Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.143.730
 
Lời từ nơi hư ảo
Vinh Anh

Thật rất khó đoán tuổi hắn. Có thể là năm ba năm nhăm cũng có thể chỉ mới bốn nhăm bốn bảy. Cũng chẳng còn là trẻ, nếu cứ lấy mấy cậu choai choai trong phim Hàn quốc mà so, thì cho dù chỉ ngoài bốn mươi, cũng chẳng là cái gì với mấy “ông tổng Hàn” trẻ con đó. Hắn cười khà khà rất vô tư và sởi lởi: “Phải vậy thôi, biến đổi theo thời tiết và theo điều kiện sống…”. Câu nói đó bình thường không sao, thoảng qua như một bóng hình hư ảo trên cuộc đời ấy mà. Một ngày ta gặp biết bao bóng hình như vậy. Nhưng với hắn, có lẽ không phải vậy. Một điều gì ấm ức, khắc khoải, muốn thổ lộ, muốn trào ra, rồi lại vì một điều gì đó phải ngậm lại, nén lại. Câu nói buông lửng cũng dễ làm người nhạy cảm hay suy nghĩ.

Người hư ảo biết điều đó.

 

Cũng chẳng biết từ bao giờ, có lẽ vào cái khoảng từ thời nước ta bước những bước đầu tiên để hội nhập với thế giới đầy cạm bẫy và gian xảo nhưng cũng lắm tình thương và nhiều lòng trắc ẩn. Hắn ngẫm: “Bước những bước đầu tiên…” Ai mà xác định có bao nhiêu bước đầu tiên! Hệt ngày xưa. Đại loại như “giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội..., “ tiến thêm một bước” hay “ thấm nhuần sâu sắc hơn một bước”…” Những cụm từ không xác định rõ ràng đó thường trên đầu lưỡi của lãnh đạo các cấp một thời. Hắn chép miệng: “Âu trĩ và đáng thương!” Hắn lại cười một mình, thú vị: “ Cuộc đời nào mà chẳng đầy chông gai với cạm bẫy, và trên đời có biết bao nhiêu tấm lòng cao cả.”

 

Hắn leo được lên đến cái vị trí mà thời nay, người đời thường gọi là “Quan” đó khá nhanh, nhưng cũng nhiều cửa ải mà vợ chồng hắn phải gồng sức mới vượt qua. Tuy vậy với “sức trẻ sắp gìa” hay nói cách khác như hắn thường đùa “sức già còn cố trẻ” và cái quan trọng hơn là sự ham hố của cuộc đời vẫn còn nặng nề, chưa thoát khỏi được cái sự đam mê về quyền lực và tiền tài, hắn vẫn cố gắng, vượt dần từng chặng, phấn đấu từng đích một, để bây giờ ung dung và bệ vệ ngồi ở cái ghế danh giá nhất công ty với chức danh: tổng giám đốc.

 

Người hư ảo vẫn luôn bên hắn, nắm chắc được ý nghĩ của hắn. Cái thật của con người hắn.

Ra đường, người ta thấy hắn bé nhỏ, hắn cũng công nhận như vậy. Đời vốn mênh mông mà. Và như thế mới hợp đạo lí. Ai dám vỗ ngực: ta đây thông kim bác cổ. Nhưng khi một mình ngồi trong phòng đầy đủ tiện nghi, yên vị trên cái ghế “tổng”, thì hắn lại hết sức to. Cái to về quyền thế. Mỗi lần nhân viên trong công ty giáp mặt, người cứ cúi gập đầu chào hắn như  nhân viên chào ông chủ trong phim Hàn quốc. Hắn vẫn cười như vậy và tự hào pha chút mỉa mai. Tiếng cười  có khi vang thành tiếng, có khi chỉ nhếch môi và đôi lúc cũng lại chua chát: “Đời thật khốn nạn!” Cái tự hào bề ngoài mất đi, cái hào nhoáng bị gỡ bỏ. Hắn hiểu rõ hắn. Nói cho cùng, hắn là một người biết điều đấy chứ.

Người hư ảo cũng biết rõ tâm địa hắn.

 

*

Tại sao hắn, một người ít ra cũng có thể tự hào rằng mình đây là người thành đạt, lại cay đắng nguyền rủa đời như vậy? Ông hàng xóm nhà hắn, một người cũng thành đạt nhưng hết thời, từng là lãnh đạo một cơ quan của nhà nước, cái thời lão còn đang làm việc, loại “tổng” như thế này đến xun xoe lão có cả tá, hiểu hắn từ chính cuộc đời của mình. Với giọng nửa đùa nửa thật, một chút khôi hài, một chút tôn trọng, khi hắn vừa bước ra từ chiếc xe hơi mới coong, có lẽ hơi quá tiêu chuẩn cho một ông “tổng”:

- Chiếc xe đẹp quá, đúng là một công ty đang ăn nên làm ra… Thời mình đâu có dám mơ…

- Hậu sinh mà “sếp”, với lại kết hợp làm đối ngoại. Khi nào “sếp” cần, cứ ới em một tiếng. Xe đối ngoại mà.

