Theo thang điểm giám khảo dễ tính, chị là một cô gái trung bình trên mọi phương diện. Nếu khó kiểu những bà mẹ chồng ngày xưa, có lẽ chị sẽ bị xếp vào loại “Tệ hơn vợ thằng Đậu”.
Ba mươi bốn tuổi, tầm vóc nhỏ nhắn, không biết nội trợ, không có nghề nghiệp, không thích giao tiếp, suốt ngày chỉ thui thủi trên gác soạn tới soạn lui mấy thứ đồ dùng cá nhân ai thấy cũng chán. Chỉ một người không biết chán - đó là chị. Nhà có bảy chị em gái, sáu người đều đã yên bề gia thất, ba trong số đó đang định cư ở nước ngoài, ba người còn lại an phận cùng chồng con, riêng chị một mình với ước vọng cháy bỏng lấy chồng Việt kiều.
Chuyện đó không khó đối với những cô gái có nhan sắc, hoặc không có nhưng lanh lẹ. Đã có rất nhiều trường hợp kết hôn giả với đầy những toan tính bạc tiền, nhưng khi “chú rể” về nước, thấy “cô dâu” tương lai hợp nhãn, muốn chuyển giả thành thật, chẳng những không lấy tiền phi vụ, còn bỏ tiền túi để rước được nàng về dinh. “Cô dâu” trong trường hợp này lại là những người không dễ bị lung lạc, họ muốn ra nước ngoài “cày” cật lực để có tiền phụ giúp gia đình, và có chồng thì cũng phải đàng hoàng, lấy chi những thứ “chẳng ra gì” đi làm cái việc không được ai đánh giá cao này? Nhưng đối với chị, điều đó như một phép lạ, dù rằng các chị của chị ở nước ngoài không tiếc tiền để chị em được đoàn tụ. Đối với họ, cái giá hai mươi ngàn đô cho người chịu đứng ra kết hôn giả và một ngàn đô cho dịch vụ chẳng là vấn đề.
Vấn đề ở chổ phải tìm được một người đủ tin cậy để công việc trôi chảy mà tiền không mất, tật không mang. Được chọn là một người anh em bà con xa. Đó là một công tử con một ăn chơi có cha mẹ là chủ nhà hàng kinh doanh rất thành công ở xứ người. Đối với công tử, số tiền trên chẳng bõ bèn gì. Nhưng muốn giúp bà con, công tử cũng đồng ý vào cuộc. Có sao đâu khi người ta mới chưa tới ba mươi, chưa có người yêu, không có trách nhiệm gì cụ thể với gia đình. Hai năm thời gian bị ràng buộc vì tờ hôn thú giả chỉ là chuyện nhỏ, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sự tự do ngợp thở của công tử.
Nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đối với chị. Con gái có thì, mà cái thì ấy cứ lừng lững trôi qua một cách lạnh lùng. Ba mươi mấy rồi! Lứa tuổi ở quê chị, phụ nữ đã là người chủ gia đình với bao trách nhiệm nặng oằn vai vì lo cho chồng, cho con, cho gia đình chồng, gia đình mình, cho sinh kế... Trong khi chị cuộc sống thong dong tháng rộng ngày dài: sáng 9 giờ ngủ dậy, săm soi ngắm nghía mình trong gương gần một tiếng, xong thong thả vào bếp làm thợ vịn cho bà mẹ đã quá mệt mỏi vì chị, hai mẹ con như hai chiếc bóng không ai nói với ai lời nào. Cơm chín dọn lên ăn, ăn xong dọn xuống. Siêng? Rửa ngay mấy cái chén dơ. Lười? Để chiều, thậm chí đến sáng hôm sau cũng không có gì ầm ĩ. Ngũ trưa đến bao lâu tùy thích, thời gian dư quá mà lo gì. Sau bữa cơm chiều thì xem tivi, nếu chương trình ẹ quá thôi không xem nữa, lại rút vào góc riêng và lôi những thứ đã soạn tới soạn lui hàng trăm lần ra soạn tiếp. Ngày cứ vậy trôi qua hai bốn tiếng. Tháng cứ thế trôi đi ba mươi ngày. Năm cứ từ từ hết mười hai tháng. Trong mắt mọi người, cuộc sống bề ngoài của chị êm đềm quanh ta. Còn lòng chị tâm sự ngổn ngang ra sao, mấy ai thấu được.
