Viết cùng ALEC HOLCOMBE
Đông Hiến dịch
từ bản tiếng Anh: The Heart and Mind of the Poet Xuân Diệu: 1954-1958, đăng trong tạp chí
Journal of Vietnamese Studies, vol. 5, no.2, Summer 2010
Hóa giải ảnh hưởng của Stalin ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Những lời lên án mạnh mẽ đến mức gây sốc về tội ác của Stalin do Khrushchev phát biểu khiến những phần tử bất mãn trong đội ngũ trí thức ở Việt Nam phấn khởi. Nhiều người còn đang giận dữ về cách xử lý của lãnh đạo văn hóa đối với các giải thưởng văn học giai đoạn 1954-1955, mới công bố kết quả trên báo Văn Nghệ số ra ngày 15 tháng Ba năm 1956. Gần như đúng tròn một năm sau vụ tranh luận về Việt Bắc, Xuân Diệu lại rơi vào vị trí trung tâm của rắc rối. Vì chính quyết định trao giải nhì cho tập thơ cách mạng Ngôi Sao của ông đã làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ nhất, với sự xuất hiện của ba bài phê bình trên tờ báo văn học tư nhânTrăm Hoa.[1]
Khi mọi chuyện đã qua, bây giờ nhìn lại mới thấy ba bài này quả thực là phát súng mở màn cho một trận chiến về công tác cách mạng của Xuân Diệu. Vấn đề cốt yếu vẫn là chất lượng những bài thơ cách mạng của ông. Liệu Ngôi Sao, tập trung tất cả những sáng tác của nhà thơ trong mười năm dưới sự dẫn dắt của đảng có so được với Thơ thơ và Gửi hương cho gió không? NếuNgôi Sao quả là ưu việt hơn, điều đó có nghĩa là chính sách văn hóa của đảng và sự chỉ đạo của các quan chức văn hóa là hợp lý. Nếu không, có thể đã đến lúc phải cân nhắc những thay đổi lớn về chính sách và nhân sự. Trong hoàn cảnh bình thường, ba bài phê bình trên Trăm Hoa và tiếp theo là việc tờ báo phải đóng cửa vì phá sản sẽ đặt dấu chấm hết cho vụ việc này, và các trí thức bất mãn sẽ hướng mối quan tâm của mình sang những thứ khác.
Nhưng lời kêu gọi của Khrushchev đã mang lại những thay đổi lớn lao cho bầu không khí trí thức ở Hà Nội. Đối với những người đang bất mãn, nhà lãnh đạo Liên Xô này đã tạo cho họ ấn tượng rằng, nếu kiên trì bày tỏ những nỗi bất bình và đấu tranh cho những yêu cầu của mình, có thể mang lại những thay đổi. Đối với lãnh đạo đảng, yêu cầu phải hòa nhịp với những biến động thời sự về tư tưởng ở Moscow có thể buộc họ thấy rằng cần phải áp dụng một thái độ dung hòa hơn đối với những yêu cầu của đội ngũ trí thức, nhất là khi họ đang trong tầm quan sát của các đại sứ quán của khối xã hội chủ nghĩa đặt tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, với một động thái chắc là có chủ ý đánh lạc hướng sự quan tâm dư luận khỏi vầng hào quang sùng bái cá nhân đã và đang tồn tại quanh Hồ Chí Minh, lãnh đạo đảng thận trọng đưa ra thuật ngữ “sùng bái cá nhân” sao cho nghe có vẻ như một cấp độ hơi nặng hơn của các căn bệnh cũ như “cá nhân chủ nghĩa”, “quan liêu”, “cửa quyền”. Đây là những thuật ngữ lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam thường dùng trong suốt mấy thập kỷ trước để phê bình những đảng viên không làm tốt công tác được giao.[2] Trên thực tế, Hồ Chí Minh đã giải thích rõ về các lỗi lầm và căn bệnh (chính ông gọi như vậy) thường mắc này cho đội ngũ đảng viên trong cuốn sách Sửa đổi lề lối làm việc ông viết năm 1948.[3] Các lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hẳn thấy nhẹ người khi biết rằng các trí thức bất mãn ban đầu chỉ dừng ở mức áp dụng thuật ngữ “sùng bái cá nhân” đối với lãnh đạo cấp trên trực tiếp của mình trong lĩnh vực văn hóa. Chừng nào mà sự chỉ trích chỉ dừng lại trong giới hạn an toàn với những mối ưu tư nhỏ hẹp về công tác văn hóa, lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam tỏ ra sẵn lòng để cho đội ngũ trí thức cạo gáy các lãnh đạo chuyên môn của mình.
Tất cả những điều đó là dấu hiệu xấu báo trước một thời kỳ sóng gió sắp đến với Xuân Diệu, khi những lời bàn sôi nổi về quá trình tham gia cách mạng của ông lan sang tới các trang báo Văn Nghệ. Trên tờ báo này, quan chức văn hóa cao cấp Hoài Thanh, người đã tham gia ban giám khảo, buộc phải bảo vệ quyết định trao giải nhì cho Ngôi Sao với những lời khẳng định công khai về tác phẩm của Xuân Diệu:
“Cách mạng càng tiến lên, Xuân Diệu càng thêm gắn bó với quần chúng, nhất là với quần chúng nông dân, nhờ đó thơ Xuân Diệu càng thêm chắc về nội dung tình cảm, thêm giản dị về điệu về lời. Và đã có lúc chúng ta tưởng như gặp một Xuân Diệu hoàn toàn mới. Nhưng cuộc đấu tranh giữa cái mới và cũ trong thơ Xuân Diệu cũng như trong con người của mỗi chúng ta là một cuộc đấu tranh gay go. Trong cái mới sao cho khỏi rơi rớt lại những cái cũ. Cái phần cũ tôi muốn nói cái phần sống sượng, lệch lạc, giả tạo trong thơ Xuân Diệu cũng còn nhiều. Nhưng hôm nay tôi không định nói về phần ấy. Tôi muốn nói về cái phần đứng đắn, chân thành trong thơ Xuân Diệu.”[4]
Tuy dành phần lớn bài viết để khen ngợi những phần đúng đường lối của Ngôi Sao, chính Hoài Thanh đã công nhận những nhược điểm của tập thơ này. Tuy vậy, ông ta quy nguyên nhân cho quá khứ tiểu tư sản của Xuân Diệu, chứ không phải vì những giá trị và sự dẫn dắt tác giả mới tiếp nhận trong mười năm phục vụ cách mạng.[5]
Dù được sự tiếp ứng nói trên, tình hình vẫn ngày càng xấu đi cho Xuân Diệu. Một tuần sau bài viết của Hoài Thanh, Văn Nghệ đăng một bài ngắn của nhà thơ lãng mạn nổi tiếng Nguyễn Bính, lớn tiếng phản đối sự thiên vị của ban giám khảo dành cho Ngôi Sao và phủ nhận những lời bào chữa của Hoài Thanh, cho rằng đó chỉ là nỗ lực xoa dịu dư luận một cách vụng về:
“Thắc mắc chung quanh tập Ngôi Sao thực là nhiều và sôi nổi. Có những thắc mắc đã nói ra trên báo chí, có những thắc mắc chỉ trao đổi trong những cuộc mạn đàm. Có những thắc mắc trong anh em văn nghệ, có những thắc mắc của bạn đọc. Của những người ở vùng tự do cũ, cũng như ở vùng mới giải phóng, ở nhiều tầng lớp khác nhau, trong những cương vị công tác, hoạt động khác nhau. Nói chung, phần tán thành ít mà phần thắc mắc thì hầu như phổ biến. Tập thơ Ngôi Sao lại đã xuất bản trước khi công bố giải thưởng. Ngay khi chưa biết nó được giải cũng đã nhiều anh em phàn nàn về những mặt hỏng của nó. Sao không có một cuộc thăm dò dư luận từ trước? Quả là ban giám khảo chưa thực mở rộng dân chủ, chưa tha thiết lắng nghe ý kiến nguyện vọng của quần chúng? Sự định đoạt giá trị và thứ bậc tác phẩm hầu như chỉ thu hẹp trong phạm vi ban giám khảo, trong sự bàn cãi phân tách của một số nhỏ người.
