Ở trường cô có một bãi giữ xe.
Hẳn rồi, trường nào mà chẳng có một bãi giữ xe.
Trường cô rộng. Bãi giữ xe cũng rộng. Đương nhiên, trường cô vẫn rộng hơn. Vì vậy, bãi giữ xe có hai tầng: tầng trên mặt đất và tầng hầm.
Người bạn thân học cùng trường với cô lúc nào cũng để xe trên mặt đất. Chỉ khi nào trên mặt đất không còn chỗ trống, cô ấy mới để xe ở dưới tầng hầm.
Cô không hiểu vì sao nhiều người thích để xe trên mặt đất cũng giống như cô bạn ấy? Bao giờ, việc để xe dưới tầng hầm cũng là sự lựa chọn thứ hai của họ. Cô cũng không nhớ rõ từ lúc nào mình bắt đầu để xe dưới hầm. Cô chỉ chắc chắn một điều: đã từng có lúc cô để xe trên mặt đất. Sự chắc chắn đó cũng chỉ là một thứ cảm giác đến từ tiềm thức, giống như cách một người nhớ rằng họ đã từng là một đứa trẻ chưa biết nói, chưa biết nhận thức mặc dù không hình dung được rõ ràng đứa trẻ đó đã sống như thế nào. Cô không nhớ ra vì sao lúc trước cô để xe trên mặt đất. Thậm chí, ngay cả việc bây giờ cô chỉ để xe ở dưới tầng hầm cũng không phải là một ý niệm tự cô tìm thấy. Chính cô bạn thân đã nói cho cô biết điều này khi hai người cùng nhau đi xuống bãi giữ xe dưới tầng hầm một chiều tan học.
Con dốc dẫn xuống bãi giữ xe không dài so với nhiều con dốc ở các bãi giữ khác nhưng nó có độ dốc rất lớn. Mỗi lần xuống dốc, cô chỉ muốn thả lỏng người, để cho đôi chân chạy với vận tốc tự do. Khi làm như vậy, không chỉ khoảng thời gian xuống dốc nhanh hơn mà nó còn tiết kiệm được vài giây vì bàn chân lúc chạm mặt đất bằng phẳng vẫn tiếp tục di chuyển theo vận tốc cộng hưởng từ con dốc còn sót lại. Chỉ là một vài giây. Một vài giây ngắn ngủi đến từ một thứ vận tốc gần như cũng có thể xếp nó vào một loại tàn dư. Cô lại nhớ lúc bắt đầu tập chạy xe đạp hai bánh, ba cô đã luôn đứng đằng sau xe, tay cầm chặt hai bên ghế ngồi để cô vững tay lái. Cho đến khi tay lái của cô đã tương đối vững vàng, cái khoảnh khắc ấy ba cô chỉ nói đơn giản rằng ông sẽ buông tay. Đó là một điều cần phải đến. Nhưng lúc ấy, dường như có một chút buồn lẫn trong trong làn gió nhẹ mùa hè đầu tháng sáu. Cô không biết nỗi buồn đó đến từ giọng nói của ông hay cách cô cảm nhận giọng nói đó. Hay chính trong cái nội dung mà giọng nói ấy thốt lên?
Ba sẽ buông tay. Vì vậy, con hãy tự mình giữ tay lái thật chặt.
Trước khi buông tay, ông dùng lực đẩy chiếc xe lao về phía trước một lần cuối cùng. Chân cô đột nhiên không đạp nữa. Lúc ấy là chính đôi chân của cô đã vô thức ngừng đạp hay một nơi nào đó trong trí não cô sai khiến nó phải làm như vậy? Cô chỉ còn nhớ lúc đó, cô đã nghĩ rằng không muốn lãng phí bất cứ sức lực nào mà ông đã đưa vào chiếc xe. Không cần bàn chân cô đạp, chiếc xe vẫn có thể chạy được một lúc trước khi dừng hẳn lại vì lực của ông vẫn còn sót lại trong đó. Cô muốn cảm nhận nó. Cho đến khi nó thật sự biến mất, chiếc xe này sẽ tiếp tục chạy bằng chính đôi chân của cô.
