Enrique Krauzelà biên tập viên của Letras Libres. Tiểu luận này được Natasha Wimmer dịch từ tiếng Tây Ban Nha.Bản tiếng Việt : Hiếu Tân. November 7, 2009
Tất cả những nhà độc tài, từ Creon trở đi, đều là những nạn nhân –
Gabriel García Márquez.
I.
Nhiều năm sau này, trong quá trình viết hồi ký, Gabriel García Márquez thường nhớ lại cái buổi chiều xa xưa ấy ở Colombia, khi ông nội đặt một quyển tự điển trên đùi và nói: “Quyển sách này không chỉ biết tất tật mọi thứ, mà nó còn là một quyển sách không bao giờ sai.” Cậu bé hỏi ông “Có bao nhiêu từ không sai hở ông?” “Tất cả,” ông nội trả lời.
Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nếu một người ông cho đứa cháu một quyển từ điển làm quà, là ông đã cho nó một công cụ hiểu biết tuyệt vời; nhưng Colombia không phải đơn giản là bất cứ nơi nào. Nó là đất nước của những nhà ngữ pháp. Trong thời trai trẻ của ông nội García Márquez – đại tá Nicolás Márquez Mejía, sinh năm 1864 và chết năm 1936 – một số tổng thống và bộ trưởng trong chính phủ – hầu như tất cả bọn họ đều là luật sư của phe bảo thủ – xuất bản những quyển từ điển, sách giáo khoa ngôn ngữ, và các chuyên luận (bằng văn xuôi và bằng thơ) về orthology về chính tả, ngữ văn, lý thuyết và thực hành biên soạn từ điển, nhịp thơ, vận luật, và ngữ pháp phương ngữ xứ Castile. Malcolm Deas, một học giả về lịch sử Colombia, đã nghiên cứu hiện tượng kỳ quặc này, tuyên bố rằng tình trạng bị ám ảnh bởi ngôn ngữ được biểu hiện bằng sự vun trồng các môn khoa học này – Deas ghi chú rằng những người thực hành những môn này khăng khăng gọi chúng là những môn khoa học – vốn xuất phát từ sự thôi thúc kế tục di sản văn hóa Tây Ban Nha. Bằng cách đòi hỏi “Sự hiện diện vĩnh viễn của Tây Ban Nha trong ngôn ngữ,” người Colombia nhằm đến sở hữu các truyền thống của nó, lịch sử của nó, các tác giả cổ điển của nó, các gốc rễ Latin của nó. Công cuộc chiếm hữu này, mở đầu bằng việc thành lập Viện Hàn lâm Ngôn ngữ Colombia vào năm 1871, chi nhánh Mỹ châu của viện Hàn lâm Hoàng gia Tây Ban Nha, là một trong những chìa khóa để hiểu thời kỳ dài nắm quyền của phe bảo thủ – kéo dài từ 1886 đến 1930 – trong lịch sử chính trị Colombia.
Ông nội của García Márquez là một gương mặt nổi bật trong những tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn, và ông không xa lạ gì với lịch sử chính trị-ngữ ngôn này. Đại tá Nicolás Márquez Mejía chiến đấu trong hàng ngũ của viên tướng huyền thoại của phe tự do Rafael Uribe Uribe (1859-1914), một trong số lãnh tụ hiếm hoi trong lịch sử Colombia. Câu chuyện của ông đến lượt nó lại gợi hứng để tạo ra nhân vật Đại tá Aureliano Buendía trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn. Là một chiến binh hăng hái và kém may mắn trong ba cuộc nội chiến, Uribe Uribe còn là một nhà ngữ học chuyên cần, một người lính trong các cuộc chiến dân sự giữa phe bảo thủ và phe tự do. Có lần khi ngồi trong tù ông đã dịch Herbert Spencer, và năm 1887 ông đã soạn cuốn “Từ điển vắn tắt các đặc ngữ Pháp, các phương ngữ và cách dùng từ đúng” (Diccionario abreviado de galicismos, provincialismos y correcciones de lenguaje), xem ra có được một thành công vừa phải.
Năm 1886 viên tướng này một mình trong Nghị viện chống lại sáu mươi thượng nghị sĩ phe bảo thủ. Rốt cuộc phe đa số áp đảo không để cho ông một lựa chọn nào khác ngoài “nhường lời cho đại bác” – theo lời của chính ông. Uribe Uribe là vai chính trong cuộc chiến tranh Nghìn Ngày đẫm máu trong khoảng 1899-1902, kết thúc bằng việc ký Hòa ước Neerlandia. Việc ký kết này được chứng kiến bởi Đại tá Márquez, là người nhiều năm sau đã tiếp cựu tướng quân tại nhà riêng ở Aracataca, gần nơi diễn ra những sự kiện ấy. Uribe Uribe bị ám sát năm 1914. Hai thập niên sau, viên trung úy của ngài tặng cho đứa cháu lớn của ông ấy không phải một thanh gươm hay khẩu súng, mà một quyển từ điển. Cuốn sách tuyệt vời này ở nơi nào khác thì có thể là công cụ của kiến thức đấy, nhưng ở Colombia thì nó là một công cụ của quyền lực.
Quyền lực thật ra đến với García Márquez thông qua nghệ thuật văn chương, nhưng ngay trong những giấc mơ nồng cháy hoang dã nhất, đại tá Márquez cũng không thể hình dung ars combinatoria phi thường mà thằng cháu nội – ông gọi nó là Napoleon bé của ông – đã áp dụng vào quyển từ điển đó, cuốn sách “gần hai nghìn trang khổ lớn dày đặc, minh họa đẹp đẽ” mà “Gabito” bắt đầu đọc “theo thứ tự của bảng chữ cái, nhưng không hiểu mấy.” García Márquez đoạt giải Nobel Văn học năm 1982, và những cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng. Với sức mạnh phi thường của tài kể chuyện, với chất thơ duyên dáng, với thứ văn xuôi uyển chuyển và phong phú đến mức trong từng khoảnh khắc nó dường như chứa đựng toàn bộ các từ trong cuốn từ điển, những cuốn sách ấy được đọc ở khắp nơi. Thành phố quê hương của ông là điểm đến của khách hành hương văn chương. Ở Cartagena de Indias, cái thành phố cảng có thành bao quanh là nơi mà chàng phóng viên trẻ García Márquez trải qua những năm gian khó, các tài xế taxi chỉ cho du khách “Ngôi nhà Phần thưởng” một trong những ngôi nhà thuộc sở hữu của cái ông “Gabo” ấy trong các thành phố trên khắp cả thế giới. Cái biệt hiệu đáng yêu ấy cho ta thấy ông đã khơi dậy được sự đồng cảm rộng rãi trong dân chúng.
