Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.198.616
 
Phía Bên Kia Tồn Tại
Nguyễn Thanh Hiện

Trần Chí Thiết bạn của ta là một nhà bi quan học. Danh hiệu này là do Thiết tự trang bị cho mình. Ngay khi còn sống, trong bài vị ở bàn thờ cũng đã ghi rõ: Trần Chí Thiết, nhà nghiên cứu về bi quan. Không phải là anh ta háo danh theo nghĩa phải làm sẵn bài vị  thế để khi chết thế giới bên kia tức khắc nhận ra anh ta là nhà khoa học. Mà do anh ta sợ khi mình chết rồi người ta sẽ vứt đi cái danh hiệu mới nghe qua đã thấy ngán ngẫm cuộc đời. Chưa nhìn thấy phía bên kia tồn tại thì coi như mới sống có nửa cuộc đời. Đấy là cốt lõi thế giới quan của anh ta.

Nhưng phía bên kia tồn tại là phía nào?  Có lần ta hỏi. Thì anh ta liền trưng ra đủ thứ.

 

( Đằng sau những bước chân rón rén của loài mèo là địa ngục của lũ chuột. Những cơn tam bành gió bụi vẫn thường nấp bên trong những nét dịu dàng của một người phụ nữ. Ở những ca ngợi hết mực là có thấp thoáng thứ gương mặt giả dối. Ẩn nấp bên trong những tuyên bố ầm ĩ là nỗi sợ hãi...)

 

Ta hỏi có phải công việc của một nhà bi quan học là nghiên cứu địa ngục của lũ chuột, là nghiên cứu những cơn tam bành của phụ nữ, những gương mặt giả dối, và những nỗi sợ hãi?

 

Thiết bảo ta là đồ đầu óc hoen rỉ. Khoa học chi lại chỉ có mấy thứ đó? Anh ta nói, gần như khạc ra lửa. Ta cứ thấy buồn cười cho Thiết. Dường anh ta  thấy thứ gì trên đời này cũng hoen rỉ cả.

 

( Một con chim có vẻ kiêu căng, từ trên trời cao vói xuống, rằng có vú với đẻ con là chỉ lẩn quẩn ở nơi mặt đất mà thôi. Con chim bay trên trời với con thú có con là cùng một tuổi. Mấy chục triệu năm sau thì đám con cháu của con chim kiêu căng dường có vẻ khiếp sợ trước đám con cháu của con thú có vú lích khích với đám con ngày ấy. Nếu có một kẻ trong đám nhân loại ngày nay lớn tiếng tuyên bố này nọ thì chẳng qua  là để cho toàn thể các loài  trên mặt đất  này biết rằng  giờ  thì đám con cháu của con thú có vú ngày nọ chẳng còn khiếp sợ trước bao nhiêu loài thú như ngày trước. Nhưng đấy là câu chuyện đã xảy ra, như đã xảy ra. Còn nếu như đã xảy khác đi thì sao? Con thú ăn sâu bọ không tiến hóa thành con thú có vú, mà thành một loài bò sát thứ hai, sau đám khủng long? )

 

Ta bảo giả dụ thế là không có căn cứ khoa học. Lần này thì anh ta bắt ta phải ngồi im để nghe anh ta giảng. Tất nhiên là ta cũng có biết một cách đại khái rằng loài người là tiến hóa lên từ một loài sinh vật có vú có mặt trên mặt đất này tự thời đám khủng long bị tuyệt diệt.

 

( Từ trong nước ra ? Hay là từ trên trời xuống? Câu hỏi về nguồn gốc của đám hữu cơ, tổ tiên xưa nhất của con người, là vẫn còn bỏ ngõ. Nếu từ trong nước ra thì toàn thể sinh vật trên mặt đất này đều mang sẵn trong mình thứ cảm thức lưu chảy. Có loài chim nào lại chịu đứng yên một nơi? Có loài thú nào sinh ra là chỉ ăn với ngủ?  Con người, tự thuở sơ khai đã vượt qua không biết bao nhiêu khung khổ của trời đất. Di dịch là đồng nghĩa với tồn tại. Chạy trốn thứ nắng gió khắc nghiệt khi đất nguyên sơ sửa đổi hình thù, khi biển nguyên sơ thay đổi cách lưu chuyển. Những buồn vui, mừng giận, những khổ ải, căm hờn, khiếp sợ … là luôn bổ sung cho thứ cảm thức lưu chảy trong suốt cuộc hành trình bất định. Không ai nói được là sẽ đi đến đâu. Cho tới hôm nay, chứ đừng nói chi buổi ấy, là loài người cũng vẫn chưa thể nói  được là mình sẽ về đâu? )

 

Ta chẳng còn chịu đựng được cái cách giảng thuyết đầy màu xám của Thiết. Phía trước chúng ta là một nền văn minh còn cao hơn nền văn minh hiện tại, là một tương lai được hun đúc bằng trí tuệ của con người. Ta nói. Thiết đặt tay lên môi mình, như để lệnh cho ta im.