- Vậy thì ông “tổng” nhớ nhé!

Cả hai lão cười ngả nghiêng, vỗ vai nhau bồm bộp, chẳng hiểu sau những cái vỗ về ấm nồng đó, cái chân thật có được bao nhiêu phần trăm. Mỗi lão lại theo đuổi một ý nghĩ khác nhau. Một lão: “Bọn ngựa non háu đá!”. Một lão: “Đã hết thời mà còn cứ chọc ngoáy!” Tóm lại có thể hiểu giữa hai thế hệ vẫn chưa có sự chuyển giao ăn ý.

Người luôn theo sát hắn thấy rõ điều đó ở cả hai.

 

Chiếc xe mới coong lướt qua. Ông hàng xóm né người tránh và thoáng nhăn mặt vì hơi nóng từ động cơ toả ra. Cái mát mẻ và trẻ trung theo ông “tổng” vừa vượt qua cánh cửa. Ông hàng xóm lẩm bẩm: “Bọn trẻ ranh gặp thời…”

Giọng nơi hư ảo cất tiếng hỏi những lời ngôn ảo, tiếng nói khi vẳng xa xa, khi thầm thì bên tai lão hàng xóm:

- Thời các cụ, người ta có liêm khiết?

- Cũng chẳng liêm khiết…

- Và nó kín đáo…

- Có thể đúng, cũng có thể điều kiện chưa chín, cũng có thể do thời thế…

- Nhưng chí ít cũng không như bây giờ?

- Đã chắc gì đúng. Của cải ngày đó không được nhiều như bây giờ, nên thể hiện không rõ mà thôi…

- Nhưng phải có một lẽ, các cụ ngày xưa không như ngày nay, lớp con cháu hậu duệ…

- Ư, là thế… Với lại thời đó, trên cao kia còn có tấm gương. Tấm gương đó soi chiếu muôn người, hiểu rõ muôn người và được muôn người nể trọng…

- Có lẽ điều này không đúng lắm đâu…

- Có thể… Bao giờ mà chẳng có người thế nọ, kẻ thế kia. Sói đội lốt cừu… từ ngàn xưa cơ mà.

 

Ngưòi hư ảo và lão “sếp” ngày xưa cứ chủng chẳng đối đáp nhau. Hay là lão “sếp” độc thoại với ngày xưa của mình. Những ngày này lão đang chiêm nghiệm cuộc đời, lão sống thật với mình. Cái thằng “tổng” ranh con kia chỉ giả vờ, khoác bộ mặt giả vờ, và cả cuộc sống của nó cũng giả vờ. Lão hỏi cái tiếng vọng xa xa:

-Tôi muốn nhờ ông một điều…

-Điều gì…?

-Xác định thật giả… Được không/

- Đa phần thì được

- Vậy khi biết, ông sẽ xử lí thế nào?

- Như các cụ ngày xưa thôi. Cứu người, trị bệnh.

- Nghe mông lung quá! Cụ thể là thế nào?

- Sống và làm việc theo pháp luật…Nhiều cách cứu lắm, có cách “nâng đỡ”, có cách vùi dập…

- Thế sao bảo “sống và làm việc theo pháp luật”?

- Pháp luật cũng có nhiều kiểu hiểu… Pháp luật do con người đặt ra… Thế mới sinh chuyện.

- Càng mông lung

- Ô hay... không muốn nghe kiểu nói đó phải không? Tôi biết. Đôi khi nó nhàm, đôi khi rất nhàm, đôi khi cực nhàm. Bệnh đấy!

- Có thuốc chữa không?

- Tất nhiên là có. Chỉ có điều có muốn sửa không mà thôi. Đó là liều phân biệt thật giả đấy.

- Người trần mắt thịt, dân ngu khu đen có dễ phân biệt không?

- Ai mà chả biết…

 

*

 

Ông “tổng” đang nghỉ ngơi. Phải công nhận một điều, thời hiện đại, làm quan sướng đủ điều. Này nhé: về mặt chiến lược đường lối, tầm vĩ mô có cấp cao hơn cấp “tổng’ lo. Về mặt chiến thuật, từng bước tác chiến cụ thể có cấp dưới của “tổng” lo. “Tổng” như hắn chỉ lo ăn chơi, nhảy múa. Cả dàn của hắn như vậy. Nhưng mà lại rất bận rộn, nhiều cái bận vớ vẩn mất cả ngày là chuyện thường. Ai hiểu được nỗi khổ này? Hắn hiểu, lão “sếp” hàng xóm hiểu và cười khì. Còn nữa: người hư ảo bên hắn, luôn đồng hành với hắn hiểu.

