Một ngày nữa lại trôi qua- nếu không có lịch,không có đồng hồ tính giờ, thì có lẽ tôi cũng lẫn lộn thời gian như Robinson trên đảo hoang mất. Vũ trụ xoay vần, vạn vật không đứng yên mà luôn biến đổi khôn lường, nhưng trong đời sống vội vã- chúng ta nhiều khi khó nhận thấy được. Vì hết ngày đến đêm, hết đông đến xuân-vó ngựa thời gian lập đi lập lại và dường như mọi vật đứng yên…
Cuộc đời của một con người cũng vậy-cũng tuân theo một lẽ tuần hoàn biến dịch tự nhiên. Sinh ra, lớn lên, già bệnh rồi tan theo cùng cát bụi, sương mù. Hàng ngày, chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó, những cảnh vật, những sự việc xảy ra rất là quen thuộc được lập lại mà có một số người giải thích rằng đó là do kiếp trước đã làm và kiếp này vô tình nhớ lại? Còn riêng tôi, tôi nghĩ chúng quen thuộc bởi vì chúng được lập đi lập lại quá nhiều lần trong cuộc sống, khiến chúng ăn sâu vào trong tiềm thức của chúng ta như máu thịt. Những hạnh phúc và khổ đau. Những hân hoan hay phiền não…
Nếu con người phân thời gian ra thành thế kỷ, năm, tháng, tuần và ngày để nhớ hoặc để đánh dấu một cột mốc quan trọng về một sự kiện nào đó, một sự biến đổi nào đó- thì cuộc đời con người theo tôi cũng là sự lập lại của những tuần đã trôi qua mà thôi ( nếu từ trong sâu thẳm của tiềm thức không được chuyễn hóa). Một tuần của tôi trôi qua cũng có lắm những chuyện vui -buồn, sướng- khổ, hạnh phúc hay khổ đau- những biến đổi xoay vần của cuộc đời-cho đến một ngày cuối tuần..
Thứ hai
Sau ngày nghỉ chủ nhật, tôi cảm thấy thật thoải mái dể chịu, sáng ngày ra soi mình trong gương, một khuôn mặt tươi tắn,mái tóc suông mềm xỏa xuống bờ vai. Quả thật tôi thấy mình rất tươi. Tôi cầm điện thoại và mỉm cười hạnh phúc khi đọc tin nhắn của người thương :" Chúc em một buổi sáng an lành, chạy xe cẩn thận giùm". Từ nhà đến trường tôi dạy cách xa khoảng 20km- tôi lái xe dọc theo con đường nhỏ, một bên là triền núi, một bên là sông, phong cảnh rất thơ mộng, hữu tình. Khí hậu mát mẻ, gió thoảng đưa mùi hương của các loại hoa đồng cỏ nội, và tiếng chim ríu rít như chào đón, như quấn lấy quanh tôi khiến tôi không muốn dời chân- nhưng cuộc sống không phải lúc nào theo ý của mình được. Cái đầu luôn nhắc là tôi có tiết dạy vào lúc bảy giờ và không được đến muộn.
Trường tôi dạy là một ngôi trường nhỏ ở làng quê, học sinh đa số là con của những người nông dân nghèo quanh năm chân lấm, tay bùn, vì vậy chúng rất tình cảm, hiền từ và ngoan ngoãn. Rất biết nghe lời cô giáo, và đặc biệt là rất mến thương tôi. Ngày đầu tuần nên chúng có nhiều chuyện nói cùng nhau, vì vậy tiếng rì rầm to nhỏ ở nơi này, nơi kia trong lớp. Thỉnh thoảng tôi ngừng giảng bài, nghiêm nét mặt nhìn chúng, nhưng chỉ vậy thôi. Tôi không thể làm gì hơn vì nhìn chúng tôi như tìm lại được hình ảnh của mình hai mươi năm trước- bất giác tôi quay mặt mỉm cười.