Rầm!!!
Đầu gối cô chạm mạnh vào con đường nhựa. Máu rỉ trong những đường trầy xước chằng chịt mà trước đó chỉ một vài giây thôi, nó vẫn còn là những đường kẻ mờ vô hại nằm trên da.
“Sao con không tiếp tục đạp xe?”
“Chỉ là, con muốn đợi nó dừng hẳn rồi mới đạp”
“Nhưng, tại sao lại phải đợi? Con vẫn có thể đạp ngay khi nó còn đang chạy”
“Vì con không muốn lãng phí công sức ba đã đẩy nó đi”
“Không đâu. Con có thể lãng phí nó. Để bảo vệ bản thân mình, đôi lúc, có những thứ con cần phải để cho nó trở thành lãng phí. Sau này, con sẽ nhận thấy rõ rằng có những thứ được sinh ra chỉ để rồi sau đó nó trở thành thứ lãng phí hoặc nó đã trở thành thứ lãng phí ngay từ lúc được sinh ra.”
Có những thứ được sinh ra chỉ để rồi sau đó nó trở thành thứ lãng phí hoặc nó đã trở thành thứ lãng phí ngay từ lúc được sinh ra
Sức lực ba cô đẩy chiếc xe ngày ấy là một thứ lãng phí sao? Chút sức lực sau cùng sót lại trong chiếc xe ấy có phải cũng là một dạng tàn dư giống như thứ vận tốc cộng hưởng giữa đôi chân và con dốc?
Đã là tàn dư. Bao giờ cũng nhiều.
Rác cũng là một loại tàn dư. Tàn dư từ chính cuộc sống của con người. Khi một ngày vứt bỏ nhiều rác như thế, ở đâu đó sâu trong những tế bào não, người ta có chút cảm giác gì gần với luyến tiếc không? Nhất là với những thứ gần như là rác. Nhưng. Không phải rác.
Đã là tàn dư. Bao giờ cũng ngắn ngủi.
Chỉ đơn giản vì nếu nó không ngắn ngủi, người ta đã không gọi nó là tàn dư.
Thứ tàn dư của chiếc xe đạp không bàn chân người vẫn tiếp tục chạy ngày hôm ấy. Thứ tàn dư từ đôi bàn chân buông thả sau khi đi hết con dốc ngày hôm nay.
Rất ngắn ngủi. Vậy mà từ những thứ tàn dư đó, cô có một cảm giác…gần như là hạnh phúc.
“Này, sao cậu chạy xuống dốc nhanh thế. Như vậy rất nguy hiểm”
“Tớ đâu có chạy. Chỉ đơn thuần là tớ thả lỏng người, để mặc đôi chân cho con dốc mà thôi.”
“Biết vậy nhưng vẫn rất nguy hiểm. Lỡ nhanh quá cậu sẽ ngã hoặc nếu lỡ có chuyện gì đó xảy ra, cậu sẽ không kịp để dừng lại được nữa.”
“Tớ không muốn nghĩ nhiều. Và tớ cũng không hiểu vì sao cậu lại lãng phí con dốc như thế. Tại sao cậu lại phải cố gắng dùng lực cưỡng ép bản thân đi chậm từng bước một khi xuống dốc trong khi chỉ cần đơn giản phó mặc cho nó, cậu vừa không mất sức lại đi được nhanh hơn?”
…
“Đơn giản thôi. Vì tớ muốn được an toàn”
Những lần đi cùng với người bạn thân ấy xuống dốc, cô luôn có chút cảm giác gần với giận dỗi. Đầu tiên là ánh mắt khi cô ấy nhìn con dốc đâm thẳng xuống lòng đất. Ánh mắt đó có chút e dè. Sau đó là khi cô bước từng bước một thận trọng.
Đó là phản ứng bình thường. Đó là hành động mà hầu như tất cả mọi người đều làm như vậy.
