Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.072
123.164.447
 
Một thời để nhớ
Ngọc Thủy

Viết về trung tá, bác sĩ Lê Thị Hiếu Tâm - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

 

Địa hình im ắng, không một tiếng động. Khuya lắm rồi, trăng 16 đã treo ngay trên nóc mùng mà tôi vẫn còn thao thức. Tiếng nổ lúc nãy như báo cho tôi một điều chẳng lành. Tôi nằm nghe đàn chuột rúc rích trong đám cỏ Tây, tiếng sương rơi lộp độp trên tấm nilon mà đầu óc cứ mênh mang suy nghĩ. Liệu có đúng như Trí đã nói hay không? Có đúng là tiếng nổ phát ra từ mé đồng, cách xa ngã ba Trung An hay không? Nếu đúng vậy thì anh Năm Hóa mới đi hơn 5 phút, có giỏi lắm cũng chỉ đến hàng trâm bầu - ngang cánh đồng Phước Thạnh. Khi nghe tiếng nổ, tôi đã dừng lại nói với Trí:

 

- Trí ơi, hay  anh Năm ….

 

Trí  quay lại:

 

- "Bà" đừng có hù tôi nha! Nó nổ tuốt ngoài mé đồng, anh Năm đâu đó mà anh Năm?

 

Lúc đó, nhìn vẻ mặt tỉnh queo và  giọng nói đầy tự tin của  Trí tôi đã hơi yên tâm, nhưng bây giờ thì thấy lo. Mùa này gió Nam, có thể âm thanh dội lên nghe xa hơn thực tế. Mà trong rừng cây trùng điệp thế này đâu dễ gì định hướng cho chính xác. Nếu không phải con chuột, con chồn làm nổ, thì ai? Anh Năm Hóa có bề gì thì… Tôi thấy ân hận vì đã để cho anh ấy đi. Nhưng ngăn sao đành, đã bốn năm tháng nay rồi anh ấy có về thăm nhà được đâu. Ban ngày lính càn vô tận mé vườn, lùng từng đống rơm bụi cỏ; tối đến chúng co cụm ngoài đồng bắn pháo sáng suốt đêm. Tôi biết anh ấy đau lắm khi phải bỏ địa bàn, là phó Bí thư xã Trung An mà phải ở trên C4. Chiều hôm qua, biết bộ phận quân y cũng về  thành đội dự Hội nghị, anh đã sang đi với tôi và Trí. Đến ngã ba Trung An - Phước Thạnh thì anh bảo tôi với Trí đi trước, anh tạt ra nhà thăm mấy đứa nhỏ một chút. Tôi  hơi bất ngờ, vì nhà anh ấy nằm trong vùng địch kiểm soát.

 

- Khoan đã anh Năm, anh đi ngã nào? Lính đầy đồng đó!

 

- Anh quay lại. Trong ánh trăng tôi thấy anh cười:

 

- Lính mặc lính, mình có đường của mình, lo gì! - rồi anh hạ giọng  - Đùa vậy thôi, chứ anh có cách đi của anh rồi, đừng lo.

 

Giọng anh thật dịu dàng và cái nhìn ấm áp như hàm chứa sự biết ơn. Đã gần 50 rồi mà anh vẫn gọn gàng, nhanh nhẹn; mái tóc dày, đen nhánh, không lẫn một sợi bạc nào. Đặc biệt, anh có một đôi mắt rất sáng, rất linh hoạt; một nụ cười rất duyên với hàm răng trắng bóng. Nhưng tôi quí anh không phải vì anh đẹp trai, mà vì anh rất độ lượng, sống có nghĩa có tình.

 

Anh cúi xuống rút lại quai dép, tôi nói:

 

- Sáng vào Hội nghị, đêm nay anh đi suốt, liệu mai có ngồi nổi hay không?

 

- Anh sẽ cố gắng về sớm.

 

- Cẩn thận, coi chừng tụi nó phục nghe anh - Trí nói.

 

Anh đứng lên,vỗ vỗ vào vai tôi và Trí rồi lẫn vào bóng đêm. Bây giờ anh ấy đang ở đâu? Nếu không có chuyện gì thì giờ này ảnh đang ăn  thịt gà của bà xã đãi rồi, nếu có thì… Tôi không dám nghĩ nữa. Ánh trăng vẫn sáng vằng vặc, tiếng bá đậu nứt vỏ kêu tanh tách. Một con vạt sà xuống tấm nilon, hoảng hốt đập đôi cánh bay lên, để lại một tiếng kêu lạc lõng. Địa hình vẫn im lìm, tĩnh mịch. Tiếng gà từ ngoài ấp vọng vào nghe xa vắng. Trời sắp sáng rồi chăng? Tôi chui ra khỏi mùng, đi sang chỗ của Trí. Trí mắc võng trên nhánh lêkima ngủ ngon lành. Một đầu dây mùng tuột xuống phủ lên mặt Trí. Bầy muỗi đói lợi dụng thời cơ bâu vào cái khoảng da thịt lộ lên sau lớp vải thưa ấy mà hút máu. Tôi định sang bấm cậu dậy để hai chị em lần về phía tiếng mìn, nhưng thấy Trí ngủ say quá tôi không nỡ gọi. Cột lại dây mùng cho Trí, ngắt một tàu chuối đậy lên nóc che sương, tôi rón rén trở về.

