi các nhà thiết kế chọn cao trình cho các đập nêu trên hẳn không thể ngờ có cơn lũ khủng khiếp đến thế. Thiên tai luôn là hiểm hoạ khó lường. Ai dám đảm bảo trong tương lai ở Tân Rai, Nhân Cơ không xảy ra cơn lũ tương tự?

Vậy thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nếu cứ cố tình làm thì hãy chọn công nghệ tuyển khô thay vì tuyển ướt! Nếu hôm nay ta chưa đủ tiềm lực thì chờ con cháu mai sau đủ tài đủ lực sẽ làm, “cơm không ăn thì gạo còn đấy” cơ mà!...

 

Thứ hai, đất trên nền bô-xít vẫn là đất trồng trọt tốt.

 

Các nhà chuyên môn ở TKV, các quan chức ở Bộ Công Thương đã không ít lần nói rằng tại những nơi có mỏ bô-xít, đất đai cằn cỗi, nông dân không thể trồng trọt hoặc nếu có trồng thì hiệu quả vô cùng thấp(!?). Trong tay tôi có đủ tài liệu chứng minh các vị nói liều. Trong văn bản kế hoạch ban đầu dùng cho công tác giải phóng mặt bằng của Dự án bô-xít Nhân Cơ thì ngay năm đầu đi vào sản xuất đã phải khai thác quặng trên diện tích 293 ha, trong đó có 271 ha là đất nông dân đang trồng trọt café, điều, hồ tiêu. Tôi đã đến một vài trang trại trồng café ở Nhân Cơ hỏi thăm và biết mỗi năm thu nhập bình quân là 40 triệu đồng/ha, cá biệt có nhà đạt gần 100 triệu đồng/ha. Ứng dụng công nghệ GIS, tiến hành chồng xếp trên máy tính chuyên dụng các loại bản đồ địa hình- giao thông- khoáng sản- nông lâm nghiệp cho thấy toàn tỉnh Đắk Nông có 200.000 ha đất nông nghiệp, đã đưa vào sử dụng 160.000 ha, trong đó có 80.000 ha trồng café, hồ tiêu và thật lý thú có gần 3.700 ha café được trồng trên đất có thân quặng bô-xít. Thật ra, các thân quặng gọi là lộ thiên đều nằm dưới lớp đất phủ dày 0,5- 2,0 mét, cá biệt có nơi dày 3,0 – 4,0 mét. Độ phì của lớp đất này có thể lúc đầu có nơi không thật tốt, nhưng qua nhiều năm được nông dân cải tạo tăng độ phì, khử độ chua và chuyên cần tưới bón đã trở nên màu mỡ. Lúc đó, thân quặng bô-xít bên dưới lại có khả năng giữ độ ẩm cho lớp đất trồng bên trên vì thành tạo la-tê-rit của quặng có đặc tính ngậm nước. Như vậy, không làm bô-xít, đất chẳng hề phải bỏ hoang mà ngược lại, nó vẫn sinh lời lớn từ trồng trọt.

 

Thứ ba, Dự án này không đáng làm xét về hiệu quả kinh tế.

 

- Có lẽ một trong những khó khăn lớn nhất, làm tăng giá thành sản phẩm alumin, tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ của Dự án bô-xít Tây Nguyên chính là vấn đề vận chuyển. Hơn ai hết các chuyên gia, các nhà quản lý ở TKV và Bộ Công Thương rất thấm thía điều này. Dường như họ đang lúng túng, nói và làm trong tâm trạng “đâm lao thì phải theo lao”, nhưng vẫn hùng hồn trấn an dư luận. Sau nhiều phương án không khả thi, cuối cùng vào tháng 7/2010, họ đã chọn được cung đường vận chuyển tạm gọi là yên tâm về mặt kỹ thuật. Đối với nhà máy Tân Rai có 2 tuyến vận tải lòng vòng qua các đọan tỉnh lộ (TL), quốc lộ (QL): tuyến một đi từ TL 725- QL 20- QL 27- QL 1 ra cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), tuyến hai đi từ tỉnh lộ (TL) 725- QL 20- TL 769- QL 52 ra cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Đối với nhà máy Nhân Cơ có 1 tuyến vận tải đi từ QL 14- TL 741- TL 747- QL 51 ra cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Nhìn chung cả 3 tuyến vận tải ô tô đều có tổng chiều dài quá lớn (mỗi tuyến không dưới 200 km), tạo sức ép không nhỏ lên hạch toán giá thành từng năm tài chính, khi giá xăng dầu biến động. Việc điều độ ô tô với lưu lượng 2.000 tấn/ngày cũng sẽ gặp trở ngại khôn lường trong mùa mưa lũ. Ở Tân Rai, cả 2 tuyến vận tải kể trên đều phải chạy qua QL 20 gần 100 km với 500 chiếc xe tải chạy hai chiều mỗi ngày, khi Chính phủ dự định trong năm 2011 sẽ triển khai Dự án đường cao tốc Dầu Giây- Đà Lạt với tổng mức đầu tư cỡ trên 1 tỷ USD thì QL 20 sẽ rất khó thi công và lúc hoàn công cũng nhanh bị xuống cấp. Còn kế hoạch đầu tư xây dựng tuyến vận tải đường sắt từ Nam Tây Nguyên xuống cảng Kê Gà (Bình Thuận) vẫn chỉ là ảo tưởng xa vời, không có sức thuyết phục dư luận.