Bao khát vọng được đổi đời, được sống một cuộc sống năng động nhiều màu sắc hơn chị dồn hết cho cuộc hôn nhân giả đang xúc tiến. Những ý nghĩ tốt đẹp chấp cánh bay bay. Rồi mọi người sẽ phải thay đổi cái nhìn về chị - một cô gái lỡ thì nhạt nhẽo, sẽ phải xum xoe quanh chị khi chị đã là một Việt Kiều. Má sẽ không còn mặt nặng mày nhẹ mỗi khi không vừa ý chị điều gì. Bà chị kế ở cạnh nhà sẽ không còn bắt nạt chị, xâm phạm quyền tự do cá nhân một cách thô bạo như hiện giờ. Thay vào đó, giọng kim the thé sẽ được đổi bằng giọng oanh thỏ thẻ nhỏ to hòng moi được càng nhiều tiền càng tốt - như cách mà chị ấy vẫn làm với ba chị đang ở nước ngoài.
Người chị này tính xấu bẩm sinh, nhưng được bao bọc bằng vẻ ngoài xinh đẹp, cộng thêm lời nói khôn ngoan, nên dù biết rõ mười mươi là chị ấy không thật lòng, chị biết rồi mình cũng sẽ như ba chị kia vui vẽ móc hầu bao bù lỗ vào khoản vốn bị thâm do làm ăn thua lỗ - theo lời than thở trường kỳ tuy rằng mọi thứ chi tiêu trong nhà từ cái ăn, cái mặc, việc học, việc phải quấy gì gì từ nhỏ đến lớn của chồng con chị ấy tất tần tật đều được má già bao cấp hết, tiền túi một đồng cũng không ly. Nếu lâu lâu lòng dạ bác ái các chị bị che mờ bởi tính sân si, thì cùng lắm chỉ là cái chép miệng “Thôi kệ, chị em mà, tính toán làm gì”.
Mọi chuyện thuận buồm xuôi gió cho đến khi chị nhận được giấy mời đi khám sức khỏe , phỏng vấn. Mộng đẹp tưởng chừng sắp thành hiện thực. Nhưng gã công tử quả là vô trách nhiệm. Hủy hôn, không thông báo cho đối tác biết trước, đợi đến khi phỏng vấn mới hay hồ sơ bị hủy, báo hại chị một phen bẽ bàng. Thông tin quốc tế lập tức được nối mạch. Ra là gã công tử đang gặp tiếng sét ái tình với một ca sĩ khá nổi tiếng, thường hát cặp với người chị sinh đôi ở Việt Nam, hiện đang đi du lịch. Ca sĩ muốn định cư hẳn ở Mỹ nên ra tối hậu thư cho việc kết hôn kiểu Victoria vợ danh thủ bóng đá Beckham: Hoặc bây giờ hoặc không bao giờ. Tình thật nặng hơn tình giả, chuyện đó hiển nhiên xưa rày. Mặc dù có hậu cùng là tử, nhưng công tử không có nghĩa là quân tử, chọn cách vòng vèo để giải quyết vấn đề cũng dể hiểu thôi. Thủ tục ly dị được tiến hành y như thật. Chỉ tội cho chị hồ sơ bị tì vết, không muốn làm nổi cũng đành lên bảng phong thần bị theo dõi gắt gao, dù gì cũng mang tiếng một đời chồng. Nghe nói phía Mỹ quản lý hồ sơ rất ghê. Có người năm mười tám tuổi làm giấy tờ đi Mỹ, không biết hồ sơ rắc rối sao mà giữa chừng bỏ cuộc, ấy vậy mà đến tám năm sau, giữa lúc cuộc sống đã ổn định không còn tơ tưởng gì đến chuyện đi nữa, lại bất ngờ nhận được giấy từ Toà Đại sứ thông báo đại ý hồ sơ của quý vị chỉ còn hai năm nữa là hết hạn giải quyết, nếu còn quan tâm vui lòng liên hệ với chúng tôi để bổ túc hồ sơ.