 

Gió thổi lắc lư ngọn mù u mà lòng tôi vẫn thấy nóng như lửa đốt. Đại biểu các đơn vị đã về đủ cả rồi mà vẫn chưa thấy anh Năm Hóa. Đã  bảy tám giờ sáng, không đời nào anh Năm còn ở nhà. Trí ơi! Vậy mà cậu cứ bảo chị Tâm hay lo xa. Bây giờ anh Năm ra sao rồi? Cứ mỗi lần thấy bọn lính sục vào một đám cỏ là tim tôi thắt lại, tôi tưởng như anh ấy đang nằm trong đó. Kìa, bọn nó đang làm gì vậy? Đứa cầm cây, đứa lấy nón sắt múc nước, chúng vây quanh cái gì  thế? Chúng đập, chúng đổ nước, chúng la hét. Trời ơi, có phải anh Năm đang nằm đó, cái thi thể bê  bết máu và chúng đang ra tay khai thác? Tôi chết điếng, rút đôi chân tê dại ra khỏi cháng ba, tuột xuống đất, ù chạy về phía bọn lính.

 

- Chị Tâm! Chị Tâm!

 

Một bàn tay nắm áo tôi kéo lại, hơi thở nóng hổi phả vào gáy tôi. Tôi chộp mạnh cái tay ấy, giật nó ra.

 

- Chị Tâm!…

 

Thì ra là Trí. Khuôn mặt cậu ấy tái mét, đôi môi mấp máy, mắt mở to, Trí nhìn tôi như chực khóc.

 

- Cậu có thấy gì không? Bọn lính đang hành hạ anh Năm ngoài đó.

 

- Nhưng chị chạy ra, bọn nó sẽ bắn chết chị.

 

- Chết kệ tôi. Đêm qua cậu nói tôi lo xa, giờ cũng cậu…

 

- Chị Tâm!

 

Trí ôm mặt khóc. Tôi ân hận quá, sao tôi lại trút cơn giận vào cậu y tá trẻ tội nghiệp này? Hai chị em đã cùng chiến đấu mấy năm nay, vào sống ra chết có nhau, có lúc nào Trí tỏ ra hèn nhát đâu. Trí thương tôi, cậu ấy không muốn tôi đổi mạng một cách oan uổng, sao tôi nỡ nói "cũng cậu" với Trí. Rõ ràng là mình bị kích động mạnh nên thiếu bình tĩnh. Hai trái lựu đạn này và một con người làm sao cứu nổi anh Năm giữa ban ngày. Nếu Trí không ngăn cản kịp, thì bây giờ mình ra sao?

 

- Trí, cho chị xin lỗi. Tại chị thương anh Năm quá …

 

Như chỉ chờ có vậy, Trí ấm ức nói;

 

- Bộ em hổng biết thương anh em sao?

 

- Chị biết rồi, đừng khóc nữa. Chị em mình huề hén?

 

Trí kéo tay tôi về gốc mù u, rồi cậu leo thoăn thoắt lên ngọn cây như một con mèo. Vừa ngồi xuống cái cháng ba, Trí đã ôm bụng cười sằng sặc.

 

- Cái gì vậy Trí? Bộ vui lắm sao mà cười?

 

- Chị Tâm ơi, bọn nó …

 

Trí chưa nói hết câu đã lại cười, làm cho tôi thêm sốt ruột.

 

- Cái gì vậy? Cười um sùm nó tỉa như mít rụng bây giờ. 

 

- Hổng cười sao được. Tụi nó đào chuột trong gò mả mà chị nói nó tra tấn anh Năm. Kia kìa, nó đang un khói mù mịt đó!

 

Cả tôi cũng không nín được cười, Tiếng cười ém trong lồng ngực nghe khùng khục. Nhưng rồi tôi lại thấy những chuỗi cười kia vô duyên quá, anh Năm đang đợi từng giây từng phút, mà tôi lại ở đây cười.

 

- Trí, xuống bàn chút coi!

 

Trí tuột xuống như mgười ta thả một quả bóng.

 

- Gì chị?

 

- Trí có báo với các chị xóm ngoài phụ tìm với má Hai không?

 

- Có. Chị Tư còn bỏ theo cái võng trong gọng cua nữa

 

- Thôi, cậu vô trỏng coi có gì mới không. Để chị trông cho.