[…] Đối với những phản ứng trong quần chúng, Ban chấm giải không tự kiểm điểm, không trưng cầu ý kiến của quần chúng, khơi cho hết thắc mắc của mọi người, mà chỉ tìm cách xoa dịu bằng một bài báo nặng tính cách bào chữa của Hoài Thanh trong Văn Nghệ số 122. Một vài anh em không bằng lòng ra mặt những bài phê bình tập Ngôi Sao trên báo Trăm Hoa, cho đó là lối “đập” thiên lệch và ác. Trong khi ấy trên tờ báo của Hội vẫn có những bài phê bình có tính cách “đập” thiên lệch và ác như bài của Nguyễn Đình Thi phê bình Giai phẩm. Phải chăng đó là lưu tệ của cái thói “lỗi người để túi trước, lỗi mình để túi sau?”[6]
Ngày 21 tháng Sáu năm 1956, Văn Nghệ đăng tiếp bài viết thứ ba về Ngôi Sao, của một nhà văn khác tên là Huy Phương.[7] Tác giả lập luận rằng, mặc dù thơ cách mạng của Xuân Diệu nói chung có biểu hiện một lòng thiết tha với dân tộc, nhân dân và cách mạng, nhưng tình cảm cao quý ấy chỉ hiện lên rất “yếu đuối” trong tập Ngôi Sao. Huy Phương viết, “Nhưng những lúc nào Xuân Diệu bạo dạn đi sâu vào thực tế, được chất chiến đấu của thực tế tác động mạnh mẽ vào tâm hồn, thì ta thấy anh cũng đã viết được những bài thơ thành công”. Tuy nhiên, Huy Phương viết tiếp, “nhưng những khi Xuân Diệu trở về với ‘hồn thơ’ của mình thì thơ anh chỉ là tiếng nói yếu đuối của con người còn vướng mắc trong cái “tôi” riêng lẻ bé nhỏ.” Do vậy, tác giả kết luận trong bài, những vần thơ cách mạng hay nhất của Xuân Diệu là nhờ cảm hứng trong quá trình Xuân Diệu tham gia cải cách ruộng đất.[8]
Phần còn lại của bài viết là sự khai triển lập luận trên, khi tác giả cố chứng minh những điểm mạnh của thơ cách mạng Xuân Diệu là kết quả của quá trình học hỏi theo chỉ dẫn của đảng (nhất là những phần lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh thực sự của quần chúng lao động). Trái lại, tất cả những điểm yếu là kết quả của sự chệch hướng khi tác giả không theo sự dẫn dắt của đảng, để cái tôi cá nhân của quá khứ tư sản xen vào gây tác hại. Ngay cả những vần thơ tuyệt đẹp tả thiên nhiên đã góp phần mang lại sự nổi tiếng cho thơ lãng mạn Xuân Diệu (và Hoài Thanh đã gồng mình thuyết phục mọi người rằng trong Ngôi Sao vẫn có những vần thơ như vậy) cũng không làm Huy Phương hài lòng: “…Xuân Diệu nhìn quanh mình chỉ thấy những màu sắc lung linh, óng ả của núi sông, mây gió, cờ sao… Anh ngợp đi trong những lạc thú về thị giác và vị giác, cuộc đời biến diễn trước mắt, anh thấy như một bữa tiệc ngon của mắt và mồm.”
Một trong những nội dung thú vị nhất của bài viết là những lời bàn của Huy Phương về cách Xuân Diệu tả chiến tranh. Hiển nhiên đây là phần khó đổi lỗi cho quá khứ tư sản của nhà thơ nhất trong cả tập Ngôi Sao, vì đương nhiên những tập thơ lãng mạn nổi tiếng của Xuân Diệu Thơ Thơ và Gửi Hương Cho Gió không hề có chỗ cho bạo lực. Vậy phải giải thích những câu thơ sau thế nào đây? Tả quân địch, Xuân Diệu viết:
Rượu mồi hôi, bánh xương tủy tim gan,
Thịt nhân quần chúng mày vẫn uống ăn.
Và
Óc đã vỡ máu lộn cùng xương tủy
Tay lìa chân, đầu rụng tiệc đau thương.
Tả người lính Việt Minh, Xuân Diệu viết:
Giữa xuân nay muôn chiến sĩ say mê
Lấy máu tủy đổ ra đời bát ngát
Ngừng tay lại thấy sức xuân còn nhạt
Đổ máu thêm cho đến lúc toàn hồng.[9]
Điều khiến Huy Phương thấy khó chịu vì những dòng thơ “nhễ nhại những máu huyết” này là “bệnh khoái cảm” (khoái cảm bệnh hoạn) mà Huy Phương tin là Xuân Diệu đã mắc phải khi viết những dòng thơ đó. “Những câu như vậy, cái lối nhìn như vậy không phải là những trường hợp ngẫu nhiên trong thơ Xuân Diệu. Nó là biểu hiện của cả một thái độ sống bắt nguồn từ cả một hệ thống ý thức và tình cảm của tác giả”. Tình cảm, theo Huy Phương, là “một cạnh khía quan trọng của khả năng cảm thông của tác giả với thực tế” và vì thế phải có một vị trí quan trọng trong thơ. “Nhưng khi cảm giác của nghệ sĩ thiên về tính chất hình thức và hưởng thụ thậm chí trở thành một động cơ sáng tác thì đó là biểu hiện của bản chất hưởng lạc cá nhân của chủ nghĩa lãng mạn tư sản”.[10] Huy Phương lập luận rằng, trong những vũng máu huyết, “bánh tim gan”, tay chân đứt lìa, óc vỡ này, thông điệp cách mạng không thể đến được với người đọc. Cùng với những nhược điểm khác mà nhà phê bình trẻ này cho là Ngôi Sao mắc phải, Huy Phương nhận xét rằng Xuân Diệu có khoái cảm trước cảnh bạo lực rùng rợn và quy kết nguyên nhân tại quá khứ tư sản của nhà thơ.
