Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.257
123.155.959
 
Người Thầy muôn đời
Thái Quang Hy

Dì Minh đã về tới quê mình!

Thanh reo lên khi thấy Dì bước xuống từ chiếc xe đò Sài Gòn-Long Mỹ. Đã gần hai mươi năm người cháu họ mới gặp lại Dì. Ngoài ra, Thanh còn có cảm giác của một học trò nhỏ gặp thầy, bởi Thanh luôn xem Dì là người Thầy trong mơ ước của mình.

 

Không chỉ riêng Thanh ngưỡng mộ Dì. Năm xưa, Dì vừa về nước, đâu đâu người dân cũng nói với nhau rằng chúng ta có một cô gái tuổi mới hai lăm nay đã thành nữ tiến sĩ đầu tiên của thành phố, trẻ nhất nước từ trước tới nay. Các cô cậu học trò mơ sau này được như cô Minh, các thầy cô trường trung học đem cô ra làm gương, các bậc cha mẹ thì cảm động biết rằng cô tiến sĩ cũng con nhà nghèo, nhưng học xuất sắc lắm, thi toàn đậu ưu, được học bổng toàn phần của quốc gia cho đi du học bên Tây, ôi làm cha mẹ mà được như vậy cũng cam lòng, cho dù sống một đời nơi đây ăn đói mặc rách cũng được, nghèo cúi mặt sát đất cũng được, chịu bom chịu đạn cũng được. Nuôi những người con như thế, ngày tươi sáng lẽ nào không đến?

 

Lần đầu được Mẹ dẫn đến thăm, Thanh lí nhí chào người Dì trẻ mà không dám nhìn lâu. Dì mặc áo dài, đang ngồi viết. Bỗng Dì gọi nó lại hỏi han. Thấy Dì rất dễ thương, dễ gần, Thanh đánh bạo hỏi:

- Thưa Dì, Dì đang viết gì đó?

- À, Dì đang soạn bài diễn văn long trọng. Theo truyền thống của Viện Đại học, phần chính của lễ khai giảng là bài diễn văn của một giáo sư.

Chữ diễn văn long trọng nghe thật lạ tai, nhưng âm thanh ấy cùng giọng nói dịu dàng của Dì cứ sống động trong lòng Thanh mãi sau này. Trong hiểu biết của Thanh, danh xưng của Dì, nơi Dì làm việc, những từ ngữ như Giảng sư, Giảng đường, Viện Đại học... có vẻ khó hiểu, nhưng chúng vẫn dễ thương và luôn gợi lên niềm kính cẩn.

 

Bài diễn văn của Dì năm ấy, với tựa đề “Trí thức hãy dấn thân”, gây chấn động trong các Viện Đại học và ảnh hưởng còn lan ra bên ngoài những bức tường thâm nghiêm. Giáo chức các trường trung học và một số dân chúng cũng chuyền tay nhau những bản phô-tô-co-py lời tâm huyết. Họ nói với nhau, đây là lời của những người trí thức mà nhiều thế hệ người dân chúng ta tin tưởng, hy sinh mồ hôi - nước mắt – máu để có được họ, chúng ta đã chờ đợi họ một cách thấp bé và chịu đựng, và giờ đây sự hiện hữu lầm than của chúng ta bắt đầu được tưởng lệ.

 

*

 

Dì đã trở thành niềm cảm hứng của người cháu nhỏ, Thanh thầm ước sau này được ngồi trong giảng đường để học Dì và lắng nghe bài diễn văn long trọng. Đến lớp Mười, lần đầu tiên Thanh lên được hạng ba, được phát phần thưởng Tưởng lệ, sau phần thưởng Danh dự  và phần thưởng Ưu hạng.  Mẹ mỉm cười, hạnh phúc và vinh dự quá, bởi theo qui định, con được phần thưởng thì phụ huynh cũng được mời dự lễ.