 

Tôi trèo lên ngọn mù u, ánh nắng gay gắt chiếu vào mặt gát bỏng. Bọn lính chia nhau đi chọc ghẹo mấy đám cấy. Những chiếc nón lá trắng lấp lánh bị mấy cái nón sắt xám xịt chen vào, trông nhức mắt. Từ hàng trâm bầu trở về đây lính đóng dày đặc hơn. Còn phía dưới, cách năm sáu dãy ruộng mới có bọn nó. Nếu để ý một chút, sẽ thấy hôm nay dân đi bắt ốc, bắt cua nhiều hơn đi cấy. Mấy cái nón lá chia nhau di động khắp cánh đồng. Những vuông ruông gò nhiều cỏ năn, cỏ lác được họ tập trung  đông hơn. Ngồi đây tôi cũng nhận ra cái dáng khom  khom, mặc áo màu nâu kia là của má Hai. Còn người xách cái gọng cua bươn bả dưới hàng trâm bầu là chị Tư - con má. Người mặc áo trắng, đội chiếc nón lá mới có bao nilon lấp lánh đang hái rau trên gò dâm là cô Hường. Còn nhiều lắm, chị Năm đang tát cá trong mương rẫy, cô Bảy đang nhổ rau kềm trong khóm mía lao, chú Chín đi đuổi chim. …. Tất cả đang cùng một nhiệm vụ: Tìm anh Năm Hóa. Tôi hồi hộp theo dõi từng người, cái nóng ngoài trời cũng không bằng cái nóng đang thiêu đốt trong lòng tôi. Kìa, ai như má Hai đang đi về phía này. Đúng là má rồi, chắc có tin gì đây.

 

Tôi tuột xuống, mò ra tận hàng rào dây chuối ngoài cùng đón má. Má đã thấy tôi, nhưng vẫn khom xuống bờ mải miết thọc cù ngoéo vào một cái hang mội. Tôi  biết, má đang đánh lừa chúng nó.

 

- Má!

 

Không hề ngẩng lên, má thì thầm:

 

- Thằng Năm Hóa bị thương, đang nằm trên đám rẫy ông Ba Q. Cái liếp ngoài cùng, cách hàng trâm bầu hơn trăm thước.

 

Má vừa nói hết câu thì bọn lính ngoài đồng kêu óng lên:

 

- Ê, bà già! Bộ muốn ăn lựu đạn sao mà mò vô đó?

 

Sợ tụi nó nghi, tôi nói:

 

- Con nghe rồi, má ra đi!

 

- Tụi bây gáng tính coi, lính đầy đồng đó. Má với mấy chị mầy chờ.

 

Đợi má đi xa cho bọn lính không còn chú ý, tôi mới rút vô chạy đi tìm anh Hai Công Đắc - Chủ nhiệm Chính trị Thành đội Mỹ Tho. Tôi hy vọng anh ấy sẽ có kế hoạch cứu anh Năm. Sục vào mấy dãy láng không thấy anh ấy đâu cả, tôi chạy ra sau vườn thấy Hương đang ngồi lựa thóc gạo dưới bóng cây lêkima. Cô dựa lưng vào gốc cây, thau gạo đặt trên đầu gối, hai chân hơi duỗi ra, mái tóc đen dài buông về một phía, trông cô đẹp như một bức tranh. Tôi suýt reo lên, vì tôi vừa nghĩ ra cách cứu anh Năm Hóa. Hương là y tá của Thành đội, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, lại trẻ đẹp. Hương chỉ cần ngụy trang thêm cách ăn mặc thì có thể dễ dàng lọt qua mắt giặc, đến băng bó, tiêm thuốc cho anh Năm, đợi trời tối mình ra rước ảnh về. Ngoài cách đó ra không còn cách nào tốt hơn nữa. Nếu vũ trang ra lúc này chỉ thêm người hy sinh vô ích. Bọn lính đông hơn ta gấp bội, lại xen lẫn trong dân, đánh chúng giữa ban ngày khác nào đem trứng chọi với đá. Suy đi nghĩ  lại, chỉ còn cách đi hợp pháp là tốt nhất. Nhưng liệu Hương có dám đi không? Ở đây ngoài Hương ra chỉ còn tôi và Trí là thầy thuốc. Trí thì nhất định không được rồi, tôi thì không có mảnh giấy  tùy  thân. Vả lại, lần ra lộ 4 bắt liên lạc với ông Năm Bi, lúc về bị bọn lính bót cây vàng nó rượt, biết đâu chúng còn nhớ mặt tôi. Thôi thì báo anh Hai Công Đắc, xem ý ảnh thế nào.

 

Đi tìm khắp nơi, ai ngờ ổng đang ngồi trên nóc tiền duyên. Chắc ổng cũng đang rầu về việc anh Năm Hóa nên không hay điếu thuốc trên tay đã cháy gần hết. Đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ cứ ngó đăm đăm ra cánh đồng. Khi nghe tôi báo lại tình hình, anh chỉ khẽ chao mày, làm như mọi sự việc tôi nói anh điều biết cả rồi vậy. Tôi chưa nói ý định cử Hương đi, để thăm dò ý anh, tôi hỏi:

 

- Tính sao đây anh Hai?

