Có một nghịch lý không dễ gì phá bỏ, ấy là việc thơ chẳng phải gió nhưng cố định nó thật khó khăn. Thi sĩ đầu tiên và thi sĩ cuối cùng của loài người chắc chắn chẳng bao giờ gặp nhau mặc dù họ đều là kẻ thất trận trước cửa ải đó. Bởi đơn giản họ là những kẻ khác nhau, không bao giờ trùng khít nhau, nếu trùng khít nhau thì họ cũng chẳng thay thế cho nhau. Tự nhiên không cho phép điều ấy xảy ra, huống hồ thơ chỉ là câu chuyện của loài người. Mỗi nhà thơ là một chân trời của thơ và mỗi bài thơ là một định nghĩa về thơ. Đây chính là cuộc vờn đuổi bất tận giữa các nhà thơ với nhau và giữa nhà thơ với chính bản thân anh ta. Cuộc vờn đuổi của mở và đóng, của cố định và biến đổi. Kết cục là: chẳng có kết cục gì cả. Chỉ có sự góp mặt cho một cuộc trình diễn miên man, say đắm pha hơi hướng của sự mù quáng đáng yêu. Thơ rộng lớn bởi sự chia nhỏ của từng cá nhân như thế. Và như thế, mãi mãi không có sự cố định, không có mẫu số chung cho thơ. Có thể kết luận này dẫn tới những phản ứng, nhưng tôi vẫn cho rằng nhà thơ là kẻ làm phân rã thế giới, xin hiểu chữ phân rã ở mức độ trìu mến nhất. Nói cách khác, thơ nới rộng khoảng cách giữa các thế giới quan, hơn nữa nó còn nới rộng kích thước của một con người và không ai đảm bảo chắc chắn rằng sự nới rộng này còn giữ được tính thống nhất chặt chẽ. Con người có thể bị phân chia khỏi chính mình thông qua khoảng cách của các cảm giác. Sự phân chia này không có giới hạn, thậm chí càng chia nhỏ thế giới thơ càng tồn tại lâu bền bởi xét cho cùng thơ chính là những khoảnh khắc không lặp lại.
Thơ thuần tuý là cuộc chuyện trò, một cuộc chuyện trò ngang bằng với tất cả. Trước thơ mọi đẳng cấp xã hội bị gạt bỏ, chỉ có sự chênh lệch của những giá trị được đón nhận mà giá trị đó lại phụ thuộc vào nhu cầu nội tại của đối tượng đón nhận. Đôi khi một kẻ thất học nhận được ở thơ nhiều giá trị hơn là một kẻ có bằng cấp học vị cao và đôi khi những kẻ thua trận lại tìm thấy ở thơ sức mạnh mà những người thắng trận không dám mơ tới.
Thơ là ái kỷ vì nó luôn lấy chính bản thân nó làm đích để đạt tới dù cho chính thơ nhiều lúc cũng lúng túng về giá trị của mình. Thơ là chính nhà thơ với sự nhân rộng lên trong một khoảnh khắc hứng khởi. Khi hứng khởi tan biến thì thơ lặn mất hút đi, ở nơi nào đó trong sự thăm thẳm khôn cùng của chính nhà thơ ấy. Vì thế mà các nhà thơ chịu đựng sự đơn độc khá hơn các nhà văn và cũng vì thế sự thất vọng của các nhà thơ cũng êm ái hơn, kín đáo hơn.
Thơ là quả bóng màu bay vẩn vơ trong trí nhớ của con mèo. Đã có ai nhìn thấy đường bay phù phiếm và quái đản ấy chưa? Nếu trả lời rồi thì chắc chắn chỉ là ảo giác của ta, còn nếu chưa thì càng tệ hại hơn nữa, nó thông báo rằng chẳng bao giờ ta chạm tới được cốt lõi của thơ cả. Rất dễ tan biến khi ta tìm cách cố định thơ. Nhưng lảng tránh công việc đó, ta không phải là nhà thơ. May mắn thay, có một nghịch lý an ủi ta: Khi ta cố định thơ thì cũng có nghĩa ta mở tung giới hạn của thơ./.