Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.220
123.153.036
 
Cấu Trúc Hình Tượng Không Gian Trong Tiểu Thuyết Sông Côn Mùa Lũ Của Nguyễn Mộng Giác
Nguyễn Thị Kim Oanh

Bộ tiểu thuyết trường thiên lịch sử Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác được viết năm 1978 - 1981, Nhà xuất bản An Tiêm (Mĩ) phát hành năm 1991. Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử gây nhiều sự chú ý của công luận, trước hết bởi nó có một số phận đặc biệt gắn với số phận của tác giả. Mặt khác, giữa những khuynh hướng viết tiểu thuyết lịch sử trái cực gây bàn cãi không dứt thì sự xuất hiện của Sông Côn mùa lũ như là một sự trung hoà giữa những lối viết. Nó đem đến cho người đọc một cảm giác vừa lạ vừa quen - lạ không đến nỗi gây sốc và quen nhưng không nhàm chán.

 

Cuốn sách viết về phong trào Tây Sơn từ lúc khởi đầu đến khi vua Quang Trung băng hà, đấy là thời kỳ ngắn ngủi và bi tráng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Viết Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác không bị những cái lớn lấn át như chiều kích của những trận đánh lịch sử, những nhân vật anh hùng, mà ông hướng về nhân sinh, nhân thế bằng sự hiện diện sống động của các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử. Như vậy, Sông Côn mùa lũ là một cuốn tiểu thuyết mang “một quan niệm mới cả về tiểu thuyết và cả về lịch sử” (Mai Quốc Liên).

 

Bên cạnh những thành công về xây dựng hình tượng nhân vật, có thể nói, không gian cũng là một hình tượng nghệ thuật đặc sắc đem lại thành công lớn cho cuốn tiểu thuyết lịch sử này. Trong Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác xây dựng một không gian không đơn giản là tái hiện lại một bối cảnh lịch sử ở nước ta mà không gian đó còn có ý nghĩa “phải đặt chúng ta vào để hình dung nhân vật của chúng ta. Cái khung cảnh đó chỉ đơn giản là một trong những hoàn cảnh quyết định kinh nghiệm của nhân vật chính, sự giải thích của anh ta về cuộc đời” [3, tr. 165], tức là không gian đó không còn mang tính khách quan nữa mà mang tính chủ quan của nhà văn. Do đó, cấu trúc hình tượng không gian trong Sông Côn mùa lũ là một hình tượng nghệ thuật chứa đựng nhiều ý nghĩa.

 

 

 

 

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Mộng Giác với bản thảo Sông Côn mùa lũ

www.talawas.org

 

Hình tượng không gian trong tác phẩm văn học là một cấu trúc nằm trong cấu trúc bề sâu của tác phẩm. Đó là một cấu trúc phức tạp bao gồm nhiều tầng lớp, hình thành theo từng cặp đối lập nhằm thể hiện một mô hình về thế giới hiện thực, mặt khác, nó còn thể hiện một tư duy đặc biệt của nhà văn về thế giới hiện thực đó.

 

Không gian trong tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ cấu trúc theo từng cặp đối lập: không gian lịch sửkhông gian đời thường, không gian bên trênkhông gian bên dưới, không gian bên ngoàikhông gian bên trong, không gian mởkhông gian khép… Các cặp không gian đối lập ấy biểu hiện một quan niệm riêng về thế giới của nhà văn Nguyễn Mộng Giác.

 

Không gian lịch sử là không gian gắn với các sự kiện lịch sử, với các nhân vật lịch sử, nó là không gian của đời sống chính trị - xã hội. Không gian này bao trùm cả một thời kỳ lịch sử của dân tộc (năm 1765 - 1792), gắn với sự sinh thành và huy hoàng của một triều đại, một gia đình, một gốc gác Quy Nhơn. Nhưng không gian của Sông Côn mùa lũ muốn làm sống lại lịch sử với chủ ý, chủ quan hơn những tiểu thuyết lịch sử trước đó bởi nhà văn đã biến không gian này thành một “mùa lũ”, một “trận bão”. Con người ở đây cũng không phải là những con người “đã sống” mà là những con người “đang sống” (Milan Kundera ), đang chịu đựng và vượt qua một mùa bão lũ điên cuồng. Mùa bão lũ đang đến, một không gian Quy Nhơn đang nổi sóng: “từ trạm dưới chân đèo An Khê, nghĩa quân ùa xuống đồng bằng theo hai cánh (…), họ tiến nhanh quá, đến nỗi bọn hào lí vừa choàng thức dậy đã thấy nghĩa quân kéo đến đông chật cả sân trước...” [2, tr. 282]. Một không gian Gia Định ngập ngụa trong bùn lầy với “từng đống xác bê bết máu, mặt mũi biến dạng vì lấm bùn hoặc sững lại ở những nét đau đớn kinh hãi tột độ”. Một không gian Phú Xuân đang bồng bềnh, “đường phố lúc nào cũng toả bụi mù mịt. Gần như mọi người đều lên cơn say. Không thể ngồi yên ở nhà, họ chạy ra đường, đi lên đi xuống... Mạch máu đập mạnh hơn, trí não căng thẳng, chân tay bứt rứt" [2, tr. 932]. Và một không gian Thăng Long đang ngả nghiêng chao đảo: “cảnh hối hả tấp nập, chen chúc rộn rã gần như mất hết trật tự, cảnh ba quân tuôn chảy như nước lũ dưới bóng cờ đào phất phới, cảnh voi ngựa gươm giáo, đêm trừ tịch, nghe tiếng quân reo tở mở vang động khắp vách núi, …”[2, tr. 1371]. Tâm bão và rốn lũ ấy bắt nguồn từ Quy Nhơn rồi sau đó lan tràn ra cả một nước, hoành hành cả một cõi.