 

Các trường trung học đều làm lễ phát phần thưởng cùng một ngày giờ. Khoảng gần trưa, lễ hoàn tất, đường phố rộn ràng với hàng đàn học trò lãnh thưởng về. Đứa đi bộ lễ mễ ôm những phần to lấp cả mặt, đứa được chở bằng xe đạp hay xe máy, đứa đi xích-lô. Thanh dù chỉ được phần Tưởng lệ, nhưng cũng kha khá nặng, gói bằng giấy bóng kính màu xanh, thắt nơ, xòe to như một bông sen khổng lồ. Đã thành thông lệ, hàng năm ngày này dân chúng ra trước cửa xem học trò lãnh thưởng về, nhận xét rôm rả. Còn các người làm cha mẹ của đám trẻ sung sướng kia mặt cũng đỏ hồng lên, không nói gì nhưng thật ra trong lòng reo to điều mà ai cũng biết rồi “Con tôi đó, bà con ơi !”

 

Bất ngờ thay, mùa hè năm đó cũng là lúc Thanh vĩnh viễn rời xa trường lớp. Cha của Thanh bị điều đi vùng xa, việc học của Thanh ở chỗ mới chưa sắp xếp được thì chiến sự bùng nổ dữ dội. Rồi khi hòa bình trở lại, cả nhà trôi dạt về Long Mỹ, nơi một người bạn lính cũ cho Cha mượn ít công ruộng mà sinh sống, và Thanh cũng bắt đầu vào đời bươn chải. Theo chính sách ngăn sông cấm chợ, không ai được đem gạo từ các tỉnh lên bán cho Sài Gòn. Thanh đi buôn, mỗi chuyến chừng vài chục kí gạo, chia ra trong những hộp ghi-gô nhỏ, giấu rải rác trong xe đò hoặc gửi nhờ vài hành khách mỗi người một hộp. Đôi lần Thanh ghé thăm Dì, thấy lúc này Dì thường mặc bà ba trắng quần dài đen chứ không áo dài như trước nữa. Dì vẫn tốt bụng và dịu dàng như xưa, nhưng Dì rất cách mạng. Dì hỏi:

-  Lúc này con làm gì?

Thanh đành thú thật là con “đi buôn chuyến”. Dì khuyên:

-  Sao con không kiếm việc gì khác mà làm? Làm như con đâu phải là việc làm của người thanh niên thời đại.

 

Thanh không trả lời được, chỉ cúi đầu, xoắn xuýt hai bàn tay, thầm xin “Dì ơi, con cũng muốn đi học, hay làm ruộng cũng được, nhưng bây giờ con không biết phải làm sao. Dì đừng gọi con là con buôn lậu như người ta vẫn gọi, nha Dì.”

 

Rồi những chuyến đi buôn cũng vào đường cùng. Sau mấy lần bị Quản l‎‎ý thị trường tịch thu gạo, Thanh không còn vốn nữa. Thanh không có dịp lên Sài Gòn và mất liên lạc với Dì mãi đến gần đây.

 

*

 

- Thưa Bà, Bà ngủ ngon không? Con đem nước cho Bà rửa mặt đây.

Thau nước sóng sánh trên tay Thắm. Cô bé tuổi chừng mười lăm, là con gái của Thanh.

- Mẹ con sáng nay phải ra chợ bán, Mẹ con nói chút trưa trưa sẽ về với Bà.

 

Ăn sáng xong, Dì Minh bảo Thắm dẫn đi một vòng quanh xóm cho biết. Đường xóm nhỏ gập ghềnh, lầy lội. Miền quê bây giờ không còn thoáng đãng và trong lành như xưa. Dì Minh bảo Thắm đi xa hơn một chút, ra phía đám ruộng bên kia bờ mương nhỏ.

- Đây là cái cầu dừa. Nó hẹp lắm, Bà đi cẩn thận nha.

 

Ruộng đồng trải dài trong nắng sớm. Xa một chút là kênh Trà Ban, đôi bờ tấp nập những nhà máy xay lúa. Ghe thuyền ghé bờ, những bao lúa được đưa lên nhà máy bằng những chiếc tời. Sấy và xay xong, gạo lại được xuống ghe để chở đi Sài Gòn hay ra thế giới.