Thời kỳ Nhân văn-Giai phẩm: tháng Tám đến tháng Chạp năm 1956
Suốt bốn tháng liền từ tháng Tám đến tháng Chạp năm 1956, thời kỳ của phong trào Nhân văn – Giai phẩm, công tác kiểm soát báo chí của đảng trở nên dễ dãi hơn bao giờ hết trong suốt lịch sử của chế độ. Vì sao, mới ra lệnh tịch thu Giai Phẩm Mùa Xuân 1956 vào tháng Hai, lãnh đạo đảng lại đột ngột chuyển hướng và cho phép tự do báo chí vào những tháng cuối năm 1956? Trước hết, vì nhu cầu viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc là rất cấp bách, khiến giới lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thấy buộc phải hòa nhịp với những diễn biến chính trị tư tưởng ở hai nước đồng minh này. Ở Moscow, đó là phong trào hóa giải ảnh hưởng của Stalin, ở Bắc Kinh, đó là chính sách Trăm Hoa. Một yếu tố bên ngoài nữa là cuộc nổi dậy Poznan ở Ba Lan vào tháng Sáu. Một chỉ thị của ban bí thư đảng ban hành tháng Tám nhận định: “Bọn tay sai của Mỹ – Diệm còn lại ở miền Bắc có thể lợi dụng những sai lầm và khó khăn tạm thời của ta để phá hoại ta. Vụ lộn xộn xảy ra ở Pôdơnan (Poznan) thuộc Ba Lan gần đây là một bài học cảnh giác lớn cho ta”.[11] Một yếu tố quan trọng của hoàn cảnh trong nước có tác động đến quyết định nhân nhượng đột ngột của đảng là dư chấn còn nóng hổi của chiến dịch cải cách ruộng đất đầy bạo lực, mới kết thúc vào tháng Sáu năm 1956. Những người được tiếp cận bản báo cáo bí mật của Khrushchev không thể không nhận thấy sự tương đồng giữa những sự kiện tiêu cực được nêu trong văn bản đó với những cái gọi là “sai lầm” trong chiến dịch cải cách ruộng đất ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giết người không cần xét xử, tra tấn để cưỡng bức nhận tội hoặc tố cáo người khác, cùng với hàng loạt biểu hiện bất chấp nhân quyền trong chiến dịch).
Một biểu hiện của cảm giác lo lắng của giới lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong giai đoạn này có thể thấy qua Chỉ thị 45 của ban bí thư Đảng Lao động Việt Nam, ban hành ngày 23 tháng Tám năm 1956: “Về tăng cường vận động quần chúng để đề phòng bọn phản động gây ra tình trạng cưỡng bức di cư vào Nam hay kích động gây hấn hoặc phá hoại.” Lúc đó đã hơn một năm sau ngày biên giới Nam Bắc khép lại, lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn e ngại nguy cơ di dân hàng loạt. Một phần khác của chỉ thị, chủ yếu nói về các cộng đồng Công giáo, viết rằng “trong số người có tư tưởng muốn đi Nam thì phần lớn là nông dân lao động, nhiều người được chia quả thực trong cải cách ruộng đất[12], có nơi cả cốt cán và cán bộ xóm cũng muốn đi”.[13] Nhà văn cách mạng Nguyễn Huy Tưởng ghi trong nhật ký ngày 21 tháng Tám năm 1956 về tình hình lúc bấy giờ như sau: “Nông dân sau cải cách ruộng đất, đánh nhau vì tranh tháo nước, để cứu úng thủy. Có hiện tượng Diệm nó phát động một phong trào di cư mới. Mà lần này có thể cả quần chúng cơ bản đi”.[14]
Giai đoạn đầu của thời kỳ Nhân văn-Giai phẩm có thể được đánh dấu bằng hội nghị do lãnh đạo Hội Văn nghệ triệu tập từ ngày mồng một đến ngày mười tám tháng Tám năm 1956. Hơn ba trăm trí thức đủ mọi thành phần đang làm việc ở Hà Nội đã tới dự hội nghị, nhiều người đã tận dụng ngọn gió “dân chủ” do Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô đưa đến (đến lúc đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 9 Đảng Lao động Việt Nam) để bày tỏ những bức xúc bị dồn nén lại trong một thời gian dài.[15] Trong thời gian diễn ra hội nghị, cả Văn Nghệ và Nhân Dân cùng đăng trích đoạn bài báo viết bằng tiếng Trung của Lục Định Nhất “Trăm Hoa Đua Nở, Trăm Nhà Đua Tiếng”, mở đường cho luồng gió dân chủ thứ hai đến từ Bắc Kinh.[16] Như chúng ta đều biết, trong vòng ba tháng sau hội nghị học tập nói trên, những trí thức cách mạng bất mãn ở Hà Nội rủ nhau lần lượt xuất bản bốn ấn phẩm mới: báo Nhân Văn và ba tạp chí văn hóa Đất Mới, Sáng Tạo và Nói Thật, đồng thời tái bản hai tờ báo Giai Phẩm và Trăm Hoa.[17]
Những bài vở trong các ấn phẩm này đề cập đến hàng loạt vấn đề và không dừng lại ở lĩnh vực văn nghệ: tự do, dân chủ, tham nhũng, bạo lực cách mạng, hóa giải ảnh hưởng của Stalin, cải cách tư pháp, chủ nghĩa Mác, nhân quyền, giá trị truyền thống và nhiều chủ đề bức thiết khác. Chung quy, phần lớn các chủ đề trên, bằng cách này hay cách khác, đều quy về vấn đề cơ bản nhất: tự do. Trên thực tế, hai từ “tự do” và “dân chủ” xuất hiện ít nhất 360 lần trong ba mươi trang của năm số báo Nhân Văn. Các báo chí tư nhân thời kỳ Nhân văn-Giai phẩm kêu gọi lãnh đạo đảng tiến hành cải tổ nhiều lĩnh vực, tuân thủ các tiêu chuẩn mà đảng áp dụng cho mọi người khác, và công nhận rằng việc lý tưởng hóa Liên Xô như một thiên đường xã hội chủ nghĩa không một tỳ vết là không còn hợp thời nữa. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, dù các thành viên phong trào Nhân văn-Giai phẩm yêu cầu phải đánh giá lại hình ảnh của Liên Xô và của chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phù hợp thực tế hơn, điều này không hề dẫn tới yêu cầu tương tự về việc xem xét lại nhận định tiêu cực của chế độ miền Bắc đối với Cộng Hòa miền Nam Việt Nam hay đồng minh Hoa Kỳ.[18]
Trong thời kỳ Nhân văn-Giai phẩm, có bảy bài báo về Xuân Diệu gây nhiều chú ý (ba bài trên báo chí của nhà nước và bốn bài trên báo tư nhân). Cả bảy bài báo đều tập trung vào quá trình tuyển tập thơ cách mạng của Xuân Diệu Ngôi Sao được xét trao giải nhì của giải thưởng văn học Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1954-1955, và chất lượng chung của tuyển tập này có xứng đáng hay không.
