Trước phòng khách sân bay Nha Trang, Trần Công tươi cười nhìn Bích. Ba tháng xa nhà và đơn vị chẳng nhiều nhặn gì với cuộc đời bộ đội của anh, nhưng được gặp lại vợ trong buổi chiều nắng đẹp, tràn đầy gió biển như hôm nay, anh thấy thật hạnh phúc. Thoáng mấy giây ngắm vợ, anh thốt lên:
- Em đẹp quá!
Đã nhiều lần được chồng khen, Bích vẫn không khỏi bối rối trước lời khen ngọt ngào của anh lúc này, chị nói nhỏ:
- Ta về thôi anh!
Trần Công gật đầu, định cùng vợ lên xe, chợt anh có cảm giác như ai đó đang nhìn mình. Lướt mắt vào phòng đợi, anh kịp thấy một cô gái vừa quay đi, bước nhanh đến cửa soát vé. Chiếc cặp da tuột khỏi tay, anh lao theo cô gái gọi to:
- Diễm! Diễm ơi!
Như không nghe tiếng gọi, cô gái vẫn bước nhanh. Anh vượt lên, chắn trước mặt cô:
- Ôi! Đúng Diễm rồi!...
Anh nắm chặt hai vai cô lắc mạnh:
Trời ơi! Sao vậy, lẽ nào em cố tình không gặp mặt anh? Thôi nào, đừng khóc nữa, nói cho anh biết, tại sao em lại ở đây?
Cô gái vẫn cúi đầu lặng lẽ khóc. Anh nhân viên soát vé nhắc nhở đã sắp đến giờ bay. Cô chợt tỉnh, đưa mắt nhìn về phía Bích nói:
- Em nhận ra anh lúc anh vừa xuống máy bay nhưng … Biết anh hạnh phúc, em mừng…
Giọng cô nghẹn lại. Tiếng loa nhắc hành khách khẩn trương vào phi trường lại làm cô luống cuống.
- Thôi em đi!...
Diễm quay người bước nhanh. Trần Công cuống quýt, đầu anh quay cuồng không định được mình phải làm gì khi Diễm lướt qua cổng soát vé. Hình như thời gian dành cho anh và Diễm bao giờ cũng ngặt nghèo. Diễm đã đi hẳn vào phi trường anh mới vội vàng chạy theo vẫy tay qua cửa sắt:
- Em đang ở đâu? Địa chỉ thế nào?
Diễm quay lại gạt nước mắt, lắc đầu, bước chân vấp váp, loạng choạng. Khi cô lặn hẳn vào lòng chiếc máy bay, anh còn đứng đó thẫn thờ… Máy bay khởi động ầm ầm, lướt trên đường băng rồi lao vút lên. Anh nhìn theo cho đến khi nó chỉ còn như một cánh chim nhỏ chao liệng và mất hút trên bầu trời xanh thẳm. Công lầm lũi quay lại nơi Bích đang kiên nhẫn đứng chờ. Chị đã xách trên tay chiếc cặp của anh.
- Ai vậy anh? Sao bỗng nhiên anh buồn thế ?
Trần Công chỉ gật đầu nói:
- Ta về!