Năm 1996 García Márquez đã thanh toán một khoản nợ cũ trong lịch sử Colombia: lãnh đạo một cuộc cách mạng nhỏ chống lại sự chuyên quyền của các cuốn từ điển. Trước sự hoảng sợ của Viện Hàn lâm Hoàng gia Tây Ban Nha và bản sao của nó ở Zacatecas, Mexico, tác giả lừng danh này – ông chúa và bậc thầy của “Sự hiện diện vĩnh viễn của Tây Ban Nha trong ngôn ngữ – tự tuyên bố ông thích xóa bỏ chính tả. Sự khinh mạn này là thắng lợi cuối cùng của phái tự do cấp tiến Colombia đối với bá quyền về ngữ ngôn của phái bảo thủ. Linh hồn tướng Uribe Uribe và đại tá Márquez ngậm cười nơi chín suối.
Và Fidel Castro cũng mỉm cười. Vào lễ sinh nhật thứ bảy mươi của ông, ông nhận từ García Márquez một món quà hấp dẫn, một “vật báu thật sự”: một cuốn từ điển. “Tôi viết như vậy các bạn bè sẽ yêu mến tôi” García Márquez đã nhiều lần nói thế. Một trong các bạn bè đó là nhà độc tài Cuba. Trong lịch sử châu Mỹ Latin, không có mối ràng buộc nào giữa ngòi bút và quyền trượng từng mạnh mẽ bằng, thân mật bằng, lâu dài bằng và đôi bên cùng có lợi bằng liên minh giữa Fidel và Gabo. Năm 1915, khi nhà thơ lớn Nicaragua Rubén Darío (người có ảnh hưởng quan trọng đến García Márquez) già, yếu và túng bấn, ông đã cố đấm ăn xôi chấp nhận sự trợ giúp của nhà độc tài Guatemala Manuel Estrada Cabrera và thậm chí đã viết những bài thơ dành riêng tán tụng ông ta. Những động cơ chính trị để Castro liên kết công khai với nhà văn vĩ đại không khó hiểu, và cũng rõ ràng như của Estrada Cabrera: ông tìm kiếm lời lãi của tính hợp pháp. Thế nhưng các động cơ của García Márquez là gì, vì ông đâu có ở trong tình trạng quẫn bách như ông già Darío?
Ngày nay, nhờ cuốn tiểu sử đồ sộ do Gerald Martin soạn, những gốc rễ tâm lý của mối quan hệ phi thường này đang bắt đầu lộ diện. Chúng dẫn về ngôi nhà của gia đình ở Aracataca, và đặc biệt, tới mối ràng buộc giữa Gabito với bậc trưởng thượng gia tộc của ông, Đại tá Márquez. Tại đây có mầm mống của sự mê say của ông đối với quyền lực: bí ẩn, khó nắm bắt, nhưng thật một cách kỳ diệu, giống như câu chuyện về quyển từ điển được chuyển từ viên đại tá Colombia đến vị lãnh tụ Cuba thông qua bàn tay nhà văn.
“Cuộc sống không phải cái mà người ta sống, nó là cái mà người ta nhớ và cái cách mà người ta nhớ để kể lại nó” García Márquez đã viết thế trong đề từ cho cuốn hồi ký của ông. Đó là cái cách mà ông đã nhớ lại, làm tái hiện và kể lại bằng nhiều cách một sự cố bi thảm trong đời người ông của ông. Nó xảy ra năm 1908, ở Barrancas. García Márquez nhắc đến nó trong cuốn “Sống để kể chuyện” như một cuộc “đọ kiếm” một “cuộc đấu vì danh dự” trong đó vị đại tá không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối đầu với một người bạn cũ, một viên cựu trung úy. Anh ta là “một gã khổng lồ trẻ hơn ông đến mười sáu tuổi” đã có vợ và hai con, tên anh ta là Medardo Pacheco. Theo kể lại, cuộc cãi cọ bắt đầu bằng một lời “nhận xét nhục mạ” đối với mẹ của Medardo Pacheco và nó được qui cho ông của García Márquez. Việc “giải thích công khai” về sự lăng nhục này không làm nguôi được cơn giận dữ điên cuồng của Medardo, và ông đại tá, “người xúc phạm danh dự” của anh ta đã thách Medardo một trận đấu kiếm trí mạng. Không có “ngày được ấn định” và anh phải mất đến sáu tháng để giải quyết vấn đề đảm bảo tương lai cho gia đình, trước khi ra đi để đón nhận số phận của mình. “Cả hai người đều trang bị vũ khí” García Márquez nhận xét. Medardo bị tử thương ngã gục xuống “bụi cây thấp nức nở không nói lên lời”
Một phiên bản trước đó của câu chuyện này, được kể trong một cuộc phỏng vấn với Mario Vargas Llosa, không nói đến cuộc đấu kiếm này: “Có lần ông đã phải giết một người, khi ông còn rất trẻ…hình như có một kẻ liên tục săn đuổi và thách thức ông, nhưng ông không để ý cho đến khi tình thế trở nên khó chịu đến mức ông phải cho hắn một phát đạn.” Theo García Márquez, thành phố đứng cả về phía ông nội của ông đến nỗi một người anh của kẻ đã chết phải ngủ “ngay trước cửa một ngôi nhà đối diện với nhà ông nội, để đề phòng gia đình khỏi đến trả thù cho cái chết của anh ta”
“Cháu không thể biết một người chết đè nặng lên cháu thế nào đâu” ông nội kể đi kể lại với Gabito cho nhẹ bớt nỗi lòng, Gabito say mê nghe những câu chuyện chiến tranh của ông, và nhấn mạnh tầm quan trọng của thời kỳ này trong cuộc đời mình: “Đó là sự cố đầu tiên trong cuộc đời thực nó khuấy động bản năng viết lách của tôi, và tôi vẫn không sao xua đuổi được nó đi.” Đúng là để xua đuổi nó, ông chọn tái tạo nó không phải như nó đã được trải nghiệm, mà như “người ta nhớ nó để kể lại nó.” Có lẽ sự tái hiện sự cố này bằng văn chương đã đến lần đầu tiên vào năm 1965, trong kịch bản ông viết cho bộ phim Thời để chết, của nhà làm phim Mexico, Arturo Ripstein. Sau nhiều năm ốm yếu mòn mỏi trong tù, Juan Sáyago trở về thành phố, tại đây hắn giết một người nữa, Raúl Trueba, sau một cuộc đua ngựa. Sáyago tìm cách xây lại ngôi nhà cũ và chiếm lại người đàn bà mà hắn đã bỏ lại phía sau, nhưng những đứa con của người chết tin rằng vụ giết người đó là một vụ gian lận, đã đợi hắn suốt thời gian đó để trả thù. Kịch bản biện hộ cho nhân vật chính: “Sáyago không giết một người không có vũ khí” hắn đã không giết “một cách hèn hạ” “hắn đã giết anh ta mặt đối mặt, như mọi người.” Cuối cùng Sáyago không có lựa chọn nào khác là giết một trong những đứa con của Trueba, mặt đối mặt, và sau đó hắn bị đứa khác bắn – vào lưng, khi không mang vũ khí, một cách hèn hạ.