 

- Đi sâu vào bài toán giá thành và hạch toán lỗ lãi, ngay từ khi khởi động Dự án bô-xít Tây Nguyên, các chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã căn cứ vào giá cả alumin trên thị trường thế giới là 260 USD/tấn, đưa ra 2 kịch bản tính giá thành để chứng minh sự thua lỗ; còn TKV nói lãi là do chưa tính đủ chi phí sản xuất và các khoản chi khác theo luật định mà thôi. Cần lưu ý, gần đây theo thông tin từ Bộ Công Thương, giá thành alumin sau khi tính đủ mọi chi phí  (kể cả lãi vay 8%, thuế xuất khẩu tài nguyên 20%, phí bảo vệ môi trường 30.000 VNĐ/tấn…) được công bố là 287,55 USD/tấn, nhưng để Dự án có lãi họ lại đưa ra con số trong mơ về giá xuất khẩu FOB 375 USD/tấn, còn các nhà phản biện lại cho rằng may lắm ta cũng chỉ đạt được giá bán FOB cỡ 270- 275 USD/tấn trong vài năm tới?!... 

- Xét về góc độ GDP: nói về hiệu quả kinh tế, cần đặt Dự án bô-xít Tây Nguyên trong bức tranh tổng thể các ngành kinh tế đóng góp vào tăng trưởng GDP. Kết quả tổng hợp sự đóng góp vào GDP của 3 nhóm ngành kinh tế theo số liệu niên giám thống kê trong 5 năm trước khi xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, khi mà GDP nước ta có mức tăng trưởng rất tốt và ổn định (2003- 2007) cho thấy: Nhóm khai thác khoáng sản rắn chỉ chiếm 4,9%, trong khi nhóm công nghiệp chế biến chiếm 24,5%, nhóm dầu khí và các ngành kinh tế khác chiếm 70,6%. Như vậy, loại trừ tham vọng tăng trưởng nóng, nếu ta muốn giữ nhịp độ tăng trưởng hợp lý như giai đoạn trên thì không cần phải tăng nhóm khai thác khoáng sản rắn, có nghĩa không cần triển khai Dự án bô-xít Tây Nguyên.

 

Thay lời kết

Nghĩa trang A 1 Điện Biên Phủ

 

Tôi viết bài này sau chuyến hành hương lên Điện Biên dành để kính chúc võ Đại tướng trường thọ, cũng là để tạ lỗi với hai bậc trưởng lão làng văn  là các anh Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi. Nhớ lại một chiều tháng 7/2010, đang làm việc thì bỗng nhiên tôi nhận được điện thoại của anh Nguyên Ngọc. Các anh trong nhóm nhân sĩ mà tôi vô cùng kính trọng vừa tổ chức chuyến khảo sát về cung đường vận chuyển alumin trên Tây Nguyên, trùng hợp thời điểm với chuyến khảo sát của Chính phủ do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu. Anh Nguyên Ngọc bảo: “Hình như các vị ấy cũng đã thấy ớn món bô-xít rồi. Đây là thời điểm tốt cho chúng ta phản biện. Cậu hãy cố viết tiếp một bài nữa cho thật sâu sắc, nếu có khó khăn gì chúng tôi sẽ giúp.” Tôi cám ơn anh và nhận lời, nhưng cứ lần khân, đắn đo suy nghĩ suốt mấy tuần. Hôm gặp anh Huệ Chi ở 53 Nguyễn Du, anh lại nhắc: “Bác Nguyên Ngọc thông báo rồi, mình đang chờ bài của cậu.” Tôi xấu hổ mấp máy lời xin lỗi anh Huệ Chi, hứa sẽ viết. Thật lòng tôi đã nản vì nhiều lẽ…./.

 

Hà Nội 4/11/2010  

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2742
Ngày đăng: 06.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đang lành vết thương sâu - Phùng Văn Khai
Cha tôi ( Nhà thơ Quang Dũng) - Bùi Phương Thảo
Những Ngày Sương Nhạt - Nguyễn Hàng Tình
Xin Đừng Trách Đa Đa - Mây Ngàn Phương
Ghi chép ở Bến Dược, hiểu thêm nguồn gốc một địa danh. - Diệp Hồng Phương
Bác Ba Phi, sự thật và huyền thoại - Đặng Huỳnh Lộc
Tiếng Ghita Bên Rừng Thông - Nguyễn Hàng Tình
Nhật Ký Hai Ngày “Đại Lễ Nghìn Năm” - Hoàng Hưng
Mưa Thu Và Mưa Hạt Sồi - Mây Ngàn Phương
Ý Thức Và Tôi - Trần Duy Phiên
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)