*
Con tàu giật mình, từ từ chuyển bánh. Trần Công nhoài người qua cửa sổ, giơ tay vẫy Bích đang đứng bất động nhìn theo. Ra khỏi khu vực thành phố, tàu tăng tốc lao vào bóng đêm. Nhịp tàu lắc lư đều đều ru hành khách chìm vào giấc ngủ chập chờn. Công rít một hơi thuốc thật dài, vừa nhả khói thuốc, vừa thở ra, cố lấy lại thư thái, song ý nghĩ: “Không có lẽ…, không có lẽ…” vẫn cứ lặp lại trong đầu, cảm giác nôn nao, cồn cào lại dội lên trong lòng. Khuôn mặt đầy nước mắt của Diễm trước ngày anh vào chiến trường lại hiện lên. Đó là lúc anh phải nói thật với Diễm: “Gia đình đã cưới vợ cho anh!”. Cô không tin: “Sao anh lại đùa ác thế?”. Đúng, cô không thể tin được, cô chỉ mới xa anh có mười ngày anh về phép thôi mà. “Diễm ơi, đó là sự thật!...”. Cô giơ tay bịt chặt miệng anh lại, nhìn sâu vào mắt anh. Đêm tối không ngăn được sự đau khổ, vật vã trên khuôn mặt của anh. Bàn tay cô buông lơi, tuột khỏi miệng anh, rơi xuống bàn tay anh đang nắm chặt để ghìm lại tiếng nấc đang dồn nén trong lòng. Cô vùng lên, vừa nức nở, vừa ôm nghì anh vào ngực mình, gục mặt lên đầu anh. Nước mắt của cô thấm qua tóc anh nóng bỏng. “Sao lại như thế được? Không phải như thế, đúng không anh?”. Anh chỉ biết im lặng, vuốt nhẹ lưng Diễm vỗ về. Nhưng hình như sự vỗ về của anh lúc này chỉ làm cho Diễm càng thấy đau khổ, điên loạn. Cô buông anh ra, nhìn anh chết lặng, rồi cô lại nhào vào lòng anh: “ Không, không thể như thế, anh phải là của em. Ngày mai anh đi rồi, dù thế nào, đêm nay em cũng phải thuộc về anh!...”. Đếm ấy, anh đã phải nhiều lần ghìm cảm xúc của mình để vừa được ở bên Diễm lâu hơn, vừa giữ gìn được cho cô. Anh cũng đã dự cảm được sự đau khổ, tổn thương của Diễm, anh cũng đã cân nhắc trước khi đến gặp và cho Diễm biết sự thật. Anh phải đến, không thể chạy trốn sự thật, biết là rất đau lòng. Nhưng anh không lường được hết sức mạnh của tình yêu mà Diễm dành cho anh. Trời ơi, anh nào có muốn như vậy, anh đã hoàn toàn bị động và phụ thuộc vào gia đình. Anh đau đớn và xót xa cho tình yêu của anh và Diễm. Tình yêu ấy đang vừa độ chín, nhưng hạnh phúc được đơm hoa kết trái thì mãi mãi không bao giờ có thể. Anh nâng bàn tay Diễm áp chặt lên mặt mình thổn thức: “ Diễm ơi, em còn phải lấy chồng…”. Diễm lại nhào vào anh: “Không, không! Anh Công, em yêu anh! Em không lấy ai cả, ngoài anh…”. Chỉ một khắc nữa thôi, anh sẽ không cưỡng lại nổi lòng mình nếu lúc ấy trong anh không vẳng lại tiếng thở dài của mẹ hôm nào: “Giời ạ! chiến tranh, bom đạn thế này mà anh cứ yêu đương lãng mạn trên mây trên gió thế thì đến là khổ. Anh là lính, mà nó lại cũng là lính…”. Lúc ấy anh đã van xin, dãi bày mọi nhẽ, mẹ anh vẫn một mực: “Anh sắp vào chiến trường, không biết sống chết ra sao. Cầm cái chắc là anh phải lấy vợ ở nhà để có người hôm sớm đỡ đần bố mẹ. Cái chính nữa là để sinh cho chúng tôi một thằng cháu đích tôn…”. Cái lý chắc như đinh đóng cột của bố mẹ, anh không dám cãi. Chiến trường ác liệt có hứa hẹn điều gì cho riêng anh? Anh sắp đi rồi, vào nơi bom đạn tàn khốc, anh không còn thời gian để dùng dằng, níu kéo. Vì tâm nguyện của bố mẹ, anh không có quyền lựa chọn nào khác…
Đêm chắc đã khuya, tiếng bánh sắt của đoàn tàu nghiến vào đường ray khiến đầu óc, lòng dạ Công càng thêm day dứt, mệt mỏi. Anh mong cho đoàn tàu mau chóng đưa anh về ga để anh sớm được gặp Diễm. Nói chính xác hơn là để anh còn kịp gặp Diễm. Anh linh cảm thời gian không chờ anh. Cái ý nghĩ: Không có lẽ mình không còn cơ hội gặp lại Diễm vẫn cứ xoáy vào lòng. Anh giận mình sao quá cầu toàn, quá trễ nải khi quyết định một việc hệ trọng như vậy. Anh thầm cảm ơn Bích đã chia sẻ và không ngăn cản anh.