 

Anh ấy quăng điếu thuốc xuống miệng hầm kêu cái xèo, thở ra một cái, rồi chậm rãi nói:

 

- Tôi cũng chưa biết tính sao.

 

- Hay là mình cử Hương ra băng bó, đợi tối cõng ảnh về?

 

- Không được đâu. - Anh ấy trả lời ngay, không cần suy nghĩ.

 

- Sao vậy? Hương có đầy đủ giấy tờ thì giả người đi cấy có khó khăn gì. Má Hai và các chị ngoài đó sẽ hỗ trợ thêm.

 

- Cô nhìn kia, bọn nó đang lùng từng đám cỏ, cử Hương ra không biết có làm được gì chưa, hay đem nộp mạng cho bọn chỉ điểm.

 

Tôi không buồn nhìn theo hướng tay anh ấy chỉ, cũng không trả lời. Tôi giận sôi lên với cái vẻ huỡn đãi của anh ấy. Có cách gì khác thì  ảnh không nói, còn cử Hương đi ảnh lại sợ mất lính. Tôi cố nén:

 

- Vậy anh tính sao?

 

- Tôi chưa biết, nhưng nó không đi được.

 

- Nó đi không được thì tôi đi!

 

Uất quá, tôi nói luôn rồi bỏ đi. Hình như anh ấy có gọi, nhưng tôi không muốn nghe. Tôi mở balô lấy chiếc áo bà ba ti-tơ-rông màu hồng mặc vào, cho hai trái da láng vô hai túi áo; bộ tiểu phẫu quấn trong bọc nilon, lận vào bụng. Khoác thêm chiếc áo trắng cũ bên ngoài lè phè như người đi ruộng, trùm cái khăn sọc carô tím, đội chiếc nón lá bung vành, xách thêm cái dao, tôi tìm cách lẫn vào một đám cấy gần đó. Thấy tôi xuất hiện đột ngột, mấy chị đang cấy buông mạ đứng nhìn. Tôi trấn an:

 

- Các chị cấy bình thường đi, em phụ với.

 

Tôi lội ào xuống ruộng, xách những cụm mạ rải ra sau lưng các chị. Bỏ mạ bó xong rồi, tôi quay sang bỏ mạ mớ; vừa làm vừa ngó tìm má Hai và các chị cơ sở. Tôi đã thấy má ngồi trong đám rẫy, cách tôi hơn 100 mét. Tôi nói lớn:

 

- Thôi, mấy chị cấy nghen. Em đi làm cỏ, má đợi.

 

Một chị nhanh trí, tiếp:

 

- Cái con nhỏ ham vui quá, đang làm cỏ mà nhảy qua đây.

 

Tôi vừa cười vừa tung tăng đi về phía má. Má đang bắt sâu dưa ngẩng lên rầy tôi:

 

- Còn ở đó bỏ mạ, làm tao muốn đứng tim.

 

Tôi nheo mắt cười khì, tìm cách chọc cho má bớt sợ.

 

- Còn má, bộ rảnh lắm sao mà đi bắt sâu dưa giùm thiên hạ?

 

Má nhổ miếng trầu, phát tay vào mông tôi cười như mếu. Nhìn đôi tay gầy guộc của má lần từng tấm lá, ngọn dưa tôi thương má quá. Khuôn mặt má xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn trước, đôi gò má sạm nắng như nhô cao hơn. Má đội cái nón lá dừa dày cộm, bịt xước mái tóc bạc bằng cái khăn cũ nhăn nhúm. Chiếc áo nâu má mặc đầy những mảnh vá chằng đúp. Tôi ngồi xuống bên má thì thầm:

 

- Anh ấy đâu, má?

 

- Đằng kia kìa!

 

Má hướng mắt về phía đám rẫy bỏ hoang cách tôi khoảng 300 thước. Ở đó có nhiều con mương ngang dọc, cỏ đuôi chồn và cây lức mọc đầy các liếp. Dưới lòng mương, cỏ tây lông và cỏ lác cao khỏi đầu người. Càng trưa, nắng càng trở nên gay gắt; phải làm cho nhanh, kẻo bà con về nghỉ hết thì nguy.

 

- Mình đi, đi má! - Tôi thì thầm.

 

- Đợi con Tư, con Năm chút đã. Tụi nó đang đi tới kia kìa.- Má vừa nhổ cỏ, vừa trả lời nhẹ như hơi thở.