Thua keo này ta bày keo khác. Đang lúc ba chị ở Mỹ thận trọng tìm người thì người tự xuất hiện. Người đàn ông này đang sống không hôn thú với vợ và hai con, làm thợ hớt tóc có thu nhập bình quân hai mươi ngàn đô một năm, cuộc sống cũng chẳng dễ dàng gì. Đối với anh ta, số tiền trên không phải là nhỏ. Anh ta đã thực hiện thành công một phi vụ rồi. Có vẽ là người đáng tin đây. Rút kinh nghiệm lần trước, kỳ này hợp đồng được lập hẳn hoi với những giao kèo sòng phẳng. Sau đó, anh ta được cung cấp chi phí về nước làm lễ hỏi, dẫn chị đi chơi... nhằm có những bức ảnh như thật để làm bằng chứng bổ sung hồ sơ. Về Mỹ, anh ta lại phải chịu khó vắt óc viết ra những lời tình tứ gởi người phương xa... Ôi trời, giả thì giả chứ phải bài bản mới được, nếu không thì xôi hỏng bỏng không. Bộ tưởng lấy tiền của thiên hạ dễ lắm hay sao, mình người dưng mà, đâu được như gã công tử chỉ việc viết lại những gì đã được soạn sẵn mà còn nhăn nhó khó chịu đấy!
Chị lại khăn gói vào thành phố phỏng vấn. Lần này thì chắc lắm rồi, dù vậy cũng phải chịu khó đến dịch vụ học cách trả lời câu hỏi cho trôi chảy. Ở nhờ nhà người quen còn trẻ phải đi làm, mỗi ngày chị tự đón xe ôm đi đến dịch vụ, mua sắm, đi chùa... Buổi tối là lúc chủ nhà rãnh, lại cùng nhau chia sẽ chuyện trong ngày, cũng là lúc chị hào hứng đem khoe vô số thứ vật dụng từ trang sức, mỹ phẩm, quần áo, giày dép... khiến chủ nhà luôn choáng ngợp vì quá nhiều, đồng thời phải nhắc nhở chị “Mấy bữa nay chị học xong chưa?”. “ Thì cũng tạm tạm. Có nhiều câu khó quá không biết nói sao.”. “Ví dụ?”. Lục lọi hồi lâu chị mới moi ra được xấp hồ sơ lẫn trong mớ đồ, cầm tờ giấy ghi sẵn hai lăm câu thường được hỏi nhất do văn phòng luật sư cung cấp, chị ngồi lẩm nhẩm như trẻ nhỏ học bài:
- Nếu nó hỏi “ Anh chị đã hôn nhau chưa. Ở đâu. Khi nào.” thì mình trả lời sao Ngọc?
- Hỏi gì vô duyên, không ai hỏi đâu chị ơi.
- Hỏi chứ, câu này trong bảng câu hỏi ông Trung nói chị về tập trả lời.
- Thì... chị có hôn hay không, hôn ở đâu thì hai người biết chứ hỏi em sao em biết.
- Mình giả mà hôn hít gì, nhưng ông dịch vụ dặn nói là có, hôn ở phi trường lúc đi đón anh ấy về nước.
- Người ta đã dặn rồi còn hỏi em chi. Em sao có kinh nghiệm bằng.
- Biết là vậy nghen, nhưng mà nói dóc khó quá!Chị rà soát tiếp - Còn câu “ Anh chị đã chung sống với nhau chưa. Có ngừa thai không. Bằng phương pháp nào.” thì mình nói sao?
- Sao kinh dị dữ vậy trời! Chuyện riêng tư của người ta không quen không biết mà hỏi lãng nhách.
- Ông Trung nói hỏi để đo lường mức độ tình cảm của hai người.
- Họ dạy chị sao?
- Ông Trung cũng mắc cỡ nghen, kêu chị về tự tập rồi qua nói sau.
- Chị trả lời sao?
- Chị không biết, Ngọc có câu nào hay chỉ chị với.
