Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
1.031
123.367.684
 
Một Cuộc Chia Tay
Phạm Đình Trọng

Một ngày đẹp trời cuối thu, nhà văn Thái Vượng rời căn nhà tình nghĩa do báo Công an thành phố Hồ Chí Minh xây tặng ở Vân Hồ, Hà Nội để về quê, làng Ao Gỗ, xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc dưỡng bệnh, một căn bệnh hiểm nghèo do di chứng chất độc màu da cam nhiễm vào anh từ thời chiến tranh.

 

Mặt vàng nhợt. Bộ khung xương nhô ra. Dáng đi còng xuống vì lá gan đau. Nhưng trên gương mặt tiều tụy ấy vẫn ánh lên niềm vui như mọi lần Thái Vượng được về quê. Thái Vượng có nghĩ rằng đây là chuyến rời xa Hà Nội mãi mãi? Đây là chuyến trở về và ở lại mãi với mảnh đất quê Ao Gỗ? Với Thái Vượng, chỉ cái làng Ao Gỗ thôi đã mang lại cho anh bao nhiêu chuyện thích thú để anh mang ra kể, đưa ra khoe những lúc bạn bè ngồi chuyện gẫu, để anh lấy cái tên Ao Gỗ ra đặt cho một địa danh trong truyện ngắn của anh, để anh ghi tên Ao Gỗ dưới những bài viết của anh. Chúng tôi biết có truyện ngắn rõ ràng anh viết ở Hà Nội nhưng cuối truyện anh vẫn ghi Ao Gỗ ngày . . .  Ở đấy Thái Vượng còn có người vợ đảm, chị Can, mà Thái Vượng cũng hay nhắc đến với sự trân trọng, vì nể như nhắc đến một niềm tin, một giá trị bất biến. Bây giờ được về nghỉ ngơi dài ngày với mảnh đất quê Ao Gỗ, với người vợ hiền ấy, chắc Thái Vượng thỏa mãn lắm, vui sướng lắm. Còn chúng tôi thì xót xa nghĩ tới điều xấu nhất không tránh khỏi sẽ đến với anh chẳng còn xa nữa và đây là lần cuối cùng chia tay anh. Ai cũng cố nắm tay anh thật chặt, thật lâu. Chu Lai là người cuối cùng chia tay Thái Vượng khi Thái Vượng đã đến sát cửa chiếc xe cứu thương của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế. Một tay ôm vai, một tay nắm chặt tay Thái Vượng, Chu Lai nói:

- Lúc này có quê mà về là ngon rồi! Về đi! Thế nào bọn này cũng lên thăm.

 

Với mọi người cùng trang lứa, Thái Vượng có thái độ rất kiêu bạc, không phục ai nhưng với Chu Lai thì khác hẳn. Nhăn mặt vì một cơn đau chợt dội lên rồi Thái Vượng nói khẽ:

- Nhớ nhé, Chu Lai lên với mình nhé!

Chu Lai đỡ Thái Vượng vào xe và nói:

- Ừ, lên! Nhất định sẽ lên! Nhưng bọn này không muốn lên sớm đâu!