 

Vẫn là cái giọng xa xa văng vẳng, vẫn tiếng nhỏ tiếng to thì thầm, ngay cạnh đây mà lại như hư ảo đâu đó, phiêu du, lãng đãng, xa xăm:

- Ngôì trên ghế này ông đã thấy mãn nguyện?

- Lúc thấy được, lúc thấy chưa…

- Cũng dễ hiểu thôi..Im ắng một thôi dài. Con người ai chả thế. Ham muốn với đam mê. Một cái là “tham” còn một cái là “say”. Cũng có khi hai là một, cũng có khi một là hai…Phải tuỳ thời thế!

- Vậy cái khổ của ông là gì?

- Chẳng lẽ ông lại không biết? Cái khổ của tôi là khổ của thằng làm quan phải đi ăn xin, cái khổ của tôi là cái khổ bằng ngần này rôi, mang tiếng là “tổng” vẫn phải săn đón hầu hạ. Đôi lúc muốn “sừng” lên. Một thằng oắt con, chỉ có điều nó ở cái cấp cao, có quyền chi phối, nó dám gọi mình là “thằng”, nó bắt mình chờ nó, hầu nó, rồi khi gặp nó, nó nói tưng tửng, hiểu kiểu gì cũng được. Lại hầu tiếp, lại săn đón, lại xoa tay nhăn nhở, bóp mồm, bóp miệng để cười nịnh từ lúc gõ cửa vào nhà nó hay vào phòng làm việc của nó. Khốn nạn là như vậy, nhục nhã là như vậy.

- Nhưng ông vẫn thích là “tổng”?

- Đúng quá rồi còn gì. Tôi “làm việc” với các quan trên một ngày, hai ngày, thậm chí là cả tuần đi nữa. “Làm việc “tức là đi “hầu” đấy Thời gian còn lại, tôi lại được bọn đàn em “làm việc” lại. Đời nó là như vậy! Lúc nhục, lúc vinh. Hưởng thụ nhiều hơn mất mát. Vinh nhiều hơn nhục. Ông biết điều đó chứ. Nhưng quan trọng hơn, ông có biết cái “đầu vào” của quan “tổng” như thế nào không? Không biết chứ gì? Đúng thôi, muôn hình vạn trạng mà cả chức quan, như ông “sếp” hàng xóm của tôi đấy, oai thì oai đấy, nhưng làm gì bằng được quan “tổng”. Quan “tổng” nắm tiền tươi thóc thật. Đó là mục đích cuối cùng của công việc. Tất nhiên nhiều sự vụ cũng có thoả thuận trước rồi. Tập thể chỉ là danh nghĩa, chỉ là lá chắn. Ai cũng biết mà chẳng ai dám nói. Cũng là thói đời cả mà thôi. Vậy ở cái chức “tổng”, với quyền sinh quyền sát như vậy, hỏi ai là người không ham hố?

- Ư, vậy là vinh nhiều hơn nhục, tiền tươi thóc thật quý hơn tiền từ chữ ký, quyền thế nhiều hơn xu nịnh bợ đỡ… Mà nghe lại có vẻ thanh thoát, nhẹ nợ, ít trách nhiệm hơn?

- Có thể là vậy, nhưng vẫn là hạng đầu sai. Vẫn là loại tốt đen, khi xung trận và trong trận mạc, nếu trận chiến thua, tử trận nắm cái phần chắc.

Nói đến đây, quan tổng thở dài sừơn sượt, mặt méo đi vì biến dạng…

 

*

 

Có một điều hơi lạ: vợ tổng và vợ sếp lại thân nhau. Kiểu đàn bà thân nhau thì cũng khó lường hết được. Có thể lúc nào cũng cặp kè chị chị em em ngọt sớt đấy mà sểnh ra, gặp người đàn bà khác, lại có thể nói xấu ngay cái bà chị hoặc cô em thân thiết kia. Cũng có thể thân thiết theo mùa nóng lạnh, chuyện thời tiết ấy mà. Thôi thì đã gọi là đàn bà thì chuyện của họ cứ để họ giải quyết. Đàn ông có dính vào thì họ nói: “Kệ chuyện đàn bà chúng tôi”.

 

Một hôm, vợ “tổng” thì thào với vợ “sếp”:

- Kỳ lắm chị ạ. Dạo này không hiểu sao nhà em nó cứ hay lẩm bẩm một mình. Em có hỏi thì hắn lại bảo: “Để cho người ta yên! Đàn bà cứ dính mũi vào làm gì?” Mà em có dính mũi với dính mắt gì đâu cơ chứ. Hay là lại có chuyện gì trên công ty, hay là lại có bồ bịch gì đâu đó. Chuyện này dễ là có lắm. Các lão bây giờ tiền nhiều, tiền nhiều dễ đổ đốn… Thế ông bác bên đó thế nào? Ngày xưa có hiện tượng đó không?