Cô biết rõ điều đó. Mỗi lần thả người lao xuống dốc, gần như tất cả mọi người đang ở dưới hầm đều nhìn cô. Cô mang giày thể thao. Dường như đế giày cũng cộng hưởng tốt với mặt đất nên lúc nào chân cô chạm đất sau khi hết con dốc cũng phát ra âm thanh lớn tiếng. Thứ âm thanh đó, một lần nữa được cộng hưởng với tầng hầm rộng rãi, kín đáo lại lớn lên một cách khác thường. Mọi người đã quay lại nhìn vì âm thanh đó. Và khi phát hiện ra nguyên nhân của nó, một chút khác lạ ẩn sâu trong những đôi mắt ấy.
Con dốc lẽ nào được sinh ra chỉ để như vậy?
Người ta đã phải dồn nhiều sức lực để đi lên một con dốc. Vậy nên, khi xuống dốc, việc không cần phải gắng sức là một qui luật bù trừ tất yếu. Nhưng họ vẫn khước từ.
Một buổi sáng bình thường như mọi buổi sáng đã qua trong cuộc đời cô.
Cô tỉnh dậy.
Cô chạy chiếc xe máy mà người cha quá cố đã để lại đến trường.
Người giữ xe ghi biển số xe. Xé vé xe. Cô nhận vé xe.
Cô chạy đến bãi giữ xe dưới tầng hầm.
Con dốc hiện ra trước mắt. Nó vẫn đứng ở đó. Ngày qua ngày, nối liền mặt đất và một thứ cũng là mặt đất nhưng với nhiều người lại không phải là mặt đất.
Chiếc xe lao xuống con dốc. Không phanh.
Và rồi cả thân người nó nằm ngang tiếp đất.
Đôi giày thể thao của cô cứa vào mặt đất. Rách. Ở chỗ hở ra, người ta thấy một vết sẹo dài cắt ngang từ ngoài rìa ngón út vào đến bên trong. Lí do cô luôn mang giày thể thao là vì vết sẹo này. Một vết sẹo đã có từ lâu.
Khi thả người theo con dốc, cô đã nhiều lần nghĩ rằng cô đang sống cuộc đời của mình theo một cách tích cực nhất. Hay, cô có cảm giác là như vậy.
Khi thả người theo con dốc, nếu có chuyện gì đó xảy ra, sẽ không thể kịp dừng lại được nữa.
Để bảo vệ bản thân mình, đôi lúc, có những thứ cần phải để cho nó trở thành lãng phí.
Ba cô phải trở thành thứ lãng phí. Thứ tình cảm ngày một lớn dần trong cô mà với người bạn trai cũ, nó chỉ còn giống như rác phải được vứt đi. Những điều đó. Lẽ ra, cô nên làm sớm hơn.
Cuộc đời cô chỉ toàn là những thứ ngụy biện. Đến cuối cùng, những thứ tàn dư mà cô yêu cũng chỉ là vì chính bản thân cô. Cô không vứt đi chỉ vì sợ rằng khi mất nó, cô sẽ chẳng còn gì cả. Cô không có đủ can đảm để tạo ra rồi lại tiếp tục vứt bỏ một thứ tàn dư mới.
Sức lực ẩn trong chiếc xe đạp. Vận tốc cộng hưởng từ con dốc.
Tất cả cũng chỉ vì cô sợ hãi với chính bản thân mình. Sợ rằng cô không thể đi bằng chính đôi chân của mình.
Vết sẹo đó. Nó có từ một lần cô bị ngã khi đi xuống một con dốc dài.
Cô đã luôn mang giày thể thao khi đi ra ngoài kể từ đó.
Cô cố gắng quên chuyện đó và vẫn tiếp tục thả mình theo những con dốc.
Những con dốc. Thả lỏng người.
Rơi. Rơi.
Nhắm mắt.
Và cô buông xuôi tuổi 19 của mình như thế.
Có một con dốc ở…
Ở đâu?./.
13.06.2010