Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.150.651
 
Đọc “Tiểu Luận” Của Lê Đạt- 2
Đỗ Ngọc Thạch

(***) Jacques Lacan Émile Marie (1901 - 1981) là một nhà tâm lý và bác sĩ tâm thần người Pháp, có những đóng góp nổi bật về phân tâm học , triết học , và lư thuyết văn học. Lacan đề xuất rằng “vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”.

 

(****) Mallarmé:Hãy trả tính chủ động cho chữ”.  Stéphane Mallarmé (1842 –1898):Mallarmé là người đầu tiên đặt ra vấn đề: làm thơ bằng “ chữ” hay bằng “  ý tưởng”?  Theo quan niệm thông thường, đặc biệt ở những thời “tư tưởng là thống soái”, thì không thể khác được, làm thơ là bằng những ý tưởng. Quan điểm của Mallarmé: làm thơ “bằng những chữ  chứ không phải bằng những ý tưởng”. Một cuộc cách mạng trong thi ca. Thơ hiện đại ngoài sự gắn bó với ngữ nghĩa những cảm xúc và tâm hồn như thơ truyền thống còn có sự thể nghiệm bản thân ngôn ngữ. Theo GS Hoàng Ngọc Hiến, có lẽ Lê Đạt đã xuất phát từ quan điểm của Mallarmé để định nghĩa nhà thơ là “phu chữ”.

 

(*****) Tâm phân học của Freud : Xem trong bài : ĐỌC LẠI "BÓNG CHỮ" CỦA LÊ ĐẠT - ĐỖ NGỌC THẠCH  

 

(******) Mạnh Hạo Nhiên: (689 hay 691-740): là nhà thơ thời nhà Đường (TQ), thuộc thế hệ đàn anh của Lí Bạch. Lí Bạch rất hâm mộ học vấn, tài năng và nhân cách của Mạnh Hạo Nhiên. Không thành công trong nghiệp quan trường, ông đã chú tâm làm thơ và viết văn về quê hương của mình. Ông sinh ra tại Tương Dương, Hồ Bắc. Ông hầu như suốt đời sống ở quê và cảnh vật, lịch sử, các truyền thuyết quê hương đã đi vào thơ ca của ông. Có thể gọi thơ ông là thơ sơn thủy. Thơ năm chữ của ông luật lệ nghiêm cách, phóng khoáng, hùng tráng, rất nổi tiếng. Bài Lâm Động Đình được nhiều người truyền tụng:

Lâm Động Đình

Bát nguyệt hồ thủy bình
Hàm hư hỗ thái thanh
Khí chưng Vân mộng trạch
Ba hám Nhạc dương thành
Dục tế vô chu tiếp
Đoan cư sỉ thánh minh
Tọa quan tùy điếu giả
Đồ hữu tiễn ngư tình

Bản dịch của Trần Trọng Kim :

Đến Hồ Động Đình


Mặt hồ tháng tám phẳng bằng,
Nước trời hỗn hợp một vùng trong xanh.
Khí đầm Vân mộng vây quanh,
Trồng trềnh sóng lượn lay thành Nhạc Dương.
Muốn qua thuyền vắng nghẹn đường,
Ở dưng thời trị, thẹn thuồng mày râu.
Ngồi nhìn những kẻ buông câu
Luống công mong cá, có màu gì đâu.

 

Hai câu thơ Lê Đạt tâm đắc là ở trong bài “Xuân hiểu” của Mạnh Hạo Nhiên. Phiên âm Hán Việt, Dịch nghĩa:

 

Xuân hiểu
Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu?

 

Buổi sớm mùa xuân
Giấc ngủ đêm xuân không biết trời sáng
Nơi nơi đều nghe thấy tiếng chim hót
Đêm qua trong gió mưa
Chẳng hay hoa rụng nhiều hay ít?

 

(I) Trần Dần: Xin xem:  PHÊ BÌNH VĂN HỌC: TỨ BỀ THỌ ĐỊCH - ĐỖ NGỌC THẠCH .

 

(II) Trần Đức Thảo (1917- 1993) là nhà nghiên cứu triết học.Trần Đức Thảo sinh tại thôn Song Tháp, xã Châu Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tháng 11 năm 2008, đã đổi thành Song Tháp, Phường Châu Khê, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1936, ông được nhận học bổng sang Paris, Pháp để thi vào trường Đại học Sư phạm Paris. Ông tốt nghiệp thạc sĩ triết học hạng nhất tại Pháp lúc mới 26 tuổi (1942). Thay mặt sinh viên và trí thức Việt Nam du học ở Pháp, Trần Đức Thảo đã viết thư gửi về Tổ quốc, bày tỏ tình yêu nước nồng nàn đối với đất nước vừa giành được độc lập hồi tháng 8 năm 1945. Lá thư được in trên tờ Cờ giải phóng, cơ quan của Đảng CS Đông Dương. Năm 1952 ông về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp.

 

Năm 1955, ông trở thành giáo sư Triết học và là Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông bị quy tội dính líu đến phong trào Nhân văn Giai phẩm khi công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ. Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ông thôi giảng dạy ở trường Đại học và làm chuyên viên nghiên cứu. Năm 1992, ông sang Pháp chữa bệnh kết hợp với nghiên cứu và mất tại Paris vào năm sau. Di hài ông được nhà nước đưa về an táng tại Khu A Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. Năm 2000, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội.

 

(III) Đặng Đình Hưng (1924-1990). quê làng Thụy Dương, huyện Chương Mỹ, Hà Đông..Bắt đầu làm thơ từ cuối những năm 1950, đến khi qua đời (21-12-1990) Đặng Đình Hưng để lại tất cả 6 tập thơ. Tất cả đều chưa từng công bố rộng rãi, song một vài đoạn trích được in trên các báo vào dịp ông qua đời khiến công chúng thơ sửng sốt vì một tính cách thơ, một thi pháp hết sức độc đáo. Bến Lạ là tập thơ  đầu tiên xuất bản sau khi ông mất, NXB Văn Nghệ TP.HCM,1991.