Phan Khôi
Có lẽ để bộc lộ rằng sự nghiệp cách mạng của Xuân Diệu đã trở thành một đề tài căng thẳng đến thế nào, bài báo đầu tiên trên ấn phẩm đầu tiên của thời kỳ Nhân văn-Giai phẩm, Giai Phẩm Mùa Thu tập 1 dành hẳn một đoạn nói về nhà thơ. Bài báo của Phan Khôi nhan đề “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” có thể coi là bài luận nổi tiếng nhất trong suốt bốn tháng sôi động với rất nhiều tranh luận học thuật.[19] Khi Phan Khôi viết bài này năm 1956, ông đã 69 tuổi (hơn Hồ Chí Minh ba tuổi). Nhà trí thức lão thành khó tính và bộc trực này có uy tín cao trong văn giới, và đã tham gia nhiều công tác yêu nước, từng viết báo, dạy học và viết văn. Đã sống và làm báo ở tất cả ba trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam: Hà Nội, Huế và Sài Gòn, ông hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam không kém gì ai. Về quan hệ của ông với Xuân Diệu, Phan Khôi là người đã phát động và ủng hộ Phong trào Thơ mới từ đầu thập kỷ 1930. Ngoài những thành tích đáng nể về chuyên môn, Phan Khôi còn xuất thân từ một dòng họ hoàn hảo, có truyền thống ái quốc. Ông ngoại Phan Khôi là vị tướng huyền thoại Hoàng Diệu, người được giao trọng trách trấn thủ thành Hà Nội trước đợt tấn công của Pháp năm 1882. Khi tất cả mọi kế sách đều thất bại, theo lời kể lại, Hoàng Diệu đã tự vẫn để tỏ rõ trách nhiệm của bản thân với tư cách một viên tướng đã không thể làm tròn trọng trách giữ thành vốn đã hứa với đức vua và triều đình.[20]
Bài báo của Phan Khôi dài mười trang và gồm bốn phần. Trong phần mở đầu, nhà báo lão thành tuyên bố ông sẽ nói sự thật, với ngôn ngữ không úp mở để tất cả mọi người đều hiểu. (Việc tác giả thấy có nhu cầu tuyên bố điều này có thể gợi cho ta thấy, vào thời điểm đó ngôn ngữ Bôn-sê-vích đã trở nên rối rắm khó hiểu đến thế nào). Ông cũng thông báo rằng có một phe “đối lập” trong lĩnh vực văn nghệ, gồm nhiều trí thức ở gần như tất cả mọi cấp, mọi lĩnh vực, là những người không bằng lòng với các lãnh đạo văn hóa của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[21] Phan Khôi dành phần hai của bài báo để nói về vấn đề tự do sáng tác, lập luận rằng thái độ nghi ngờ của lãnh đạo đảng đối với các văn nghệ sĩ cách mạng trẻ là không hợp tình hợp lý. Theo ước tính của Phan Khôi, những trí thức cách mạng đã làm vượt yêu cầu để chứng tỏ được lòng trung thành trong suốt tám năm kháng chiến. Phần thứ ba của bài báo ông phê phán sự thái quá trong cách xử lý của các lãnh đạo văn hóa đối với Giai Phẩm Mùa Xuân 1956 và tác giả Trần Dần trong tháng Hai vừa qua.
Phần bốn và cũng là phần cuối cùng của bài báo là nơi bắt đầu có những rắc rối cho Xuân Diệu. Trong phần này, Phan Khôi kể lại kinh nghiệm bản thân trong thời gian làm thành viên ban giám khảo xét giải thưởng văn học 1954-1955, xoáy sâu vào những lời bàn của ban giám khảo về tập thơ Ngôi Sao của Xuân Diệu:
“Hôm bình định về thơ, tôi phản đối tập Ngôi Sao đứng giải nhì, tôi nói: có vớt vát lắm thì cũng chỉ nên để nó đứng giải ba. Tôi cử ra những câu bí hiểm không thể hiểu nghĩa được, thì ông Huy Cận (một trong Ban chung khảo) bảo rằng đó là tại tôi “muốn” không hiểu thì không hiểu. Quái, tôi “muốn” làm sao được? Theo lẽ, ông Huy Cận nếu binh vực cho Ngôi Sao thì phải cắt nghĩa rạch ròi những câu ấy ra, chứ sao lại bảo rằng tôi “muốn” không hiểu?”[22]
Sau đó, Phan Khôi tả lại lúc ông chỉ ra một vài câu thơ không hẳn khó hiểu, nhưng “không đáng gọi là thơ”, ý muốn nói thơ cách mạng của Xuân Diệu kém hơn thơ lãng mạn. Ông kể rằng, đáp lại lời ông, “một ông trong ban (quên là ai) cãi rằng nếu thế thì bao lâu nay Đảng giáo dục Xuân Diệu không có hiệu quả gì sao?” Hình ảnh Xuân Diệu được tả trong bài báo của Phan Khôi là một người ích kỷ và cá nhân không khác gì ấn tượng chung về tính cách cũ nhà thơ trước khi tham gia cách mạng, điều này đã phủ nhận mạnh mẽ diễn ngôn chính thống rằng cách mạng đã hoán cải Xuân Diệu. Theo những thông tin Phan Khôi được biết, Xuân Diệu đã dùng quyền lực và ảnh hưởng từ nội bộ đảng để để cao tập thơ của mình: “Ban Chung khảo theo đề nghị của ông Xuân Diệu, sau khi tuyên bố giải thưởng, phải làm nhiều cách tuyên truyền cổ động rầm rộ cho các tác phẩm được giải, và đã cắt cử người nào viết bài phê bình cho tác phẩm nào.”