 

 

 

Trong Sông Côn mùa lũ, nhà văn Nguyễn Mộng Giác quan tâm đến không gian đời thường hơn là không gian lịch sử. Không gian đời thường là không gian gắn với đời sống sinh hoạt thường nhật. Bên cạnh không gian lịch sử gắn với những trận đánh, những cuộc hội kiến lịch sử thì không gian đời thường mở ra những cảnh đời, những vùng đất, những vùng văn hoá sinh động và đa dạng. Cho nên bên dòng chính của lịch sử, có lúc câu chuyện dừng lại ở cảnh sống trong một ngôi chùa với chuyện cây cảnh, nhân tình thế thái; có lúc là cảnh dân thường tò mò đi xem và luận anh hùng, cảnh đôi vợ chồng già lâu ngày gặp nhau, cảnh đôi vợ chồng trẻ chia tay nhau, cảnh một bến tắm ngựa, một bến đò chở cả trí thức lẫn con buôn, đàn ông và đàn bà, cảnh sinh hoạt của một gia đình nhà nho trí thức. Ngay cả trong không gian lịch sử - không gian cung đình, nhà văn lồng vào không gian sinh hoạt đời thường của một ông vua với viên thư ký, với người vợ, với người tình cũ; cảnh hoàng hậu và người yêu cũ của nhà vua gặp mặt nhau - những người đàn bà với câu chuyện rất đàn bà… Chính không gian đời thường đã mang đến cho chúng ta “nhiều tài liệu phong phú về vùng đất phía Nam cuối thế kỷ XVIII [1, tr. 232].

 

Cặp không gian lịch sử và không gian đời thường đan kết vào nhau cho ta một bức tranh toàn cảnh về đời sống con người Việt nửa cuối thế kỷ XVIII, giữa một thời điểm lịch sử biến động dữ dội, giữa các cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu, cuộc sống vẫn hiện ra quen thuộc, giản dị với những nỗi vui buồn muôn thuở của kiếp người, của nhân tình thế thái.

 

Cấu trúc không gian trong Sông Côn mùa lũ còn được tạo lập ở hai mảng không gian bên trên và không gian bên dưới. Không gian bên trên gắn với “tầng trên” bao gồm các nhân vật chèo lái lịch sử, quyền lực, cung đình, bão và lũ. Không gian bên dưới gắn với các nhân vật là nạn nhân của lịch sử, với đời thường.

 

Cặp không gian này đối lập với nhau về trạng thái, về tính chất. Ở trong tác phẩm, người đọc được nhìn thấy một không gian bên trên, ở cung vua phủ chúa trang nghiêm, phép tắc, xa hoa, tráng lệ, “cây cối um tùm, các giống chim quý đua nhau hót, vườn hoa nở rộ đưa hương thoang thoảng. Hành lang, lan can quanh co nối tiếp nhau. Những người lính giữ cửa, lính nội hầu đi lại như mắc cửi. Ngoài cửa cung, vệ sĩ canh gác cẩn mật". “Mọi đồ nghi trượng đều sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi... đủ kiểu lạ mắt” [2, tr. 1001]. Ngược lại ở không gian bên trên, người đọc lại thấy được một không gian khác ở bên dưới, cũng ở Thăng Long, “phố xá buồn thiu, xơ xác (…) những xác chết vô thừa nhận nằm lây lất khắp nơi, máu loang thành vũng kéo đến hằng hà sa số ruồi nhặng. Những con chó hoang đến kề mõm ngửi vào xác chết, do dự gần như bần thần, chán ngán [2, tr. 978].