 

Tôi nhìn ra sau, thấy chị Tư xách cái gọng cua, chị Năm gánh hai bó rơm đi tới. Hai chị chỉ nháy mắt với tôi rồi đi thẳng đến liếp rẫy. Hiểu ý, tôi kéo má đứng dậy đi theo. Đi chưa hết bờ mẫu thì 3 tên lính từ vuông ruộng dưới xăm xăm đi lên. Không còn tránh kịp, tôi đành chạm mặt với tụi nó. Chúng đứng lại, nhìn vào chị Năm chằm chằm. Tôi sợ chị mất bình tĩnh, nên  giả vờ lả lơi:

 

- Mấy anh ơi, vô làm cỏ phụ em đi!

 

Một tên ngó tôi cười nham nhở. Hắn uốn giọng eo éo:

 

- Chà, cô em xinh quá ta! Da trắng, môi son, mũi dọc dừa. Em làm ở đâu vậy em?

 

- Ở đằng kia kìa! - Tôi chỉ về phía đám rẫy. Một tên giục:

 

- Thôi đi mầy, thấy con gái là bước hết nổi.

 

Bị đồng bọn đẩy đi, hắn còn quay lại:

 

- Em vô làm trước, chút xíu anh vô nghen.

 

Bọn nó đi khỏi, chị Tư lầm bầm:

 

- Đã vậy còn rủ nó vô, rủi nó đi theo thì làm sao?

 

- Thì mình đi hướng khác.

 

- Chuyện sống chết mà cũng giỡn được hà. - Má trừng tôi.

 

Vừa bước lên liếp rẫy tôi đã thấy anh Năm Hóa năm trong đám lức. Nghe tiếng động, anh chồm dậy. Nhận ra tôi, anh nằm xuống thở dốc. Miệng anh cười mếu xệch, đôi môi khô nứt nẻ mấp máy:

 

-  Anh thở… không nổi. Có cô … Anh khỏe rồi.

 

Cái áo màu xám tro của anh nhòe nhoẹt mồ hôi và máu, khuôn mặt anh trắng bệch, đôi mắt đau đớn, thất thần. Một ống quần tưa tải, bắp chân bó đầy dây lức. Bàn chân tái mét như chân người chết. Tình hình này không thể để anh nằm lại được nữa rồi. Anh bị mất máu nhiều, lại nằm phơi ngoài nắng suốt từ sáng đến giờ nên thể lực rất yếu. Nếu cứ thế này chắc anh sẽ chết trước khi trời tối. Vả lại, làm sao biết chắc bọn lính không vào đám rẫy này? Cỏ chỉ cao quá gối, đứng gần một chút chúng cũng nhận ra anh rồi. Riêng cái việc ngồi đây băng bó cho anh cũng khó qua mắt chúng. Gánh rơm của chị Năm bây giờ rất có giá trị. Tôi quay sang má:

 

- Má, má với chị Tư ra rải rơm xung quanh đốt giùm con, làm cho khói lên càng nhiều càng tốt. Kêu chị Năm cầm cái đòn với cái võng vô đây.

 

Chỉ vài phút sau, Má và chị Tư đã đốt khói lên mù mịt. Tôi có thể ngồi băng kỹ vết thương cho anh Năm mà không sợ bị tụi nó phát hiện.

 

- Gáng chịu đau chút nghe anh Năm.

 

- Nước!… Cho tôi miếng nước - Anh ấy thở mệt nhọc. Chị Năm nước mắt lưng tròng, giọng chị nghèn nghẹn:

 

- Cô Tâm, cho anh ấy miếng nước được không?

 

- Một hớp thôi nha chị.

 

Băng xong vết thương, tôi tiêm cho anh một mũi trợ lực, rồi cùng chị Năm đặt anh lên võng.

 

- Chị Năm, chị khiêng nổi không?

 

- Nổi.

 

Chị Năm trả lời chắc như đinh đóng cột. Tôi phác sơ qua kế hoạch vượt đồng với chị rồi đặt đòn lên vai. Tôi và chị càn xuống con mương xuôi. Dưới mương, cỏ cao quá đầu, nên cái võng phải kéo nghe sàn sat. Mỗi lần sụp chỗ lầy chúi nhủi, tôi lại đứng lên đi tiếp. Chị Năm cũng mấy lần nghiêng ngả, suýt quăng đòn khỏi vai. Tôi đi trước, cố lấy hết sức để kéo chị theo. Hết con mương dọc, đến con mương ngang, chúng tôi nuốn chạy cho nhanh mà không chạy được. Mỗi lần sang một con mương tôi phải bò qua liếp, rồi nắm đầu võng lôi sát mặt đất để qua mắt bọn lính. Khi đi dưới lòng mương, thì chỉ còn hai cái nón lá lấp ló trong ngọn cỏ như người ta đi bắt cá. Chị Năm đuối sức thở hổn hển. Chị té nhiều hơn trước. May mà có cái nệm cỏ dưới lưng, nếu không chắc anh Năm đã bị thương thêm lần nữa. Tôi cũng cảm thấy cái đòn đang  siết xuống vai đau buốt, hai bờ mương chập chờn như con sóng, đôi chân líu ríu chỉ muốn đá vào nhau. Mỗi lần sụp xuống tôi tưởng như không thể đứng lên nổi nữa. Giá mà có thể đi chậm lại một chút để kịp thở, giá như không có mấy thằng lính kia đang đi xuống. Tôi cố gắng cho tiếng mình không bị đứt quãng.

