(Trao đổi với Nguyễn Hiếu - tác giả bài viết Lý luận về tiểu thuyết đi quá chậm so với sáng tác trên trang Văn chương Việt và Thử bàn về lý luận tiểu thuyết hiện nay, báo QĐND cuối tuần, 7.11.2010) .
Chúng tôi vừa được đọc bài Lý luận về tiểu thuyết đi quá chậm so với sáng tác của tác giả Nguyễn Hiếu, đăng trên website Văn chương Việt ngày 22 - 10 - 2010. Vẫn là bài viết ấy, Nguyễn Hiếu lại cho đăng trên báo Quân đội nhân dân cuối tuần số ngày 7 - 11 - 2010 bằng việc “chạy” một tít khác: Thử bàn về lý luận tiểu thuyết hiện nay. Hai tít bài khác nhau, nhưng giống nhau ở một điểm là cách đặt vấn đề hết sức to tát và cũng rất có khả năng khiến những người quan tâm đến lĩnh vực lý luận, phê bình và sáng tác văn học chú ý.
Chủ đề bài viết của tác giả được thể hiện rõ trong cả hai tên bài. Trong bài viết này, Nguyễn Hiếu bàn về bài Nhà văn và tiểu thuyết của nhà văn Bùi Bình Thi trên báo Văn nghệ và bài Một cơ sở cho lý luận về tiểu thuyết của Việt Nam của chúng tôi cũng trên báo Văn nghệ, số gộp 35 - 36, tháng 9 năm 2010. Phần cuối của bài viết, tác giả nói về chuyên luận Văn học Mỹ - Nghệ thuật viết văn và kĩ xảo của Giáo sư Huy Liên. Điều đáng chú ý nhất là Nguyễn Hiếu dành phần lớn dung lượng bài viết của mình phân tích bài viết của chúng tôi, để rồi cuối cùng đi đến đánh giá chung là “nhắc lại thụ động kiến thức của thiên hạ để đẻ ra những “tác phẩm” chỉ có tác động là làm lãng phí những trang báo và làm mất thời gian của người đọc và thêm một lần trở thành một dẫn chứng cho sự quá chậm trễ của lý luận trước thực tế xôi động của thực tế xã hội cũng như văn học”.
Những đánh giá đó của Nguyễn Hiếu có đúng không? Chúng tôi xin được trao đổi lại rằng...
1. Thứ nhất, về thể thức của bài viết Một cơ sở cho lý luận về tiểu thuyết của Việt Nam. Bài viết của chúng tôi thuộc loại đọc sách. Cụ thể là việc đọc lại một công trình lý luận - phê bình tiểu thuyết tiêu biểu của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ - chuyên luận hai tập “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại” (tập I - 1974, tập II - 1975, NXB Đại học và THCN, Hà Nội). Chắc hẳn tác giả Nguyễn Hiếu đã biết nội dung thông thường của một bài đọc sách là bao gồm hai phần: một là tổng quan nội dung cơ bản của cuốn sách; hai là nêu những nhận xét, đánh giá của chủ quan người viết bài đọc sách về đóng góp hay hạn chế của cuốn sách. Bài viết của chúng tôi không nằm ngoài cấu trúc ấy.
Tổng quan nội dung cơ bản của Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những đóng góp về phê bình, nghiên cứu những hiện tượng, tác giả, tác phẩm tiểu thuyết cụ thể, công trình này có một giá trị nổi bật về phương diện xây dựng lý luận thể loại tiểu thuyết. Giá trị về lý luận thể loại của công trình đó là gì đã được chúng tôi tóm tắt trong những luận điểm cơ bản về đặc trưng thể loại, về nhân vật, về cốt truyện, về kết cấu, về ngôn ngữ tiểu thuyết.
Trong khi tóm tắt lại các luận điểm đó, chúng tôi có dừng lại và tô đậm những vấn đề thể hiện khả năng nhạy bén về mặt khoa học của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ. Đó là luận điểm về tính đa thanh của tiểu thuyết; luận điểm về sự pha trộn, chuyển hoá lẫn nhau của nhiều màu sắc thẩm mỹ: cái cao cả và thấp hèn, chất thơ và chất văn xuôi... trong tiểu thuyết; luận điểm về ngôn ngữ song thanh và đa thanh của tiểu thuyết. Đây là những luận điểm mà nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đã tiếp thu được từ những thành tựu lý luận tiểu thuyết tiên tiến trên thế giới.
