Mươi hôm trước ngày tôi đi, thầy giáo Ngô Sửu dặn: Ông cố tìm cho một chiếc lá ở Bồ đề đạo tràng. Tôi sẽ đặt lên bàn thờ.
Buổi sáng trước khi lên đường, hẹn cà phê với Trần Phá Nhạc, mà đến trễ, anh bạn bận họp, phải đi trước. Trên tờ giấy gửi lại tòa soạn, tôi mù mờ ghi: Sẽ mang về tặng một chiếc lá bồ đề, nếu có. Vậy là, phải chăng chiếc lá thứ nhất, của trách nhiệm tình cảm, từ người bạn thầy giáo, đã “kêu gọi” chiếc lá thứ hai?
lá bồ đề.
my.opera.com/vuonhoa
Chiếc lá thứ ba, tôi nhủ thầm, sẽ là của Nguyễn Toàn, dù không có “xuất phát” nào cả. Đúng hơn, nó đã hiện diện từ những buổi sáng mùa đông bên tách cà phê với N.T. Với những lan man về lẽ đạo, nghĩa đời. Nhưng. sao tôi lại dám hứa hẹn về một điều… phiêu lưu như thế!?
*
Rất xa trong thời gian, những chiếc lá. Tình thư một bức phong còn kín / Gió ở đâu, gượm mở xem. Lá chuối, loại lá cây quen của người dân quê Việt ấy, trong tâm hồn Ức Trai, là những bàn tay dịu dàng. Mở ra - gửi đến. Không có người gửi, cũng chẳng ai là người nhận. Hay đúng hơn, người đã hóa thân vào Tự Nhiên, để hiện ra như cái bóng vô hình. Nhưng rồi, lá bị cuốn theo chìm đắm Dòng Tình cúa người, để thắt lại thành nỗi đau nhọn buốt. Của Hàn Hủ hơn ngàn năm trước: Chương Đài liễu Chương Đài liễu / Tích nhật thanh thanh kim tại phù? / Giả ưng phan chiết tha nhân thủ? Và của Thanh Hiên cư sĩ: Khi về hỏi liễu Chương đài / Cành xuân đã bẻ…! Cái dòng trôi bất tuyệt kia, cái món nợ lớn nhất đời người ấy, hồ dễ mấy ai có thể rụng rời xa bỏ? Để, gần hai trăm năm sau, Tản Đà, người thi sĩ đứng trên đôi bờ của con sộng thi ca Việt cận - hiện - đại đau xót nhận ra: Mọi tình yêu, cuối cùng, chỉ còn để lại nỗi ngậm ngùi: Trận gió thu phong rụng lá vàng / Lá rơi hàng xóm lá bay sang / Vàng bay mấy lá năm hồ hết / Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng. Và giờ đây, cái Niềm Chung ấy vẫn vậy. Có khác chăng, chỉ là cách nói: những chiếc lá không còn là hình ảnh biểu tượng mà biến mất, trở thành ý niệm về sự chia lìa: Mùa đông năm trước, bên tách cà phê / chúng ta nhận ra vị đắng và ngọt / trong bóng lá bạc hà in vào mắt của nhau / giữa tiếng còi xe thúc giục lúc rời xa.
Những chiếc lá của đời, những chiếc lá của tôi ơi! Đến bao giờ mới tắt một dòng trôi?
*
Giờ đây, dưới bóng xanh cội bồ đề 247 tuổi ở Bodh gaya, sống lại từ gốc rễ đầu tiên, trong cái nắng tháng mười mà vẫn gay gắt, tôi lại thẩn thơ về lá. Quanh cội cây, có một nhân viên thường xuyên cầm chỗi quét. Mà nếu không, với hàng ngàn người có mặt ở đây, làm sao tôi có thể “kịp” tìm ra một chiếc lá!? Phía sau cây bồ đề, cách một bức tường, may thay, người đi lại thưa hơn. Và, ngay trước bước chân tôi, hiện ra hai chiếc lá, một còn xanh và một hơi ngả vàng. Cúi xuống, lòng thầm nghĩ: Là của người bạu thầy giáo Ngô Sửu và của bạn Trần Phá Nhạc. Vừa ngước lên, một tu sĩ trẻ trong tấm y vàng sáng đưa tay cho tôi, trên tay là một chiếc lá. Chiếc lá thứ ba, của Nguyễn Toàn. Đấy là một thanh niên khoảng hai mươi tuổi, đến từ Sri Lanka, hiện đang tu học trong khu vực này. Tôi đảnh lễ người tu sĩ, và thẩn thờ. Ba chiếc lá của khẩu và ý … nghiệp, (nói vui), tôi đã trọn. Nhưng, còn chiếc lá CỦA TÔI? Lẽ nào?
Suốt buổi chiều ở Bồ Đề đạo tràng, sau khi thực hiện những nghi lễ cần thiết, tôi đi vẩn vơ, có ý ngóng trông chiếc lá của mình. Rồi, khi chiều xuống, có một nhánh lá rơi trước mặt. Một cành, gồm chín chiếc lá. Tôi cầm lên, rồi đặt xuống, biết đó không phải. Và, lúc bóng tối đã hoàn toàn chìm ngập, tôi buồn bã rời cội cây, nơi bậc Đại Giác đã chứng ngộ - khai mở Con Đường Lớn cho nhân loại. Với lòng - không - chiếc - lá.
*
Tôi còn có thêm được dăm chiếc lá bồ đề khác, cũng có được từ cội cây thiêng này. Do người khác cho. Tôi sẽ dành tặng những người thân quý. Xếp vào valy, tôi biết, tất cả sẽ trở thành một màu, khi về đến Việt Nam: màu của đất. Nhưng tôi cũng biết rằng, tất cả đã từng run rẩy xanh trên cành trong gió. Tất cả đều là những sinh mệnh sống động và bình đẳng. Như thi hào Ấn Rabindranath Tagore đã từng hiển lộ: Trong sân chầu vũ trụ / chiếc lá cỏ bình thường / cũng ngồi chung một thảm / với ánh mặt trời và sao sáng trong đêm.
Và những chiếc lá gửi đến những người thân của tôi, cũng chỉ để gửi vào chốn vô cùng, nơi Thời - Gian - Cong - Lại. Để gặp Không Gian. Nơi câu thần chú Gate, gate, parasamgate… hiện ra như lời kêu gọi vĩnh cửu về Lẽ Sống Làm Người.
*
Còn chiếc lá của tôi?
Bốn ngày sau khi rời Bodh gaya, dưới cội bồ đề của Ngài Anan, trong Kỳ Viên tịnh xá. Ấy là, sau khi đoàn chúng tôi tụng Phật thuyết báo hiếu phụ mẫu trọng ân kinh và đi nhiều ba vòng quanh cội bồ đề. Ấy là, sau khi tôi ngồi yên tĩnh một mình trong giây lát để rồi khép mắt tập trung trì tụng, lúc nhìn ra, trên nền gạch đất, duy nhất rung rung một chiếc xanh hơi phớt vàng…
*
Tôi đặt chiếc lá bồ đề CỦA TÔI lên bàn thờ Phật. Hiện lên đoàn hành hương chúng tôi. Hiện lên những đoàn hành hương khác. Một màu. Đất và lá./.
Bodh gaya – Sài Gòn, tháng 10.2010