Đọc thơ Thái Nam Anh không thấy bất ngờ, không sốc nhưng thoang thoảng có sự quyến luyến. Quyến luyến bởi cái tâm của người viết lành. Lành tới độ không quyết liệt, không cao trào, mà chỉ là những “trang trải” với “tất cả hạ, thu rồi đông/cả trả trước cả vay sau chữ này”. Mỗi bài thơ của Thái Nam Anh là một chuyện kể nhẹ nhàng, rủ rỉ và chúng được bao phủ trong bầu không khí lành. Cái nhìn lành, cái cảm lành, cái nghĩ lành. Một chữ lành trong veo.
Lành có thể hóa giải mọi thứ, cả ở những khoảnh khắc đau đớn nhất:
Cả lúc quặn đau con tim trùng xuống
Nhìn phẳng có sóng như hạt nắng êm.
Với một người bạn đã hy sinh, thương nhớ cũng không cuồn cuộn, không ầm ào, chỉ nhẹ nhẹ, lành lành:
Sau ngày ấy bạn không trở về
Nỗi nhớ dốc nghiêng cuối phố.
Gặp chuyện mang hài cốt về quê, nếu không lành thì có thể triển khai rất ầm ĩ, nhưng Thái Nam Anh chỉ khuôn lại trong bốn câu gọn nhẹ:
Tầu Thống nhất hai con mua ba vé
Chiếc ba lô bên cửa sổ nắng tràn
Cha liệt sĩ một ghế về quê mẹ
Hồi còi hú gọi đến mênh mang
Cái cách xử sự lành như thế là tôn trọng triệt để người đã mất nhưng vẫn khiến người đang còn xúc động đến rời rã. Cũng như để tỏ lòng mến nhau thì không nhất thiết phải ôm ghì lấy nhau, mà chỉ cần lặng lẽ nhìn:
Ánh lửa rừng khuya nhìn nhau rất nét
Lửa là sự chuyển động ghê gớm nhất, ảo nhất, gợi nhiều liên tưởng dữ dội nhất, vậy mà bởi lành cho nên cái nhìn vẫn “định” được rõ nét nhau. Lành đến mức này thì không thể hơn được nữa. Lành cho nên giữa cơn mưa chiều tơi bời “Từng đợt từng đợt quất/Những má phấn bợt da/Những môi son bầm lại/Những mảng đời nhạt nhòa” mà vẫn tìm cách lục lọi được một cái lành khác:
Ơ kìa! có mấy đứa trẻ
Hò reo lao ra đường chơi
Người viết về mưa đang đứng giữa mưa, quan trọng hơn, đang ôm trọn vẹn một chữ lành. Không như nhiều người khác, thường tóm lược cuộc đời bằng những hình ảnh, ngôn ngữ mạnh mẽ, sắc lẹm, Thái Nam Anh lại rất lành cứ nhẹ nhàng, chơi chơi:
Thân trải đường bao nẻo
Không ra khỏi phận mình
Bao nhiêu khôn vừa dại
Chẳng đủ ngờ đầy tin
Tưởng là chơi chơi thế, nhưng ngẫm kỹ thì lại không chơi chơi chút nào. Lành còn đeo theo nó biết bao nỗi niềm, bao thương cảm, lành chứa phía sau nó cả bể đa sự. Xem con gái hát bài hát mẫu giáo về con vịt mà cũng để cho cái đa sự lẻn vô được:
“Gặp hồ nước nó bì bà bì bõm”
Tay con xòe ra như đang bơi
Nhưng con vịt ngoài kia con ơi
Đồng thấp đồng cao hạt rơi hạt lép.
Lành quá đôi khi phiền phức thế, nó không đủ dữ để giữ được cho riêng mình một góc yên tĩnh nào, nó tự khuấy lên ngay trong những thời khắc trong veo, rất riêng tư. Nói cách khác, lành quá cho nên tự tước đọat sự vô tư trong một thế giới rất cần vô tư. Đó là chỗ rắc rối không rõ đáng yêu hay đáng trách. Nhưng đáng trách hay đáng yêu thì lành là thứ cần phải được tôn trọng, dù cho chưa đến thời nó được tôn thờ.
Tôi thích những câu thơ này:
Thoang thoảng thấp thoáng ơi
Là thật hay không thật.
Tôi thích cả cái sự chơi chữ rất hiếm hoi này của Thái Nam Anh:
Phải đến tận Kỳ Cùng mới biết mình yêu
Và tôi thích cách nhìn nhận lành đến mức tưởng là “phẳng” nhưng bên dưới lại không hề “phẳng” này:
Đời mình tay mình nắm
Ngày mai còn ngày mai
Cơn gió thoảng ngoài cửa
Gọi thao thức đêm dài.
Tôi thích thêm cả tâm sự rất thành thật này nữa, trong thơ Thái Nam Anh:
Viết chậm lo muộn hẹn với xuân
Viết vội e thiếu câu mùa trước.
Ở giữa sự dùng dằng ấy, lành đã phát huy hết giá trị của nó./.