 

Vợ “tổng” nói liền một hơi. Hết chuyện nơi này đến chuyện nơi khác, hết ông nọ đến ông kia. Sao mà chị ta thu thập tin về các ông “tổng”, ông “sếp” thời nay nhiều thế. Toàn chuyện trai gái lăng nhăng. “Đấy, báo chí nói rõ ràng mười mươi, cái vụ án tham ô, hối lộ đấy, to nhất từ trước đến nay đấy, biết bao nhiêu là cách ăn chơi sa đoạ…” Vợ “tổng” không nói nữa, lặng im để nghe vợ “sếp” phán.

- Phải cẩn thận ! Vợ “sếp” cũng thì thào ra cái điều bí ẩn – Phải cẩn thận. Chuyện sinh hư của các lão bây giờ nhiều lắm. Chẳng thế mà nhà nghỉ bây giờ mọc lên như nấm. Phải cảnh giác. Chú ấy trẻ và tài ba như vậy, đi đâu mà gái nó chẳng bám. Mà cái bọn gái mới lớn đó mới trơ trẽn làm sao cơ chứ… Vợ “sếp” ra vẻ rất thông cảm và chia sẻ băn khoăn với vợ “tổng”.

 

Họ còn nói gì với nhau cả tiếng đồng hồ nữa rồi mới chia tay, ai về nhà nấy.

Vài hôm sau, không phải vợ “tổng” mà là vợ “sếp” tìm vợ “tổng” để nói:

- Nghe chuyện của cô hôm trước, tôi về để ý lão già nhà mình. Cũng lạ. Thỉnh thoảng lại thấy lão bật lên một tiếng, như chửi rủa, như mắng mỏ…  Mình nghe rõ hẳn hoi mà hỏi lão thì lão lại nói chẳng có chuyện gì. Rồi thì lão thức, rồi thì lão ngủ, nhưng nó vẫn có cái vẻ không yên. Ban ngày, lão trầm ngâm, ít nói hẳn đi.

- Lại vậy ư? Chị xem thế nào. Sao cũng giống nhà em vậy?

- Có gì lạ đâu. Bình tĩnh đi các bà! Hai bà không ai nhìn ai, lại như lắng nghe tiếng ai đó từ xa xăm vọng lại. Một phút lặng im, và lại nghe từ đâu đó có những lời thoại hư hư thật thật, xa xa ảo ảo:

- Vợ “tổng” còn trẻ, chồng lại mới lên chức, chắc chưa nắm được mọi vấn đề như vợ lão “sếp” già kia đâu.

- Làm gì có chuyện không biết. Không biết đây chỉ là mấy ông bà nông dân mắt toét, không biết đây chỉ là mấy cô cậu công nhân từ ruộng đồng bước hẳn vào mấy cái liên doanh cắm ngay trên cánh đồng của mình.

- Vậy sao họ đều có vẻ thảng thốt, ngạc nhiên thế nhỉ?

- Tất cả đều do thói quen. Quen được cung phụng chiều chuộng. Quen cả cái cảnh giả tạo của chồng. Quen cả sự nịnh bợ chạy chọt nữa. Thói quen lâu nhiều khi ngấm vào máu và cứ tưởng như ta đương nhiên được hưởng. Mà những chuyện khuất tất thì các bà rõ nhất. Mấy ông bà cắm đầu xuống ruộng hay kiệt sức bên bàn máy biết thế quái nào được. Dạo này ta thi thoảng nói đôi điều để cho các lão cảnh tỉnh, thức dậy cái tâm để nhìn vào sự thật, khiến các lão phải suy nghĩ, thay đổi tâm tính.

 

Hai bà vợ cùng như chợt tỉnh khi cái lời thoại bên tai họ bay đi. Cũng phải mất một lúc để định lại tâm tưởng. Vợ “tổng” trẻ người nhanh nhẹn, nói được trước:

- Chị ơi, chị có nghe thấy gì không? Tiếng đâu như tiếng thần, tiếng thánh. Nhắc nhở, khuyên bảo điều gì thì phải.

- Không, chị lại như nghe thấy thần thánh nói về cái nết ăn nết ở. Mà này, em thừa biết, chuyện của vợ là chuyện của chồng. Đâu phải mọi sự nó lại như vậy. Thằng chồng em thì lẩm bẩm lầm bầm như nói chuyện với ma, còn lão chồng chị thì suốt ngày trầm ngâm, thỉnh thoảng lại bật ra những tiếng mắng chửi hay cáu bẳn gì đó.

- Lạ! Vợ “sếp” ghé tai vợ “tổng” nói nhỏ: “Phải giải hạn cho các lão thôi em ạ…”

- Hạn gì mà giải hả chị?