 

(IV) Trần Đĩnh xem: ĐỌC LẠI "BÓNG CHỮ" CỦA LÊ ĐẠT - ĐỖ NGỌC THẠCH  

 

(V) Hoàng Cầm (1922-2010), tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ra tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y. Ông làm thơ từ năm lên tám, chín tuổi, bắt đầu được in từ những năm 1936 - 1937. Bút danh Hoàng Cầm xuất phát từ tên của một vị thuốc quý. Những năm kháng chiến, Hoàng Cầm gia nhập quân đội, chuyên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm 1957, ông là một trong số những hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, ông tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm và thôi công tác tại Hội Nhà văn.

 

Những tác phẩm chính: Trương Chi (xuất bản năm 1993), Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Kinh Bắc (thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Mưa Thuận Thành (thơ, 1959), Lá Diêu Bông (thơ, 1993), Đến từ hư không (thơ, 2000)...Năm 2007, Hoàng Cầm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật.

 

(VI) Phùng Quán (1932-1995) quê xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bắt đầu viết trong khoảng thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp và khẳng định được văn tài với Vượt Côn Đảo nhưng ông được biết đến nhiều hơn sau Đổi mới. Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV. Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt nam (tiền thân của tạp chí Văn nghệ quân đội). Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm. Khi phong trào này chấm dứt Phùng Quán bị kỷ luật, mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn VN và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi. Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác.

Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn VN hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Lời mẹ dặn, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe...Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng.

 

*

Cuối cùng thì điều gì là “Đặc sáng” ở Tiểu luận của Lê Đạt? Tôi xin đưa ra hai điểm “Đặc sáng” ở Lê Đạt là:

 

1/Lê Đạt thường dẫn lời nói hay của những nhân vật mà ông tâm đắc rồi dùng đó làm “điểm tựa”, “bàn đạp” cho việc triển khai ý tưởng của mình. Đó là cách làm quen thuộc song Lê Đạt đã “Làm mới” lời dẫn bằng suy nghĩ bất ngờ và độc đáo của mình. Chẳng hạn như Lê Đạt viết: “Nhà thơ Valéry của Pháp từng nói: “Thượng đế bao giờ cũng miễn phí cho nhà thơ câu thứ nhất”,“Để khuyến khích anh ta tiếp tục câu thứ hai đừng xoàng quá”. Những câu thơ hay thường là sản phẩm của công ty hợp doanh giữa thượng đế và phu chữ. Nhà thơ phải suốt đời cần cù chữ. Phải có sự trao đổi giữa chữ và nhà thơ và nhà thơ với chữ, nhà thơ phải dân chủ với chữ, phải để chữ có quyền dân chủ và tham dự cuộc bầu cử”.

 

2/ Đối với những cái gọi là “Chân lý vĩnh cửu”, Lê Đạt tỏ thái độ rất dứt khoát, rõ ràng - đó là bản lĩnh và độ lớn của một Nhà thơ: “Quan niệm Đông phương “Văn dĩ tải đạo” nghĩa là ý tưởng có trước và ngôn ngữ chỉ để truyền tải ý tưởng. Tuy nhiên, quan niệm này không còn phù hợp với văn thơ hiện đại. Trong sáng tác, các nhà thơ thường phải lập tứ, lập ý, chữ chỉ để diễn đạt ý. Nhưng với tôi, văn và ý ngang nhau, cũng có thể ý có trước hoặc văn có trước, nếu ý đến trước thì phải tiếp nhận nó, và nếu chữ ðến trước thì phải mở cửa mời nó vào, không được đuổi nó đi. Nhà thơ phải lễ phép với chữ. Nhà thơ quan liêu với chữ là nhà thơ vứt đi…Chúng ta thường quen với việc đề ra một chủ trương rồi làm thơ thực hiện chủ trương. Nhưng với tôi, khi bước vào bài thơ ta phải quên chủ trương đó đi. Một nhà văn từng phát biểu: Tác phẩm nói lên sự thất bại của mọi chủ trương lý luận có trước! Khi viết phải tự do, phải thoải mái, phải vui. Nếu viết cứ theo lý thuyết thì cả đời sẽ buồn bã và có khi trở thành nhà thơ chán đời.

Có ba câu thơ rất Lê Đạt mà mỗi lần đọc lên là thấy hình ảnh ông đang cười cười hiện ra:

Tuổi lú lẫn ngược nhầm ga trẻ dại

Hay ngây ngô không biết lối về già

Thơ thẩn chữ ngã ba…

 

Sài Gòn, tháng 11-2010

----

Chú thích:

(1) Lê Đạt (1929-2008): Tác phẩm chính: 36 Bài Thơ Tình (chung với Dương Tường, 1990); Thơ Lê Đạt - Sao Mai (chung với Sao Mai, 1991); Bóng chữ (Thơ -1994); Ngó lời (Thơ - 1997); Đối thoại với đời và thơ (NXB Trẻ, 2008); U 75 Từ Tình  (thơ và đoản ngôn, NXB Phụ Nữ, 2008); Đường Chữ (tiểu luận, NXB Hội Nhà Văn, 2009; 644 trang).

(2) Xem bài viết của Nguyên Ngọc: Lê Đạt, Người Hiền - Nguyên Ngọc

(3)  Nhà thơ Lê Đạt: Người lạc quan ngoan cố - Hoàng Hưng

(4) "Thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi!" - Nguyễn Việt Chiến

(5) Chất vàng mười Lê Đạt – Chu Văn Sơn  

(6) Đông La:  Thơ và Vật lý hay bỏ đường quang đâm quàng bụi rậm

 

(7) Xem thêm 4 bài tiểu luận có liên quan của Lê Đạt như Lý tính phê bình, Văn hóa đối thoại, Lời quê Cái khác…:

Cái khác... – Lê Đạt

Sau khi sáng chế ra những máy móc lực sĩ trợ giúp con người trong lao động cơ bắp, càc nhà khoa học thế kỷ XX đã sáng chế ra những máy móc thông minh (một khả năng mà các nhà thần học cho rằng đó là ân sủng đặc biệt mà Thượng đế dành riêng cho con người). Một số nhà văn lo xa và quá giầu tưởng tượng đã nghĩ đến những cốt truyện khá hấp dẫn và đầy gay cấn về cuộc đua tranh giữa nguời máy và người thật.