Nhưng điều mà Phan Khôi thấy “quái đản” nhất về giải thưởng văn học nói trên là việc ba người trong ban giám khảo lại nộp tác phẩm dự giải:
“Về vụ này, có một điều, người ngoài không phải là tôi, không biết đến, thì không lấy làm quái. Ấy là điều, ba ông Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh đều có tác phẩm dự thi mà đều ở trong Ban Chung khảo. Nếu chỉ ở trong Ban Chung khảo mà thôi, còn khá; thử điều tra lại hồ sơ, thì ba ông còn ở trong Ban Sơ khảo nữa. Sao lại có thể như thế? Trường thi phong kiến thuở xưa, tuy có ám muội gì bên trong, chứ bên ngoài họ vẫn giữ sạch tiếng: Một người nào có con em đi thi, thì người ấy có được cắt cử cũng phải ‘hồi tị’, không được đi chấm trường. Bây giờ cả đến chính mình đi thi mà cũng không ‘hồi tị’: một lẽ là ở thời đại Hồ Chí Minh, con người đã đổi mới, đã “liêm chính” cả rồi; một lẽ là trắng trợn vì thấy mọi cái ‘miệng’ đã bị ‘vú lấp’”.[23]
Để giải thích ý “vú lấp miệng” của mình, Phan Khôi tả lại một vụ rõ ràng là cố tình che giấu thông tin trong một cuộc họp đột xuất của ban giám khảo giải thưởng văn học 1954-1955 vào ngày 8 tháng Tám năn 1956. Trong buổi họp đó, ông được đọc biên bản thảo luận của ban giám khảo: “Tất cả những ý phản đối tập thơ Ngôi Sao của tôi đều không được ghi vào biên bản. Tôi lập tức viết thư cho ông (Trường Chinh) tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam để kể rõ sự việc.”
Vì chính quyền đã không làm gì tiếp để giải quyết thắc mắc của ông Phan Khôi, giờ đây khi mọi việc sáng tỏ trên mặt báo, mọi người có thể suy luận là Trường Chinh và lãnh đạo đảng đã phớt lờ ý kiến của ông Phan Khôi. Có ba cách lựa chọn cho các nhà lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam để giải quyết vấn đề này, tất cả đều không dễ dàng trong hoàn cảnh đương thời. Một là, họ có thể tiếp tục làm ngơ trước lời yêu cầu xóa bỏ tham nhũng trong lĩnh vực văn hóa của Phan Khôi. Nhưng điều này có nguy cơ khiến họ bị đánh giá là không quan tâm đến tình trạng tham nhũng, và không theo đường lối của Khrushchev mới đưa ra về tăng cường dân chủ trong đảng và lãnh đạo tập thể (có nghĩa là phải lắng nghe ý kiến từ bên dưới). Hai là, lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam có thể nghe theo đề nghị của Phan Khôi là tiến hành một số biện pháp kỷ luật đối với các lãnh đạo văn hóa. Nhưng làm như thế chẳng khác gì gửi một thông điệp cho các trí thức rằng họ có thể giữ vai trò cảnh sát đạo đức ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có chức năng giám sát chính quyền và buộc lãnh đạo đảng phải giải quyết những bất công mà trí thức phát hiện. Lựa chọn thứ ba là tránh phải giải quyết những yêu cầu của Phan Khôi là bằng cách làm thế nào đó để hạ uy tín của ông. Nhưng vì đảng đang cho phép tự do báo chí trở lại, chắc chắn một chiến dịch bôi nhọ nhà báo lão thành và nhiều uy tín này trên các cơ quan ngôn luận của đảng sẽ kéo theo những phản hồi từ những người ủng hộ Phan Khôi trên báo chí tư nhân. Điều này sẽ thu hút sự quan tâm rộng rãi hơn của quần chúng đối với Phan Khôi và các ấn phẩm tự do trong thời kỳ Nhân văn-Giai phẩm.
Yến Lan
Khi đã xác định rằng không thể phớt lờ những yêu cầu công khai của Phan Khôi, lãnh đạo đảng thử nghiệm một giải pháp kết hợp cả hai lựa chọn còn lại, một mặt buộc ba quan chức văn hóa (Hoài Thanh, Nguyễn Tuân và Nguyễn Đình Thi) công bố bài tự phê bình, mặt khác bật đèn xanh cho đăng những bài viết hạ uy tín Phan Khôi. Bài đầu tiên của dạng này xuất hiện trên Văn Nghệ số ra ngày 20 tháng Chín năm 1956, tập trung đả kích bài của Phan Khôi ở khía cạnh phê phán sai rằng lãnh đạo đảng đã phớt lờ một vụ gian lận hiển nhiên. Tác giả của nó là nhà thơ, nhà biên kịch 40 tuổi, Yến Lan, người đã ghi biên bản cuộc họp của ban giám khảo. Ông nhận rằng đó là quyết định cá nhân của một mình ông khi loại bỏ ý kiến của Phan Khôi về tập Ngôi Sao của Xuân Diệu, chứ không phải là âm mưu chung của Ban như nhà báo Phan Khôi đã áp đặt: “Biên bản là để ghi lại những ý chính của cuộc họp. Những nhận xét đó (của ông Phan Khôi) đều lạc khỏi đề tài đang thảo luận, hoặc đưa ra trong lúc giải lao, giữa hai ba người với nhau (nhiều lúc tranh luận rất sôi nổi, đôi khi gay gắt nữa) và không được đưa vào biên bản vì thư ký lúc đó đang nghỉ giải lao”.
