Ông là buổi chiều tà. Cháu là bình minh rực rỡ. Ông là quả chín trên cành. Cháu là nụ hoa mới nở. Lúc dỗi cháu hay khóc nhè. Lúc ông buồn nước mắt chảy vào trong. Một ngày đẹp trời nọ hai ông cháu ngồi trên chiếc ghế đặt trong vườn, gió hây hây thổi, nắng xuyên qua kẻ lá và tiếng chim ríu rít trên cành. Tiếng nói của cháu cũng trong veo và ríu rít như tiếng chim:
- Ông ơi! Ông kể chuyện cổ tích cháu nghe đi!
- Chuyện cổ tích thì nhiều, cháu muốn nghe chuyện gì nào?
- Chuyện em bé lên ba cưỡi ngựa sắt đánh giặc ấy!
Và dưới đây tôi muốn ghi lại câu chuyện cổ tích ông kể cháu nghe.
- Này nhé, ngày xửa ngày xưa…
- Là ngày nào hở ông?
- Là cái ngày xưa lắm, vào đời Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân ở phương bắc tràn vào dày xéo nước ta, đi đến đâu là trúc chẻ ngói tan và mặc sức đốt phá chém giết đến đấy.
- Giặc Ân là giặc nào mà dã man hung ác thế hở ông?
- Cháu đừng có sốt ruột, để yên từ từ ông kể. Những vị vua đầu tiên của Trung Quốc là Tam Hoàng, Ngũ Đế, sau đó đến vua Nghiêu vua Thuấn, sau vua Thuấn là nhà Hạ rồi đến nhà Thương. Sau nhiều lần dời đô nhà Thương định đô ở đồi Ân và đổi quốc hiệu là Ân, giang sơn của họ gồm các tỉnh Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc, Hà Nam của Trung Quốc ngày nay. Như vậy là nhà Ân ở khá xa nước Văn Lang của ta. Vì vậy giặc Ân có thể là một chư hầu nào đó của nhà Ân ở gần với nước ta thời bấy giờ. Thế giặc mạnh lắm, các tướng không ai đánh nổi. Vua sai sứ giả đi rao trong nước: “Ai là người tài giỏi hãy ra đánh giặc cứu dân cứu nước”. Lúc ấy ở làng Phù Đổng có một em bé trai tên là Gióng đã ba tuổi mà chưa biết nói, cũng chẳng biết cười, đặt đâu nằm đấy. Thế nhưng khi nghe lời sứ giả rao, em bé bỗng nhiên ngồi bật dậy và nói với bà mẹ: “ Mẹ mời sứ giả vào đây cho con”.
- Rồi em bé nói với sứ giả những gì hở ông?
- Em bé nói rằng: “ Hãy về tâu với đức vua đúc cho ta một con ngựa sắt cùng với nón sắt, áo giáp sắt và roi sắt mang đến đây cho ta để ta đi đánh giặc”. Từ ngày hôm ấy Gióng lớn nhanh như thổi, mỗi ngày ăn hết một nong cơm với lại một nong cà, cả làng phải góp gạo góp cà cho Gióng ăn.
- Ngày ấy đã có sắt hở ông?
- Thì cứ coi như là có, chuyện cổ tích ấy mà! Nhà vua sai xẻ núi đào lấy sắt rồi chọn một ngàn thợ rèn ngày đêm hối hả đúc ngựa sắt, nón sắt, giáp sắt và roi sắt. Ngày đúc xong ngựa sắt cũng là ngày Gióng ra trận, dân làng bày tiệc có bảy nong cơm với ba nong cà để tiễn chân. Gióng ăn hết bảy nong cơm với ba nong cà rồi vươn vai đứng dậy đội nón sắt, mặc áo giáp sắt, tay cầm roi sắt nhảy lên lưng ngựa. Ngựa hí một tiếng vang trời, miệng khạc ra lửa đỏ rồi nhằm hướng quân giặc ở núi Trâu Sơn bay tới. Gióng phi ngựa vung roi sắt vào đánh, đến khi roi sắt gãy thì Gióng nhổ những bụi tre đằng ngà bên đường làm vũ khí. Quân giặc tan, Gióng phi ngựa đến núi Sóc Sơn ghìm cương quay chào bốn phía quê hương rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời.
- Thế thì không kịp có cái đoạn vua ban thưởng ông nhỉ?
- Có chứ! Để nhớ ơn người anh hùng vua cho lập đền thờ ở làng Phù Đổng và phong cho Gióng là Phù Đổng Thiên Vương. Dân gian thì lưu truyền câu ca Ngựa sắt lên trời danh vẫn đó/Anh hùng sống mãi với giang sơn. Dân ta còn biết ơn Thánh Gióng đến tận bây giờ nên ở đỉnh núi Đá Chồng trên dãy núi Sóc, xã Phù Linh huyện Sóc Sơn Hà Nội có tượng Thánh Gióng cùng với ngựa của Ngài cao hơn 11 mét được đúc bằng 85 tấn đồng nguyên chất, trong ngực trái của Ngài có quả tim với đủ hai ngăn tâm nhĩ trên phải và trái, hai ngăn tâm thất dưới phải và trái cùng với các dây động mạch tĩnh mạch. Còn Thánh Gióng thì công lao là như thế, tài năng đức độ là như thế nhưng mà không màng chức vụ danh lợi, không đòi hỏi ai phải cám ơn cả. Đánh giặc xong là thanh thản về trời để sống một cuộc đời vui thú điền viên.
- Điền viên là gì mà vui thú hở ông?
- Điền là ruộng, viên là vườn. Vui thú điền viên là cày ruộng và làm vườn.
- Trên trời cũng có ruộng và vườn hở ông?
- Có chứ! Như vườn đào của Tây Vương Mẫu mà Tôn Ngộ Không đã lẻn vào đó ăn trộm đào tiên, uống rượu ngũ tửu.
- Nhưng mà Thánh Gióng từ bé đến lớn chỉ biết đánh giặc chứ có thấy nói làm ruộng làm vườn hồi nào đâu hở ông?
- À ừ! Nhưng mà cháu lắm chuyện quá! Không biết làm ruộng làm vườn vẫn vui thú điền viên được, hiểu chưa? Ngày nay chán vạn người cày không biết, cuốc cũng không nhưng vẫn ung dung vui thú điền viên đó sao?
Tôi có ý định chỉ ghi lại chuyện cổ tích ông kể cháu nghe nhưng đến đoạn này cuộc đối thoại của hai ông cháu không có liên quan gì đến chuyện cổ tích nữa nên xin phép dừng câu chuyện ở đây, mong độc giả lượng thứ./.
Hà Nội 2010