 

Và đã có những bộ óc sáng suốt không nghĩ rằng tin học có thể giải quyết được cơn khủng hoảng của lý tính. Máy tính đúng là một sáng chế vĩ đại của trí tuệ con người. Nhưng máy tính dầu ở thế hệ mấy chăng nữa cũng làm việc theo những chương trình đã định sẵn (dẫu là những chương trình mở) và chẳng bao giờ nó có thể trả lời được những câu hỏi cơ bản từng trăn trở nhân loại từ khi giã từ kiếp bốn chân để đứng thẳng bước vào kiếp người cho đến giờ: con người từ đâu đến? con người đi đến đâu? Con người sống để làm gì?

 

Sự tiến bộ thần tốc của tin học, của kỹ học diễn ra trong nửa cuối thế kỷ đầy những bi kịch về mặt xã hội của loài người.

 

Liên Xô tan rã kéo theo sự tan rã của Đông Âu. Các sắc tộc, các dân tộc đứng lên đòi hỏi quyền được sống với đặc tính văn hóa, với sắc thái của riêng mình. Về căn bản, đó là những đòi hỏi chính đáng, nhưng chen vào là những tham vọng, những thái độ cực đoan, phục thù. Và súng lại nổ - Và máu lại chảy - Những dân tộc hôm qua còn sống cùng một chung cư, nếu không phải như anh em thì cũng như những láng giềng tử tế, bỗng chĩa súng vào nhau đòi hỏi “quyền lợi chính đáng” của mình bằng bạo lực.

Cơn thảm kịch của Nam Tư, của một số nước Cộng hoà trong Liên Xô cũ, những cuộc xung đột sắc tộc dữ dội tại nhiều nước. Rồi nạn đói thảm khốc tại Châu Phi, kết quả của những cuộc nội chiến đẫm máu. Rồi sự phát triển của bệnh cồng tín của đủ các thứ tôn giáo, của thái độ mê tin dị đoan đội lốt khoa học. Một cơn bão hằn thù không khoan nhượng đến những trận cuồng phong mây mưa trên khắp trái đất. Nạn khủng bố phát triển mau lẹ trên cơ thể nhân loại như những tế bào ác tính vào giai đoạn kịch phát.

Trước những bước đi vũ bão của khoa học, hình như một số người đã quên rằng mọi sự sùng bái đều mù quáng, kể cả sự sùng bái lý tính. Sự sùng bái lý tính chỉ là cực đổi dấu của sự sùng bái tôn giáo – cả hai đều một chiều – và dựa trên một nguyên lý nổi tiếng đã có từ thời Arixtốt – nguyên lý loại trừ về thứ ba. Hoặc đúng hoặc sai, không có vế thứ ba. Hay nói một cách khác: Kẻ nào không đi với ta là chống lại ta. Chính nguyên lý nặng hệ quả của các quyết định luận cơ học, đã là cha đẻ của mọi tư duy máy móc, mọi thái độ không khoan nhượng, mọi sự hận thù, kỳ thị.

 

Vật lý lượng tử khi đưa vào nguyên lý bất định đã buộc phải đổi mới cách tư duy loại trừ, từ lâu vẫn thống trị nhân loại.

 

Bên cạnh hai vế đúng/ sai/ nó đưa vào một vế thứ ba và chúng ta có một bộ ba mới đúng/sai/khác. Tôi khác anh không có nghĩa là tôi chống lại anh. Hơn nữa tôi có thể bổ sung cho anh. Hệ quả lớn nhất của thuyết bất định là đề nghị dùng nguyên lý bổ sung thay thế nguyên lý loại trừ.

 

Con người thế kỷ XXI phải làm quen với một thế ổn định động, lý tính phải làm quen với sự bất định lý tính phải mở cửa cho sự bất định thương lượng với nó, nhân nhượng ký kết với nó những thoả ước ổn định trong từng thời hạn, trung hạn, ngắn hạn... Nói vậy không phải hạ thấp lý tính, tuyên truyền cho sự thoả hiệp và lý tính ba phải. Mà là đẳng cấp lý tính lên một mức trưởng thành mới, rũ bỏ những định kiến, những ngộ nhận máy móc, tăng cờng tính hiệu lực của lý tính.

 

Việc phát triển một số những lý thuyết khoa học gần đây về hỗn độn học (chaologic) về những cấu trúc phân tán (structures dissipatives) cho ta thấy những bước đầu đầy khích lệ của lý tính kiểu mới. Một trong những khó khăn của loài người là ngôn từ thường phát triển chậm hơn tư duy. Và nhiều khi chúng ta phải sử dụng những ngôn từ đã quá đát chưa được xác định để biểu hiện những thay đổi mới. Tôi e rằng biểu thức rất phổ biến cũng như rất nổi tiếng “thương trường là chiến trường” vẫn còn mang hơi hướng của thời độc thoại, loại trừ cũ. Nhu cầu đối thoại đòi hỏi một cách ứng xử mới phù hợp, đó là sự chung sống hòa bình trên cơ sở những thương lượng nhiều khi rất gay gắt nhưng không phải để loại trừ nhau mà để cùng tồn tại, cùng có lợi.

 

Thế kỷ XXI mong rằng sẽ là một thế kỷ hoà bình, cởi mở, hiệp thương và tương nhượng. Thế giới là một sân chơi lớn – và không ai chơi một mình. Con người phải tập làm quen với cái khác, bắt tay liên doanh với nó coi nó như một bên đối tác lâu dài.

 

Văn hóa đối thoại – Lê Đạt

 

Với đà phát triển tăng tốc của "toàn cầu hóa" đối thoại đã vượt khỏi giới hạn một kỹ năng và trở thành một phạm trù mới của đạo đức.

 

1) Một trong những tiến bộ đáng nể nhất của tư duy hiện đại là đã vượt qua thời nguyên lý loại trừ bước sang kỷ nguyên của nguyên lý bổ sung.

Nguyên lý loại trừ có một sức ỳ thâm căn cố đế vì nó đã chế ngự tư duy nhân loại đằng đẵng hàng nghìn năm trời. Nó vận hành trên hai vế đúng/sai và không công nhận, tuyệt đối không công nhận có vế thứ ba. Cách hành xử của nó là độc thoại và cao trào của nó là định kiến: kẻ nào không đi với ta là chống lại ta. Phong cách của nó là khép kín, bảo thủ, hẹp hòi và độc đoán. Lịch sử còn nhớ lời phát ngôn nổi tiếng của Goebel một cánh tay đắc lực của Hitle: "Khi tôi nghe thấy từ văn hóa, tôi rút súng ra".