Lũ chúng tôi, lứa nhà văn quân đội hình thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, được Tổng cục Chính trị tập hợp lại ngay sau khi cuộc chiến tranh ấy vừa kết thúc. Từ khắp các chiến trường, qua bom đạn và sốt rét, hai mươi sáu đứa chúng tôi may mắn còn sống sót trở về gặp nhau. Hữu Thỉnh da trắng hồng và hay chuyện về từ binh chủng Tăng - Thiết giáp. Chu Lai xương xẩu và gân guốc từ đơn vị đặc công vùng ven Sài Gòn. Nguyễn Trọng Tạo còn giữ nguyên nếp sống dọc ngang phóng túng của những ngả đường chiến tranh khu Bốn. Tô Đức Chiêu từ pháo binh. Đào Thắng từ đơn vị pháo cao xạ quân khu Bốn. Xuân Đức từ địa đạo Vĩnh Linh. Nguyễn Trí Huân, Thái Bá Lợi nước da còn tái màu sốt rét từ những cánh rừng khu Năm. Nguyễn Thái Sơn, Phạm Hoa là lính lái xe từ đường Trường Sơn. Khuất Quang Thụy từ quân đoàn Ba. Phạm Đình Trọng từ mặt trận Tây Nguyên. Nguyễn Khắc Trường, Dương Duy Ngữ từ quân chủng Phòng không – Không quân. Đình Kính từ quân chủng Hải quân. Trần Đăng Khoa từ quân khu Ba. Thái Vượng, Nguyễn Ngọc Mộc, Phùng Khắc Bắc từ quân khu Bảy . . . Qua tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng, báo Quân đội Nhân dân, chúng tôi đã biết tên nhau từ lâu, nay mới được về gặp nhau. Còn nhiều đồng đội thân thiết, nhiều cái tên thân yêu, nhiều cây bút thật sự có tài nhưng không có mặt cùng chúng tôi vì họ đã ngã xuống trong chiến đấu. Nhà thơ Vũ Đình Văn, trắc thủ ra đa tên lửa hi sinh trong trận Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, 12 ngày đêm cuối năm 1972 Hà Nội đánh trả máy bay Mĩ. Nhà thơ Nguyễn Trọng Định, nhà văn Chu Cẩm Phong hi sinh ở chiến trường khu Năm.

 

Khi cầm súng ra trận, chúng tôi mới ở tuổi mười bảy, mười tám. Có người đang học dở trung học. Có người vừa bước chân vào trường đại học. Phần lớn vừa kết thúc trung học phổ thông. Mười năm sống trong đội hình của những cánh quân, trong điều lệnh nhà binh và trong những qui định ngặt nghèo thời chiến: Đi không giấu, nấu không khói, nói không tiếng! Những trái tim trai trẻ vừa thức dậy rạo rực và bồi hồi nhưng chỉ đập theo nhịp đập chiến sự: Nín thở, hồi hộp trước lúc mở màn trận đánh. Đau thắt, nghẹn ngào khi chôn cất đồng đội. Lầm lũi chấp nhận và vượt qua những khó khăn luôn đến bất ngờ. Vui sướng hồn nhiên sau trận đánh thắng. . . Vì thế khi kết thúc chiến tranh trở về, chúng tôi mới bắt đầu được sống cuộc sống tuổi trẻ. Và lúc ấy chúng tôi cũng còn trẻ thật. Tiếng cười, tiếng nói ồn ào vô tư như lính trong cuộc họp đại đội. Cuộc sống chung chạ, bày đàn, ăn ở tập trung, sinh hoạt theo tiếng kẻng. Cái riêng chỉ ở trang viết còn lại vui buồn đều chung. Hầu hết đều chưa vợ, chưa cả người yêu.

 

Vì thế việc lớn đầu tiên của chúng tôi là cưới vợ cho những anh chưa vợ. Lần lượt những đám cưới được tổ chức. Nhanh chân nhất trong việc này là Nguyễn Trọng Tạo. Tạo cưới cô sinh viên năm cuối trường đại học Y Hà Nội. Cưới xong, Tạo đưa vợ, bác sĩ Thọ, về thành phố Vinh quê hương làm việc ở bệnh viện tỉnh. Khi Khuất Quang Thụy cưới chị Tô Phương Liên, cô mậu dịch viên cửa hàng rau quả thị xã Sơn Tây thì Nguyễn Trọng Tạo đã có đứa con gái đầu lòng được Tạo đặt tên là Cẩm Ly và chúng tôi vẫn gọi cháu là Cầm Ly, cầm li rượu cho bố Tạo! Nhanh chân cưới vợ nhưng cũng nhanh tay chia lìa. Bây giờ Nguyễn Trọng Tạo sống với con gái đầu Cẩm Ly trong một căn hộ khu chung cư ở Hà Nội.