- Hạn đời đấy em ạ…

- Chị nói nghe ghê chết! - Đúng đấy, hạn đời…Nợ đời… Phải giải, phải trả thôi…” Vợ “sếp” thẫn thờ quay đi để mặc vợ “tổng” đứng đó nhìn theo. Chuyện giải hạn cho chồng làm gì mà thị không biết. Thị còn làm thường xuyên là đằng khác ấy chứ. Có điều nghe nói vậy là thị lo, thị lo cho cái ghế của chồng mà thị cùng chồng chung sức “chiến đấu” mới có được. Việc đó “sếp” già biết, cả vợ “sếp” cũng biết. Và đương nhiên, cũng đương nhiên thôi, người hư ảo nơi xa xăm tất nhiên phải biết.

 

*

 

Chẳng hiểu hai bà vợ có đi giải hạn cho hai ông chồng hay không mà hai lão đàn ông dạo này hay nói chuyện với nhau tệ. Cũng chẳng biết trong bụng các lão nghĩ gì, “còn chọc ngoáy nữa hay không?”, theo cách đánh giá của “tổng” trẻ và có phải là “ngựa non háu đá nữa không?” theo nhìn nhận của  “sếp” già, mà “sếp” già thỉnh thoảng lại hay gọi “tổng” trẻ sang uống nước:

- Dạo này có gì mới không?

- Nhiều cái mới lắm, nhưng cung cách cũng chẳng khác mấy ngày xưa. Đường lối các bác đã vạch ra rồi, bọn em cứ vậy mà đi.

- Làm gì có chuyện đó. Đổi mới là phải kiên quyết, phải thay từ nếp nghĩ đến hành động. Các cậu sáng tạo hơn bọn tớ ngày xưa nhiều. Tớ biết ! Cả về cách sống và cách làm. Đúng không ? Sao lại nói “ cù như vẫn”? Chỉ được cái giả vờ! Cách nói đó là cách khinh bọn tớ ngày xưa đấy. Tớ biết tỏng cái giọng điệu đó…Tất cả những vốn quí được trình bày bằng các “hồi ký” chỉ để truyền tay nhau đọc cho vui và thoả tính tò mò. Chuyện trên bàn nước của các cụ để đưa đẩy, ra cái điều ta đây vẫn còn biết các chuyện nơi “thâm cung bí sử” ấy mà.

- Vậy theo “sếp”, bây giờ phải làm gì trước? Cái gì được coi là “tồn tại” nhiều nhất?

- Mình dạo này hay nhớ về ngày xưa. Già rồi, tương lai còn có một đoạn, quá khứ lại trùng trùng điệp điệp, hay nhớ về ngày xưa là đúng thôi. Có một chuyện thế này, chẳng hiểu là mơ hay thật, tớ kể cậu nghe :

- Chuyện thần linh hiển hiện có một hồi mấy ai tin. Nhiều lúc còn bị khép vào cái tội mê tín dị đoan. Cái ngày đó, dù bị khép vào tội gì cũng đều là nặng nề và rất dễ bị thành kiến. Vào cái tuổi của cậu, có lẽ cũng biết sơ sơ. Thế ông có nghe thấy, chỉ đôi khi thôi, khi ta làm cái điều gì đó khuất tất, ta bỗng thấy hiện ra những hình ảnh ghê rợn, có lúc lại là vực thẳm chơi vơi, có thể về đêm là một cơn ác mộng. Nhưng để tự ta xác định được cái điều mà ta gọi là khuất tất cũng đâu có dễ. Trong đời quan chức của tớ, làm đến cái chức như tớ, ngày mà cậu còn là thằng lính nhì nhằng cũng khối chuyện. Nghiêm minh cũng có và khuất tất cũng có. Chuyện tớ kể đây cũng không phải là nghiêm minh, cũng chẳng phải là khuất tất. Nó cứ lồ lộ ra mà có ai phản đối lấy một tiếng dõng dạc. Phải là một người có bản lĩnh lắm mới dám nhìn thẳng vào mình. Tôi hỏi cậu, trên đời có mấy con người được như thế. Nếu là người thành đạt, họ chỉ thấy quanh họ là ánh hào quang và chỉ quen nghe những lời tung hô. Nếu là người thất bại trong cuộc đời, họ chỉ thấy quanh họ là bóng tối và quen nghe những lời than vãn. Người tự đứng tách ra để suy ngẫm, để phán xét mình và từ đó có thể có những phán xét người khác là rất hiếm.