Nguyên lý bổ sung cung cấp cho vận hành tư duy hiện đại một vế thứ ba: cái khác. Cách hành xử của nó là đối thoại. Phong thái của nó là cởi mở, dung nhận, thực sự cầu thị, bình đẳng và đoàn kết. Nó phủ-nhận mọi chân lý độc tôn, tất định. Nó khuyến khích mọi cuộc tranh luận, mọi ý kiến khác biệt trên con đường không có kết thúc (non finito) của hành trình chân lý.

Nguyên lý bổ sung của Bohr và đôi bạn đồng hành nguyên lý bất định của Heisenberg và nguyên lý bất toàn của Godel hoạt động như bộ ba "ngự lâm quân pháo thủ" của tư duy hiện đại. Hiểu biết của con người ngày một trưởng thành. Con người ngày càng hiểu rằng tri thức của mình là hữu hạn, rằng chân lý là một quá trình tiếp cận trường kỳ, chân lý luôn luôn trên đường đi và không có ngày Chúa nhặt cũng như không có một công ty độc quyền chân lý.

Xây dựng một nền văn hóa đối thoại hết sức bức thiết nhưng cũng trường kỳ khó khăn vì loài người sống quá lâu năm trong thói quen độc thoại- Nó như một bóng ma bất đắc kỳ tử luôn luôn ám ảnh hành trình đối thoại của loài người.

 

2) Tôi xin phép được nhắc lại và nhấn mạnh đề phòng mọi sự hiểu lầm.

- Độc thoại là tin rằng mình đã nắm vững chân lý và chỉ có nhiệm vụ cao cả là thuyết phục kẻ khác chấp thuận. Tật cố hữu của nó là áp đặt cửa quyền và sốt ruột. Các nhà tri thức học gọi đó là phong cách nóng (hot). Như trên đã nói: với người độc thoại chân lý là đã có sẵn và ở phía sau lưng nên do đó thường có tính chất bảo thủ tự mãn và đa nghi.

- Đối thoại, ngược lại, tin rằng chân lý không phải một tiền đề (précepte) mà một hậu đề (postcete) kết quả của một quá trình phân tích, thảo luận, xây dựng của nhiều người nên phong cách của nó là thành khẩn, bình tĩnh và dân chủ. Giới học thuyết gọi đó là phong cách mát (cool).

 

3) Từ thời mở cửa chúng ta đã bắt đầu xây dựng được một sinh hoạt đối thoại khá tốt. Trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đã xuất hiện những cuộc thảo luận tương đối có chất lượng.

Nhưng phải nói thật với nhau, để xây dựng được một nền văn hóa đối thoại thực chất còn rất nhiều điều cần phải làm.

 

Một số cá nhân hoạt động văn hóa "nhà nọ nhà kia" hẳn hoi trong lúc tranh cãi về học thuật đã cãi nhau theo nghĩa đen với những lời lẽ rất mất vệ sinh của đám người ngoài chợ.

Một số người còn mắc bệnh cay cú "cãi lấy được" cố tìm cách moi móc, cố tình đánh những đòn hiểm (?) để hạ "nốc ao" đối thủ.

 

Chúng ta phải cố gắng trọng thị hơn nữa những bạn đối thoại với ta (đó cũng là thái độ tự trọng) và cố gắng "fair play" (chơi đẹp) đến mức tối đa có thể như những vận động viên có tư cách.

Cái bi kịch cũng như cái lớn lao của con người là: Điều gì cũng phải học và điều gì cũng có thể học được.

 

Học ăn, học nói, học gói, học mở. Học nói chính là văn hóa đối thoại.

Ngay từ thời xa xưa các cụ ta đã có những lời khuyên hết sức tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc về đối thoại. Chẳng hạn: "Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", "Lời chào cao hơn mâm cỗ", "Một sự nhịn là chín sự lành", "Nói phải củ cải nghe cũng được". Trong đối thoại một đòi hỏi quan trọng là phải biết lắng nghe. Một thiền sư dạy: Không phải vô cớ mà trời sinh ra con người có hai tai và một miệng.

 

4) Đầu thế kỷ XX trước thiên hướng chuyên môn hóa cao của khoa học, Nitsơ đã lo rằng một ngày không xa con người sẽ chuyên môn hóa đến mức trở thành những thằng gù (?)

Như những Cátxăngđrơ (cô đồng báo điềm gở), các trí tuệ lớn thường đứng ở điểm lâm nguy của nhân loại. Mặc dầu khả năng tiên tri lỗi lạc, Nietzsche cũng chưa vượt qua được nguyên lý loại trừ của thời đại mình. Cơ nguy chuyên môn đến mức "gù hóa" là có thật nhưng chưa bao giờ người ta đề cập đến những khoa học liên thông liên ngành nhiều như bây giờ. Nhà bác học lớn người Bỉ Prigogine còn công khai hô hào cho một khối liên minh mới giữa tất cả các ngành khoa học tự nhiên và xã hội để tạo dựng một cái nhìn nên thơ và đỡ khô cứng đối với sự sống.

 

Và những câu nói "hội nhập", "toàn cầu hóa" gần như đã trở thành lời nói cửa miệng của thế kỷ XXI. Văn hóa đối thoại đã trở thành một yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết.

 

Lý tính phê bình – Lê Đạt

 

Khoa học và kỹ thuật cuối thế kỷ XX tiến như vũ bão. Hình ảnh chiếc hia bảy dặm trong cổ tích sợ còn lạc hậu so với tốc độ phát triển của ngành tin học. Cái “đổi mới" hôm nào hôm nay đã trở thành “đời cũ” bán hạ giá ở chợ trời.

 

Người ta đã tạo ra con cừu Dolly bằng phương pháp sinh sản vô tính. Người ta đã phát hiện ra mật mã của gen, điều mà từ trước đến nay Thượng đế vẫn găm giữ trong cuốn sách ngữ pháp tuyệt mật của Thâm thiên cung cấm kỵ đối với hạ giới. Có người đã tính đến việc kinh doanh bất động sản trên mặt trăng như kinh doanh bất động sản ở những khu đô thị sắp mở. Hầu như không gì ngăn cản được bước tấn công của lý tính khám phá.