Chiến tranh kết thúc, anh trở về. Bố mẹ đều đã qua đời, ông bà đã không được thấy cháu đích tôn như lòng mong muốn. Ngày ấy, sau đám cưới vội vàng thời chiến, đêm tân hôn anh và Bích còn chưa hết ngượng ngập về nhau nói gì đến chuyện bén hơi. Rồi anh đi biền biệt. Làng xóm ai cũng khen Bích là con dâu hiếu thảo. Thương Bích vò võ đợi chồng, lại thay mình báo hiếu cha mẹ, anh không thể phụ lòng. Thế là anh lo sắp xếp chuyển vợ vào Nha Trang dạy học, gần nơi anh đóng quân. Mẹ anh quả không lầm khi chọn vợ cho con trai. Bích vừa giỏi giang, vừa khéo léo. Một “Hoàng tử” ra đời, tuy hơi muộn màng nhưng đã làm cho trách nhiệm của anh với gia đình trở lên lớn lao. Tình yêu thương của anh với Bích lớn dần theo năm tháng cùng với sự khôn lớn của con trai và sự vun vén của Bích. Dù vậy, trong anh vẫn phảng phất nỗi buồn vì hiểu rằng tình cảm đó không phải bắt nguồn từ sâu thẳm con tim như đã có với Diễm. Bao nhiêu năm qua, anh đã phải chôn chặt tình yêu ấy tận đáy lòng …
Lá thư của cậu lính cùng đơn vị cũ đột ngột đến làm anh chao đảo. Lần gặp Diễm bất ngờ trong thời khắc ngắn ngủi ở Sân bay năm ngoái đã đào xới mọi kỷ niệm về mối tình đầu. Diễm đã thay đổi nhiều, nhưng chỉ mới thoáng nhìn anh đã nhận ra cô. Vẻ đẹp yêu kiều, e lệ của Diễm ngày nào, giờ càng trở nên quyến rũ lạ thường, chỉ có đôi mắt đẫm lệ trước ngày xa nhau là không hề thay đổi. Lần gặp ấy cũng như nhiều lần tìm kiếm sau mỗi lần ra Bắc, anh cũng chẳng biết gì hơn về cuộc sống của Diễm, mọi day dứt của anh rồi cũng lắng dần bởi cô vẫn bặt vô âm tín. Bấy nay anh vẫn thầm nghĩ và tin Diễm đã có một gia đình hạnh phúc vì cô vừa xinh đẹp, lại nết na. Anh đâu ngờ…
Trằn trọc bao đêm, anh gầy tọp đi. Bích lo lắng vặn hỏi. Anh đưa thư của cậu bạn cho vợ đọc. Những giọt nước mắt lã chã của Bích cứa vào lòng anh. Chỉ qua một đêm gần như thức trắng, đôi mắt sáng và luôn ánh ngời hạnh phúc của cô như có một bức màn che phủ, u buồn và lặng lẽ. Bích chủ động nói với anh hãy nhanh thu xếp sớm ra với Diễm. Anh lập cập, vội vàng xin đơn vị nghỉ phép, lo mua vé tàu, thầm cảm ơn mà không biết nói gì với Bích. Nếu không vì sự sống của Diễm chỉ còn trong gang tấc, có lẽ anh cũng không để Bích phải biết chuyện quá khứ làm gì, tất cả đều đã an bài. Ngay lúc này, anh càng không muốn dấu, dù biết Bích sẽ rất buồn…Chiều nay, khi chuẩn bị quần áo cho anh, nước mắt của Bích vẫn chảy dài, lúc này cô mới thổ lộ hết nỗi niềm:
- Tuy là người cúng xã, lại học cùng trường, thế mà chúng mình hầu như chẳng biết nhau. Mãi hôm Trường tổ chức tiễn các anh đi bộ đội, em chợt để ý đến anh, một anh chàng dáng quá thư sinh, mảnh khảnh. Em nghĩ: Người thế kia mà đi bộ đội thì làm được gì? Thế rồi em đã giật mình khi gặp lại trong đợt anh tranh thủ ghé về thăm nhà. Ôi! Thật là oai vệ, cứng cỏi. Tự nhiên em thấy mặt mình nóng ran, có lẽ vì nhớ lại ý nghĩ nghi ngờ hôm anh nhập ngũ. Lúc đó em đã là cô giáo làng. Anh về chỉ loáng cái đã đi ngay, em cứ vẩn vơ và thấy nhớ lạ. Từ đó, thường lấy cớ vào vườn nhà anh xin hoa ngọc lan, em thân với mẹ lúc nào chẳng biết. Ngoài giờ dạy học, em hay lui tới, lúc thì gánh nươc, khi thì đánh rơm giúp mẹ. Một lần nghe