Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.107
123.163.271
 
Chuyện về một buổi chợ mùa đông
Thái Bi

Gió mùa đông từng đợt thổi, đem hơi lạnh phủ kín cả phố phường. Những ô cửa sổ nhà cao tầng im ỉm đóng. Có lẽ họ sợ hơi lạnh tràn vào. Khách bộ hành co ro trong mỗi chiếc áo khoác bông dày cộm thế mà cái lạnh vẫn len lỏi tận trong lòng.

 

Chị Bê kéo sụp chiếc nón rộng vành, thu mình trong lớp áo bông dày cộm,  cố chống chọi với cái lạnh tê tái đang bao phủ cả phố phường. Chị bươn bả đi về phía chợ như muốn chạy trốn cái lạnh tựa hồ những lưỡi dao sắc nhọn đang cứa vào da thịt của mình.

 

Chị nhanh chóng hòa vào trong không gian nô nức mua sắm của mọi người. Giữa những xô bồ của nhiều tầng lớp người mua bán, buổi chợ cuối đông có vẻ ấm áp hơn, có lẽ do hơi ấm truyền từ nhiều người.

Hòa cùng dòng người ngược xuôi mua bán, chị Bê len lỏi vào những dang hàng tạp hóa, chọn những mặt hàng cần thiết cho mình.

Đang xăm xúi với những mặt hàng mới lạ chị chợt nghe nhiều giọng nói chào xáo quanh mình.

-    Tội thằng bé quá! chắc là nó không sống nổi.

-    Trời lạnh thế này, mà  không có một mảnh vải che thân, thế làm sao mà chịu nổi hả trời.

Bê ngước lên, phía cuối chợ là một bãi đất trống, ở đó không có những gian hàng. Một vòng tròn người nhốn nháo vây quanh. Chẳng hiểu ở đó có gì đang xảy ra .

 

“ Chuyện gì thế nhỉ ?” Hướng đến  vòng tròn phía bãi trống ấy, chị vội vã Len vào giữa đám đông.

. Một người phụ nữ chừng bốn mươi tuổi thân hình đen đúa, áo quần tơi tả. đang la lết giữa một vòng tròn người, trên khoảng đất trống nơi cuối chợ.  chị ta ngồi giữa vòng người dày đặc bởi những con mắt hiếu kỳ. Họ vây  quanh chị ta bởi thỏa mãn tính hiếu kỳ cũng có và bởi tấm lòng nhân ái cũng nhiều.

 

Cái mê nón rách trên tay chị ta ngửa ra lia qua lia lại, mong nhận được một chút ân huệ từ những tấm lòng đồng cảm cho hoàn cảnh nghèo khó của mình. Cái mê nón rách ấy không thua gì cái mê nón rách của chị Dậu ngày xưa. Tay kia chị ta dằn lên thân hình trần truồng của thằng bé độ chừng năm sáu tháng tuổi, thằng bé đang nằm rền rĩ dưới mặt đất.

 

Trời lạnh như muốn cắt da, thế mà thằng bé chẳng có một mảnh vải che thân. Tấm thân  gầy guộc của nó chỉ còn lớp da mỏng bọc  xương. Cái bụng ỏng ra, to phình như những đứa trẻ bị bệnh cam tích.Tay chân nó khô khốc, khoằn khoèo như bốn que củi khô cắm vào trái dưa hấu. Bụng thì to như cái trống cơm, nhưng  cái mông của nó  thì teo tóp nhăn nheo như trái bầu héo.

 

Mỗi lần người phụ nữ kia lật sấp nó lại, người ta có thể nhìn rõ từng chiếc xương sườn, xương sống  lồi lên trên lưng của nó. Da nó đen xạm, cái màu  nắng rám như những thằng bé thường chăn trâu ở ngoài đồng. Cái màu da nâu đen rám nắng ấy tiệp với màu đất mà nó đang nằm, nên lúc mới bước vào chị Bê chỉ nhìn thấy người phụ nữ khốn khổ, chứ chẳng nhìn thấy thằng bé ở đâu. Nếu không nhờ tiếng khóc “ khè khè, khẹt khẹt” của nó ắt  cũng chẳng ai nhìn thấy thân hình bé tí tẻo teo của thằng bé đang nằm dưới nền đất lạnh lẽo kia. Chẳng hiểu do khóc quá nhiều hay vì viêm họng mà giọng nó khàn đi chẳng kêu thành tiếng.