 

( Còn nếu như thứ chất hữu cơ ấy là thuộc về thế giới các vì sao, thuộc về đám bụi mặt trời, hay thuộc về lũ cư dân của những đám thiên thạch, thì loài người là mang sẵn trong mình thứ cảm thức thần thánh. Nhưng ở đó là sấm chớp, là giông bão, là lửa trời, là rét trời, là nắng đến nghìn năm, lạnh đến nghìn năm, là ở ngoài năm tháng, ở ngoài ký ức…)

 

Ta hỏi có phải anh ta muốn nói đến một thứ vũ trụ sơ khai bất ổn định? Và tổ tiên loài người là thuộc về một cõi bất ổn định? Lần này  thì Thiết tỏ ra rất vui. Đầu óc nhà ngươi đang bớt hoen rỉ rồi đó. Anh ta nói. Ở trong làng, ta với Thiết là tri kỷ. “Nhà ngươi” và “Ta”, ngôi thứ hai và ngôi thứ nhất số ít, là những tiếng ta với  Thiết dùng khi trò chuyện. Nhà ngươi hãy trả lời ta đi? Ta giục. Anh ta lại tiếp tục.

 

( Bất ổn định chỉ là một tính cách của cuồng loạn. Đó là một vũ trụ cuồng loạn. Cho nên loài người là mang sẵn trong mình thứ cảm thức thần thánh trên tiến trình thác loạn)

 

Làng ta, tự nghìn đời nay như vẫn còn phong kín bỡi một thứ nỗi buồn chẳng hiểu nổi. Có lúc ta cho là do nghèo. Nhưng còn nhiều nơi còn nghèo hơn làng ta. Có lúc ta lại cho là do cách bày biện của đất đai, sông núi. Nhưng làm sao sông núi lại làm cho làng ta luôn toát lên một nỗi buổn chẳng hiểu nổi như thế?

Là đang có tiếng gà trưa. Và ta  cố dấu tiếng thở dài.

 

(Tự nghìn đời nay loài người có hề hay biết là mình đang trong tiến trình thác loạn hay không? Nhà bi quan học là kẻ phải nhìn thấy những ngõ ngách    của tra vấn. Anh là một vì vua? Thì hãy nói cho ta nghe niềm vui sướng khi xua quân qua bên kia biên cương của nước để treo cổ ông vua bạn có cùng chung biên địa? Hay anh là kẻ cầm đầu một trận đánh, sở hữu của anh là xác của kẻ thù và xác đồng đội? Thì hãy nói ta nghe, làm cách làm sao mà anh làm được việc cầm đầu trận đánh? Hay anh là một gã lãng tử giang hồ cởi ngựa ra đi vào một chiều thu lá rụng chẳng thèm một lần ngoái cổ nhìn quê hương tổ quốc mình? Trên con đường đi đến phía trước, tức  đi đến cái sau cái đã qua, có thể là anh đã quên khuấy những gì mình đã nói, và giờ đây, những gì anh nói ra, là hoàn toàn nằm ở phía khác những gì anh đã nói. Trên con đường đi đến phía trước, có thể là anh không còn nhớ, hoặc thật lòng là anh không thèm nhớ, hoặc cũng thật lòng anh cho đó là chân lý, chuyện anh đã dẫm lên kẻ khác. Có thể là trên con đường đi đến phía trước là anh đã bước chệch qua phía bên kia tồn tại)

 

Ta cảm thấy sợ. Thiết đã làm cho ta cảm thấy sợ. Chất thần thánh trên tiến trình thác loạn ở trong ta như đang mách bảo ta là thế giới  đang có chuyện gì không ổn. Dường như là có tiếng thở dài vọng lại từ một góc cuộc đời nào đó, chứ không phải là tiếng gà trưa trong làng.

 

( Có. Những chuyện không ổn là luôn xảy ra trong lịch sử loài người. Lịch sử là vốn xảy ra như chuyện mưa nắng của trời, dẫu con người có ký được, hay không ký được. Và khi con người ký được thì có thể trở nên hàm hồ. Tiền sử là hàm hồ theo cách của tiền sử. Và hữu sử là hàm hồ theo cách hữu sử. Hàm hồ trước là do sự hóa thạch của thời gian. Hàm hồ sau là do sự hóa thạch của trí tuệ con người. Hóa thạch trước là nằm trong đất. Hóa thạch sau là nằm trong thành kiến của triều đại, là nằm trong thành kiến của người chép sử. Khi lịch sử đã bị hóa thạch thì khó lòng đọc được. )

 

Có lúc ta cho là do cách bày biện của đất đai, sông núi. Nhưng khi nghe Thiết nói về chuyện lịch sử, ta lại nghĩ thứ nỗi buồn cố cựu của làng ta là do con người mà ra. Có phải  nhà ngươi muốn nói đến việc các nhà chép sử đã làm hỗn loạn ký ức nhân loại hay không? Ta hỏi. Thiết bảo làm hỗn loạn ký ức nhân loại là cũng phát xuất từ thứ cảm thức thần thánh trên tiến trình thác loạn.