mẹ hỏi: “Con có chịu làm dâu bác không?”, em giật bắn mình vì tưởng bị mẹ bắt quả tang đang thầm yêu con trai mẹ. Nhưng mẹ chẳng cần em trả lời đã lại kể lể: “Thằng Công nhà bác đi bộ đội đã hơn bốn năm, lần trước về nhắc chuyện lấy vợ, nó nói chưa có người yêu. Hai bác già rồi, chỉ mong nó lấy vợ rồi đi đâu cũng được…”. Thế rồi Bố Mẹ sang nhà em thật. Bố mẹ em thì nói là, các cháu đều có học, nếu chúng thuận thì chúng tôi cũng thuận. Vì thầm yêu anh, tin lời mẹ nói là anh chưa chịu yêu ai, em đã đồng ý làm vợ anh mà không chút gợn lòng. Ngày ấy, như bao cô gái làng, em tự hào vì có chồng đi bộ đội. Em đã gắng chịu mọi nhọc nhằn ở nhà để được chia sẻ với anh nơi chiến trường. Ngày anh trở về, em lo toan hết mình vun vén gia đình, mong bù đắp cho anh những thiếu thốn, thiệt thòi thời bom đạn. Vậy mà giờ em mới biết, trái tim yêu của anh đã thuộc về người khác… Với Diễm, em là người hạnh phúc vì có anh và con. Nhưng như thế không có nghĩa là em không mất mát. Một sự mất mát vô hình không ai lấy mà mất. Với em, anh là tất cả, em yêu anh, rất yêu! Vì thế em thấu hiểu sự cô đơn của Diễm và càng đau khổ vô cùng…
Công không biết nói thế nào để an ủi Bích. Quả là anh đã quá vô tình, chấp nhận cuộc sống gia đình như một lẽ thường ở đời ai cũng trải qua. Anh bằng lòng với người vợ ngoan hiền, đứa con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh mà chưa thấm hết được tình yêu của Bích dành cho mình. Anh lại nghĩ đến Diễm, trái tim của anh như có bàn tay khổng lồ bóp nghẹt…
*
Thành nhìn như thôi miên vào tấm ảnh, cô gái tuổi chừng mười bảy, tóc tết hai bên thả trước ngực, đôi mắt đen láy với hàng mi cong vút, miệng cười chúm chím… Tấm ảnh này đã được anh chụp lại và phóng to từ tấm hình rất nhỏ đã ố vàng. Không hiểu sao, ngày nhập ngũ, trong cả xấp ảnh các bạn nam nữ cùng lớp, anh chọn có một tấm ảnh này ép vào quyển sổ tay nhỏ và thường mang bên mình. Ở chiến trường, anh hay mang tấm ảnh này ra ngắm và khoe với đồng đội. Họ cứ chọc anh trông xấu người mà có bạn gái đẹp mê ly. Anh cười cười và nói: chỉ là bạn cùng lớp thôi…! Anh nói vậy, nhưng lòng thì rất xốn xang. Với anh, ở chiến trường ác liệt này, hậu phương lúc đó là nàng… Anh vẫn thường viết thư về cho nàng với lời lẽ cũng như với bao người bạn khác. Nhưng mỗi lần cầm bút viết thư cho nàng là hình bóng quê nhà lại hiện lên rõ nét, bao nhiêu kỷ niệm tuổi học trò lại ùa về, trái tim anh đập dồn dập. Anh biết, mình thực sự có tình cảm rất thiêng liêng với người bạn gái này. Vậy mà chưa có một lá thư nào anh nói thật hết những tâm sự của mình với nàng. Lý do thật đơn giản: chiến trường ác liệt, tàn khốc không hứa hẹn được điều gì…Thế rồi anh và nàng mất liên lạc, sau này anh biết vì lúc đó nàng cũng là lính Trường Sơn. Hòa bình về, anh tìm gặp lại nàng. Lòng anh đau thắt. Chiến trường đã đánh cắp mất nét tươi tắn của thì con gái nơi nàng. Lúc đó, nàng đã thi đậu và đang học trường Đại học Ngoại ngữ. Hỏi chuyện chồng con, nàng nói: “Chồng thì chưa, người yêu thì đã có, cũng là lính thôi…”, đôi mắt đen láy của nàng chớp chớp và nhìn về một nơi xa thẳm. Niềm vui gặp bạn cũ xen lẫn nỗi buồn vẩn vơ. Thời gian cách