 

Chuyện kể là có một ông nhà văn, cậu là dân kinh doanh chắc ít biết về cái giới văn nghệ sĩ lông bông đó, nói mấy ông đó lông bông cũng chẳng phải là sai, nhưng từ lông bông người ta hay dùng để chỉ bọn cầu bơ cầu bất, ăn chơi bạt mạng, coi trời bằng vung. Sự đời là thế ! Người ta, đôi khi cũng tự cho mình cái quyền cao hơn người khác và đánh giá con người qua cái sự lông bông đó. Khốn cho cái ông nhà văn đó cũng chưa phải là nhà văn có hạng số một số hai, mà ngày đó người ta trọng cái chức hơn là cái danh nhà văn hão huyền. Khối ông có tài văn bút vẫn bỏ đi làm chính trị đấy thôi. Mà nhà văn nhà thơ nào chẳng hão huyền. Nó cũng như cái định lí đảo “không hão huyền thì đâu có thể là nhà văn nhà thơ”. Ông nhà văn thì đi nhiều nơi, chỗ nào cũng muốn đi, chỗ nào cũng muốn thăm. Số đời là đi đêm lắm có ngày gặp ma. Ông nhà văn đi lắm cũng có ngày gặp chuyện. Chuyện của ông ta liên quan đến một ngôi đền cổ vùng ven biển. Ngôi đền có gần hai trăm tuổi. Cái sự thiêng chỉ còn ở những người già, mà người già thì mỗi ngày một ít đi, gặp phải cái thời mà dân ta cứ thấy đền chùa miếu mạo là phá đổ hoặc nếu may mắn hơn, tốt hơn thì cũng bị bỏ hoang, coi như là phế tích. Đền chùa là chốn linh thiêng mà không hương khói, chỉ toàn hơi ẩm mốc với lá rụng lưu cữu làm cho đền càng quạnh hiu. Nếu ai có việc phải đi qua đền đều thấy ở đó có cái lạnh toát ra. Một phần cái lạnh là do sự hoang vu, một phần cái lạnh là do cái tâm linh. Con người ta vốn vẫn sợ bóng sợ gió mà. Cứ nói cứng, chứ ai cũng đều có cái miền linh thiêng riêng, động chạm vào đó là động vào chỗ thâm bí nhất của con người đấy.

 

Lão “sếp” dừng lại cầm cốc trà, nhấm một tí. “Uống trà là một nghệ thuật! Chỉ có bọn dỗi hơi, không biết dùng thời gian vào việc gì mới nghĩ ra lắm kiểu để chơi, để bình và ca ngợi, rồi lại còn nâng lên thành nghệ thuật, thành trà đạo. Tôi hỏi ông, ở cái đất mấy chục triệu dân này, hỏi có mấy người biết thưởng thức cái món đó, ăn còn chưa đủ, mười mấy hai chục phần trăm còn đói nghèo đấy, mà đã chắc gì mấy ông thoát nghèo là thật, thoát năm nay, sang năm lại nghèo thôi. Với lại thế nào là nghèo, ai không biết chứ, tớ thì quá rõ, các nhà “thông thái học” xứ mình cũng còn “ní nuận” chán.

 

Quan “tổng” lại nghĩ đến bà vợ siêng lễ bái. Vợ quan đúng là con nhang đệ tử của các nhà chùa. Đúng là nhiều thứ lễ bái quan đâu có biết, quan đi theo và ông bị lây. Tất cả đều do có của sinh ra những thứ nhiêu khê đó. Một cái lễ lên đồng, lên cốt gì đó mất chục triệu, hai chục triệu, dân thường lấy đâu ra. Ơ đất văn vật còn phân ra từng loại chùa, có chùa cầu cho chồng thường xuyên đi nước ngoài, có chùa cầu cho con cái học hành giỏi giang, có chùa cho vay cho mượn vốn để làm ăn… Quan “tổng” không tin người lắm, không yêu người lắm, nhưng rất kính trọng và yêu quí người nơi hư ảo, cái người xa lắc cõi nảo cõi nào đó luôn phù hộ cho ông, rất hiểu và biết rõ ông. Có lẽ vì vậy mà con đường công danh của ông nói chung là hanh thông. Quan còn tin người nơi xa xăm đó biết rõ hết chuyện của mọi người. Chuyện của mọi người là chuyện gì? Tất nhiên chuyện biết phải là chuyện bí mật. Cái bí mật đó thường là thuộc về đời riêng. Biết được cái riêng đó là coi như…hiểu được người.

- Khổ một nỗi, cái hối của con người thường đến muộn. Ông “sếp” già tiếp tục câu chuyện, chẳng chú ý đến quan “tổng” đang thả hồn cõi xa xăm. Người đời hay nói là “ Có hối cũng không kịp ” là thế. Quan “tổng” do có nhuốm một ít tín ngưỡng nên cũng có đôi lúc biết tự nhìn nhận và xem xét lại mình. Đâu như Đức Phật cũng đã dạy như vậy. Quan “tổng” mang máng nhớ lại mấy điều răn mà quan đã đọc. Đó cũng là một của hiếm, một người hiếm thời nay! Khi ông “sếp” già nói về cái khía đó, quan “tổng” không muốn thanh minh.

