Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
938
123.166.861
 
Hành trình cây khóm
Nhật Linh

Nhắc đến vùng Đồng Tháp Mười của huyện Tân Phước, người ta nghĩ ngay đến nguồn nguyên liệu đặc trưng là cây tràm, cây khóm, cây bàng, cây khoai mỡ… Riêng cây khóm chiếm vị trí cao nhất trong những sản phẩm hàng hóa có sức tiêu thụ mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để đứng vững được trên thị trường, cây khóm đã trải qua một quá trình đầy thử thách nghiệt ngã.

 

Thăng trầm cây Khóm trên đồng:

Trong năm 2003, ước tính sản lượng khóm vùng này đạt trên 40 ngàn tấn. Ngoài phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu của công ty rau quả Tiền Giang, khóm Tân Phước còn được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước. Hiện nay toàn vùng có gần 3 ngàn hécta đang cho thu hoạch trên tổng số 7200 hécta khóm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

 

Nhớ lại những năm 1996- 1998, sự phát triển của cây khóm như là sự đánh đố với chuỗi dài gian khổ của người dân vùng này. Đê bao chưa được kiên cố, sản xuất manh mún, chưa tìm ra được thị trường tiêu thụ. Lại thêm những năm liên tiếp chìm trong lũ lụt, cho nên cây khóm ít được chú ý. Một  số hộ “lì” bám trụ lại, chỉ cố níu được vài năm rồi cũng mỏi mòn, thua cuộc. Bởi vì vòng đời của cây khóm khá dài, từ khi mới trồng đến thu hoạch ít nhất cũng 14 hay 16 tháng, khoảng cách giữa hai lần thu hoạch (khóm chồi) từ 6 đến 8 tháng, cho nên những năm lũ lụt liên tiếp, cây khóm mới ra bông thì đã “chết ngộp”, người dân ứa nước mắt!

 

Mấy năm gần đây, xác định cây khóm là cây chủ lực của vùng này, Nhà nước đã có chính sách đầu tư thoả đáng: khoanh vùng đê bao ngăn lũ, quy hoạch vùng khóm nguyên liệu, cho nhân dân vay vốn, tìm kiếm đầu ra trên thị trường,… Cây khóm đã chuyển mình và bắt dầu làm duyên, làm dáng. Giá cả khóm trái có lúc vụt lên từ 800- 1.000đ/kg  lên 1.500- 1.700đ/kg, có khi lại tụt xuống 400- 500đ/kg, nhiều hộ đã vài phen hú vía! Anh Đặng Thành Nhân, ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Phước hiện có trên ba hecta khóm đang trong giai đoạn xử lí cho trái, thở dài:

 

- Khóm thì ngọt nhưng “khó nuốt”, bởi vì nó có “nhiều mắt, nhiều gai”!

 

Mới ồn ào 1.500- 1.700đ/kg báo chí đăng tải rần rần, nay đã nhanh chóng rớt xuống còn 800- 1.000đ/kg ( thời điểm giữa tháng 11/2003). Khi khóm được giá, thương lái vào tận chân ruộng để hỏi mua, đến khi rớt giá có năn nỉ họ cũng chẳng màng. Thật buồn cười!

 

Cây Khóm sâu đậm nghĩa tình:

 

Gắn kết với cuộc sống của người dân vùng phèn, cây khóm sâu đậm nghĩa tình. Chiều chiều trên con đê dài hun hút, bạn thử phóng tầm mắt về xa xa chân trời. Cánh đồng khóm như một tấm thảm hoa mát dịu, vài cánh cò như tô điểm hoàng hôn thêm mộng mơ. Một ngày lam lũ trên đồng khóm đầy gai góc, người dân nô nức kéo về, trên vẻ mặt hớn hở cười vui, hy vọng một mùa bội thu. Vào những ngày giáp Tết, cánh đồng khóm càng trở nên sôi động. Dưới sông xuồng ghe tấp nập, trên lộ xe cộ dập dìu chờ chở khóm đi muôn nơi. Người ta còn lập ra những trạm trung chuyển khóm ngay trên cánh đồng, lúc nào cũng nhộn nhịp.

 

Năm nay, khóm bông chưng Tết có vẻ ít hơn mọi năm. Vì khi khóm có giá, người ta tranh thủ con khóm để mở rộng diện tích. Đầu tư cho khóm bông lãi không cao, lại bị mất đi số lượng lớn khóm con. Tuy vậy, mỗi hộ vẫn chừa ra một diện tích nhất định nào đó, tăng cường bón phân, chăm sóc kĩ lưỡng để có khóm bông phục vụ Tết. Khóm bông vào vụ tại chỗ bán 1.800- 2.000đ/trái, khi theo thương lái về thành phố giá tăng vọt 5.000- 8.000đ/trái, thậm chí hơn. Trái khóm bông đẹp nhất khi xung quanh con mọc đều, tròn và khoẻ mạnh. Người ta mua về, tỉa tót gọn gàng, gắn lên mỗi nấc lá vài trái sơri hồng hồng chưng trên bàn thờ mấy ngày tết. Sơri đỏ, trái khóm vàng, lá khóm xanh, sắc màu chen nhau tuyệt đẹp.

 

Khóm chưng không phải là loại trái cây truyền thống trong mâm ngũ quả ngày Tết, nhưng với nét đẹp đặc trưng của nó, dần dần người ta có cảm tình. Gần đây, người ta đã bắt đầu chú ý tới cây khóm Phụng chưng Tết. Khóm Phụng hiện nay rất ít con giống, khó tiêu thụ trong những ngày thường nên giá còn khá đắt.Trái khóm Phụng có dáng y như đầu của con Phụng trong tranh, duyên dáng, uốn lượn tự nhiên với cặp mào trên đầu ngộ nghĩnh. Mới gặp lần đầu, bạn không khỏi ngỡ ngàng, thốt lên: tuyệt quá!

 

Nhà vườn Tân Phước ngày Tết không thể thiếu mứt khóm, kẹo khóm. Trên bàn tiệc cũng không thể thiếu đĩa khóm tươi, chén muối ớt để cho mấy chàng lai rai; hoặc sang hơn, người ta còn ướp nước đá vào khóm cho lạnh, cho giòn dùng làm món la- xét. Khóm đã thành món ăn có mặt thường xuyên trong thực đơn người dân Nam bộ, khóm nấu canh chua, khóm ăn với rau sống, khóm kho thịt… thật đậm đà hương vị!

 

Có dịp mời bạn vào thăm Tân Phước để thấy quê  hương tôi đang từng ngày “thay da, đổi thịt” và tận mắt chứng kiến những gì tôi “quảng cáo” trên đây…

 

Nhật Linh
Số lần đọc: 3733
Ngày đăng: 14.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cà Mau và hạt ngọc phù sa - Lê Tương Ứng
Chùa cổ Tiên Châu - Trần Thành Trung
Đặt trúm ở rừng U Minh - Phan Trung Nghĩa
Đọc “Diện mạo văn học dân gian Nam bộ” của Nguyễn Văn Hầu - Nguyễn Viết Chung
Người Chăm An Giang – bản sắc văn hóa độc đáo một vùng biên - Phương Kiều
Phú Quốc không xa - Anh Động
Tính thuần phác trong thơ đồng bằng sông Cửu Long - Kim Ba
Vẫy vùng đàn sáo Hậu Giang - Vũ Thống Nhất
Rộn ràng hoa trái miền Nam - Vi Ái Dân
Cà Mau, với cái nhìn 300 năm trước - Hồng Hạnh
Cùng một tác giả
Rau đắng - hồn quê (truyện ngắn)