trở, anh và nàng chưa mảy may có gì ràng buộc, chuyện nàng có người yêu là lẽ thường. Biết vậy, chia tay nàng rồi, anh vẫn thấy buồn. Một nỗi buồn âm thầm, khắc khoải. Ngày tôt nghiệp ra trường, nàng tìm đến nơi anh đang học, vừa là để chào anh, vừa là để cho anh biết nàng sẽ về dạy học nơi nàng đóng quân hồi mới nhập ngũ. Anh có nói với nàng sao không xin ở lại Hà Nội, vì thực ra gia đình nàng đâu có ai ở đó. Nàng cúi đầu không nói gì, rồi lảng sang chuyện khác. Anh hỏi nàng khi nào thì có thiệp hồng, nàng chỉ cười và ánh mắt lại nhìn về một nơi thẳm xa…
Anh tốt nghiệp trường Đại học Y khoa và được về làm tại bệnh viện K Hà Nội. Đinh Ninh nàng đã yên bề gia thất, mải lao vào công việc, anh cũng không có dịp gặp lại nàng. Cho rằng chuyện tình duyên là số trời, anh chẳng để mắt được đến cô gái nào khác. Vì vậy, đã xấp xỉ tứ tuần anh vẫn độc thân. Mỗi khi khám bệnh, gặp bệnh nhân cùng tên nàng, anh lại thấy nao nao trong lòng. Bố mẹ nàng thật khéo đặt tên cho nàng. Ngày xưa các bạn trai ở trường đã thường kháo nhau về nàng: Nghe tên là thấy người. Quả là nàng đẹp quá, một vẻ đẹp kiều diễm, kiêu xa. Rất nhiều lần trong khi đang khám bệnh anh đã thầm nghĩ: “Diễm ơi! Đừng bao giờ là bệnh nhân của mình nhé”. Ai phải đến điều trị ở bệnh viện này, hy vọng lành bệnh thường rất mong manh. Vậy mà, cái gì cũng có thể xảy ra ở trên đời! Thành sững sờ khi Diễm ngồi trước mặt với bệnh án được chuyển từ tuyến tỉnh lên. Anh không dùng ống nghe khám bệnh cho nàng như với tất cả các trường hợp khác. Lắng nghe khi nàng khai bệnh, đọc kỹ bệnh án và cho làm tất cả những xét nghiệm cần thiết. Lo lắng chia xẻ với bệnh nhân là lẽ thường trong công việc của anh, nhưng với nàng, mọi mối lo đều tăng lên gấp nhiều lần. Anh thầm mong những chẩn đoán ban đầu của bệnh viện tỉnh là không chính xác. Dù vậy, những biểu hiện trên thể diện của nàng đã không qua được con mắt nghề nghiệp tinh tường của anh. Nàng bị Ung thư gan. Lòng anh buốt nhói. Anh càng buồn và xót xa hơn vì biết hiện tại nàng vẫn sống một mình và ở rất xa người thân. Bố mẹ nàng đã qua đời, anh em của nàng đều có gia đình riêng. Người em gái lấy chồng tận Cần Thơ mới được anh báo tin đã vội thu xếp gia đình ra với nàng. Cô ấy chỉ biết khóc ròng, rồi quay ra trách chị sao cứ ôm mãi một mối tình để rồi sống cô độc thế này…
Những ngày bên giường bệnh của nàng, Thành đã thường xuyên lui tới thăm hỏi, cố gắng động viên an ủi nàng. Nàng tỏ ra rất bình thản trước con bệnh quái ác này và âm thầm chịu đựng những cơn đau. Mỗi lần cơn đau dội lên, mặt nàng tái đi, nàng cắn răng không để bật ra một tiếng rên nào. Thường những lúc ấy, nàng ôm bụng nằm quay mặt vào vách. Điều đó càng làm anh thấy nhói lòng…
Những lúc tỉnh mỉnh, cơn đau dịu đi, nàng lại mỉm cười với Thành, cứ luôn miệng nói với anh: “Cảm ơn nhiều, Diễm biết là mình mang nợ Thành nhiều lắm… không biết kiếp nào mới trả được!?”. Thành chỉ biết nắm chặt bàn tay gầy guộc, xanh xao của Diễm, ngồi xuống cạnh nàng và nói: “Diễm có thể nói hết tất cả tâm sự của mình đi, đừng để mãi trong lòng như vậy. Hãy tin tưởng mình, mình sẽ làm tất cả những gì có thể để Diễm vợi được những nỗi đau…”.