 

“Ông nhà văn của ta thấy ngôi đền gần hai thế kỉ là một của hiếm, cần được bảo vệ, bởi cái đất nước mà chiến tranh liên miên này, mấy cái gì gì “cổ hủ”của ngày xưa có được coi trọng đâu, mà mấy ai biết giá trị của nó để mà coi với trọng. Giá trị nhất lúc bấy gìơ là cơm no, là áo ấm. Vận dụng cái “ní nuận” đó dễ được ủng hộ của nhân dân. Ngôi đền được phá đi và một số người sẽ có lợi. Ông nhà văn ta bí quá bèn vận ra cái tín ngưỡng vốn đang bị đả phá nhưng lại rất dễ thương tổn, đó là cõi riêng rất thiêng của mỗi con người: “ Đây là ngôi đền thiêng liêng của cả làng, cả tổng. Nó là biểu hiện của sự tồn vong làng xóm chúng ta. Phá nó, làng xóm sẽ mất người phù hộ, đi biển ắt sẽ gặp nhiều tai hoạ. Chẳng lẽ cha ông ta xây ngôi đền này để cầu mong những điều tốt đẹp cho làng xóm từ ngày xưa để con cháu bây giờ phá đi. Đó là đền thờ thuỷ thần. Ai trong chúng ta không biết sức mạnh của thuỷ thần. Tôn trọng và bảo vệ chùa, thần linh sẽ phù hộ cho bà con…” Ai nghe rồi cũng gật gù, thấy có lí. Chỉ có mấy ông lãnh đạo là tức nổ ruột. Ông nhà văn bị ngấm ngầm phản ánh lên cấp trên và bị theo dõi là kẻ phá hoại chính sách của Đảng và Nhà nước. Tất nhiên án không tuyên được, nhưng mà ông ta cứ lọ mọ như vậy suốt đời. Và cứ phải chấp nhận trong hàng ngũ nhà văn loại hai hay ba gì đó. Đấy là cái án văn chương không ra văn chương, chính trị không ra chính trị của một thời non nớt, hệ luỵ từ sự mất dân chủ”.

 

“Thói đời mấy ông nhà văn có ông nào khen ông nào. Nếu ở dạng sàn sàn, gàn gàn như nhau thì các ông ít đọc của nhau lắm, mà không đọc nhau thì hiểu nhau thế nào được. Ông nhà văn đang bị cái án lơ lửng trên đầu, càng không dễ hiểu bởi tác phẩm của ông có được in ấn đâu. Ông như biến mất. Những cuộc họp mà phải trao đổi văn chương, những bài phê binh và lí luận, thứ vũ khí chiến đấu của một thời, với ông không tác dụng, ông như hiểu hết và như đã miễn dịch. Chẳng vậy mà có ông nhà văn vào loại “cây đa cây đề” đã nói đại ý: ra gặp vào chạm mà “phê” nhau thì còn đâu là thân thiết, còn đâu muốn nhìn mặt nhau nữa”.

 

“Lại nữa, vẫn có rất nhiều diễn giả đứng trên bục cao rao giảng, liệu có mấy điều mà diễn giả trên kia đang hùng hồn, lọt vào tai cử toạ ngồi dưới. It lắm! Nhưng khốn nỗi nước mình vẫn còn nhiều nhà “ní nuận” ăn theo lắm. Ông có công nhận với tôi rằng cái gì rồi cũng lỗi thời, cũng trở thành cũ kĩ lạc hậu không? Vậy mà ở xứ ta, những thứ lí luận từ các thế kỉ trước, bao gồm cả lí luận về cách mạng, về văn hoá và các mặt khác của cuộc sống con người, chúng ta cứ khư khư dạy bảo nhau, dạy nhau theo các bài giảng đã được người ta dạy cho. Khổ thế!  Có gì mới trong các thứ lí luận đó không? Chắc là có, nếu bảo không thì các nhà “ní nuận” của ta lại không nổi khùng lên ấy á. Nhưng tớ nói thật nhé, các thứ lí luận đó nó cứ nhang nhác cũ, nhang nhác của ai ấy, chứ đâu là sáng tạo của ta mà ta cứ vênh vang.  Tôi khổ nhất là đọc những viện dẫn từ các “ông ốp, ông ép, ông Đào, ông Lỗ” từ thế kỉ mười tám, mười chín. Đau đầu lắm! Đó chẳng là thứ lí luận ăn theo, nói theo là gì!”