Cảnh này còn xảy ra lần nữa trong Trăm năm cô đơn, chuyển thành một cuộc chọi gà, sau đó Aureliano Buendía cho tên Prudencio Aguilar láo xược chọn vũ khí để họ có thể đối mặt nhau trong một cuộc đấu công bằng. Chỉ đến khi đó ông ta mới có thể giết Aguilar bằng một nhát giáo đâm chắc chắn. Giống như Đại tá Márquez trong đời thực, Aureliano đầu tiên lên tàu trong một cuộc di cư cùng với gia đình, để tìm một thành phố mới: thành phố Aracataca thật, Macondo huyền ảo [hư cấu]. Nhưng những chân trời mới không xua tan được nỗi xấu hổ. Cả hai nhân vật, thực và tưởng tượng, sống trong nỗi dày vò của một “niềm ân hận khủng khiếp.” Và cả hai đều từ chối ăn năn hối cải, lặp lại “Tôi sẵn sàng làm lại tất cả chuyện đó lần nữa.”
Sau khi phỏng vấn hậu duệ của những người tận mắt chứng kiến, Gerald Martin dựng lại một phiên bản hoàn toàn khác. “Trong chuyện này chẳng có tí gì là anh hùng cả” ông kết luận. Mẹ của Medardo là người tình bị đá của ông đại tá khoác lác, và đứa con bị xúc phạm muốn tẩy rửa danh dự của nó; Márquez (lúc này đã bốn tư tuổi) chọn “thời gian, địa điểm, và thể thức cho cuộc quyết đấu”. Ông ta đã giết Medardo một cách hèn hạ: Medardo không có vũ khí. Trong tờ Công báo của bang Magdalena tháng Mười một năm đó, mà Martin đã tra cứu, có nêu viên đại tá bị phạt tù về “tội giết người.” Sau khi ngồi tù, giống như hóa thân văn chương của mình, ông không trở về Barrancas (nơi mà ông chắc chắn đã được đối xử giống như Juan Sáyago) mà lên đường trong một chuyến du hành quan trọng đến Aracataca, với hy vọng ngành trồng chuối mới phát đạt ở đó sẽ đem lại cho ông giàu có và quên lãng.
Mối liên kết giữa ông và cháu – được Martin nghiên cứu tỉ mỉ – giải thích nhu cầu của người cháu tạo ra câu chuyện hư cấu độc đáo này và giữ chặt mãi nó. “Chúng tôi luôn ở bên nhau” García Márquez nhớ lại trong hồi ký của mình. Thậm chí họ còn ăn mặc giống nhau. Trong nhà “chỉ có hai người đàn ông là ông nội và tôi.” Bị tách rời khỏi cha mẹ từ tấm bé và bị vây quanh bởi một lũ “những người đàn bà ngoan đạo” – bà nội, các cô, những người hầu gái Indian – đối với tôi, ông nội là tuyệt đối an toàn. Chỉ có ông mới làm cho những hoài nghi của tôi biến mất và làm cho tôi cảm thấy đôi chân của mình vững chãi trên đất và bản thân tôi đứng vững trong cuộc đời thực.” “Bị mắc cạn trong nỗi niềm hoài cổ” của ông già rắn chắc và mù dở trong cặp kính gọng đen ấy, người ông cứ mỗi tháng lại kỷ niệm “sinh nhật” cháu một lần và khen ngợi tài năng kể chuyện sớm nở của nó và bảo nó kể lại cho ông những cốt truyện phim mỗi khi nó từ rạp về nhà, García Márquez nhìn ông nội bằng ánh mắt đa cảm đầy tôn sùng và bao dung, như nhìn một hiện thân của tình yêu và sức mạnh. “Tôi lên tám tuổi thì ông mất…trong tôi có cái gì đó chết theo ông… từ đó không có gì là quan trọng xảy đến với tôi nữa.” Theo ý kiến của Martin, điều đó không có gì là cường điệu: “Một trong những sức đẩy mạnh nhất trong cuộc đời của García Márquez sau này là ước muốn đặt lại bản thân ông vào trong thế giới của ông nội ông” tức là thừa kế “những hồi ức của ông cụ, triết lý sống của ông và đạo đức chính trị của ông”, một đạo đức chính trị được gói gọn trong một câu duy nhất “Tôi sẵn sàng làm lại tất cả chuyện đó lần nữa.”
Ý thức chính trị của Gabriel García Márquez được hình thành từ sớm, khi ông bước vào lứa tuổi hai mươi, cùng với sự thôi thúc sáng tác. Nó liên quan đến miêu tả văn chương và có tính tự truyện về Công ty Liên hiệp Hoa qủa. Trong Trăm năm cô đơn cũng như trong Sống để kể chuyện Aracataca không phải chỉ là một thành phố công ty (với những đồn điền, đường sắt, trạm điện tín, cảng, bệnh viện, và các đội tàu), mà còn là quang cảnh của “tai ương trời giáng” của chủ nghĩa đế quốc Bắc Mỹ (Yankee), một sức mạnh lịch sử quyết định, mà “cảm hứng cứu thế” của nó khuấy lên những hy vọng của hàng ngàn người (trong số đó có ông bà của García Márquez) chỉ làm nhơ bẩn sông biển của cái thiên đường độc đáo này, quấy rối nếp sống thanh bình của nó, và bóc lột nhân dân của nó. Sau lưng nó, “cơn dịch” này chỉ để lại những “rác rưởi”, những “phế thải của phế thải mà nó đã mang đến cho chúng tôi.” Khởi đầu cuốn hồi ký, nhắc lại chuyến trở về cùng với mẹ thăm nơi sinh của ông ở khoảng giữa thế kỷ, García Márquez lột tả môi trường bao quanh thời thơ ấu của ông như một nạn phân biệt chủng tộc vùng Caribbe: “Thành phố riêng… bị cấm” của những người nước ngoài (Anh, Mỹ..) “Những bãi cỏ xanh buồn tẻ với những chim công và chim cút, những ngôi nhà mái ngói đỏ với những cửa sổ che rèm và những chiếc bàn tròn nhỏ với những ghế xếp để ngồi ăn, giữa những cây cọ và những khóm hồng bụi bặm… Đó là những cái nhìn thoáng qua về một thế giới biệt lập và không chắc thực, mà chúng tôi bị cấm lui tới. ”
Đây là những sự thật lịch sử, hay là những câu chuyện thú vị? Cái thực tại được trải nghiệm, hay cái thực tại được tái chế để kể lại? Cái động lực đằng sau công ty này không ai khác hơn là Tướng Uribe Uribe, người trước đây làm đại lý cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ New York, và một giáo sư kinh tế nhiệt thành tin tưởng vào kinh tế thị trường và vào nông nghiệp để xuất khẩu. Người chiến binh huyền thoại này cũng sở hữu một trong những đồn điền cà phê lớn nhất ở Antioquia. Martin không nhắc gì đến sự kiện này, nhưng có nhận xét rằng người bạn của Uribe Uribe là đại tá Márquez, người ông thánh thiện của nhà văn, thật ra là một trong những người đầu tiên được hưởng lợi từ hợp đồng bảo hiểm của cuộc đầu tư ngoại quốc này. Ngôi nhà xinh đẹp của ông ở Aracataca có thể không có bể bơi hay sân tennis, những có những sàn ximăng, và là một trong những ngôi nhà lớn nhất thành phố. Vì ông là người thu thuế của thành phố, “thu nhập riêng của ông Đại tá phụ thuộc vào sự thịnh vượng tài chính, sự nhiễm độc vật chất và từ đó kéo theo tình trạng bừa bãi tình dục của những “rác rưởi” đáng khinh ấy. Chúng ta không biết Nicolás đã thực hiện bổn phận của mình tận tâm như thế nào, nhưng hệ thống này không phải là một hệ thống để lại nhiều tự do cho liêm khiết cá nhân” Martin nhận xét, ông Đại tá giám sát những cơ sở gọi là “academias” ở đó cả rượu và sex tha hồ tự do” và những “gái điếm không chắc thực” phải thông qua đó, những gái điếm tạo cảm hứng cho những câu chuyện và tiểu thuyết của người cháu ông, xuyên suốt đến cuốn tiểu thuyết cuối cùng, Hồi ức về những cô điếm buồn của tôi.