Có lẽ điều hạnh phúc nhất và cũng là nỗi khổ tâm nhất của Thành bây giờ chính là được nghe Diễm thì thầm bên tai, kể về những niềm đau trong trái tim nàng. Nàng không thể quên, không thể xóa trong tim mình hình bóng một người… Nàng không chờ đợi, vì biết người đó đã lấy vợ. Nàng đã về lại vùng bán sơn địa, nơi mà nàng và người yêu đã đóng quân ngày xưa. Nàng sống ở đó, lặng lẽ với những kỷ niệm của tình yêu đầu đời. Nàng biết, Thành rất có tình với mình nhưng nàng không thể. Làm sao có thể ở bên một người mà cứ nặng lòng với một người khác được chứ…Thời gian gần đây, thấy trong người không được khỏe, đi khám bệnh, nàng không thấy bất ngờ vì biết có thể sẽ đến ngày nàng cũng như những người bạn ở chiến trường về, không ít người đã bị bệnh quái ác do chất độc màu da cam…Nàng còn nhớ như in một lần chuyển thương binh về trạm quân y, nàng và mọi người đã phải vượt qua một cánh rừng bị địch rải chất độc hóa học. Cái thứ chất độc màu vàng ấy đang hủy diệt dần sự sống của nàng. Nhưng niềm đau mà nàng phải mang nặng, phải day dứt đó là mất tình yêu trong trắng, đẹp đẽ vô ngần với một người. Nàng và người ấy nào có tội gì chứ? Trời ơi!... và thế là nước mắt nàng lại tuôn trào…
Là bạn bao nhiêu năm, hồi còn đi học, Thành đã nhiều lần nhìn trộm đôi mắt đen long lanh có hàng mi cong vút ấy. Đó chính là điểm gút khiến anh không thể quên được nàng. Hầu như nó cứ hiển hiện trong anh suốt những năm ở chiến trường, thôi thúc anh vượt qua gian nan, vất vả bom đạn… Anh chưa bao giờ thấy nàng khóc, ngày ấy, cứ nhìn Diễm là anh lại thấy mắt nàng cười… Vậy mà bây giờ!? Anh những muốn đập phá, gào lên thay nàng, anh không muốn đôi mắt kia phải đầm đìa nước mắt. Trời ơi! Anh phải làm sao đây để kìm xúc cảm trong mình, để giữ lại tinh thần cho nàng. Điều mà anh có thể vớt vát chia xẻ với nàng đó là chăm sóc bệnh tình cho nàng, nhưng rõ ràng là nàng rất nghị lực và sẵn sàng chấp nhận bệnh tật của mình. Còn niềm đau kia, anh làm sao chữa được, khi mà bản thân anh cũng đau xé lòng, khi mà chính anh cũng mang một niềm đau như nàng…? Anh rất muốn ôm nàng vào lòng mình để vỗ về, an ủi. Nhưng không thể, vì nàng đang ở sát cạnh anh đây mà sao xa vời xa, tâm tư của nàng đang hướng đến một nơi xa thẳm. Người đó có biết không?...