- Thì chị nói là chưa, ở Việt Nam, lễ hỏi chỉ là để hai bên gia đình ra mắt nhau thôi, khi nào cưới xong mới chính thức sống chung. Ông Trung có biết chuyện lần trước của chị chưa ?
- Chưa - giọng chị có vẽ không vui - chuyện đó có gì hay ho mà phải cho biết.
- Nói để người ta chỉ cách ứng xử tình huống.
Chị im lặng, nhưng không có nghĩa là đồng tình. Bỏ tờ giấy xuống, chị lục lọi xấp hồ sơ, lấy ra những bức ảnh, ngắm tới nghía lui, cất vào, rồi lại lấy ra.
- Chị soạn cái gì mà soạn hoài vậy ? Hình đám cưới hả ? Cho em coi với.
- Mấy cái hình chụp để làm bằng chứng ấy mà...
- Tình tứ quá ta. Ôm eo với nắm tay là tự ý hay thợ chụp hình đạo diễn vậy chị ? Chủ nhà tò mò.
- Anh Sang hả ? Tự đó, ảnh hay nắm tay lắm.
Chủ nhà ngắm nghía chú rể giả, cô bổng có một ý nghĩ :
- Nếu anh Sang bỏ vợ lấy chị luôn chị có đồng ý không ?
- Lấy chi thứ đó Ngọc, qua đó rồi mình ưng người khác ngon hơn.
Chủ nhà thở dài, cô không khuyến khích điều đó xảy ra, chỉ hỏi thử để đo lòng người, rõ ràng chị quá tự đề cao bản thân, không biết mình, biết người. Cô nói :
- Tính tình em không biết sao, chứ nhìn hình em thấy cũng đâu đến nổi nào.
Một câu trả lời thực đến đau lòng:
- Thế thì... nếu anh Sang bỏ vợ để ưng mình thì mình cũng ưng được chứ có sao. Còn hãnh diện nữa nghen.
Hãnh diện gì ở đây? Người ta vì tiền, bỏ vợ bỏ con để theo mình, như vậy là đáng để hãnh diện lắm sao? Phải rồi, đâu có sao nếu có thêm một cuộc chia tay giữa hai người lớn và hai đứa nhỏ mất đi mái ấm gia đình. Cuộc sống sẽ nhẹ biết chừng nào nếu ai cũng nhìn vấn đề ở góc độ đơn giản như chị vậy. Chủ nhà thở ra thất vọng :
- Còn mấy ngày nữa phỏng vấn, chị ráng học, mua sắm để xong công việc đã.
Chị lại lẳng lặng cất những thứ vừa bày ra khoe vào giỏ xách, công việc này mất gần cả tiếng đồng hồ, và không biết sẽ còn kéo dài bao lâu nữa nếu chủ nhà không can thiệp:
- Để đó đại đi chị ơi, hôm nào về soạn luôn một lượt.
Cũng phải mất khoảng hai mươi phút nữa chị mới chịu cầm tờ giấy câu hỏi ra mà học. Những câu cũ - chị quên, những câu mới - không thuộc, cứ vậy, chị hỏi tới hỏi lui cách trả lời câu khó mà chủ nhà vừa nói khiến cô buột miệng :
- Mấy câu em nói chỉ là gợi ý, chị có thể thêm bớt, sao thuộc lòng nổi.
- Sợ vào đó run quá quên nghen.
- Người ta cũng như mình, sợ cái gì?
- Thì mình giả phải sợ chứ sao!
Có lẽ chị nói đúng. Tất cả ước mơ, kỳ vọng đều nằm trong buổi phỏng vấn này mà lại!