Trống trường điểm giờ nghỉ giải lao, tôi xuống văn phòng uống cà phê buổi sáng cùng bạn bè, đồng nghiệp. Và ở đây tôi được nghe đủ thứ chuyện trên đời, từ chuyện các tin tức nóng trên báo, đài, đến chuyện con cái, quần áo, giày dép. Tiếng cười rộn vang cả phòng, nét mặt ai cũng rạng ngời niềm vui. Tôi cũng cảm thấy vui lây. Ba tiết tiếp theo trôi qua một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng đến nỗi trống đánh hết giờ buổi sáng mà tôi và đám học trò vẫn còn cảm thấy hối tiếc. Buổi chiều tôi không có giờ dạy chính khóa mà chỉ dạy tự chọn và phụ đạo thôi.Không khí lớp học không căng thẳng mà rất dể chịu. Học trò luyện tập nhiều, tôi chỉ việc theo dõi và giúp đở chúng khi cần thiết thôi. Hồi trống tan trường buổi chiều đã điểm, vậy là đã kết thúc một ngày. Tôi cảm thấy cuộc đời cũng đáng yêu biết bao, niềm tin yêu cuộc sống đang tràn ngập trong lòng. Tôi thả hồn mơ mộng trong suốt con đường về nhà…
Thứ 3:
Tôi đang ngủ ngon, chuông báo thức reo vang. Tôi với tay tắt đồng hồ. Bên ngoài trời rất lạnh, tôi muốn ngủ thêm một lúc nhưng cái đầu lại bắt tôi phải rời khỏi chiếc giường ấm áp để bắt đầu một ngày làm việc mới. Tôi tới trường sớm hơn giờ dạy 15 phút, vậy mà đã có ba giáo viên đến trước rồi. Cô Thảo-hiệu phó, vừa đi tập huấn về, cô say sưa kể chuyện về sự phát triển trang thiết bị dạy học ở một số trường bạn. Cô hi vọng trường chúng tôi trong tương lai cũng được trang bị như vậy. Máy tính, máy chiếu cả trường tôi chỉ có một cái, nên chúng tôi thường làm đồ dùng dạy học bằng tay. Tôi vẻ đồ thị bậc ba trên một trang bìa cứng. Vậy mà khi tôi dán đồ dùng dạy học này lên,học sinh lại đón nhận một cách hào hứng. lớp học như sinh động hẳn lên.
Giờ nghỉ giải lao, trời mưa to quá tôi không xuống phòng hội đồng được, tôi đứng ở hành lang cùng lũ học trò nghịch ngợm. Chúng tụm năm, tụm ba, đùa giỡn và la hét, nhất là đám con trai. Một số học sinh nữ lân la bên tôi hỏi nhiều câu hỏi- đại loại như " Quê cô ở đâu?, Muốn học giỏi môn toán phải làm thế nào?; Em có khả năng học toán không cô? Sao em thấy nó khó quá". Tôi thấy rất vui vì học sinh của tôi thật tình cảm, thật đáng yêu. Buổi chiều tôi được nghỉ nên về tới nhà, ăn cơm xong là tôi thả hồn vào những trang sách, những bản nhạc một thời xa xưa yêu thích. Một ngày nữa lại trôi qua…
Thứ tư:
Trời mưa dầm suốt đêm, con đường đến trường nhão nhẹt, đầy ổ gà, ổ voi, cộng thêm rơm, rạ trên đường mà những nông dân bỏ lại khi thu họah vụ Thu - Đông. Tôi phải đi dạy sớm hơn thường lệ, vì có nhiều đoạn đường vẫn xắn quần dắt bộ. Bạn bè đồng nghiệp thường nói đùa với nhau là chúng tôi đang du ngoạn trên những “con đường đau khổ tập cuối “. Học trò cũng không hơn gì tôi, tiết một vào lớp rồi mà trong lớp chỉ lác đác vài em thôi- khoảng chừng một phần ba học sinh. Tôi phải ngồi đợi hơn mười phút sau học sinh mới đến đủ. Nhìn chúng bơ phờ, ướt lẹp nhẹp mà phát tội.Tôi dạy chưa hết bài, trống đã đánh hết tiết rồi. Tôi muốn dạy thêm 15 phút giải lao nhưng nhìn vẻ mặt của học sinh đứa nào cũng muốn ra ngoài đùa giỡn cùng đám bạn nên tôi cũng bỏ ý định dạy bù giờ, với lại tôi cũng muốn nghỉ ngơi một lúc. Xuống tới văn phòng, đồng nghiệp của tôi đang bàn tán về việc học sinh trường chuyên ở Hải Phòng dùng điện thoại di động thu băng đoạn giáo viên la, mắng học sinh và tung lên mạng. Và tôi còn nghe là cô giáo này đã bị đình chỉ dạy. Thật là xót xa. Tôi không hiểu tại sao tất cả lỗi lầm một mình cô giáo đó phải gánh chịu, có ai tự dưng dùng những lời lẽ nặng nề , thiếu văn hóa như vậy đâu? Học sinh không có lỗi gì sao? Tôi nghĩ cứ tình trạng như thế này, có lẽ giáo viên không còn ai dám răn dạy học sinh của mình nữa. Giáo viên cũng là một con người, cũng hỉ, nộ, ái, ố. Khi học sinh quá quắt, vô lễ làm sao tránh khỏi cơn giận ập đến chứ? Ba tiết sau trôi qua một cách nặng nề, vì hình ảnh cô giáo và lớp học kia cứ lởn vởn trong đầu của tôi. Trong tôi cảm thấy một nỗi buồn nản, ưu phiền!
Thứ năm:
Con đường tới trường còn xấu hơn hôm qua. Cộng thêm trời rất lạnh và mưa vẫn rả rích. Tôi mặc hai áo lạnh, một áo mưa mà vẫn thấy lạnh. Đoạn đường tới trường như dài hơn thường lệ, tôi vừa chạy xe vừa mải mê nghĩ về người tôi thương yêu nhất cuộc đời này và tôi cảm thấy ấm lòng. Sáng nay lúc tôi chưa tỉnh giấc, người ấy đã nhắn tin dặn tôi là phải mặc ấm, phải mang theo áo mưa. Người ấy lúc nào cũng xem tôi như một đứa trẻ lớn đầu thôi.
Sáng ra khỏi nhà tôi gặp ai đầu tiên không biết nhưng xe của tôi phải chạy sau chiếc độ chở đầy rơm rạ rì rì. Tôi cố vượt nhưng đường hẹp không vượt được. Tôi tới trường trể mười phút. Ông hiệu trưởng nhìn tôi cười rất tươi, nhưng tôi cảm thấy tim mình se thắt. Tôi ôm cặp lên lớp, một nửa học sinh đã ra quán trước trường, vì vậy khi ổn định xong lớp cũng gần hết tiết rồi. Vậy là hầu như tiết một tôi không dạy gì cả.
Giờ giải lao- phụ huynh của em Nam, một học sinh lớp tôi chủ nhiệm đến xin phép cho con mình mà nước mắt lưng tròng. Con ông ấy bị tai nạn khi đi học tự chọn về chiều qua, Ông ấy nói " Nó nằm viện và hôn mê, nhưng lúc tỉnh dậy nó đòi về đi học". Tôi cũng cảm thấy ngậm ngùi, tôi đưa phụ huynh vào gặp hiệu trưởng vì tôi là giáo viên chủ nhiệm không được phép cho học sinh nghỉ quá hai ngày.