 

Lúc này, hẳn ai trông thằng bé cũng phải chạnh lòng. Dường như người phụ nữ cố tình tạo cho hình ảnh thằng bé càng thương tâm hơn, để được hưởng càng nhiều sự ban phát của những tấm lòng nhân ái. Tay phải chị ta cứ rê cái mê nón rách từ trái sang phải, tay còn lại chị ta  liên tục đẩy thằng bé hết nằm ngửa lại đến nằm nghiêng. Hẳn chị ta nghĩ, làm như thế để mọi người được trông sự gầy còm của thằng bé  cho rõ hơn. Chị ta vừa đẩy vừa rê vừa trỗ giọng  rền rền  bi đát

- Nhờ bà con thương xót, mẹ con tui cơ cực ! Cháu nó ốm đau bịnh tật chẳng có lấy một đồng thuốc than, nhờ bà con giúp đỡ cho cháu chút tiền để được đi chữa bịnh.

 

Trông thằng bé lúc này như con bọ dừa đang nằm ngửa chỏng kềnh, tay chân khòng khoèo quờ quạng yếu ớt. Cứ cái đà này có lẽ nó chẳng sống nổi qua hết mùa đông.

 

Mọi người chen nhau dồn những đồng tiền giấy, tiền kên vào cái mê nón rách của người phụ nữ, mong góp chút công lao đỡ đần cho thằng bé. Có người khá giả cũng chẳng tiếc tiền to. Mê nón rách cứ thế đầy lớp tiền này đến lớp tiền khác, và cứ thế chị ta hăng hái gom tiền vào một cái túi vải  ba gang, say sưa với việc kiếm tiền từ những tấm lòng nhân hậu.

 

Một người phụ nữ có lẽ là thương gia, Bà ấy đưa cho chị ta tờ giấy bạc một trăm ngàn đồng và bảo:

- Chị cầm tiền này vào hàng quần áo mà mua cho cháu một cái áo ấm, trời lạnh thế này mà không một mảnh vải che thân như thế  chắc nó sưng phổi chết mất.

- Dạ, dạ! Chị ta cám ơn rối rít.

Thế mới biết trên đời này không thiếu những tấm lòng hảo tâm. Trong số những người ở đây, chắc chắn có nhiều người giúp đỡ xong lại cảm thấy nhẹ lòng khi mình đã làm được một việc thiện, và rất hoan hỷ với công việc của mình.

 

Không chỉ một vài người mà hầu hết những người vào xem, họ sẵn lòng thảy những đồng tiền vào nón của chị ăn xin rồi đi lo công việc của mình.

 

Ánh tà dương chỉ còn le lói ở phía trời Tây. Vòng tròn người cũng dãn dần để lo toan công việc ngày thường của họ.  Người phụ nữ kia cũng đã gom được một số tiền hậu hĩnh. Mặc dù vậy chị ta vẫn cố nán để kiếm thêm những tờ giấy bạc chẳng phải nhọc nhằn gì mà vẫn dễ dàng có được.

Nhưng, bỗng từ đâu trên trời rơi xuống một người phụ nữ, thân hình rắn chắc, to khỏe , người phụ nữ mạnh khỏe ấy hùng hỗ xông vào. Thoạt nhìn chị ta có vẻ hung dữ, bỗ bã theo kiểu chợ búa, bụi đời. Nhưng khi nhìn kỹ hai gò má trên khuôn mặt chị ta đầy đặn, bầu bĩnh, phụng phịu như hai má của trẻ con. Nhất là đôi mắt, đôi mắt hiền từ, mang một nét gì đó của người đàn bà đôn hậu. Trái ngược với khuôn mặt xương xẩu, hai con mắt trũng sâu như hai cái hố mộ dời người chết của người đàn bà ăn xin kia.

- Các ông các bà không được cho ả ta tiền!

Mọi người ngơ ngác chẳng hiểu lý do gì, chị ta lập lại:

- Không được cho con mẹ này tiền!

 

Có người phản đối:

- Người ta gặp lúc hoạn nạn sao lại không cho? Chị này nói lạ nhỉ !

- Được, mấy người đứng đó coi tui xử nó đây. Này chị kia! Thằng bé này có phải con của chị không?

Da mặt người đàn bà khốn khổ kia từ màu đen giờ chuyển sang màu xanh tím tái, nhợt nhạc, chị ta lắp bắp chẳng biết vì lạnh hay vì sự hung hãn của người phụ nữ dữ dằn này. Thế nhưng chị ta vẫn tỏ rõ sự từng trải của một người phụ nữ dạn dày sương gió.

- Chị rày hay hở, khôn phải con tui thì còn con ai !

Ai đó cất tiếng can ngăn

- Thôi mà, người ta nghèo khó mới phải chịu cảnh này, chứ có ai muốn.