 

Một lần nữa, một số các nhà văn, nhà thơ, nhà truyền thông lại có cơ hội ca ngợi sức mạnh vạn năng của khoa học thực nghiệm và bước đi bạt núi ngăn sông của nó. Giữa giàn kèn đồng ồn ào trên, tiếng nói nhỏ nhẹ của một nhà tri thức học (épistémologie) người Pháp gốc Nga, Koyrê thật lạc lõng, thậm chí hơi bị bất lịch sự: "Tôi từng nói rằng khoa học hiện đại đã lật nhào bức rào ngăn cách những vùng trời với quả đất, rằng khoa học liên kết và thống nhất vũ trụ. Điều đó đúng, nhưng tôi cũng nói rằng nó tiến hành công việc trên bằng cách thay thế thế giới những chất lượng và những tri giác cảm thụ của chúng ta, thế giới trong đó chúng ta sống, yêu và chết, bằng một thế giới khác, thế giới của số lượng, của hình học đã được thần thánh hóa, thề giới trong đó mặc dầu có chỗ cho tất cả mọi thứ, chỉ không có chỗ cho con người.

 

Người ta có thể chê Koyrê là một nhà triết học nhiễu sự và hơi quá đát (ông mất năm 1964) nhưng Prigogin, nhà hóa học nổi tiếng, giải Nobel năm 1977, không những không phản bác ý kiến nhà triết học mà còn lớn tiếng phụ họa: "Việc thí nghiệm chất vấn tự nhiên theo cách một quan tòa nhân danh những nguyên lý đã định... đó là một tự nhiên bị đơn giản hóa, được chuẩn bị sẵn, đôi khi bị cắt xén tùy thuộc vào giả thiết có trước... Cái mà khoa học cổ điển đụng chạm tới tự khô héo và chết, chết đối với sự đa dạng chất lượng, đối với sự độc đáo, để đơn thuần trớ thành hệ quả một quy luật phổ biến".

 

Ông còn nói thêm: "Khoa học cổ điển bao giờ cũng giá định từ trước sự xuẩn ngốc đơn điệu của thế giới mà nó chất vấn". Việc phá hoại nghiêm trọng tự nhiên với sự tiếp tay của khoa học kỹ thuật dưới chiêu bài cải tạo vũ trụ, việc trả đũa không kém phần quyết liệt của tự nhiên qua những trận bão lụt hạn hán kinh thiên động địa, qua hiệu ứng nhà kính đầy hậu họa khôn lường đã đánh thức mối bận tâm đột ngột có tính toàn cầu đối với việc bức thiết phải bảo vệ môi trường sống của con người, trước khi quá muộn. Nó đánh dấu một bước ngoặt của khoa học.

 

Khoa học đã có khuynh hướng bỏ dần cuồng vọng vĩ đại làm chủ một tự nhiên, đơn giản, ù lỳ, ngoan ngoãn và dắt mũi nó theo những ý hướng chủ quan nhiều khi thiếu khôn ngoan của những hoạch định vội vàng. Càng ngày càng có nhiều nhà trí thức yêu cầu khoa học phải chú ý đến tính chất đa dạng, phức hợp, phong phú (thi vị nữa) của tự nhiên, lắng nghe và thành thật đối thoại với nó một cách khiêm tốn và hợp tác.

 

Thời đại đòi hỏi khoa học phải mở một cuộc liên minh quy mô lớn với các ngành khoa học nhân văn khác, với triết học và nghệ thuật, nói tóm lại xây dựng một khoa học của con người với tư cách là thành viên của tự nhiên chứ không phải với tư cách một tiểu thượng đế từ trên nằm xuống.

 

Prigogin nêu ra một hình ảnh rất hay: “Người ta nói rằng để quan niệm đầy đủ hơn những hệ quả tính chất hằng số phổ biến của tốc độ ánh sáng, Einstein đã tưởng tượng mình cưỡi một phôtông, nhưng cơ học lượng tử đã phát hiện được rằng chúng ta hoặc những dụng cụ đo của chúng ta quá nặng, để có khá năng cưỡi một phôtông hay một electron".

 

Dầu là một thiên tài, nhà bác học vẫn chi là một con người nặng cân. Càng ngày con người càng nhận thức được rằng lý tính khám phá đôi lúc quá say sưa với những thành tựu mà thiếu tinh táo nhìn lại bản thân nó. Lý tính khám phá có phút quên mất rằng ánh sáng chiếu vào vùng này thì lại để tối ở vùng khác.

Từ cổ xưa, các nhà triết học phương Đông đã nhắc nhở: “Bóng tối nằm ngay trên đĩa đèn”. Và thế giới lý tính còn không ít những “vùng mù”. Người ta thường nói thời đại mới là thời đại của khoa học, của trí thức. Nhưng tri thức không phải là một chức danh, một bằng cấp (dầu là thứ thiệt) để hưởng lộc suốt đời. Nó đòi hỏi một quá trình phấn đấu không ngừng để tự hoàn thiện.

 

Hình như Kant tác giả bộ “Phê bình lý tính thuần túy” sau khi trở thành một nhà triết học lừng lẫy được nhiều người ca ngợi và bình giảng, đã nói: “Thượng đế hãy giúp tôi đối phó với đám bạn bè, còn kẻ thù thì tôi có thể đảm trách được”.

 

Sự phát triển của khoa học thực nghiệm đòi hỏi sự phát triển của một ngành học anh em mà người ta gọi là trí thức học hay theo cách gọi của người Anglo Saxon, ngành triết - khoa học, nó chính là chuyên ngành của lý tính phê bình.

“Người ta nhận ra tính duy lý thật sự ở khả năng tự nhận ra những thiếu xót của bản thân nó”.