 

Phùng Khắc Bắc cưới cô giáo Nguyễn Thị Minh Tuất quê ở Mê Linh ngoại thành Hà Nội. Cô giáo Tuất vào dạy học ở Long Xuyên, gặp Bắc ở Sài Gòn rồi khi Bắc ra Hà Nội tập trung cùng chúng tôi được vài tháng thì Bắc – Tuất làm đám cưới. Lúc đó chúng tôi còn ở nhờ nhà dân ở làng Khương Hạ. Khương Hạ nay thuộc quận Thanh Xuân, nội đô Hà Nội nhưng lúc đó còn là ngoại thành, là vành đai xanh cung cấp rau cho Hà Nội. Đám cưới Bắc – Tuất tổ chức ở nhà ăn của chúng tôi được dựng tạm bằng tranh tre trên bãi đất sân kho hợp tác xã nông nghiệp Khương Hạ. Một đám cưới đặc chất lính, vui là chính và người dự cũng toàn lính, lính đang tại ngũ và lính đã rời quân ngũ về mặc áo dân sự.

 

Hôn nhân của vợ chồng Chu Lai còn đậm chất lính hơn nữa. Cả hai đều là dân Hà Nội. Anh ở phố 325. Chị ở phố Cát Linh. Cách nhau chỉ vài cây số. Nhưng cả hai đã phải trải qua hàng nghìn cây số máu lửa mới gặp được nhau. Anh đang học năm thứ nhất trường đại học Quân y thì Mĩ đổ những sư đoàn quân chiến đấu vào Đà Nẵng. Anh liền nghỉ học xin về đơn vị chiến đấu rồi vào thẳng chiến trường Đông Nam Bộ. Mấy năm sau, chị tốt nghiệp khoa ngữ văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội cũng nhận trang bị của một người lính rồi theo đường Trường Sơn vào chiến trường khu Năm. Khi chúng tôi về tập trung trong lớp nhà văn quân đội thế hệ chống Mĩ thì chị đã về làm biên tập sách văn học của nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Ngay sau khi gom đủ quân, chúng tôi liền được đưa lên Đà Lạt ngồi viết. Chị được nhà xuất bản cử đi cùng chúng tôi đón nhận và biên tập ngay những bản thảo vừa viết xong chưa ráo mực. Chu Lai viết khá nhanh vì thế bản thảo đầu tiên chị nhận được cũng là bản thảo của Chu Lai. Chu Lai viết xong chương nào được biên tập ngay chương đó. Một tháng ở Đà Lạt,  Chu Lai viết xong tiểu thuyết Nắng đồng bằng. Và cũng ngay trong tháng “đánh nhanh, thắng nhanh” đó, bằng mạch văn chương ào ạt, bằng tính cách ngang tàng mạnh mẽ của người lính suốt mười năm đối mặt với cái chết trong từng giây, từng phút, Chu Lai cũng đã làm xong công việc chinh phục người phụ nữ duy nhất của trại viết, biên tập viên, nhà văn Vũ Thị Hồng. Lúc đó cả hai đều là thiếu úy. Bây giờ cả hai đã là đại tá và quân hàm thiếu úy họ mang lúc gặp nhau nay là quân hàm mà người con duy nhất của họ đang mang, thiếu úy Chu Linh An, biên tập viên báo Quân đội Nhân dân.

 