Như chúng ta đều biết, những năm GS Phan Cự Đệ cho ra mắt chuyên luận này, thực tế sáng tác và lý luận tiểu thuyết ở Việt Nam (dòng chính thống) vẫn đi theo một khuôn hình duy nhất. Tiểu thuyết được hiểu là thể loại tự sự dài hơi, có khả năng phản ánh - tái hiện những bức tranh hiện thực lớn, xây dựng được những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, thể hiện được đời sống xã hội trong chiều hướng phát triển... Con người đời tư, đời thường, ý thức cá nhân... là những điều cấm kị. Tư tưởng nghệ thuật trong tiểu thuyết phải minh bạch, đơn thanh. Con người trong tiểu thuyết thường được thể hiện như là những siêu nhân. Và ngôn ngữ tiểu thuyết cũng không thể hàm chứa nhiều giọng điệu mang tính đối thoại.
Là một nhà nghiên cứu nắm rất chắc thực tiễn mang tính “quy phạm” đó, nhưng với một bản lĩnh khoa học, Phan Cự Đệ đã mạnh dạn nêu lên trong chuyên luận của mình những vấn đề thể loại hoàn toàn mới mẻ, có khả năng thay đổi diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam. Đó chính là lí do chúng tôi cho rằng nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ là người có tư tưởng đổi mới về khoa học rất sớm.
Như thế, những thao tác của chúng tôi trong bài viết này vô cùng minh bạch. Mục đích của chúng tôi rất rõ ràng và vô cùng trong sáng, được thể hiện ngay từ phần mở đầu của bài viết là sự tri ân một nhà khoa học với những đóng góp cho việc xây dựng lý luận thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam. Bên cạnh đó, bằng việc nêu lại những đóng góp ấy, bạn đọc rộng rãi có tư liệu tham khảo về đặc điểm thể loại tiểu thuyết, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động tiếp nhận tiểu thuyết trong đời sống văn học. Vậy thì xuất phát từ sự nhập nhèm nào mà Nguyễn Hiếu lại vội vã cho rằng công việc của chúng tôi là “xào xáo tác phẩm của người khác” để tạo ra tác phẩm của mình? Theo chúng tôi, tác giả Nguyễn Hiếu nên xem lại khả năng “đọc” của mình.
2. Nguyễn Hiếu cho rằng, chuyên luận Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của GS. Phan Cự Đệ là một công trình đã hoàn toàn lạc hậu. Những luận điểm về thể loại tiểu thuyết được nêu trong hai tập chuyên luận đó chỉ là “những lập luận sơ khai”, “những điều cũ kĩ”. Chuyên luận này cũng chỉ là “một thứ giáo trình không hoàn chỉnh, sơ sài”, mang nặng tính giáo khoa để giảng dạy, lại ra đời những 35 năm rồi. Vì những lí do đó, nó không đáng để đọc lại.
Nguyên văn một số đoạn nhận định về chúng tôi và công trình của GS. Phan Cự Đệ, tác giả Nguyễn Hiếu viết:
“Còn bài viết có đầu đề rất to “Một cơ sở cho lý luận về tiểu thuyết Việt nam” của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng thì lại gây ra sự thất vọng về sự nói lại những điều đã quá cũ, một thứ giáo trình không hoàn chỉnh, sơ sài (NVT nhấn mạnh) vì không tiệm cận được thực tế về nền tiểu thuyết Việt nam đang biến động”
“Như trên tôi đã nói cho đến bây giờ khi nhân loại đã bước gần qua thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 mà tiến sĩ Tùng vẫn bưng nguyên xi lý luận của Giáo sư Phan cự Đệ viết từ những năm đầu của thập kỉ 70 của thế kỉ 20, về một nền tiểu thuyết trong giai đoạn 1945-1975. Những lập luận sơ khai (NVT nhấn mạnh) như tiểu thuyết gắn liền với sử thi, ngôn ngữ đa thanh, song thanh của tiểu thuyết, cốt truyện và tính cách nhân vật, độc thoại nội tâm và phép biện chứng pháp tâm hồn được minh chứng qua tiểu thuyết của Tônstôi… vẫn được tiến sĩ Tùng tán tụng như những phát hiện mới”.
“Chuyên luận của thầy Đệ tôi là một giáo trình nên nó mang nặng chất giáo khoa để giảng dậy (...) Chuyên luận của thầy Đệ có thể phù hợp với giai đoạn đó khi ông nhấn mạnh đến sự quyết định của thể loại đối với sự hình thành phong cách tác giả. Đáng tiếc đến giai đoạn này mà TS Tùng vẫn tán dương về những điều cũ kĩ” (NVT nhấn mạnh).
Phát ngôn như thế, Nguyễn Hiếu có bốn điều sai.