 

Lời quê – Lê Đạt

 

Hai chân sau đứng thẳng chung chiêng vùng ẩn số,

Hai chân trên nghều ngoào phôi chữ một khai nguyên

1. Vào buổi bình minh của lịch sử, khi khoa học tự nhiên còn sơ khai, trước sự chuyển động của dòng đời ngổn ngang trăm mối, các bộ óc của nhân loại, các nhà triết học đã cố gắng xây dựng những hệ thống kiến thức, tìm cách an bài mọi sự và cung cấp cho loài người những mô hình ổn định bao gồm mọi mặt sinh hoạt của xã hội. Đó là những tòa kiến trúc tổng thể vĩ đại nhằm minh giải nguồn gốc của vũ trụ cũng như quy định những thân phận rõ ràng cho từng thành phần trong cộng đồng.

 

Người ta dễ dàng coi đó là những chân lý hiển nhiên. Nhưng cuộc sống muôn màu muôn vẻ vẫn cảm thấy chật chội trong những cấu trúc vĩ đại đó. Vì thế nảy nòi một loại những triết gia "bụi" luôn đề ra những nghịch lý cốt để chứng minh tính thiếu sót cố hữu của mọi kiến trúc tổng thể.

 

Lâu đời và nổi tiếng nhất là “nghịch lý thằng Cuội”. Nghịch lý đó như sau: “Tất cả dân đảo Crete đều cuội”

Các nhà triết học đã vò đầu bứt tai mãi mà không giải quyết ổn thỏa được nghịch lý này.

 

- Nếu tất cả dân đảo Crète đều nói dối, thì với tư cách là một người dân đảo Crète, anh cũng nói dối, lời nói của anh không đáng giá nửa xu. Nếu anh nói thật, có nghĩa là dân đảo Crète không phải tất cả đều nói dối. Hình như mọi sự rắc rối đều phát sinh từ hai thứ "tất cả".

 

2. Bước tiến bộ như vũ bão của khoa học tự nhiên, đánh dấu sự suy tàn của siêu hình học.

Khỉ Napoléon khen nhà thiên văn học Laplace: "Trong cuốn sách của ông tôi không hề thấy từ Thượng Đế xuất hiện dù chỉ một lần". Laplace điềm nhiên trả lời: "Tâu bệ hạ, Thượng Đế đã trở thành một khái niệm vô dụng". Sự xuất hiện của Newton cùng thuyết vạn vật hấp dẫn tuyệt mỹ của ông đã khiến nhà thơ mù người Anh Milton thốt lên:“Và Newton xuất hiện, mọi sự đều sáng tỏ”. Khoa học tự nhiên và quyết định luận của nó tưởng như đã có thể vĩnh viễn ngự trị tất cả thế giới.

 

Những thể nghiệm nghiêm ngặt và công phu tại các phòng thí nghiệm khiến các nhà khoa học tin rằng cuối cùng mình đã nắm được hiện thực và do đó có thể điều khiển được nó - như tiểu Thượng Đế thực sự.

 

Ngày hội đương đông vui rôm rả lại bỗng xuất hiện những khách không mời mà đến.

Niels Bohr ông tổ thứ nhất của ngành vật lý lượng tử quẳng ra một lời phát biểu hết sức "chối tai": "Hiện tượng không phải là hiện thực, nó là hiện thực cộng với dụng cụ quan sát và người quan sát". Chưa hết, ông còn bồi thêm một đòn trí mạng nữa thông qua lý thuyết bổ sung: "Ánh sáng vừa là hạt vừa là sóng". Vậy thì kết cục ánh sáng là gì?

 

Người bạn đồng hành của Bohr, Heisenberg bắn thẳng vào quyết định luận cổ điển bằng "nguyên lý bất định" và chứng minh rằng "chân lý thiêng liêng" kia không phải đúng ở mọi nơi mọi lúc, nó không hiệu lực trong thế giới các hạt. Nhà triết học người Áo Adomo kết luận một cách "tàn nhẫn": "Sự tất cả (latotalité) là điều phi chân lý". Còn nhà tri thức học người Anh, Popper thì khẳng định không úp mở: "Các lý thuyết khoa học thực nghiệm đều là giả thuyết".

 

Các nhà khoa học dù vĩ đại đến đâu cũng chỉ là một con người với thân phận hữu hạn của nó. Và trời đất thì vô cùng. Khoa học chỉ là một chuỗi "tiếp cận trường kỳ không có dấu chấm hết" .

 

3. Bất giác nhớ tới nhà thiền học Nhật Suzuki: "Một sự vật trở thành hài hước khi bị kéo ra khỏi khung cảnh hạn hẹp của nó để được đặt vào một khung cảnh khác rộng lớn hơn".

Và nhà văn lớn người Đức Herman Hesse: "Sự nghiêm túc là một hiểu lầm xuất phát từ thời gian. Nó là kết quả của sự phóng đại giá trị thời gian. Trong vĩnh hằng thời gian không tồn tại. Vĩnh hằng là một khoảnh khắc vừa đủ cho một lời bông phèng".

 

4. Người ta thường có thói quen phân định rạch ròi: a. Khoa học là thế giới của lý tính (logic); b. Nghệ thuật là thế giới của tưởng tượng. Đó là một sự phân định sai lầm và có hại.

Nhà khoa học không có tưởng tượng chỉ là một công chức khoa học thồ một khối kiến thức nặng nề trên lưng như "cái bướu của một anh gù" (chữ của Nietzsche). Nhà nghệ thuật thiếu lý tính chỉ là một nghệ sĩ thứ phẩm mắc bệnh vĩ đại cũng cần chữa trị hoặc nên đổi nghề.

 

Heisenberg nhận xét: "Khoa học và nghệ thuật trong quá trình nhiều thế kỷ, tạo thành một ngôn ngữ của con người qua đó chúng ta có thể đề cập đến những phần ẩn náu sâu kín nhất của hiện thực".  Và Poincaré, một trong những ông tổ của ngành toán xác suất: "Điều cốt tử trong tinh thần toán học không phải tính logic mà mỹ học, sự sai không còn được coi như một khuyết điểm mà được coi như một yếu tố chức năng tham dự vào quá trình phát triển của trí tuệ".

Nó chính là gốc của phương pháp “thử và sai" trong khoa học.


5. Tưởng tượng cũng có nhiều cấp. Có tưởng tượng cao cấp và tưởng tượng hạ cấp. Phải học tập để nâng cao tưởng tượng. Khi trái táo rụng xuống đầu, kẻ dung tục tưởng tượng ngay ra một đĩa bánh táo ngon lành. Còn Newton tưởng tượng ra trọng lực và thuyết vạn vật hấp dẫn.