Nguyễn Trí Huân cưới cô giáo Trâm, hiệu trưởng trường mẫu giáo, nhà ở phố Hàng Vôi Hà Nội được cử đi xây dựng trường mẫu giáo cho khu kinh tế mới của Hà Nội ở Lâm Đồng. Sự cách trở ấy làm cho tình yêu của họ vẫn như trong thời chiến tranh và họ luôn phải tìm cách vượt qua khoảng cách để đến với nhau. Dịp hè, dịp tết chị mới ra Hà Nội gặp anh. Còn anh mỗi dịp đi thực tế lại xin đi Lâm Đồng. Năm 1981 khóa một trường viết văn nguyễn Du tổ chức đi thực tế. Hữu Thỉnh đi Phan Thiết có bài thơ nổi tiếng Phan Thiết có anh tôi đã được tuyển chọn vào khá nhiều tuyển tập thơ. Nguyễn Khắc Trường đi Tây Nguyên có bút kí Gặp lại anh hùng Núp liền đoạt giải nhất cuộc thi bút kí báo Văn Nghệ. Năm đó tôi cùng trong đoàn đi thực tế ở Lâm Đồng với Nguyễn Trí Huân, Mỹ Dạ, Lê Xuân Khoa. . . do thầy Hoàng Ngọc Hiến làm trưởng đoàn. Truyện ngắn Giai điệu Đà Lạt của tôi được viết trong dịp này, viết ở nhà khách tỉnh ủy Lâm Đồng, đường Duy Tân, Đà Lạt. Nguyễn Trí Huân có bút kí Bát ngát Đồng Nai thượng viết về chuyến đoàn chúng tôi đi thuyền từ Đạ Hoai ngược lên thượng nguồn sông Đồng Nai, đến buôn Go, nơi đất rừng mênh mông màu mỡ còn rất hoang sơ. Nơi có những bầu cá rô, mùa cạn cá dồn xuống đáy đặc kín cả mặt bầu rộng! Nơi có bầu cá sấu, ban đêm soi đèn pin, mắt cá sấu bắt đèn sáng lấp lánh như sao trời. Đất màu mỡ lại đầu nguồn sông Đồng Nai, quanh năm có nước mà bỏ hoang thì phí quá! Dân đói đất ở châu thổ sông Hồng đánh hơi đất rất nhạy! Một nhóm dân Hà Nam Ninh đã đến buôn Go khai hoang lập làng, mang văn hóa làng xã sông Hồng đến hòa vào văn hóa Tây Nguyên. Sau Bát ngát Đồng Nai thượng, Nguyễn Trí Huân còn có truyện ngắn Cao nguyên không xa xôi kể chuyện anh lính ở biên giới phía bắc về Hà Nội làm đám cưới với cô giáo Hà Nội vào khu kinh tế mới của Hà Nội ở Lâm Đồng mở lớp mẫu giáo. Trong Cao nguyên không xa xôi thấy rõ bóng dáng chuyện tình của chính người viết. Tình yêu đẹp như vậy nhưng sự cách trở ấy làm cho đám cưới của họ đến khá chậm. Cưới nhau rồi, anh Huân vẫn còn phải đi lại Lâm Đồng nhiều lần nữa mới đưa được chị Trâm về ở một gian phòng ngay cạnh phòng của tôi ở khu Văn hóa văn nghệ quân đội do Tổng cục Chính trị xây dựng cho chúng tôi ở Vân Hồ Ba. Sự cách trở ấy cũng là liều thuốc thử với tình yêu của họ. Vững vàng vượt qua những khó khăn to lớn, những thử thách nghiêm khắc của sự cách trở ấy, tình yêu của họ đã bền vững đến hôm nay.

 

 

Trong những đám cưới ấy Hữu Thỉnh thường làm chủ hôn. Trước đó, Hữu Thỉnh còn làm việc quan trọng hơn nữa là chọn ngày lành tháng tốt định ngày cưới. Còn Thái Vượng lớn tuổi nhất trong bọn chúng tôi thì mặc quân phục chỉnh tề, đeo quân hàm trung úy, đại diện cho đơn vị chú rể.

 

Cưới vợ không phải là việc quá khó với những người lính đánh xong giặc trở về. Nhưng tạo được gia đình ổn định, hai vợ chồng được làm việc gần nhau, có căn phòng nhỏ để sáng đi chiều về thì quả không đơn giản! Chúng tôi ai cũng lận đận khốn khổ về chuyện này song ai cũng tin rằng công việc chúng tôi được trao là viết chân thực và sinh động về cuộc chiến tranh mà mình đã trải qua mới là việc khó. Chiến tranh qua rồi thì những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày đâu có còn là chuyện lớn! Rồi chúng tôi sẽ giải quyết ổn thỏa để có được cuộc sống ổn định như bao gia đình khác là điều bình thường, tất yếu! Nhưng không! Cuộc chiến tranh chúng tôi vừa trải qua lại là cuộc chiến tranh mà khoa học Mĩ đã sử dụng cả chất độc màu da cam để hủy diệt môi trường sống của những người lính phải dựa vào rừng núi cỏ cây của đất nước mà đánh giặc!