 

“Có điều đau khổ không kém, như một thứ lễ giáo, đa số những người gọi là hiểu biết lại vẫn cứ im lặng, thậm chí vẫn làm theo, không tỏ thái độ. Một thái độ rất khó hiểu với những người được gọi là “kẻ sĩ”. Tôi nói đây là đa số vì tôi rút ra được từ chính cuộc đời tôi. Trong trường hợp này, đa số là cái “chết tiệt”. Đa số xu thời thì có!” “Sếp” già tự nhiên như bực mình, to tiếng với cử toạ chỉ có mỗi một quan “tổng”. (Thảo nào mà bà vợ “sếp” vẫn đôi khi nghe thấy ông quát nạt mắng mỏ). Tớ cũng tự liệt vào cái loại mạt hạng đó. Biết đấy mà cứ im, không hiểu có bao số phận đau khổ vì cái im của mình.” “Sếp” già như ăn năn với một thời của mình.

 

Chẳng biết có phải vì cái sự “tự kiểm điểm” của lão hàng xóm không mà quan “tổng” cũng ngất ngây theo những chuyến làm ăn trên đường thăng quan của mình. Quan nghĩ đến những buổi đưa đón quan trên. Con đường đi của các quan có ảnh hưởng đến cái ghế của hắn được cài bằng bản hành khúc: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” , sôi nổi và mạnh mẽ, đồng thời cũng rất dạt dào tình cảm “Tổng” nhớ lại những ngày cuối của cuộc chiến tranh, Trường Sơn trăng sáng lắm và hắn cũng thật trong sáng làm sao. Còn đận cuối vừa mới đây, cái đận chiến đấu vì cái “ghế tổng” mà hắn đang ngồi bây giờ, sao nó nham hiểm chết người, ghê rợn như thế. Vậy mà hắn cũng vượt qua. Hắn vẫn nhớ cảm giác ngày hắn ngồi vào cái “ghế tổng” đầy quyền uy, đầy ma lực và cũng vô cùng nhơ nhuốc.

- Em nói cho bác biết cái vị trí của em giá bao nhiêu nhé. Quan “tổng” đổi cách xưng hô với “sếp” già, cách xưng hô thân thiết, khác hẳn thường ngày, không có sự xu nịnh ở đây.

- Không cần nói. Ai mà chẳng biết. Tất cả mọi chuyện bây giờ, nói nôm na như ông bà ta, là đều được qui ra thóc hết. Qui ra thóc là đơn vị đo dễ hiểu nhất. Đừng giả vờ là trong sạch, đừng giả vờ cán bộ ta ônói chung là tốtằ, cũng đừng giả vờ là không biết cái qui định bất thành văn này. Thừa nhận cái sự tồn tại này trong cuộc sống là sự dũng cảm nhất trong nhiều điều cần dũng cảm. Nghĩa là dám công nhận cái số đông đa số trong chúng ta đều có vấn đề về đạo đức và trách nhiệm. Có như vậy mới làm trong sạch được đội ngũ, mới lấy lại được niềm tin của nhân dân. Đau xót nhất là họ mua và bán cả những danh hiệu thiêng liêng, danh hiệu thời của tớ phải đổi bằng máu và thời của cậu phải đổi bằng mồ hôi thật sự. Lại nữa, giáo sư với tiến sĩ bây giờ nhiều thế. Đồ dởm cả đấy. Mười ông thì sáu bảy ông dởm. Ngẫm mà đau lòng, mà chua xót!

 

Từ trong thinh không như vẳng lại tiếng chuông chùa, tiếng ngân của nó lai láng, uyển chuyển và nhập hồn lắm. Hai lão đàn ông lắng nghe, một luồng gió mát dịu thổi qua, nhanh chóng thấm lan vào cơ thể hai lão. Quan “tổng” vươn vai thể hiện sức trẻ, vặn lưng, xương kêu răng rắc: “Già đến nơi rồi!” Lão “sếp” già khoan khoái hít một hơi dài: “Như cảm thấy sự tươi mới lan khắp cơ thể… Cảm như trẻ lại vài tuổi”. Hai bà vợ vẫn đang quấn bên nhau, theo dõi hai lão. Bất ngờ hai bà cùng nói: “Hình như họ làm kiểm điểm xong rồi, nhìn mặt các lão, thấy mình cũng nhẹ cả người.”./.

 

7/11/07

Vinh Anh
Số lần đọc: 2044
Ngày đăng: 11.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vua Ngu - Nguyễn Thanh Hiện
Con Dốc - Vũ Lập Nhật
Sợi Tóc Mong Manh - Nguyên Minh
Chết Không Nhắm Mắt - Nguyễn Viện
Chuyện cổ tích ông kể cháu nghe - Huỳnh Văn Úc
Người Thầy muôn đời - Thái Quang Hy
Vỡ Tổ - Đặng Kim Côn
Chuyện Về Một Ngôi Nhà. - Mang Viên Long
Tuần Lễ Một Đời Ngừơi - Trần Minh Nguyệt
Nỗi đau - Minh Hương
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)