Bị lôi cuốn bởi sức mạnh của câu chuyện kể “được nhớ lại” trong Trăm năm cô đơn, Martin bỏ qua mối quan hệ nhập nhằng của gia đình với Công ty Liên hiệp Hoa quả, một quan hệ vừa yêu vừa ghét, điển hình cho thái độ vùng Carribe đối với người Mỹ. Công ty này bị lên án vì nó bỏ rơi nhân dân thành phố, chứ không phải vì sự hiện diện của nó. Trong hồi ký của mình García Márquez nhận xét rằng mẹ ông, Luisa Santiaga (tên trong đời thực của nhân vật Úrsula trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng) “khao khát mê say thời hoàng kim của công ty chuối” – tức là cái thời mà bà là một cô tiểu thư giàu có, với những lớp học clavico, những lớp nhảy đầm, những lớp tiếng Anh. Và bản thân ông thú nhận rằng ông nhớ cô giáo xinh đẹp của mình trong trường Montessori và những chuyến đi mua sắm với ông nội.
Sự thật là công ty chuối mang theo nó không chỉ là rác rưởi. Như nhà nhân loại học Catherine C. Legrand giải thích, vùng đất này bị vây quanh bởi các vùng đất khác, là một nồi lẩu thập cẩm của chủ nghĩa thế giới và chủ nghĩa địa phương, của “vàng xanh” và thuật phù thủy, bút máy Parker, thuốc mỡ VapoRub, yến mạch Quaker, kem đánh răng Colgate, của [các loại xe] Chevrolet và Fort, của thuốc nước phù thủy và thuốc vi lượng đồng căn (giống như những loại thuốc dùng bởi Eligio, người cha đồng bóng, túng quẫn và vắng mặt của Gabito) của sách của thuyết thần bí Thập giá hoa hồng [Rosicrucianbooks] và kinh sách Công giáo, của các Hội viên Tam điểm và những người theo thuyết thần trí, của những chuyện ma quỷ và những sáng tác hiện đại, của những thợ thủ công và những tay nhà nghề, của những cư dân đã có gốc rễ nhiều thế kỷ ở vùng bờ biển này với những kẻ nhập cư từ Italy và Tây Ban Nha, Syria, và Lebanon. Bà mẹ của García Márquez chắc đã muốn cảnh “phồn vinh giả tạo” này kéo dài vĩnh viễn. Đó là lý do tại sao, theo hồi ký, khi bà trông thấy quảng trường nơi xảy ra cuộc tàn sát, bà nói với con trai: “Đây là nơi thế giới chấm dứt.” Thế giới mà bà nói đến là thế giới của bà. Thiên đường không phải là đến trước công ty. Thiên đường là cái được tạo ra khi công ty đến – một thuật giả kim nhiệt đới mà García Márquez đã tái tạo ra trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, và, đáng kể nhất là trong Trăm năm cô đơn.
Và sau hồi ức về apacthai là đến hồi ức về khải huyền. Năm 1928, theo yêu cầu của Liên hiệp Hoa quả, quân lính liên bang nổ súng vào đám đông công nhân biểu tình ở nhà ga Cinéaga, rất gần Aracataca nơi Gabriel García Márquez, mới sinh năm trước, sống với ông bà. Hàng trăm người bị giết. Cuộc tàn sát này – được tái hiện bằng ngoa dụ trong Trăm năm cô đơn –làm ô nhục danh tiếng của chế độ bảo thủ và sau năm 1930 mở đường cho một loạt chính phủ phóng khoáng, mà những cải cách xã hội quan trọng đụng phải chống đối của phe bảo thủ với lập trường còn phản động hơn trước. Vì các cuộc bầu cử năm 1946, đảng tự do đang nắm quyền chia làm hai phái, một phái ôn hòa, ủng hộ Gabriel Turbay, và phái kia cấp tiến hơn, hậu thuẫn Jorge Eliécer Gaitán, một lãnh tụ có tài lôi cuốn quần chúng . Trong những bài diễn thuyết đại chúng chống chủ nghĩa đế quốc của ông, Gaitán liên tục nhắc nhở đến cuộc tàn sát 1928, mà ông đã điều tra và lên tiếng phản đối ở Nghị viện. Sau đó, trong bối cảnh Hội nghị Liên Mỹ lần thứ chín họp ở Bogotá 9 tháng Tư năm 1948, Gaitán bị ám sát. Giai đoạn này được biết đến dưới tên gọi “El Bogotazo” và là điểm xuất phát cho một thập kỷ bạo lực xã hội và chính trị được biết đến như “La violencia.” Chàng sinh viên luật Gabriel García Márquez đã sống tấn thảm kịch gần kề. Nó là cái “Damascus chính trị” của ông - như với Fidel Castro, cũng có mặt ở Bogota vào thời gian đó. Nó khích động lòng căm thù chủ nghĩa đế quốc Bắc Mỹ và làm thức dậy những đồng cảm với chủ nghĩa cộng sản của ông.