Tiếp theo, Yến Lan trả lời thắc mắc của Phan Khôi đối với việc ba người trong ban giám khảo (trong đó có Xuân Diệu) gửi tác phẩm và được trao giải:
“Ông [Phan Khôi] đã vạch ra ba ông Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu có tác phẩm dự thi mà cùng đều ở trong ban chấm thi từ lúc sơ khảo đến chung khảo. Cũng như những người khác, ông Phan Khôi có quyền nghi như thế sẽ có điều ám muộn, nhưng trên thế giới việc đó không có gì là quái, miễn là người ta phải làm việc đúng với nguyên tắc: những người ở ban chấm thi mà có tác phẩm dự giải thì không có quyền biểu quyết tác phẩm của mình. Nguyên tắc ấy ở đây xin chứng thực là luôn luôn được nhắt đến và làm đúng, còn ra có vị nể hay không thì không thuộc phạm vi bài này.”[24]
Trần Công
Ngày 20 tháng Chín năm 1956 – ngày bài viết của Yến Lan được đăng trên Văn Nghệ, cũng tình cờ là ngày mà nhà trí thức cách mạng bất mãn Nguyễn Hữu Đang, với sự cộng tác chủ yếu của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Duy và Phan Khôi, khai trương số đầu tiên của báo Nhân Văn. Cũng như số đầu tiên của tập Giai Phẩm Mùa Thu xuất bản trước đó mấy tuần, tờ báo gai góc này ngay lập tức khai thác chủ đề giải thưởng văn học 1954-1955. Trong bài báo “Chống bè phái trong văn nghệ”, nhà văn trẻ Trần Công viết:
“Hoài Thanh, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, đại diện cho ban Chấp hành Hội, đều có trách nhiệm lớn đối với phong trào. Thế mà tác phẩm còn non kém của ba ông lại được giải. Nếu không phải tự mình bỏ phiếu cho mình thì cũng là bè cánh ta lại bỏ phiếu cho tác phẩm tồi của bè cánh ta (cũng nên chú ý đến Huy Cận có chân trong ban chấm giải, mà ai cũng biết Huy Cận và Xuân Diệu chỉ là một).”[25]
Trần Công còn lục lại việc cũ trong quá khứ, đưa ra một vấn đề hóc búa khác cho Xuân Diệu:
“Tập thơ Việt Bắc cũng là một tập thơ như muôn ngàn tập thơ khác, dù có hay chăng nữa thì cũng chỉ là một tập thơ. Nhưng nó có cái đặc biệt. Đặc biệt không phải ở thơ mà ở tác giả. Giá tập thơ Việt Bắc là của người khác thì phê bình cũng chẳng sao đâu, nhưng Việt Bắc lại là của Tố Hữu. Một loạt bài của Hoàng Yến, Hoàng Cầm, Lê Đạt làm một số cán bộ lãnh đạo [Hội] Văn nghệ ngạc nhiên, tức giận thậm chí có người nói ‘Địch nó không mong gì hơn chúng ta chê thơ Tố Hữu.’”[26]
Nguyễn Tuân
Một tuần sau đó, vào ngày 27 tháng Chín năm 1956, một bài báo khác xuất hiện trên tờ Văn Nghệ với chủ ý đáp lại những thông tin mà Phan Khôi tiết lộ xung quanh việc chấm giải nhì cho tập thơ Ngôi Sao đang gây tranh cãi. Bài báo là một bản tự phê bình công khai của nhà văn nổi tiếng thời Pháp thuộc, đương kim tổng thư ký Hội Văn nghệ, Nguyễn Tuân. Ông cũng tham gia ban giám khảo, cùng với Phan Khôi, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoài Thanh và năm trí thức có uy tín khác của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[27] Trong bản tự phê, dưới nhan đề “Những suy nghĩ về giải thưởng văn học 1954-1955”, Nguyễn Tuân thừa nhận rằng ông không đồng tình với đề xuất trao giải nhì cho tập thơ Ngôi Sao (theo ông, trao giải ba thì xứng đáng hơn).[28] Tuy nhiên, theo Nguyễn Tuân, vấn đề liên quan đến việc trao giải cho tập thơ Ngôi Sao không phải chỉ ở chỗ tác phẩm đáng được giải nào: “Riêng tôi muốn tác giả Ngôi Sao tự nhìn mình nghiêm khắc nhiều hơn nữa, và tôi nghĩ rằng các anh Hoài Thanh, Huy Cận đã tích cực bênh vực thơ Ngôi Sao, có thể giúp đỡ nhiều cho tác giả thấy rõ vấn đề. Riêng phần tôi, trong việc Ngôi Sao, tôi cũng thấy mình nể nang trước những ý kiến của Hoài Thanh đối với thơ Ngôi Sao.”[29]
Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam
Trong số tiếp theo, ra một tuần sau đó (ngày mồng 4 tháng Mười năm 1956), báo Văn Nghệ đăng tiếp một một bài tự phê thứ hai, liên quan đến vụ Ngôi Sao của Xuân Diệu: “Thông báo của Ban Thường vụ Hội Văn nghệ.”[30] Trong bài, hội thừa nhận đã sai lầm trong việc xử lý vụ việc Trần Dần và bài thơ “Nhất định thắng”, cũng như thiếu sót trong việc tuyển chọn giải thưởng văn học 1954-1955:
“Lề lối làm việc luộm thuộm, thiếu dân chủ, ít chú ý liên hệ với quần chúng. Như trong khi chấm giải, đã có nhiều ý kiến về tập thơ Ngôi Sao, nhưng đa số ủy viên chưa thật chú ý lắng nghe.
…Cũng trong phiên họp trên của Ban chấm giải, đa số ủy viên nhận rằng tập thơ Ngôi Sao của Xuân Diệu xếp giải nhì là quá cao, một số cho rằng xếp Ngôi Sao vào giải ba thì đúng hơn.”[31]
Nguyễn Bính
Bài báo thứ sáu trong số bảy bài liên quan tới Xuân Diệu trong thời kỳ Nhân văn-Giai phẩm, “Phải xem xét lại tất cả các giải thưởng văn học” do Nguyễn Bính chấp bút và đăng trên hai số liền của tờ Trăm Hoa (ra ngày 20 và 28 tháng Mười năm 1956).[32] Nguyễn Bính là nhà thơ lãng mạn nổi tiếng, và cũng đã viết bài trên báo Văn Nghệ bốn tháng trước đó, yêu cầu các lãnh đạo văn nghệ phải “nghiêm túc tự phê” vì đã trao giải nhì cho Ngôi Sao trong đợt xét giải thưởng văn học 1954-1955. Khi đó, ông đang là chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Trăm Hoa, tờ báo đã đăng ba bài phê phán tập Ngôi sao sau ngày công bố giải thưởng văn học 1954-1955, ngày 15 tháng Ba năm 1956. Không lâu sau đó, tờ báo sập tiệm vì hết tiền.[33] Bản thân Nguyễn Bính cũng là một ngôi sao (tuy không rực rỡ bằng Xuân Diệu) của Phong trào Thơ mới.[34] Về hoạt động cách mạng, ông đã từng rời Hà Nội vào Nam từ năm 1944 để du ngoạn và kiếm sống, ở đó khi cuộc cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp tái xâm lược Việt Nam nổ ra, ông tiếp tục làm việc trên mặt trận văn chương cho Việt Minh. Khi chiến tranh sắp kết thúc năm 1954, ông tập kết ra Bắc cùng với hàng ngàn cán bộ Việt Minh khác và bắt đầu làm việc tại Nhà Xuất bản Văn nghệ. Chính vì ở cương vị này mà ông nắm vững được thông tin chi tiết về quá trình xuất bản tập thơ Ngôi Sao.[35]