 

Ở Phú Xuân, làm nền cho không gian bên trên là đạo quân Tây Sơn “rầm rập tiến vào thành mỗi lúc một đông, gươm giáo, gậy gộc, xe cộ, voi pháo chen chúc nhau” [2, tr. 925], làm nền cho không gian bên dưới là “những vũng máu loang lổ, rây rắc đây đó trên mặt cỏ”, “quạ đen tranh nhau chổ đậu thuận tiện để bổ nhào xuống những xác chết nằm la liệt đây đó” [2, tr. 925].

 

Trong Sông Côn mùa lũ, người đọc được chứng kiến hai đám tang của hai ông vua và nhiều đám tang của dân thường. Đám tang của vua Lê Hiển Tôn và vua Quang Trung thuộc không gian bên trên, nghiêm trang và kính cẩn. Ngay cả khi nhà Lê mạt vận người ta cũng không cho phép thái độ khinh thường len lỏi vào. Một cử chỉ suồng sã cũng có thể bị chém. Đám tang vua Lê “đồ tế lễ tuy đơn sơ, giản dị nhưng lễ nghi thì đều đầy đủ không thiếu sót gì”. Nguyễn Huệ tự cưỡi voi và đem theo ba ngàn quân hộ tống. Đến đám tang vua Quang Trung, “quân đi rầm rập, giáo mác tua tủa”, lệnh nghiêm được ban ra “tuyệt đối không ai được qua lại ranh giới. Ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị chém tại chỗ”. Trong khi đó, ở không gian bên dưới, có những cái chết được chôn vội vã, như cái chết của Lợi, diễn ra trong khung cảnh chiều tàn ảm đạm, hiu hắt và thê lương. Đám tang của những kẻ “bề dưới”, nếu có, thì cũng sơ sài, nhếch nhác và lặng lẽ. Cảnh một lính Trịnh bị chết thật thảm thương,       “người ta dùng dây dừa cột hai tay và hai chân người chết lại với nhau, đoạn xỏ đòn tre vào khiêng đi như khiêng một con heo bị chọc tiết. Cái đầu thõng xuống lúc lắc theo nhịp bước, mớ tóc bết vôi rủ xuống tua tủa như bẹ chổi cùn. Hai ông già khiêng xác bước chậm chạp trong chiều vàng vọt" [2, tr. 938].

 

Không gian bên trên còn gắn với bầu trời có những đám mây đen kịt đang vần vũ, sương mù lạnh lẽo và những trận cuồng phong dữ dội. Không gian bên dưới lại gắn với mặt đất đầy rác rưởi, xác chết và bóng tối.

Như vậy, cặp không gian bên trên và không gian bên dưới tồn tại như một tất yếu, nó gắn chặt với nhau, đối lập nhau. Không gian bên dưới như là hệ quả của những thay đổi, tác động của không gian bên trên.

Vừa là lịch sử, vừa là thế sự, không gian trong Sông Côn mùa lũ còn được cấu trúc thành hai thế giới không gian kín bên trong và không gian mở bên ngoài.

 

Không gian bên ngoài với tính chất mở là không gian của đám đông, không gian của sự kiện. Còn không gian bên trong với tính chất khép kín là không gian của cá nhân, của riêng tư. Không gian bên ngoài là một không gian hết sức sôi động, xa lạ và lạnh lẽo, thù nghịch, ngược lại không gian bên trong tĩnh lặng, thân thuộc, ấm áp và yên ổn. Dù ở Quy Nhơn, Gia Định, Phú Xuân hay Thăng Long, lúc nào cũng cảnh cờ phướn phấp phới rực rỡ cả một góc trời và những đống xác chết ngập ngụa, tanh rình; cảnh quân chiến thắng ồn ào trong men say và cảnh quân chiến bại sợ hãi chui rúc lẩn trốn. Đâu đâu cũng có những hiểm nguy rình rập. Ngay cả khi chiến thắng vang dội, ngồi ở ngay tại trung tâm quyền lực Thăng Long, Nguyễn Huệ vẫn cảm thấy như ngồi trên một khúc sông “trên mặt bập bềnh bèo dạt, còn dưới mặt nước là sóng ngầm, là đá nhọn, là rắn rít. Đã quen chế ngự sự bất ổn và hỗn loạn, lần này Nguyễn Huệ ít tự tin hơn.” [2, tr. 988]. Trong khi đó, không gian bên trong, không gian không hẹn mà ai cũng hướng về là không gian An Thái – An Thái quê hương, An Thái của những kĩ niệm. Đó là nơi vỗ về, che chở, an ủi những đứa con xa quê những khi lo âu, buồn phiền, cô độc hay thất thế. Chỉ là một cây gạo “thơm tho” ở bến sông, một chái nhà học, một ngôi nhà quay mặt về hướng tây trông như đang ngái ngủ, một cái miễu cô độc giữa đồng trống, ánh đuốc canh lúa lập loè… nhưng từ giáo Hiến cho đến Huệ, An, Kiên, Lãng, mỗi người đều giữ cho mình một An Thái với những cảm xúc khác nhau. Khi An Thái được giải phóng, đặt chân trên nền đất tổ tiên của gia đình, lòng Huệ “hân hoan”, “bồi hồi”, “lâng lâng buồn vui lẫn lộn”. Còn An và Lãng thì “nôn nao”, “bùi ngùi”, “mắt cay cay” khi tìm thấy dấu vết những kĩ niệm trên nền đất cũ. Như vậy, những khi có cơ hội, Huệ, An, Lãng...  tìm về An Thái như tìm lại chính mình, tìm lại sự yên ổn trong lòng trước những bão tố của cuộc đời.