 

Sau khi làm trụi lá cây, làm chết khô những dải rừng đại ngàn, màn sương độc màu da cam đã tan đi rồi nhưng những phân tử chất độc màu da cam đặc biệt bền vững vẫn còn trong nước suối chúng tôi uống, vẫn còn trong đọt măng rừng chúng tôi ăn thay rau. Những người lính ở mặt trận không có ai chưa một lần hành quân qua những cánh rừng đang rũ lá, không có ai chưa một lần uống nước của những dòng suối chảy qua những dải rừng nhiễm độc! Nhiều đơn vị còn lợi dụng ngay những dải rừng ấy làm bãi tăng gia, trồng sắn, trồng rau, đỡ mất công phát rẫy! Tôi đã nhiều lần sống bên những cánh rừng đang rũ lá ấy. Nơm nớp lo ngại nhưng không thể không lấy nước ở dòng suối chảy từ những cánh rừng trụi lá để ăn uống tắm giặt!

 

Phùng Khắc Bắc là người đầu tiên trong chúng tôi bị những hạt bụi màu da cam quật ngã!

Cuộc đời chúng tôi đã quá vất vả! Cuộc đời Bắc còn vất vả hơn! Hai mươi sáu đứa về tập trung, đến khi khóa một trường viết văn Nguyễn Du khai giảng, chỉ có hai mươi hai đứa vào học. Hạ sĩ Trần Đăng Khoa và thượng sĩ Nguyễn Quang Tính mới vào bộ đội ít ngày thì cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc. Họ chưa được rèn luyện thử thách nhiều trong cuộc sống người lính. Họ lại còn trẻ, mới chợt tuổi hai mươi, thời gian phía trước của họ còn dài. Cơ quan cán bộ quyết định cho họ xuống đơn vị rèn luyện rồi đi học trường sĩ quan sau đó mới trở về làm văn chương. Đó là sự đào tạo căn cơ để sử dụng họ lâu dài. Trần Đăng Khoa xin về hải quân. Nguyễn Quang Tính xin về đơn vị cũ.

 

Còn trung úy Nguyễn Thái Sơn và trung úy Phùng Khắc Bắc đã từng trải trong chiến tranh cũng là một vốn quí thì được gửi đến học trường Sĩ quan Chính trị ở Bắc Ninh để trở thành cán bộ chính trị của quân đội. Thế là Bắc và Sơn lại mất thêm vài năm làm anh học viên trường Sĩ quan Chính trị, ăn ở tập trung trong trường, thời gian gấp gáp, công việc dồn đuổi, giờ giấc răm rắp theo tiếng kẻng. Cuộc sống của bản thân còn chưa ổn định, nói gì đến ổn định gia đình!

 

Cuối khóa học, cả lớp đi thực tập. Bắc và Sơn được đưa về làm chính rị viên đại đội ở sư đoàn đang trấn giữ biên giới phía bắc khi quan hệ giữa hai nước “nuí liền núi, sông liền sông, sớm sớm nghe tiếng gà gáy chung” đang căng thẳng, biên giới đang nóng bỏng. Họ đến biên giới được một tuần thì sự kiện ngày 17 tháng hai năm 1979 nổ ra. Toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta bị tấn công. Nguyễn Thái Sơn bị bắn thủng bụng và lạc vào rừng. Mấy ngày sau đồng đội mới tìm được anh khi vết thương của anh đã nặng mùi và anh thì mê man không biết gì. Viện quân y 108 ở Hà Nội phải cắt bỏ tám đoạn ruột của anh vì đã nhiễm trùng nặng. Nguyễn Thái Sơn còn sống được nhờ anh có sức khỏe phi thường của một cơ thể to lớn, sức vóc. Phùng Khắc Bắc làm chính trị viên đại đội giữ một chốt ngay trên đường biên và điểm chốt nhỏ nhoi ấy bị xóa sổ ngay từ loạt đạn đầu tiên!