Ngoài những tái tạo có tính văn học và tự truyện – tôn vinh ngài đại tá và biến công ty chuối thành quỷ dữ – trong ý thức chính trị của nhà văn trẻ đã hình thành nỗi nghi ngờ đối với các giá trị dân chủ đại nghị và cộng hòa. Martin hình như cũng chia sẻ điều này: “Colombia là một đất nước kỳ quặc trong đó hai đảng lớn có vẻ đã từng là kẻ thù quyết liệt trong gần hai trăm năm thế mà nay đã ngầm liên kết lại để đảm bảo nhân dân không bao giờ có quyền có đại diện thật sự của mình.” Ý tưởng về Colombia như một nước cộng hòa giả cũng là một sự tái hiện không phù hợp với thực tế. Ngay từ những thập kỷ đầu thế kỷ mười chín nhân dân tại những vùng xa xôi hẻo lánh nhất ở Colombia đã được tập dượt chính trị quốc gia, tham gia vào những cuộc bầu cử sạch và có tính cạnh tranh, với sự phân ly quyền lực thật sự, và được hưởng – ít nhất trong thế kỷ hai mươi – một số quyền tự do đáng kể. Ngoại trừ giai đoạn hải quân của Tướng Gustavo Rojas Pinilla những năm 1950, người dân Colombia chưa bao giờ để xảy ra những cuộc đảo chính hay các nền độc tài. Cõ lẽ không phải là cường điệu khi nói rằng không có nước nào khác trong khu vực này đã thử nghiệm dân chủ kiên trì hơn (ngay cả Chile, Uruguay, Costa Rica, hay Venezuela trong nửa cuối thế kỷ hai mươi cũng không, cho đến khi Chávez lên cầm quyền).
Tuy nhiên bạo lực dường như là bản chất thứ hai ở Colombia. Lý do chính cho bạo lực này là sự bất hòa giữa phe phóng khoáng và phe bảo thủ – một cuộc tranh cãi về các giá trị chính trị, kinh tế, xã hội, và tôn giáo đã có từ thế kỷ mười chín ở châu Mỹ Latin. Mặc dầu các xu hướng cộng hòa và dân sự của nó, Colombia không tìm được một công thức cho ổn định, và kéo lê cuộc xung đột chính trị văn hóa chỉ đem lại tàn phá cho cả hai bên đến kiệt quệ. Ở Colombia, các truyền thống chính quy và pháp định của các nhà ngữ pháp ngự trị bị lật đổ hết lần này đến lần khác bởi lệnh động viên. Tổng thống Rafael Nuñez cuối thế kỷ mười chín đã tuyên bố “Ở Colombia, chúng ta đã thể chế hóa tình trạng vô chính phủ.”
Sự thiểu năng của hòa bình được bộc lộ một lần nữa ở “Bogotazo” năm 1948, đã gieo vào chàng García Márquez trẻ tuổi một ý thức sắt đá về sự vô ích của các ý thức hệ tự do và thủ cựu. Giống như Đại tá Aureliano Buendía, ông đi đến chỗ tin rằng “điều khác nhau duy nhất giữa những người phóng khoáng và những người bảo thủ là những người phóng khoáng thì dự lễ mixa lúc năm giờ còn những người bảo thủ thì dự lễ mixa lúc tám giờ.” Ông đồng tình với tuyên bố nổi tiếng của Simón Bolívar rằng “Tôi tin từ trong xương tủy của mình rằng chỉ có một chế độ chuyên quyền có năng lực là có thể cai trị được ở châu Mỹ.” Một bạo chúa tài năng, một trưởng lão tốt bụng, một Uribe Uribe mới và chống đế quốc: có lẽ đã trở thành lý tưởng của Gabito. Để tìm ra nó, ông đã lên đường đi một hành trình dài và khó khăn. Và thay vì đại bác, công cụ của ông là ngôn từ, đúng như ông nội của ông đã muốn.
II.
Gabriel García Márquez: Một cuộc đời là một cuốn tự truyện được ủy quyền, phiên bản chính thức của saga chính trị và văn chương của nhà văn. Cuốn sách được chia thành ba phần. Phần đầu tập trung vào Colombia từ 1899 đến 1955, chồng lấn ở một mức độ nhất định với Sống để kể chuyện, nhưng nó làm tươi mát lịch sử gia đình bằng một thông tin mới, và phác họa từng thành viên trong cái gia đình mở rộng trong ngôi nhà ở Aracataca, và tái hiện chi tiết về đời sống sinh viên ở ngôi trường có uy tín ở San José. Nó gợi lại một ít niềm vui và nhiều nỗi buồn của gia đình García Márquez, giàu lên và nghèo đi mỗi năm bởi những anh chị em mới ra đời. Trên hết, nó miêu tả sự thăng trầm của chàng trai không xu dính túi ở những thành phố kế tiếp nhau (Cartagena, Barranquilla, Bogotá) có các bạn bè là nhà báo và các ông thầy văn chương vây quanh, say sưa dấn thân theo đuổi sự nghiệp văn chương, bằng cách đi bán những bộ sách bách khoa hay soạn những vở kịch rẻ tiền cho đài phát thanh.
Lạ thay, Martin hoàn toàn bỏ qua cái bối cảnh văn hóa trong đó García Márquez đã lớn lên – nét cởi mở và hạnh phúc đặc trưng của dân Caribbe, với chủ nghĩa phóng khoáng lạ thường của nó, thú ham khoái lạc hội hè của nó, sự sùng bái thơ ca và tình yêu âm nhạc của nó, cái xu hướng thích đùa bỡn quá trớn, ma thuật đen, và chết dễ dàng. Ông hơi cường điệu sự phong phú và phức tạp trong giáo dục văn chương của García Márquez, hình như chỉ giới hạn trong Darío và thời hoàng kim Tây Ban Nha, rất nhiều Faulkner và Hemingway, đôi chút Kafka, hầu như không có gì về Freud “bê bối”, thậm chí còn ít hơn về Mann “ngoắt nghéo”. Và Martin hầu như không đả động gì tới mảng báo chí rộng lớn của García Márquez.