 

- Gáng lên chút nữa chị Năm! Hết con mương này, mình lên hàng trâm bầu chạy dễ hơn.

 

Chị Năm không còn đủ sức để trả lời tôi, tôi nghe chị thở như người lên cơn suyễn. Khi quay lại kéo cái võng lên bờ, tôi thấy mặt chị tái mét, môi cắt không còn một giọt máu. Anh Năm thều thào:

 

- Hình như tụi nó xuống…

 

Tôi nhìn lại và điếng người.

 

- Nguy rồi, chúng đã tới chỗ anh Năm nằm. Chạy nhanh lên chị!

 

Chúng tôi chạy được nửa đường thì bọn lính đuổi theo, vừa la hét vừa bắn xối xả. Đạn bay vèo vèo trên đầu, rèn rẹt dưới chân. Mặc nó, chúng tôi vẫn chạy. Bọn lính phía trên cũng đang hô hào lao xuống. Chúng tôi chỉ còn phía dưới, phía trong và hàng trâm bầu như một bức tường che chở. Tiếng la hét của bọn lính ngày càng nhiều hơn. Tôi tự  nhủ: "Tao có bị thương thì hai quả lựu đạn này sẽ chia đều cho chúng bây, đừng hòng bắt sống". Chỉ lo cho chị Năm và anh Năm Hóa. Tôi còn có thể cõng nổi anh Năm, chứ chị thì …

 

Những tiếng la hét xa dần, hình như bọn lính phía sau sợ bị phục nên không dám đuổi theo. Chúng bắn tiểu liên và cây M79 như vải đạn.

 

- Chị Năm, chạy sát vô hàng trâm bầu một chút!

 

Thấy cái võng còn giữ thăng bằng trên vai, tôi mừng vì biết chị Năm còn sống. Chị im lặng, chắc anh Năm cũng không bị việc gì. Tới được đây coi như chúng tôi đã thắng rồi, tụi lính có uống mật gấu cũng không dám đuổi theo.

 

Trong này, qua sóng máy PRC 25, đơn vị nghe bọn nó báo với nhau là phát hiện ra dấu máu, rồi phát hiện có người chạy. Quan thầy chúng ra lệnh đuổi theo. Khi đó chúng tôi mới từ dưới mương bò lên. Đơn vị cử một tổ vũ trang ra tiếp cứu, nhưng mới tới mé vườn thì chúng tôi đã về đến nơi. Trao đầu đòn cho một anh du kích, chị Năm dựa vào gốc cây thở dốc. Còn tôi phải chuẩn bị cho một ca phẫu thuật. Biết ở đây không phải là trạm xá, nên anh Năm sợ phải chuyển lên quân y Châu Thành. Đường từ đây về Long Hưng không nguy hiểm như con đường lúc nãy, nhưng vất vả gấp trăm lần. Giọng anh tha thiết:

 

- Cô Tâm, đừng chuyển  anh đi nữa. Cô cắt nó ở đây giùm  anh đi!

 

Tôi cũng không có ý chuyển anh đi trong tình trạng sức khỏe như vầy, mặc dù ở đây không có phương tiện cho một ca phẫu thuật. Vừa bắc nồi nước khử  trùng y cụ, tôi vừa đùa:

 

- Được rồi, ở đây tôi sẽ cưa chân anh bằng cưa sắt.

 

Mà tôi cưa chân anh bằng cưa sắt thật, chứ ở đây làm gì có loại cưa xương. Phòng phẫu thuật được dừng bằng tấm liđô vải kaki xám, Giường nằm cho thương binh là cái chỏng tre ọp ẹp. Dịch truyền không có, tôi phải thay bằng nước dừa xiêm. Dùng nước muối rửa sạch vết thương, tôi tiêm thuốc tê thay thuốc gây mê rồi tiến hành cắt bỏ đoạn chân tưa tải. Anh nghiến răng chịu đựng, không một tiếng kêu la. Trí và Hương quay mặt đi giấu đôi mắt đỏ. Tiếng cưa sắt miết vào xương ken két làm tê buốt ruột gan tôi. Cái công việc mổ xẻ, cưa cắt này tôi đã làm không biết bao nhiêu lần, vậy mà mỗi lần phải cắt bỏ đi của đồng đội một phần xương thịt tôi lại nghe lòng tê buốt.