Chiếc xe cứu thương hú còi inh ỏi, tôi giật mình nhìn ra. Vậy là Thịnh con cô Ba đã chết rồi. Thịnh là học trò của tôi bảy năm trước, nó là một kỉ sư xây dựng, mới cưới vợ một năm nay. Nó đi nuôi vợ sinh ở bệnh viện bị xe đụng. Vợ nó mới sinh được có bảy ngày. Tôi đang dạy mà nước mắt cứ muốn trào ra. Cuộc đời đúng với hai chữ vô thường, mới tuần trước gặp nó, cô trò còn nói chuyện vui vẻ, mà giờ nó đã đi mãi rồi. Một ngày bi thương và ảm đạm..
Thứ sáu:
Hôm nay có tiết trả bài kiểm tra một tiết ở lớp 11A2. Học sinh ở lớp chọn ban Khoa học tự nhiên này điểm kiểm tra rất cao, nhưng cũng có một trường hợp làm tôi đau đầu: Sau khi làm hết bài kiểm tra gần như hoàn hảo-câu cuối cùng là một câu rất khó, tôi cho để thử thách khả năng của những học sinh khá giỏi-Sơn làm không ra, nó vẽ trên giấy làm bài một chú mèo Đô rơ Mon to đùng và kèm theo hai câu thơ con cóc
" Mèo ú thông minh giải giúp ta
Ta mà bỏ trống kẻo cô la"
Tôi vừa giận, vừa tức cười, và không biết phải giải quyết sao nữa? Tôi nhớ lại mấy tuần trước Thầy Thông dạy lý cho kiểm tra yêu cầu học sinh phát biểu Tiên đề Bo. Một học sinh không hiểu vì sao lại viết một bức thư tình thay cho việc phát biểu. Bức thư tình bị đọc ở trụ cờ vào ngày thứ hai và học sinh đó bị đình chỉ học một tuần. Tôi không muốn Sơn- học trò của tôi phải chịu mức kỉ luật này vì nó bình thường rất đáng yêu, chắc có lẽ nó thấy tôi quan tâm tới nó nhiều nên nó mới đùa như vậy? Tôi la Sơn trước lớp, nó cúi đầu nhận lỗi. Tôi có cảm giác nó đáng thương hơn đáng trách!
Giờ nghỉ giải lao- chúng tôi trầm trồ về cái áo lạnh mới mua gần một triệu của cô Yến. Đúng là tiền nào của đó, nó rất đẹp, nhưng nếu mua tôi cũng không thể sử dụng . Cô Yến biết cách ăn mặc, chưng diện- nên nhìn cô trông rất sang trọng. Cô được mệnh danh là đại diện cho phái đẹp ở trường chúng tôi mà? Tiếng trống đã điểm giờ tan trường rồi-một ngày nữa của tuần lễ sắp trôi qua- không vui buồn, là một khoảng trống không sắc mầu…
Thứ bảy:
Trời vẫn mưa, gió hất những giọt nước mưa vào mặt rát buốt. Có lúc gió to quá tôi không mở mắt ra nổi. Những chiếc xe máy đi ngược chiều làm tung tóe nước trong những ổ voi bắn vào người làm tôi ướt nhẹp bùn đất.Tôi vẫn mặc bộ đồ vừa ướt vừa bẩn như vậy vào lớp,vì tôi còn biết làm sao? Tôi không thể bỏ lớp được. Ban đầu học sinh của tôi còn che miệng cười, hay xì xầm to nhỏ nhưng một lúc sau chúng bị cuốn hút vào bài học và quên đi hiện trạng của tôi. Lúc học trò làm bài tập, tôi ngồi nhìn ra ngoài trời mưa rơi bỗng dưng cảm thấy buồn lạ. Tôi thấy mình như một người máy được lập trình sẳn vậy. Một ai đó đã có lần nói" Nghề dạy học thật nhàm chán. Cứ lập đi lập lại kiến thức đó từ lớp này đến lớp khác, và từ năm này đến năm khác mà thôi". Không hẳn là như vậy, nhưng cũng gần giống nếu lòng ta không có gì mới?