 

Không gian bên ngoài tuy rộng lớn nhưng ẩn chứa nhiều bất trắc, lưu trú trong không gian ấy chỉ là tạm bợ, không gian bên trong tuy an toàn nhưng lại chật hẹp. Vì thế, con người muốn thoát khỏi sự chật hẹp để đến với môi trường rộng lớn hơn, nhưng lại choáng ngợp trước cái rộng lớn bên ngoài nên tìm về với môi trường bé nhỏ quen thuộc. Con người sống giữa cuộc đời này như là một cuộc chạy trốn những hiểm hoạ nhưng ở đâu cũng chỉ là tạm bợ. Từ dân thường cho đến những bậc đế vương, sống chết, được mất rốt cục cũng như nhau, chỉ là hư danh giữa đời thực.

 

Như vậy, cấu trúc của không gian văn bản nghệ thuật Sông Côn mùa lũ được nhà văn Nguyễn Mộng Giác xây dựng trở thành mô hình cấu trúc của không gian thế giới. Các mảng không gian đan cài nhau, đối lập nhau: trên - dưới, cao - thấp, xa - gần, trong – ngoài, rộng - hẹp, mở - khép, động – tĩnh… thể hiện sự vận động của thế giới: lên hoặc xuống, sinh hoặc diệt. Quan niệm của nhà văn về cuộc sống là vĩnh hằng, tuân theo một quy luật nằm ngoài sự chi phối, sự hiểu biết của con người. Kết thúc của cái này lại là khởi đầu của cái khác, lịch sử như một cái nền trên đó cuộc sống cứ nối tiếp, triều đại này qua đi, triều đại khác lên thay thế, cuộc sống bên dưới vẫn cứ an bằng, vĩnh cửu. Bằng kinh nghiệm đã trải qua trong những cơn biến động lịch sử, nhà văn Nguyễn Mộng Giác có một cái nhìn hết sức bình tĩnh, sâu sắc về lịch sử, về đời sống và về số phận con người trong mối quan hệ với lịch sử. Cái nhìn đó được ông chia sẻ nhằm làm cho con người hôm nay thoát khỏi việc trở thành những tín đồ cuồng danh, bị lôi kéo vào trò chơi của lịch sử./. 

                                                                        

---------------------

1. Phan Cự Đệ (2001), Tuyển tập (Tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Nguyễn Mộng Giác (2003), Sông Côn mùa lũ, Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Hà Nội.

3. Kate Hamburger (2004), Logic học và các thể loại văn học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

4. Milan Kundera (2001), Tiểu luận (Nghệ thuật tiểu thuyết - Những di chúc bị phản bội), Nxb Văn hoá thông tin và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.

5. Trần Đình Sử (chủ biên) (2008), Lí luận văn học (Tập 2), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

Nguyễn Thị Kim Oanh
Số lần đọc: 1993
Ngày đăng: 18.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghĩ Về Thơ Tô Thùy Yên, Thơ Bảy Chữ Có Ưu-Thế Hơn Thơ Tự Do - Trần Văn Nam
Đọc Lại Truyện Kiều-1 - Hiếu Tân
Đọc Lại Truyện Kiều-2 - Hiếu Tân
Về Quái - Nguyễn Bình Phương
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954-1958 (phần 4) - Lại Nguyên Ân
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954-1958 (phần 3) - Lại Nguyên Ân
Hàn Mặc Tử thi sĩ của đau thương và bất hạnh - Thụy Khuê
Hàn Mặc Tử, lãng mạn hay tượng trưng? - Trần Văn Nam
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954 – 1958 (phần 2) - Lại Nguyên Ân
Phê bình văn học - Tứ bề thọ địch - Đỗ Ngọc Thạch