 

Thắm dẫn Dì Minh đến trước cái am thờ nhỏ xíu cạnh chiếc cầu dừa. Am vuông vuông chừng ba bốn tấc, ghép bằng thiếc, có mái che, trông như một túp lều tí hon, nằm sát mặt đất bên bờ nước. Thắm nói:

- Đây là am thờ chị Mơ của con. Tại chị thích ở ngoài này nên Mẹ con lập cái am ở đây.

- Chị của con mất như thế nào, Bà chưa kịp hỏi.

- Chị con thôi học vì nhà con nghèo quá. Chị lên Sài Gòn, đầu làm công nhân, sau bỏ đi làm nhà hàng.

 

Chị quen với một ông nào đó có vợ rồi. Rồi cuối cùng chuyện không ra làm sao hết, chị lại về nhà. Mẹ con có la chị. Tối hôm đó chị buồn rồi tự tử. Buổi sáng, con là người đầu tiên thấy, chị dưới kênh nơi đây, nước lấp xấp trên mình, chị nằm ngay thẳng nhìn lên trời, hai tay xếp trên ngực như thế này.

 

Dì Minh nhìn vào am của người cháu gái chưa hề biết mặt. Trong am chỉ có bát hương và một chiếc gương soi nhỏ. Chiếc gương này thay cho gương mặt một con người.

Như thể để ai cũng thấy một phần chính mình nơi đó.

 

Một kiếp người, những kiếp người, mang bao mộng ước rồi một ngày chết đi, sớm hay muộn, tức khắc hay dần dần, về thể xác hay về tâm hồn.

 

Còn lại trên mảnh ruộng này cô bé Thắm, đang tuổi hồn nhiên, môi đỏ như bông hồng, mắt trong như giọt nước, nhưng phảng phất buồn. Con gái ở miền quê như Thắm đây đều sẽ già trước tuổi ; hoặc cam chịu sống ở quê đây, mười tám hai mươi đã làm dâu làm vợ, tay bế tay bồng; hoặc muốn thoát ra, lên Bình Dương hay Sài Gòn làm công nhân xa xứ hay phụ bán hàng bán quán, cầm được tờ tiền để rồi thiếu trước hụt sau trả vào miếng ăn chỗ trọ, làm một người bên lề thành thị, nhưng cũng không muốn trở lại quê nhà nữa.

Chiều nay Dì Minh trở về Sài Gòn.

 

*

 

Chiếc xe đò lao đi, để lại Long Mỹ sau lưng. Sau bao năm bận rộn nơi thành phố, hai ngày ở quê ngắn ngủi vừa qua làm Dì chạnh lòng, cũng như năm xưa lúc mới trở về từ Âu châu hoa lệ, Dì từng xúc động khi gặp lại khung cảnh nghèo khổ của quê hương, những khuôn mặt trẻ thơ đen đúa, những ánh mắt chịu đựng khuất dưới vành nón lá. Bây giờ Dì trở lại với những ấp ủ trong thời tuổi trẻ của mình. Tại sao dân mình còn khổ và lớp trẻ không được học hành cho tới nơi tới chốn ? Trước họ mắc nợ nên bây giờ phải trả, thế thôi ? Trong đầu óc chất phác của họ, có lẽ họ cũng không hiểu tại sao.

 

Còn Dì là người hạnh phúc, có một gia đình hạnh phúc, một sự nghiệp hạnh phúc. Dì đã nhận nhiều từ họ, những người dân lầm than này. Thực sự, những người "hạnh phúc" là người đang vay nợ, trong khi đó những người bất hạnh là kẻ đã trả nợ cho đời.

 

Sau một thời coi thường học thức, từ mấy chục năm nay người ta trở lại tôn trọng nó. Là một  giáo sư hàng đầu của cả nước, Dì được nhiều trường trọng vọng và mời mọc. Dì làm công việc được mời một cách đầy đủ. Dì đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Dù rằng cái bệnh chạy theo bằng cấp lây lan như không chừa ai, dù rằng những gian dối tràn vào trường học từ thành thị tới nông thôn, dù rằng Dì vẫn là một tế bào trong cơ thể bệnh hoạn đó, Dì đã ráng giữ được mình không dính vào những trò mua bán. Tất cả những gì Dì có thể làm là thế.  Xã hội là thế, Dì đã từng mãn nguyện.