 

Cả tháng trời sau đơn vị Bắc đến thực tập vẫn bặt tin Bắc. Hầm hào đơn sơ, vũ khí bộ binh thông thường, lực lượng nhỏ bé làm sao chống chọi nổi với biển người, thác lửa bất ngờ ập xuống! Sự hi sinh là điều không tránh khỏi! Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi được Tổng cục Chính trị giao trách nhiệm tập hợp và quản lí chúng tôi đã chuẩn bị làm lễ truy điệu Phùng Khắc Bắc thì một chiều nhá nhem Bắc lần về tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thì ra đêm khởi sự đó Bắc không có mặt ở điểm chốt. Từ chiều anh đã được tiểu đoàn gọi về họp nên anh là người duy nhất của cái chốt bất hạnh kia còn sống sót. Nhưng cả cơ quan tiểu đoàn bộ nơi anh về họp cũng thương vong tan tác mỗi người một nơi. Chỉ nhờ có sự từng trải của những năm tháng đánh Mĩ ở vùng rừng núi An Giang, Bảy Núi mà Bắc sống sót được hằng tháng trời, luồn lách trong những cánh rừng đã bị địch chiếm.

Lửa thép bất ngờ trùm xuống đầu, cái chết tưởng như đã vồ được Bắc, chỉ nhờ ngẫu nhiên mà Bắc thoát. Nhưng Bắc đã không thoát được cái chết tưởng như ở đâu đâu song thực ra nó đã tóm được anh tự bao giờ! Và Bắc biết rõ điều đó.

 

Dù ở đâu, dù đi học, dù làm cán bộ chính trị hay cán bộ hành chính, Bắc vẫn âm thầm làm thơ. Sau khi anh mất, những bài thơ anh để lại được những người bạn gần gũi thân thiết của Bắc tập hợp lại trong tập thơ Một chấm xanh. Tập thơ đã gây sửng sốt, kinh ngạc cho bạn bè của Bắc và cho cả giới văn chương về cuộc sống đời thường, về cuộc sống nội tâm và về cảm xúc thơ của Bắc. Tập thơ lập tức giành được giải thưởng của hội Nhà Văn Việt Nam năm 1992. Trong một bài thơ Bắc viết: Thương binh không có vết sứt ngoài da – Thương binh có những vết rách trong phổi – Được hàn lại bằng kháng sinh và tình đồng đội – Thương binh có siêu vi trùng nằm ngủ trong gan . . . Có tế bào lạ biến hình của chất độc da cam nằm lặng yên mỉm cười thâm trầm trong máu. . .

 

Sức khỏe để lại ở những ngả đường chiến trận. Sức khỏe bị chất độc màu da cam âm thầm gặm nhấm. Sức khỏe bị mài mòn trong tất bật lo toan đời thường để ổn định gia đình. Sự tất bật lo toan ấy tưởng đơn giản bình thường, tưởng chỉ là giấy tờ, thủ tục hành chính mà vô cùng khủng khiếp bởi những phiền hà xách nhiễu! Bắc âm thầm chịu đựng và âm thầm gửi nỗi niềm vào thơ. Đã mất mười năm vào chiến tranh! Lại mất thêm mười năm nữa để ổn định gia đình mà vẫn chưa xong! Chuyển vợ từ Long Xuyên về thị xã Bắc Giang, nơi bà mẹ già của Bắc đang mong ngóng con, mong ngóng cháu. Chồng ở Hà Nội, vợ ở Bắc Giang, đồng lương còm sẽ lại còm thêm, cuộc sống gia đình đã lận đận lại lận đận thêm! Thế là lại phải chuyển vợ từ bắc Giang về Hà Nội. Chuyển vợ con về Hà Nội rồi nhưng căn phòng riêng của gia đình Bắc ở Hà Nội chưa có! Đang còn dang dở lo toan thì Bắc đổ bệnh. Từ đó, tháng ba năm 1990, hạt bụi màu da cam công khai tuyên chiến với Bắc, công khai thách thức cuộc sống của Bắc! Từ đó Bắc phải tập trung tất cả thời gian, sức lực, tinh thần vào cuộc vật lộn sống còn với hạt bụi màu da cam giấu mặt trong cơ thể cho đến khi phải chấp nhận thất bại giữa tuổi bốn mươi sáu:

 

Ta chềt giữa tuổi thanh xuân

Vì một nguyên tử hơi độc da cam

 

Có ai không nhói đau trước tiếng kêu thảng thốt ấy của Phùng Khắc Bắc!

Thực ra cái chết đã lùi lại cho Bắc 5 năm. Từ năm 1985, Bắc đã thông báo về cái chết của mình : Mười năm – Tạm gọi yên hàn – Nhưng – Nhà làm lại chưa xong – Vợ học chưa xong – Con học chưa xong – Nhiều cái chưa xong – Cả cái chết cũng không đành nhắm mắt . . . Ta  chết đây – Xin chào những người sinh cùng giờ này.

 

Làm sao có được căn nhà để ổn định gia đình luôn là nỗi ám ảnh trong suy nghĩ ngổn ngang của Bắc: Ngày xưa – Chỗ ướt mẹ nằm – Sau mười năm – Vẫn chỗ mưa mẹ đứng. Ngày trước, căn nhà dột nát, dù là chỗ ướt nhưng mẹ vẫn được nằm! Sau mười năm chiến tranh, trong căn nhà ấy, chỗ nằm cũng không có nữa, chỉ còn Chỗ mưa mẹ đứng! Cho đến tận lúc nhắm mắt, căn nhà vẫn là nỗi khắc khoải không yên trong Bắc: Ngôi nhà cũ là những mảnh nợ chắp vào nhau!

 

Chất độc màu da cam được rải cấp tập xuống đất đai Việt Nam vào giữa những năm sáu mươi thế kỉ hai mươi. Đến tháng tư năm 1975 chúng tôi mới rời khỏi những cánh rừng bị hủy diệt trở về thành phố. Mười lăm năm sau Bắc mới phát bệnh. Còn Thái Vượng thì hai mươi năm sau. Như trái bom nổ chậm gài vào thời gian, những hạt bụi màu da cam quái ác cố chui thật sâu, đánh thật hiểm! Phùng Khắc Bắc bị ở ruột. Thái Vượng bị ở gan. Còn rất nhiều người lính khác thì phải đến đời con mới lãnh đủ di họa của nó!

 

Bệnh của Bắc phát âm ỉ. Khi đau râm ran. Khi đau quằn quại. Những thầy thuốc giỏi đang cố lần theo cơn đau dò tìm bệnh thì bệnh lại đột ngột biến mất, cơn đau không còn, người bệnh lại nhẹ nhõm, tươi tỉnh như chưa bao giờ đau ốm. Bắc lại năn nỉ xin ra viện, về nhà lo toan những công việc dang dở. Nhưng về nhà được mươi bữa, cơn đau lại đùng đùng nổi lên, lại vật vã, quằn quại! Căn bệnh như chơi trò ú tim với những người thày thuốc để hành hạ thân xác còm cõi của Bắc suốt hằng năm trời!

 

Còn bệnh của Thái Vượng đã phát ra là bạo liệt ngay. Thầy thuốc mở ổ bụng người bệnh ra lại phải khép vào ngay. Lá gan người bệnh đã nổi u nổi bướu, đã gồ lên như gốc cây cổ thụ rồi thì thôi đành bó tay!