 

6. Theo Borgès, một trong những nhà văn kiệt xuất nhất thế kỷ XX, không ít người trở thành độc ác vì thiếu óc tưởng tượng. Và ông hết lời ca ngợi một người bạn đã có khả năng tưởng tượng ra 12 tôn giáo "để mọi người có thể mỗi tháng thay đổi tôn giáo một lần và những người sinh vào tháng giêng có thể có một tôn giáo khác với những người sinh vào tháng chạp".

 

7. Tôi không phủ nhận vai trò những dụng cụ tinh xảo, nhưng tôi có cảm giác về số người quá nhấn mạnh đến vai trò (quyết định) của chúng.Người ta kể lại rằng khi hai vợ chồng nhà bác học Einstein được mời đến thăm một đài quan sát thiên văn nổi tiếng tại Hoa Kỳ, vị giám đốc có vẻ hơi tự đắc hỏi vợ nhà bác học: "Bà thấy trang thiết bị ở đây thế nào?". Vợ nhà bác học điềm nhiên trả lời: "Hơi nhiều. Khi nghĩ ra thuyết tương đối ông nhà tôi chỉ có một cuốn sổ tay và một cây bút chì".

 

8. Chúng ta đương đứng trước một thiên niên kỷ mới đầy sôi động, hay nói như các báo "đầy triển vọng nhưng cũng đầy thách thức", nó đòi hỏi chúng ta phải có một óc tưởng tượng táo bạo. Và một lý tính sáng suốt để khỏi rơi vào tình trạng "chân chậm uống nước đục".

Nói như Prigorine, thời đại mới đòi hỏi một "cách nghe mới thi vị" trên cơ sở một sự liên minh "mở" rộng rãi giữa các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, triết học và văn học nghệ thuật cố gắng đối thoại một cách sáng tạo với cuộc sống.

 

(8) Người hàng xóm thân thiết - Lê Đạt

 

Các nhà nghiên cứu lịch sử hội họa, nhất là vào khoảng 100 năm gần đây hình như đều chấp nhận một sự thật hiển nhiên: giới thơ là những người hàng xóm thân thiết nhất cũng như đáng tin cậy nhất của hội họa.

Ta tạm dẫn ra một vài thí dụ tiêu biểu: Apollinaire từng là bạn của Picasso, Reverdi của Braque, Henri Michaux của Magritte, Aragon của Matisse...


Trong vận hành của hội họa, tự nhiên vừa là nguồn cung cấp chất liệu hay nói nôm na là nuôi hội họa đồng thời cũng là đối thủ nguy hiểm nhất của nó.


Cái đòi hỏi giống thật ngay từ những ngày đầu trăng đầu nước của mối lương duyên giữa tự  nhiên và hội họa đã là nguyên nhân đáng tiếc của không ít những cảnh súp chẳng lành canh chẳng ngọt.
Từ trên diễn đàn trang trọng này tôi xin phép tuyên bố ngoài luồng rằng kẻ thù ngoan cố và dai dẳng nhất của hội họa chính là chủ nghĩa tự nhiên.


Một số nhà lý luận đứng đắn hẳn hoi cũng đã từng tuyên bố rằng nhiệm vụ chủ yếu của hội họa là ghi lại tự nhiên.

Không đợi đến các trường phái hiện đại một trăm năm gần đây, từ thuở trưởng thành chưa bao giờ hội họa tự đặt ra cho mình nhiệm vụ phải ghi lại tự nhiên cả. Nó không có nhiệm vụ phải sao chép tự nhiên mà tạo ra một tự nhiên mang đậm dấu ấn văn hóa của con người.


Bức tranh La Joconde của Leonardo da Vinci không đơn thuần là chân dung của bà vợ ngài thương gia Joconde thành phố Milan- Nó dzậy mà không phải dzậy- Nó còn là chân dung của nữ tình.
Phân tích một cách chặt chẽ ra mọi tự nhiên trong một tác phẩm hội họa đều ít nhiều có tính chất siêu tự nhiên.
Nhà thơ Pháp Jean Cocteau đã diễn đạt ý kiến này theo phong cách bay bướm đặc trưng của ông:
"Cái chổi trong tranh Van de Velde bao giờ cũng là hơn một cái chổi, nó là một sinh linh có khả năng đối thoại với trăng sao".


Người ta thường khen Cartierr Bretson nhà nhiếp ảnh người Pháp nổi tiếng thế giới đầu thế kỷ XX về những bức ảnh "đời thường" đã đạt tới mức kiệt tác của ông. Đó là một sự hiểu lầm đáng tiếc. Những bức ảnh "đời thường" của Bretson đã trở thành dị thường dưới lóe chớp đốn ngộ của nhà nhiếp ảnh.
Việc ra đời của hội họa trừu tượng, dầu muốn hay không muốn đã đánh dấu một bước phát triển ngoạn mục của hội họa.

Nhiều người nói rằng lời phát biểu "trên cả tuyệt vời" sau đây: Trừu tượng là một hiện thực khác là của Kandinsky. Điều quan trọng không phải nhà danh họa có nói như vậy hay không. Điều quan trọng là ông đáng được nói câu ấy.


Những người cách tân trong hội họa (mà không phải chỉ riêng hội họa) thường bị chê trách là những kẻ phá bĩnh, không biết điều. (Thì ưu điểm nhất của họ là không biết điều). Thiên hạ cho rằng những gò bó của hội họa cổ điển quá khó nên một số họa sĩ trẻ bất tài mới phá phách làm càn.
Một nghệ sĩ mà không chế ngự được những gò bó dầu khó khăn đến đâu của nghệ thuật là một nghệ sĩ vét đĩa. Những họa phẩm phong cách cổ điển của Picasso đã đạt tới cái đẹp thánh thiện không thua gì Raphael.
Một nghệ sĩ cách tân coi khinh 15 phút những sự gò bó của nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật nào chẳng có những cái gò bó của nó, những cách tân của họ chỉ nhằm loại bỏ những gò bó lỗi thời, phi mỹ học và phản nhân tính, để tạo ra những gò bó mới thỏa đáng hơn, cao cấp hơn, tự do hơn.