Bên cạnh các nội dung khác, Nguyễn Bính khai triển một vấn đề do Trần Công nêu ra trong bài viết trên báo Nhân Văn cách đó một tháng, về việc lạm dụng “yêu cầu cách mạng” làm mục tiêu biện minh cho mọi hành động, thực chất là để che giấu động cơ mưu lợi cá nhân. Theo hướng này, Nguyễn Bính lật lại câu nhận xét, lúc bấy giờ đã bị nhiều người chê bai, về cuộc tranh luậnViệt Bắc: “Địch nó không mong gì hơn là ta chê thơ Tố Hữu”. Nguyễn Bính kết luận, thật là hổ thẹn khi “Ông Hoài Thanh đã đem cả địch ra mà bảo vệ cho thơ Tố Hữu”. Theo Nguyễn Bính, nguyên nhân thực sự khiến Hoài Thanh bênh vực tập thơ Việt Bắc là quan hệ công tác giữa ông ta và tác giả tập thơ – Tố Hữu là thủ trưởng của Hoài Thanh. “Cái lối nịnh trên nạt dưới ấy tất nhiên ông Hoài Thanh phải đem sử dụng vào việc chấm giải. Vì ông Tố Hữu ai cũng biết là Trung ủy, là lãnh đạo văn nghệ, là Thứ trưởng…”[36]
Những lời phê của Nguyễn Bính còn trở nên trực tiếp hơn, cá nhân hơn khi ông bàn tới mối liên hệ giữa giải thưởng văn học và tiền bản quyền khi xuất bản. Ông tiết lộ rằng trong tất cả các thi sĩ có sách in ở nhà xuất bản của Hội Văn nghệ, chỉ duy nhất có thơ Tố Hữu là được sắp vào loại A, “nghĩa là thuộc cái loại giá trị nhất và được tính tiền bản quyền tác giả cao nhất. (Không biết các ông lãnh đạo Hội có kiểm tra đôn đốc việc này hay không?)”. Ở đây cần phải lưu ý rằng cụm từ “kiểm tra đôn đốc” được sử dụng rất nhiều trong các văn kiện đảng. Cũng tương tự như lời bàn của ông về việc Hoài Thanh viện tới “địch” để bênh vực tập thơ của Tố Hữu, Nguyễn Bính nhại cụm từ “tủ” này một cách mỉa mai để đánh động sự chú ý của mọi người rằng các quan chức cao cấp có thể dễ dàng lợi dụng những thuật ngữ cách mạng rất văn hoa để đánh bóng và hợp lý hóa những hành động, thực ra, có thể đơn thuần chỉ là vụ lợi cá nhân.
Nguyễn Bính cũng bật mí những chi tiết xung quanh quá trình xuất bản tập thơ Ngôi Sao. Theo ông, tất cả đội ngũ cán bộ của Nhà Xuất bản Văn nghệ, nơi ông làm việc, đã đánh giá là tập thơ rất tệ, vì vậy, nó bị bỏ xó ở một góc văn phòng suốt mấy tháng, mãi đến khi “cấp trên” liên tục nhắc nhở, buộc Nguyễn Bính và đồng nghiệp phải triệu tập một cuộc họp, chọn ra những bài “đỡ tệ” nhất trong bản thảo để gửi đến Nhà in Quốc gia. “Vì lẽ Thơ Xuân Diệu không có độc giả, Xuân Diệu lại vận động mãi với cấp trên, sau bất đắc dĩ nhà in Quốc gia nể quá mới in cho 1500 quyển”. Khi các thành viên của giới văn nghệ biết được tin Ngôi Sao được giải nhì, “anh em không thể tưởng tượng được rằng lại có một cuộc xâm phạm trắng trợn văn nghệ như thế. Anh em lạ quá là vì anh em không thể ngờ rằng ban giáo khảo lại có thể khinh thường văn nghệ, khinh thường anh em và quần chúng đến mức ấy”. Để kết thúc bài viết, Nguyễn Bính bày tỏ những suy nghĩ như sau:
“Hai ông Huy Cận và Hoài Thanh trong ban chung khảo tại sao lại “tích cực bênh vực cho tập thơ Ngôi Sao” (lời ông Nguyễn Tuân)? Ông Hoài Thanh trước cách mạng đã biết chọn lọc các bài thơ hay của các thi sĩ để soạn thành quyển Thi nhân Việt Nam, có phê phán. Ông Huy Cận, tuy bây giờ là Thứ trưởng bộ Văn hóa, nhưng trước kia đã từng là một nhà thơ có tiếng tăm. Thế thì đối với một tập thơ dở như tập Ngôi Sao, tại sao hai ông lại tích cực bênh vực? Có phải tại ông Huy Cận và Xuân Diệu chỉ là một, còn ông Hoài Thanh vụ trưởng vụ Nghệ thuật thì lại là cấp dưới của ông Huy Cận hay không?”[37]
Phạm Tường Hạnh
Bài báo cuối cùng trong thời kỳ Nhân văn-Giai phẩm liên quan đến Xuân Diệu xuất hiện trên trang bìa của tờ Trăm Hoa số ba (ra ngày mồng 4 tháng Mười một năm 1956). Tác giả là Phạm Tường Hạnh, một nhà văn cách mạng trẻ từ miền Nam ra Bắc tập kết sau kháng chiến chống Pháp, đang làm việc cho chương trình Phát thanh Thanh niên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tác giả phản đối ý kiến của Nguyễn Tuân trong bài tự phê, cho rằng đa số những nhận xét tiêu cực về tập thơ Ngôi Sao xuất phát từ ác cảm với Xuân Diệu ở một số thành phần trong đội ngũ trí thức. Ông viết: “Tôi tưởng vấn đề không phải thế. Có thể có số người nào đó không ưa tác giả Ngôi Sao. Nhưng không đến nỗi họ “giận cá chém thớt” để tẩy chay tác phẩm của Xuân Diệu. Vả lại còn có nhiều người xưa nay chưa biết mặt mũi Xuân Diệu ra sao như anh em miền Nam tập kết chẳng hạn, cũng nhiều người không thích tập thơ Ngôi Sao chút nào”.[38]
(còn tiếp)
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, vol. 5, no.2, Summer 2010.
Bản tiếng Việt © 2010 Đông Hiến
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
Bản gửi từ tác giả.
[1] Tiêu đề của tập thơ Ngôi sao gợi hình ảnh Đảng Lao động Việt Nam, với đảng kỳ có ngôi sao vàng trên nền đỏ. Nhưng cũng có thể tác giả muốn chuyển tải cảm nghĩ về đảng như một ngôi sao dẫn đường. Chúng tôi vẫn chưa tìm lại được tư liệu những số Trăm Hoa có đăng bài phê phán tập thơ Ngôi sao của Xuân Diệu. Hình như tác giả của các bài phê bình đó là nhà thơ Trần Lê Văn.
[2] Xã luận, “Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên-Xô đã thành công rực rỡ”, Nhân Dân, số 726, 28/2/1956. Xem thêm bài “Đồng chí Trường Chinh trả lời phỏng vấn của phóng viên đài phát thanh Mạc-Tư-Khoa”, Nhân Dân số 733, 6/3/1956.