 

Thời nghèo túng đã qua rồi. Chiếc bánh thu nhập quốc gia to dần lên hàng năm, để nơi này vừa đủ làm cho dân thoát đói nghèo, đồng thời nơi kia có những sở hữu tăng giá trị gấp mấy trăm lần. Một căn nhà nhà nước hóa giá cho cán bộ với giá hai cây vàng, nay thành một ngàn cây; một miếng ruộng ở phía nam thành phố được chuyển quyền sử dụng thành đất ở bán cho giảng viên với giá trăm triệu, mấy chốc thành bảy tám tỉ. Một tài sản công được chia ra thành cổ phần bán với giá rất hời. Xã hội là thế, những cái đó đều đúng luật.

 

Trở lại Sài Gòn, nơi ngôi nhà có vườn cây như một thôn quê giữa lòng thành phố, một thứ thôn quê có sắp xếp, tỉa tót tinh tươm và máy móc, lòng Dì lại hướng về miền quê thực sự, miền quê nghèo nàn, nhưng chính là nơi đang có những ánh mắt mong đợi. 

 

Dì không dự nữa những buổi họp hội đồng quản trị, hội đồng khoa học, ban cố vấn của mấy trường đại học đã lập hoặc đang xin lập, trong đó tên tuổi Dì được đưa vào làm một bảo đảm uy tín. Rất nhiều, những trường đại học vội vã mọc lên, vét sạch vương hiệu của các vị Quốc tổ và quốc hiệu của các thời đại Nước nhà, đem đi in pa-nô vi tính trên vải nhựa, tạm bợ giăng lên nơi mé cổng những cơ sở trường lớp thuê lại. Dì không gặp nữa những hiệu trưởng tự xem mình là doanh nhân thành đạt và đang lo thu gom giấy lý lịch thật và giả của giảng viên, kể cả của ai không hề giảng dạy, miễn sao cho đủ số để hợp thức hóa hồ sơ trường; những hiệu phó tài chánh giữ trọng trách ấn định doanh số cho các khoa; những trưởng phòng tuyển sinh khôn ngoan như giám đốc tiếp thị, những hội đồng khoa học không hề có công trình nghiên cứu; những cổ đông không bỏ tiền nhưng khéo sử dụng quan hệ với đồng liêu cũ để xin giải tỏa đất nông nghiệp thành đất trường với giá đền bù hợp lý, rồi trên đó xây lên trường sở và ký túc xá cho con em nông dân các tỉnh về thuê trọ học với học phí bằng nhiều năm thu nhập của cha mẹ chúng.

 

Dì muốn bắt đầu làm một điều khác hẳn, dù nhỏ bé nhưng thực tế.  Và vẫn yêu nghề giáo biết bao, "Kiếp sau con xin lại làm người dạy học", Dì ước như thế và muốn đi mãi đến chỗ tột cùng tốt đẹp của nhiệm vụ mình.

 

*

 

Nhưng thời gian đi hững hờ, hay lòng ai đó hững hờ ?

Thế mà đã nhiều tháng từ ngày rời Long Mỹ, căn bệnh Dì trở nặng, Dì yếu dần rồi không ra khỏi giường được nữa.

 

Mọi việc gia đình đã sắp xếp xong, nhưng Dì còn tiếc mình đã không làm gì cho bé Thắm trong thời gian qua, trong khi phương tiện của Dì không thiếu. Còn hơn thế, đó là niềm ân hận của một Người Thầy, một chấm sáng bị chôn vùi trong tro tàn bấy lâu, nay bỗng hiện ra, như một con mắt trong veo và buồn bã. Bài toán Người Thầy đã gặp chỉ được làm như thế thôi sao ? Sự ổn định đó làm ta thỏa mãn rồi, và quên mất trong ta xưa lắm từng có một người mơ ước, một người dấn thân, một người dẫn dắt. Để đến hôm nay thì đã muộn, xương cốt rã rời, tinh thần hoảng hốt nhìn con thuyền chở nó đang bục ra, và tuyệt vọng tháo chạy trước luồng nước hung hãn tràn qua những mảng vỡ.