Một người phụ nữ có lẽ muốn chứng tỏ mình là người nhân hậu, đã mở lời đỡ cho chị ta. Thấy có người đồng tình đứng về phía mình người phụ nữ ăn xin được nước tru tréo, khóc lóc thống thiết.

- Đó, bà con thấy chưa. Tui nghèo khổ mằn ri, chị ta khôn giúp đỡ thì thôi, răn lại ác nghiệt thế kia chứ! Hu, hu…

- Khóc hả? Mày giở thói lưu manh với ai chứ mày không qua mắt được bà đâu nhé!

Chị ta xăn tay áo định xông vào. Hai ba người phụ nữ cầm tay chị ta kéo xềnh xệch ra khỏi vòng tròn. Một chị mở lời can ngăn.

- Thôi, kệ người ta đi, họ nghèo khổ cho họ kiếm chút cháo,

Người phụ nữ dằn đôi tay to khỏe ra khỏi những người ngăn cản. Kiên quyết không bỏ qua, chị vung tay nói dõng dạc:

- Tôi hỏi mọi người, nếu làm mẹ, nếu các người có một đứa con da bọc xương như thế kia, các người có nở để con mình đói rét, không một mảnh vải che thân dưới trời mùa

đông giá rét thế này không? Hử! Tấm lòng làm mẹ của các người để ở đâu? Tại sao các người không nhận ra chứ! Có bà mẹ nào đối xử với con mình như thế không?

 

Người phụ nữ ăn xin khốn khổ khóc ầm lên.

- Trời ơi, là trời! Tui nghèo cực khổ mới phải đi la lết giữa chợ búa di ri, chớ giàu có di bà ai đi ăn xin chi cho nhục nì trời!

- Được, mày bảo mày là mẹ cháu bé vậy giấy khai sinh của cháu, giấy chứng minh của mày đâu, mày trình ra đây cho mọi người xem đi.

 

Lúc này dường như ý thức về lương tâm của người mẹ đang dần thức tỉnh mọi người, họ chần chừ, họ lưỡng lự khi phải đứng giữa hai sự lựa chọn. Cũng khó mà đòi hỏi người ta phân biệt cho rạch ròi giữa chính và tà, giữa thiện và ác trong cái thế giới lẫn lộn ma quỷ với người này. Chỉ còn dựa vào quy luật ai mạnh thì người đó thắng, người phụ nữ bản lĩnh thừa thế xông lên. Chị ta bồi thêm mấy đòn cuối cùng để giành phần thắng.

- Giấy tờ đâu, không có giấy tờ thì mời lên đồn công an.

Lại một người phụ nữ nữa cũng từ đâu xông đến.

- Đúng, con mẹ đó là mẹ mìn chuyên bắt cóc trẻ con đó. Bắt nó lên đồn công an đi.

Nghe đến hai từ công an, người phụ nữ ăn xin như đạp phải lửa, chị ta cuống cuồng quơ vội bọc tiền ba chân bốn cẳng chạy. Quên mất mình đang là mẹ của thằng bé khốn khổ khốn nạn kia. Mọi người ùa theo truy hô, rượt đuổi. Chị ta vội thoát thân,  bỏ mặc  thằng bé trần truồng đang chịu sự lạnh giá giữa nền đất đầy bụi bẩn.

 

Chị Bê quay lại, thấy thằng bé nằm im, chẳng hiểu lý do gì mà nó không rền rĩ nữa. Chị vội ẵm nó lên. Toàn thân nó lạnh ngắt. Sờ tay lên mũi, thằng bé đã tắt thở tự bao giờ. Chị cởi chiếc áo khoác bông của mình trùm kín hình hài bé nhỏ. Đã quá muộn màn. Bồng thằng bé trên tay mà đôi mắt chị đầy ngấn lệ, xót thương cho một kiếp người./.

 

Thái Bi
Số lần đọc: 1775
Ngày đăng: 17.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất Trích - Trần hữu Lục
Tinh thần thể dục - Huỳnh Văn Úc
Những Kẻ Căm Lặng - Nguyễn Lệ Uyên
Diệu Kế - Kinh Dương Vương
Mây hoàng hôn - Mang Viên Long
Những con cá khô - Trần Lệ Thường
Khẩu Trang - Vũ Lập Nhật
Chiều Mưa - Minh Hương
Công Tằng Tôn Nữ Ngọc Trân - Kinh Dương Vương
Lời từ nơi hư ảo - Vinh Anh
Cùng một tác giả
Quỷ Trần Gian (truyện dài)
Oan Nghiệt (truyện ngắn)