Những khó khăn cơ khổ trong cuộc sống gia đình của Phùng Khắc Bắc, của Thái Vượng thì những người thân yêu, những bạn bè, đồng đội có thể chia sẻ, gánh vác đỡ được phần nào. Cuối năm 1995, sau khi Phùng Khắc Bắc mất đã gần năm năm, báo Công an thành phố Hồ Chí Minh đã cử người ra Hà Nội lo liệu cho vợ con Bắc có được căn nhà tươm tất ở phố Lý Nam Đế. Giữa năm 1996, khi Thái Vượng đang nằm trong bệnh viện, báo Công an thành phố Hồ Chí Minh lại đến với Thái Vượng, xây cho gia đình Thái Vượng căn nhà ở Vân Hồ Ba. Nhưng căn bệnh mà Phùng Khắc Bắc  và Thái Vượng phải mang vì một hạt bụi màu da cam thì tất cả đành bó tay! Tiến bộ y học hiện đại nhất cũng đành bất lực thì tiền bạc, tấm lòng của bạn bè cũng không làm gì được!

 

Hai mươi sáu đứa chúng tôi sau khi chia ra học hai khóa đầu trường viết văn Nguyễn Du rồi được chia về làm việc ở các đơn vị văn hóa, nghệ thuật, báo chí, xuất bản của quân đội và của quốc gia. Hằng ngày chúng tôi vẫn gặp nhau nhưng ít có dịp gặp mặt đông đủ. Chỉ đến giáp tết Tân Mùi (1991) chúng tôi mới lại họp mặt gần đông đủ để cùng vợ con Phùng Khắc Bắc đưa Bắc trở về yên nghỉ trên ngọn đồi thấp rợp bóng bạch đàn ở ngoại ô thị xã Bắc Giang, nơi Bắc đã sinh ra.

 

Cuộc kháng chiến chống Mĩ kéo dài suốt hai mươi năm mới gom lại được hai mươi sáu người lính cầm bút viết văn. Đâu có nhiều! Thế mà cuộc chiến tranh ấy vẫn còn đang lặng lẽ cướp đi những đồng đội, những nhà văn chiến sĩ còn rất trẻ của chúng tôi!

 

Lần này chúng tôi lại đón Thái Vượng từ bệnh viện ra rồi tiễn Thái Vượng về quê. Tuy Thái Vượng vẫn còn bước được những bước chậm chạp bằng đôi chân của chính Thái Vượng nhưng chúng tôi vẫn thấy cuộc chia tay hai ngả âm dương ngàn trùng xa cách. Và người đến chia tay Thái Vượng cũng chẳng có được bao nhiêu!

 

Tiễn Thái Vượng đi rồi, chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, điểm mặt nhau như thói quen kiểm điểm lại quân số xem còn ai trở về sau một trận đánh, như để động viên nhau, để yêu quí nhau, cảm thương nhau hơn sau một trận đánh nhiều mất mát./.

 

1997

 

Rút từ tập Kí sự Văn chương

BỨC CHÂN DUNG ĐỂ LẠI.  Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Hà Nội 2010.Bản gửi từ tác giả

Phạm Đình Trọng
Số lần đọc: 2532
Ngày đăng: 22.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đừng Bao Giờ Làm Đau Bạn Hữu - Lâm Bích Thủy
Hòn Đảo Hình Trái Tim - Nguyễn Minh Phúc
Mùa Thu Này Điện Biên - Tây Nguyên Ơi !... - Vũ Ngọc Tiến
Đang lành vết thương sâu - Phùng Văn Khai
Cha tôi ( Nhà thơ Quang Dũng) - Bùi Phương Thảo
Những Ngày Sương Nhạt - Nguyễn Hàng Tình
Xin Đừng Trách Đa Đa - Mây Ngàn Phương
Ghi chép ở Bến Dược, hiểu thêm nguồn gốc một địa danh. - Diệp Hồng Phương
Bác Ba Phi, sự thật và huyền thoại - Đặng Huỳnh Lộc
Tiếng Ghita Bên Rừng Thông - Nguyễn Hàng Tình