Mặc dầu có rất ít thư từ hay tài liệu gốc từ các hồ sơ lưu trữ công hay tư được nêu trong sách của ông, Martin – được cánh García Márquez biết đến dưới tên “Tiso Jeral”, như ông nói trong đoạn mở đầu – bỏ ra mười bảy năm phỏng vấn hơn năm trăm người: các thành viên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, biên tập viên, người viết tiểu sử, người viết tiểu sử thánh, và các viện sĩ (phần lớn họ nghiêng về yêu thích nhà văn). Những chứng thực này sống động và đôi khi mơ hồ. Một số người từ chối mô tả trực tiếp, như bản mô tả của người bạn ‘toàn thời gian’ của García Márquez, nhà trí thức và ngoại giao Plinio Apuleyo Mendoza, khẳng định cảnh nghèo nàn thê thảm của nhà văn trẻ – nhưng phải chăng ông đã thật sự ở trong một căn phòng chỉ có mười foot vuông? Phải chăng ông đã thật sự quen với việc “không đếm xỉa gì đến các nhu cầu cơ thể của riêng mình”? Và, ở nơi nào khác có phải ông thật sự ngủ với vợ của một quân nhân, người bắt quả tang ông tại trận, đã tha thứ cho ông vì nhớ tới ơn của người cha ‘vi lượng đồng căn’ của ông? Có phải ông viết “Bão Lá“, tiểu thuyết đầu tay của ông về Macondo có cảm hứng từ chuyến đi cùng với mẹ đến Aracataca? Và chuyến đi này – như Martin gợi ý trong một chú thích, giống một cách đáng ngạc nhiên với chuyến đi ở đầu cuốn Pedro Páramo, cuốn tiểu thuyết của Juan Rulfo này là chìa khóa trong việc xác định giọng cho cuốn Trăm năm cô đơn – thật sự diễn ra là vào 1950, và nó có ý nghĩa quyết định đối với tác phẩm của ông như được nêu trong hồi ký của ông không? Một bức thư không được Martin nhắc đến, ghi tháng Ba năm 1952 và công bố trong Textos costeños (Tập bài báo đầu tiên của García Márquez) dường như khẳng định ngược lại:
Tôi vừa mới từ Aracataca trở về. Nó vẫn còn là một ngôi làng bụi bặm, đầy im lặng và chết chóc. Không khí bất an hầu như tràn ngập, với những ông đại tá già ngắc ngoải trong sân nhà dưới bóng những cây chuối to lớn, và một số lượng đáng kinh ngạc các cô gái già đồng trinh ở tuổi sáu mươi, cau có toát ra những dấu vết cuối cùng của giới tính, uể oải thờ thẫn vào lúc hai giờ chiều. Lần này tôi tình cờ đến đây, nhưng tôi không nghĩ tôi sẽ quay lại đây một mình, nhất là sau khi Bão Lá ra mắt và các ông đại tá già quyết định rút súng chơi một cuộc nội chiến cá nhân đánh lại tôi.
Phần thứ hai của Martin dõi theo nhân vật chính từ những cuộc lang thang ở châu Âu và thời gian ở Paris từ 1955-1957 qua cuộc hôn nhân của ông với Mercedes Barcha năm 1958 – người tình đanh đá và nhẫn nại thời thanh niên của ông – và cuộc phiêu lưu của ông sang New York với tư cách là phóng viên tờ Prensa Latina, hãng tin Cuba được thành lập sau khi Fidel Castro thắng lợi, cho đến năm 1961, khi ông định cư lâu dài ở Mexico, một đất nước hiếu khách (may mắn thay lại độc tài, chống đế quốc, và có kỷ cương, ít nhất vào thời gian ấy). Ở đó hai con trai của ông, Rodrigo và Gonzalo được sinh ra, và ở đó lần đầu tiên ông sống một cuộc sống tươm tất và chắc chắn với hai hãng quảng cáo Mỹ (J. Walter Thompson và McCann Erickson) và lãnh đạo thành công hai tạp chí thương mại (La familia và Sucesos para todos). Ông còn thử vận may của mình trong ngành điện ảnh và xuất bản Ngài Đại tá chờ thư. Ở Mexico ông nối lại các tình bạn cũ (đặc biệt với Álvaro Mutis) và kết nhiều bạn mới, không kém phóng khoáng và bền lâu (chẳng hạn, với Carlos Fuentes) mua nhà riêng và xe hơi, xin cho các con vào trường Mỹ, bị quấy nhiễu bởi đám nhà văn, sợ thành nạn nhân của “hoàn cảnh tốt” và cuối cùng, vào năm 1967, ở tuổi bốn mươi làm ngạc nhiên các thế hệ bạn đọc bằng việc cho ra đời Trăm năm cô đơn.
“Mỗi người có ba cuộc đời: đời công, đời tư, và một cuộc đời bí mật” García Márquez cảnh báo người viết tiểu sử ông như vậy. Ngoài những tiết lộ đáng kể về ông nội nhà văn, sách của Martin chỉ làm sáng tỏ một giai đoạn duy nhất trong “cuộc đời bí mật” của García Márquez: mối quan hệ ở Paris – trước cuộc hôn nhân của ông, tất nhiên – với một nữ diễn viên Tây Ban Nha đầy tham vọng. Mãnh liệt và kém may mắn, cuộc tình này quan trọng không chỉ ở bản thân nó, mà còn là nguồn cảm hứng cho Ngài Đại tá chờ thư, và truyện ngắn “Vết máu em trên tuyết”. Nhưng những khía cạnh khác trong “cuộc đời bí mật” của ông vẫn còn nằm trong bóng tối. Tại sao bỗng dưng ông cắt đứt quan hệ với Prensa Latina? Chỉ có hồ sơ lưu của Cuba, nếu có khi nào họ mở nó, là có thể rọi ánh sáng lên chuyện này. Cái gì là uẩn khúc trong việc trao đổi thư từ lâu dài với Mercedes? Không thể biết được: hai bên đều tuyên bố họ đã đốt tất cả thư từ rồi. Các mối quan hệ với các bạn văn của ông đã tiến triển ra sao? Ngoại trừ những thư từ trao đổi với Plinio Apuleyo Mendoza và một vài tác giả khác, các hồ sơ văn học hiện có đã không được Martin tra cứu. Cách nói của người Âu về “đời tư” của nhà văn phóng túng này, người thích ca hát nhảy múa, có chứa nhiều giai thoại mủi lòng. Có thật ông đã phải “đi lượm vỏ chai và báo cũ và có ngày đã phải xin ăn ở Metro”? Sự thật, như Plinio Apuleyo Mendoza chỉ ra, là Gacía Márquez dường như hoàn toàn không quan tâm gì đến những trải nghiệm ở châu Âu. Ông sống cách biệt, chìm ngập trong những dự án riêng của mình. Theo Martin, “thật đáng ngạc nhiên ông đã quan sát được Đông và Tây Âu nhiều đến thế,” nhưng bản thân Gacía Márquez đính chính lại Martin: “Tôi chỉ trôi giạt có hai năm, và tôi chỉ chăm chú vào các cảm xúc của mình, vào thế giới nội tâm của tôi thôi.”