Rồi ngày ấy cũng tới. Từ 6 giờ 30 sáng, chị đã phải có mặt ở dịch vụ để “Tổng dợt” lần cuối. Do quá lo lắng, mãi lúc này chị mới chịu dẹp bỏ tự ái khai ra lần kết hôn trục trặc trước và được hướng dẫn trả lời câu “ Đã chung sống với nhau chưa” là chung sống rồi ( ý là đã từng ly dị thì đâu còn gì nữa mà phải giữ gìn) để tăng thêm mức độ gắn bó giữa hai người. Một khi chọn “đã chung sống” thì phải chuẩn bị trả lời thêm “cái đuôi” phía sau, vốn chậm chạp bẩm sinh, chị phải hỏi đi hỏi lại luật sư câu trả lời vừa được cập nhật, thời gian đã gấp rút, không phải lúc để hai bên e dè mắc cỡ trước vấn đề nhạy cảm này. Thật đáng nể tính kiên nhẫn vô bờ của vị luật sư, biết rằng tất cả là vì tiền, nhưng cái gì cũng phải có giới hạn, con người mà, đâu phải thánh nhân. Được biết cùng lúc với chị, dịch vụ còn nhiều hợp đồng khác nữa, nhưng không ai làm cho họ phải tốn công nhiều như chị - một trường hợp đặc biệt.
Phút giây đối diện với những người phỏng vấn thật hồi hộp làm sao, chị tập trung nội lực nhìn thẳng vào mắt họ, không láo liêng lãng tránh nhằm chứng tỏ ta đây là người ngay thẳng. Sinh nhật của vị hôn phu ? Quá dễ. Tên cha mẹ chồng ? Dễ quá. Hai bên quen nhau từ khi nào? Đã thuộc lòng. Quen trong trường hợp nào ? Đến đây thì bộ nhớ có vấn đề. Đáng lý trả lời là do chị ruột giới thiệu như đã được cài đặt, chị lại nói quen được một năm. Người phỏng vấn nhăn mặt. Sở thích của anh ấy là gì? Sở thích của ảnh bình dân. Đó không phải là câu trả lời, nghi vấn bắt đầu. Lại hỏi căn nhà mà vị hôn phu của chị thuê được bài trí ra sao? Có mấy phòng? Anh ấy thuê chung với người khác hay một mình một nhà? Chết rồi, câu hỏi này không có trong bửu bối, thế là chị ấp a ấp úng, mắt không còn nhìn thẳng và hai tay bắt đầu vặn vẹo vào nhau. Tất cả không qua được mắt của người phỏng vấn. Chị được phát tờ giấy “xanh” với yêu cầu bổ túc hồ sơ. Ngày đi? Hãy còn xa lắm lắm!
Ngày về? Sao quá ngán ngẩm. Vẫn là hình ảnh chị ngồi soạn tới soạn lui mấy thứ đồ dùng, nhưng cử chỉ có phần khác biệt, sự hào hứng được thay bằng cảm giác chán chường, trạng thái yêu đời được thay bằng nỗi buồn riêng mang. Hy vọng càng lớn nỗi thất vọng càng nhiều. Chị đã chắc rằng lần này mọi chuyện tốt đẹp. Đã dự tính phỏng vấn xong sẽ mua vé máy bay ngay. Đã lên kế hoạch chia tay mọi mối quan hệ quen biết trong vòng một tuần, và sẽ rời đất nước này càng sớm càng tốt. Không một chút luyến lưu bịn rịn, dù chỉ là chút xúc cảm bất chợt nhi nữ thường tình, dù biết rằng mùa xuân sắp đến, cũng biết rằng trong tương lai tới đây, do bận rộn với cuộc mưu sinh, chưa chắc là bảy năm nữa, như người chị thứ tư, chị có ngày về thăm nhà, thậm chí là mười năm - như người chị thứ Hai đang vẫn thường hoài mong.
- Nghĩ về nhà sao thấy chán nghen - Giọng chị không giấu được thất vọng - Công nhận xin xăm linh dễ sợ.
- Sao chị?
- Quẻ nói chị trước tốt sau xấu, năm nay chưa đi được. Lúc đó còn cười không tin.
- Chị có cần mua quà cho bác Sáu và mấy đứa cháu không? Ngày mai em đi với chị, lâu lâu mới có dịp đi thành phố mà.
- Không mua gì nữa hết, nhiêu đây là nhiều lắm rồi.
Đồ nhiều lắm, chín mươi lăm phần trăm trong số đó là quần áo, giày dép, trang sức, mỹ phẩm của cá nhân chị!