 

Giải quyết xong vết thương cho anh Năm, tôi ngã xuống tấm nilon nặng nề như một bịt gạo. Nhìn lên ngọn lêkima thấy trăng 17 đã treo lơ lửng. Ánh trăng tỏa ánh sáng huyền dịu, lấp lánh ánh bạc trên từng chiếc lá. Tôi nhắm mắt thả hồn vào những giấc mơ hạnh phúc.

N.T

 

                                 

Bút ký của Thu Trang

Những người lính của phân đội 512A

 

Cái phân đội ấy giờ đây không còn nữa. hay nói chính xác nó đã "thay tên đổi họ" từ cuối năm 1967, khi đại đội đặc công của tỉnh được chính thức thành lập. Nhưng đối với những người lính kỳ cựu như Tư Văn, Sáu Đàn, Bảy Tòng, Hùng Kỳ..., những người đã có mặt từ khi phiên hiệu 512A mới ra đời, hay những "lứa" sau nầy như Bảy Hầu, Năm Dành, Ba Tường, Bảy Phúc, Ba Toàn..., cái tên 512A vẫn là "mái nhà chung", là nơi ra đời và lớn mạnh cuả một phiên hiệu dẫn đến sự phát triển, trưởng thành cuả đội ngũ những người lính đặc công sau nầy.

 

Còn nhớ một ngày đầu tháng 6 năm 1962, sau lớp huấn luyện đặc công do Quân Khu mở, một trung đội đặc công đầu tiên cuả Mỹ Tho được thành lập ở ấp Mỹ Trường (Mỹ Phước), để rồi không bao lâu, theo cách đánh chuyên môn của từng nhóm, trung đội đã chia làm 3 phân đội: 512A (công kiên), 512B (bộ) và 512C (thủy). Phiên hiệu 512A ra dời từ đó, bắt đầu cho một lối đánh đặc biệt, mở màng là những trận công đồn "bí mật, luồn sâu, ém sẵn, bất ngờ nổ pháo".

 

Cho đến bây giờ, trong ký ức của ông Tư Văn, vị chỉ huy, một trong những chiến sĩ đầu tiên của phân đội, vẫn còn tươi rói kỷ niệm của những đêm đánh vào các đồn Cầu Dừa, đồn công sở Tân Hội, Xóm Chuối...Những trận đánh khởi đầu cho cách đánh đặc công ở chiến trường Mỹ Tho đã gây xôn xao trong hàng ngũ địch về một đội quân " bất ngờ ẩn hiện, xuất quỉ nhập thần". Những đêm điều nghiên dầm mình dưới mương, vũng, trườn bò giữa bùng nhùng kẽm gai, nối đuôi nhau qua các vòng rào, hồi hộp lắng nghe tiếng lính cười nói, chửi thề, rồi bất ngờ chiếm lĩnh vọng gác, nổ pháo nở hoa. Cái giây phút chiếm lĩnh trận địa (cũng là khoảnh khắc sống chết cuả người lính đặc công) thật tuyệt vời, không thể nào quên.

 

Nhớ trận Ấp Bắc, địch càn lớn, bộ binh, không binh và cả thủy binh. Được Ban tham mưu chỉ đạo (trực tiếp là ông Sáu Danh, Mười Hà, Ba Kiều), đặc công kết hợp với công binh thủy tổ chức điều nghiên đánh tàu ở vàm kênh 2. Tham gia trận ấy có Chín Lê, Tư Văn, Hùng Kỳ, Sáu Cao, Tư Vó...Sau khi theo dõi, nắm tình hình, tổ quyết định chọn địa điểm đánh ở Cầu Đen. Thoạt đầu, dây bị lẹo, trái không nổ, tàu đi qua an toàn. Đích thân Tư Văn phải lặn, gạch đấu, đóng nọc lại, giao Hùng Kỳ giữ điểm hỏa. Tàu bốc cháy, khói mù mịt một khúc kênh. Cùng lúc, ở chót vườn, Tư Vó và Sáu Cao cũng chốt luôn chiếc Mặt Dựng đi sau cùng. Hôm sau địch phải cho xe Cẩu vào kéo xác tàu...

 

Đã 40 năm trôi qua, mỗi lần có dịp đi ngang đoạn kênh ấy, ông Tư Văn lại thấy bồi hồi. Trong tổ đánh tàu ngày ấy, giờ đây chỉ còn laị mỗi mình ông.

 

Chiến trận vốn khắc nghiệt, càng khắc nghiệt hơn với những người lính đặc công. Có bao chiến sĩ đã bỏ xác trong những đêm điều nghiên, ở các vòng rào, lúc xung phong chiếm vọng gác. Có người hy sinh không một mảnh vải che thân...