Khi tôi dắt xe ra khỏi trường đã gần 5h20 chiều- trời mùa Đông mau tối lạ. Ngoài đường ai cũng hối hả về nhà vì là cuối tuần,và vì họ có nhiều thư để lo. Có người chờ đợi họ. Còn tôi nghĩ mình không có gì phải vội cả, Tôi không phải lo gì cả, và cũng không có ai đợi chờ tôi. Tôi lái xe chầm chậm, nhìn đoàn người xuôi ngược, bất giác tôi thấy một nỗi buồn len nhẹ vào hồn, làm tim tôi đau nhói. Tôi thấy mình thật vô dụng, nước mắt trào tuôn, tôi khóc. Tôi tấp xe vào lề đường bấm máy gọi người thương yêu nhất của tôi, người có thể an ủi lúc tôi buồn. Tiếng nói ấm áp từ đầu dây bên kia :" Em đừng buồn, đừng khóc nữa. Mỗi một con người đều có một số phận riêng. Cuộc đời- biết ai là sướng, biết ai là khổ đâu? Em hãy về nhà và ngủ một giấc thật ngon và quên hết nỗi buồn đi- chỉ giữ lại niềm vui thôi nhé " . Cúp máy- tôi đi về nhà như một cái bóng. Ngày cuối tuần chập chờn bao nỗi lo toan, phiền muộn đang bước qua đời tôi.
Chủ nhật:
Tôi ngủ dậy rất muộn- nhìn đồng hồ đã hơn tám giờ sáng rồi. Nhà tôi vắng lặng không có ai cả, thường thì hơn 10 giờ ba, mẹ mới về nhà. Tôi biết chắc là trong tủ có đồ ăn sáng mẹ dành phần nhưng thường thì tôi không ăn, tôi không có thói quen ăn sáng. Ngày chủ nhật tôi nằm đọc sách và ngủ vùi thôi, ngoài ra tôi không biết làm gì nữa. Tôi thấy thời gian trôi qua thật chậm chạp. Có lần tôi nói với mẹ :" Con thấy cuộc sống của con buồn và khổ quá mẹ ơi !". Mẹ nhìn tôi giây lát và ngạc nhiên nói :" Con thấy trong làng này có ai sướng như con không? Họ làm đủ thứ chuyện vất vả ngoài đồng, còn con ăn đi dạy rồi chơi không mà khổ gì? ". Tôi không phải khổ vì công việc làm, hay khổ vì tiền bạc, mà tôi cảm thấy cuộc sống của tôi quá trầm buồn- trống trải, quá lặng lẽ. Ngày chủ nhật của tôi trôi qua nhạt nhẽo và vô vị như vậy đó.
Tôi cũng từng phân vân, từng nhiều lần muốn ru hồn vào cõi mộng, muốn tìm kiếm một thiên đường ở một nơi xa xăm nào đó, muốn thoát khỏi sự u buồn của tâm hồn, sự đau đớn của thể xác,và hơn hết là muốn thoát khỏi những tục lụy của đời người. Nhưng cuối cùng tôi cũng không thể thả hồn theo cõi mộng ảo tưởng được mà lại trở về với cuộc sống của cõi trần vì tôi đã chợt nhận ra một điều mà đã bao năm tôi từng băn khoăn tự vấn: “ Đó là không có cõi thiên đường nào xa vời cho chúng ta , mà chỉ có một trần gian gần gũi cho chúng ta sống và chết mà thôi.
Thiên đường thơ mộng hay trần gian địa ngục chính là từ tâm ta mà ra cả. Tâm an vui, thanh thản- chúng ta sẽ có thiên đường thật sự-còn tâm bất an, đầy những phiền não, lo toan thì sẽ là địa ngục. Hãy nhớ điều này.”Một tuần của đời người cũng như thế!./.