Khi ta ở, đất là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn
(Chế Lan Viên –Ánh sáng và phù sa)
Hồi còn là sinh viên, tôi mê hai câu thơ này của Chế Lan Viên lắm, lâu lâu lại khẽ ngâm ngợi một mình, rất lấy làm tâm đắc. Chắc ai yêu thơ Chế Lan Viên cũng đều có cùng sự tâm đắc như tôi. Hai câu thơ nói được cái tâm trạng thường có ở con người, ghim vào lòng ta bằng hai biểu cảm tương phản “đất ở” và “đất đã hoá tâm hồn”, câu trên dẫn dụ ta bằng một ý hiển nhiên, câu dưới là một sự bùng nổ của cảm xúc và tứ thơ.
Gần 1200 năm trước, Giả Đảo đời Đường bên Trung Quốc đã có một bài với cảm xúc và cấu tứ na ná thế, ai đọc thơ Đường đều nhớ mãi, rung động mãi:
Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương
Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương
Vô đoan cánh độ Tang Càn thuỷ
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương
Tản Đà dịch:
Tinh Châu đất khách trải mươi hè
Hôm sớm Hàm Dương bụng nhớ quê
Qua bến Tang Càn, vô tích nữa
Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê
Già Đảo thời trẻ đã từng đi tu, rồi hoàn tục, đi thi nhiều lần mới đỗ, lúc làm quan thì bị dèm pha, bị biếm đi những chốn xa xôi. Thân phận ông thế thì ông coi những nơi ông ở chỉ như đất khách, là chuyện dĩ nhiên, ấy vậy mà đối với cái đất khách Tinh Châu, khi vừa rời xa, ông liền cảm thấy nó đã thành “cố hương”. Tâm trạng này trong đời sống bình thường ai cũng có đôi lần trải nghiệm, và sau Giả Đảo gần 1200 năm lại được nói hộ một lần nữa qua hai câu thơ Chế Lan Viên.
Thế rồi, sự tâm đắc buổi đầu của tôi đối với hai câu thơ Chế Lan Viên dần dần không còn nữa, khi đời sống tôi đã khác, tâm trạng tôi đã khác, trải nghiệm của tôi đã khác, ấy là khi tôi vào chiến trường khu 5, chiến trường Quảng Nam, thời chống Mỹ.
Tại chiến trường, ở bất cứ vùng đất nào, tôi cũng mang tâm trạng “đêm nằm, năm ở”. Mà có khi chả đến một đêm. Chỉ vài giờ, thậm chí vài phút, tấp vào núp một căn hầm nào đó cho qua trận pháo, qua cơn sốt, được một bà mẹ, một cô em nào đó rót cho bát nước, được một bàn tay mẹ, bàn tay em đặt lên vầng trán nóng như lửa với tiếng thở dài đầy lo lắng…Cho nên, không một vùng đất nào khiến tôi cảm thấy chỉ là “đất khách”, “đất ở”, mà bất cứ nơi nào tôi đặt chân tới, ngay phút đầu đã cảm thấy “đất hóa tâm hồn”. Bởi bất cứ giờ phút nào, ở bất cứ nơi nào cũng có những con người cưu mang đùm bọc tôi,sẵn sàng đổ máu bảo vệ tôi, và chính tôi bất cứ giờ phút nào cũng có thể thình lình ngã xuống nằm lại đó vĩnh viễn.
Tự nhiên, hai câu thơ Chế Lan Viên rung lên trong tôi một cảm xúc khác, một tình tự khác,gần như ngược lại, cũng với nhạc điệu ấy :
Khi ta ở đâu chỉ là đất ở
Máu thiêng rơi đất trĩu nợ tâm hồn.
Đất Việt của tôi, thời tôi, chứ không phải đất Tàu, thời Giả Đảo.
Lại nhớ câu thơ bình dị của Huy Cận mà tôi tâm đắc :
Suy nghĩ chi cũng trên mảnh đất này./.
Đà Lạt 2.10.2003