Điều sai thứ nhất, đó là đứng trước những tri thức khoa học, Nguyễn Hiếu đã nhận thức một cách rất chủ quan, nóng vội, mang nặng tư tưởng định kiến. Không thể không thừa nhận, trong số những luận điểm về đặc trưng thể loại tiểu thuyết mà nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ nêu trong công trình của mình, có những luận điểm cho đến ngày nay vẫn mang tính thời sự đối với nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam. Cụ thể, đó là vấn đề tiểu thuyết đa thanh là gì? Sự chuyển hoá, pha trộn của nhiều màu sắc thẩm mĩ trong tiểu thuyết là gì? Ngôn ngữ song thanh, ngôn ngữ đa thanh là gì? Đây là những đặc điểm thể loại mà nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đã tiếp thu được từ những thành tựu nghiên cứu tiên tiến về tiểu thuyết trên thế giới khi đó chứ không phải được rút ra từ thành tựu sáng tác tiểu thuyết của Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 như Nguyễn Hiếu nhầm tưởng.
Tiểu thuyết đa thanh là một phát hiện của M. Bakhtin - người được đánh giá là một trong những nhà nghiên cứu văn học lớn nhất thế kỉ XX - khi nghiên cứu thi pháp tiểu thuyết Dostoievski. Có thể nói, đó là một đỉnh cao về nghệ thuật tiểu thuyết thế giới mà những nhà tiểu thuyết sau Dostoievski vẫn chưa vượt qua được. Tiểu thuyết đa thanh là một hình thức tối ưu cho sự thể hiện tinh thần đối thoại, dân chủ, tự do của tiểu thuyết. Bằng tiểu thuyết đa thanh, những nhà tiểu thuyết có thể nói lên những tư tưởng nhân sinh một cách sâu sắc nhất. Đối với tiểu thuyết đương đại Việt Nam, thì đó cũng vẫn là một mục đích mà nhiều người cầm bút đang theo đuổi.
Chúng ta đều biết, nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam mới có một tuổi đời non trẻ. Chính thức xuất hiện từ cuối thế kỉ XIX, nhưng phải đến giai đoạn văn học 1930 – 1945 mới có những thành tựu đáng kể. Dù sao cũng phải thừa nhận một thực tế, tiểu thuyết hiện đại Việt Nam muốn hay không vẫn đi lại lộ trình của tiểu thuyết châu Âu. Nếu như tiểu thuyết lãng mạn và tiểu thuyết hiện thực phê phán đã thịnh hành ở phương Tây, đặc biệt là ở Pháp từ cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, thì ở Việt Nam mãi đến giữa thế kỉ XX chúng ta mới có. Khoảng cách phát triển đó, như thế khoảng 100 năm. Tất nhiên, càng về sau này, khoảng cách ấy càng được rút ngắn hơn. Một số loại tiểu thuyết đang được các nhà văn Việt Nam thể nghiệm hiện nay, như tiểu thuyết độc thoại nội tâm, tiểu thuyết miêu tả “dòng ý thức”, tiểu thuyết kì ảo, tiểu thuyết hậu hiện đại... thì đều là những loại tiểu thuyết đã hình thành, phát triển và có thành tựu nở rộ trên thế giới, chủ yếu là ở phương Tây từ những năm đầu và giữa thế kỉ XX.
Nếu là một người am hiểu lí luận thể loại, Nguyễn Hiếu sẽ hiểu được ý nghĩa thời sự của vấn đề tiểu thuyết đa thanh, ngôn ngữ đa thanh, sự chuyển hoá, pha trộn nhiều cảm xúc thẩm mĩ đối với công cuộc cách tân nghệ thuật tiểu thuyết hiện nay của các nhà tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Vì thế, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, khi một người viết tiểu thuyết như Nguyễn Hiếu, lại từng là tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp mà có thể cho rằng những luận điểm về thể loại tiểu thuyết như vừa nêu là “sơ khai” “cũ kĩ”! Vậy xin được hỏi, “nhà tiểu thuyết” Nguyễn Hiếu đang dùng thứ lí luận tiểu thuyết “tối tân” gì cho công việc sáng tác tiểu thuyết của mình vậy? Những cuốn tiểu thuyết của anh như Dòng sông mầu máu; Bụi đường; Người đàn bà quỉ ám; Biển toàn là nước... đã được nhà phê bình nào đánh giá là tiểu thuyết đa thanh, thể hiện được thế giới nội tâm của con người theo phép biện chứng tâm hồn hoặc có ngôn ngữ đa thanh chưa?