 

Anh Ba Tường vẫn còn nhớ tỉ mỉ lần tập kích vào sân bay Thân Cửu Nghĩa, phải dầm mưa gió điều nghiên cả tháng trời, chịu cho kiến lửa, muỗi đốt đỏ mình mẩy. Đột nhập lần 1, chó bẹc-giê sủa, bị bể; không ít đồng chí đã hy sinh. Phải chuyển đổi hướng đột nhập lần hai mới mở cửa được cho bộ binh vào đánh. Rồi những trận như đánh vào căn cứ Dã chiến Mỹ, diệt đồn Tân Hòa Thành, bao vây chi khu Trung Lương, đánh căn cứ chợ Vĩnh Kim, Chi khu Long Định...vang dội, đánh dấu những chiến công nở hoa, đồng thời cũng ghi nhận không ít những mất mát, hy sinh. Những người lính 512A luôn xác định vào trận là chấp nhận sống chết, mất còn. Có khi, mới cùng nhau quây quần quanh mâm cơm ban chiều, sáng lại, đã có người vĩnh viễn nằm xuống. Vì thế nên trước khi vào trận ( ở một số trận đánh mang tính chất ác liệt), những người lính đặc công đã mang băng trắng ghi dòng chữ: " Đặc công dũng cảm, xung kích ngoan cường" tự làm lễ truy điệu, hạ quyết tâm " quyết tử".

 

Và không ít những Sáu Đàn, Sáu Diên, Bảy Tòng, Tư Ron...những người lính của phân đội 512A đã hy sinh trong những trận tập kích, công đồn. Có khi đơn vị gần như " phơi áo", phải gầy dựng lại.

 

Bước qua năm 1963, nhất là sau chiến thắng Ấp Bắc, địch chuyển hướng đánh lâu dài, trọng tâm gom dân vào ấp chiến lược, giữ vững vùng chúng kiểm soát, lấn chiếm vùng giải phóng... Trước tình hình ấy, 512A không chỉ đánh độc lập mà còn kết hợp với bộ binh: mở cửa cho bộ binh đánh công sự vững chắc. Từ thực tế chiến đấu và trưởng thành, cuối năm 1967, 512A đã phát triển thành 3 trung đội, chính thức trở thành Đại đội Đặc công tỉnh Mỹ Tho.

 

Vừa chính thức thành lập, những người lính 512A đã cùng quân dân tỉnh nhà bước vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 với những trận đánh vào nội ô thành phố Mỹ Tho, trận chống càn Xóm Dĩa, Lọ Quẹo Nhị Bình...Ngoài việc đánh độc lập, còn huấn luyện cho bộ binh cách đánh đặc công (đặc công hóa bộ binh). Thời gian nầy, có khi đơn vị đứng độc lập, có khi từng trung đội nhập vào các tiểu đoàn, các đơn vị địa phương, tung hoành khắp chiến trường Mỹ Tho. Nhưng dù có đi đến đâu, có chuyển cách đánh khi kỳ tập, khi cường tập, hoặc nửa kỳ nửa cường, họ vẫn luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ đặc công "có lệnh là đánh, hoàn cảnh nào cũng đánh" và đã đánh là sẽ thắng " đánh nở hoa trong lòng địch".

 

Trong chiến dịch tổng tiến công mùa xuân 1975, đặc công luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, kết hợp với bộ binh trong các đợt mở mảng huyện, thị rồi tiến vào nội ô thành phố.

 

Với thực tế hình thành, xây dựng và chiến đấu, khi còn là một phân đội, cho đến khi chính thức phát triển cấp đại đội; từ giai đoạn đánh phá đồn bót, giành dân, lấn đất ban đầu,  đến giai đoạn kết hợp với bộ binh tham gia nhữngchiến dịch lớn, những cuộc tổng tiến công...những chiến sĩ 512A, những người lính đặc công Mỹ Tho xứng đáng đứng vào hàng ngũ binh chủng " đặc biệt tinh nhụê, anh dũng tuyệt vời, mưu trí sáng tạo, đánh hiểm thắng lớn".

 

Ngày nay, đơn vị đặc công không còn tồn tại nữa, nhưng hễ đến ngày kỷ niệm thành lập binh chủng, những người lính đặc công lại có dịp ngồi bên nhau, ôn lại những trận đánh, ngậm ngùi nhớ về những đồng đội đã hy sinh. Họ hẹn với nhau rằng: còn sống ngày nào thì ngày ấy họ vẫn là những người lính của phân đội 512A.

 

Ngọc Thủy
Số lần đọc: 2564
Ngày đăng: 14.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vườn chim Bạc Liêu - Phan Trung Nghĩa
Huế, đi giữa mùa hoa - Võ Quê
Về Đồng ăn tôm sú - Phan Trung Nghĩa
Miền sóng vỗ không nguôi - Hồ Tĩnh Tâm
Khách Thương Hồ - Phan Trung Nghĩa
Mùa tát đìa - Phan Trung Nghĩa
Bến đợi - Bùi Nhất Chi
Xứ lụa một thời - Nguyên Tùng
Ba Khía Cà Mau - Phan Trung Nghĩa
Nổi buồn mang tên Slâcrich - Phương Tử Nghi