Nói về “đời công” Martin có bao gồm cả Gacía Márquez-nhà báo –thời ấy là phóng viên ngôi sao của tờ báo Colombia El Espectador–khi ông làm một hành trình qua Đông Đức, Ba lan, Hungary, và Liên xô. Chẳng hạn, ông nhận xét về say mê kỳ lạ của nhà văn với xác ướp Stalin: “Không gì gây ấn tượng cho tôi mạnh hơn đôi bàn tay thanh nhã của ông, với những móng tay mỏng trong suốt. Đó là một đôi bàn tay phụ nữ.” Ông không giống chút nào với “tích cách nhẫn tâm mà Nikita Khruschev tố cáo trong trong một bài diễn văn cường điệu khủng khiếp.” Martin cũng ghi lại niềm “say sưa” của Gacía Márquez đối với sự gần gũi về thể xác của János Kádár, người đã đàn áp cuộc nổi dậy Hungary, mà ông ra sức biện hộ cho hành động của ông ta. Biết vụ hành hình lãnh tụ cuộc nổi dậy Imre Nagy, Gacía Márquez phê phán hành động ấy không phải về phương diện đạo đức, mà như “một sai lầm chính trị”. “Có lẽ chúng ta không nên ngạc nhiên” Martin nói, trong một lần phê phán thẳng thừng “rằng người viết điều này vào lúc đó rõ ràng đã tin rằng có những người “đúng” và người “sai” trong những tình huống đặc biệt, và hoàn toàn máu-lạnh đặt chính trị lên trước đạo đức, rốt cuộc bất chấp mọi trở ngại đã ủng hộ một lãnh tụ “không thể thay thế được” như Castro”
Những trang dành riêng về việc viết Trăm năm cô đơn thật sự hứng thú, nhưng hình như kết luận của Martin đã nói quá. Ông gọi cuốn tiểu thuyết là một tác phẩm – một tấm gương – trong đó lục địa của ông nói chung nhận ra chính mình, và như vậy tìm được một truyền thống. Nếu như Borges là người thiết kế ra kính ngắm (giống như một người anh em Lumière đến chậm) thì chính García Márquez là người đem đến một bức ảnh chân dung tập thể đầu tiên thật sự tuyệt vời. Như vậy châu Mỹ Latin không chỉ tự nhận ra mình mà bây giờ còn được công nhận ở khắp nơi, một cách phổ biến.
Vào thời gian đó, tất cả chúng ta đã đọc cuốn sách phi thường đó với một nhiệt tình thật sự đã khiến nó được coi như một loại kinh thánh (như Fuentes xác nhận), hay ít nhất một “Amadis châu Mỹ” (câu của Vargas Llosa); nhưng sự thật là cái thế giới của García Márquez không thể được gọi là tấm gương của cả châu Mỹ Latin. Ít nhất có hai yếu tố cơ bản bị bỏ sót từ mô tả hư cấu của ông: tầm cỡ bản địa và tín ngưỡng Công giáo.
Dù sao nó vẫn là tấm gương lạ thường của vùng Caribbe, không phải là chuyện nhỏ. Tuy nhiên không phải mọi ý kiến đều nhất trí ca tụng. Borges bình luận rằng Trăm năm cô đơn thì hay, nhưng giá nó rút ngắn đi hai mươi hay ba mươi năm thì hay hơn. Và phê phán của Octavio Paz còn gay gắt hơn: “Văn của Gacía Márquez về bản chất có tính hàn lâm, một kết hợp giữa văn báo chí và tưởng tượng. Chất thơ pha loãng. Ông là sự chắp nối hai dòng ở Mỹ Latin: sử thi thôn dã và tiểu thuyết quái dị. Ông không phải không có tài, nhưng ông là người pha loãng.” Martin thường muốn bỏ qua những phê bình văn học này, và lờ đi những phê bình (của Guillermo Cabrera Infante, và sau này của Vargas Llosa) về chủ nghĩa Castro của Gacía Márquez, coi nó như thành kiến ý thức hệ và đố kỵ tối tăm đối với tác giả cuốn tiểu thuyết mà, theo Martin, “là cái trục của văn học Mỹ Latin thế kỷ hai mươi, cuốn tiểu thuyết duy nhất không thể tranh cãi của lục địa này, có ý nghĩa lịch sử thế giới và tầm kinh điển thế giới”
Thật ra bắt đầu phần ba của cuốn sách, “Danh tiếng và Chính trị: 1967-2005,” Martin đã đánh mất khoảng cách của mình. Mặc dầu ông tiếp tục đưa ra những miêu tả sinh động về những hoàn cảnh trong đó cuốn tiểu thuyết được sáng tác – nỗi ám ảnh cũ về quyền lực kết tinh trong Mùa thu của trưởng lão, ký ức về một sự kiện có thực được Mercedes chứng kiến ở Sincé trong Ký sự về một cái chết đã được báo trước, cảnh điền viên của cha mẹ ông trong Tình yêu thời Thổ tả - Martin bám sát bản thảo chính thức của Gacía Márquez. Cuốn sách bắt đầu giống như một cột báo lớn lượm lặt những chuyện vụn vặt. “Đời tư” nhường chỗ cho “đời công”: hết trang này sang trang khác dồn dập những bữa ăn trưa, ăn tối, những tiệc tùng, phỏng vấn, những câu đùa, những chuyến đi, những khách sạn nhà hàng, những buổi xem hát và tiệc sinh nhật, tiệc Giáng sinh, những dạ hội lãng tử; một cuộc phô diễn những ông vua ông hoàng, những tổng thống, những diễn viên nam nữ, những nhà văn, những thành viên văn nghệ tiền phong. Mười trang Hello! xứng đáng dành cho lễ trao giải Nobel. Thậm chí những người hâm mộ nhiệt thành nhất của Gabo cũng phát chán khi đọc những đoạn mô tả dài dòng việc ông tiến bước lên ghế danh dự, mà Martin trong đoạn kết đã kêu lên: “Bất tử: một Cervantes mới.” Gacía Márquez tuyên bố đã nổi lên từ cái mê cung này bằng cách dùng danh tiếng của mình phục vụ cho một sự nghiệp cao quý hơn. Đó là Cách mạng Cuba.
III.
Khởi đầu là miêu tả về quyền lực: trong những truyện ngắn, trong Trăm năm cô đơn (với những ông đại tá già, cô đơn và chán nản, “đã hết thời vinh quang và không còn luyến tiếc vinh quang nữa”) và cuối cùng, năm 1975, trong Mùa thu của trưởng lão, một trong số sách được García Márquez ưa thích nhất, mà theo lời của chính nhà văn, là một lời thú tội. Martin hiểu ông qua chính lời của ông. Người trưởng lão đầy tham vọng, dâm dật, đáng tởm, tàn nhẫn, cô độc – trên hết là cô độc – là chính bản thân García Márquez, “một nhà văn rất nổi tiếng cực kỳ khó chịu với tiếng tăm của mình” và trút gánh nặng qua một cuốn tự truyện trong đó tinh thần chủ đạo là một cố gắng đạo đức vươn tới “tự phê bình.”
Mùa thu của trưởng lão không phải cuốn tiểu thuyết đầu tiên về những nhà độc tài cuồng nhiệt viết bằng tiếng Tây ban Nha trong thế kỷ hai mươi. Còn có Bạo chúa Banderas (1926) của nhà văn Tây Ban Nha Ramón del Valle-Inclán, và Ngài Tổng thống (1946), của nhà văn Guatemala Miguel Ángel Asturias (đoạt giải Nobel Văn học 1967). Đầu năm 1968, theo lời nhà văn Guatemala Augusto Monterroso, một số nhà văn Mỹ Latin, Monterroso nêu tên Fuentes, Vargas Llosa, Cortázar, Donoso, Roa Bastos, Alejo Carpentier, nhưng không có Gabriel García Márquez – soạn thảo một kế hoạch xuất bản các sách về các nhà độc tài của đất nước họ. Kế hoạch này đã không được thực hiện. “Tôi sợ rốt cuộc tôi sẽ ‘thông cảm’ và ‘thương hại’ ông ta”, Monterroso biện luận, chắc ông đã nhận được nhiệm vụ khắc nghiệt là miêu tả chân dung Somoza.