Điều sai thứ hai, anh cho rằng chuyên luận của GS Phan Cự Đệ cũng chỉ là một giáo trình nặng về tính chất giáo khoa dùng để giảng dạy, không đáng để bàn bạc. Chúng ta đều biết, đứng về lí thuyết, giáo trình đại học bao giờ cũng phải là những công trình khoa học cập nhật được những thành tựu mới mẻ, hiện đại nhất của khoa học. Những người được biên soạn giáo trình cho sinh viên đại học phải là những nhà khoa học đầu ngành hoặc phải có uy tín khoa học. Đối lập khoa học với giáo trình đại học, Nguyễn Hiếu đã tự phủ định những năm tháng là sinh viên đại học Tổng hợp, hơn thế lại là học trò của “thầy Đệ” như anh kể trong bài viết.
Thật là bi hài ở chỗ, người đáng lí có điều kiện gần gũi, có thời gian chiêm nghiệm để hiểu tư tưởng của thầy mình nhất lại hoàn toàn không hiểu. Còn chúng tôi là người thuộc thế hệ “hậu sinh” của anh Hiếu. Chúng tôi không được học thầy Đệ. Nhưng với những điều cập nhật được từ các công trình bàn về tiểu thuyết mới nhất của các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài, đặc biệt là thực tiễn trước mắt của sáng tác tiểu thuyết ở nước ta, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề của thể loại tiểu thuyết trong công trình nêu trên vẫn rất có ý nghĩa với sáng tác và tiếp nhận tiểu thuyết ở Việt Nam hiện nay.
Điều sai thứ ba, Nguyễn Hiếu cho rằng đây là “một thứ giáo trình chưa hoàn chỉnh, sơ sài”. Điều này thì chúng tôi xin không bàn nhiều, chỉ cần anh mở từ điển tra lại ý nghĩa các khái niệm giáo trình, chuyên luận cũng như đọc lại hệ thống vấn đề trong hai tập sách đó anh sẽ dễ dàng nhận ra cái sai của mình.
Điều sai thứ tư, anh cho rằng chuyên luận Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại ra đời đã 35 năm thì không đáng bàn lại, để làm tốn thời gian đọc của anh, tốn giấy mực in báo,... Theo anh, như thế bất luận là sách do ai viết, cứ có thời gian ra đời càng lâu thì càng mất giá trị. Thưa anh, điều này đương nhiên là đúng đối với những nhà văn, nhà khoa học bất tài. Ngược lại, nếu những cuốn sách đó là những công trình khoa học hoặc nghệ thuật đích thực, thì mãi mãi được những thế hệ sau ghi nhận. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sáng chế, cho dù ngày nay thế giới đã có những chiếc tàu cao tốc chở khách siêu hạng chạy trên đệm từ với tốc độ 400-500 km/h, nhưng người ta luôn biết trân trọng người đã phát minh ra động cơ máy hơi nước đầu tiên. Trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, dù ngày nay chúng ta có rất nhiều lí thuyết văn học, từ thi pháp học, phân tâm học, chủ nghĩa cấu trúc, giải cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại,... nhưng người ta không bao giờ quên ở thời cổ đại có những người đã đặt những viên gạch đầu tiên như Aristot với Thi pháp học. Huống chi, chuyên luận về tiểu thuyết của GS Phan Cự Đệ ra đời cách đây 35 năm, lại đề cập đến những vấn đề cho đến ngày nay vẫn mang ý nghĩa thời sự đối với thực tiễn sáng tác tiểu thuyết ở Việt Nam!
Và chính với ý nghĩa đó, chúng tôi đã thông qua việc tóm tắt và nhấn mạnh giá trị của một số luận điểm trong công trình Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại để thấy rằng chuyên luận ấy là một cơ sở cho lý luận về tiểu thuyết của Việt Nam. Một cách đặt vấn đề hoàn toàn nghiêm túc, dễ hiểu, trong sáng chứ không hề to tát như Nguyễn Hiếu đã cảm nhận. Thiết nghĩ, đọc lại một công trình khoa học có giá trị để tri ân những đóng góp khoa học của một nhà nghiên cứu cũng như để thấy được vai trò, vị trí của công trình khoa học ấy trong đời sống hiện tại là một việc làm cần thiết.
*
Về bài viết của Nguyễn Hiếu còn rất nhiều điều đáng bàn về mối quan hệ giữa nhà văn với việc nhận thức thực tiễn sáng tác và ứng dụng lí luận nhằm nâng cao giá trị nghệ thuật tác phẩm, tuy nhiên chúng tôi xin dừng ở đây. Chỉ mong sao, một nhà văn như Nguyễn Hiếu phải là người cần gương mẫu trong việc thực hiện đạo lí tôn sư trọng đạo và thể hiện “văn hoá đọc” một cách đúng nghĩa nhất./.