Thành cứ chăm chăm nhìn vào khuôn mặt đã quá xanh xao của Diễm. Nàng đang mơ màng thiếp đi. Anh chợt giật mình khi nghe Diễm gọi: “Anh Công…, anh Công!...”. Nàng choàng dậy, thảng thốt… và lại tiếp tục thì thầm, thì thầm… Thành sững sờ nhận ra người mà nàng gọi tên vừa rồi chính là thủ trưởng của anh ở chiến trường… và hai người đã yêu nhau khi cùng phục vụ cho đơn vị huấn luyện tân binh, rồi Công nhận lệnh tăng cường cho chiến trường, rồi … và rồi… cứ thế nàng đã nói tất cả, tất cả … Nàng đã tìm cách dấu mọi thông tin về mình để Công không thể tìm lại nàng. Vậy mà, đã một lần nàng vào tận Nha Trang, chỉ mong muốn duy nhất là được gặp lại nhau một lần. Nhưng trời lại dun dủi để Công đi công tác và nàng chỉ được gặp anh vài phút tại sân bay. Biết rằng, nàng có thể hủy vé máy bay để ở lại, nhưng trước cảnh hạnh phúc của vợ chồng Công, nàng đã không thể…
Thành biết, những ngày anh ở bên Diễm còn rất ngắn ngủi. Anh muốn nói với Diễm tất cả những nỗi niềm thầm kín bấy nay anh dành cho nàng, nhưng anh biết, nói ra chỉ làm cho nàng thêm đau khổ. Nàng là một người nhạy cảm, dù nói hay không, rõ ràng nàng đã cảm nhận được, đã tự mình nói ra những lời cảm ơn với anh, nàng đã cố tình không cho anh có cơ hội để bày tỏ tình cảm sâu lắng nhất của anh với nàng. Anh biết rõ, sự xuất hiện của Công lúc này đối với nàng là vô giá. Rồi không phải nàng mà là anh mong ngóng Công, thư anh viết đi, nàng không được biết. Anh sợ nàng phải thất vọng…
Thành gục đầu, áp mặt mình lên tấm ảnh. Anh không biết đằng sau mình Công cũng đang đứng lặng với sự ngạc nhiên: “Cậu ấy cũng yêu…”. Thành run run nhặt dải băng đen đặt viền lên khung ảnh. Một bàn tay cứng như sắt bất ngờ chụp xuống giữ chặt tay Thành.
- Thành! Cậu làm gì vậy?
Thành giật mình quay lại. Công đang trừng trừng nhìn anh. Thành nói trong tắc nghẹn:
- Muộn quá rồi, Diễm đã…
Rồi Thành gào lên:
- Sao giờ này anh mới ra? Tại sao? …
Công buông rơi tay Thành, phủ phục xuống bàn nấc lên:
- Diễm ơi! Không thể phũ phàng như vậy được, có lẽ nào…?
Lúc này Thành mới kịp nhìn lại. Công vừa xuống tàu, quần áo xộc xệch, tóc tai bù xù…
Ấm trà đã nguội lạnh, Công vẫn ngồi chết lặng. Thành hiểu, với Công lúc này đừng nên nói gì. Ngay chính anh, dù biết không còn kết cục nào hơn đối với Diễm cũng còn chưa hết bàng hoàng…
Sau khi thăm mộ Diễm, Công nán lại vài ngày trò truyện, tâm sự với Thành. Anh không làm sao chấp nhận một sự thật: Diễm đã thành người thiên cổ. Anh như người mộng du, vất vưởng, điên dại… Nhưng rồi Công vẫn phải hồi tỉnh. Con tàu lại lao băng băng về phía trước đưa anh trở về với cuộc sống hiện tại. Anh nhìn qua khung cửa sổ của khoang tàu. Nắng chói trang, loang loáng dòng người và xe đi lại nườm nượp trên đường phố. Trong tiếng xình xịch của con tàu, anh vẫn nghe tiếng máy nổ, tiếng còi xe… Cuộc sống sôi động quá. Anh còn nghe vẳng lại từ quá khứ chiến tranh tàn bạo với tiếng bom rơi đạn nổ xé trời… Tất cả đều quá vô tình với những nỗi khắc khoải dày vò trong tâm khảm của anh. Chỉ có tiếng nức nở của tình yêu đầu đời, những dòng nước mắt không dứt của Diễm, nỗi cô độc của Thành, sự nín lặng của Bích là đang thấm vào thẳm sâu tận cùng của một miền tĩnh lặng trong anh, miền tâm linh thầm kín của một kiếp người!./.
Nha Trang -1997