 

Mấy hôm sau, Thiết đã đọc cho ta nghe một đoạn trích trong sách Ba Phút Đầu Tiên của nhà vật lý lý thuyết được giải Noben, Steven Weinberg:

Đối với con người, gần như khó cản lòng tin rằng chúng ta có một mối liên hệ đặc biệt gì đó với vũ trụ, rằng đời sống loài người không phải chỉ là một kết quả tất nhiên hài hước của một chuỗi tai nạn kéo lui dài đến ba phút đầu tiên, mà rằng chúng ta đã được tạo nên một cách nào đó ngay từ  lúc đầu tiên…”

 

Rồi ta và Thiết lại lặng đi để suy gẫm về suy nghĩ của một nhà khoa học tài hoa.

Rồi Thiết lại nói.

Và ta thì nghe.

 

( Ngay từ lúc đầu tiên con người đã tạo dựng cho riêng mình một thứ hình hài gòm có cả  chất cuồng loạn của vũ trụ lẫn những mong muốn cháy bỏng có tính  vô thức mà mãi thật lâu về sau mới trở thành thứ ý thức bầy đàn. Là nhà ngươi đâu biết, chính  sự mong muốn cháy bỏng được các nhà khoa gọi là bản năng, hay tiềm thức đó đã dẫn dắt chất cuồng loạn vào tiến trình chệch qua bên kia tồn tại. Ta, một nhà bi quan học, có nghĩa là ta sẽ có trước tác. Ta sẽ viết Bài Hành Ca Của Một Nhà Bi Quan Học. Và sẽ hát từ năm này sang năm khác cho người đời  hiểu thế nào là phía bên kia tồn tại)

 

Làm sao mà nhà ngươi biết cách hát? Ta hỏi. Thì Thiết bảo là tự thuở sơ khai loài người đã biết hát. Tất cả những khúc hát ấy là nằm trong ký ức nhân loại. Anh ta chỉ làm mỗi việc nhớ lại mà thôi.

 

Một năm, rồi hai năm, ba năm… trôi qua. Thiết vẫn chưa viết được bài hành ca ấy. Ta với Thiết vẫn gặp nhau luôn. Vẫn tiếp tục câu chuyện về phía bên kia tồn tại. Cho tới đêm hôm ấy thì người làng ta ai cũng nghe thấy tiếng hát của Thiết trên đồng làng. Có nghĩa, nhà bi quan học của chúng ta đã bắt đầu viết được bài hành ca. Nhưng sáng hôm sau thì người làng đã phát hiện Thiết nằm chết ở con mương đồng làng. Bạn ta chết có vẻ giống với Khuất Nguyên bên Tàu. Cũng chết trên sông nước. Khuất Nguyên giận vua của mình quá mà chết. Còn Thiết vì vui quá mà chết. Đêm ấy anh đã uống say, ra đồng làng hát, đến không còn nhớ nổi đường về, không còn phân biệt đâu là ruộng đồng đâu là sông nước.

 

Ta biết Thiết coi cái chết như một cách tồn tại khác.

Hay là anh đi tìm một cách tồn tại khác để nhìn cho rõ hơn phía bên kia tồn tại?

 

Ta viết truyện này là để tưởng nhớ một người bạn tri kỷ.

Để người đọc khó quên, ta đã  đưa những lời Thiết vào ở bên trong ngoặc. Nhưng về cái chết của Thiết thì ta còn phân vân là nên để ở bên ngoài hay nên đưa vào ở bên trong ngoặc./.

 

Qui Nhơn, mùa nắng 2009

 

Nguyễn Thanh Hiện
Số lần đọc: 1901
Ngày đăng: 07.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lên Non Hái Trái - Nguyễn Lệ Uyên
Đồ quỷ! - Huỳnh Văn Úc
Vượt Ngục - Đặng Kim Côn
Khỏa Thân - Phan Trang Hy
Ngõ Cụt - Lữ Quỳnh
Chạm - Vũ Lập Nhật
Ngòai Vùng Phủ Sóng - Ngô Thị Ý Nhi
Những Mảnh Vỡ (24) - Nguyễn Thị Hậu
Những Chiếc Mặt Nạ Cười - Kinh Dương Vương
Những Kẻ Vô Thừa Nhận - Nguyễn Thanh Hiện