Đã có thời người ta lòe rằng luật thơ Đường là cực khó. Số lượng khổng lồ thơ các cụ tại những đài phát thanh phường chứng tỏ rằng những niêm luật dọa người thật ra cũng chẳng có gì là ghê gớm.
Hoạt động sôi động của hội họa Việt Nam một thập niên gần đây với sự ra đời của một số họa sĩ có cá tính đã chứng tỏ rằng các nghệ sĩ trẻ không phải một đám người lập dị, bất tài.
Ngược hẳn lại, tôi cho rằng sự phát triển của hội họa không giá vẽ, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, thân thể họa, hội họa kết hợp với truyền hình là những nỗ lực đầy văn hóa của một lớp nghệ sĩ trẻ đã trưởng thành và dám chịu trách nhiệm về mình.


Tự do chân chính bao giờ cũng gắn liền với trách nhiệm cao. Người nghệ sĩ một mình đứng trước tác phẩm, không còn được dựa vào những quy chiếu quen thuộc an toàn của quá khứ, chỉ hoàn toàn dựa vào lương tâm của mình có thể coi là hành động dũng cảm và mạo hiểm của những người mở đường.
Mở đường bao giờ cũng là một công việc khó khăn, sao ta không giúp đỡ mà lại cản đường họ?
Tôi rất tâm đắc câu của một nhà triết học già người Pháp, Paul Ricoeur: "Mỹ học hiện đại càng ngày càng gần với đạo đức học".


(9) Một số đoản ngôn của Lê Đạt:

Tình yêu


Tình yêu có thể là phát minh tốt đẹp nhất, cũng nguy hiểm nhất của văn hóa người. Theo báo cáo mới nhất của W.L.O (World Love Organization): ¾ thế giới thành niên bị bệnh thất tình cấp hay mãn tính.
Nói dối
Trong các tội nói dối, có lẽ dối già là đáng tha thứ nhất. Người Pháp vốn đa tình đã gọi nó là một tội xinh (péchémignon)
Luật đất đai
Vĩ nhân ít nhiều đều vi phạm luật đất đai. Họ ăn tốn diện tích quá.
Thanh tra thời gian
Thanh tra thời gian có nhiệm vụ định kỳ kiểm tra khu ghế V.I.P. tàu xuyên lịch sử và khẽ nhắc nhở “Quý ông quý bà đã ngồi nhầm số”.
Giải lao
Nhà thơ X. nổi vì quá nhiều phao tiếp thị - Ông muốn chìm chốc lát để giải lao cũng không được. Thật bất hạnh!
Thời trang và tu từ
Thời trang là thuật của phái đẹp.
Tu từ là thuật của nhà thơ, một phái đẹp khác.
Thiện ý
Các đấng cứu thế nhiều khi làm khổ loài người vì chính thiện ý của họ. Họ thường mắc bệnh sốt ruột.
Nitsơ
Đọc đâu đó ở Nitsơ:
Tôi có một số ý tưởng hay họ toan tính dung tục hóa chúng thành những chân lý.
Tham quan
Điểm tham quan nóng nhất của lịch sử là Suối Giải Oan.
Parménit
Parménit, nhà triết học nổi tiếng thế kỷ thứ V trước C.N. là tác giả của câu nói rất hiện đại sau đây:
“Người ta ít phát biểu những ý kiến của mình mà thường phát biểu những dư luận”.
Thấy và tìm
Jăng Cốctô có một nhận xét đặc biệt sâu sắc về người bạn Picatxô của mình:
- Đối với Picatxô, điều quan trọng nhất là cường độ. Ông thấy trước, và tìm sau.
Tác phẩm
Mọi tác phẩm xuất sắc đều là những đứa con cầu tự.
Kẻ thù
Kẻ thù của bình đẳng là chủ nghĩa bình quân.
Thơ cổ điển và hiện đại
Trong một bài thơ cổ điển, nghĩa thường đến đúng hẹn. Trong một bài thơ hiện đại, nghĩa thường đến trễ giờ.
Nhu cầu
Nhu cầu là ham muốn bị quản thúc tại chỗ.
Chữ tác, chữ tộ
Các đấng thánh hiền dạy tông đồ phải chống lại bản thân, họ thường hiểu phải chống lại kẻ khác.

Không có hậu
Lộ trình của nhiều nhà cách tân thường không có hậu. Họ đi từ những phân tích mở và độc đáo đến những kết luận đóng và độc đoán.

Tự điển mới
Quan tham gồm những kẻ có quyền tham quan và cầm nhầm tài sản của Nhà nước.Có vị thẩm phán đề nghị xử lý hành chính họ thật nghiêm về lỗi thiếu trách nhiệm cũng như sơ ý và phạt họ 50.000 tiền pôlime, tiền có độ an toàn cao (!!!)

Bình đẳng giới
Không có con hoang chỉ có những người bố khai hoang trái phép. Ngôn ngữ bình đẳng giới gọi họ là lâm tặc.

Cúng cơm bác Nguyễn Phở
Giáo điều là những kẻ vô văn hóa ẩm thực ăn chủ nghĩa cả lông.

Nghệ thuật sắp đặt
Nghệ thuật sắp đặt có một nhược điểm: Nó thường quên chỗ của tác giả.
Đó là một điểm mạnh trong bố cục nhân sự.

 (hết)

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 4037
Ngày đăng: 19.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái Thế Lực Của Nhà Văn Hào - Phan Khôi
Cấu Trúc Hình Tượng Không Gian Trong Tiểu Thuyết Sông Côn Mùa Lũ Của Nguyễn Mộng Giác - Nguyễn Thị Kim Oanh
Nghĩ Về Thơ Tô Thùy Yên, Thơ Bảy Chữ Có Ưu-Thế Hơn Thơ Tự Do - Trần Văn Nam
Đọc Lại Truyện Kiều-1 - Hiếu Tân
Đọc Lại Truyện Kiều-2 - Hiếu Tân
Về Quái - Nguyễn Bình Phương
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954-1958 (phần 4) - Lại Nguyên Ân
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954-1958 (phần 3) - Lại Nguyên Ân
Hàn Mặc Tử thi sĩ của đau thương và bất hạnh - Thụy Khuê
Hàn Mặc Tử, lãng mạn hay tượng trưng? - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)