 

Dì mong được gặp mấy đứa cháu một lần.

Buổi sáng nọ, thấy Thanh và con bé Thắm bên mình, Dì nói:

- Con đã đến đó ư ? Dì đã không tròn lời hứa với Mẹ của con. Xưa Dì có hứa dạy chữ cho Mẹ, nhưng chưa làm thì Dì đi du học. Dì cũng chưa cho con vào một giảng đường. Dì còn tiếc sao mấy tháng rồi không cố gắng làm điều gì đó, hay ít nhất cũng một chút gì cho trường học của bé Thắm. Dì tiếc lắm, bây giờ thời gian của Dì đã hết rồi…

 

Thanh nắm lấy bàn tay Dì:

- Dì ơi, đừng nói vậy. Dì hãy thanh thản. Dì đã làm được rất nhiều cho mọi người. Dì cũng đã rất thương gia đình chúng con. Dì còn phải sống lâu nữa, hơn Mẹ con nữa kìa.

 

Nhưng Dì Minh đã khép đôi mắt. Dì thấy lại đường phố xưa tưng bừng với hàng trăm hàng ngàn học trò ôm những phần thưởng gói bằng giấy màu tung tăng như đàn bướm. Dì thấy mình đọc bài diễn văn long trọng thuở nào, trước những bậc  thầy tóc bạc lắng nghe người nữ tiến sĩ trẻ măng. Dì thấy mình bay lên, như ngày lên đường du học, máy bay rời cái phi trường trong thời chiến chằng chịt hàng rào kẽm gai, bỏ lại bên dưới những cánh đồng tan nát ngập chìm trong khói bom và pháo kích.

 

Dì bay lên cao nữa. Mặt trời rất sáng mà dịu dàng. Dì thanh thản hòa tan vào ánh sáng nơi đây.

Nhưng Dì vẫn thương quá những cánh đồng và muốn trở về. Dì trở nên rắn chắc và nhỏ lại, thô ráp như một hạt lúa, rơi xuống và cảm thấy mình tự do chọn nơi nào để đến. Trái đất lại hiện ra như một giọt nước, rồi lớn dần lên. Đây dải đất hình chữ S. Đây sông Hồng đỏ như nguồn máu tổ tiên, đây sông Hương xanh ngắt đã từng cho Dì một tâm hồn sáng trong thơ mộng, đây Cửu Long ngầu đục quê mùa ươm lên những hạt lúa nuôi sống bao đời.

 

Dì đã đến gần hơn, những tàu chở lúa trổi tiếng còi, những thanh niên vác lúa trên tàu và nông dân cuốc cày dưới ruộng ngước lên, cười và vẫy tay chào đón Dì.

 

Dì đáp xuống nơi mảnh ruộng nhỏ bên chiếc cầu dừa và chìm vào phù sa. Bùn đang ấm lên dưới ánh bình minh./.

 

 

Thái Quang Hy
Số lần đọc: 1775
Ngày đăng: 09.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện Về Một Ngôi Nhà. - Mang Viên Long
Tuần Lễ Một Đời Ngừơi - Trần Minh Nguyệt
Nỗi đau - Minh Hương
Phía Bên Kia Tồn Tại - Nguyễn Thanh Hiện
Lên Non Hái Trái - Nguyễn Lệ Uyên
Đồ quỷ! - Huỳnh Văn Úc
Vượt Ngục - Đặng Kim Côn
Khỏa Thân - Phan Trang Hy
Ngõ Cụt - Lữ Quỳnh
Chạm - Vũ Lập Nhật
Cùng một tác giả
Tóc thề (truyện ngắn)
Tham kiếm (truyện ngắn)
Có ghế không bàn (truyện ngắn)