[3] X.Y.Z., Sửa Đổi Lề Lối Làm Việc (Hà Nội, Sự Thật, 1950).
[4] Hoài Thanh, “Một vài ý kiến về tập thơ ‘Ngôi sao’ của Xuân Diệu”, Văn nghệ, số 122, 24/5/1956.
[5] Sđd. So sánh những ý kiến đánh giá thơ lãng mạn Xuân Diệu trong bài này với tác phẩm Thi nhân Việt Nam: 1932-1941 để thấy giọng văn Hoài Thanh đã thay đổi như thế nào.
[6] Nguyễn Bính, “Hội cần phải mạnh dạn tự phê bình”, Văn nghệ, số 125, 14/6/1956.
[7] Huy Phương, “Phát biểu về tập thơ Ngôi sao của Xuân Diệu”, Văn nghệ, số 126, 21/6/1956.
[8] Một chi tiết thú vị đáng lưu ý là, đến tận tháng 6/1956, Huy Phương – một người sắp tham gia phong trào Nhân văn – Giai phẩm vẫn có nhận xét tích cực về cải cách ruộng đất.
[9] Huy Phương, trong “Phát biểu về tập thơ Ngôi sao”, dẫn bài “Xuân Việt Nam” và “Đêm Mười Chín” của Xuân Diệu.
[10] Sđd.
[11] Chỉ thị của Ban Bí thư, số 39/CT-TW, 3/8/56, “Về việc sửa chữa một số sai lầm khuyết điểm trong các công tác nhằm ổn định tình hình và ngăn ngừa âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại”, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 17:374.
[12] “Quả thực” là thuật ngữ của đảng dùng để chỉ những tài sản tịch thu từ những người bị coi là kẻ thù giai cấp trong chiến dịch cải cách ruộng đất, đem chia cho những người nghèo để chứng tỏ rằng đảng quan tâm đến lợi ích của họ.
[13] “Chỉ thị của Ban Bí thư, số 39/CT-TW, 3/8/56, “Về việc sửa chữa một số sai lầm khuyết điểm trong các công tác nhằm ổn định tình hình và ngăn ngừa âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại”, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 17:374.
[14] Nguyễn Huy Tưởng, Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng: Tập 3, Nghệ sĩ và công dân (Hà Nội: Thanh Niên, 2006), 127.
[15] Chúng tôi dùng từ “dân chủ” theo nghĩa các lãnh đạo đảng thường gán cho từ này, tức là khi cấp trên lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới. Một ví dụ cụ thể, xem “Chỉ thị của thường vụ liên khu ủy IV, 1/10/1952” trong Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 13: 440-443.
[16] Báo Nhân Dân đưa tin về bài viết trong “Thư Bắc Kinh” của Lê Hao (Nhân Dân, số 884, 5/8/1956) nhưng mãi đến số ngày 30/9/1956 mới đăng bài dịch.
[17] Theo nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng và hồi ký của Tô Hoài, tổng biên tập báo Trăm Hoa, Nguyễn Bính cho rằng tờ báo của mình độc lập với Nhân Văn và Giai Phẩm, khách quan và trung lập hơn. Dù ý định của ông là gì chăng nữa, tờ báo Trăm Hoa cũng chia sẻ rất nhiều suy tư mang tính nhân văn được nêu trong Nhân Văn và Giai Phẩm.
[18] Một ngoại lệ là ý kiến của Nguyễn Hữu Đang kêu gọi mọi người tôn trọng pháp chế tư bản hơn: “Chúng ta quá căm ghét pháp chế tư bản chủ nghĩa đến mức, ở nhiều người, nó đã biến thành nỗi căm ghét pháp chế nói chung”. Nguyễn Hữu Đang, “Cần phải chính quy hơn nữa”,Nhân Văn, số 4, 11/11/1956.
[19] Phan Khôi, “Phê bình lãnh đạo văn nghệ”, Giai phẩm Mùa thu tập 1 (Hà Nội; NXB Minh Đức, tháng 8/1956).
[20] Hoàng Diệu được chế độ mới tôn trọng đến mức tên ông được chọn đặt cho một trong số ít những con đường ở khu có nhiều biệt thự của lãnh đạo đảng tại thủ đô Hà Nội.
[21] Trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn cách mạng này ghi nhận Phan Khôi có lần đã nói với lãnh đạo đảng rằng họ là “mensheviks” (phe nhược tiểu, ngược với bolshevik), Nguyễn Huy Tưởng, Nhật ký tập 3: Nghệ sĩ và công dân (Hà Nội, Thanh Niên, 2006), 128.
[22] Phan Khôi, “Phê bình lãnh đạo”.
[23] Sđd. Ở Việt Nam, câu ngạn ngữ này được dùng để tả trường hợp một người ở thế mạnh hơn dùng quyền thế để ép người dưới dưới im tiếng.
[24] Yến Lan, “Một vài sự thật chung quanh ‘vụ giải thưởng văn học 1954-1955’”, Văn nghệ, số 139. 20/9/1956.
[25] Trần Công, “Chống bè phái trong văn nghệ”, Nhân Văn, số 1, 20/9/1956.
[26] Trần Công, “Chống bè phái”.
[27] Năm thành viên còn lại của ban giám khảo là Đặng Thai Mai, Thế Lữ, Trương Tửu, Hoàng Xuân Nhị và Nguyễn Huy Tưởng.
[28] Nguyễn Tuân, “Về giải thưởng Văn Học 1954-1955”, Văn nghệ, số 140, 27/9/1956.
[29] Sđd.
[30] “Thông cáo của Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam”, Văn nghệ, số 141, 4/10/1956.
[31] Sđd.
[32] Nguyễn Bính, “Cần phải xét lại toàn bộ giải thưởng văn học”, Trăm Hoa, số 1 & 2, 20 và 28/10/1956.
[33] Nguyễn Bính đã miêu tả cách chế độ làm khó dễ cho báo chí tư nhân trong bài báo thú vị “Hoa lại nở”, Trăm Hoa, số 1, 20/10/1956.
[34] Không giống như Xuân Diệu và đa số các nhà thơ khác trong phong trào, Nguyễn Bính đã khai thác cảm hứng cho thơ mình từ ca dao, dân ca Việt Nam. Thơ của ông có xu hướng miêu tả những cảnh bình dị ở thôn quê Việt Nam theo phong cách lãng mạn.
[35] Nguyễn Bính, “Cần phải xem xét lại toàn bộ giải thưởng văn học”.
[36] Sđd.
[37] Sđd.
[38] Phạm Tường Hạnh, “Một vài ý kiến của bạn đọc về bài ‘Về vụ giải thưởng 1954-1955’ của Nguyễn Tuân”, Trăm Hoa, số 3, 4/11/1956.