Trên bối cảnh ấy, có lẽ García Márquez đã đảm nhận viết cuốn tiểu thuyết của ông về nhà độc tài trong tinh thần đua tranh hơn là sám hối. Ông đã mất nhiều năm trăn trở nó trong đầu, và ông đã soạn ra những bản thảo mở rộng. Ông đã “dạy” Asturias và những người khác “viết một cuốn tiểu thuyết thật sự về nhà độc tài phải như thế nào.” Và nếu Mùa thu của trưởng lão chứng tỏ điều gì, thì đó là chủ đề bạo ngược chuyên chế rất thích hợp với những yêu cầu biểu hiện của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Tính thô bạo và độc đoán của nhà độc tài, cách ông ta sử dụng quyền lực như một hình thức thể hiện cá nhân, sự đam mê phóng đãng với sức mạnh của riêng mình, là những biến thể tự nhiên thuộc bản chất của cái thực huyền ảo. Trưởng lão “chỉ biết cách thể hiện những mong mỏi tha thiết nhất của ông qua những biểu tượng thấy được của quyền lực khổng lồ của ông.” Ông khao khát làm một nhà pháp thuật của lịch sử thậm chí của vũ trụ, làm thay đổi các lực lượng của thiên nhiên và dòng chảy thời gian, bẻ cong bóp méo thực tại.” Cách nào đó hình tượng trưởng lão của García Márquez làm ta nhớ đến Caligula của Camus: “Nhìn thấy con người tự do duy nhất ấy trong toàn đế quốc La mã. Sung sướng chưa: cuối cùng một vị hoàng đế đã đến để dạy tự do cho họ…Tôi sống, giết, nắm quyền lực mê ly của kẻ phá hoại, bên cạnh nó quyền lực của đấng sáng tạo dường như chỉ là một bức biếm họa.”
Những sự quá đáng này làm thành một phần của thực tại, và ký ức, của nhiều đất nước. Nhà văn Venezuela đáng kính Alejandro Rossi biết điều gì đó về “sự mô tả bằng hình tượng được thừa kế” này. Viết năm 1975 và không có xu hướng hiện thực huyền ảo dưới dạng “tươi trẻ và mãnh liệt” nhất của nó, như đôi khi nó tự tuyên bố trong Mùa thu của trưởng lão, Rossi khen ngợi “những hình ảnh khắc họa một cách điêu luyện, đẹp đẽ và mãnh liệt,” “tính phức tạp và nghệ thuật” của thứ văn xuôi này và “những nhịp điệu thường là hoàn hảo” của tác phẩm, nhưng ông phản đối cái căn bản của nó:
Sự phối hợp của quá nhiều yếu tố quen thuộc biến cuốn sách thành một bài tập thông minh xuất sắc tuy nhiên nó không làm thay đổi quan niệm lịch sử và tâm lý của chúng ta về nền độc tài. Mùa thu của trưởng lão khảo sát về mặt thẩm mỹ một cái nhìn đã sờn mòn và cũ nát của chính chúng ta. Những thành tựu về văn phong điêu luyện và không thể hồ nghi của García Márquez hầu như chưa bao giờ cải biến được cái bản chất ngầm vẫn còn chôn dấu bên dưới cuốn tiểu thuyết, mà bất kể sự sắc sảo văn chương nào cũng không chạm đến được. Theo nghĩa đó nó là một cuốn sách Baroque, một cái lưới văn chương kín mít đôi khi – cho dù bằng những phương sách hoàn hảo – bóp nghẹt chủ đề chính của câu chuyện kể.
Cốt truyện của cuốn tiểu thuyết là một ghi chép về chủ quan của bạo chúa: nỗi niềm hoài cổ của ông ta, những nỗi sợ hãi, các tình cảm của ông ta. Và sự đơn giản của thế giới nội tâm của ông ta là một sự xúc phạm về mặt đạo đức: họa hoằn lắm độc giả mới gặp những suy nghĩ về bổn phận và những thế tiến thoái lưỡng nan của quyền lực, hay ngẫm nghĩ về cái ác, sự đê tiện hay lời nhạo báng cay độc, nhưng hầu như không có dấu vết của một cuộc khủng hoảng lương tâm. Chỗ cao nhất trong lương tâm của nhà độc tài là dành riêng cho những nỗi đau riêng của ông ta: những hy sinh của ông ta cho người mẹ, ký sự về thói dâm dục và “những mối tình không được đền đáp” của ông ta. Có vẻ như nhà độc tài hầu như không có cuộc đời xã hội, mà chỉ có những đam mê riêng tư. Theo cách đó nhân vật lịch sử này được miễn trừ một cách kỳ lạ khỏi lịch sử. Ngược lại, những nhân vật vây quanh ông ta không có không gian riêng cho mình, mọi thứ họ nghĩ, nói, và làm là thuộc về đời sống xã hội, bởi vì nó xoay quanh nhà độc tài. Trong một câu chuyện mà cái trục chính là nhân vật tôi một nhà độc tài mơ mộng và đa cảm, mọi thứ khác thu nhỏ lại thành một sân khấu trên đó tôi tự bộc lộ. Các nạn nhân là những đạo cụ sân khấu.
Nếu García Márquez miêu tả nhà độc tài, thì không đến mức phơi bày và phân tích nội tâm phức tạp của một chính khách, mà chỉ khơi gợi tình thương đối với nỗi buồn, nỗi cô đơn của một ông già. Nhà độc tài là nạn nhân của nhà thờ, nước Mỹ, sự thiếu tình yêu, các kẻ thù, những cộng sự, cảnh mồ côi của ông ta, thiên tai, sức khỏe kém, sự ngu dốt cổ lỗ, vận rủi. Sau khi ông ta hãm hiếp một phụ nữ, chị ta an ủi ông. Còn có cả một nhà an dưỡng dành cho các nhà độc tài bị thất sủng, tại đó họ dùng những buổi chiều ở nơi lưu vong để chơi đôminô. Nỗi nhớ quê hương đảm bảo cho họ được miễn tố. Cuốn tiểu thuyết bằng một cách hoa mỹ và đa cảm làm mờ đi cái thực tại của quyền lực, và biến nền chuyên chính thành một vở cải lương. Nó lấy đi nhân tính của nạn nhân và trả lại nhân tính cho kẻ độc tài.
Xem tiếp phần 2